Những bông lan và nhà sư khiếm thị – Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình
Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015
Đó là một khu chợ vùng quê. Đường vào chợ có hai vợ chồng người ăn xin, sáng nào cũng dắt nhau đến ngồi dưới gốc cây phượng bên vệ đường. Chồng đàn vợ hát để kiếm tiền. Người chồng mù cả hai mắt, người vợ thì cụt bàn tay bên phải. Ngoài hai vợ chồng, phải kể thêm một con chó vàng, có lẽ của hai vợ chồng người mù nuôi. Sáng nào người ta cũng thấy con chó chạy chầm chậm phía trước, hai vợ chồng lẻo đẻo theo sau. Cứ đi một quãng ngắn con chó dừng lại ngoái đầu lui coi hai vợ chồng người mù có theo kịp không.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả NguyễnBá Trình
Tên thật Nguyễn Bá Trình
Địa chỉ: TP. HCM
ĐT: 0365094339
Email: trantandien46@yahoo.com.vn
Đó là một khu chợ vùng quê. Đường vào chợ
có hai vợ chồng người ăn xin, sáng nào cũng dắt nhau đến ngồi dưới gốc cây
phượng bên vệ đường. Chồng đàn vợ hát để kiếm tiền. Người chồng mù cả hai mắt,
người vợ thì cụt bàn tay bên phải. Ngoài hai vợ chồng, phải kể thêm một
con chó vàng, có lẽ của hai vợ chồng người mù nuôi. Sáng nào người ta cũng thấy
con chó chạy chầm chậm phía trước, hai vợ chồng lẻo đẻo theo sau. Cứ đi một
quãng ngắn con chó dừng lại ngoái đầu lui coi hai vợ chồng người mù có theo kịp
không. Như đã quen vị trí, đến gốc cây phượng con chó sủa lên mấy tiếng rồi
ngồi xuống ngoe nguẩy đuôi. Hai vợ chồng vừa đến chỗ con chó, họ trải chiếc
chiếu năn cũ bươm lên mặt đất. Người chồng loay hoay tháo cây đàn ghi-ta mang ở
vai ra. Họ ngồi xép bằng trên chiếu. Người vợ không quên đặt cái tô ra phía
trước để đựng tiền. Con chó thấy cái tô đặt xa mình, nó lết lại gần như có ý
giữ cho chủ. Con chó khôn dữ. Có cậu bé thấy nó lết đến cạnh chiếc
tô đã nói như vậy. Cậu ta tinh nghịch lấy một viên đá ném, con chó kêu oẳng một
tiếng bỏ chạy ra xa. Sau đó nó trở lại nằm bên cái tô. Ve vẫy đuôi không một
chút sợ sệt. Hình như nó cũng biết cậu bé chỉ đùa với nó. Nó có làm gì sai đâu
mà đánh nó. Con chó khôn thiệt. Cậu bé lại nói. Giờ thì cậu ta bỏ đi không ném
đá nó nữa. Người đến chợ đã bắt đầu đông. Người đàn ông mù đánh đàn dạo một
khúc. Và người vợ bắt đầu hát. Vậy mà chị ta lại có giọng hát rất thanh lại truyền
cảm nữa. Phải nói thêm là chị ta trông cũng còn khá trẻ. Chắc cũng vừa qua cái
tuổi thanh xuân không lâu, mà có lẽ nếu không bị sự tàn tật và cảnh đói nghèo
dày xéo thì chị ta cũng là người đàn bà khá đẹp. Người đàn ông trông cũng không
phải lớn tuổi lắm. Vì cặp kính mầu to bản choán khuất đôi mắt anh ta nên
khó đoán được tuổi tác.Vóc dáng cũng mảnh khảnh. Những ngón tay gầy gò nhưng
rất dài bấm vuốt trên những sợi dây đàn trông cũng khá điệu nghệ và mang
một chút lãng tử. Những bản nhạc chị ta hát thường là những ca khúc thuộc loại nhạc
vàng. Người đi chợ tranh thủ lúc chợ chưa đông cũng bỏ gánh xuống đến bu
quanh nghe chị hát.
Giọng chị thanh tao mà trẻ trung đến bất
ngờ:
Có ai đã từng nhặt hoa thấy buồn
Cảm thông được nỗi vắng xa người
thương
Chị ta đang hát bài Nỗi buồn hoa
phượng của nhạc sĩ Thanh Sơn.
Cảnh ồn ào chào xáo của những người đứng
chung quanh bỗng im ắng. Tiếng hát truyền cảm của người đàn bà tật nguyền như
đã thu hút hồn họ. Như đã chạm đến tâm hồn họ. Ai không có một thời yêu thương!
Ai không trải qua những giây phút nhớ thương mong chờ. Cái tuổi học trò, dù
được đi học, dù không có cái may mắn để cắp sách đến trường như chúng bạn thì
tình yêu trong lòng mỗi người vẫn như nhau. Vẫn chờ đợi, vẫn thắc thỏm, vẫn
buồn thương, nhung nhớ. Và khi cái tuổi ấy đã trôi vào dỉ vãng rồi thì ai mà
không tiếc nuối. Vậy thì sao không nghĩ người đàn bà tật nguyền bất
hạnh kia cũng đã có thời sống qua cái tuổi thần tiên yêu dấu ấy. Chị ta đang
hát để kiếm tiền mà cũng có thể nỗi lòng của chị đang rung lên trong giọng hát
ấy. Nó rung lên thật man mác nhẹ nhàng:
Mỗi lần hè sang kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm
- Giọng hay quá.
- Nầy chị. Vậy thì người đánh đàn bên cạnh
chị không phải là người xưa của chị phải không?
Có nhiều tiếng cười. Người mù đánh đàn cũng
cười:
- Của ai không biết, bây giờ của mình. Thế
là đủ rồi.
Bài hát vừa dứt. Những người đi chợ vội
vàng bỏ những đồng tiền lẻ vào cái tô rồi đặt quang gáng lên vai. Chợ đã đông.
*
Suốt mấy tháng đông người ta không thấy vợ
chồng người mù dến ngồi đánh đàn ca hát dưới gốc cây phượng trước cửa chợ.
Rồi mùa hè lại tới. Cây phượng đầu ngõ chợ
lại bắt đầu nở những bông hoa đỏ rực đầu tiên. Người đi chợ lại thấy người đàn
ông mù lòa ăn xin xuất hiện với cây đàn ghi ta quang trên vài như dạo nọ. Nhưng
không có người đàn bà dắt đi như trước đây. Con chó vàng đã làm thay việc đó.
Người mù cầm sợi dây xích nhỏ buộc vào cổ con chó vàng nhờ nó dẫn đường. Nó đưa
người mù đến gốc cây phượng, nhưng ở đó bây giờ đã có một chiếc xe nước mía dàn
ra choán chỗ rồi. Con chó nhìn cô gái bán nước mía, nó sủa lên mấy tiếng như
muốn nhắc nhở cô gái đây là chỗ của chủ nó.
- Có gì vậy Vàng?
Người mù hỏi con chó.
- Sang bên kia còn chỗ trống kìa. Cô gái
chỉ tay và nói với người mù.
Người mù thì làm sao thấy được hướng chỉ
của cô gái. Nhưng anh ta cũng hiểu được rằng chỗ của hai vợ chồng anh ta ngồi
trước đây nay đã có người khác choán rồi.
- Thôi qua bên đó đi Vàng.
Người mù nói với con chó. Con chó vàng cụp
đuôi có vẻ thất vọng, rồi kéo chủ nó qua bên cái chỗ trống cách đó chừng trên
mươi mét. Nó lại sủa lên mấy tiếng.
- Được rồi ta ngồi ở đây đi.
Người mù tháo cây đàn ra khỏi vai. Trải
chiếc chiếu năn ra. Tự mình đặt cái tô ra phía trước. Con chó vàng lết lại bên
chiếc tô. Người đi chợ bắt đầu đông dần. Người mù dạo đàn. Bây giờ thì chính
anh vừa đàn vừa hát. Giọng khàn đục.
Mầu hoa phượng thắm như máu con
tim
Mỗi lần hè sang kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm
Vẫn là bản nhạc Nỗi buồn hoa
phượng, mà vợ anh vẫn thường hát trước đây. Bây giờ có phải anh ta đang hát về
người đàn bà ấy không nhỉ. Hay hai người chỉ có một bài hát ruột ấy
mà thôi!
- Chị đâu rồi mà không đi hát với anh? Một
bà đi chợ hỏi.
- Cô ấy bỏ tôi mà đi rồi. Cô ấy không bao
giờ trở về với tôi nữa.
- Vì sao vậy? Thấy hai vợ chồng, người đàn
người hát trông có vẻ ăn ý lắm mà, sao lại bỏ đi. Mà cô ấy đi đâu vậy? Đi theo
người khác hả?
Người đàn ông mù chưa kịp trả lời, thì một
người khác đã nói:
- Thôi mà cái chị nầy, hỏi chi mà cặn kẽ
vậy. Để anh ta hát còn kiếm ít đồng. Chị có bao nhiêu thì cho anh ấy đi. Hỏi
hoàn cảnh người ta làm chi.
Những người đi chợ thay nhau bỏ mỗi người
một ít tiền vào cái tô cho anh ta.
Chợ đã bắt đầu đông. Người mù vét hết tiền
nhét vào túi rồi đứng dậy. Con chó vàng thấy chủ cầm cái tô đứng dậy chừng như
nó đã hiểu ý, cũng đứng lên ngoe nguẩy đuôi.
Con chó vàng dẫn người mù len lỏi đám đông
đi sâu vào giữa chợ. Anh vừa đánh đàn vừa hát. Tiếng hát khàn khàn của người mù
cất lên hòa lẫn trong tiếng ồn ào của cảnh chợ búa.
*
Chợ đang tan dần. Người mù nói với con chó:
- Thôi ta về đi vàng ơi.
Con chó đi trước, người mù cầm sợi xích dài
bước theo sau.
Mầu hoa phượng thắm như máu con
tim
Mỗi lần hè sang kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm…
Đang hát người mù chợt nghe tiếng
còi xe rít lên sát sau lưng. Anh hốt hoảng nhảy sang một bên. Miệng không
ngợt gọi:
- Vàng, Vàng, tránh xe đi con.
Hơi nóng của chiếc xe tạt vào mặt người mù.
Lẫn trong tiếng xe, tiếng còi sát bên tai người mù vẫn nghe được một tiếng kêu oẳng của
con chó vàng.
- Sao vậy Vàng, sao vậy Vàng? Người mù thét
lên. Rồi giật giật sợi dây xích. Một cảm giác nhẹ tênh khi anh kéo sợi xích.
Con chó vàng không còn mắc vào đầu dây xích nữa.
Chung quanh anh có nhiều tiếng la:
- Chết rồi, xe cán nát con chó vàng của anh
mù rồi. Tội ghê chưa!
Người mù ngồi bệt xuống đất, tay quờ quạng
tìm con chó vàng.
- Mầy đâu rồi Vàng ơi Vàng! Cô chủ mày bỏ
tao mà đi giờ mầy cũng bỏ tao, tao biết sống với ai đây! Vàng ơi mầy
đâu rồi.
Người mù vừa khua tay tìm con chó vừa nói
trong tuyệt vọng.
Những người đi chợ thấy trong chiếc xe
con vừa cán chết con chó, một người đàn ông thò đầu ra khỏi xe. Họ đồng thanh
la lên:
- Con chó ấy dẫn đường cho anh mù nầy đi
kiếm ăn đấy. Anh liệu mà đền bù miếng ăn cho anh ta.
Người đàn ông từ trong xe vói cổ nhìn người
mù rồi nói:
- Thả chó chạy rông ngoài đường làm ô nhiễm
môi trường lại gây trở ngại lưu thông. Chưa bị phạt vi cảnh còn đòi bồi thường.
Cứ lên tòa kiện đi rồi tôi bồi thường cho.
Nói xong hắn rút đầu vào và cho xe chạy.
Một người đàn ông chuyên làm nghề bấm huyệt
chữa bệnh và đấm bóp trong vùng bước đến nói:
- Hắn ta nói đúng đấy. Việc chó cán xe
không ai xử đâu, không khéo người ta còn quy lỗi cho mình nữa. Đi theo tôi để
tôi đưa về nhà, tôi biết nhà anh. Tôi vẫn hay đi chữa bệnh, giác lể ở vùng
đó. Thôi tiếc con chó làm chi. Về nuôi con khác. Mà cũng khỏi cần phải nhờ chó
dẫn đường nữa. Tôi sẽ truyền lại nghề làm ăn của tôi cho anh. Ở nhà làm cũng
được khỏi phải đi đâu cả.
*
Ở cuối chợ có một vựa cây kiểng có biển
hiệu Vạn hoa. Vạn hoa nổi tiếng có nhiều loại lan đẹp. Không những chỉ
những loại lan thường có ở Việt Nam mà còn cả những loại lan mua về từ Thái
lan, Nhật bản về.
Một hôm có một chú tiểu dẫn một nhà sư mù
cả hai mắt vào hỏi mua lan. Người chủ vựa cây kiểng cung kính chào nhà sư, ông
ta định hỏi nhà sư muốn chọn giò lan nảo, nhưng chợt nhìn lên đôi mắt khiếm thị
của nhà sư ông ta cảm thấy lúng túng không biết hỏi bằng cách nào. Chợt ông
nhìn chú tiểu và nghĩ ngay ra cách hỏi tế nhị:
- Chú tiểu chọn hoa cho thầy phải không?
Vậy thì mời chú cứ tự nhiên xem qua các loại lan trong vựa.
Vị sư như hiểu ý, mỉm cười:
- Chú tiểu đây còn nhỏ chưa thấy hết được
vẻ đẹp của các loại hoa lan đâu.
Người chủ vựa lại nghĩ: Vậy thì ai chọn lan
cho thầy. Mà thầy thì đâu cần thiết phải có những giò lan thật đẹp. Chắc chắn
là thầy mua về cho nhà chùa rồi. Vậy thì sao nhà chùa không cử một thầy sáng
mắt mà lại cử một thầy khiếm thị?
Người chủ vựa đang phân vân trước câu nói
của nhà sư, một lần nữa nhà sư như đoán được tâm trạng và những suy nghĩ trong
đầu ông chủ vựa, mỉm cười:
- Người mà chọn được những giò lan đẹp nhất
không ai khác ngoài ông chủ vựa đấy. Thí chủ chọn giúp cho tôi hai giò.
Giá cả đừng bận tâm.
- Dạ. Nếu sư thầy đã tin tưởng thì con xin
được chọn hai giò mà con ưa ý nhất cho thầy.
Ông chủ vựa mời nhà sư và chú tiểu vào nhà
ngồi để ông đi chọn hai giò lan. Ông đi quanh vựa một lát rồi mang hai giò lan
trở lại.
- Dạ bạch thầy, con đã chọn được hai giò
lan mà con ưa ý nhất cho thầy.
- A di đà Phật. Cảm ơn thí chủ. Còn giá cả
của nó thế nào cho thầy gởi lại.
Người chủ vựa kêu giá rồi nói:
- Dạ con xin bớt cho thầy ba mươi phần trăm
để lấy phước.
- A di đà Phật. Thầy sẽ dùng số tiền của
thí chủ để làm việc thiện.
Người chủ vựa rót trà ra mời nhà sư và chú
tiểu. Uống xong ngụm trà đầu tiên nhà sư khen:
- Chà, trà của thí chủ mời ngon quá.
Chợt nhà sư cầm một giò lan đưa lên vẻ như
ngắm nghía rồi nói:
- Thí chủ nầy.
- Dạ.
- Thầy biết từ nãy giờ thí chủ thắc mắc tại
sao nhà chùa lại chọn một người khiếm thị như thầy đi mua lan. Nghe ra có vẻ là
chuyện tiếu lâm phải không?
- Dạ bạch thầy con không dám nghĩ vậy.
Nhà sư lại mỉm cười:
- Có nghĩ vậy cũng không sao cả vì đó là
thực tế. Thí chủ ạ.
Rồi nhà sư nói giọng chậm rãi khoan thai
giông như đang thuyết pháp:
- Không ai cử thầy đi mua cả, thầy tự mình
đi mua thôi. Ở đời không có cái gì là của mình cả. Ngay bản thân mình cũng
vậy. Ngoài Chư Phật, Chánh Pháp, và Chơn tăng ra, cái gì mình muốn đem về
cho mình, dù đẹp đẽ quý giá đến mấy, đều không phải của mình. Con người ta
thường đau khổ vì mất cái vốn không phải của mình. Còn cái gì mình cho là tốt
đẹp là quý giá, mà mình đem tặng cho người khác, đó mới là của mình. Nó
không còn ý nghĩa vật chất nữa mà thuộc về Phật tính. Phật dạy, Phật tính vốn
có trong lòng mỗi người.
Ngưng một lát nhà sư nói tiếp:
- Hai giò lan nầy thầy mua về không để dành
cho thầy ngắm, mà để dành cho các tín đồ đạo hữu, những người đến chùa để chữa
bệnh ngắm. Hoa càng đẹp thì đem lại nguồn vui cho người xem càng nhiều.
Hoa nào rồi cũng tàn cả. Nếu một người ngắm thì nó chỉ mang lại một niềm
vui. Còn nếu có mười người ngắm thì nó mang lại cho đời mười niềm vui. Đúng thế
không thí chủ. Vì vậy nên thầy mới nhờ đến thí chủ là người sành nhất trong
việc chọn hoa.
- Dạ. Con đã hiểu. Qua việc mua hoa, sư
thầy đã dạy cho con một đạo lý hết sức cao cả. Con xin tâm niệm những lời thầy
dạy.
- A Di Đà Phật.
Nhà sư đứng dậy cáo từ.
*
Có tin đồn, mấy năm nay vùng Thường Trụ
xuất hiện một nhà sư mù có đôi bàn tay vàng. Nhà sư nầy có tài bấm huyệt
và xoa bóp để chữa bệnh. Nhà sư từng chữa lành bệnh cho rất nhiều người. Có
những con bệnh mà bệnh viện đã bó tay trả về. Nhà sư đã dựng một thiền am nhỏ
và biến nó thành một nơi chữa bệnh từ thiện. Có người nói: Không cần phải
bấm huyệt, xoa bóp. Chỉ cần ngắm những giò lan trong khuôn viên chùa cũng đủ
làm cho tâm hồn mình thư thái mà khỏi bệnh. Dân quanh vùng người ta tin rằng
nhà sư nầy là một vị La hán giáng trần. Ngài từng làm kẻ ăn xin lang thang khắp
các vùng chợ búa để thấu hiểu nỗi bất hạnh của từng kiếp người rồi tìm cách ra
tay tế độ!
Nguyễn Bá Trình
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.HCM ngày 26.3.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.HCM ngày 26.3.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét