Chân Diện Mục: Phê bình nhất định là khó
Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015
“Phê
bình nhất định là khó”- Câu này tôi chôm của Phan Khôi! Cụ Phan trong những
buổi họp văn nghệ (thời chia cắt ở miền Bắc người ta họp “hành“ nhiều hơn
miền Nam) thường phang những câu “đâm ngang chày củ“ nên người ta rất ghét. Ở
miền Nam hầu như không có họp văn nghệ toàn quốc, hoặc chính quyền tổ chức họp!
Thường là một nhóm văn nghệ sĩ họp chơi! Nói chuyện trời biển chơi!
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Chân Diện Mục
Họ tên thật Phạm Huy Viên
Ông sinh năm 1936 tại Nam Định, di cư vào Nam năm 1954
Học Đại Học Sư Phạm Sài Gòn khóa 1957-1960, ban Việt Hán
Dạy học tại Rạch Giá, Đà Lạt, Cần Thơ.
Nghỉ dạy năm 1978. Làm đủ thứ nghề: làm rẫy, đi buôn....
Cuối cùng viết văn thơ tại nhà nhưng không in hay đăng báo.
Email: chandienmuc36@yahoo.com.vn
_____
PHÊ BÌNH NHẤT ĐỊNH LÀ
KHÓ
Câu
này tôi chôm của Phan Khôi!
Cụ
Phan trong những buổi họp văn nghệ (thời chia cắt ở miền Bắc người ta họp
“hành“ nhiều hơn miền Nam) thường phang những câu “đâm ngang chày củ“ nên người
ta rất ghét. Ở miền Nam hầu như không có họp văn nghệ toàn quốc, hoặc chính
quyền tổ chức họp! Thường là một nhóm văn nghệ sĩ họp chơi! Nói chuyện trời
biển chơi!
Ở
miền Bắc các cuộc họp để xem xét lập trường từ tác phẩm cho tới tác giả, rồi
phê bình, tự phê, “đúc rút“ kinh nghiệm … rồi quan trên (có khi các quan về
tuyên văn giáo, không hề biết sáng tác là gì) túm lại và cho những ý kiến chỉ
đạo đường hướng sáng tác!
Ở
miền Nam thường là khen chê tùy hứng. Ghét ai thì xúc đất đổ đi, cũng có mổ xẻ
vô tư, nhưng hiếm lắm! Cũng có khi một tác phẩm tục tĩu, thô lậu, kích dục thì
nhiều người phê bình tới tấp (bây giờ gọi là ném đá). còn khen thì thường
thường khen bạn mình, người quen. Có khi người ta nhờ một vị đàn anh đã nổi
tiếng, khen để kiếm độc giả … sách bán chạy! Có khi (cái này thì đáng chê
cười) người ta mướn một người chửi thậm tệ để sách bán chạy! Cái này gọi là
kích động dư luận, kích động trí tò mò! để người ta đọc “thử“ xem sao mà bị
chửi như thế. Cũng như ngày nay, những cuốn sách bị “thu hồi“, đem in lậu ra sẽ
bán đắt như tôm tươi!
Trở
lại ông cụ kiện tướng trong làng bút chiến! Cụ nổi danh luận chiến vì ngòi bút
sắc sảo, nhưng cụ lại ít phê bình một tác phẩm. Chỉ trong buổi họp cụ mới đập
thẳng thừng những tác phẩm được giải (!). Cụ xổ toẹt tác phẩm được giải của
Xuân Diệu. Người ta “cãi“: “Thế thì Đảng giáo dục Xuân Diệu mấy chục năm
vô ích sao?“ Cụ trì lại: Đảng dạy Xuân Diệu chính trị chứ có dạy Xuân Diệu viết
văn đâu! Đó là những cãi qua đấu lại (giống như chuyện trà dư tửu hậu) chứ có
phải phê bình kiểu hàn lâm như Đặng Tiến và Thụy Khuê đâu!!!
Cụ
luôn dùng giọng khôi hài, khiến người ta tức anh ách, nổi khùng!: Đi tìm
ưu điểm của chị Cóc, tìm hoài không thấy, chỉ thấy chị ta da dẻ sần sùi, gớm
ghiếc mà thôi!
Ở
Hà Nội có trường viết văn Nguyễn Du, trong đó có hai ban: ban sáng tác, ban lí
luận phê bình! Ban phê bình cho ra hàng ngàn nhà phê bình (gớm! Làm sao
mà nhiều thế)
Nhà
phê bình dĩ nhiên là không biết sáng tác, thường không nêu ra thành tich đã phê
bình bao nhiêu cuốn, bao nhiêu người, mà thường chỉ xưng là tiến sĩ lí luận
,giáo sư lí luận, giáo sư đầu ngành về lí luận (!)
Hầu
hết các nhà phê bình nào đã dám phê ngay tác phẩm nới ra lò đâu! Họ thường phải
nghe ngóng xem trên có ý kiến có chỉ đạo gì không. Khi dư luận đã xôn xao rồi
thì họ vội vàng phê bình ngay kẻo mất phần (!) Khi Nguyễn Huy Thiệp đã
nổi tiếng rồi, họ bèn năm lấy cái đuôi con chuột của Nguyễn Huy Thiệp: “Có con
chuột to bằng bắp chuối chạy ra sân … cười hềnh hệch“ họ bèn khen là tuyệt cú
mèo (!) Cái đó thì ông Thiệp cung ngón tay út búng ra cả đống. Cái đó chỉ là
tiểu sảo, đâu phài Coeur de Thiep. Bất quá nó cũng như tiếng nói thầm của con
vịt trong Cái Nhìn Khắc Khoải của Nguyễn Ngọc Tư! nhưng mà không dí dỏm và có
duyên bằng.
Ông
Hoàng Ngọc Hiến khá nổi tiếng, hình như không phài nhà phê bình chuyên nghiệp.
Khi nói về Nguyễn Huy Thiệp, ông viết nhiều câu như là khen và cuối cùng kết
rằng: Tôi không chúc bạn thành công (!) Bà Đặng Anh Đào một người viết bình
thường, không nổi tiếng, đã rất thông cảm khi ông Thiệp bị nhiều búa rìu. Bà đã
gọi Nguyễn Huy Thiệp là Tâm Bão. Bà là người không có vai vế nên bà viết như là
không khen, nhưng đọc kỷ thì thấy bà khen. Trái lại, ông Hoàng Ngọc Hiến dùng
từ ngữ lớn lao, như là khen, nhưng đọc kỹ thì thấy là không khen! Ấy! Đại khái
những nhà phê bình không chuyên nghiệp thường e dè, kín đáo!
Các
nhà phê bình thường bắt các nhà văn tô hồng. Thời Nhân Văn, nhiều người tô đen,
trong đó có Nguyễn mạnh Tường, ở trên bắt ông Tường tô hồng, tức là viết lạc
quan… đáng cười… ông Tường bèn nghĩ tới mặt một vị thần Hy Lạp và ông viết: Nửa
Khóc Nửa Cười.
Thánh Thán vào đền Khổng Tử, nghe tiếng ngài thở dài, bèn về lấy bút
hiệu là Thánh Thán. Nếu ông vào văn miếu Việt Nam bây giờ chắc sẽ thấy Chu văn
An Nửa Khóc Nửa Cười.
Tôi
không thể bỏ qua cuộc bút chiến giữa một bên là ông Trần Mạnh Hảo và bên kia là
các giáo sư Trần Đình Sử và Nguyễn Đăng Mạnh. Ông Trần Mạnh Hảo là tài tử, còn
hai ông kia là chuyên nghiệp. Nhưng ông Hảo đã dùng từ chuyên nghiệp, trái lại
hai ông kia như ở trên đập xuống, cả vú lấp miệng em, gọi ông Hảo là anh Chí
(Chí Phèo) và dùng những từ miệt thị… Ông Nguyễn Đăng Mạnh chửi chưa đã, học
trò ông Mạnh (nhiều người có bằng cấp hơn ông Mạnh) cũng chửi theo bằng cái
giọng hùa hùa! Tôi lại nhớ tới nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, một người còn rất
trẻ, bị trù dập, nhất là địa phương, người ta lại đưa ra một ông thạc sĩ ở địa
phương để chửi Nguyễn Ngọc Tư, tôi không dám viết nhiều, sợ rằng nhiều người sẽ
chửi tôi, sao lại thừa giấy mực viết về ông thạc sĩ đó!
Trước đây, ông Nguyễn Văn Trung gọi: phê bình một bài phê bình của người
khác. là: Phê Bình Phê Bình. Thế kỷ 21 này có lẽ phải có môn: Phê Bình Phê
Bình Phê Bình (nghĩa là ông Hảo viết bài phê bình, ông Nguyễn Đăng Mạnh
viết phê bình bài phê bình của ông Hảo gọi là Phê Bình Phê Bình)
Rồi người thứ ba lại Phê Bình những lập luận của các ông Nguyễn Đăng Mạnh…
Trở
lại ông Nguyễn Huy Thiệp, sau khi nổi tiếng, nhất là văn giới bên Pháp chú ý,
người ta viết về ông ào ào! Có lẽ thuộc loại kỷ lục. Tôi thấy có hai nhà lí
luận, chắc là được đào tạo bài bản, viết bài mà tôi đọc hiểu … chết liền! Có lẽ
chính hai ông, sau này đọc lại cũng không hiểu mình viết gì (!)
Ôi!
Khi nhà phê bình nhiều quá! không biết viết gì thì sẽ… soi mói thôi! Thảo nào
nhiều người không thích và… xem thường các nhà phê bình. Ông Hoài Thanh nói
mình chỉ bình thôi chứ không dám phê. Ông Nguyễn Tuân thì không ưa, không thích
nói chuyện với các nhà phê bình. còn Nguyễn Huy Thiệp thì rất bực bội khi có
người “nhòm ngó“ vào tâm hồn ông để xem xem nó ra làm sao (!), ông có “thực“ là
một “nhà văn“ hay không?
Ôi!
Khi nhà phê bình rất nhiều, mà chữ nghĩa thì tỷ lệ nghịch với số lượng thì … nó
ra làm sao!
Có
người nói (hình như là ông Tố Hữu) Phê bình là ngọn roi giữ cho con ngựa đi
đúng hướng! Ôi! Ông nỡ lòng nào coi nhà văn như con ngựa ư!
Mà
nếu nhà phê bình kém xa nhà văn về chữ nghĩa cũng như tư tưởng thì nó ra
làm sao?
Ôi! Nếu người cầm roi không đủ sức leo lên lưng ngựa, mà xớ rớ
đứng phía sau thì… phiền lắm đấy!!!
07/10/2015
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Cần Thơ ngày 14/12/2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Đã chôm của cụ Phan Khôi xin tác giả vui lòng để tiêu đề trong dấu ngoặc kép, một góp ý nhỏ ạ.
Trả lờiXóa