Họa văn chương – Truyện ngắn Trọng Bảo (Hà Nội)
Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015
Thứ
bảy, ngày 08/06/2013
Báo ra. Cả hội vui như tết. Thế là bao
nhiêu năm lận đận, chạy ngược, chạy xuôi, ông Diêu, chủ tịch hội văn học nghệ
thuật tỉnh cũng hoàn thành tâm nguyện cuả mình trước khi về hưu. Đó là xuất bản
được tờ báo văn chương, tiếng nói, diễn đàn văn học của hội và của những người
yêu văn chương trong tỉnh.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Trọng Bảo
Tên thật: Hà Trọng Bảo
Sinh năm: 1956
Quê quán: Thị trấn Hoa Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Hiện công tác tại: Phòng Thông tấn-Báo chí quân đội
Địa chỉ: 61- Cửa Đông-Hà Nội,
ĐT: 098.6676547
Email: trongbao.56@gmail.com
_____
1-
Báo
ra. Cả hội vui như tết. Thế là bao nhiêu năm lận đận, chạy ngược, chạy xuôi,
ông Diêu, chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh cũng hoàn thành tâm nguyện cuả
mình trước khi về hưu. Đó là xuất bản được tờ báo văn chương, tiếng nói, diễn
đàn văn học của hội và của những người yêu văn chương trong tỉnh.
Tiếng
là hội văn học nghệ thuật tỉnh nghe oai thực ra chỉ có vài ba chục người. Nhưng
cái tỉnh miền núi heo hút này cũng lạ. Nghèo thì nghèo đấy nhưng lại lắm người
thích văn chương. Khi chia tách tái lập tỉnh, cánh văn nghệ sĩ có tiếng, văn
chương có hơi hướng chuyên nghiệp một tý là đều tìm cách chạy về Hà Nội. Số còn
lại đều văn vẻ èng èng. Phần đa là các ông chủ doanh nghiệp có tiền, mỗi năm xuất
bản đến hai ba tập thơ, đọc một bài biết cả trăm bài. Cũng có một số cựu chiến
binh thích viết văn, làm thơ thơ ôn lại một thời trận mạc đọc lên cứ nghe như
là quán triệt nghị quyết trước trận đánh, có đủ mục tiêu, nội dung, quyết tâm
và biện pháp. Văn, truyện thì bao giờ cũng có mở đầu, thân bài, kết luận đầy đủ
và dứt khoát là tuân thủ theo nguyên tắc “ta thắng, địch thua” rất rõ ràng.
Ông
Diêu vốn là dân âm nhạc. Khi còn thanh niên ông ở đội văn nghệ xung kích ôm đàn
hát trên trận địa động viên bộ đội, dân quân trực chiến ngẩng cao đầu nhằm thẳng
máy bay giặc Mỹ mà nhả đạn. Mèo mù vớ cá rán thế nào trong lúc hứng khởi ông lại
xuất thần sáng tác được một bài hát “Quê hương ta ơi” khá hay về tỉnh nhà. Bài
hát của ông được phổ biến nhờ đám văn công không chuyên hát ra rả khi biểu diễn
phục vụ nhân dân, bộ đội, nghe mãi quen tai cũng thấy hay hay. Lãnh đạo tỉnh rất
thích. Nhạc của bài hát được chọn làm nhạc hiệu của chương trình phát thanh rồi
sau này là cả chương trình truyền hình của tỉnh. Thế là ông được điều về làm
thành viên sáng lập hội văn học nghệ thuật của tỉnh. Ông giữ chức phó rồi chủ tịch
hội từ ngày thành lập đến nay.
Cầm
tờ báo còn thơm sực mùi mực in trên tay ông Diêu đọc lại truyện ngắn “Cánh đồng
thao thức”. Truyện ngắn này ông đã đọc đi, đọc lại nhiều lần khi biên tập nhưng
ông vẫn thích. Quả là một truyện ngắn hay, tác phẩm khá nhất của số báo đầu
tiên. Tác giả nó là một giáo viên cấp ba. Ông vẫn còn nhớ vẻ mặt anh ta khi đến
gặp ông để gửi bài. Đó là một anh chàng còn rất trẻ, vẻ bẽn lẽn rụt rè:
-
Thưa bác! Cháu là giáo viên, cũng chỉ tập viết văn, cháu xin gửi…
- Gửi
bài đăng báo hả?
- Dạ…
Cậu
ta gãi đầu, gãi tai vì ngượng ngùng. Tay cầm tập bản thảo cuốn tròn trong tay.
Ông Diêu phải động viên anh ta mới dám đưa tập bản thảo cho ông. Để tỏ ra là
quan tâm đến tác giả, ông mở ra đọc ngay. Cũng chỉ định là lướt qua để cậu ta
yên tâm nhưng càng đọc, ông càng bị cuốn hút vào câu chuyện của cậu ta. Ông
quên cả cái ấm đã đổ chè để trên bàn.
Trong
khi đó anh giáo trẻ chăm chú theo dõi nét mặt của ông chủ tịch hội văn nghệ tỉnh,
vẻ hết sức hồi hộp. Đọc một mạch xong cái truyện ngắn dài độ sáu trang vi tính,
ông Diêu đặt xuống bàn, mặt thừ ra. Anh giáo trẻ lo lắng nghĩ: “Chắc là dở quá
rồi!”. Anh giơ tay qua mặt bàn:
-
Bác cho cháu xin lại! Cháu đem về sửa chữa thêm…
-
Ơ… ơ… - Ông Diêu giật mình: - Sao lại xin lại?
-
Cháu… cháu…
-
Cháu cái gì… truyện ngắn này rất khá… sẽ cho đăng ngay trong số báo đầu tiên của
hội.
-
Thế…
- Cậu
viết được lắm! “Dân” tổng hợp văn à?
- Dạ
vâng, cháu học đại học văn.
-
Nghiệp văn chương là bạc bẽo lắm… - Chợt nhận ra là không nên nói như vậy với một
người đang ngấp nghé bước vào con đường văn chương, ông vội động viên: - Nhưng
thôi! Đã mang cái nghiệp vào thân thì cố mà theo cho đến cùng nhé. Cậu cứ mạnh
dạn viết đi, cách viết như truyện này là tốt… Tốt lắm…
-
Vâng ạ…
Anh
giáo trẻ sung sướng đáp. Ông Diêu có điện thoại. Anh giáo đứng dậy xin phép ra
về. Ông Diêu gật gật đầu, tay phất phất xuống như bảo cậu ta cứ yên tâm. Anh
giáo đi rồi ông mới chợt nhớ là quên chưa pha trà mời tác giả và cũng quên chưa
hỏi xem cậu ta đang dạy ở trường nào. Ông giở trang cuối tập bản thảo, chỉ thấy
ghi “tác giả Lê Thi”. Ông nghĩ cũng chẳng sao, khi truyện đăng lên báo, tác giả
sẽ xuất hiện thôi.
Bây
giờ cầm tờ báo mới trên tay, ông Diêu lại nghĩ đến vẻ rụt rè ngượng nghịu của
anh giáo trẻ lần đầu bước chân vào cõi văn chương. Ông thấy vui vui khi nghĩ đến
cảnh cậu ta nhảy cẫng lên khi tác phẩm đầu tay của mình xuất hiện trên trang nhất
của tờ báo văn chương của tỉnh. Ông Diêu gọi cô thư ký toà soạn đem lên năm tờ
báo, đóng dấu “kính biếu” cẩn thận để vào trong ngăn bàn. Ông có ý để dành tặng
thêm cho tác giả.
2-
Một
ngày sau khi số báo đầu tiên của hội văn nghệ tỉnh phát hành thì có tin “sét
đánh” từ uỷ ban nhân dân tỉnh dội xuống. Truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” có vấn
đề. Ông Diêu sửng sốt: “Có vấn đề là vấn đề gì! Đây là một truyện ngắn hay sao
lại có “vấn đề” gì được chứ?”.
Ông
Diêu đứng ngồi không yên. Đến chiều thì anh thư ký chi hội văn học phụ trách
biên tập phần văn xuôi của báo hớt hải chạy về tìm ông. Anh này có ông chú làm ở
văn phòng tỉnh uỷ. Anh kéo ông Diêu vào phòng khép cửa lại thì thào:
-
Bác ạ! Bên tỉnh có ý kiến cho rằng truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” đăng trên
báo ta mang tư tưởng xấu, chống lại chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hóa của
tỉnh!
-
Chống là chống ở chỗ nào?
-
Thì họ bảo những lời tâm sự của cánh đồng trồng lúa bao đời nay trong cái đêm
cuối cùng thao thức trước khi bị san lấp để trở thành khu chế xuất đó là tư tưởng
phản kháng, bất ủng hộ chủ trương, nghị quyết của tỉnh. Họ lại còn nói trong
truyện ngắn tác giả còn bêu riếu, nói xấu cán bộ tỉnh…
-
Vô lý… hết sức vô lý…! - Ông Diêu bức xức: - Truyện ngắn này tôi đọc đi, đọc lại
mấy lần, thấy có đoạn nào như vậy đâu! Tác giả phê phán việc thu hồi đất nông
nghiệp tuỳ tiện, tràn lan, lập nhiều dự án treo bỏ hoang nhiều chân chuyên cấy
lúa hai ba vụ “bờ xôi, ruộng mật”, là một việc tốt chứ…
-
Chính là ở chỗ đó đấy bác ơi! - Anh thư ký chi hội văn học lau mồ hôi trán: - Nguy
nhất là ở chỗ truyện viết về việc thu hồi đất nông nghiệp, san ủi nói là xây chợ
nhưng lại chia lô bán cho cán bộ… họ bảo viết thế là ám chỉ một số cán bộ đầu
ngành trong tỉnh ta.
-
Chuyện này xảy ra khắp nước, chỗ nào chả có. Mà “Cánh đồng thao thức” là tác phẩm
văn học, là hư cấu, có chỉ đích danh là chuyện xảy ra ở nơi nào đâu, sao họ lại
nhập nhằng hiểu sai lệch một cách nghiêm trọng thế nhỉ?
-
Bác ơi! Họ có hiểu đâu là văn học, là hư cấu... mà truyện đăng ở báo của hội ta
thì họ hiểu nhất định là viết về tỉnh ta… ai mà giải thích khác được.
-
Thôi ai nghĩ thế nào mặc họ…
-
Nhưng… ngày mai sẽ có chỉ đạo chính thức ạ!
-
Chỉ đạo cái gì?
-
Chỉ đạo hội văn nghệ và toà soạn báo tiến hành kiểm điểm, xác định trách nhiệm
và hình thức kỷ luật...
Ông
Diêu sửng sốt:
- Đến
nước ấy cơ à? Tưởng chuyện văn chương hư cấu rút kinh nghiệm là xong thôi chứ…
Anh
trưởng thư ký chi hội văn học nhìn ông Diêu lắc đầu. Anh se sẽ thở dài. Ông
Diêu thấy choáng váng. Đầu óc ông căng lên. Hình như ông không còn nghe được
anh thư ký chi hội văn học nói gì thêm nữa. Ông lập cập cầm ấm nước rót mà
không trúng cái chén nhỏ. Nước chè tràn đổ tóe loe ra bàn. Ông vốn là người hiền
lành. Gần hết cuộc đời hoạt động trong ngành văn hoá không mắc phải khuyết điểm
gì, không để lại một tỳ vết gì trong lý lịch. Thế mà nay sắp đến lúc nghỉ hưu lại
xảy ra một sự cố văn chương thế này.
Hôm
sau có ý kiến chính thức từ bên uỷ ban thông báo sang hội văn nghệ tỉnh tiến
hành kiểm điểm, xác định trách nhiệm xem ai là người quyết định cho đăng truyện
ngắn “Cánh đồng thao thức”, động cơ của việc này thế nào. Nói là ý kiến chỉ đạo
như thế nhưng cũng không rõ là ý kiến của đồng chí lãnh đạo nào, chỉ thấy ông phó
chánh văn phòng uỷ ban thông báo là “ý kiến của cấp trên”. Thế thôi.
3-
Cuộc
họp kiểm điểm trách nhiệm của hội văn nghệ và ban biên tập báo tưởng là căng thẳng
nhưng lại không phải. Ông Diêu nhận hết trách nhiệm về mình. Ông viết một bản
kiểm điểm khá dài dòng. Sau khi sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật ông chuyển hướng
đi sâu phân tích truyện ngắn “Cánh đồng thao thức”. Nội dung bản kiểm điểm phần
sau trái ngược hẳn phần đầu. Nó trở thành một bài phê bình văn học khá hoàn chỉnh
về truyện ngắn “Cánh đồng thao thức”. Nó phủ nhận hoàn toàn những điều đơm đặt
không đúng mà người ta đã gán cho truyện ngắn này.
Khuyết
điểm của ông Diêu vì thế thêm nặng. Có ý kiến khuyên ông nên từ chức trước khi
bị cách chức. Ông bị nhìn nhận như một người có tư tưởng xấu, chống đối lại chủ
trương chính sách. Ông Diêu cũng không ngờ là tình hình lại đi xa đến thế. Bà vợ
ông là cán bộ cơ quan tổ chức biết chuyện gầm lên:
-
Ông già lõi đời rồi mà còn dại, mắc mưu một thằng trẻ ranh, đăng giúp nó một
bài viết phản động lên báo…
-
Bà thì biết gì về văn học mà nói…
-
Ông thì biết à! Cả đời ông là kẻ “xướng ca vô loài”, hát hò vớ vẩn có làm nên
trò trống gì không?
-
Bà câm ngay đi!
Ông
Diêu quát. Bà vợ quát lại:
-
Ông câm đi thì có! Ông có biết nếu không có tôi thì ông có ngồi vào được cái ghế
chủ tịch hội ấy không hả… Đúng là đồ bám váy đàn bà... Ông làm mất uy tín của
tôi, tôi sắp được đề bạt... thế mà...
-
Bà… bà…
Ông
Diêu đứng vụt dậy giơ tay lên định tát cho bà vợ một cái. Nhưng ông bỗng chới với
đổ ụp xuống nền nhà như một thân cây chuối bị đột ngột phạt ngang. Đầu ông va mạnh
vào góc bàn. Ông có tiền sử bệnh huyết áp cao. Bà vợ ông hốt hoảng ú ớ mãi mới
gọi được người đến cứu. Họ đưa ông vào bệnh viện tỉnh. Ông nằm im bất động trên
giường bệnh mặc cho các bác sĩ muốn làm gì mình thì làm…
4-
Anh chàng giáo viên trẻ Lê Thi đang đứng trên
lớp thao thao giảng bài phân tích về cảnh Thuý Kiều bán mình chuộc cha thì ông
hiệu trưởng xuất hiện. Ông thập thò ngoài cửa lớp ngoắc ngoắc tay ra hiệu cho
anh ra ngoài và bảo:
- Cậu
cho học sinh tự học rồi theo tôi lên phòng làm việc của ban giám hiệu ngay!
-
Có chuyện gì thế ạ?
- Cứ
theo tôi khắc biết!
Lê
Thi gọi em lớp trưởng dặn dò xong rồi theo hiệu trưởng lên phòng giám hiệu. Có
một người lạ mặc thường phục đang ngồi đợi. Sau này Lê Thi mới biết đó là cán bộ
an ninh văn hoá. Anh ta đưa tờ báo văn nghệ của tỉnh ra hỏi:
-
Có phải anh viết bài này phải không?
Lê
Thi vồ ngay lấy tờ báo và reo lên:
-
Ôi… đúng rồi… truyện ngắn của tôi đã được đăng báo rồi…
Vô
cùng hứng khởi, Lê Thi giơ tay ra định nắm tay người mặc thường phục có ý cảm
ơn đã đem tặng báo. Lê Thi nghĩ anh ta là cán bộ của toà soạn. Nhưng anh này rụt
tay lại và nghiêm nét mặt:
-
Anh có biết là anh đã phạm tội gì không?
Lê
Thi ngơ ngác:
- Tội…
tội…tôi phạm… phạm vào cái gì ạ?
-
Anh phạm tội đã viết bài vu khống lãnh đạo tỉnh!
Lê
Thi trố mắt ngạc nhiên:
-
Bài gì ạ?
-
Thì… chính là cái bài đăng ở tờ báo anh đang cầm trên tay đấy!
-
Đây… đây… là một truyện ngắn, một tác phẩm văn học đấy chứ!
-
Văn học gì gì tôi không biết… - Anh ta nuốt nước bọt: - Trong bài có nhiều chỗ
công kích lãnh đạo, phê phán chủ trương phát triển kinh tế và sự nghiệp công
nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
-
Anh hiểu sai rồi… đây là văn học, văn học có quyền hư cấu, mà tôi có viết gì về
tỉnh ta đâu. Truyện ngắn này tôi viết từ khi còn là sinh viên cách đây mấy năm
khi đi thực tập ở mãi tỉnh Hải Dương, bây giờ mới đăng đấy chứ. Có phải là chuyện
mới viết đâu! Có cả ngày tháng ghi cuối truyện đây này!
-
Hư cấu, hư kiếc gì, viết từ khi nào tôi cũng không cần biết! Chỉ biết là bây giờ
đăng trên tờ báo của tỉnh ta là anh phải chịu trách nhiệm.
Mặc
cho Lê Thi giải thích, anh cán bộ an ninh văn hoá vẫn không nghe. Anh ta chỉ biết
là đã xác định được đúng người viết bài. Sau khi trao đổi thêm với ông hiệu trưởng,
anh ta ra bến xe khách để kịp chuyến xe cuối cùng từ huyện vùng sâu về tỉnh lỵ.
5-
Việc
kiểm điểm anh giáo Lê Thi diễn ra không suôn sẻ. Lê Thi dứt khoát không nhận là
trong truyện ngắn của mình có động cơ phê phán chủ trương của tỉnh, vu cáo, nói
xấu lãnh đạo tỉnh. Ông hiệu trưởng chấp hành chỉ thị của trên nhiều lần gặp gỡ
thuyết phục Lê Thi “nhận rõ sai lầm khuyết điểm để sửa chữa, tiến bộ”. Mặc cho
ông hiệu trưởng thuyết phục, chi đoàn rồi tổ bộ môn họp lên, họp xuống mấy lần,
Lê Thi vẫn kiên quyết không nhận đã phạm “khuyết điểm nghiêm trọng” mà người ta
muốn gán cho anh.
Lê
Thi bị đình chỉ đứng lớp để chờ ý kiến chỉ đạo xử lý của trên. Anh thấy hụt hẫng
vô cùng. Nhất là khi các bạn đồng nghiệp và đám học trò nhìn anh với vẻ nghi ngại.
Họ tránh tiếp xúc với anh, sợ bị liên lụy. Riêng ông hiệu trưởng thì vô cùng tức
tối. Nhà trường bao nhiêu năm là một trường kiểu mẫu, trường điểm, điển hình
tiên tiến của tỉnh, đang đề nghị tặng huân chương thế mà chỉ vì một “bài viết
phản động” đăng báo này mà bao nhiêu công lao đổ hết xuống sông xuống biển.
Lê
Thi vì “mất dạy” nên được tạm giao trông coi phòng thí nghiệm của nhà trường.
Nghe tin có khả năng buộc thôi việc anh buồn lắm. Cô bạn gái vốn là con út một
ông cán bộ huyện từ bữa nghe tin anh có “sự cố văn chương” cũng mất hút luôn. Gọi
điện thì không có người nghe máy.
Hết
giờ, nhà trường vắng hoe. Nhà ở của giáo viên độc thân còn mỗi một mình Lê Thi.
Buồn quá, anh lững thững cuốc bộ ra thị trấn. Qua cổng, ông bảo vệ nhìn thấy
anh liền ló đầu ra khỏi phòng thường trực nhắc nhở:
-
Mười giờ đêm là tôi đóng cổng đấy! Liệu mà về…
Lê
Thi qua khỏi cổng một đoạn còn nghe thấy tiếng ông ta lẩm bẩm:
- Mất
cả ngủ vì quân phản động!
Thị
trấn miền núi lưa thưa hàng quán. Thỉnh thỏang tiếng xe máy lại rú lên vì bọn
choai choai phóng nhanh, đánh võng. Lê Thi đi như vô định trên con đường loang
lổ, khấp khểnh những ổ gà. Chợt có tiếng gọi:
-
Này, ông văn sĩ…
Không
nghĩ là ai gọi mình, Lê Thi vẫn bước đi không buồn ngoái lại. Một gã đầu tóc bù
xù, râu ria lởm chởm từ cái quán “cháo lòng tiết canh” bên đường nhô ra túm tay
Lê Thì giữ lại:
-
Vào đây làm chén rượu cho ấm bụng đã ông nhà văn Lê Thi!
-
Ơ… sao bác biết tên tôi ạ?
-
Thầy nổi tiếng thế, cả huyện, cả tỉnh đều biết chứ riêng gì tôi. Thầy đi đâu đấy,
vào... vào đây đã…
Lê Thi theo gã vào quán. Gã vẫy tay, một người đàn bà bưng mâm ra. Thì ra chính
gã là chủ quán “cháo lòng tiết canh” này. Gã rót rượu ra hai cái chén rồi bảo:
-
Làm một chén đi cho khuây khoả rồi tôi sẽ tìm cách giúp…
-
Bác giúp cái gì ạ?
-
Bác… bác… quái gì. Tôi chỉ hơn thầy vài tuổi thôi. Tôi số khổ nên mới trông già
khú, xấu như ma thế này đấy!
Vừa
nói, gã vừa cởi cái áo ném lên chõng. Người gã chằng chịt những vết săm hình
thù quái dị. Lê Thi tợp một ngụm rượu nhỏ. Anh nhăn mặt vì rượu nặng quá. Gã chủ
quán ngửa cổ “ực” một cái hết luôn chén rượu đầy có ngọn. Nhặt khúc dồi cho vào
miệng vừa nhai, gã vừa bảo:
-
Nhờ thầy mà thằng con tôi đã biết chăm chỉ học hành, về nhà biết giúp đỡ bố mẹ.
Đời tôi tứ chiếng giang hồ, lấy được nhà tôi là cái may, có được thằng con thì
nó chơi bời, lêu lổng, học hành lười nhác. May có thầy kèm cặp mà nó mới dần dần
chuyển tâm, đổi ý ngoan ngoãn như bây giờ.
-
Là em nào vậy?
-
Thì cái thằng láo lửng nhất lớp của thầy ngày thầy mới về trường này công tác ấy!
-
A… - Lê Thi kêu lên. Anh nhớ ngay tới một cậu học trò cá biệt của lớp 8B mà
mình làm chủ nhiệm ngày mới về trường. Nhớ lại những trò nghịch ngợm, bậy bạ của
nó, rồi việc mình đã phải vất vả khốn khổ thế nào để giúp nó trở thành một học
trò giỏi, ngoan. Anh hỏi:
-
Thế em Tài hôm nay có ở nhà không ạ?
-
Nó sang thăm bà ngoại. Hôm nọ nó đi học về kể lại chuyện của thầy. Tôi liền đi
lùng mua bằng được tờ báo văn nghệ của tỉnh. Tôi đã đọc rất kỹ truyện ngắn của
thầy rồi. Tôi sẽ có cách giúp thầy…
Lê
Thi cười buồn:
-
Giúp bằng cách nào được. Số tôi nó thế, là người yêu thích văn chương, tập toẹ
viết lách chưa đâu vào đâu nhưng phen này có lẽ bị một cái “hoạ văn chương” mất
thôi.
-
Thầy cứ yên tâm! Chiều mai thầy ra quán này, tôi sẽ giới thiệu thầy với một người.
- Để
làm gì ạ?
-
Thì thầy cứ ra đây khắc biết!
6-
Lê
Thi không tin gì gã chủ quán cháo lòng tiết canh. Nhưng vốn tò mò, chiều hôm
sau anh lại ra quán của gã. Quán thưa khách. Lê Thi nhìn thấy gã chủ quán đang
ngồi cùng một thanh niên trạc tuổi anh. Vừa trông thấy Lê Thi gã chủ quán đã ầm
ầm gọi:
-
Vào đây… vào đây…
Lê
Thi ngồi xuống ghế cạnh hai người. Anh ngạc nhiên vì thấy người thanh niên đang
chăm chú đọc tờ báo có đăng truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” của anh. Khi anh
ta vừa đọc xong thì gã chủ quán hỏi ngay:
-
Có đúng như tôi đã phân tích không?
-
Đúng! Đây là một truyện ngắn hay, nói lên được những khó khăn, trăn trở trên
con đường đổi mới, phát triển của một vùng quê vốn dĩ thuần nông giống như tỉnh
ta. Được rồi, các anh cứ yên tâm…
Lúc
này gã chủ quán “cháo lòng tiết canh” mới giới thiệu:
-
Đây là chú Sang, em kết nghĩa của tôi. Còn đây là thầy Lê Thi, giáo viên trường…
-
Em biết rồi, chuyện của thầy em cũng đã nghe nói. Bây giờ em có việc phải đi
đã.
Nói
xong anh ta đứng dậy bắt tay gã chủ quán và Lê Thi. Khi anh ta đi rồi, gã “cháo
lòng tiết canh” vỗ bộp vào vai Lê Thi vẻ hỉ hả:
-
Thế là xong!
-
Xong cái gì ạ?
-
Là xong chuyện của thầy đấy!
-
Xong thế nào ạ?
Gã
cười hề hề:
-
Truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” của thầy sẽ trở thành một tác phẩm văn học
hay của tỉnh ta…
Thấy
Lê Thi chưa hiểu, gã chủ quán “cháo lòng tiết canh” giải thích:
-
Thằng Sang là lái xe của sếp đứng đầu tỉnh ta. Hôm nay được nghỉ nó về quê
chơi. Tôi và nó đã bàn cách cứu thầy rồi… He he… nào bây tôi và thầy nâng cốc
chúc mừng thắng lợi.
-
Anh chỉ được cái đùa dai và khéo động viên an ủi người khác.
Lê
Thi nói vậy nhưng anh vẫn cầm chén rượu lên làm một hơi. Anh không biết là giữa
gã “cháo lòng tiết canh” và lái xe Sang có một mối quan hệ rất đặc biệt. Chính
gã “cháo lòng tiết canh” là người trên đường từ trại cải tạo được tha tù về đã
cứu Sang khỏi chết đuối trong một trận lũ ống kinh hoàng. Sang đã nhận gã làm
anh kết nghĩa, cả đời biết ơn cứu mạng của gã. Còn việc anh lái xe Sang sẽ “cứu”
Lê Thi thế nào thì có lẽ phải đến hồi sau mới rõ.
7-
Buổi
sáng “khi bình minh đang lên hồng chân mây” như lời một bài hát thì sếp xách cặp
ra xe đến cơ quan. Anh lái xe vội buông tờ báo đang đọc nhanh nhẹn mở cửa xe và
đỡ cái cặp cho sếp.
Vừa
ngồi vào ghế, sếp đã hỏi:
-
Sang này! Có tình hình gì mới không?
-
Thưa có ạ! Hôm qua, cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bắn thử liên tục năm
quả tên lửa tầm trung. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc phản ứng rất quyết liệt, Nga và
Trung Quốc có thái độ vừa phải. Còn I-ran đang lắp ráp thêm hai nghìn máy gia tốc
có khả năng làm giàu uranium. IAEA đang đòi thanh sát các cơ sở hạt nhân của
I-ran…
-
Tình hình trong nước có gì mới không?
- Dạ!
Xuất khẩu cà phê của ta tụt xuống hàng thứ ba. Xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn
do việc một số nước nhập khẩu đòi giảm giá do chất lượng gạo của ta không cao.
-
Còn có gì nữa không?
-
Thưa, còn sự cố Vịnh Hạ Long bị tổ chức New open World đưa ra khỏi
danh sách bình chọn bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do ta vi phạm thể thức
bình chọn ạ.
- Hừ…
cái gì nóng vội, không theo nguyên tắc là sai ngay. Thế còn tình hình trong tỉnh.
-
Trong tỉnh thì… thì… cũng có nhiều sự kiện hay ạ!
- Sự
kiện gì?
- Ví
dụ như tỉnh ta vừa hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị công nhận đền Thánh Hoá,
nơi thờ tự vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc
gia ạ.
-
Việc ấy phải nhắc nhở sở văn hoá thông tin mãi đấy.
-
Ngành văn hoá, văn nghệ tỉnh ta cũng có nhiều hoạt động sôi nổi đấy ạ! Nhưng…
-
Nhưng cái gì?
Lái
xe Sang vặn vô lăng khéo léo tránh một cái ổ gà rồi nói tiếp:
-
Có nhiều người vẫn còn giữ lối nhìn nhận và quan điểm cũ kỹ về văn hoá, văn học
nghệ thuật sếp ạ!
-
Thế là thế nào?
-
Thì… như việc họ đánh giá về văn học ấy!
- Cụ
thể xem nào?
-
Ví dụ như vụ truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” chẳng hạn. Theo em đây là một
tác phẩm văn học hay.
- Sao
mấy tay bên sở kế hoạch đầu tư và sở công nghiệp lại báo cáo đó là một bài viết
rất xấu, rất độc hại, đi ngược lại chủ trương của tỉnh trong phát triển các khu
công nghiệp, khu chế xuất và lại còn có ý ám chỉ, nói xấu cán bộ lãnh đạo tỉnh
nữa?
-
Không phải thế đâu ạ! Em đọc rồi. Truyện này ca ngợi sự đổi mới, sáng tạo của
lãnh đạo tỉnh ta, nhất là trong việc phát triển kinh tế, công nghiệp hoá nhưng
vẫn luôn lo lắng gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Tất nhiên trong truyện cũng
có sự phê phán, cảnh báo…
-
Phải phê phán, phải cảnh báo chứ… nếu không lại làm bừa, làm ẩu, sai phạm hết cả
lũ à!
-
Vâng... vâng đúng thế ạ!
- Cậu
có tờ báo đăng truyện ngắn ấy không?
- Dạ!
Chồng báo để trên bàn thủ trưởng có đủ các loại báo chí đấy ạ!
-
Thì có thời gian đâu mà đọc… Tý nữa, khi tôi vào họp, cậu vòng xe về lấy ngay tờ
báo có đăng truyện ấy cho tôi. Giờ nghỉ trưa nay tôi sẽ tranh thủ xem.
Lái
xe Sang mở cốp xe rút ra một tờ báo nói:
-
Em cũng có số báo ấy đây ạ!
Sếp
cầm tờ báo cất vào cặp.
Buổi
chiều, lái xe Sang đang ngồi chơi “phỏm” sát phạt cùng cánh lái xe của các sếp
thì điện thoại di động giãy lên bần bật trong túi quần. Sếp gọi lên gấp ngay có
việc. Sang vừa đến phòng làm việc của lãnh đạo thì sếp cũng vừa viết xong. Một
chữ ký phóng khoáng hất lên. Sếp đưa cho Sang tờ giấy vừa viết và bảo:
-
Đưa ngay sang hội văn nghệ tỉnh!
Sang
nhận tờ giấy rồi vọt ngay ra cửa. Anh liếc nhanh mấy dòng chữ viết rất bay bướm
của sếp: “Gửi BCH Hội Văn học nghệ thuật: Tôi đã đọc truyện ngắn “Cánh đồng
thao thức” đăng trên số báo ngày… Đây là một truyện ngắn hay, mạnh dạn, có cách
nhìn nhận mới, rất đáng được trân trọng, biểu dương. Ký tên…”.
Và
thế là số phận của truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” đã được định đoạt. Anh
giáo trẻ Lê Thi thoát nạn nhờ vậy.
Câu
chuyện của tôi định dừng lại ở đây thì có người hỏi: “Vậy số phận của ông Diêu
thế nào?”. Tôi cũng ớ người ra rồi tự hỏi: “Ừ nhỉ! Ông Diêu, ông ấy bây giờ thế
nào rồi nhỉ?”.
8-
Ông Diêu tỉnh lại sau mấy ngày hôn mê. Ông
đưa mắt nhìn xung quanh. Phòng bệnh có đến sáu bảy bệnh nhân đang nằm ngủ. Người
nhà đi theo chăm nuôi nằm lăn lóc dưới đất. Bây giờ có lẽ mới chỉ mới ba bốn giờ
sáng. Ông chợt thấy vô cùng hứng khởi. Đột nhiên ông cất cao tiếng hát:
“Cuộc đời chúng ta
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui...”
Mọi
người trong phòng bệnh giật mình tình giấc. Họ trố mắt nhìn ông Diêu. Ông Diêu
vẫn cất cao tiếng hát một cách vô tư. Đây là bài hát mà ông đã sáng tác từ thời
chiến tranh. Ông hát một cách vô cùng hào hứng, say sưa. Đám y sĩ, hộ lý rồi
các bác sĩ trực đêm nghe tiếng ồn ào ở phòng bệnh nhân cũng chạy đến. Nhìn cảnh
ấy có người thốt lên: “Thôi chết! Ông này bị rối loạn thần kinh mất rồi!”. Họ đỡ
ông nằm xuống nhưng ông lại bật ngồi dậy, còn toan đứng lên nữa nếu không vướng
các loại dây rợ chằng chịt trên người. Ông vẫn hát:
“Cuộc đời chúng ta
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà...”
Bà
vợ và con gái ông Diêu mãi mới đến. Cô con gái nhìn thấy bố như vậy òa khóc. Bà
vợ ông thì dậm chân thình thịch:
-
Ông điên mất rồi! Ông không để cho ai yên à. Hay ông lại muốn tất cả đều điên hết
như ông.
Anh
bác sĩ khuyên bà bình tĩnh. Anh lựa lời xoa dịu cơn hưng phấn bột phát đột ngột
của ông Diêu. Nhưng ông vẫn bừng bừng một khí thế như đang đứng trên trận địa
nghi ngút khói lửa cất cao “tiếng hát át tiếng bom” như ngày nào. Cuối cùng họ
phải tiêm cho ông một mũi an thần ông mới dịu đi. Ông nhắm mắt như đang ngủ. Từ
khóe mắt của ông có giọt lệ tràn ra lăn xuống gò má.
Trời chưa sáng hẳn.
Mà ở bệnh viện thì có việc gì đâu mà người ta cần dậy sớm. Mọi người lại thiu
thiu ngủ.
“Cuộc đời chúng ta
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui...”
Cả
phòng bệnh lại bật dậy bởi tiếng hát ầm ầm của ông Diêu. Trong số các bệnh
nhân, người nhà ở cùng phòng có người thì thở dài, có kẻ thì cáu cẳn vì mất giấc
ngủ: “Lão này điên thật rồi, đề nghị đưa ngay sang khoa thần kinh!”. Đám y tá
bác sĩ trực lại lao đến. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện và trao đổi với
bà vợ ông Diêu, họ chuyển ông sang một căn phòng nhỏ khác. Từ ấy, người ta vẫn
nghe tiếng hát của ông vang vẳng trong bệnh viện bất cứ lúc nào, sáng sớm, buổi
chiều hay cả lúc nửa đêm thanh vắng. Giọng ông hình như mỗi ngày một tha thiết
và hay hơn:
“Cuộc đời chúng ta
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui...”
9-
Buổi lễ trao giải thưởng hàng năm của tỉnh
dành cho văn học, nghệ thuật diễn ra khá trọng thể. Lãnh đạo cao nhất của tỉnh
đến dự trự tiếp trao thưởng và phát biểu ý kiến.
Truyện
ngắn “Cánh đồng thao thức” được trao giải chính thức cao nhất về văn học. Báo
văn nghệ tỉnh đăng lại truyện ngắn và cả bài phê bình của ông Diêu để làm quà tặng
cho các đại biểu dự lễ. Thực ra bài phê bình giới thiệu truyện ngắn “Cánh đồng
thao thức” chính là phần hai bản kiểm điểm của ông Diêu dạo trước.
Lê
Thi rất bất ngờ và xúc động khi biết tin “Cánh đồng thao thức” được tặng thưởng.
Anh lúng túng khi nhận bằng khen và phong bì tiền thưởng do ông lãnh đạo tỉnh
trực tiếp trao. Anh được mời phát biểu cảm tưởng. Trong lời phát biểu của mình,
Lê Thi không quên nhắc tới ông Diêu là người đã biên tập và cho đăng truyện ngắn
này trên tờ báo văn nghệ tỉnh. Giọng anh nghe thật bùi ngùi, xa xót.
Kết
thúc buổi lễ vừa ra khỏi hội trường thì Lê Thi gặp ngay ông hiệu phó nhà trường
đang đứng đợi ở tiền sảnh. Ông dúi vào tay anh một bó hoa đã héo rũ và nói:
-
Hiệu trưởng dặn cậu nhận xong giải thưởng là về trường ngay. Cả ban giám hiệu
đang chờ đón mừng cậu. Ngay chiều nay, nhà trường sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ
giao lưu gồm toàn thể giáo viên và các em học sinh giỏi văn các khối lớp để
nghe cậu nói về tác phẩm “Cánh đồng thao thức” và về giải thưởng cao quý này.
Đây cũng là vinh dự, niềm vui chung của cả trường ta đấy. Tôi được giao nhiệm vụ
lên tận đây để chúc mừng và đón cậu cùng về trường luôn.
Lê
Thi nhăn mặt. Nhưng rồi anh kịp định tâm. Anh bảo:
-
Thầy hiệu phó cứ về trước đi! Tôi còn có việc bận phải đi!
Nói
xong anh dắt cái xe máy Tàu đạp nổ bành bạch rồi phóng đi luôn, bỏ mặc ông hiệu
phó đứng chưng hửng ở trước cửa nhà hội trường.
Lê
Thi phóng xe vào bệnh viện tỉnh. Anh tìm đến phòng bệnh của ông Diêu. Thấy một
người mặc áo bệnh nhân đang đi đi lại lại giữa phòng, anh nhận ngay ra đó là
ông Diêu. Anh chào:
-
Bác ạ!
Ông
Diêu quay phắt lại hỏi:
- Đồng
chí ở bộ phận nào thể!
-
Thưa bác... cháu là... là...
-
Là ai hả! Là ai mà đang lúc chiến đấu ác liệt, lúc khó khăn gian khổ lại quay về
đây hả! Định đào ngũ, thoái lui phải không?
-
Bác ơi!
-
Bác ơi cái gì! Tiến lên. Thanh niên là phải dũng cảm tiến lên, dù khó khăn gian
khổ, hiểm nguy đến mấy cũng vẫn phải hăng hái tiến lên! Hiểu không?
Lê
Thi tiến lại gần nắm tay ông Diêu. Ông giằng ra hô to:
- Đồng
chí! Về ngay vị trí chiến đấu... rõ chưa...
Lê
Thi lúng túng không biết làm thế nào bây giờ. Giữa lúc đó thì cô con gái ông
Diêu bước vào. Anh hỏi thăm cô về bệnh tình của ông. Anh rút trong túi ra cái
phong bì có hai triệu tiền thưởng vừa nhận lúc nãy đưa cho cô và nói:
-
Nhờ em mua quà cho bác!
Lê
Thi chào ông Diêu và cô con gái rồi ra về. Anh bước đi mà lòng nặng chĩu. Chốc
chốc Lê Thi lại ngoái lại nhìn căn phòng ở góc bệnh viện nơi ông Diêu đang ở để
điều trị bệnh. Ra đến gần cổng bệnh viện rồi mà anh vẫn nghe văng vẳng tiếng
hát của ông:
“Cuộc
đời chúng ta
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui...”.
(hết)
Hà Nội, tháng 10-2009
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật lại- ngày 25/09/2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hà Nội ngày 08/08/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét