Home
» Giới thiệu sách
» Lý luận phê bình
» Platon và khung trời của Ý – Bài viết của TS Kim Thanh Nguyễn Kim Quý
Platon và khung trời của Ý – Bài viết của TS Kim Thanh Nguyễn Kim Quý
Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015
Trần
Năng Phùng:- Kính mời quí vị đọc bài viết "PLATON & KHUNG TRỜI CỦA
Ý" của TS Kim Thanh Nguyễn Kim Quý viết về Nhạc sĩ Lê Văn Khoa
Nhóm
Nhân Ảnh Tân Văn sẽ tổ chức buổi giới thiệu sách: "LÊ VĂN KHOA: Một Người
Việt Nam".
Buổi
giới thiệu sách được tổ chức vào ngày thứ Bảy 19/9/2015 tại SAIGON 9
RESTAURANT, vào lúc 11:00 trưa, xin xem tờ flyer để biết thêm chi tiết của
chương trình. Sách được viết bởi nhiều tác giả, trình bày trang nhã với nhiều
hình ảnh màu đẹp mắt, sách dày 700 trang in trên giấy láng. Tác phẩm này đã
được trình làng tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ. Đây là lần đầu được nhóm văn học
thực hiện tác phẩm sẽ giới thiệu đến quý đồng hương thân thương tại sân nhà Nam
California.
PLATON VÀ KHUNG TRỜI
CỦA Ý
1. Khung trời của Ý.
Ý,
tức Ý Tưởng. Ý Niệm. L’ univers des Idées. Cũng như tôi, quý bạn nào
theo Ban Triết trước 1975 chắc còn nhớ Platon (khoảng 427-347 BC) –là đệ tử của
Socrate và sư phụ của Aristote, cả ba đều là những triết gia lừng danh thời cổ
đại Hy Lạp – và lý thuyết và tư tưởng đặc sắc của ông. Tác phẩm đồ sộ của
Platon viết theo thể đối thoại (dialogues), dài ngắn khác nhau (từ 22 trang
trong Criton đến 418 trang của Les Lois), ghi lại những bài
giảng dạy của Socrate về đủ vấn đề: khoa học, toán học, công lý, lý luận, siêu
hình, đạo đức, thẩm mỹ, chính trị, luật pháp, giáo dục, tình yêu, nghệ thuật…
Đối thoại – làm nẩy sinh nhu cầu khai triển và tranh luận– cũng là hình thức
kịch nghệ (hay tiểu thuyết và phim ảnh trong thời hiện đại) mà người Hy Lạp rất
ưa chuộng, cùng với thi ca và triết học, và chúng ta không ngạc nhiên khi thấy,
trong văn học Cổ Hy Lạp, được vinh danh song song với Homère, Socrate, Platon,
còn có những kịch tác gia lẫy lừng như Sophocle (tác giả vởAntigone bất
hủ), Euripide, hoặc Aristophane.
Những tác phẩm quen
thuộc, kinh điển của Platon gồm có Banquet, Phèdre, Phédon, và République.
Trong đó, những tư tưởng và lý thuyết của “thầy” Socrate được lặp lại, đào sâu,
bàn rộng để rồi với thời gian trở thành độc đáo, độc nhất của “trò” Platon – mà
những triết gia Tây phương cận đại gọi là “platonisme”. Quả thế, Platon phân
biệt hai thế giới tương quan và tương phản: thế giới hữu hình, vật chất của
loài người, dưới trần thế đối nghịch với thế giới vô hình, tâm linh, ở tận
trời cao. Tức là lý thuyết về ý niệm căn bản (archétypes) qua đó bản chất thật
không nằm trong những hiện tượng (phénomènes) cá biệt ta thấy trước mắt (điều
mà, 25 thế kỷ sau, Kierkegaard và Jean-Paul Sartre gọi là être, thực thể,
vô tri vô giác – chỉ trở thành existence, hiện sinh, khi được thăng hoa
bởi sự tự do và chọn lựa, nhưng đó là một vấn đề khác), tỉ như một quyển sách,
một cây táo hay một người nào đó. Những hiện tượng đó, trái lại, nằm trong
vùng Ý Niệm tổng thể về sách, cây hay người. Socrate thì cho rằng dưới lớp vỏ
xác thân, con người cần đạt đến cái đẹp của tinh thần. Trong Phédon,
Platon phụ họa: “Thân xác là nấm mồ” (le corps est le tombeau). Nói cách khác,
những hiện tượng cá thể chỉ là bản sao chép ngắn hạn và chóng hư từ bản thể
vĩnh cửu và bất diệt của Ý. Ý tưởng là vô biên và bất biến, hiện hữu muôn đời
bên ngoài không gian và thời gian. Ý tưởng tạo thành đối tượng cho mọi khát
khao, thèm muốn, và đối tượng của mọi tri thức thật. Ý tưởng còn là những hình
thái trong đó tự biểu lộ thực thể cuối cùng và tuyệt đối có thật: Ý Niệm tối
cao của Điều Thiện. Lý thuyết của Platon tạo thành một hệ thống gồm những giá
trị tinh thần và giáo dục hướng về đời sống tốt đẹp cho cá nhân và quốc gia.
Bên cạnh lý thuyết Ý
Niệm, Platon còn chủ trương rằng mọi sự hiểu biết, hay học hỏi, thực ra chỉ là
kết quả của hồi niệm (réminiscence). Nói cách khác, linh hồn đã gặp gỡ Ý Tưởng
vào một giai đoạn nào đó trong tiền kiếp. Tất cả học thuật và kinh nghiệm, như
thế, chỉ là việc nhớ lại những Ý Tưởng qua sự gợi ra bởi những bản sao bất toàn
của Ý trong thế giới tri giác (monde des sens). Ví dụ, vẻ đẹp thể xác nơi một
người làm nhớ lại trong linh hồn tình nhân những kỷ niệm hạnh phúc bất tử về
Cái Đẹp lý tưởng đã bắt gặp từ muôn thuở trước. Trong Phédon, Platon nói
rõ hơn, nguồn gốc của mọi Cái Đẹp phải là “một vẻ đẹp khởi thủy mà chỉ sự hiện
diện thôi cũng đủ làm đẹp mọi sự vật trong một mối thông giao nào đó”.
Từ Cái Đẹp Platon dẫn
đến quan niệm Tình Yêu. Socrate xem tình yêu là một ước muốn – ước muốn điều
mình không có, rồi từ đó những điều tốt (bon) và đẹp (beau). Platon còn đi xa
hơn, tình yêu khởi đầu là một quyến rũ xác thịt, rồi thèm khát tinh thần, hoàn
toàn tách biệt khỏi thế giới hữu giác (sensible), để trở thành tình yêu thuần Ý
Tưởng. Giống như, một cách khác, trong Paul Claudel, nhà thơ Công Giáo hiện đại
Pháp, tình yêu tạo vật là nẻo đường dẫn đến sự tôn thờ Đấng Tạo Hóa. Vì thế,
trong văn chương và trên thực tế, có một hình thức tình yêu gọi là tình
yêu mang tên Platon, “amourplatonique” (không phải tình yêu đơn phương, hoặc
tao nhã, amour courtoisthời Trung Cổ Âu Châu), bảo đảm duy nhất cho Cái
Đẹp lý tưởng, theo nấc thang từ dưới lên: tình yêu thể xác ® tình yêu
trí thức (vs nhục dục) ® tình yêu đạo đức ® tình yêu
tuyệt đối. Có thể nói amour platonique là tình yêu lý tưởng, trong
tâm hồn, không chung đụng xác thịt. Đó là, trên thực tế, tình yêu nổi tiếng của
thi hào Pétrarque và Laure, thi hào Dante và Béatrice, thế kỷ XIV. Đó là, về
mặt văn chương, chàng quý tộc Félix de Vandenesse và góa phụ Mme de Morseauf,
trong Le Lys dans la vallée của Balzac, Ngọc và “chú tiểu” Lan trong Hồn
Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, hay “nhà cách mạng lãng mạn” Dũng và Loan
trong Đôi bạn và Đoạn Tuyệt của Nhất Linh v.v... Đó
là, nói một cách khác, sự khắc khoải đi tìm và vươn lên Cái Đẹp vô biên,
đích thực, chưa hề bị ô uế bởi thân xác, màu sắc, hay bất cứ ảnh hưởngphù phiếm
nào của cuộc đời, và lúc ấy linh hồn người sẽ vượt qua thực thể, để trở về với
cội nguồn vĩnh cửu, tuyệt đối, với sự hài hòa toàn vẹn và đồng nhất căn bản.
Khắc khoải, vì sao?
Như Platon viết trong Phèdre, ở mỗi linh hồn con người có hai cỗ xe ngựa
chạy ngược chiều giằng co nhau, một hướng về trời cao, một kéo trở lại mặt đất.
Có nghĩa là muốn với bắt Cái Đẹp tuyệt đối là một cố gắng phi thường và không
bao giờ dễ dàng. Rồi từ Cái Đẹp ấy, linh hồn tìm về Sự Thật và Điều Thiện. Cả
ba Ý Niệm ấy đồng hiện hữu, liên kết với nhau, và, như mặt trời chói lọi, tỏa
chiếu xuống trần gian những tia vàng vọt, mờ nhạt của khung trời vĩnh cửu Chân
Thiện Mỹ đích thực, tuyệt đối, bất biến.
2. Mỹ thuật và Triết học:
Học thuyết Platon
không bao gồm một hệ thống thẩm mỹ hoàn toàn được thiết lập, mà chỉ là những
nét chấm phá, gợi ý. Và tâm lý của nghệ sĩ hoặc của công chúng nhường chỗ cho
những nhận xét khác nhau về vai trò đạo đức trong từng bộ môn nghệ thuật.
Hình như trong tư
tưởng của Platon, Thi ca chiếm ghế danh dự, với điều kiện là kỹ thuật (làm thơ)
phải phối hợp với nguồn hứng cao cả. Về thi hứng, Platon viết trong Phèdre,
Triết học (philosophie, nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa “tôi yêu thích sự khôn
ngoan”) sẽ cấu tạo cho Thơ hứng cảm vĩ đại nhất, phong phú nhất, giàu sang
nhất.
Tuy nhiên Âm nhạc,
bằng khí cụ, lời ca, hay khiêu vũ (Platon cho khiêu vũ cũng là một cách thể
hiện âm nhạc) giữ vai trò chủ yếu trong Quốc gia (như dân tộc Lào, ghi chú
của tác giả KT): Đó là “pháo đài” chống giữ Đô Thị (Cité, cổ ngữ đồng
nghĩa với quốc gia, cf République, IV). Âm nhạc làm dịu phong tục,
tập quán. Nhưng bắt buộc nó phải đơn giản tuyệt đối và nhịp điệu phải được tẩy
lọc tối đa.
Và, một điều quan
trọng nữa: âm nhạc phải hoàn toàn lệ thuộc vào và phục vụ cho Chính Trị và Đạo
Đức. Chúng ta hiểu, Đạo Đức Chính Trị. Không thể có Chính Trị tách rời Đạo Đức,
như của một Tần Thủy Hoàng, một Hitler, một Staline hoặc một Hồ Chí Minh. Trong Les
Lois, thực vậy, Platon nhận xét về âm nhạc của một số nước thuộc miền Tiểu
Á (Asie Mineure) Cổ Đại: ông chối bỏ âm nhạc của dân xứ Lydie vì tính cách thở
than, làm suy yếu tinh thần (như dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn và
Phạm Duy thời chiến tranh Việt Nam), chê bai âm nhạc của dân xứ Ionie vì tính
cách dâm dật, quá ủy mị. Ông chỉ muốn giữ lại âm nhạc của xứ Dorie có tính cách
chiến đấu, hùng tráng, hay của xứ Phrygie hiền hòa, đem bình an đến mọi người.
Còn những bộ môn nghệ
thuật khác? Platon rất kỵ thuật hùng biện, ngụy biện, cái bề ngoài giả dối, giả
tạo, có tính lừa gạt, và cho là không xứng đáng được gọi là đối tượng nghệ
thuật. Vì vậy, dưới mắt ông, Hội Họa có vẻ nguy hiểm nhất trong các bộ môn nghệ
thuật. Trong Les Lois, ông khuyên chúng ta cố gắng tìm thấy trong Hội Họa
lý tưởng của cha ông ngày xưa, ví dụ những tuyệt phẩm trong các đền thờ Ai Cập
Cổ, vì tất cả chiếu lên một sự thật khắt khe. Vốn bảo thủ và thích những nét vẽ
có tính cách tôn giáo, thần thánh uy nghi, ông ghét sự đổi mới, những phương
pháp và kỹ thuật tân hội họa với những bức tranh nhìn xa thấy mơ hồ có một ý
nghĩa nào đó, nhưng khi đến gần những màu sắc trộn lẫn với nhau cho thấy những
khối dị dạng “không giống ai”.
Kịch Nghệ, Điêu Khắc,
Kiến Trúc, trái lại, là những bộ môn nghệ thuật mang những nét đẹp của nguyên
tắc tối cao: Cái Đẹp, ở bất cứ nơi đâu, cũng được định nghĩa bởi sự hài hòa và
đo lường đúng đắn, nhưng không có tính toán học hay khoa học khô khan và máy
móc, mà như một sự thỏa mãn, vui sướng đối với sản phẩm của Thẩm Mỹ. Sự thỏa
mãn ấy là một cảm xúc tinh tế nối kết với sự tìm kiếm trí thức bất vụ lợi.
Tóm lại, triết lý về
Nghệ Thuật trong Platon chính là ý tưởng về tính siêu việt (transcendance),
trái ngược với quan niệm của đệ tử Aristote – người đã, trong Politique
VII, cho rằng tất cả đều ở trong chúng ta và lý tưởng chính là con người, và
Nghệ Thuật là một sáng tạo, chứ không phải sự hồi niệm từ kiếp trước qua khung
trời của Ý. Đối với Platon, Cái Đẹp không tự dưng mà có ở mức đời sống. Nghĩa
là không ở trần gian. Nó ở trên và ở ngoài thế giới này. Phải cố gắng hết sức
để trở về với Bản Thể hoặc Ý Tưởng. Phải nắm bắt Ý Niệm căn bản của sự vật để
có thể cảm nhận cái đẹp sâu kín của chúng. Nếu không, chúng ta không bao giờ có
thể hiểu thấu cái gì hết. Cái Đẹp tuyệt đối không thể sờ thấy được, nhưng chính
vì đó mà con người phải thử mọi cách để đến gấn nó. Những ai đã thấy nó gần
nhất sẽ chính là những người mà chúng ta phải ngưỡng mộ vì sự hoàn hảo về hình thức
của nét vẽ hay âm thanh của họ. Và Platon nhắc lại: Tồn cổ thường chân chính
trong lãnh vực của Cái Đẹp, còn Canh tân luôn luôn là một sự lừa dối. Bởi vì
kinh nghiệm của mười ngàn năm không thế thay thế được.
3. Trở về trần gian:
Học thuyết Platon có
ảnh hưởng to lớn trên thời Trung Cổ và Phục Hưng với đông đảo “đệ tử Tân
Platon”, néo-platoniciens, khởi đầu là triết gia Ai Cập Plotin, thế kỷ III
sau TC, rồi các nhà đạo đức và thần học Công Giáo, hai Thánh Augustin và Thomas
d’Aquin, những nhà tư tưởng và triết gia, như phái Khắc Kỷ (Stoïciens), những
danh nhân và thi nhân, kể cả khoa học gia nổi tiếng Galilée, người đã nối kết
tư tưởng của Platon với tương lai của khoa học và con người, và nhà danh họa
Léonard de Vinci, tác giả của hai tuyệt phẩm La Cène (Tiệc Ly) và La
Joconde v.v...
Đọc Platon tôi không
khỏi nghĩ đến những bậc kỳ tài trong thiên hạ về các bộ môn nghệ thuật, qua bao
thời gian và không gian, mà những tác phẩm tràn đầy Cái Đẹp, Sự Thật và Điều
Thiện, dù sao, dưới mắt Platon, chỉ là những hình bóng phản chiếu ánh sáng bất
diệt tự khung trời Chân Thiện Mỹ tuyệt đối. Chỉ là hình bóng trần gian mà đã
hấp dẫn đến thế kia, thì thử hỏi ánh sáng Chân Thiện Mỹ tự trời Platon phải
siêu tuyệt như thế nào.
Về
thi ca, tôi nghĩ đến Virgile, Horace của Latin, Pétrarque và Dante của Ý,
Goethe của Đức, Shakespeare của Anh, Victor Hugo của Pháp, Nguyễn Du của Việt
Nam. Tôi nghĩ đến một người mà tài năng thật đa dạng, Michel-Ange, điêu khắc
gia, họa sĩ, kiến trúc sư, và thi sĩ Ý.
Tôi
nghĩ đến, dưới góc nhìn khiêm nhường khác, hai thi sĩ Bích Khê và Đinh Hùng,
cũng đã ít nhiều, vô tình hay cố ý, bắt chước “sư phụ” Platon khi nhớ lại, qua
sắc đẹp của mỹ nhân trần thế, Vẻ Đẹp tuyệt vời và tuyệt đối trong khung trời
của Ý:
Ô
tiên nương! Nàng lại ngự nơi này?
Nàng
ở mô! Xiêm áo bỏ đâu đây?
.
. . . . . . . .
Nàng
là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt
ngời châu rung ánh sóng nghê thường;
Lệ
tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm
y huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài
chút trăng say đọng ở làn môi. …
(Bích
Khê, “Tranh lõa thể”)
Ở
bên em, ôi biển sắc rừng hương!
Em
lộng lẫy như một ngàn hoa sớm,
Em
đến đây như đến tự thiên đường ...
.
. . . . . . .
Ôi
mắt xa khơi! Ôi mắt dị kỳ!
Ta
trông đó cả trời ta mơ ước,
Ta
thấy đó, một vừng đông thuở trước,
Cả
con đường sao mọc lúc ta đi,
Cả
chiếu sương mây phủ lúc ta về,
Khắp
vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ! …
(Đinh
Hùng, “Kỳ nữ”)
Nay
đến trước xin yêu, hồn khép nép,
Tự
trời xanh rơi xuống để gần em
.
. . . . . . .
Hãy
yêu tôi vì tôi làm nên mộng,
Hãy
yêu tôi vì tôi dệt nên trời
Em
đi trong trời mộng đó em ơi!
Theo
gió nhẹ bay cao hồn vũ trụ. …
(Đinh
Hùng, “Xin hãy yêu tôi”)
Về âm nhạc, tôi nghĩ
đến biết bao nhạc sĩ tài danh từ cổ chí kim, đặc biệt Beethoven, và của ông,
những bản nhạc tuyệt tác làm đắm say lòng người, và bản đàn Appassionata,
sonate # 23, mà tôi mê mẩn vì vẻ đẹp nhuốm màu Platon của Tình Yêu thần thánh,
dù tan vỡ. Nghe nỗi khổ đau tột cùng, mà vẫn đằm thắm, của tình yêu nát tan mà
tôi tưởng tượng đã chết theo mùa thu phai úa, trên đôi môi hững hờ, bởi những
chia lìa, mất mát, và phản bội –dàn trải ngút ngàn qua suốt bản sonate,
trên từng phím đàn thánh thót, đứt quãng, chìm xuống như từng giọt lệ ngân. Bản
đàn, cuối cùng, đưa tâm hồn về với bình an muôn thuở. Tôi nghĩ, một người nếu
thực sự đã nghe sonateAppassionata một lần rồi sẽ không còn muốn oán thù
ai nữa. Và tôi đọc ở đâu đó, Lénine có nói rằng nếu cứ tiếp tục nghe bản
nhạc này ông ta sẽ không hoàn thành nổi cuộc cách mạng vô sản.
Thực điên rồ nếu so
sánh Beethoven với một nhạc sĩ Việt Nam, Lê Văn Khoa. Nhưng nói đến Beethoven
không khỏi làm tôi nhớ Lê Văn Khoa về mức độ ngưỡng mộ đồng nhất cho cả hai
trong hồn tôi. Lê Văn Khoa, nhạc sĩ, nhạc trưởng quốc gia, và mãi mãi là quốc
gia, của Việt Nam Cộng Hòa, người qua các bài viết, hay tác phẩm CD, DVD, chứng
tỏ quan niệm chân chính về Cái Đẹp, Sự Thật và Điều Thiện trong khung trời của
Ý mà Platon đã nhắc, mà chỉ những nghệ sĩ trung thực và nhân bản mới đạt đến,
mà người Cộng sản tàn ác, dã man như loài thú hung dữ trong rừng, và đám nghệ
sĩ nô lệ, vong thân, vô chính nghĩa, phi quốc gia, sắt máu (“thề phanh thây
uống máu quân thù”) của họ, không bao giờ có thể nắm bắt được.
Lê Văn Khoa, mà Nhóm
Thân Hữu sẽ tiếp đón vào trưa ngày 19/9/2015 sắp đến, và ông sẽ tâm tình với
đồng hương Nam California. Lê Văn Khoa, người đã hòa âm phối khí bản quốc thiều
Việt Nam Cộng Hòa để cho ban nhạc phủ tổng thống Ukraine trình tấu một cách
xuất sắc. Lê Văn Khoa, người đem tình tự quê hương Việt Nam và chính nghĩa vào
trong âm nhạc, tương tự, phần nào, thiên tài Chopin đã mang vũ điệu dân tộc Ba
Lan vào những bản Polonaises bất hủ (Military in A major, op. 40, hoặc Heroic in
A-flat Major, op. 53).
Lê Văn Khoa, vị nhạc
trưởng tài hoa, cần được đồng hương chúng ta đến xem, thấy, và nghe.
Và tin. Để tránh vài ngộ nhận, thắc mắc, xì xèo này nọ của vài đồng hương, có
khi bị tưởng lầm là giáo sư “hòa hợp hòa giải” Lê Xuân Khoa. Vì chính vì thế,
hôm nay tôi phải lạc đường vào khu rừng Triết học quên lãng, viết bài này để
vinh danh ông và những nghệ sĩ quốc gia chân chính khác đã từ chối cộng tác với
bạo quyền, và đồng thời kính mời đồng hương đến tham dự, một cách đông
đảo.
Đến tham dự, quý đồng
hương chỉ mất vài tiếng đồng hồ phù du trong ngày thứ Bảy, nhưng ngược lại được
cả niềm vui tinh thần phơi phới dài lâu. Niềm vui mà, Platon cũng như kẻ hèn
này hứa hẹn, tâm hồn quý vị – tạm xa lánh những phiền muộn, nhọc nhằn – sẽ bắt
gặp trong khung trời Chân Thiện Mỹ và Nghệ Thuật không có trên cõi trần gian
này.
Portland, ngày 11/5/2014
Tiến sĩ Kim
Thanh Nguyễn Klm Quý
(Đại diện Nhóm Thân Hữu Lê Văn Khoa)
----
GHI
CHÚ
Bài
viết này dựa trên sách của:
- P.
M Schuhl, Platon et l’art de son temps, PUF, 2ème édition, 1952
- René
Huyghe, L’art et l’âme, Flammarion, 1961
- Denis
Huisman, L’Esthétique, PUF, 1961
- Israël
Knox, The Aesthetic Theory of Kant, Hegel and Schopenhauer, N.Y, 1936
----
Gửi từ
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hải ngoại ngày 17.9.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét