Home
» Lý luận phê bình
» Nhà giáo ưu tú Trương Tham: “Tây Sơn Ai Tư Vãn truyện” là một tác phẩm văn chương thực sự.
Nhà giáo ưu tú Trương Tham: “Tây Sơn Ai Tư Vãn truyện” là một tác phẩm văn chương thực sự.
Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015
Điều nổi bật ở đây là người con của Quang Trung được tác giả hư cấu trong truyện– một giọt máu anh hùng được nhân dân nuôi dưỡng đã vuột ra khỏi lưỡi hái tử thần của Gia Long mà sống sót như một cánh chim trời: “Mênh mông đất rộng trời cao/ Mang mang giấc mộng thuở nào khôn nguôi”. Tác phẩm đã khép lại nhưng đồng thời mở ra về sự trường tồn bất tử của Tây Sơn Nguyễn Huệ. ... Nhìn chung “Tây Sơn Ai Tư Vãn Truyện” là một tác phẩm văn chương thực sự. Tác phẩm ấy lại ra đời trên mảnh đất Tây Sơn.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả NGƯT Trương Tham (1941-2012)
TPTTH Trưng Vương Qui Nhơn.
______
TÂY SƠN AI TƯ VÃN TRUYỆN
LÀ MỘT TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG THỰC SỰ
***
Có lẽ đã lâu lắm rồi mới thấy xuất hiện một truyện thơ dài hơi và hoành tráng đến vậy! Khác với những truyện thơ trong lịch sử văn chương, có những phần hư cấu nhưng căn bản tác giả dựa vào một sự thật hào hùng và bi tráng về Tây Sơn – Nguyễn Huệ. Một sự thực đã đi vào lịch sử và đời sống tâm hồn dân tộc như một niềm tự hào kiêu hãnh.
Điều đầu tiên ghi nhận– tác giả tỏ ra hiểu biết và nghiên cứu kỹ lưỡng về sự thật lịch sử ấy. Bằng nghệ thuật bút pháp và tình cảm sâu sắc cộng với nội lực dồi dào, tác giả đã xâu chuỗi, khái quát thành một kết cấu chặt chẽ, mạch lạc để hoàn thành một truyện thơ dài 3256 dòng lục bát. Tưởng chừng như dễ, nhưng không dễ chút nào! Vì đó là cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động từ khi Tây Sơn dấy nghĩa đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi với biết bao sự kiện. Hàng loạt nhân vật hình thành trên bối cảnh lịch sử gắn bó máu thịt với đời sống ấy. Một vài nhân vật hư cấu xuất hiện nhưng căn bản là những nhân vật lịch sử có thật. Nhân vật nào cũng có nét riêng cụ thể. Nguyễn Huệ – Quang Trung, người viết không trực tả mà để xuất hiện trong lòng và tâm trí của nhân dân cũng như trong ước mơ khao khát của Ngọc Hân: “Ba quân quen giọng chuông đồng/ Voi rừng qui phục dáng thần uy nghi/ … Tim nàng chưng đã nghe rền nỗi ngây”. Còn Bùi Đắc Tuyên thì: “Có đôi mắt cáo thâu đêm nhón người …” khi thâu tóm được quyền lực “Săm sua mũ áo, lăng xăng uy quyền …”. Cùng vẻ đẹp của người con gái, nhưng Ngọc Hân “Ngẩn người hai chữ đoan trang/ Vầng trằng mười sáu sáng tràn màu da”. Ngọc Du quận chúa: “Mười năm lưu lạc mà trong như ngần”. Nguyễn Huệ từ khi còn rất trẻ đã có những suy nghĩ khác thường. Trong lúc được thầy giáo Hiến chia xẻ: “Chờ khi giết bọn bất nhân/ Lòng ta với chúa khó phần đổi thay…”. Thì Huệ đã tỏ bày quan điểm ”Chữ trung nghĩa đến đời nay vẫn nhiều …”. Để đi vào vấn đề chính là “dân an, nước thái.” Đó là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời Ông cũng như các tướng lĩnh của Ông. Đối lập với tư tưởng ấy là Nguyễn Ánh – Gia Long. Tự thân bộc bạch ý chí quyết tâm của mình là dành lại bằng được ngôi báu, thoả mãn việc trả thù riêng, kẻ nào thuận thì sống nghịch là mất đầu “…Nhổ cho sạch rễ chớ rày buông lơi/ … Như xưa nó giết hết người nhà ta/ …Ai can gián sẽ làm ma không đầu”. Nguyễn Ánh là một nhân vật được xây dựng khá sắc nét: “Lách luồn bất chấp nghĩa nhân …” khi thì: “Ăn bờ ở bụi rước ngoài dày trong”. Lúc trả thù, trước cảnh đầu rơi máu chảy: “Tiếng cười rin rít kẽ răng/ … Mắt Vua hốc lửa lườm lườm ánh xanh”; cũng có lúc: ”Lặng nhìn suốt cuộc trần ai” để không khỏi kinh hoàng: “Bờ sinh bến tử bàng hoàng máu me” rồi tự nhận ra mình: “…Nhìn qua cái bóng đười ươi đời mình”. Là con người nhưng cái bóng đươi ươi, là con người nhưng làm những việc mất hết tính người thì ý nghĩa mới thật sâu sắc. Trong toàn tác phẩm, hình ảnh của nhân dân là một hình ảnh đậm nét. Tác giả đã diễn tả sự thay đổi trong thái độ của nhân dân đối với triều đại Tây Sơn- Nguyễn Huệ – Quang Trung đã cùng nhân dân làm nên nghiệp lớn, được nhân dân tôn thờ. Sau khi Ông qua đời, triều đình thối nát thì lòng dân lại chán ghét dẫn tới sự trông chờ chúa Nguyễn, dù sự trông chờ ấy có mong manh: “Xin trời đừng trở heo may/ Để thuyền chúa Nguyễn đêm ngày nhanh ra”. Diễn tả sự thực lịch sử này, tác giả đã nêu lên sự phân minh sáng suốt, cũng như khát vọng về cảnh thanh bình độc lập như một khát vọng muôn đời của dân tộc. Điều nổi bật ở đây là người con của Quang Trung được tác giả hư cấu trong truyện– một giọt máu anh hùng được nhân dân nuôi dưỡng đã vuột ra khỏi lưỡi hái tử thần của Gia Long mà sống sót như một cánh chim trời: “Mênh mông đất rộng trời cao/ Mang mang giấc mộng thuở nào khôn nguôi”. Tác phẩm đã khép lại nhưng đồng thời mở ra về sự trường tồn bất tử của Tây Sơn Nguyễn Huệ.
Thơ là tình cảm, nhưng là truyện thơ thì sự kết hợp giữa yếu tố truyện và tình cảm phải có sự cân nhắc. Tác giả nặng về phía tình nên phần lớn ý thơ chưa bật hết sự hào sảng tỏa sáng của hào khí Tây Sơn. Nhiều đoạn thơ rất hay càng đọc càng thấy hay: “…Chìa tay níu lại vùng trăng/ Non tây đã điểm thùng thằng trống canh …” nhưng cũng không tránh khỏi một vài đoạn lời thơ chưa thật đẹp bởi bản thân tác phẩm là một truyện thơ dài. Ngay cả Truyện Kiều "Trên yên sẵn có con dao…” hay Lục Vân Tiên: "Vợ Tiên là Trực chị dâu” thì Vũ Đình Ninh làm sao không có những câu kiểu như “Tấm thân tố nữ mượt mà/ Mượt mà dáng dấp lụa là mượt hơn”.
Nhìn chung “Tây Sơn Ai Tư Vãn Truyện” là một tác phẩm văn chương thực sự. Tác phẩm ấy lại ra đời trên mảnh đất Tây Sơn.
Qui nhơn tháng 9 năm 2009
Nhà giáo ưu tú Trương Tham
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 05.9.2010
. Cập nhật lại ngày 17.10.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét