Những nhân tâm thực ảo – Truyện ngắn dã sử của Đỗ Nhựt Thư (Quảng Nam)
Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015
Những
ngày đông lạnh buốt da, cái rét như từ trong xương phát ra mà Đặng thị vẫn phải
dậy sớm từ lúc canh ba lụi cụi cơm nước cho 2 chị em, mà gạo đâu ra, những củ
mài gánh những hạt cơm nhão nhoét khiến nàng thở dài héo hắt. Mồ côi cha mẹ từ
sớm nàng tảo tần bươn chải vẫn không thoát được cảnh nghèo, chỉ bực cậu em
không ai giáo hóa nên tính tình buông thả, lại rong chơi phá phách.
Tác giả Đỗ Nhựt Thư
Họ tên thật Đỗ NhựtThư
Địa chỉ: Tỉnh Quảng Nam
Email: dokongnhan@gmail.com
_____
NHỮNG NHÂN TÂM THỰC
ẢO
1/
Những ngày đông lạnh buốt da, cái rét như từ
trong xương phát ra mà Đặng thị vẫn phải dậy sớm từ lúc canh ba lụi cụi cơm
nước cho 2 chị em, mà gạo đâu ra, những củ mài gánh những hạt cơm nhão nhoét
khiến nàng thở dài héo hắt. Mồ côi cha mẹ từ sớm nàng tảo tần bươn chải vẫn
không thoát được cảnh nghèo, chỉ bực cậu em không ai giáo hóa nên tính tình
buông thả, lại rong chơi phá phách.
Tay
thoăn thoắt hái chè mà hồn nàng để tận đẩu đâu, nàng: mắt phượng mày ngài, dáng
người tuyệt đẹp nổi tiếng cả vùng Kinh Bắc, nhìn các phi tần của các vua chúa
trong những dịp lễ hội chốn kinh kỳ nàng đâu kém cạnh, mà sao họ vinh hoa phú
quý dường kia ? Mối hận đời bốc lửa, nàng phải được như họ mới thỏa lòng. Lâu
nay nàng kết thân và xin làm học trò một bà phi già được cho về làng sau khi
tiên chúa băng hà, bà đã truyền dạy cho nàng bao nhiêu tri kiến, nào công dung
ngôn hạnh, đọc sách thánh hiền … Và hình như với mối hận tình do không được
sủng hạnh bà muốn dùng Đặng để trả thù, bà có được sách Phòng trung thuật, lại
rành rẽ về các bí thuật yêu đương bà đều truyền dạy cho nàng.
Bà
đã bày nàng đúng giờ ngọ ngày trùng cửu đến tận khe Hoàng Khê hái những chiếc
lá lặng im trước gió đem về nấu nước ngâm mình vào giữa đêm nguyệt bạch nên
thân thể nàng tỏa ra một mùi thơm quyến rủ dị kỳ. Và … và tuyệt chiêu “Súc âm
công”, một thuật hoàn tân khiến đàn ông mê đắm.
Rực
rỡ, yểu điệu Đặng nữ tỳ thướt tha dâng mâm hoa quý cùng lời mời mọc lên chúa
Trịnh theo lệnh của Trịnh Tiệp dư, nàng khéo léo vươn người sát rạt để chúa
nghe rõ tiếng oanh thỏ thẻ và … Và một mùi hương lạ từ nàng tỏa ra khiến chúa
ngây ngất, vị chúa anh hùng và tàn nhẫn nghệch mặt, run rẩy nắm lấy tay nàng
rồi lập cập dìu Đặng thị vào hậu cung.
2/
Quận
Huy cả đêm mất ngủ, lòng dạ rạo rực, nàng là Tuyên phi, mới ngoài 20 xuân tình
ngùn ngụt, là vợ yêu của chúa, mấy năm nay chúa vì hưởng lạc quá độ nên mang
bệnh suy nhược trầm kha, chúa mới tứ tuần mà có nguy cơ mất sớm vì nàng. Nàng
mời ta dự yến, sao mắt cứ đẩy đưa, lúc rót rượu lại đụng chạm lả lơi, làn hương
tỏa ra từ thân thể ngà ngọc làm ta ngất ngây, là thần tử đã học đòi kinh sách,
ta sợ. Ta - một danh tướng, đã cùng chú ta đánh rốc vô Nam, chiếm được Phú Xuân
của chúa Nguyễn, vào tận Quảng Nam khiến Nguyễn Nhạc phải xin làm vị tướng phù
trợ, lại mới 37, sức lực cường tráng, ham mê tột bậc. Ta hoang mang quá.
Chuyện lập Thế tử ta cũng phân vân, Trịnh
Khải đã 16 sao chúa chưa xác lập? Dương chính phi đã lớn tuổi lại chỉ được
chúa ân sủng 1 lần mà sinh ra Khải, không được chúa quan tâm, hay là ý chúa
muốn dành ngôi vương cho Trịnh Cán con Đặng Tuyên phi? Chắc thế. Triều đình
chia rẽ phân đôi, ta lưỡng lự giữa đôi dòng nước.
Ta
đã mang ơn nàng, nhờ Tuyên phi xin chúa ta mới được chuyển từ xứ Nghệ khó khăn
đói khổ về kinh lo việc cho phủ chúa, lại nắm quyền cả vùng Sơn Nam trù phú
này. Buổi yến tối nay nàng cầu mong ta giúp rập phò tá cho con nàng, nhưng Cán
mới lên 3.
Ta được nghe kể lại về quyền lực của nàng,
chúa cho nàng ở chung cung cấm như vợ chồng thứ dân, gần như không tò te gì đến
400 phi tần mỹ nữ. Ngài còn nghe lời nàng một phép, viên ngọc dạ quang quý giá
lấy được ở Quảng Nam ta dâng lên chúa mà nàng vì một lời dặn nhẹ tay của ngài
liền vất, bỏ cơm làm chúa phải cuống quít làm lành. Ngài lại đổi cả 10 xe vàng
để lấy lọ nước hoa của bọn Tây dương theo ý muốn của nàng. Và chuyện chúa gã
công nữ Ngọc Lan cho em trai nàng, một tên võ biền thất học, làm nhiều điều càn
rỡ, phóng túng, chẳng sợ luật lệ … À! Thì ra chúa đã u mê ám chướng vì nàng.
Vậy
thì phải theo phe nàng thôi. Còn chuyện kia ta phải cố giữ, chúa chẳng sống
được bao năm nữa đâu, khi đó thì ta và nàng mặc sức vẫy vùng. Ta đợi khi chúa
bệnh nặng phao tin lập Cán tất phe kia manh động, có chứng lý ta khải tấu ắt
chúa tức giận mà phế bỏ Khải, sẽ cho Cán kế nghiệp, nàng buông rèm nhiếp chính,
ta là thầy chúa tất sẽ là phụ chính, quyền nghiêng trời đất.
3/
Trịnh
Khải bỏ cơm mấy ngày, người chưa trấn tỉnh, Khải lơ mơ rờ tay lên cổ cảm thấy
ớn lạnh, may mà có Nguyễn Thái hậu can thiệp, chúa mới bớt cơn thịnh nộ mà cho
Khải sống, chỉ phế xuống làm vương tử út và bị quản thúc nghiêm nhặt. Thế là
hết, Cán đã được lập làm thế tử, chúa lại cho Huy quận công phụ tá, lực lượng
vây quanh vị tướng này hùng mạnh biết bao.
Khải buồn rầu thương cảm cho các vị lão thần vì quý mình mà mất mạng,
Khê trung hầu, Tuân sinh hầu phải uống thuốc độc tự tử, Nguyễn Quốc Tuấn bị
chém, Nguyễn Phương Đĩnh vì nuôi dưỡng ta mà bị lột hết chức tước và đuổi về
quê. Ai? Ai tung tin chúa hấp hối làm ta manh động? Ai đã biết được mưu sự của
ta mà lập sớ báo chúa? Khải vò đầu bức tóc đầy đau khổ.
Theo lệ tiên vương, đúng ra 12 tuổi ta là con trai trưởng phải được lập
làm thế tử, nhưng tại sao? Nay ta 18, tài kiêm văn võ, Cán thì mới lên 3, còn
người bồng ẵm. Mẹ ta, là chính phi mà sao bị thất sủng, bà đẹp, nhưng ta biết
tình yêu là một cõi riêng; nó phải có duyên nợ gây lưu luyến, rồi phải tâm đầu
ý hợp, phải đầy lạc thú những khi hòa nhập. Bà vì âm mưu với quan hoạn mà được
gặp chúa, chỉ 1 lần mà sinh ra ta, và ngài giận cái tội gian dối này mà xa
lánh. Khổ cho ta.
"Đặng phi!- Khải gầm trong cổ họng- Con yêu nữ đã làm cho vương phụ ta mê
đắm đến ngờ nghệch, nó khiến người có những hành động ngông cuồng, rồ dại làm
trò cười cho thiên hạ. Than ôi! Nhà chúa đã mất sự tôn sùng của quân dân từ
tay của một nhi nữ ham hố quyền lực, sẽ kéo theo bao hệ lụy, cơ đồ bao năm xây
dựng của tổ tông hồ như có nguy cơ sụp đổ."
Mỏi
mệt, rã rời Khải vào gường nằm cố ngủ mà mắt cứ thao láo.
*****
Sử
sách chép:
Tháng 9 năm Nhâm Dần 1782 Tĩnh Đô vương
Trịnh Sâm mất khi mới 43, con thứ là Trịnh Cán mới 5 tuổi lên thay xưng là Điện
Đô vương.
Tháng 10 quân Tam phủ nổi lên lật Cán và
đưa Trịnh Khải lên nối nghiệp chúa, là vị vương thứ 11 nhà chúa hiệu là Đoan
Nam vương.
Huy quận công ra chống cự liền bị giết,
thây bị bằm thành muôn mảnh.
Trịnh Cán được quận Diễm bế đi trốn, hôm
sau bị giáng làm Cung quốc công, hoảng hốt quá mà lâm bệnh và hơn tháng sau thì
mất.
Còn Đặng Tuyên phi quá khiếp sợ trước khí thế
ba quân - nước cờ mà bà không tính đến, giả mặc đồ tỳ nữ lẩn trốn, hôm sau bị
Dương Thái phi bắt ra hài tội, bị 2 tỳ nữ nắm tóc dập đầu, bị đánh đập tàn
nhẫn, bị nguyên Chính phi nhổ nước bọt vào mặt rồi đem giam cầm hành hạ. Và
thời gian cũng khiến mọi việc nguôi ngoai, Thái phi cho bà làm cung tần nội
thị, cho vào Thanh Hóa hương khói lễ lạt cho tiên chúa. Ngày đêm gào khóc, giận
mình vì tham danh lợi mà ra nông nổi này, đến ngày tiên thường Tĩnh đô vương bà
uống thuốc độc tự vẫn.
Riêng
gã Đặng em bà cũng bị giết một cách tàn khốc cho xứng với tội ác của gã vào cái
đêm kinh hoàng bởi dân quân nổi dậy ấy.
Lại
theo sử sách:
Năm 1786 Đoan Nam vương tự tử khi bị quân
Tây Sơn bắt giải dẫn về kinh hạch tội, chấm dứt sự nghiệp nhà chúa lấn át quyền
lực các vua Lê ngót 140 năm.
Mùng 1 tháng bảy Giáp Ngọ - 2014
© Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Quảng Nam ngày 16/12/2015
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét