Home
» Lý luận phê bình
» Thư viện thơ
» Bài thơ “Quê nghèo” của Đặng Xuân Xuyến và những cảm nhận (HN)
Bài thơ “Quê nghèo” của Đặng Xuân Xuyến và những cảm nhận (HN)
Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018
Quê tôi
nghèo lắm Vẫn lác đác nhà tranh Vẫn tiếng thở dài những chiều giáp hạt Vẫn bát
cơm chan mồ hôi mặn chát Cha cả đời lam lũ Mẹ một đời chắt chiu Khoai sắn vẫn
len vào giấc ngủ Tuổi thơ tôi đói ngủ Thương cánh cò bấu bíu lời ru.
Tác giả Đặng Xuân Xuyến
Họ tên Đặng Xuân Xuyến
Sinh sống tại Hà Nội
ĐT: 0903413075
Email: baothang_xuanxuyen@yahoo.com.vn
_____
Đặng Xuân Xuyến
BÀI THƠ
“QUÊ NGHÈO” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
VÀ
NHỮNG CẢM NHẬN
*
QUÊ
NGHÈO
.
Quê tôi
nghèo lắm
Vẫn lác
đác nhà tranh
Vẫn
tiếng thở dài những chiều giáp hạt
Vẫn bát
cơm chan mồ hôi mặn chát
Cha cả
đời lam lũ
Mẹ một
đời chắt chiu
Khoai
sắn vẫn len vào giấc ngủ
Tuổi
thơ tôi đói ngủ
Thương
cánh cò bấu bíu lời ru.
.
Quê tôi
nghèo lắm
Phiên
chợ còn èo ợt nghèo hơn
Dăm ba
nải chuối
Vài mớ
rau tươi
Mẹt
sắn, mẹt ngô
Í ới
mời chào cao hơn mời cỗ
Lèo tèo
dăm người bán
Lẻ tẻ
mấy người mua
Ế bán
Chán
mua
Phiên
chợ quê xác xơ già cỗi.
.
Quê tôi
nghèo lắm
Lũ trẻ
gầy như con cá mắm
Lũ trai
mặt mũi mốc meo
Gặm
nhấm nỗi đau nghèo khó
Nơm nớp
âu lo đời như chiếu bạc
Thương
con cò con vạc
Mỏi cổ
chồn chân trên đồng đất của mình.
.
Quê tôi
nghèo lắm
Nước
mắt rơi từ thời chị Dậu
Tiếng
oan khiên từ thời Giáo Thứ
Âm ỉ
bủa quanh
Bám đeo
đặc quánh
Chiếc
cổng làng dựng lên thật đẹp
Sừng
sững bê tông cốt thép
Ngạo
nghễ tượng đài
Ngạo
nghễ trần ai
Chiếc
cổng làng thành tai hại
Giam
hãm đời người
Tù túng
giấc mơ.
.
Quê tôi
nghèo
Nghèo
cả giấc mơ...
*.
Hưng
Yên, chiều 29 tháng 12 năm 2014
----
1-
ĐỌC BÀI
THƠ QUÊ NGHÈO CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Là người Việt Nam không ai không biết tới
cảnh nghèo, cái đói đã đeo bám dân tộc ta từ những ngàn đời. Cảnh đói ăn, thiếu
mặc, bán vợ, đợ con đã in đậm vào những trang văn, những bài thơ từ thuở ông
cha ta biết dùng chữ viết ghi lại cùng con cháu hôm nay. Nhiều câu thơ, trang
văn đã làm rơi lệ người đọc, thương cho số phận người xưa, lại thương cho phận
số của chính mình. Cuộc cách mạng năm 1945 giành lấy chính quyền từ chế độ vua
quan phong kiến, thực dân cai trị, người nghèo làm chủ lấy vận mệnh của mình
với bao hy vọng đẹp tươi, xây dựng một xã hội ấm no, công bằng, người không còn
bóc lột người… nhưng con đường ấy chưa biết bao giờ tới đích. Sau những bộ mặt
đô thị, thành phố tập trung được xây dựng khang trang đẹp đẽ, vẫn còn những
làng quê chưa thoát khỏi cảnh nghèo:
Vẫn lác đác nhà tranh
Vẫn tiếng thở dài những chiều giáp
hạt
Vẫn bát cơm chan mồ hôi mặt chát
Cha cả đời lam lũ
Mẹ một đời chắt chiu
Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ…
Bộ
mặt đời sống mỗi vùng quê mỗi nơi tuy có khác nhau nhưng nhìn chung vẫn chưa
nhấc nổi bàn chân thoát khỏi cái vòng nghèo khó. Bây giờ không còn đói dài đói
rạc, không còn quần mảnh áo manh, sự nghèo khó lại mang bộ mặt khác.
Nhìn
từ bên ngoài:
Chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp
Sừng sững bê tông cốt thép
Ngạo nghễ tượng đài…
Chiếc
cổng làng thành:
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ!
Còn
đời sống thật bên trong, văn hóa, hiểu biết, kiến thức, khoa học, tục lệ, lễ
nghi… vẫn chưa nâng con người thêm lên là bao. Thật buồn cười, hàng ngày qua
đài báo ta cứ nghe ra rả những lời nói đẹp: “cán bộ là đầy tớ của nhân dân!”
nhưng nhìn vào anh chị cán bộ nhỏ bé nhất của làng ai cũng quần là áo lượt, còn
nhân dân thì áo đẫm mồ hôi, quần quật nắng sương lại được tiếng là ông chủ của
đất nước. Trong khi mảnh đất hẹp của chính mình vẫn cày cuốc, người tà có thể
lấy đi để mua bán đầu từ cho những tập đoàn tư sản nước ngoài năm, bảy chục
năm, lấy tiền bỏ túi nhà nước thì ít, còn túi những ông bà đầy tớ, chỉ một hai
khóa nắm quyền, là có thể tậu nhà mặt phố, thị trấn, thành người của lớp giàu
sang. Còn dân đen thì phải rời nhà, rời cả mồ mả tổ tiên và được cái tiếng là
người có quyền làm chủ… Trong một bài thơ Đặng Xuân Xuyến khó nói hết điều này
nên sau những câu thơ khắc họa cái nghèo rất thực:
Quê tôi nghèo lắm
Lũ trẻ gầy như con cá mắm
Lũ trai mặt mũi mốc meo
Gặm nhấm nỗi đau nghèo khó
Mà
cuộc sống khổ nghèo trì trệ, tù đọng ấy cũng đâu yên ổn:
Nơm nớp âu lo
Đời như chiếu bạc
Nay hãy biết nay, còn mai chưa biết
thế nào.
Hình
ảnh trong bài thơ của Đặng Xuân Xuyến viết là những làng quê của vùng khoai lúa
cây trồng nơi những vùng đồng bằng ít biến động bởi thiên tai bão tố. Nước ta
với hơn ba nghìn cây số biển dài còn bao làng quê sống nghề chài lưới. Mỗi gia
đình ở đây còn nơm nớp bao nhiêu khi đặt cược đời mình nơi những chiếc phao nổi
nênh mặt nước. Dù không giàu có nhưng sống nhờ con tôm, con cá … qua ngày. Bỗng
nhiên người ta bán đất đầu tư cho nước ngoài gần cả trăm năm. Công nghiệp đem
được lợi ích gì cho những người dân chài lưới chưa thấy đâu, đã gây nên vụ ngộ
độc suốt dải biển bắc miền Trung cá chết, đã hơn hai tháng nay chưa tìm được
nguyên nhân. Tuy được cho cơm gạo cầm hơi để sống, để nhìn ra biển. Nỗi đau dân
chài, tự dựng rơi lại vào cái bẫy khó nghèo, so với nỗi sợ, nỗi lo ở những làng
quê đời sống dân chài còn nơm nớp bấp bênh hơn. Đúng là “Đời như chiếu bạc”
mình không đánh bạc mà bị trắng tay… Nỗi buồn lo đến vậy cả một dải đất miền
biển, nhưng trên báo chí truyền thông ta chỉ được đọc một hai bài thơ đồng cảm
với biển, chứng tỏ còn một nỗi đáng sợ hơn là lòng người bây giờ, tuy vẫn cười
vẫn nói cùng nhau nhưng thứ tình nghĩa quê kiểng xóm làng sống không còn ấm áp
“Tắt lửa tối đèn” như xưa.
Giữa
không khí thơ như thế bài thơ của Đặng Xuân Xuyến như đốm lửa tình người vẫn
còn lửa hồng than đỏ, hàng ngày sống giữa những cạnh tranh giành giật phố phường
mà còn gửi được hồn mình ở nơi tình người và cảnh vật lẻ loi là thật đáng quý:
Phiên chợ quê còn ẽo ợt nghèo hơn
Dăm ba nải chuối
Vài mớ rau tươi
Mẹt sắn mẹt ngô
Í ới mời chào…
Ế bán
Chán mua
Phiên chợ quê xác xơ già cỗi
Bài
thơ “Quê
nghèo” của Đặng Xuân Xuyến cho ta cái tình, tình người muôn thuở.
Làng
thơ Việt Nam bây giờ có nhiều người giàu có, quyền tước ngất trời muốn mượn
thêm thơ để làm phật đạo, rằng mình cũng hiền, cũng triết, cũng thanh cao, đã
mượn cả danh của hội nhà văn Việt Nam để in sách, mời những nhà thơ có tiếng để
hội thảo, in song ngữ, tam ngữ, quảng bá rùm beng như đám rước hội làng, nhưng
thơ nhạt thếch, bởi lòng họ còn đâu thứ tình người lửa khói. Tình người đã cạn
kiệt còn lấy gì để rung ngân… Trái tim không còn nhói đau khi chạm phải “cái
nghèo” cái bất công hàng ngày vây bủa thì còn đâu thơ phú...
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà
Nội.
Email: haicv08@gmail.com
--------
2-
“QUÊ
NGHÈO” - NGHÈO ĐẾN XÓT XA CÕI LÒNG
Hơn 60 năm trước, khi trọ học ở Hà Nội, tôi
thường được ông chủ nhà cho cùng ông nghe buổi phát thanh ca nhạc của Đài phát
thanh Pháp Á. Vì vậy, dần dà, tôi đã thuộc được lời và âm điệu của những bài ca
mà tôi yêu thích, trong đó có bài “Quê nghèo” của Phạm Duy mà tôi
có cảm giác như cái quê nghèo trong bản nhạc ấy cũng chính là quê mình,
cũng “không xa kinh kỳ sáng chói”, cũng “có lũy tre còm tả tơi”…
Sau ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, tôi vĩnh
viễn không còn được nghe đài Pháp Á nữa, không phải vì không còn trọ học mà vì
dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi. Những bản nhạc bấy lâu đã thuộc
trôi dần vào lãng quên trước nỗi vất vả kiếm sống của một thời trai trẻ cùng sự
cấm đoán hát những bản nhạc ấy. Lại thêm khắp các làng quê được khơi dậy phong
trào hợp tác xã, lòng người phơi phới hát vang lời ca "Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng
ấm áp làng quê/ Chiêm mùa cờ đỏ ven đê...". Vì thế hai
tiếng “Quê nghèo” cũng lặn mất tăm trong tâm trí của tôi.
Ai
hay, hôm nay hai tiếng “Quê nghèo” lại hiện lên rõ nét
trước mắt tôi. Không phải là nhạc phẩm “Quê nghèo” một thời vang bóng
của nhạc sĩ Phạm Duy mà là bài thơ “Quê nghèo” còn như mới tinh nét
chữ của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến!
Bài
thơ Quê nghèo gồm 4 khổ chính, khổ nào cũng cất lên câu mở
đầu: Quê tôi nghèo lắm nghe như một tiếng thở dài buồn thảm và dai
dẳng không hòng tìm thấy điểm ngừng. 4 khổ thơ chính và 2 câu thơ kết đã phô ra
5 cái nghèo lắm:
Trước
hết là cái nghèo lắm về cảnh vật đến cuộc sống của người dân quê tôi:
Vẫn lác đác nhà tranh
Vẫn tiếng thở dài những chiều giáp
hạt
Vẫn bát cơm chan mồ hôi mặn chát
Cha cả đời lam lũ
Mẹ một đời chắt chiu
Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ
Ba
tiếng vẫn ở ba đầu ba câu thơ liên tiếp biểu thị sự tiếp
tục, tiếp diễn của trạng thái nghèo nàn mà không gì có thể thay đổi được qua
năm tháng.
Tuy
nhiên, vẫn lác đác nhà tranh thì phần nào còn hy vọng nhà tranh
sẽ hết. Nhưng “Vẫn tiếng thở
dài những chiều giáp hạt/ Vẫn bát cơm chan mồ hôi mặn chát” thì
không dễ gì thoát được khi mà người dân quê đã lam lũ dốc kiệt sức vào việc
kiếm ăn và đã phải một đời chắt chiu từ củ khoai nắm thóc, vậy mà hạt gạo
không đủ nấu cơm. Bởi thế, từ Vẫn thứ tư phải tiếp nối:
Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ
Và
biết bao tuổi thơ lâm vào cảnh:
Tuổi thơ tôi đói ngủ
Thương cánh cò bấu bíu lời ru.
Rất
dễ hiểu ra, không phải là cánh
cò bay lả bay la/ bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng hay những cánh cò trắng phau phau/ ăn
no tắm mát rủ nhau đi nằm; mà phải là những cánh cò đi ăn
đêm, những cánh cò lặn lội bờ sông…
Bài
thơ Quê nghèo của Đặng Xuân Xuyến hôm nay nhắc tôi nhớ lại bản
nhạc Quê nghèo từ năm 1948 của Phạm Duy với những cảnh mà từng ấy năm
đã qua không một ai có thể vẽ lên hình ảnh môt quê nghèo tuyệt vời đến
vậy: lũy tre còm tả tơi, những ông già rách vai cuốc đất bên đàn
trẻ gầy... Rồi là một tiếng kêu thống thiết:
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống
khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy
Nhưng trong tiếng kêu thống thiết ấy vẫn còn
có niềm vui là nồi cơm độn đầy ngô. Người mẹ trẻ nghèo khó dẫu cũng thở
dài nhưng trẻ thơ vẫn được đi vào giấc ngủ bằng sự vỗ về yêu thương của mẹ:
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi
Sau
hơn 60 năm đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội rồi lại thực hiện đường lối
đổi mới, những tưởng quê tôi sẽ đổi thay và phát triển đầy ấm no, hạnh phúc. Ai
ngờ Quê tôi của nhà thơ, một làng quê của một tỉnh nằm ở trung tâm
đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội chỉ hơn sáu chục cây số, một vùng đất đã
nổi danh từ 200 năm trước với Phố Hiến, một thương cảng đô hội quan trọng bậc
nhất ở Đàng Ngoài trong câu: “Thứ nhất
Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến” vẫn không thoát cảnh Quê nghèo, vẫn chỉ là
nhà tranh, là tiếng thở dài, là bát cơm mặn chát mồ hôi, là khoai sắn len vào
giấc ngủ của người lớn, là cánh cò bấu bíu lời ru trong giấc đói ngủ của con
trẻ.
Quê
tôi nghèo lắm còn được phơi bầy không giấu giếm trong cảnh chợ làng:
Dăm ba nải chuối
Vài mớ rau tươi
Mẹt sắn, mẹt ngô
Hàng
hóa chỉ có thế, không thấy con tôm, con cá, con gà, miếng thịt lợn…
Chợ
quê không nhiều người và phong phú hàng hóa như chợ huyện, chợ tỉnh nhưng
từ nghìn đời nay chợ quê không chỉ là nơi đổi chác mua bán mà đối với dân làng
còn là một nơi gần gụi thân thương chung của mọi người đồng thời cũng là một
sắc thái riêng của văn hóa làng trong văn hóa chung của dân tộc. Bởi thế
từ nghìn đời nay, bao người ao ước: Muốn
cho gần chợ mà chơi / Gần sông tắm mát, gần nơi đi về.
Nhưng
bây giờ cái chợ quê của nhà thơ chỉ còn là một cái chợ “èo ọt” với
vài dăm món hàng rẻ tiền như nải chuối, mớ rau, mẹt sắn mẹt ngô thì hiển nhiên
cảnh họp chợ phải gần như vắng hoe:
Lèo tèo dăm người bán
Lẻ tẻ mấy người mua
Kẻ bán
người mua, tất cả đều chung một tâm trạng buồn chán trước một phiên chợ đang
tàn tạ không còn chút sự sống:
Ế bán
Chán mua
Phiên chợ quê xác xơ già cỗi.
Quê
tôi nghèo lắm, nghèo đến xót xa cõi lòng khi thấy hình hài lũ trẻ:
Lũ trẻ gầy như con cá mắm
Lũ trai mặt mũi mốc meo
Nhìn
lũ trẻ Quê nghèo trong thơ Đặng Xuân Xuyến, bỗng dưng tôi nghe văng
vẳng tiếng hát trẻ trung trong câu ca dao: Gió đưa gió đẩy… về rẫy ăn còng / Về sông ăn cá, về đồng ăn cua…
Rồi
lại ùa về thêm trong tôi những lời kể của nhà văn Tô Hoài: “cái thuở bé sao mà lâu thế, dài thế. Bắt
châu chấu bán cho người chơi chim họa mi. Bán không hết thì vặt cánh, bóp bụng
cứt, rang khan với muối, ăn vã. Rồi thì kéo bọn đi hun chuột đồng, chuột luộc,
chuột rán đều ngon. Quả sấu, quả nhót dầm nước mắm ớt, bây giờ đến mùa vẫn nhớ
thèm và nói đến vẫn còn tứa nước rãi. Hôm nắng hanh thì lùng các bụi tre bắt
rắn ráo ra phơi mình, chúng nó là rắn, nhưng rắn ráo, rắn nước, rắn mỏng không
có nọc độc, thịt mềm như thịt gà con luộc..." (trích Chiều
chiều).
Bây
giờ đâu còn dễ kiếm được con còng, con cá, con cua đồng, đâu còn bắt được châu
chấu, chuột đồng, rắn ráo, rắn nước rắn mòng, đâu còn hái được quả sấu quả nhót
nơi quê nhà… nên lũ trẻ mới ra cái hình hài, cá mắm mốc meo đáng thương kia.
Những
thân hình đói khổ ấy làm sao chứa đựng được những tâm hồn lành mạnh mà trong họ
chỉ có:
Nơm nớp âu lo đời như chiếu bạc
Với
sự sống quẩn quanh chật hẹp tù hãm như những:
con cò con vạc
Mỏi cổ chồn chân trên đồng
đất của mình
Quê
tôi nghèo lắm. Vậy nguồn gốc của nông nỗi nghèo lắm ấy là từ đâu?
Hãy
nghe nhà thơ cắt nghĩa:
Trước
hết là nỗi khổ đau truyền đời chưa dứt:
Nước mắt rơi từ thời chị Dậu
Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ
Âm ỉ bủa quanh
Bám đeo đặc quánh
Và
giờ đây cộng thêm:
Chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp
Ô
hay, sao lại là tội của chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp ấy?
Cổng
làng có từ xa xưa ở làng quê Việt Nam. Ngoài ranh giới phân chia, cổng làng thể
hiện rõ hồn cốt của làng. Nó được dựng lên để bảo vệ làng khi có giặc giã, trộm
cướp và thường được dựng bằng tre, nối liền với những lũy tre bao bọc quanh
làng. Bên cạnh cổng làng có điếm canh, ngày cổng mở để dân làng đi lại, đêm
làng cử người canh ở điếm, kiểm tra người lạ vào làng. Những chiếc cổng làng
xưa cũ ấy đã đi vào thơ ca với những nét đẹp giản đơn mà thơ mộng:
Ngày nay dù ở nơi xa
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong
tre
(Bàng Bá Lân)
Giờ
cổng làng xưa không còn nữa. Quê thì nghèo rớt mồng tơi mà người ta lại xây
cổng làng hoành tráng quá. Cổng làng không còn là nơi thông báo cho người khác
biết về địa giới hành chính của làng nữa mà dường như chỉ để khoe mẽ:
Sừng sững bê tông cốt thép
Ngạo nghễ tượng đài
Ngạo nghễ trần ai
Và
chính vì thế, người ta đâu biết:
Chiếc cổng làng thành tai hại
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.
Bài
thơ kết thúc với hai câu nhưng câu thứ nhất cũng đai lại ba tiếng: Quê tôi
nghèo. Và trong mọi cái nghèo đã nói, xót xa hơn cả là cái nghèo trong câu
kết thứ hai:
Nghèo cả giấc mơ
Đến
giấc mơ cũng nghèo thì nói gì đến hoài bão ước mơ lớn mà biết bao sự đổi thay
tốt đẹp ở đời thì chỉ thuộc về những người có hoài bão, biết ước mơ!
Trong
muôn vạn bài thơ của các kiểu người người làm thơ, nhà nhà làm thơ ngày nay với
tràn ngập những bài thơ sáo mòn, nhạt thếch và cũ rích, thậm chí có nhiều bài
như cỏ dại và nấm độc, thì bài thơ Quê nghèo của Đặng Xuân Xuyến là
một bài thơ xứng đáng được những người yêu thơ đích thực đón nhận. Trước sự
nghèo khổ của Quê hương, nhà thơ đã không câm lặng mà đã cất lên những tiếng
thơ chân thật và đầy xúc động thể hiện những nỗi xót lòng đối với làng quê, với
người dân quê của mình. Những tiếng thơ chân thật đến xót lòng ấy cũng là tiếng
nói chung cho nhiều người đang còn có những “Quê tôi” chưa thoát cảnh đói nghèo.
*
Sài
Gòn 17-06-2016
NGUYỄN
BÀNG
Email: bnguyen37@gmail.com
----------
3-
“QUÊ
NGHÈO” - XÓT XA NHỮNG TIẾNG LÒNG
Ngoài
kia Ngâu đang rả rích. Trong này, tôi cũng đang lặn lội “về” với Quê Nghèo của Đặng Xuân
Xuyến!
Mà
cũng lạ, cái quê này ở đâu vậy nhỉ? Cố tìm một địa danh mà chẳng thấy. Thì ra
ai đọc Quê Nghèo cũng liên tưởng đến quê mình... củ khoai hạt lúa,
chân chất mộc mạc, xa thương gần lại càng thương.
Tác
giả đã nói hộ mọi người:
Quê tôi nghèo lắm
(…)
Cha cả đời lam lũ
Mẹ một đời chắt chiu ...
Đọc
hai câu thơ này giống như vế đối, lặp từ ĐỜI càng làm nặng thêm cái vất vả của
bậc sinh thành. Tác giả có thể thay: cha suốt ngày lam lũ ... để tránh lặp từ
nhưng may quá tác giả đã không làm như vậy! Đọc đến đây làm chúng con thấy chua
xót mà cũng lăn tăn về trách nhiệm của mình nhưng có ngờ đâu đó là định mệnh mà
xã hội làm chưa trọn!
Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ ...
Trời
ạ, khi đói chả ai ngủ được, họ nằm trằn trọc, ước ao có được củ khoai, miếng
sắn để quên đi bụng réo cồn cào... một lối tư duy rất thơ mà rất thực, cái đói
cứ len vào giấc ngủ mà không làm gì được vì biết chắc chắn nhà mình chẳng còn
gì cả, càng cố quên đi nó càng luồn lách, len lỏi vào tận... dạ dày! Chả còn gì
để mà tự an ủi nữa, đến: Cánh cò (còn phải) bấu bíu lời ru!
Câu
thơ đến đây làm nghẹn lòng người đọc, thương cho cánh cò rồi lại thương cái quê
nghèo, thương cái thân phận của mình.
Có
người nói: muốn biết vùng ấy thế nào thì nhìn vào chợ. Thì đây: phiên chợ èo
uột,
Dăm ba nải chuối
Vài mớ rau tươi
.
Lèo tèo dăm người bán
Lẻ tẻ mấy người mua.
.
Ế bán
Chán mua
Lại
một lần nữa cách diễn tả như vế đối, cô đọng hết cỡ, ngữ điệu dân gian... làm
ta nghe phảng phất nhớ cụ Nguyễn Khuyến - Tú Xương. Thành công của bài thơ nằm
ở đây. Tài thật, tôi biết đây là ngẫu hứng, tưởng tượng thôi nhưng thật tuyệt
vì tác giả đã hòa hồn vào Quê Nghèo mới tinh chiết ra được như vậy.
Thương con cò con vạc
Mỏi cổ chồn chân trên đồng đất của
mình.
Người
nông dân thua trận ngay trên quê mình, mỏi cổ chồn chân ... miết rồi vẫn
vậy.
Đặng
Xuân Xuyến ơi:
“Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”
- (Trần
Đăng Khoa)
Đặng
Xuân Xuyến đã làm tôi liên tưởng so sánh về sự hòa hồn với quê hương tới mức
đồng thể!
Ngạc
nhiên thật. Thơ không giấu được về con người làm ra nó, có thế nào nó rải ra
một cách vô tư và công bằng.
Bẵng
đi... đến thời nay (mặc dù tạm quên đi chị Dậu, Giáo Thứ):
Chiếc cổng làng dựng nên thật đẹp
Ngạo nghễ tượng đài
Ngạo nghễ trần ai...
Để:
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ!
.
Quê tôi nghèo
Nghèo (đến) cả giấc
mơ!
Đúng
là hình ảnh làng văn hoá, đổi mới hiện nay rồi nhưng sao ta vẫn nếm được vị
chua chát, bất mãn làm vậy. Rất may đây là cách chỉ ra gián tiếp nguyên do làm
cho quê nghèo mãi nghèo! Ta đã thấy manh nhà một tư tưởng mới, cách sống không
cam chịu và chẳng thèm thích nghi nữa.
Con
cò: bấu víu lời ru
Con
người: nghèo cả giấc mơ!
Mơ
chả mất tiền, không ai đánh thuế, bắt vạ... ấy mà cũng chả dám mơ ước đổi đời
......
Ngoài
kia giọt mưa thu đã ngừng rơi
Còn
trong lòng mưa vẫn rơi sùi sụt!
Thương
cho những quê nghèo với những xót xa tiếng lòng như trong Quê
Nghèo của Đặng Xuân Xuyến!
*.
BÙI
ĐỒNG
Địa
chỉ: 3/176 Phan Đình Phùng, t/p Nam Định.
Email: hatbuinhangian.db@gmail.com
--------
4-
ƯU ĐIỂM
VỀ MẶT THI PHÁP CỦA “QUÊ NGHÈO”
- Trích từ bài: BÌNH THƠ KHÔNG BÀN THI PHÁP -
***
Bài
này (Quê Nghèo) nhà phê bình Nguyễn Bàng đã viết lời bình với tựa Quê
Nghèo - Nghèo Đến Xót Xa Cõi Lòng. Còn ông Bùi Đồng cũng bình bài thơ nhưng
chọn cái tựa khác hơn một tý: Quê Nghèo - Xót Xa Những Tiếng Lòng. Giống
như Châu Thạch, hai ông cũng chỉ bình tán ý tứ mà không bàn thi pháp.
1/
Nhịp điệu: Số câu trong bài không bị bó buộc, viết hết ý thì thôi; số chữ
trong câu tùy tiện, không theo một quy luật nào nên nhịp điệu khác lạ, tránh
được cảm giác đơn điệu, nhàm chán. Tốc độ dòng chảy của tứ thơ khá nhanh, thay
đổi theo cảm xúc, tạo mối giao cảm trực tiếp với độc giả ngay trên từng con
chữ. Thêm vào đó, cách phân bổ các con chữ, câu, đoạn trong bài thơ biểu lộ một
tâm thế, một phong thái tự do, thoải mái.
2/
Vần: Tôi có cảm tưởng tác giả không chủ ý gieo vần nhưng các con chữ tuôn
ra trong lúc tình thương mến quê dâng cao cứ tự động kết nối với nhau thành
từng mảng trong đó đã có vần một cách tự nhiên. Riêng đoạn 2 và phần đầu đoạn 4
không có vần nhưng đọc lên - nhờ nhịp điệu - vẫn trơn tru thoải mái như ăn chè
vừa đủ độ ngọt.
Quê tôi nghèo lắm
Phiên chợ còn èo ợt nghèo hơn
Dăm ba nải chuối
Vài mớ rau tươi
Mẹt sắn, mẹt ngô
Í ới mời chào cao hơn mời cỗ
Lèo tèo dăm người bán
Lẻ tẻ mấy người mua
Ế bán
Chán mua
Phiên chợ quê xác xơ già cỗi.
Và:
Quê tôi nghèo lắm
Nước mắt rơi từ thời chị Dậu
Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ
Âm ỉ bủa quanh
Bám đeo đặc quánh
Không
biết do tác giả có tài hay do may mắn. Tôi nghĩ có lẽ cả hai.
3/
Dòng chảy của tứ thơ: Hình ảnh, sự kiện nối tiếp nhau chảy thành dòng trên
con kênh mà lòng kênh là câu thơ chủ đạo “Quê tôi nghèo lắm”. Chính nhờ tứ thơ nhất khí liền mạch chảy thành
dòng nên đã có sóng sau dồn sóng trước để tạo cơ hội cho cảm xúc tầng 3 xuất
hiện.
4/
Cảm xúc: Cảm xúc tầng 1 khá mạnh toát ra từ câu chữ; cảm xúc tầng 2 cũng
đáng kể do thế trận tuy chưa hoàn toàn hợp lý, mạch lạc nhưng cũng không đến
nỗi phân tán, rời rạc. Thêm vào đó, nhờ nhịp điệu thơ nhanh nên đã có xuất hiện
cảm xúc tầng 3 - thứ cảm xúc cao cấp nhất trong thơ - nhưng chưa đủ mạnh để tạo
hồn thơ. Lý do: tác giả không tạo được cao trào, và do đó, đoạn kết thiếu ấn
tượng.
Đôi
Lời Với Tác Giả Bài Thơ “Quê Nghèo”
Tôi
đã để ý đến “cách làm thơ” của Đặng
Xuân Xuyến từ khá lâu mặc dù đã có lần “đụng
chạm” với anh rất nặng. Về mặt thi pháp, anh (và vài nhà thơ khác) đã đi
trước rất nhiều người trong cái cộng đồng yêu thơ quy tụ quanh trang web của
anh và một số trang web lân cận. Muốn đem một bài thơ nào đó của anh ra mổ xẻ
để “mách nước” cho anh bứt phá chạy
mau đến “bến bờ thi ca” nhưng hình
như “không có duyên”; tôi thường đi
sau thiên hạ một bước.
Hôm
nay, nhân dịp viết loạt bài về hồn thơ tôi để ý đến bài Quê
Nghèo của anh. Thật tình, đây là bài thơ còn khá xa mới đến mức
hoàn hảo. Có đến vài chỗ sai phạm, hoặc nếu không sai phạm thì cũng chưa hoàn
chỉnh, có thể o bế, trau chuốt để bài thơ hay hơn. Nhưng rõ ràng với cách sắp
xếp con chữ và sử dụng vần điệu khá nhuyễn anh đã tạo cho bài thơ của mình cái
vóc dáng của một lãng tử phiêu du, không bị trói buộc bởi “gia quy, lệ làng, phép nước”; tứ thơ đã chảy thành dòng, và cảm xúc
có đôi chỗ mức gia tăng đã nhiều hơn cấp số cộng. Mặc dầu bài thơ đã có (ít
nhất) hai người bình nhưng cả hai (Nguyễn Bàng và Bùi Đồng) đều không bàn thi
pháp nên kỹ thuật thơ của anh, cái “tài
thơ” của anh bị lãng quên.
Theo
tôi, riêng về phần kỹ thuật thơ, anh đã có đủ điều kiện để viết bài thơ để đời
của mình. So với Ngọc Mai - người tôi nói đến ở bài 2 - anh có
nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt là thể thơ và cách nhìn phóng khoáng về cuộc sống.
Nói theo ngôn ngữ bóng đá anh cần để ý thêm về đấu pháp toàn đội (thế trận),
cách ghi bàn thắng thật đẹp (đoạn kết) và gây hưng phấn cho cầu thủ của đội
bóng (trạng thái cao hứng của thi sĩ). Nếu anh tiếp tục “thai nghén” một tứ thơ đắc ý nào đó rồi gắng chờ đến lúc “óc ách”, khó chịu, không “xì” ra không được. Lúc ấy mà “mở bầu tâm sự” thì với thi pháp của anh
cơ hội tặng cho đời một đứa con “sáng giá”
sẽ rất cao.
*
PHẠM
ĐỨC NHÌ
Địa
chỉ: League City, Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
----------
5-
VÀI Ý
KIẾN QUANH VIỆC MỔ XẺ BÀI THƠ:
“QUÊ
NGHÈO” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Chưa bàn đến hay, không hay nhưng tôi thích
bài thơ ở chỗ nó chân thực nhưng tôi không thích tứ thơ này:
“Chiếc cổng làng thành tai hại
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.
.
Quê tôi nghèo
Nghèo cả giấc mơ...”
Đây
là chủ quan của tác giả. Tôi nghĩ hãy để cho nó tự nhiên như vốn có.
Cảnh
quê nghèo này nó nhang nhác các bài thơ tả cảnh đồng quê ở đâu đó cánh cò, cánh
vạc, đói, rét. Từ ngày cách mạng tháng 8 thành công, dân cũng còn nhiều người
đói khổ, tuy nhiên, những tá điền được xóa nợ, nhiều người nông dân đã đổi đời,
con em họ được đi học, thậm chí được giữ nhiều trọng trách trong xã hội. Tuy
nhiên xã hội nào cũng có mặt này mặt nọ, nên nhìn những mặt tích cực.
Với
bác PHẠM ĐỨC NHÌ
Dù
cho tôi không biết bác là ai, nhưng qua lời góp ý, phê bình của bác tôi thấy
bác là người thẳng thắn và khá chân tình, tất nhiên kẻ sỹ Bắc Hà không ai tránh
khỏi một chút kẻ cả khi bác nói: “Muốn
đem một bài thơ nào đó của anh ra mổ xẻ để “mách nước” cho anh bứt phá chạy mau
đến “bến bờ thi ca”. Điều này chả ai giúp ai được bác ạ, vì nó tự nhiên như
ánh trăng, như cảm xúc lúc yêu đương phải không bác?
“Theo tôi, riêng về phần kỹ thuật thơ, anh đã
có đủ điều kiện để viết bài thơ để đời của mình.”. Bác ấy rất chân tình và
thẳng thắn hơn nữa đưa ra những nhận xét tích cực chứ hoàn toàn không hạ thấp
người nghe.
Nếu nghe câu này chắc chắn lúc đâu tác giả
không tránh khỏi bị sốc vì có người chê đứa con của mình ngay cả người đó là mẹ
vợ mình đi nữa: “Thật tình, đây là bài
thơ còn khá xa mới đến mức hoàn hảo. Có đến vài chỗ sai phạm, hoặc nếu không
sai phạm thì cũng chưa hoàn chỉnh, có thể o bế, trau chuốt để bài thơ hay hơn.”.
Điều
này rất thẳng thắn, tuy nhiên cũng là ý nghĩ chủ quan của bác PHẠM ĐỨC NHÌ vì
thơ phú là cảm xúc của từng người, nhất là thơ mới, không theo bất cứ một bó
buộc, nguyên tắc gì.
Tuy
nhiên bác vẫn thừa nhận những điểm mạnh của bài thơ: “Nhưng rõ ràng với cách sắp xếp con chữ và sử dụng vần điệu khá nhuyễn
anh đã tạo cho bài thơ của mình cái vóc dáng của một lãng tử phiêu du, không bị
trói buộc bởi “gia quy, lệ làng, phép nước”; tứ thơ đã chảy thành dòng, và cảm
xúc có đôi chỗ mức gia tăng đã nhiều hơn cấp số cộng.”
Nếu
không thực sự yêu mến nhà thơ thì bác ấy đã không mất công để mà ngồi bình làm
gì, bác ấy góp ý như là góp ý cho một đứa con trai.
1/
Nhịp điệu: Số câu trong bài không bị bó buộc, viết hết ý thì thôi; số chữ trong
câu tùy tiện, không theo một quy luật nào nên nhịp điệu khác lạ, tránh được cảm
giác đơn điệu, nhàm chán. Tốc độ dòng chảy của tứ thơ khá nhanh, thay đổi theo
cảm xúc, tạo mối giao cảm trực tiếp với độc giả ngay trên từng con chữ. Thêm
vào đó, cách phân bổ các con chữ, câu, đoạn trong bài thơ biểu lộ một tâm thế,
một phong thái tự do, thoải mái.
2/
Vần: Tôi có cảm tưởng tác giả không chủ ý gieo vần nhưng các con chữ tuôn ra
trong lúc tình thương mến quê dâng cao cứ tự động kết nối với nhau thành từng
mảng trong đó đã có vần một cách tự nhiên. Riêng đoạn 2 và phần đầu đoạn 4
không có vần nhưng đọc lên - nhờ nhịp điệu - vẫn trơn tru thoải mái như ăn chè
vừa đủ độ ngọt.
3/
Dòng chảy của tứ thơ: Hình ảnh, sự kiện nối tiếp nhau chảy thành dòng trên con
kênh mà lòng kênh là câu thơ chủ đạo “Quê tôi nghèo lắm”. Chính nhờ tứ thơ nhất
khí liền mạch chảy thành dòng nên đã có sóng sau dồn sóng trước để tạo cơ hội
cho cảm xúc tầng 3 xuất hiện.
4/
Cảm xúc: Cảm xúc tầng 1 khá mạnh toát ra từ câu chữ; cảm xúc tầng 2 cũng đáng
kể do thế trận tuy chưa hoàn toàn hợp lý, mạch lạc nhưng cũng không đến nỗi
phân tán, rời rạc. Thêm vào đó, nhờ nhịp điệu nhanh nên đã có xuất hiện cảm xúc
tầng 3 - thứ cảm xúc cao cấp nhất trong thơ - nhưng chưa đủ mạnh để tạo hồn
thơ. Lý do: tác giả không tạo được cao trào, và do đó, đoạn kết thiếu ấn
tượng.”
Dù
muốn hay không muốn bác ấy cũng đưa ra lời nhận xét rất chân tình: “Không biết do tác giả có tài hay do may mắn.
Tôi nghĩ có lẽ cả hai.”
Tôi
không hiểu nhiều về bóng đá, và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm sống nhưng tôi
nghĩ là bác Phạm Đức Nhì có một nhận thúc khá dày dặn về cuộc sống, khi ví thơ
với bóng đá, cho dù đôi lúc vẫn còn giữ thói quen của những nề nếp cũ: “anh có nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt là thể
thơ và cách nhìn phóng khoáng về cuộc sống. Nói theo ngôn ngữ bóng đá anh cần
để ý thêm về đấu pháp toàn đội (thế trận), cách ghi bàn thắng thật đẹp (đoạn
kết) và gây hưng phấn cho cầu thủ của đội bóng (trạng thái cao hứng của thi
sĩ). Nếu anh tiếp tục “thai nghén” một tứ thơ đắc ý nào đó rồi gắng chờ đến lúc
“óc ách’, khó chịu, không “xì” ra không được. Lúc ấy mà “mở bầu tâm sự” thì với
thi pháp của anh cơ hội tặng cho đời một đứa con “sáng giá” sẽ rất cao.”
Với CảnhThư Sg:
Người
thực sự chấp nhận được sự suy nghĩ khác với mình là người thực sự tự tin và bao
dung, hiểu đời, tôi không biết tác giả đã từng là một người lính, tác giả nghĩ
thế nào?
Nhưng
lời bình dù chỉ trích của các nhà thơ đem lại giá trị cho bài thơ rất cao? Chắc
chắn nhà thơ hiểu được điều này nên không lên tiếng phản bác?
Theo
như bạn viết: “có người đọc thơ cho là
may rồi. Mà người đọc thơ cũng chả ai được học và cần học Thi pháp, thích thì
đọc; đọc xong thì bảo hay, khá hay, chưa hay hoặc dở, quá dở, thế thôi! Nay bài
thơ Quê Nghèo có tới 3 người bình, thiết tưởng thế là rất đáng mừng cho nhà thơ
và cho bài thơ rồi”.
Bạn
nói rất đúng, nếu không yêu thì bình làm chi? Còn việc bạn cho rằng : “Ở một
cường quốc thơ như Việt Nam”, không biết bạn có chủ quan hay không?
Đành
rằng bây giờ không chỉ có kẻ sỹ hay người học chuyên văn, giới văn sỹ đọc
thơ: “người đọc thơ cũng chả ai được
học và cần học Thi pháp, thích thì đọc; đọc xong thì bảo hay, khá hay, chưa hay
hoặc dở, quá dở, thế thôi!” tuy nhiên dù là một người ngoại đạo thì tôi
nghĩ, ai cũng có thể đọc thơ, cảm nhận thơ theo cách riêng của mình. Nhưng tùy
theo trình độ và chuyên môn mà người bình có thể đánh giá bài thơ đó theo cách
riêng của họ. Còn theo bản thân tôi một bài thơ có ý tứ hay người nghe cảm thụ,
ngoài ra còn có luật, do đó thơ Lục bát, thơ thất ngôn bát cú, thơ Đường Luật,
thơ thất ngôn trường thiên phải theo đúng luật. Cái hay, cái tài tình cái thông
minh của người làm thơ là ở chỗ đó? Ngoài ra qua thơ người ta có thể hiểu thấu
được tâm tính và khí phách của người làm thơ. Đố ai tìm được chỗ sai nào trong
bài thơ: Qua đèo ngang của bà Huyện Thanh Quan!!!
Vài
ý kiến của một người ngoại đạo. Ai thích thì like, ai không thích cứ việc ném
đá, tôi ở xa, đá không đến tận nơi.
*
Ngày
05 tháng 04 năm 2018
NGUYỄN
BÍCH THỦY
facebook: Nguyen Bich Thuy
----------
6-
VỀ
CHIẾC CỔNG LÀNG TRONG BÀI THƠ
“QUÊ
NGHÈO” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Tôi vừa hân hạnh đọc bài viết “Vài ý kiến quanh việc mổ xẻ bài thơ Quê
Nghèo của Đặng Xuân Xuyến” của tác giả Nguyễn Bích Thủy ở Bỉ.
Tôi
thích bài viết nầy vì lời văn điềm đạm, dễ thương. Trong bài chị Nguyễn Bích
Thủy trích dẫn lại câu chữ của nhà thơ Phạm Đức Nhì thì nhiều mà ý kiến của
riêng chị thì lại ít. Không sao, đó là phong cách riêng của mỗi cây bút. Tôi
chỉ không thống nhất với đoạn đầu chị Nguyễn Bích Thủy đã cho Đặng Xuân Xuyến
chủ quan khi cho rằng chiếc cổng làng “Giam
hãm đời người/ Tù túng giấc mơ”. Chị Nguyễn Bích Thủy cho rằng “sau cách mạng tháng 8 nông dân đổi đời….”.
Nguyễn Bích Thủy quên rằng nông dân đổi đời nầy thì phải nhận lại đời khác mà
Đặng Xuân Xuyến là người lớn lên ngay trong làng, chứng kiến được sự đổi đời
mới đó lại làm cho “Giam hãm đời người/
Tù túng giấc mơ” có khi còn hơn trước. Điều Đặng Xuân Xuyến nói cũng giống
như Trần Dần nói: “Tôi bước đi/ Không
thấy phố không thấy phường/ Chỉ thấy mưa sa trên lá cờ đỏ” đã làm chế độ
tẩy chay ông, phải nhận chịu nhiều đau đớn suốt một đời văn.
Tôi
nhất trí với cách nhìn của nhà thơ Đỗ Anh Tuyến trong bài viết “Thế thái nhân tình qua thơ Đặng Xuân Xuyến”
khi cảm nhận về bài thơ Quê Nghèo:
“Quê nghèo là một trong số những bài thơ
hay của Đặng Xuân Xuyến. Bài thơ là tiếng lòng đớn đau của người con khi phải
chính kiến cảnh đói nghèo, cơ cực trải dài qua bao năm tháng, qua bao thế hệ ở
làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bài thơ chiếm được nhiều cảm tình của
người đọc, được nhiều tác giả viết lời bình nhưng chiếc cổng làng - hình tượng
độc đáo trong Quê nghèo - lại chỉ được bình thoảng qua, trong
khi lẽ ra phải dành cho chiếc cổng làng một lượng câu chữ nhiều hơn thế.”
Nhà
thơ Đỗ Anh Tuyến cho rằng chiếc cổng làng của Quê nghèo không còn là
cổng làng của riêng làng Đá nữa mà là biểu tượng của tình trạng đất nước hiện
nay. Đây là tiếng kêu thương thảm thiết về nỗi đau đã đè nặng lên cuộc sống của
người dân. Hình ảnh cái cổng làng “sừng
sững bê tông cốt thép/ Ngạo nghễ tượng đài/ Nghạo nghễ trần ai” cũng
là một trong nhiều hiện tượng gây hệ lụy cho người nông dân.
Với
tôi những hiện tượng đó khó mà nói hết được trong một bài thơ hay trong một vài
trang giấy.
Xin
nhờ Đặng Xuân Xuyến gởi đến chị Nguyễn Bích Thủy bài góp ý nầy với một phần
trong bài bình luận “Đọc Thơ Đặng Xuân
Xuyến” của tôi có một đoạn nói về bài thơ Quê Nghèo:
“Bài thơ “Quê Nghèo” không có sự bạo miệng
của kẻ ngất ngưởng say, ngược lại là những giọt lệ rơi vào, là tiếng khóc nghẹn
ngào trong tâm tình thổ lộ. Tôi lại mạn phép tóm gọn bài thơ dài 41 câu bằng 7
câu thơ của chính nó:
Quê tôi nghèo lắm
Nước mắt rơi từ thời chị Dậu
Âm ỉ bủa quanh
Bám đeo đặc quánh
Chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.
Bài thơ cho ta thấy một nỗi đau truyền kiếp
từ thế kỷ 19 đến nay. Nỗi đau đó do đâu, nhà thơ không nói rõ nhưng nó đã “giam
hãm đời người” ngay “từ trong giấc mơ”. Như thế nỗi đau nầy không chỉ là nỗi
đau vật chất mà còn là nỗi đau tinh thần. Ngày xưa chị Dậu nghèo lắm về vật
chất nhưng không ai cấm ước mơ. Bây giờ “Giam hãm đời người/ Tù túng giấc mơ”,
nghĩa là có thêm cái “nghèo lắm” tinh thần.
Bài thơ làm thức tỉnh cơn mê của những
người nhìn vào mặt phải mà không thấy mặt trái bao giờ.”
Đây
chỉ là những lời thảo luận thân tình với nhau vì tôi thấy mến bút pháp của Nguyễn
Bích Thủy chớ không phải là tranh biện.
Thân
ái chúc nhà thơ Đặng Xuân Xuyến và tác giả Nguyễn Bích Thủy bình an trong đời,
thăng tiến và viết mỗi ngày thêm hay./.
*.
CHÂU
THẠCH
Địa
chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
Email: truongvantran@hotmail.com
----------
7-
TRAO
ĐỔI VỀ “QUÊ NGHÈO” VỚI CÔ NGUYỄN BÍCH THỦY
Với bài viết Vài Ý Kiến Quanh Việc Mổ Xẻ
Bài Thơ “Quê Nghèo” Của Đặng Xuân Xuyến cô Nguyễn Bích Thủy đã có
nhã hứng ghi lại một số nhận xét về Mục thứ 5 - Ưu Điểm Về Mặt Thi Pháp
Trong Bài Thơ “Quê Nghèo” - trong bài viết Bình Thơ Không Bàn Thi
Pháp của tôi. Nhận xét của cô thiên về cảm tính nên dù có nhiều chỗ cô
phân tích rất sâu sắc, nhiều tính thuyết phục, vẫn còn vài điểm tôi thấy cần
trao đổi với cô để làm rõ vấn đề. Bài viết này chỉ nhắm vào những điểm cần
thiết đó.
Nguyễn
Bích Thủy:
Chưa
bàn đến hay, không hay nhưng tôi thích bài thơ ở chỗ nó chân thực nhưng tôi
không thích tứ thơ này:
“Chiếc
cổng làng thành tai hại
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.
.
Quê tôi nghèo
Nghèo cả giấc mơ...”
Đây
là chủ quan của tác giả. Tôi nghĩ hãy để cho nó tự nhiên như vốn có.
Phạm
Đức Nhì:
Nếu
cô Nguyễn Bích Thủy chỉ nói “nhưng tôi
không thích tứ thơ này” thì chẳng ai dám có ý kiến gì. Vì thích hay không
thích cái gì đó là quyền riêng tư của mỗi người. Cái sai của cô là ở câu “Đây là chủ quan của tác giả”. Nếu cái gì
trong thơ cũng là “thực tế khách quan”,
cũng “phải đạo”, cũng hợp với lẽ đời
thì cái loại thơ ấy không đáng để ý, không phải là thứ thơ mà nhân loại đang
hướng tới.
Dĩ
nhiên trong thơ cũng có những nhân tố khách quan, nhưng những ý nghĩ, cảm giác
chủ quan của tác giả là chính. Nhiều khi những cái khách quan được đưa vào bài
thơ chỉ để làm nổi bật những ý nghĩ, cảm giác chủ quan của tác giả. Chính “chủ quan của tác giả” mới làm bài thơ có
cá tính (không chỉ viết về những cái ai cũng biết rồi), mới làm nên giá trị của
bài thơ, miễn là những “chủ quan của tác
giả” hợp lý hợp tình và những sự kiện khách quan cũng hợp tình hợp lý.
Câu
nói của cô Nguyễn Bích Thủy có hai phần; phần đầu đúng, còn phần sau thì sai
nặng.
Nguyễn
Bích Thủy:
Dù
cho tôi không biết bác là ai, nhưng qua lời góp ý, phê bình của bác tôi thấy
bác là người thẳng thắn và khá chân tình, tất nhiên kẻ sỹ Bắc Hà không ai tránh
khỏi một chút kẻ cả khi bác nói: “Muốn
đem một bài thơ nào đó của anh ra mổ xẻ để ‘mách nước’ cho anh bứt phá chạy mau
đến ‘bến bờ thi ca’”. Điều này chả ai giúp ai được bác ạ, vì nó tự nhiên
như ánh trăng, như cảm xúc lúc yêu đương phải không bác?
Phạm
Đức Nhì:
Thích
bóng đá nên có một thời gian ngắn tôi được một người bạn mời đi xem những trận
đấu của các đội tuyển xã tranh vô địch cấp huyện. Mục đích của anh bạn là muốn
nhờ tôi “xem giò, xem cẳng” những cầu
thủ trẻ. Nếu thấy em nào “đá có nét”,
có triển vọng anh sẽ tìm cách rủ rê, mời gọi về làm lực lượng trừ bị cho đội
tuyển của một ngành công nghiệp. Anh cho tôi biết hãy chú trọng vào cách giữ
bóng, che bóng, đi bóng, lừa bóng, khả năng sút bóng xa của các em, còn những
kỹ thuật khác khi tuyển về sẽ huấn luyện thêm.
Trong
thơ cũng vậy. Có thể nói ngoại trừ cảm xúc ở tầng 3 - thứ cảm xúc mà nếu lên
đến đỉnh điểm khi bài thơ có cao trào sẽ thành hồn thơ - là không ai có thể dạy
ai đưa nó vào bài thơ được. Còn thì - đặc biệt ở phần thi pháp, mang tính kỹ
thuật - cái gì cũng có thể học hỏi được. Dĩ nhiên, học là học lý thuyết. Bước
vào thực hành, mỗi người một vẻ, kẻ thất bại, người thành công, chẳng ai dám
nói mạnh.
Riêng
với Đặng Xuân Xuyến, tôi đã “xem giò, xem
cẳng”, đọc thơ của anh khá nhiều và đã “chấm”
sự đột phá trong thi pháp của anh. Trong bài Quê Nghèo, về hình thức anh
đã đạp đổ truyền thống, vượt qua thơ mới, đang trụ ở thơ mới biến thể mà những
sợi dây níu kéo đang đứt dần để vươn tới một thể thơ “chưa có tên” - vần vừa độ ngọt, tứ thơ thông thoáng, nhịp độ thay
đổi theo cảm xúc đang chảy thành dòng ... - nếu viết trong tâm thế cực kỳ phấn
khích có thể thẳng hướng “Bến Bờ Thi Ca”.
Những
khuyết điểm, sai phạm về mặt câu chữ, ngay cả thế trận cũng có thể sửa chữa
không mấy khó khăn, nhưng cái tay nghề vững vàng đã trở thành thói quen trong
thi pháp của anh không thể một sớm một chiều mà có được. Nếu Đặng Xuân Xuyến
nghe lời “mách nước” của tôi, nhận ra
khả năng và thế mạnh của mình, anh sẽ tự tin hơn khi viết những bài thơ kế
tiếp. Với thơ thì không nói chắc được, nhưng anh Đặng Xuân Xuyến còn trẻ, thời
gian dành cho thơ còn dài, việc để lại cho đời một đôi bài thơ sáng giá không
phải là điều không tưởng.
Cô
Nguyễn Bích Thủy cho rằng: “Điều này
chả ai giúp ai được bác ạ, vì nó tự nhiên như ánh trăng, như cảm xúc lúc yêu
đương” là do cô đọc thơ chỉ như người “cỡi ngựa xem hoa”, chưa đi sâu nên chưa hiểu, chưa biết.
Nguyễn
Bích Thủy:
Nếu
nghe câu này chắc chắn lúc đầu tác giả không tránh khỏi bị sốc vì có người chê
đứa con của mình ngay cả người đó là mẹ vợ mình đi nữa: “Thật tình, đây là bài thơ còn khá xa mới đến mức hoàn hảo. Có đến vài
chỗ sai phạm, hoặc nếu không sai phạm thì cũng chưa hoàn chỉnh, có thể o bế,
trau chuốt để bài thơ hay hơn.”.
Điều
này rất thẳng thắn, tuy nhiên cũng là ý nghĩ chủ quan của bác PHẠM ĐỨC NHÌ vì
thơ phú là cảm xúc của từng người, nhất là thơ mới, không theo bất cứ một bó
buộc, nguyên tắc gì.
Phạm
Đức Nhì:
Bình
thơ là công việc nặng tính chủ quan. Người bình đem kiến thức về thơ, cách đánh
giá thơ ca của mình để thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ. Dĩ nhiên,
ngoài một số rất ít những tác phẩm hoàn hảo, mỗi bài thơ - “dù là cảm xúc của từng người” - đều có
chỗ hay, chỗ dở, có khi có cả những chỗ sai phạm. Nhiệm vụ của người bình là
chỉ ra những chỗ hay, vạch ra những chỗ dở, chỗ sai phạm để cuối cùng cân nhắc,
khen, chê bài thơ cho đúng mức.
Thí
dụ bài Quê Nghèo của Đặng Xuân Xuyến, tác giả đã có mấy câu nói về “Lũ trẻ” trong làng:
Lũ trẻ gầy như con cá mắm
Và
“Lũ Trai”:
Lũ trai mặt mũi mốc meo
Gặm nhấm nỗi đau nghèo khó
Nơm nớp âu lo đời như chiếu bạc
Còn
“lũ con gái” thì sao? Đặng Xuân Xuyến
đã quên nên để độc giả vừa đọc vừa mỏi cổ ngóng chờ. Đây cũng là một chỗ sai
phạm.
Câu thơ: “Tù
túng giấc mơ” trong đoạn: Chiếc
cổng làng thành tai hại/ Giam hãm đời người/ Tù túng giấc mơ. theo tôi,
thật tuyệt vời. Nhưng đã làm 2 câu: Quê
tôi nghèo/ Nghèo cả giấc mơ. mất tính bất ngờ và nhạt hẳn đi về mặt ý
nghĩa. Vụng về trong sử dụng điệp ngữ đã làm hỏng 2 câu kết. Có thể nói
trong Quê Nghèo đội của Đặng Xuân Xuyến đi bóng, lừa bóng, chuyền
bóng rất điệu nghệ nhưng khi đến sát cầu môn đối phương thay vì ghi bàn thắng
lại đá ra ngoài.
Tôi,
ở đây không bình thơ mà chỉ bàn đôi chút về thi pháp nên không đi sâu thêm
nữa. Còn nói như cô Nguyễn Bích Thủy “nhất là
thơ mới, không theo bất cứ một bó buộc, nguyên tắc gì” thì đúng là một phát
biểu kiểu “điếc không sợ súng”. Cô
chỉ cần tìm đọc kỹ vài bài thơ mới thì sẽ nhận ra là mình ngây ngô đến cỡ nào.
Nguyễn
Bích Thủy:
“người đọc thơ cũng chả ai được học và cần
học Thi pháp, thích thì đọc; đọc xong thì bảo hay, khá hay, chưa hay hoặc dở,
quá dở, thế thôi!”
Phạm
Đức Nhì:
Những
người đã lỡ yêu thích thơ, nếu có cơ hội, đều muốn tìm học để nâng cao trình độ
hiểu biết, trình độ thưởng thức thơ của mình. Trong những lúc họp mặt bạn bè,
đám tiệc, nói chung là trà dư tửu hậu, có nói đến bài thơ tình này, bài thơ thế
sự kia thì cũng biết đôi điều góp chuyện. Chứ cứ như cô Nguyễn Bích Thủy “thích thì đọc; đọc xong thì bảo hay, khá
hay, chưa hay hoặc dở, quá dở, thế thôi!” lỡ nguời ta hỏi “Hay ở chỗ nào? Tại sao hay? Dở ở chỗ nào?
Tại sao dở” lại ngớ mặt ra im lặng thì ngượng chết.
Thưởng
thức thơ có nhiều trình độ. Muốn nâng cao trình độ của mình không gì bằng tìm
hiểu thi pháp. Chữ thì hơi cao siêu nhưng nghĩa thì lại đơn giản - chỉ là kỹ
thuật thơ hoặc hình thức, vóc dáng của bài thơ.
Tôi nhớ hình như đã viết ở đâu đó:
Có
tý hiểu biết về kỹ thuật, các tiêu chí để thẩm định giá trị thi ca, người đọc
sẽ không còn ù ù cạc cạc khi đọc, khi nghe hoặc ngâm nga những vần thơ ưa thích
mà sẽ tự tin hơn, sảng khoái hơn thả hồn vào dòng thơ. Đọc thơ bằng trí sẽ
không thấy được hơi nóng cảm xúc, sẽ không cảm được cái hay trọn vẹn của thơ,
không “bắt” được hồn thơ (nếu có).
Còn nếu chỉ đọc thơ bằng hồn, không có sự soi sáng của kiến thức thì một là, có
khi gặp tuyệt tác thi ca thì lại dè bỉu, chê bai, hai là, suốt đời “tự sướng”,
sướng mà không biết vì sao mình sướng, miệng ngâm nga những vần thơ “cả đẩn” mà
mắt cứ sáng long lanh, mặt cứ rạng rỡ như đóa hoa xuân. Đó là cái sướng của
những kẻ “ngây ngô hưởng thái bình”
rất tội nghiệp, rất đáng thương.
Trong quân đội người ta thường nói “Nhìn quân phục biết tư cách”. Thi pháp
quan trọng đến mức trong thơ, theo tôi, câu tương tự sẽ là: “Nhìn thi pháp biết đẳng cấp của thi sĩ”
Nguyễn
Bích Thủy:
Vài
ý kiến riêng của một người ngoại đạo. Ai thích thì like, ai không thích cứ việc
ném đá, tôi ở xa, đá không đến tận nơi.
Phạm
Đức Nhì:
Cô
Nguyễn Bích Thủy đừng lo. Trong tranh luận văn chương, nếu cứ nhắm vào đối
tượng tranh luận mà bàn cãi thì dù đúng hay sai cũng được độc giả hoan nghênh,
vì bất cứ cuộc tranh luận văn chương lành mạnh nào cũng đem lợi ích đến cho văn
chương, cho độc giả và cho cả đôi bên tranh luận. Miễn là đừng nhắm vào “chủ thể đối luận” mà phang, mà bửa -
nghĩa là đừng chơi trò bỏ bóng đá người. Chơi kiểu đó thì dù ở Bỉ hay chui vào
hang sâu hố thẳm nào đó ở Thái Bình Dương người ta vẫn ném đá. Và đã ném là
trúng đích.
Kết
Luận
Qua
bài viết Vài Ý Kiến Quanh Việc Mổ Xẻ Bài Thơ “Quê Nghèo” Của Đặng Xuân
Xuyến cô Nguyễn Bích Thủy đã bộc lộ khá rõ một điều. Những gì cô cảm nhận
- về mặt tình - rất chính xác và sâu sắc, chứng tỏ cô có một tâm hồn nhạy bén
và có nhiều trải nghiệm về mặt tình cảm trong cuộc sống. Nhưng những phát biểu
của cô liên quan đến mặt lý - ở đây là sự hiểu biết về thơ - thì lại mắc nhiều
sai sót. Chỉ cần có thêm chút ít nội lực ở phần này những “góp ý” của cô không những sẽ được độc giả đặc biệt hoan nghênh mà,
đối với thơ, lại còn là những đóng góp rất hữu ích nữa.
*
PHẠM
ĐỨC NHÌ
Địa
chỉ: League City, Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
----------
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 23/12/2018
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét