Có nên quá đổi tự hào? – Bài Dương Quốc Việt (Hà Nội)
Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016
Một đồng nghiệp của tôi được
phong Phó giáo sư với một lượng bài báo đóng góp mà anh ky cóp được bấy
lâu, chỉ vừa đủ với số điểm theo quy định. Anh mời tôi liên
hoan và tôi thực mừng cho anh, mừng vì anh sẽ được hưởng khung lương khác,
từ ngạch giảng viên thường anh đã kịch bậc sang ngạch giảng viên chính, đỡ phải
thi cử phức tạp! Anh vui thực sự, và thốt ra “Mình rất tự hào!”.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Dương Quốc Việt
Họ tên Dương Quốc Việt
Tiến sĩ toán – Giảng viên trường Đại học SP. Hà Nội
Một đồng nghiệp của tôi được phong Phó giáo sư với một lượng bài
báo đóng góp mà anh ky cóp được bấy lâu, chỉ vừa đủ với số điểm
theo quy định. Anh mời tôi liên hoan và tôi thực mừng cho anh, mừng
vì anh sẽ được hưởng khung lương khác, từ ngạch giảng viên thường anh đã kịch
bậc sang ngạch giảng viên chính, đỡ phải thi cử phức tạp! Anh vui thực sự, và
thốt ra “Mình rất tự hào!”. Quả thật nghe câu này, tôi như muốn khuyên anh, vui
thì cứ vui, nhưng chớ “Mình rất tự hào !”, kẻo người khác cười cho, nhất
là tôi còn biết rõ anh đã và sẽ chẳng bao giờ nghiên cứu khoa học thực sự
cả! Tuy vậy tôi không trách anh, vì cái kiểu tự hào như anh khá phổ biến,
người Việt đã lạm phát lòng tự hào quá chăng(!?)
Thời còn trẻ, một lần
ngồi “đàm đạo”, tôi hỏi một bạn vong niên-vốn là một người giảng dạy và nghiên
cứu về khoa học Xã hội, rằng trong mỗi trang sách, mỗi bài giảng, khi nói về
người nhà mình, người ta đều tự hào người
Việt thông minh và cần cù, thế tôi hỏi anh, anh có thể chỉ cho tôi một dân
tộc nào đó-cỡ đông như dân tộc Việt, mà lại không thông minh hay không cần cù
không? Anh chưng hửng, đỏ tai
nhìn tôi! Thế thì thông minh và cần cù là
tính phổ quát của mọi dân tộc đa số đang tồn tại trên thế giới này rồi còn
gì-tôi nói! Và đã như vậy thì có nên
tự hào như món đặc sản quý hiếm, mà chỉ dân mình mới có hay không-tôi đặt câu
hỏi tiếp như vậy! Cũng như thế, những đặc tính như đoàn kết, sáng tạo, hiếu học,
dũng cảm, yêu quê hương đất nước… đã bao giờ bạn mang ra đối chiếu, so sánh
giữa dân tộc mình với các dân tộc khác hay chưa?
Chúng
ta có thể hoan hỷ nói với nhau, nếu dân tộc mình không dũng cảm thì làm sao có
khả năng chiến thắng biết bao cuộc xâm lăng của ngoại bang! Đúng! Nhưng phải
chăng lòng dũng cảm xuất hiện ở trong tình thế quẫn bách-khi bị dồn vào chân
tường, có khác với lòng dũng cảm của kẻ chủ động tấn công-đánh phủ đầu để đè
bẹp ý chí kẻ thù?! Cũng có phải chăng lòng dũng cảm trong chiến đấu thì nhiều
người có, nhưng lòng dũng cảm để bảo vệ lẽ phải và công lý trước cường quyền
thì còn rất hiếm hoi?! Cứ hình dung ở một cơ quan nào đó, mà tập thể của nó có
đầy đủ dũng khí và lòng dũng cảm, thì chắc chắn ở đó lãnh đạo không thể lộng
hành! Vì để mất nước, mới phải cứu nước, nên dường như ngươi ta có bao nhiêu
dũng cảm-thông minh để lấy lại được giang san, thì cũng có bấy nhiêu hèn nhát-yếu
kém làm mất giang san(!) Thiết tưởng một dân tộc dũng cảm-thông minh chắc không
khó khăn lắm để nhận ra điều này!
Một
dịp vào ngày tết cách đây đã lâu, trong một phòng khách, có đến hơn chục vị
giảng viên cùng một khoa của một trường đại học, cùng ngồi nói chuyện và xem vô
tuyến. Một bản tin cho biết đồng Yên Nhật đang được giá (tất nhiên là so với
đồng Đô la Mỹ), và một vị thủng thẳng buột miệng: thế thì xuất khẩu của Nhật
chết! Lúc đầu chỉ vị chủ nhà phản đối, sau đó thì tất cả những người còn lại
đều phản đối nhận định này! Vị khách kia ngồi im không cãi nửa lời(!) Không bàn
về khía cạnh gì đó, nhất là vào ngày tết, trong câu chuyện thường nhật này! Chỉ
có một điều lạ, là tại sao tất cả các giảng viên phản đối kia, không một ai đòi
hỏi người đưa ra chính kiến giải thích, vì sao Yên Nhật được giá, thì xuất khẩu
của Nhật bị thua thiệt? Phải chăng họ không có nhu cầu tiếp nhận tri thức,
không cần học hỏi, chỉ cần thắng lấy được(!) Những câu chuyện như thế này chắc
chắn không ít đối với người Việt mình! Liệu những người hiếu học có thể như thế
chăng? Rồi không biết có bao nhiêu phần trăm người tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sĩ,
để rồi không học nữa(!?) Có bao nhiêu Cử nhân, Thạc sĩ, không biết tự học để
đáp ứng nhu cầu công việc, mà cứ phải khăng khăng chờ vào một khóa học, hay một
lớp bồi dưỡng nào đó(!?) Vì thế mà “hiếu học hay háo danh” cũng đã từng là chủ
đề của nhiều bài viết!
Một
lần đi công tác ở Trà Vinh, tôi đã được tận mắt chứng kiến những ngôi chùa của
người Khmer. Đó là những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo. Từ cổng, gò mái, cột
chùa, đến kiến trúc bên trong đều uy nghi, khuôn viên rộng rãi, nhiều cây cao…
Tôi chợt nhớ về những chùa Việt ở Bắc
Việt Nam, như một tương phản! Quả thật những ngôi chùa của nền “Văn minh sông
Hồng” hầu hết đều thấp bé, ngột ngạt… Xa hơn nữa như ai đó, trong một bài viết
đã kể rằng, có người nước ngoài đã thắc mắc khi du lịch xuyên Việt: “Không hiểu
tại sao một dân tộc có bề dày kịch sử như người Việt lại không có một công
trình nào tầm cỡ để lại cho đời?” Tất nhiên chúng ta có thừa cách giải thích,
nhưng hiện thực thì vẫn không thể chối bỏ! Thế rồi những tác phẩm văn học, khoa
học, chúng ta đã có được bao nhiêu tác phẩm như Truyện Kiều? Đào tạo Tiến sĩ
chính là đào tạo nhà khoa học, và luận án của họ chính là một công trình khoa
học nghiêm túc, nhưng cớ sao nhiều người sau khi có bằng Tiến sĩ, thì không còn
thấy một công trình khoa học nào nữa(!?) Bảo vệ luận án Tiến sĩ xong, cũng là
lúc, không ít người chia tay với nghiên cứu và sáng tạo khoa học(!) Cứ cho rằng
người Việt mình có tiềm năng sáng tạo, thì bao giờ cái sáng tạo đó sẽ được phát
lộ tương xứng?
Trong nghệ thuật dùng binh, đôi khi những vị
tướng đã tìm cách khích động lòng tự hào của binh lính, tuy có hơi quá, thậm
chí còn có thể gây ảo tưởng, cốt để tạo khí thế cho binh lính trước những
trận chiến sống còn, điều đó cũng dễ hiểu! Nhưng trong thời bình, nhất là trong
lúc đất nước thái bình đã non nửa thế kỷ, thiết tưởng những con dân đất Việt,
cần nhìn lại đầy đủ về những thế mạnh và những hạn chế của mình! Tiềm năng dù
có thật đi nữa thì vẫn chỉ là tiềm năng! Và những tiềm năng nếu có thật đó còn
phải chờ ai, và đợi đến bao giờ mới có thể được khai thác đầy đủ và hiệu quả
đây?
Hà Nội-10/2/2016
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 13/02/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét