Ra đảo – Truyện ngắn của Ngọc Châu (HP)
Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015
Quẩn quanh vậy mà Hà đã dạy học ở Bạch Long Vỹ tròn hai năm, kỳ nghỉ hè này cô về nhà với một tâm trạng khác hẳn năm ngoái. Bố mẹ đã không còn la rầy về chuyện xin ra đảo, ngoài ra cô cũng đã quen đảo quen người, cảm giác ghen tỵ với cái Huệ cũng nguôi ngoai.
Tác giả Ngọc Châu
Họ tên Nguyễn Ngọc Châu
Địa chỉ: 312 Lê Thánh Tông quận Ngô Quyền Hải Phòng
Mobille: 84 0126 9284620
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
Ngọc Châu
Họ tên Nguyễn Ngọc Châu
Địa chỉ: 312 Lê Thánh Tông quận Ngô Quyền Hải Phòng
Mobille: 84 0126 9284620
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
Ngọc Châu
RA ĐẢO
***
Quẩn quanh vậy mà Hà đã dạy học ở Bạch Long Vỹ tròn hai năm, kỳ nghỉ hè này cô về nhà với một tâm trạng khác hẳn năm ngoái. Bố mẹ đã không còn la rầy về chuyện xin ra đảo, ngoài ra cô cũng đã quen đảo quen người, cảm giác ghen tỵ với cái Huệ cũng nguôi ngoai.
Việc đầu tiên là đến nhà Huệ. Trước kia cũng thế, bao giờ lúc rảnh hai đứa cũng ở bên nhau. Nhà Huệ chỉ có hai mẹ con, bố nó mất đã lâu nên nhiều lúc bố mẹ có chuyện hục hặc, cô còn đến học và ăn cơm luôn ở nhà nó, tối đêm mới về nhà mình. Không ngờ vừa đến nhà Huệ, cô đã phải lập tức đi Ninh Bình vì có điện từ đó báo về là nó phải đưa vào phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện tỉnh, không rõ vì lý do gì. Chỉ kịp gọi điện về nhà báo tin cho cha mẹ biết, động viên và dặn dò bà mẹ già lưng còng của Huệ đang sụt sịt mấy câu, rồi vớ chiếc túi quần áo của cô bạn tức tốc ra đón xe vào Ninh Bình.
Ruột nóng như lửa khi Hà ngồi trên chiếc xe "chất lượng cao". Cạnh cô là hai anh chàng dáng vẻ cũng vào loại "to tai dài đuôi", giá như cô đi cùng với cái Huệ thì đội này sẽ phải "ngất ngây con gà tây" vì cách ăn nói xử sự của hai đứa, nhưng lúc này cô bỏ ngoài tai mọi lời tán tỉnh bóng bảy, kể cả một câu vào loại có đẳng cấp "tớ chả bao giờ biết say xe là gì, nghe nói sợ nhất là khi bị say cô hàng xóm" của một "mày râu" trông cũng không đến nỗi.
Cuối cùng thì đám bặng nhặng cũng thôi những câu bay bướm vì thấy chả có tác dụng gì đối với một nàng Tô Thị đã hoá đá can-xit (đó là hình ảnh hai anh chàng ám chỉ cô). Hà nhờ một ông lái xe ôm đưa đến bệnh viện tỉnh, loanh quanh ít phút thì tìm được phòng của Huệ đang nằm. Người ta không cho vào nhưng cô khẩn khoản mãi mới được một bác sĩ hé cửa phòng cho nhìn thấy bạn mình đang nằm như bất tỉnh, xung quanh lủng củng những bình ô-xy với giá truyền huyết thanh. Cô định đi vào nhưng bà bác sĩ kéo giật lại cho biết là tình trạng nguy hiểm đã qua rồi, tuy vậy bây giờ phải để yên cho bệnh nhân từ từ hồi tỉnh, gia đình có thể yên tâm không phải quá lo lắng nữa.
Cô bật khóc ròng khi biết rằng Huệ đã uống thuốc độc tự tử, khách sạn thấy bạn cô trong tình trạng mê man đã nhờ xe chở gấp đến bệnh viện. Như vậy là lúc Huệ vào đây chỉ có một mình, không hiểu những người cùng đi đâu cả vì Huệ nói với mẹ là đi lưu diễn nhạc nhẹ một tuần cùng với mấy người và "ông bầu" của nhóm cơ mà. Cô tìm gặp nhân viên bệnh viện làm các thủ tục cần thiết cho Huệ, sau đó đành ra ngồi đợi ở chiếc ghế dài ở hành lang phòng ngoài. Qua cửa sổ lớn là khu vườn rộng khá yên tĩnh, chỉ vài khu điều trị khác ở xa xa mới thấy đông người.
Hà lần giở túi đồ của bạn, cô đã mang theo trong lúc vội vàng. Trong đó có khá nhiều y phục và đồ dùng cần thiết cho một cô gái. Trước nay nhiều lúc hai đứa vẫn mặc lẫn quần áo của nhau nên Hà nghĩ là mình không lo thiếu đồ thay đổi, nhưng lật xem mấy chiếc áo cô phát hoảng vì toàn là loại áo "giành cho người tốt bụng", những người không phải xoa dầu gió vào rốn dù có để lộ thiên! Trời đất ơi, con này bây giờ ăn mặc rặt đồ này ư?! Hay đây là quần áo chuyên biểu diễn của nó?
Một tập phong bì thư rơi ra làm Hà quên chuyện quần áo. Cô lật giở thấy toàn là thư của cô từ đảo gửi về, nó đã đọc rồi gom cả trong chiếc túi này. Đây là bức thư đầu tiên tính từ ngày mỗi đứa một nơi:
"Huệ ơi, sao số mày may mắn thế, đến trường nào cũng được người ta nhận ngay, còn tao... nhưng có lẽ cũng là do tao chỉ biết vùi đầu học gạo. Mẹ tao vẫn thường chê là con gái mà chẳng biết môn nghệ thuật gì, chỉ cắm cúi học như con vẹt. Tuy thế bố tao lại bênh: - Bà còn muốn nó thế nào nữa? Nó học giỏi, ngoan ngoãn, xinh gái (không biết ông cụ có ngộ nhận không nhỉ?), không vụng về trong công việc nội trợ. Con gái tôi thế là được quá rồi! Bà muốn nó giống bà hở? Muốn nó cũng vẩn vơ thơ gà què, cũng ngơ ngẩn nhạc nhẽo lát-sích với chả tân thời như bà ấy à? Ông bô tao còn nói gì nữa nhỉ? À, đã thơ thì thẩn, đã đua thì đòi, múa thì phải may, hát rồi hỏng, nhảy rồi nhót đi, còn con gái mà học đàn thì có ngày mang đúm trước bụng. Các cụ đã nói là cấm có sai đâu!
Mẹ tao đành phải chuyển kênh nhưng có vẻ rất thất vọng. Tao thì lẩn vội xuống bếp, kệ cho ông bô bà via họp nội các với nhau...Giá tao cũng chịu khó theo mày học ít bài hát, cũng tham gia văn hoá thể thao như mày có phải hơn không! Mày thường bảo giọng tao cũng khá phải không?”...
Hà cũng không nhớ hồi ấy nó gửi thư an ủi cô ra sao. Nói chung con Huệ rất ít viết thư cho cô, toàn chỉ gọi điện thoại với nhắn người nọ người kia mấy câu thăm hỏi. Cô đã tức nó mãi vì việc đó. Còn đây là lá thư thứ hai của cô:
"Ra đến đây tao lại nghĩ giá cứ cố làm ở văn phòng công ty Vivuco., chỗ bố tao xin cho còn hơn. Cả cái đảo này chỉ có sáu giáo viên, học trò học choẹt cỡ khoảng trăm đứa, cả mẫu giáo và cấp một. Có sĩ tử còn thò lò mũi xanh, áo tanh mùi cá, chắc là từ thuyền chạy thẳng đến trường, mẹ gọi lại thay áo không kịp! Lên cấp hai thì chúng nó chuyển về trường Nội trú Đồ Sơn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cũng còn hơn ở nhà, để thỉnh thoảng lại phải dự thính cuộc họp nội các ồn ĩ giữa các thành viên thuộc Đảng con Voi (đại diện là bố tao) với Đảng con Lừa (đại diện là mẹ tao) hệt như chính trường nước Mỹ vào lúc có vấn đề gay cấn..."
Sau đấy cô nhớ là con Huệ gửi ra cho cô được một lá thư không dài lắm nhưng cũng có vài lỗi chính tả. Dù sao thì đó cũng là cố gắng quá lớn vì cô chưa bao giờ thấy nó viết thư cho ai, nó vẫn thừa nhận là văn chương mình thoang thoảng mùi hoa bàm bàm lai hoa táo. Kể cũng lạ, nó nói thì như khiếu mà viết lách thì dở ẹt. Cô nàng có vẻ phấn khởi, đầu tiên cố rặn giọng não nề để động viên an ủi mình, rồi sau khoe là dẫn học sinh đi hội diễn được giải A, đông bạn bè lắm. Mẹ mình thường bảo số mình không đáng xách dép cho nó, vậy sao bây giờ lại...
Hà lại sát phòng bệnh, kê chiếc đôn ngẳng cổ nhìn qua cửa kính thấy người ta đang tiêm cho cái Huệ. Một chị y tá giơ tay ra hiệu cho cô ngồi yên chờ ở bên ngoài, thế là Hà lại phải quay ra ghế băng, tiếp tục lật các bức thư cũ của chính mình.
"Huệ ạ, cứ nghĩ ra đảo thì buồn lắm nhưng hoá ra cũng không đến nỗi nào. Chí ít cũng hợp với cá tính không ham hố ồn ào, náo nhiệt của tao. Được cái bọn trẻ thực sự quí trọng thày cô, không bao giờ có chuyện láo lếu hay ranh ma ăn trộm vé xe, đổi vé xe của nhau để lấy cắp xe đạp làm cô giáo coi xe phải đền tiền như ở trường của mày. Cũng chưa đến tuổi (mà đến tuổi chắc bọn học sinh của tao cũng không dám) tấp tểnh thực hành các mối tình "bọ xít" như một vài đứa nhãi học cấp hai ở truờng của mày, để rồi trốn học với mơ mộng vẩn vơ trong lớp. Nghĩ cũng buồn cười, bọn trẻ và nói chung cư dân ngoài này đúng là thật thà và tốt bụng, tốt thật đấy.
Tao bật cười vì chợt nhớ đến câu "tốt hơn phân đạm" mà các lão nông tri điền rất hay so sánh lần lớp mình đi thực tế ở Vĩnh Bảo. Vừa rồi mẹ tao viết thư ra nói là có một thằng bé tóc đỏ quạch, đi bộ lếch thếch đến nhà đưa cho bà hai con sam to như cái mẹt, nói là của bố mẹ nó gửi biếu nhà cô giáo Hà. Hoá ra nó là thằng Hân, học sinh của tao vừa chuyển lên cấp hai ở trường Nội trú Đồ Sơn (nó đã qua nhà tao một lần rồi mà mẹ tao không nhớ). Trông thấy cái đuôi gai góc của con "bò cạp nước" bà già sợ run cả chân tay. May là bố tao có nhà, ông nhận quà, gửi lời cám ơn bố mẹ nó rồi đưa thằng bé ra xe buýt, mua vé gửi về trường ở Đồ Sơn. Lại dặn tài xế lưu ý chỉ đuờng về truờng cho nó thật cẩn thận, chỉ sợ thằng bé lạc đi đâu đó..."
Ngồi nhìn ra vườn bệnh viện Hà nghĩ ngợi vẩn vơ. Hình như sau bức thư này nó gọi điện thoại nói là muốn ra thăm đảo vài ngày, khoe rằng không cần dạy thêm, chỉ đi hát ngoài giờ cũng kiếm đuợc kha khá để may mặc và giúp mẹ. Cô đã nghĩ số nó thật suớng, tuy nhiên không thấy ghen tị với việc nó sớm làm ra tiền. Cô cũng có những thứ để mà ham mê và cảm thấy cuộc đời mình đáng sống. Bố mẹ vẫn thường nói với cô rằng "giàu ba mươi chớ vội mừng...", vậy nên chuyện giàu nghèo cô chưa hề để tâm đến.
Còn đây là bức thư muộn nhất, cô mới gửi cho nó hai tháng truớc đây.
"Huệ ạ, có lẽ đúng là ăn nhiều cá và rong biển làm cho người ta thông minh lên đấy. Hồi đọc cuốn "Shô-gun tuớng quân" tao với mày đã có nhận xét như thế về người Nhật nhỉ. Chí ít thì tao cũng thấy mình bớt ngố hơn hồi cùng đi học với mày. Tao để ý bọn trẻ con nhà thuyền chài, có những đứa chỉ đi học buổi đực buổi cái mà trí nhớ tốt lắm. Tao rất thương những đứa trẻ theo gia đình từ rất xa đến quanh đảo này đánh bắt hoặc nuôi trồng hải sản, có mặt cả dân miền ven biển quê "bọ" đến xứ xở Quảng Ninh, Móng Cái gì đấy. Chúng là dân vãng lai nên không có điều liện đến truờng thường xuyên.
Tao đề nghị với ông hiệu truởng và Nữ Chúa đảo (là bọn tao gọi đùa chị Hằng - Chỉ huy phó Thanh niên Xung phong đuợc thành phố giao nhiệm vụ cai quản đảo này) bố trí một chiếc xuồng máy để truớc mỗi buổi học chạy vòng vèo gom bọn trẻ vãng lai đến lớp. Nhiều hôm tao dùng xuồng đó đi thăm hỏi và phụ đạo thêm cho chúng nó. Ông hiệu truởng đã đồng ý cấp thị thực học tập, ghi rõ các môn và thời gian chúng đã đuợc học với hy vọng là khi đi nơi khác sẽ đuợc các truờng bản địa cho tiếp tục học tập hoặc có căn cứ cho chúng dự kỳ thi tốt nghiệp tiểu học. Tất nhiên việc này là không chính quy nhưng tao nghĩ rằng đã là ngành Giáo Dục thì chắc ở đâu người ta cũng dễ dàng chiếu cố cho chúng nó..."
Trời đã ngả chiều, nhân viên y tế bắt đầu đổi ca. Cô được biết là bệnh nhân đã tỉnh, nguy hiểm đã qua nhưng phải tuyệt đối tránh chuyện trò gây xúc động mạnh, có khả năng ngày mai sẽ chuyển sang phòng khác điều trị. Hà ngồi thêm một lát, cô định ra ngoài tìm nơi ăn uống, tắm rửa và mua cái gì về bón cho bạn thì một bác sĩ trẻ tay cầm chiếc hộp trăng trắng tiến lại chỗ cô. Anh ta nhìn cô cười cười và nói:
- Chào nàng Tô Thị bên bờ sông Lấp! Hoá ra chị là người nhà chị Huệ à? Tôi vừa nhận ca, đã xem tình hình không còn gì nguy hiểm nữa đâu...- Hà chợt nhận ra đó chính là một trong những anh bạn đồng hành trên chuyến xe sáng nay.
- Chị đừng giận tôi đường đột nhá - anh ta tiếp tục nói - chị ở Hải Phòng vào đây, tôi đoán không nhầm thì từ sáng đến giờ chưa ăn uống gì. Chúng tôi vẫn thường đặt cơm hộp của một nhà hàng chuyên phục vụ cho bệnh viện. Tôi lấy hộ chị một hộp đây. Chị vào khu phụ của chúng tôi rửa ráy rồi ăn tạm vậy, các quán ngoài đường còn nhếch nhác hơn. Chị có thể sai bảo tôi một số việc với tư cách cùng hội đồng hương, chẳng gì tôi cũng quen thung thổ hơn chị vì ở đây đã hai năm nay...
Khó mà giữ mặt tượng đá mãi trước một anh chàng như thế này, với lại có một đồng hương là bác sĩ ở đây khác nào buồn ngủ gặp chiếu manh - Hà nghĩ.
- Cám ơn... bác sỹ. Thế này thì đúng là ăn mày vớ sôi gấc với giò nạc rồi còn gì. - Cô cũng đùa để thay đổi hình ảnh của mình từ sáng đến giờ.
Anh chàng đồng hương này hoá ra ở gần phố nhà cô. Tốt nghiệp đại học Y thì vào công tác ở bệnh viện này. Nhờ sự giúp đỡ của anh bạn mới, cô điện về nhà báo tin cho bố mẹ mình và mẹ của Huệ, bảo cái Huệ bị ngộ độc thức ăn, do kịp thời điều trị nên bây giờ đã không còn gì nguy hiểm. Hà bảo mọi người cứ yên tâm, không phải cử thêm ai vào nữa, mọi chi tiết cô sẽ thông báo sau.
Huệ đã tỉnh, cô nhìn Hà ứa nước mắt định nói gì đó nhưng Hà xua tay:
- Không được nói gì, chuyện nhỏ như cái giỏ tép riu. Mày cứ yên tâm, đã có tao ở đây. Để tao bón cho mày chút gì cho mau khoẻ, hè này tao sẽ đi hát cùng với mày, ngoài đảo cũng đang muốn thi tài với đất liền... - Hà nói đùa cho Huệ đỡ mặc cảm. Cô thấy bạn ứa nước mắt, quay đầu vào trong làm mắt cô cũng ràn rụa.
- Cô ấy chưa ăn được đâu, đã tiếp huyết thanh và giải độc nên hôm nay cũng không nên bón gì vội, để mai hãy hay, Hà ạ. - Anh bác sĩ đồng hương nói, Hà đã biết tên anh ta là Hải.
Ba ngày sau Hà thuê tắc-xi chở bạn về Hải Phòng. Hải cũng xin nghỉ bù đi hộ tống hai cô gái. Hà biết anh chàng đang cố đổ a-xít vào chân tượng đá nhưng hãy đợi đấy, đá gờ-ran-nit chính hiệu chứ không phải đá vôi đâu nhá! Nói thế chứ cô cũng phải thầm cảm ơn anh chàng đồng hương tốt bụng và nhiệt tình này. Mang nhãn bác sĩ và cũng có bằng "trông được", nhưng "mọi chuyện quan trọng sau hãy hay" như một anh ngố trong câu chuyện nào đó cô đã đọc thường hay nói.
Huệ đã kể cho Hà nghe chuyện gì xảy ra. Sau lần dẫn đoàn học sinh đi hội diễn đuợc giải A, cô lọt vào mắt xanh của một vài nhạc sỹ kiêm bàu tổ chức trình diễn, đuợc họ mời tham gia đơn ca, tốp ca tại những buổi biểu diễn ca múa nhạc nửa lách nửa chui cho các thính giả thuộc khá nhiều thành phần. Do ham kiếm tiền và chưa có kinh nghiệm giữ mình nên một tối sau khi biểu diễn ở một tụ điểm để kiếm thêm, cô đã nhậu nhẹt say sưa rồi rơi vào vòng của tay nhạc sĩ vốn là ông bầu của nhóm.
Hè này nhóm có chương trình lưu diễn quanh mấy tỉnh, tuần trước khi bắt đầu vào đến Ninh Bình thì cái Loan - trước đây vẫn cặp kè với tay bầu - đã nổi ghen tát cô lúc chỉ có hai đứa trong phòng hoá trang. Nó bảo "Mày nghĩ là mày có giá lắm hở, thằng ấy là một thằng Sở Khanh liên tỉnh. Giá mày đừng vênh cái mặt lên thì tao đã báo trước cho mày biết là nó bị HIV đấy. Tao đã bị với nó, tàn đời rồi nên tao để mặc nó với mày. Đáng kiếp lũ cáo non cáo già!"
- Quá nhục nhã và kinh hoảng nên tao bỏ trốn vào một khách sạn, nằm ở đó nghĩ ngợi hai ngày rồi quyết định không sống nữa - Huệ vừa khóc vừa nói.
- Mày đừng có tin lời con Loan. Tuy nhiên rời bỏ bọn ấy là đúng. Vừa rồi tao báo về nhà là mày bị ngộ độc thức ăn. Hôm nào khoẻ hẳn tao sẽ đưa mày đi kiểm tra, linh cảm của tao cho thấy mày không việc gì đâu. Cứ tin ở tao!
- Trước kia tao mừng vì mẹ tao hiền lành, ít khi ngăn trở tao làm việc gì. Bây giờ mới thấy là mày hơn hẳn tao vì có bố có mẹ. Mày mang được cả tính văn của mẹ lẫn tính võ của bố. Tao thua mày nhiều quá... - Huệ lại sụt sùi.
- Thôi, mọi việc tính sau. Bây giờ mày phải cố ăn để mau bình phục. Khi về đến nhà cũng phải có mẽ "trông được" để mẹ mày khỏi lo lắng.
Thật may là linh cảm của Hà đã không nhầm. Kết quả thử máu của Huệ âm tính với HIV, tuy nhiên mặc cảm vẫn đè nặng trong lòng cô. Huệ bảo có lẽ cô phải xin đi truờng khác, sẽ chỉ dạy chuyên môn và giấu biệt khả năng làm công tác phong trào. Con này lại thái quá - Hà nghĩ - đâu có phải là vì nó tham gia phong trào văn nghệ của nhà truờng!
- Tao định xin ra Bạch Long Vỹ cùng dạy với mày nhưng chỉ sang năm là mày hết hạn rồi, ở lại một mình bơ vơ tao sợ không đủ sức.- Một hôm Huệ nói thế với bạn.
- "No" vấn đề. Tao có thể ở lại thêm một vài niên học khi mày thấy cần, với lại chương trình phổ cập giáo dục cho trẻ vãng lai theo mùa vụ quanh đảo, do chính tao đề xướng cũng đang cần sự chủ trì của tao thêm một vài năm...
- Mày thương tao nên nói thế thôi - Huệ ngắt lời - Còn bố mẹ mày. À còn chàng Hải bác sĩ nữa.
- Nếu anh chàng muốn tiếp tục thử tác dụng của a-xít thì xin mời ra đảo một thể. Đang cần bác sĩ! Có lần chàng bảo ở đảo còn hay hơn ở xứ Ninh Bình, với lại bây giờ đâu còn như ngày xưa. Bố tao kể ngày xưa công tác ở đâu coi như tù chung thân ở đó, bỏ đi nơi khác là trắng tay, trắng dạ dày và đen hết quyển lý lịch, sau đấy chỉ còn cách gia nhập câu lạc bộ "Bị gậy" mà sách Tàu gọi là "Cái bang" ấy. Bây giờ khác rồi, cô nàng ạ!
Lần đầu tiên sau sự cố "ngộ độc thực phẩm" Hà mới thấy bạn mình cười. Trông nó cười thế kia thì dù giá a-xít có tăng nhanh hơn giá xăng dầu, cũng khối chàng bỏ công thu gom để cố sức làm mòn chân tượng - cô nghĩ.,.
12/2007
Ngọc Châu
ngocchaunvhp@gmail.com
© Tác giả giữ bản quyền.
Đăng lại ngày 18/05/2015
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 18/05/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
ngocchaunvhp@gmail.com
© Tác giả giữ bản quyền.
Đăng lại ngày 18/05/2015
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 18/05/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét