Home
» Giới thiệu sách
» Lý luận phê bình
» Đọc thơ về mẹ đầu mùa Vu Lan – Bài viết của Nhà thơ Phan Trung Thành (Hội viên HNV Việt Nam)
Đọc thơ về mẹ đầu mùa Vu Lan – Bài viết của Nhà thơ Phan Trung Thành (Hội viên HNV Việt Nam)
Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014
“Nếu
mai không còn mẹ” của nhà thơ, nhà báo Phạm Đức Mạnh, do Nhà Xuất bản Trẻ cấp
Giấy phép xuất bản, ra mắt bạn đọc cuối tháng 7/2014. Tập thơ dày 112 trang,
gồm 68 bài, trong đó có 38 bài viết về quê hương, về cha mẹ, về vợ, chồng; sự
suy ngẫm về cuộc sống, về đời. Và điều không thể thiếu trong tập thơ - đó là đề
tài tình yêu… tạo nên những cung bậc cảm xúc cuốn hút bạn đọc. Vandanviet.Net
trân trọng giới thiệu “Nếu mai không còn mẹ” cùng bài viết của Nhà thơ Phan
Trung Thành – Hội Nhà văn Việt Nam.
Thông tin liên hệ: (VanDanVietNet)
Tác giả Phạm Đức Mạnh
Họ tên Phạm Đức
Mạnh
Sinh năm 1956, Xuân
Trường, Nam Định.
Hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam.
Phó trưởng Chi nhánh Thời báo Tài Chính
Việt Nam tại TP.HCM
ĐT: 0918263636
Email: phamducmanh56@yahoo.com
_____
ĐỌC THƠ
VỀ MẸ ĐẦU MÙA VU LAN
Anh đã làm một hành giả cô đơn
trong hành trình xuôi ký ức. Đó là viết một bài thơ tưởng nhớ Mẹ trong cảm thức
“Mẹ là khách của trần gian”! Chỉ việc dùng từ “khách” ở đây thôi, tôi đã thấy
anh chọn phía cô đơn làm bầu bạn. Tâm thức nhân loại từ cổ chí kim, từ Đông
sang Tây (tôi đồ rằng) chưa ai dám thốt lên: Mẹ là khách!
Đọc ba tập thơ của tác giả Phạm
Đức Mạnh viết trong hơn ba chục năm, và liên tiếp trong 2 năm anh cho ra mắt
bạn đọc: Đừng theo trăng em nhé; Đong đầy kỷ niệm; Nếu mai không còn
mẹ - ở mỗi bài, mỗi trang đều ấm áp nghĩa tình, đầy ắp tình của một kẻ sớm
xa quê hoặc khi đang ở quê mà vẫn thấy bàng hoàng thao thiết. Tôi gọi đó là lối
viết “xắn vào ký ức”, mà ký ức thì như khói như sương khi mỏng khi dày, huyền
huyền ảo ảo:
Mắt vương trên đỉnh đồi non
Quẩn quanh khe núi hương còn đang bay…
(Vô tình -
Đừng theo trăng em nhé, trang 30)
Hoặc:
Tiếng khóc rung sương khuya thành hạt ngọc
Lơ lửng giữa trời mây
(Nhớ ai -
Sdd, trang 31)
Dù hương còn đang bay, sương
khuya thành hạt ngọc thì vẫn cứ là huyền ảo, câm lặng trong kho nhớ, chờ một
ngọn gió khơi ngòi, nên tác giả lại “toan” làm một điều “nông nổi”:
Trong mơ lại rủ gió về
Nghe Chầu ai bỏ thuốc mê ngọt ngào!
(Rủ gió về
làng - Đong đầy kỷ niệm, trang 77)
Trong mảng ký ức hao huyễn này,
dày dặn và “đậm đặc” nhất vẫn là nỗi nhớ khôn nguôi về Mẹ - Người đã về với cõi
cao xanh nhưng hình bóng hao gầy, nụ cười héo hắt chờ con thì vẫn còn đó, cả
trong mơ:
Ngày mai
Nhà mình đón khách
Bữa cơm sẽ khác ngày thường
Khách là - Mẹ
Của chúng ta xa vắng…
Mẹ nhớ người thân về theo hương khói
Rồi mẹ thầm đi về lại quê trời
Câu thơ bung ra từ cảm xúc, từ
nhớ thương, hòa quyện trong khói hương âm vọng. Một thứ âm nhạc của cõi đắng
đót, chia ly…
Tôi trích vài đoạn trong bài
thơ dài Mẹ là khách mà anh đang bày ra “một mối tơ vò” như bất cứ
người con hiếu thảo nào khi nghĩ về mẹ. Có điều, cách “bày ra” như thế, nếu
không phải là “cao thủ” xử lý tâm trạng, xử lý ngôn từ, không phải phát xuất từ
“vỉa” nỗi lòng nặng trĩu, thì chắc khó có những dòng thơ chạm đến sự thật,
nghẹn ngào.
Con phải tự giặt cho mình quần áo
Xé lịch mỗi ngày nhớ tháng, nhớ năm
Chiếc giường rộng hơn vì không có mẹ
Tự mình con phủi bụi chỗ con nằm
(Nếu mai không còn mẹ)
Mẹ đi xa đã lâu, nhưng trong
tâm thức của con thì mẹ vẫn còn ở bên cạnh đó. Con vẫn chạy về ùa vào lòng mẹ để
nghe mát rượi, để nghe thổn thức, để nghe “da bèo nheo” mà ấm áp nhường bao:
Không còn đêm con rúc vào ngực mẹ
Thỏ thẻ đàn bà, chuyện bí mật đàn ông
Con luồn tay se se từng núm vú
Da bèo nheo của người vợ thương chồng!
(Nếu mai không còn mẹ)
Trở lại với tập thơ “Nếu
mai không còn mẹ”, tôi không muốn trích dẫn nhiều những câu thơ linh
thiêng về mẹ; dự tính giới thiệu về “thân thế sự nghiệp” của anh cũng không cần
thiết. Đơn giản như anh đã thổ lộ: “Tôi chọn nghề làm báo dấn thân, làm kế
mưu sinh, để đong cho mình những kiến thức cần thiết. Sự va đập của nghề có lúc
bắt tôi phải trả giá về đời - giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân; sự trung thực
với kẻ giả dối tham lam, ích kỷ. Và trong sự sàng lọc tốt - xấu ấy, thơ mang
đến và bù đắp cho tôi sự thanh thản; giúp tôi gạt bỏ đi những thứ tầm thường
nhởn nhơ”. (Đong đầy kỷ niệm - Nxb Hội Nhà văn - 2013 trang 7).
Bình chánh, Vu Lan 2014
Nhà thơ Phan Trung Thành
(Hội Nhà văn Việt Nam)
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ
TP.HCM ngày 27.7.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanVietNet Khi Trích Đăng
Lại.
_________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét