Cuộc hành trình đến Đà Lạt – Ký sự du Tăng (tiếp theo) Mặc Phương Tử
Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014
Khi nói
đến Đà lạt, là nói đến trời hoa thơ mộng, của mây ngàn lãng đãng và khói sương,
của bao nhiêu tình tự và bình yên, nhưng nó vẫn lồng trong ấy bao nỗi cơ hồ
trong cuộc sống mỏng manh, cũng không ít nỗi đời gầy guộc đổ xuống bóng trầm
luân, qua bao vết hằn nỗi sầu dâu bể.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet) Tác giả Mặc Phương Tử
Tên thường gọi Nguyễn Thanh Tâm
Còn có bút danh Tuệ Như
Địa chỉ: 81b Trần Hưng Đạo, Tp. Long Xuyên, Tỉnh An Giang.
(Trước đây là Hội viên Hội VHNT. Đồng Nai, mới thay đổi địa chỉ.)
Còn có bút danh Tuệ Như
Địa chỉ: 81b Trần Hưng Đạo, Tp. Long Xuyên, Tỉnh An Giang.
(Trước đây là Hội viên Hội VHNT. Đồng Nai, mới thay đổi địa chỉ.)
ĐT: 0902425286.
CUỘC
HÀNH TRÌNH ĐẾN DALAT
9/- CỨU TRỢ LẠC DƯƠNG.
Khi nói đến Đà lạt, là nói
đến trời hoa thơ mộng, của mây ngàn lãng đãng và khói sương, của bao nhiêu tình
tự và bình yên, nhưng nó vẫn lồng trong ấy bao nỗi cơ hồ trong cuộc sống mỏng
manh, cũng không ít nỗi đời gầy guộc đổ xuống bóng trầm luân, qua bao vết hằn
nỗi sầu dâu bể.
Cứ mỗi khi đến Đà lạt, là
mỗi lần khoát lên trong tâm tư, ý tưởng khác nhau. Vào năm 2005, chúng tôi cùng
đi trong đoàn Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Đồng Nai, để tham gia trại sáng tác thuộc
khu vực cao nguyên tổ chức. Lần nầy, qua cái nhìn và cảm thụ cuộc sống từ nghệ
thuật, từ sự ca tụng hình ảnh thiên nhiên: “đã
bao lần trở lại, vẫn còn hương Lâm viên, cánh Mosa vàng mãi, trên đồi chiều
bình yên”.
Thế nhưng, có phải đâu
cuộc đời chỉ đừng lại những cái đẹp, những cái tình tự, những sắc màu diễm lệ
mãi như thế, thay vào đó bằng một cảm thụ mới, cái cảm thụ từ nỗi đời trong mỗi
thân phận con người, như: “đường về, bước
dốc qua truông, trong sương khói tỏa nghe buồn lạnh khuya!”, mà người
ta có thể cố lờ đi bởi những sắc rêu phong nhạt màu bên những lối đời vô tình
xuôi ngược.
Mỗi năm, đoàn cứu trợ Miền
Tây Nam Bộ, từ các đạo tràng Tịnh xá, Tự viện, cho đến các tổ chức từ thiện, do
Hòa Thượng Giác Dũng trú xứ tại Năng Gù, An Giang hướng dẫn đã nhiều năm liền.
Năm nay đoàn tập kết tại trung tâm Đà lạt vào chiều ngày 10.3.2014, để lên
phương hướng hoạt động cứu trợ vào ngày 11.03.2014 tại Huyện Lạc Dương, xã Dinh
K’ Nớ, Tất cả chi tiết đã được thông qua và được sự chấp thuận của các lảnh đạo
ban ngành tỉnh đến địa phương từ nhiều tháng trước.
Được biết, từ Tp. Đàlạt đi
về hướng Đông Bắc, đường rừng đèo dốc hiểm trở với chiều dài trên dưới 70km,
nơi đây cách hai năm về trước, đoạn đường chưa thực hiện thi công, nên rất khó
đi cho những chiếc xe trên 40 chỗ, nhưng năm nay thì khá dễ dàng cho loại nầy
hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một vài khúc đoạn gồ ghề giữa đá núi và đất, bên thì
vách núi, bên thì vực sâu, không ít nguy hiểm, nên có những chiếc từ 30 chỗ trở
lại di chuyển rất chậm. Có những chiếc bị cọ lường, tét vỏ, hoặc hỏng máy.v.v…
trên đoạn đường xấu nầy, nên có số người quá giang xe khác trong đoàn, hoặc
được các xe Honda của người dân tộc hộ đưa vào điểm phát quà cách đó gần cả cây
số. Tổng số nhận quà là 500 người tại xã nghèo nơi vùng cao vùng sâu nầy, và
tổng số tiền mặt trên l tỷ 200 triệu đồng, chưa tính phần linh tinh quà và gạo…
Buổi lễ phát và nhận quà
dưới ánh nắng mỗi lúc càng gay gắt của vùng cao nguyên, trông sự mệt mỏi đã hòa
lẫn với bao niềm vui, cái vui thật sự từ người cho ra, vì họ đã không tiếc gì
khi đi đến hơn 600 km, và cái vui từ người được nhận, vì họ thật sự là người
đáng nhận từ những tấm lòng hảo tâm. Chúng tôi thấy họ mừng đến nỗi, không cần
mang tiền về tới bản làng, mà ngay dưới bóng cây, bệ đá bên đường, họ trút tiền
và bao thơ vào cái nón, cái thau mũ, mà ngồi, mà vui, mà đếm để sớm biết kết
quả. Bấy giờ, trời đã đứng bóng, đoàn cứu trợ lần lượt về lại Tp. Đà lạt trong
nắng xế.
Chúng ta thấy rằng: có hai
cánh cửa mở ra để đi đến hai đạo lộ: một cánh đưa ta đi đến sự khổ đau, đói
khát và phá hoại, một cánh khác giúp cho ta đi thẳng đến cõi an vui, thanh
thiện, thăng hoa. Nền tảng của nguồn hạnh phúc là từ các hạnh lành, đứng đầu là
tinh thần Bố Thí, mà cũng là mở đầu cho cuộc hành trình tuyên dương giáo pháp
của Đức Phật. Trái với cuộc sống chìm đắm trong dục tham, những tư niệm ích kỷ,
gian trá, bỏn xẻn, nhỏ nhoi, với bàn tay nắm lại, để nhận lấy quả khổ, tổn hại
cho mình và người, khiến cho hơi thở, các tế bào sống phải bị hòa lẫn trong bùn
đục nhiễm ô từ trũng thấp thói đời.
Đức Phật giúp cho ta có
cách nhìn về cõi giới đích thực từ một hành động, một tâm hồn tốt đẹp, thánh
thiện, như: “như giữa đống rác nhớp,
quăng bỏ trên đường lớn, chỗ ấy hoa sen nở, thơm sạch đẹp ý người”. Điều ấy
không phải ở đâu xa, chính ở đây, giữa lòng cuộc đời nầy, mà ta đã làm được
nhiều thiện sự. Có khi chúng ta khái niệm, ấn tượng về một ngôi chùa, một ngôi
đền được giới thiệu qua công trình nguy nga đồ sộ, lộng lẫy, hay một trong
những pho tượng Phật, Bồ Tát, được xếp vào hạng to lớn nhứt, vĩ đại trong thời đại.
Đành rằng nó cũng giúp cho
lòng tin số đông, phần nào ích lợi cho sự hướng thiện, ngưỡng vọng chiêm bái.
Thế nhưng, chúng ta quên rằng đức Phật hay đạo Phật luôn có mặt trong đời với
những mục đích: “nơi bất công, Phật hiện
thân bình đẳng, cõi tử sanh, diệu lý Phật vô sanh, trong bi trí, Phật xóa lòng
cừu hận, trong đau thương Phật siêu hóa một tình thương.”
Đã một lần đức Phật chứng
minh cho một vị Thiên khi đến đảnh lễ, và trình kệ như sau “trong ngôi nhà
thiêu cháy, vật dụng đem ra ngoài, vật ấy có lợi ích, không phải vật bị thiêu.
Cũng vậy trong đời nầy, bị già chết khô cháy, hãy đem ra bằng thí, vật thí khéo
đem ra, có thí có lạc quả, không thí không như vậy…” Một trong những việc
làm đích thực ấy, giúp cho mình có được lạc quả, giúp cho người có niềm vui
giữa đời thường, cho dù chẳng là bao.
Đêm nay trời Đà lạt căm
căm lạnh! Ngồi nhớ lại ngày cứu trợ, mà hiểu thêm cho những mảnh đời:”đường về bước dốc qua truông, trong
sương khói tỏa nghe buồn lạnh khuya!”
10/- VIẾNG CHÙA…
Ngay sau khi đến Đà Lạt,
đầu giờ chiều, việc khởi động đầu tiên của đoàn là viếng chùa, để được chiêm
bái, cúng dường, và cầu nguyện, phần nào có khác với những chuyến, tour tham
quan… Vì Đàlạt là điểm dừng chân có sức lay động tâm hồn về mặt thiên nhiên, núi
đồi, rừng thác, sương lạnh và ngàn thông, mây trắng và ngàn hoa…
Nhưng ở đây cũng không thể
loại trừ những điểm du lịch tâm linh, của kiếp con người nhỏ bé, bởi đối trước
sự mênh mông cuộc đời, và bộn bề cuộc sống, trăm phương toan tính, vui buồn và
khổ đau từ bên trong của bao nỗi niềm tục lụy…! Do đó, việc làm phước, cúng
dường, cầu nguyện, chiêm ngưỡng và lễ bái Tam bảo, để làm cho tăng trưởng công
đức và phước lành là điều cần phải có đối với những ai có lòng kính tin và tu
tập.
Nói đến những ngôi chùa ở
Tp. Đàlạt, như: chùa Linh Quang, chùa Linh Phong, chùa Linh Sơn, chùa Linh
Phước, Thiền viện Vạn Hạnh, Thiền viện Trúc Lâm.v.v… những nơi đây khách trần
duyên đã gieo bao nỗi niềm dâu bể, phút giây dừng trôi nơi bến giác.
a/- Đoàn xe thẳng lên
đường đồi chùa Linh Sơn giữa hai hàng thông và bạch đàn. Thông tin du lịch cho
biết rằng: ngôi Linh Sơn tự nầy đã có từ năm 1938, lối kiến trúc cổ kính đậm
nét Á đông, trước đây Tượng đài Bồ tát Quan Âm được tôn trí ngay trước mặt diện
sân chùa, nhưng nay được dời sang bên trái Chánh điện (ngoài nhìn vào) và cạnh
bên phải Chánh điện (ngoài nhìn vào) là Pháp tháp 3 tầng hình bát giác. Cặp
rồng chầu hai bên sân chùa trước Chánh điện. Bên trong chánh điện là Tôn trí
tượng Phật Bổn Sư bằng đồng từ năm 1952, có chiều cao 1,7m, nặng 1,25 tấn, bên
trái là Tổ đường, bên phải Hộ Pháp Di Đà, và một đại hồng chung nặng 450kg.
Chúng ta quan sát tổng
thể, thấy biết là như vậy, thế nhưng ờ thời điểm nầy ngoài sân vườn, hoa cỏ đã
phải ngả màu tàn phai, rác rến như chưa kịp dọn cuối ngày, thoáng trông vài con
ngựa lơ thơ kiếm sống bên triền đồi vắng đìu hiu, bổng dưng lòng chợt nhớ đến
lời thơ đã được nhạc sĩ Minh Kỳ phổ từ thơ của thi sĩ Dạ Cầm “Thương Về Miền Đất Lạnh” như: “Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban
chiều…”
Và bây giờ, hương và trời
đang là ban chiều, phải chăng tiếng chuông ban chiều xưa lại cũng đang rơi rơi
nhẹ nhẹ lan xa, và lan theo từng bước đi của đoàn hành hương.!
b/- Rời khỏi
chùa Linh Sơn, tiếp đến đoàn hướng về khu vực Trại Mát để đến chùa Linh Phước.
Theo sổ tay du lịch, được biết chùa Linh Phước được khởi công vào năm 1949 và
hoàn thành năm 1952, nguồn xây dựng do Phật tử địa phương đóng góp, và có một
lần trùng tu vào năm 1990 cho đến nay.
Ngôi đại hùng bửu điện có
chiều dài 33m, rộng 22m, tôn trí bảo tượng Bổn sư cao 4,9m kể cả tỏa sen. Hai
hàng cột bên trong khảm mảnh sành hình rồng, và phù điêu lịch sử Phật Bổn sư,
có tranh vẽ điển tích Phật A Di Đà, kinh Pháp Hoa, phí sau là Tổ đường, Thập
bát La Hán và Thập mục ngưu đồ.v.v… Ngoài ra còn có Long Hoa Viên chạm hình
rồng 49m và thờ Tôn tượng Di Lặc, đối diện có tòa Linh Tháp 7 tầng, cao 37m,
đại hồng chung cao 4,3m, đường kính 2,3m, nặng 8,5 tấn. Còn có một bảo tượng Bồ
tát Quan Âm kết bằng hoa bất tử tôn trí phía trước sân chùa.v.v…
Đó là nói về phần cơ sở
kiến trúc xây dựng thờ tự, chiêm bái. Ngôi chùa nầy khác hẵn với ngôi chùa Linh
Sơn, sự vắng vẽ đìu hiu của chùa Linh Sơn lúc nảy bao nhiêu thì chùa Linh Phước
trông tấp nập ồn náo bấy nhiêu. Vì nơi ấy có nhiều cơ sở chạm trổ, điêu khắc,
tạc tượng, trưng bày các mặt hàng cây gỗ các loại từ tạp đến danh mộc hiếm quí,
phần đông khách tham quan chỉ lấy tay chạm đến hiện vật mà tấm tắt bằng lời
thôi! Ở hai cạnh góc mặt sân là bãi đậu xe các loại, và quày bán quà lưu niệm,
các loại đặc sản bánh mứt, ăn uống.v.v… mà phần lớn các điểm ăn chơi, phục vụ
mua sắm đều có.
Có điều thoáng nghe phần
đông du khách thường hay bảo nhau rằng: nên đến chùa Linh Phước; vì vừa Linh và
vừa Phước, nên thường thấy họ đến những nơi tôn tượng là đắm đuối lễ lạy, mài
miệt cầu nguyện van xin để tìm kiếm chút may mắn linh thiêng từ cõi trên… Họ
không nghĩ rằng: muốn có PHƯỚC là phải tùy hỷ tâm mà bố thí, hành sự mọi bất
hại cho đời, phải BIẾT ý thức sống giữa mọi người, và tập tu các pháp lành để
được LINH. Như vậy mới đem lại mọi an ổn. Như lời Phật dạy:
“Vui thay, chúng ta sống, không rộn giữa
rộn ràng;
Giữa những người rộn ràng, ta sống không rộn ràng” PC 199.
c/- Hòa Thượng
chứng minh mà cũng là Trưởng đoàn cứu trợ, đã đứng trước bậc thềm đầu tiên, chờ
chư Tăng và đoàn để cùng hướng lên Thiền viện Trúc Lâm. TV. Trúc Lâm là một
trong những điểm được giới du lịch quan tâm nhứt hiện nay mỗi khi du khách đến
Đà lạt. Tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng cách Tp. Đà lạt 5km, khởi công xây
dựng từ năm 1993 và hoàn thành năm 1994 (điểm đặc biệt là mô hình xây dựng các
Thiền viện đều giống nhau, chỉ khác nhau đôi phần tùy theo địa hình, và tiến độ
thi công rất nhanh).
Tất cà các công trình
Thiền viện Trúc Lâm do HT. Thích Thanh Từ chủ xướng, với tinh thần làm sống lại
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308).
Ngoài đường bộ để đến Tv.
Trúc Lâm ra, còn có cáp treo nối liền từ bến xe mới Đàlạt đến thềm sân dưới của
Thiền viện. Phía dưới mặt tiền của Thiền viện là Hồ Tuyền Lâm và núi Voi, đây
cũng là một thắng cảnh rất thơ mộng hữu tình, du khách có thể du thuyền hay dã
ngoại bên kia dưới chân núi.
Lại một lần nữa, chúng ta
có dịp thấy khác biệt rất rõ cả hai ngôi chùa vừa kể trên, khách viếng Thiền
viện rất đông, trước thềm chánh điện có lúc chen chân, nhưng không vang tiếng
ồn, không bịt bùng nhang khói, không lấn giành lối đi, mà nghe như có chung một
không khí bình yên, trang nghiêm, hiền hòa giữa bao con người, cây cảnh và hoa
cỏ, vườn hoa kiểng ở đây như có phần nhỉn hơn vườn hoa Tp. Đà lạt là phải? Bởi
từ một tâm thái bên trong như thế nào, thì đối ngoại cảnh cũng hiển lộ ra như
thế ấy. Thế nên ta nghe từ lời Phật dạy: “Hãy học các giòng nước, từ khe suối vực sâu, nước khe suối chảy ồn,
biển lớn động, im lặng” Cho dù có đang hoạt động đi nữa, nhưng với
định tỉnh vô tranh, thì khác nào sự im lặng của bậc Thánh.
Được biết trong hai nội
viện, có số lượng Tăng Ni trên trăm vị, thế nhưng chúng tôi đi quanh bán vòng
cả hai khu vực, vẫn nghe im phăng phắc. Tất cả quày lưu niệm, quán giải khát
đều được chia thành khu vực bày bán phía dưới sân cùng với bãi đậu xe, nên khu
vực trung tâm Thiền viện luôn được yên tĩnh. Cảnh trí bên trên như có lực hấp
dẫn nào níu chân lại bao khách lãng du qua lời ca “Bềnh bồng sương, bềnh bồng nỗi nhớ… Ta ngẫn ngơ không muốn quay về…”
Mặt trời đã cắm đỉnh non
xa, đoàn xe tuông dốc hướng về Tp. Đà Lạt trong bãng lãng sương chiều và đồi
núi thắt lưng mây.
11/- TẤM LÒNG THÀNH KÍNH.
“Thành kính là phước báu
Quên mình là cội phước
Phước là sự bố thí”.
Không phải đã có từ ngàn
xưa, mà ngay cho đến tận bây giờ, vẫn còn có những người thuần khiết, chân chất
và thành kính đối với Tăng già, khi họ còn phải đối mặt giữa bao cuộc đời
thường. Trong khi mật độ con người ngày càng cao, nghiễm nhiên là sự bon chen
cạnh tranh cho sự sống và lẽ sống, cũng phải được nâng lên để giành phần riêng
từ mọi lãnh vực, để vệ cho cuộc sinh tồn.
Tuy nhiên, cho dù dòng
thời gian và xã hội có biến động đến như thế nào, nhưng những sắc màu và hương
hoa vẫn âm thầm lặng lẽ truyền đi một sức sống lành mạnh cố nhiên cho muôn ngã
cuộc đời.
Nhận lời cung thỉnh của
ĐĐ.G.Khải ngay từ khi còn ở Nha Trang cách 3 ngày trước đó. Bây giờ trời Đàlạt
đã nghiêng chiều, từ khách sạn Á Đông, 3 chiếc tắc xi loại 7 chỗ hướng về và
qua khỏi chùa Linh Quang hơn 100m, phía trên trái đồi thoãi dài là những dãy
nhà nửa cây nửa tường, hình thức kiến trúc đơn sơ. Như đã chuẩn bị trước mọi
việc, những thành viên trong gia đình chừng 10 người thôi, trong đó có 2 vị mặc
áo tràng và 1 vị sư Tăng, còn lại trông rất gọn gẽ qua cách trang phục để đón
tiếp chúng tôi.
Thoáng nét hoan hỷ ẩn hiện
sự chân chất bên trong của mỗi tâm hồn, có lẽ ít khi họ được dịp tiếp đãi chư
Tăng đông như vậy, dù là ly nước, phong bánh, dĩa mứt, tịnh tài, nhứt là lời tác
bạch cúng dường, ĐĐ, G, Khải: “cúng dường
như thế nầy, làm thêm nhớ đến bà thân khi còn sanh tiền…” để ngầm hiểu rằng:
khi mẹ còn sống, cũng đã tùy hỷ việc làm như vậy …, và hơn thế nữa, trong gia
đình có 2 vị đã trở thành tu sĩ Phật giáo, nên lòng kính tin Tam Bảo cũng đã
được sâu đậm và tự nhiên trong tâm tưởng.
Chân chất, trong sáng,
thành kính là những chất liệu đạo đức gắn kết với muôn đời, muôn người và muôn
loài, mà cũng là mạch nguồn bình an và phước lành, là nhân lìa xa ác đạo. Bởi
vì nó ví như ngưỡng cửa vượt thoát khỏi nơi trói buộc, túng quẩn, ích kỷ, bỏn
xẻn, thiếu thốn và khổ đau của kiếp người hạ liệt.
Do đó, pháp Bố thí hay
cúng dường là những pháp phổ quát trong giáo lý Phật, mà đối tượng là Đức Phật,
Thánh đệ tử, Cha mẹ và chúng sanh, như lời Ngài Tịch Thiên: “Hãy thường khởi tâm hành thiện, hoặc khởi
tâm đối trị (bất thiện), như cúng thí vào 3 ruộng phước là: Kỉnh Điền (cúng
dường Tam Bảo), Ân Điền (cha mẹ), và Bi Điền (kẻ nghèo khó), thì sẽ được phước
lớn”.
Không những vậy, với tinh
thần phổ hóa của đạo Phật, Đức Phật còn dạy cho chúng ta nhận thức thêm như
sau: “Không phải do nhờ hiệu lực của
Tặng vật mà việc bố thí cúng dường đặc biệt phát sinh kết quả lớn, song đúng
hơn, do hiệu lực của tín tâm và phước điền của những người nhận được vật cúng
dường… sẽ được đại kết quả, đại vinh quang, và công đức thấm nhuần khắp nơi…”
(Kinh tiểu bộ II, Thiên cung sự.)
Buổi tiếp và cúng dường
tiểu thực, cũng như sau những lời hỏi thăm vấn an và chúc lành, chúng Tăng từ
giả ra về, trong lúc đèn hai bên đường vừa chiếu sáng, và cảm nghe như đang
thắp sáng trong những tấm lòng thành kính…
12/- CHỤP HÌNH.
Trước đây và bây giờ, các
nhiếp ảnh (chóp hình) đã trở thành phổ biến rộng rãi khắp nơi, như ; những điểm
tham quan thắng cảnh du lịch, những đền thờ, chùa chiền, tôn miếu, những điểm
di tích lịch sử.v.v… họ vừa thể hiện năng khiếu nghệ thuật để phục vụ, đóng
góp, hướng đến cái Chân, Thiện, Mỹ cho quê hương đất nước, con người, mà cũng
là vừa đem lại lợi nhuận cho sự sống bản thân và gia đình. Với chuyên ngành
nầy, nay đã trở thành “Hội Nghệ Sĩ Nhiếp
Ảnh Việt Nam” hay nhỏ hơn là “Câu Lạc
Bộ Nhiếp Ảnh”.
Đòan tham quan nào đến
Đàlạt, những người này rất nhanh nhạy, họ có mặt ngay nơi nhà nghỉ hay khách
sạn, để tháp tùng, hướng dẫn, giới thiệu địa danh lịch sử, phong cảnh và chụp
ảnh lưu niệm… Họ rất sành sỏi, điệu nghệ về phong cách, và phần nhiều cũng rất
thông hiểu về những sự kiện, những câu chuyện, tình tiết về địa danh, niên đại
có liên quan đến lịch sử.v.v…
Về phía khách hàng, nhìn
chung về mặt tâm lý, một khi đứng trước cảnh trí hữu tình đồi suối thông hoa,
những khách cũng muốn có vài tấm ảnh vừa ý để kỷ niệm cho một chuyến đi. Và mỗi
khi chụp ảnh thì bao giờ cũng lựa chọn, tìm kiếm cái đẹp, nên thơ, để tăng thêm
phần duyên dáng, thường gọi là “ăn ảnh”.
Tuy nhiên, gần đây có
những loại máy chụp hình mini nhỏ gọn và các loại điện thoại di động, iphone,
có chức năng ghi hình cũng khá tốt, nên phần nhiều du khách ít nhờ đến máy ảnh
chuyên nghiệp từ ngoài, mặc dù họ xử dụng máy riêng hay điện thoại iphone, thì
về mặt kỷ xảo nghệ thuật, cũng không thể qua nổi các loại máy dành cho những
nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Thế nhưng, ngoài những giá
trị ảnh nghệ thuật lưu niệm ra, nó còn ghi lại sự kiện thực, ẩn kín và sâu sắc
với những khoảnh khắc sống của cuộc sống, mà nghười nghệ sĩ hay tự thân người
được chụp, phải biết chớp lấy một cơ hội “khoảnh
khắc thực”. Bởi vì cuộc đời là một chuổi dài bất tận từng chập khoảnh khắc
đi qua, nếu có minh họa gì cho cuộc đời được chăng; chỉ nhờ vào những hình ảnh
nghệ thuật, tâm hồn và khoảnh khắc từ nơi khách hay chủ thể ấy… Cũng như ta
không thể hình dung nỗi cuộc đời là bể khổ, nhưng nếu có bức tranh vẻ vời phát
họa lên, thì ta có thể cảm nhận ngay, như: “Sóng cồn cửa bể nhấp nhô, chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh”… (Nguyễn
Gia Thiều).
Thế đấy, có những tấm
tranh, ảnh trong đời, nếu khéo ghi nhận, chụp lấy, thì đây là điều rất cần,
như: qua cái nhìn, nghe, bằng đặc tính về nhân văn, thực tại, thì chính nơi ấy
ta đã chớp và rửa ra từ tâm trí của chúng ta không biết bao nhiêu tấm ảnh sống
thực và vĩ đại.
Do đó, nếu có cái nhìn
bằng sự quán chiếu về bản chất của mọi sự vật, các pháp hằng chuyển động trong
sanh hóa tiêu tàn, và nhận biết bằng sự nghe, như cảm thọ một nghệ thuật bất
tại vừa diễm mà lại vừa ảo, diễn biến muôn trùng trong muôn pháp và muôn duyên
bất tận theo dòng đời. mà nhận ra lẽ “Nhậm
vận thịnh suy…”
Khuya mai, đoàn sẽ rời
khỏi Đàlạt, các người thợ chóp hình tranh thủ đến từng phòng để kịp giao hình,
người nhận hình có giây phút vừa lòng và không vừa lòng lẫn lộn, người giao
hình thì cố giải thích cách nầy hay cách kia để được trả lại phần công sức của
mình.
13/- VÀO QUÁN ĂN.
Ăn, mặc, ở… là những
yếu tính bản năng sinh tồn và phát triển của một cơ thể vật chất, thay vì những
thực phẩm là một dưỡng chất, nếu trái lại là một độc chất, như vậy, nó đóng một
vai trò quan trọng trước hết và hơn cả. Vì rằng: ăn uống là sự giáp mặt trực
tiếp với mọi điều kiện hấp thụ của một chiếc thân. Tuy nhiên, năng lượng nầy
chỉ có chừng mực nào đó cho những nhu cầu bảo dưỡng ích lợi, và ngược lại sẽ
làm phương hại về thân cũng không ít.
Như bao nhiêu lần khác,
lần nầy mỗi người tự chọn phần ăn riêng theo sở thích của mình khi ngang qua
thực đơn, mọi việc đâu đó đã xong. Thế nhưng, có vị chợt thấy đĩa bì cuốn bắt
mắt và đề nghị gọi thêm phần nầy, tức thì trong bàn có một vị hưởng ứng, và bảo
rằng:
Được, biết đâu phần kêu
trước có đủ no hay không!
Ngay sau đó, một vị khác
nữa lại góp ý;
Nếu thấy không đủ, thì
mình cứ kêu thêm, vì chúng ta đang ở trong quán ăn mà!.
Điều đầu tiên, chúng ta có
thể thấy là: một khi đã vào quán ăn, hay bất cứ tham dự trong buổi tiệc nào,
trước hết là để rõ biết cái ngon, từ chất liệu hương, vị của loại thực phẩm đó,
để được thưởng thức khi tiếp xúc. Thế nhưng sự thưởng thức ấy bằng một đề cao
của sự vô hại, không phải cái ngon nào cũng đắm chìm trong khi tiếp xúc, hay
chỉ để cho được cái no, cái đầy đủ về số lượng.
Ngang qua cái nhìn khác,
nếu thực phẩm độc nhiễm sẽ gây nguy hại, bệnh tật cho chiếc thân và đưa đến tổn
thương cuộc sống tinh thần từ bản thân đến mọi người. Do đó, sự “ăn” đóng một vai trò quan trong xã hội,
nếu ăn có biết lựa chọn cho thích hợp, đúng phương pháp, thì sẽ có được sự tiêu
hóa tốt, và lượng dung nạp sao vừa đủ những dưỡng chất cho cơ thể, dẫn đến ít
bệnh, ít não…, mặc khác, nhờ sự ăn hiền hòa, thời sẽ đem lại sinh hoạt cho một
nếp sống gia đình được yên ổn hơn.
Đối với đức Phật hay đạo
Phật, không phải chỉ dừng lại ở loại thức ăn ấy, mà còn giúp cho chúng ta có
một hoạt động về tầm nhìn thiết thực và thoáng đãng, như ; mọi hình thức có sức
hấp dẫn về mặt tâm lý, tình cảm, vui hay buồn, chấp nhận hay từ bỏ… thì đây
được xem là một loại thức ăn. Có sự tư duy diễn ra đồng hành với bao tham muốn,
ước vọng, mong cầu cho hiện tại và mai sau, những năng lực nầy có thể đem lại
hạnh phúc hay đau khổ, nó được xem là một loại thức ăn nghiêng về mặt tinh
thần. Có sự chấp trì và quán chiếu các pháp nhân duyên sanh diệt, để khả năng
nhận thức đúng đắn, sai trái, được tăng trưởng, tác thành sự sống có ý thức và
hành động.
Mỗi ngày có bao nhiêu sự
diễn biến, ta đều tiếp nhận, biết rõ, và hóa giải sao cho thân tâm được bình
an, hoặc để thân tâm rơi vào những bất an, đó là kết quả do thọ dụng thức thực,
hay nói một cách khác ; cần có chánh kiến, chánh niệm mỗi lúc trong sinh hoạt
của cuộc sống.
Từ đây, ta có dịp đọc lại
lời dạy của đức Phật, như: “…Do vị
ấy trú, quán vô thường, do vị ấy trú, quán tiêu vong, do vị ấy trú, quán ly
tham, do vị ấy trú, quán đoạn diệt, do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với thân và
lạc thọ của vị ấy, nên tham tùy miên đối với thân và lạc thọ được đoạn diệt…”
(Kinh Tương Ưng 4.)
Như vậy, sợ ăn không đủ
no, sợ cung cấp thức ăn thiếu.v.v… là nguyên nhân phát sanh dục tham, dục tầm
cầu, nó sẽ dẫn đến cạnh tranh, đấu tranh, để được lợi dưỡng và danh xưng, hướng
đi của sự khởi niệm ấy sẽ dẫn đến sự nhiệt não, sự tàn hại, một khi đã mất tỉnh
giác, mất chánh niệm, mất lạc trú hiện tại của người đệ tử Phật trước và trong
khi ăn, cho dù đang ở trong quán hay bất cứ ở đâu!
Cuộc đời là một quán ăn,
các pháp, nhân duyên, là những thức ăn thích hợp cho mỗi trình độ tu tập, mỗi
tâm hồn chúng ta, chỉ cần trú và quán ly tham, mà không cần phải đo lường thiếu
đủ.
14/- THEO NẮNG MỚI LÊN ĐỒI.
Đã hơn hai ngày ở Đàlạt,
loanh quanh mãi khu Hòa bình riết rồi đâm ra lại ngẫn ngơ, đi không mấy bước,
nghe chân đã mỏi, về đến khách sạn, lên xuống cầu thang nhiều lần, ngán! Thời
gian nghỉ ngơi thì ít, thời gian theo đoàn loanh quanh đây đó thì nhiều!
Sáng nay, theo chương
trình cho biết; sẽ đi tham quan Thung Lũng Vàng, điểm đến nầy cách Tp. Đàlạt
14km về hướng Tây Bắc, được biết mới vừa khai thác từ năm 1999-2005, đường đèo
dốc quanh co, bạt ngàn thông xanh, trời hãy còn sớm, nên núi rừng nhìn từ xa
như được tráng phủ lên lớp sương mù màu trắng đục. Trong quần thể nầy có hồ
Đankia và hồ Suối Vàng, ngoài ra còn nhiều khu giải trí khác.v.v…
Điểm dừng của xe khách là
một bãi rộng dưới chân một dãy trái đồi trãi dài xanh sắc cỏ, mặt trời mới vừa
nhú lên bóng núi xa, vạt nắng hồng nhạt xuyên qua từng tán thông già tạo nên
những sắc màu lung linh đẹp lạ. Lần nầy đoàn tập trung khá đông, trông thấy
trên dưới 6 xe từ 30 đến 45 chỗ ngồi, và do trước cảnh trí hữu tình, nên có đề
nghị chóp ảnh chung lưu niệm cho một chuyến đi, trong thời gian sắp xếp hàng
ngũ để được lọt vào ống kính, chợt thoáng nghe phía bên có nhóm lẻ 5, 7 người
Phật tử, họ bảo với nhau rằng: “sau khi
đoàn chụp xong, mình thỉnh thầy của mình chụp riêng với mình ít kiểu!”. Và
nghe họ lập đi lập lại nhiều lần như thế.!
Đoàn chóp ảnh chung vừa
xong, thì túa ra theo hướng sở thích của mỗi người, kẻ thì dạo quanh những khóm
hoa, kiểng, người thì lần đến bờ suối có cầu nhỏ ngang qua, hoặc khu vực có cây
cảnh và đá bonsai, những ngôi nhà mát bằng lá, tre theo kiểu người dân tộc.v.v…
thời gian vui chơi thưởng cảnh ở đây được mở rộng trên dưới 2 giờ, nên mọi
người mặc sức chóp ảnh, uống cà phê, mua sắm, dạo quanh.
Hai huynh đệ chúng tôi bấy
giờ men theo lối mòn đá sỏi rêu phong, hai bên có điểm vàng những cánh hoa bồ
công anh, và lá cỏ như chưa kịp ráo hồn những giọt sương khuya, trên cành tiếng
chim mách lẻo như báo ngày đang lên. Phía trước là đỉnh đồi khá cao, leo đến
nơi là hơi thở dồn nhịp, thế nhưng nghe tâm tư sảng khoái khi đứng trên mặt
đỉnh bằng rộng chừng 2 công đất, nhìn quanh những phương trời thoáng đãng, phía
xa là ngọn LangBiang sừng sững biếc trời xanh, ngọn núi như cột trụ huy phong
khung trời Tây Nguyên, mà chúng tôi đã có lần nghe lời ca:
“… Ngọn LangBiang ơi, đã bao năm,
Từng vượt ngàn phong ba bảo giông,
Bấy lâu từng, nguyện ước vương xa…”
Nhìn xuống từ đỉnh đồi
cao, thấy số đông người còn loanh quanh phía dưới, và cũng thấy cả nhóm Phật tử
mới nảy “…thỉnh thầy của mình…” vẫn
còn lẩn quẩn đâu đó nơi những cụm hoa, bờ cỏ được chăm bón cắt tỉa, bên con
suối giả tạo, yếu ớt, mỏng manh dòng chảy, bên những hòn đá cụi được bàn tay
con người sắp đặt vị trí. Và cũng chính vì “thầy của mình”, nên cả thầy trò không đi đâu xa hơn nữa
được, mà chỉ loanh quanh đấy thôi! Còn các thầy không phải riêng của ai, thì
thong dong, tiêu sái trên đồi xa, đồi cao trong nắng mới vương lên, chờm lên
những ngọn thông xanh bạt ngàn đến phương vô tận.
Xuống và ngồi nghỉ chân
cùng huynh đệ dưới gốc thông già, gió mới thoảng đưa thơm phức mùi hương cỏ,
nắng đã lên cao, nhưng vẫn rót những giọt hồng vàng xuống thành từng chấm trên
lối đi, nhìn về phí đồi xa mà nhớ lại lời ca: “… từng vượt phong ba…/ Bấy lâu từng, nguyện ước vương xa…”
“Nguyện ước vương xa”, nào
phải đâu cho một cuộc sống thường tình, bọt bèo của mớ vật chất, cái cảnh hạnh
phúc ảo huyền diễm lệ mỏng manh, nào phải đâu chỉ để vui theo một giấc mơ con
của một cuộc đời con, mà phải là vượt thoát cái cảnh cơ cực tối tăm, cố chấp lì
mãi thấp kém của tâm hồn. Để đến và có một cuộc sống mới, ý thức, phước lành,
trong sáng, yên bình cho mình và cho người, như nắng mới tự do vương mình lên
đồi cao, núi cao…
15/- NHẬN & TRẢ PHÒNG.
Mới bốn giờ sáng, nhìn
những dãy phố còn im ỉm chìm lặng trong lớp sương mù và khí trời khuya nay khá
lạnh, thế mà phía dưới khách sạn dậy tiếng người, nào là kẻ mua người bán mời
mọc trả giá nhau, nhất là hàng bông, trái, bánh mức, những món đặc sản nơi
Đàlạt, nào là những kiện hàng đã đóng thành từng thùng, từng bao, từng bịt
nilon lớn nhỏ, tất cả đều được chuyển ra xe, những loại nào cồng kềnh nặng nề
thì để ở dưới ngăn hầm, lớp thì mang lên để trên kệ phía trên băng ngồi, lớp
thì để phía dưới ghế. Lúc đi thì đã có khệ nệ một mớ hành lý cá nhân, nhưng đến
khi về thì thêm một ít nữa, nên chiếc xe lúc nầy đầy ấp những người và vật,
trông rất nặng nề.
Lúc đi thì cũng chừng ấy
người, mà tải trọng xe thấy nhẹ hơn, nhưng đến khi về thì hơn gấp mấy lần tải
trọng lúc đi. Trưa hôm ấy, thấy ai cũng có chờ sẵn một tâm lý nôn nã, ước muốn,
mong mõi, vui tươi khi đến khách sạn để được nhận phòng, để được tắm giặt, ăn
uống và nghỉ ngơi, dưỡng khỏe. Trong khách sạn có nhiều loại phòng, như: có
phòng 6 người, có phòng 4 người, có phòng 2 người.
Bình thường thì nhà ai nấy
ở, phòng ai nấy nghỉ, nhưng lúc nầy thì bắt, chọn với nhau, từ 2 người, 4
người, đến 6 người, nhờ vậy mà thấy biết hiểu nhau, thân mến thương yêu với
nhau, đôi khi cũng có phật ý với nhau rồi cùng nén lòng cho qua, nghĩ rằng chỉ
ở chung tạm đôi ba ngày rồi thôi. Thế là lần lựa thời gian dần trôi, ngày giờ
quay về đã đến, bởi có cuộc hội ngộ nào lại không có cuộc chia tay, và có cuộc
ra đi, nên bây giờ có cuộc trở về…
Người trực tiếp quản lý
khách sạn lại là có quen biết thâm tình với thầy trong đoàn, nên riêng quí thầy
(tất cả 10 vị) được ở 2 phòng 4, 6 và không tính tiền phòng. Nhìn chung tất cả
các phòng đều thông thoáng rộng rãi, lịch sự, sạch sẽ, bàn nước, bàn viết,
trang điểm đầy đủ, hình thức thiết kế không thấy quá tiết kiệm về không gian
phòng.
Cái đến cũng có sự nôn nã,
chờ mong của một dòng tâm lý… đến lúc ra về cũng nơm nớp, bận rộn, hối hả, đợi
trông bằng một cảm giác tâm lý mới. Đành rằng cái đến là tạm để ra đi, và cái
đi cũng chỉ là tạm cho cái trở về, nhưng đến đi, ở về, phải như thế nào cho ý
nghĩa cuộc sống và lẽ sống của kiếp con người. “Tín tâm, sống giới hạnh, đủ danh xưng tài sản. Chỗ nào người ấy đến,
Chỗ ấy được cung kính”. PC. 303.
Một khi chuyển tiếp khúc
đoạn tử sanh, ta có một cõi sống mới, nơi đó, ta đã mang theo một ít nghiệp
lành hay nghiệp dữ, và rồi từng chập tư tưởng đổi thay theo thời gian, duyên
cảnh, ta có thể tạo thêm lành dữ ở hiện tại, để rồi từ đó, sẽ được tạo tác
phước nghiệp, nhẹ nhàng, an lạc, hạnh phúc, hay trái lại, sẽ bị cột trói, hành
phạt khổ đau, bất an bởi hành động ác quấy tội lỗi do ta gây ra. Vì vậy, nên Bồ
tát Tịch Thiên dạy rằng:“vì không biết
rằng khi chết phải bỏ lại tất cả, nên chúng ta đã vì người thân và kẻ thù mà
tạo ra đủ thứ tội lỗi”.
Sáng nay, sau khi làm thủ
tục trả phòng, nghe đâu có một vài người trong đoàn, trong thời gian lưu trú,
đã dùng thực phẫm ăn, uống của khách sạn mà không thanh toán tiền bạc, khi nhân
viên có trách nhiệm kiểm phòng phát hiện, và đã được thông báo trong đoàn.
Như vậy, nhận và ở trong
cuộc sống bằng hạnh nghiệp tốt đẹp, an hòa, thì mai kia mốt nọ, khi ta từ bỏ ra
đi, sự an hòa, tốt đẹp ấy cũng sẽ để lại cho đời một chất dưỡng khí lợi lạc. Và
nếu như những việc làm ác quấy từ ý niệm tham lam, sự tàn hại, nhiệt não từ
hành động giận dữ, và sự tà vọng từ nhận biết mê lầm, thì chính ta làm cho ta
khổ đau, và khi ta từ bỏ thân giả tạm vô thường nầy, bấy giờ ta lại còn để lại
cho đời nhiều phiền muộn…
Cũng giống như hôm nay, ta
nhận phòng như thế nào, thì khi trả phòng phải như vậy, và còn hơn thế đó bằng
những hạnh nghiệp, những phước nghiệp của ta.
Đoàn đã rời khỏi Tp. Đà
lạt trong ánh đèn còn khuya khắt, sương mù và cái lạnh của Cao nguyên.
(Còn tiếp)
Long Xuyên, ngày 15.03.2014
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi
từ Long Xuyên ngày 21.4.2014
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét