Home
» Tiểu thuyết - Truyện dài
» Chuyện một người đàn bà… năm con (Phần 1) – Truyện Lê Khắc Thanh Hoài (Paris)
Chuyện một người đàn bà… năm con (Phần 1) – Truyện Lê Khắc Thanh Hoài (Paris)
Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019
Bà ngoại nó vội bóc bao thư, rút ra một tấm
giấy bạc mười euros mới tinh và một bài thơ do chính nó viết tay với đầy lỗi
chính tả nhưng bài thơ dễ thương làm sao... Bà đọc lớn: Chère grand'mère/ Ta
musique est si fine/ Elle est divine!/ Grand' mère Printemps/ Je te fais des
baisers blancs/ Des baisers bleus/ Des baisers de toutes les couleurs! - Bà yêu quí ơi/ Nhạc của bà thật là thanh cao
tế nhị/ Thật là thần thánh!/ Bà của Mùa Xuân/ Con trao bà những nụ hôn màu
trắng/ Những nụ hôn màu xanh/ Những nụ hôn muôn màu sắc!
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
__________________________
Lê Khắc Thanh Hoài
CHUYỆN MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ… NĂM CON
__________________________
Lê Khắc Thanh Hoài
CHUYỆN MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ… NĂM CON
Nội dung:
Đây
là quyển tiểu thuyết đầu tay của một nữ nhạc sĩ hiện đang định cư ở Paris, Pháp
quốc. Nhân vật nữ trong truyện cũng là một nữ nhạc sĩ, với câu chuyện tình lãng
mạn nhưng đầy kịch tính cùng nhân vật nam là một nhà tư tưởng thiên tài, một
giảng sư đại học với năng khiếu bẩm sinh xuất chúng.
Qua
ngòi bút của tác giả, những tình tiết trong câu chuyện tình giữa hai người được
trình bày một cách đầy thú vị và lôi cuốn nhưng cũng không kém phần bi tráng.
Và khi mâu thuẫn phát sinh giữa tình yêu - được dẫn dắt bởi những cảm nhận trực
tiếp từ trái tim - với tình mẫu tử - thiên chức thiêng liêng của người làm mẹ -
thì nhân vật nữ đã quyết định chọn con đường tốt nhất cho năm đứa con của mình,
cho dù bản thân vẫn chưa quên được tình cảm với người yêu.
Nhân
vật nam trong truyện cuối cùng rồi cũng có được một kết cục vô cùng tốt đẹp.
Thế nhưng, điều đó đã diễn ra như thế nào thì có lẽ người đọc phải tự mình nhận
hiểu chứ không thể chỉ dựa vào những phác họa đơn sơ từ tác giả.
Và
có lẽ cũng chính vì thế mà đây sẽ là một tập truyện để lại nhiều tiếng vang,
nhiều dấu ấn trong lòng người đọc. Phảng phất đó đây trong tác phẩm, ta sẽ nhận
ra không ít những cách lý giải về nhân duyên, nghiệp báo, về cái tốt và cái
xấu, về tình yêu và tình người... Và tất cả những điều đó phản ánh một tâm hồn
nhạy cảm, một cuộc sống nhiều trải nghiệm cũng như một chữ tình vô cùng đa
dạng. Với những đoạn miêu tả cảm xúc vô cùng sinh động, có thể người đọc sẽ
không khỏi băn khoăn tự hỏi, liệu đó là những miêu tả về nhân vật hay về chính
bản thân tác giả?
___________________________
PHẦN 1
Bà
ngoại nó vừa mới bước vào nhà, chưa kịp ngồi xuống ghế, thằng bé đã hối hả chạy
vù đến, tay cầm phong thư dúi mạnh vào bàn tay bà:
-
Mừng sinh nhật bà! Bà ơi mở phong bì này mau đi!
- Ừ
con, chờ chút cho bà ngồi xuống đã, có gì mà hấp tấp thế!
-
Quà sinh nhật của con cho bà, con muốn bà mở xem liền!
- Ồ
thằng bé con này! cho bà ngồi nghỉ một chút rồi sẽ mở xem...
-
Không! con muốn bà xem ngay bây giờ, tức khắc!
-
Thôi thì bà chiều con vậy...xem nào!
Bà
ngoại nó vội bóc bao thư, rút ra một tấm giấy bạc mười euros mới tinh và một
bài thơ do chính nó viết tay với đầy lỗi chính tả nhưng bài thơ dễ thương làm
sao... Bà đọc lớn:
Chère grand'mère
Ta musique est si fine
Elle est divine!
Grand' mère Printemps
Je te fais des baisers blancs
Des baisers bleus
Des baisers de toutes les couleurs!
Bà yêu quí ơi
Nhạc của bà thật là thanh cao tế nhị
Thật là thần thánh!
Bà của Mùa Xuân
Con trao bà những nụ hôn màu trắng
Những nụ hôn màu xanh
Những nụ hôn muôn màu sắc!
Bà
nó đọc xong bài thơ, nước mắt lưng tròng, hai bà cháu ôm nhau, hôn nhau, trao
nhau những nụ hôn màu trắng, màu xanh, những nụ hôn muôn màu sắc của tình bà
cháu!
-
Bà! ít nhất bà cũng có một ''fan'' trung thành với bà là con. Con có thể nghe
bài hát đó của bà một trăm ngàn lần!
-
Ừ! ''fan'' của bà mà chỉ có thích một bài hát độc nhất...
-
Ồ! Có sao đâu, con cũng là ''fan, fan, fan '' của bà!
Cuộc
đời sao có những phút giây đẹp như thế và tại sao không chỉ có những phút giây
hạnh phúc như thế mà lại có những phút giây thật đáng chán đáng ghét! Ôi cõi vô
thường tạm bợ này! Bà tự nghĩ như thế rồi trầm ngâm tư lự...à, mà sao thằng bé
con này lại lì xì tiền cho bà nhỉ? Thì ra nó để ý, quan sát, nó hiểu bà ngoại
nó nghèo lắm, không như bên nội nó, mỗi cuối tuần nó đến ở với bà thì nó chỉ có
cơm với trứng gà nếu không thì nó phải ăn chay như bà nó, vài cọng rau luộc với
đậu phụ và xì dầu, nó cũng bắt đầu chán ngấy rồi nhưng mà nó rất dễ thương, nó
thường nói: ''Bà ơi, cho con ăn cơm với bơ và xì dầu hay nước mắm cũng đủ rồi,
con không đòi hỏi nhiều đâu, này bà, không có cơm ở đâu ngon hơn cơm của bà
nấu.'' Buồn cười thật, thằng bé tây lai này chỉ thèm cơm với bơ, xì dầu hay
nước mắm (nhưng bà ăn chay nên cũng chẳng có nước mắm cho nó).
-
Bà vui đi bà, sinh nhật bà có mười euros, bà có thể mua những gì bà thích!
Thằng
bé con đã lì xì cho bà 10 euros. Đối với nó mười euros chắc cũng lớn... Nó đã
lấy tiền bỏ ống hay tiền của ông nội nó lì xì cho nó và nó lại lì xì cho bà
ngoại nó? Một hôm nó kể khi nó về chơi với ông nội, biết ông nội rất giàu nó
nói: ''Ông nội ơi, chia bớt một ít tiền cho bà ngoại con!'' Lẽ tất nhiên là ông
nội chỉ cười. Bà ngoại nó thì cảm động xót xa, ngạc nhiên thật, thằng bé con
này vậy mà thật có lòng, để ý đến người khác, thích giúp đỡ...
-
Phải đấy con, chủ nhật này bà, con, cùng với anh Olivier, em Myrtille, chúng ta
đi chợ trời, cứ tìm mua những món hàng chỉ có 1 euro là chúng ta cũng có được
mười món hàng! Nhiều đấy chứ!
Thế
là chủ nhật đến, bốn bà cháu kéo nhau ra chợ trời, lục lọi tìm tòi những món đồ
chỉ đáng giá một euro mỗi thứ. Tụi nó nhao nhao, kìa bà cái này, ô kìa bà, cái
kia... không được, phải xem thứ gì bà cần và ích lợi, không mua bất cứ gì...
Đi
lui đi tới mấy vòng rồi bà cháu cũng kiếm được một sồ đồ cần dùng lặt vặt trong
bếp của bà. Và bà cũng không chi hết mười euros của thằng cháu!
Chủ
nhật nào bà và cháu cũng đi dạo chợ trời, dù chẳng cần gì phải mua lắm nhưng có
cớ để đi dạo và tụi con nít lại thấy vui, ôm một đống đồ (rẻ tiền) như vừa mới
trúng số, đem về nhà. Như thế là trôi đi một sáng chủ nhật.
-
Đó, nhờ tiền lì xì của Jérémie mà bà mới mua đủ thứ này, cám ơn lòng tốt của
con nhé! Này con, Phật dạy nếu con biết bố thí thì con sẽ được quả báo tốt là
sẽ giàu có.
-
Con biết, nên con sẽ không keo kiệt con sẽ cho bà tiền hoài!
-
Không nên như thế! ngược đời, cháu lại cho bà tiền là làm sao...
-
Chẳng sao cả! Bà nhớ nhé, nếu sau này con có hai triệu thì phần bà sẽ là một
triệu! Nếu con có bốn triệu thì phần bà là hai...
-
Thôi, thôi, nhiều quá...bà chẳng cần...
-
Con sẽ cho bà rất nhiều tiền...
-
Tốt lắm! nhưng phải chờ con lớn lên thì cũng... hơi lâu! Cầu cho bà còn sống để
lảnh một triệu hay vài triệu của con!
-
Chắc chắn... Chắc chắn!
-
Nhưng mà nếu chỉ bố thí cho người mình thương thì cũng không mấy tốt...phải bố
thí cho luôn cả những người mình ghét hay không quen biết con à!
-
Điều đó con sẽ gắng, sẽ làm, con muốn trở thành một người rộng rãi và được quả
báo giàu có!
Ôi
cái thằng bé con này sao mà quá dễ thương như thế, bà ngắm nghía khuôn mặt nó,
con trai mà hai má lúm đồng tiền thật sâu, thật đẹp, tướng đó e có thể giàu!
''Nó đẹp quá, mấy đứa con gái e phải chết mê chết mệt vì nó... nguy tai, bà thì
chỉ muốn nó đi tu, gái ghiếm làm chi, khổ lắm'' bà nghĩ thầm.
-
À, mà sao con biết bà nghèo?!
-
Thì...đâu cần phải nói, con thấy mà!
-
Thấy gì?
-
Thấy bà không có nhà như ông bà nội con, trong nhà lại chẳng có đồ đạc gì nhiều
cả, bà cứ lượm đồ người ta vất ngoài đường, con thấy bà tự tay làm lấy cái này
cái kia... Bà đóng tủ, đóng kệ như thợ mộc... nhưng mà thợ này chắng rành nghề,
bàn ghế, kệ, tủ của bà cứ rung rinh muốn sập, xiêu vẹo hết, có ngày rớt bể đầu
tụi con cháu... Rồi gì nữa, này nhé, xe bà không có máy lạnh, bà chẳng bao giờ
đi nghỉ hè... Xem còn gì nữa...à...con nghe người lớn nói chuyện, bà mua gì
cũng trả góp...bà phải trả nợ...
-
Cháu bà thông minh nhỉ!
-
Có gì khó đâu bà, con thấy, con nghe mà...
-
Thôi được rồi, con giỏi lắm... Miễn sao bà cháu mình hạnh phúc là được. Con về
với bà con thấy vui vẻ, ấm cúng là được. Bà không bao giờ bỏ đói con, lúc nào
cũng có đồ ăn và ở đây con cảm thấy thoải mái, yên tâm, bà lúc nào cũng lo cho
con, che chở con, hết mực thương yêu con...
-
Vâng, bà yêu quí ơi, con cũng thương bà hết mực!
Ôi
cái thằng bé này ăn nói làm sao mà bà phải thấy lòng bà mềm nhũn xuống! Bà nuôi
nó từ khi nó lọt lòng mẹ. Mẹ nó thuở đó đang còn đi học mà mang bầu. Bà phải
nuôi nấng nó cho mẹ nó tiếp tục việc học. Bà làm bà ngoại khoảng bốn mươi lăm
tuổi. Ẳm đứa bé ngoài đường, gặp người quen biết, họ cứ ngỡ là con của bà, bà
lại cứ phải phân trần: ''thật mà, tôi không dấu diếm, đây là cháu ngoại của
tôi''. Mọi người nhìn mặt bà, vẫn còn tỏ vẻ nghi ngờ...
Tối
chủ nhật. Mấy đứa con của bà đến lãnh cháu về. Thế là một tuần lễ lại trôi qua.
Nhưng tuần này nhằm sinh nhật của bà nên cả bầy con cháu ở lại lâu hơn để ăn
sinh nhật bà. Nói là ăn sinh nhật nhưng thật ra đã từ lâu bà bảo chúng con bà
là bà không màng đến chuyện mừng lễ lạc gì hết, đừng mua sắm, đừng bày chuyện
ăn uống nhậu nhẹt...(nói thế chứ chẳng có đứa con nào nhậu nhẹt, phần đông tụi
con bà nó cũng chay trường như bà!) Bầy con cháu kéo đến thì cũng ăn uống chay
tịnh như bà và chính bà lại phải nấu nướng cho chúng nó, chúng nó chỉ đem lại
một cái bánh sinh nhật mua ở tiệm về, đôi khi cũng chính tự bà mua bánh cho
sinh nhật mình, bà lo hết, con cháu chỉ tụ về ăn.
Thằng
bé con muốn bà làm bánh ''bọc lọc'' vì nó và mẹ nó đều thích bánh này nhưng bà
hơi mệt, bà kiếm cớ là không có bột và giấy để gói bánh. Nó đành nói: ''Thì
thôi vậy, bà ơi khi bà nấu nướng mà bà đã dồn hết tình thương yêu của bà trong
việc nấu nướng đó là chúng con ăn ngon rồi, bà cứ làm cơm đi, làm gì cũng
được!''
Thật
cảm động và ngạc nhiên làm sao! Một thằng bé con mười hai tuổi mà nói được câu
đó thì quả là hiếm và quá sâu sắc chững chạc. Hạnh phúc của bà là ở đây. Bầy
con bầy cháu quây quần, anh em tương trợ nhau và thương bà hết mực. Bà còn đòi
hỏi gì nữa? Như một người bạn của bà thường nói: ''Tao thấy mày là người hạnh
phúc nhất trần gian, con cháu xum vầy, thương yêu nhau... Tiền bạc không đem
lại hạnh phúc, tiền bạc không nghĩa lý gì...''
Vâng,
có đúng phần nào như lời người bạn kia nói vì người bạn kia... là chủ nợ của
bà, giàu kếch xù và đã xấp xỉ thất tuần mà vẫn cô đơn hiu quạnh tìm mãi một
người bạn đời chẳng gặp... Như có câu thường nghe: có tiền thì không có tình...
Thật
ra bà chẳng phải nghèo. Đây chỉ là một giai đoạn không may của đời bà. Bao
nhiêu vốn liếng bỏ ra để giúp con cái tạo sự nghiệp làm ăn, rốt cuộc công ty
phá sản, nợ nần, bà lại phải gánh, phải giúp con cái. Nơi bà, chúng nó tìm thấy
một nơi nương tựa đầy tình thương bao la, không nề hà, không tính toán, đứa
thất nghiệp, đứa thất tình, đứa bệnh hoạn... là chúng lại mon men về ở với bà,
như một con chim gẫy cánh bay về tìm tổ mẹ để được săn sóc, được an ủi, được
lên tinh thần, được lành lặn rồi lại ra đi... Nơi bà mãi mãi là một tổ ấm, đầy
tình thương yêu.
Phòng
khách nhỏ hẹp mà chứa đủ 13 người, bà với con cháu dâu rể. Chúng nó quây quần
ngồi dưới đất bởi vì phòng khách của bà, từ mười mấy năm qua không còn tiếp
khách, không mời bạn bè, không thiết đãi tiệc tùng, không có bàn ghế, chỉ kê
một chiếc bàn con thấp sát đất, theo lối nhật bổn, trải tapis, mọi người ngồi
trên gối. Phòng khách của bà là nơi để ngồi thiền hay đọc kinh sách. Bàn thờ Phật
và bàn thờ ông bà kê giữa phòng. Các hình ảnh xưa cũ đánh dấu những khuôn mặt
những quãng đời không hề phai mờ trong tâm tưởng của bà và các con cháu của bà
cũng thế, chúng thường xem mấy tấm hình mà tấm tắc:
''Ồ
khuôn mặt của ông ngoại thật là hiền từ! bà ngoại đẹp quá! ông cố bà cố thật
cốt cách sang trọng!'' Rồi chúng thường thúc giục bà kể những kỷ niệm xưa cũ
thuở bà còn bé. Cứ thế, những buổi tối của những ngày cuối tuần kéo dài trong
đêm khuya khoắt từ một chân trời này sang một chân trời khác, từ hiện tại đi
lùi về quá khứ, từ quá khứ lại trở về hiện tại và từ hiện tại lại phóng tới
tương lai với những cảm nghĩ, suy luận, phân tích...
Cuộc
đời quay cuồng theo một điệu valse của ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai.
Thằng
cháu choàng cổ bà năn nỉ:
-
Bà ơi, kể lại đi, có nhiều chuyện con chưa được nghe, ba con, mẹ con cũng chưa
được nghe, các anh, em con, dì Anne, dì Jenifer cũng chưa được nghe, kể đi
bà...
-
Ừ, mà kể chuyện gì mới được chứ, nhiều chuyện quá mà nhiều khi đã kể lui kể tới
rồi, mệt lắm, mất công lắm...
-
Chuyện gì con cũng muốn nghe, đời ông bà tổ tiên... để biết con từ đâu tới, gốc
gác như thế nào...
-
Gốc gác thì ai chẳng có gốc gác, gốc gác nào chẳng giống nhau!
-
Sao lại giống nhau được bà! Không thể được!
-
Thế mà cũng giống nhau thôi con à!
-
Như thế nào?
-
Cũng như quả đất này xoay mòng mòng hàng tỷ năm thì câu chuyện của con người ta
cũng thế thôi!
-
Cũng thế thôi?!
-
Ừ, cũng thế thôi! cũng hai người gặp nhau, một người đàn ông, một người đàn bà,
yêu nhau, rồi đẻ một bầy con, rồi một bầy con lại đẻ một bầy cháu, một bầy cháu
lại đẻ một bầy chắc chiu...
-
Phải rồi bà, nhưng mỗi gặp gỡ đều không thể giống nhau. Trường hợp cha mẹ con
gặp nhau không giống như bà đã gặp ông ngoại và ông cố đã gặp bà cố.v.v...
-
Đúng rồi, bên ngoài thì chỉ thấy vậy, bên trong thì không có gì khác giữa những
cuộc gặp gỡ.
-
Nghĩa là làm sao bà?
-
Nghĩa là mọi người đều cùng một khát khao, một mãnh lực âm thầm thúc đẩy...
Mãnh lực này phi thường nhưng cũng tầm thường!
-
Mãnh lực...phi thường...tầm thường...
-
Ừ, thì là sức mạnh không thể cản, không thể đẩy lùi, không thể tránh né... Sức
mạnh của nghiệp lực!
-
Bà nói cao siêu con không hiểu! Thôi cứ kể một câu chuyện nào đó... nhưng phải
là câu chuyện thật có, câu chuyện của đời bà!
-
Ôi cái thằng bé con này! Bà lại cứ phải chiều cháu... Ừ, thì như thế này nhé...
Mấy
chục năm về trước, bà có cái biệt danh là ''người đàn bà 5 con'' bởi vì bà
thường được nghe người ta hay giới thiệu bà với người khác với câu mở đầu:
''...đây là chị Thu...chị có 5 con...'' ''...đây là bà Thu, bà có 5 con'' và
ngay cả câu ''...đây là vợ tôi...người đàn bà có 5 con''! Quen tai rồi chính bà
cũng tự đi giới thiệu mình: ''...Vâng, tôi chính là bà Thu, người có 5 con...''
Có
giai đoạn bà ở một ngôi làng nhỏ miền nam nước Pháp, mỗi sáng sớm bà dắt bầy
con đi học, trưa, chiều lại đón về. Đi đâu cũng 6 mẹ con, bởi chúng đều sinh
năm một nên xấp xỉ ngang nhau, trông như một gà mẹ với mấy gà con xúm xít,
trong làng nhỏ, ít con nít, nhiều người già, mẹ con bà đi đâu ai cũng quay lại
nhìn hoặc đứng lại hỏi han: ''Ồ, tất cả mấy đứa bé nầy là con của bà hết ư?
Kìa, cô bé con thật là xinh và giống hệt mẹ, như hai giọt nước, ngộ quá!'' Đôi
lúc đi ngang những cửa hàng buôn bán, bà nghe bên trong mọi người xì xào:
''Nhìn kìa, người đàn bà năm con...''
Biệt
hiệu người đàn bà 5 con này đã cứu bà mà cũng hại bà. Thuở ấy bà còn trẻ lắm.
Năm con mà chưa đầy ba mươi tuổi. Đi ra đường, nếu chỉ một mình bà, không đèo
theo mấy đứa con nít thì không ai biết bà đã.... ''năm con cùng chàng'' nên
nhiều thanh niên trai trẻ theo bà để ve vãn thì bà chỉ cần mở miệng: ''Xin lỗi,
tôi đã có 5 con!'' thế là bọn trai tráng hoảng hồn bỏ chạy! Nhưng khi bà đi
kiếm việc làm thì người ta dành giựt bà vì bà vừa là vú em giỏi vừa là quản gia
tận tâm với chủ nhà. Họ là những ông bà giám đốc công ty làm việc đầu tắt mặt
tối, không có thì giờ trông coi con cái, họ cần một người đóng vai trò người
mẹ, chăm sóc việc học hành, manh áo, miếng ăn, giấc ngủ cùng quán xuyến mọi
việc hàng ngày cho đâu vào đó, lo con họ như lo cho con của chính bà, đưa đón
chúng đến trường, đem chúng đi chơi thể thao, trông coi bài vở cho chu đáo và
còn dạy cả... piano cho chúng nó!
Bà
làm công việc này cho nên khi đi tìm việc bà không thể quên câu ''Tôi có 5
người con'' Các người chủ nghe như vậy thì yên tâm ngay, nghĩ rằng bà này chắc
là biết nuôi con và thương con nít. Những người chủ này cũng rất khó tính vì bản
thân họ không lo được cho con cái họ, họ trút tất cả trách nhiệm vào đầu người
thay thế họ, không những họ tìm hiểu bà cặn kẽ mà còn hạch hỏi về trình độ học
vấn, hạnh kiểm của các người con. Điều đó chỉ càng có lợi cho bà vì con cái bà
học hành đỗ đạt, hạnh kiểm tốt cả. Được cái may mắn đó nên mấy chục năm qua bà
chẳng bao giờ thất nghiệp. Bà lại mở một lớp dạy đàn tại nhà, con nít rất đông.
Hình như bà chỉ thành công nơi nào có con nít.
Nói
về cái không may của người đàn bà 5 con ấy là như thế này. Năm... cục cưng hay
cục nợ? cũng là nguồn gốc làm tan vỡ tình duyên của bà. Đừng quên đây là chuyện
kể trong giai đoạn bà đã ly dị với cha của năm đứa con bà. Một thân bà phải
gánh vác nuôi bầy con thơ. Cũng vào lứa tuổi ba mươi mà cô đơn ấy, bà yêu một
chàng trai trẻ và chàng kia cũng yêu bà tha thiết. Vài năm trời trôi qua, tình
vẫn đẹp và tha thiết trọn vẹn. Bỗng một hôm, anh chàng nói:
''Anh
phải cưới một người vợ để chiều theo ý của mẹ anh. Mẹ nói không muốn anh cưới
em vì em... đã có năm con... nhưng anh, anh thề với em, em là mối tình lớn của
đời anh, anh sẽ không bao giờ quên em và cũng không thể xa em, chúng ta vẫn sẽ
mãi mãi gần nhau và yêu nhau!''
Bà
nghe câu đó mà thấy cả một chân trời sụp đổ. Tất cả bọn đàn ông đều hèn nhát và
đểu giả! Bà thổn thức trong lòng nhưng bà làm mặt tỉnh táo và quyết định:
''Thôi
anh, chúng mình nên xa nhau là hay nhất vì em chẳng muốn chia sẻ anh với ai
khác, em không muốn mỗi ngày đều sống trong chờ đợi và nơm nớp đặt câu hỏi anh
có về với em không, cuối tuần này anh sẽ ở đâu? anh sẽ nói láo đủ điều với vợ
anh để phóng xe lại hôn em vội vàng để rồi lại gấp gáp ra đi như một tên ăn
trộm... thôi, em chẳng muốn chơi cái trò mèo chuột đó đâu. Anh hãy đi, chúng ta
hãy xa nhau...''
Và chính bà đã đóng cửa, đuổi chàng trai trẻ, cắt đứt liên lạc, tim bà đau lắm, bà đã khóc rất nhiều, nhiều buổi hẹn hò ray rức, dằn co, đau đớn... nhưng không thể, bà phải cứng rắn và cuối cùng bà đã làm chủ được con tim và bà đã... tống cổ chàng trai ra khỏi đời bà.
Và chính bà đã đóng cửa, đuổi chàng trai trẻ, cắt đứt liên lạc, tim bà đau lắm, bà đã khóc rất nhiều, nhiều buổi hẹn hò ray rức, dằn co, đau đớn... nhưng không thể, bà phải cứng rắn và cuối cùng bà đã làm chủ được con tim và bà đã... tống cổ chàng trai ra khỏi đời bà.
Rồi
một ngày nọ, bậc trượng phu quân tử xuất hiện. Vị nầy đã quá ngũ tuần mà bà thì
chỉ mới ba mươi sáu xuân xanh. Dù kẻ phương bắc người phương nam, dù cách trở
hàng trăm cây số, vị nầy không ngại đường xá xa xuôi, mỗi tuần đều gặp bà để
thủ thỉ: ''Anh sẽ đón em về bên anh, anh sẽ lo cho em và bầy con của em, hãy về
với anh, chúng ta cùng làm lại cuộc đời! ''Ôi lời nói của người nghe sao mà êm
dịu, sao mà ấm lòng thế, bà cảm động vô vàn, thầm nghĩ rằng bà sẽ có hạnh phúc
lâu dài vì quan hệ này vừa có tình vừa có nghĩa. Thế là bà từ bỏ tỉnh nhỏ để
đến thủ đô nhộn nhịp cùng chàng xây tổ ấm với... 5 đứa con của bà.
Một
năm, hai năm... rồi mười năm. Cuộc tình chấm dứt trong chua chát: ''Anh muốn ly
dị! Anh muốn tìm một người đàn bà chỉ... lấy anh làm lẽ sống đời mình, mà em,
em còn bầy con, còn mấy bài hát, mấy bài thơ của cái anh chàng thi sĩ kia... em
không thể xem anh là lẽ sống độc nhất... anh, anh không cần một người đàn bà
tài ba và nhan sắc!” Những lời nói của ông chồng như sấm nổ ngang tai. Bà chợt nhận
ra chân lý nơi câu thơ của cụ Nguyễn Du ''Chữ tài liền với chữ tai một vần...''
Ôi, nhan sắc để làm gì, tài ba để làm chi? có chăng là chuốc họa vào thân! Thế
là bậc trượng phu quân tử... cũng từ chức, không ai muốn chia xẻ cuộc sống với
người đàn bà 5 con. Đời bà như chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả. Có câu nói
''Phận gái mười hai bến nước'' quả đúng như thế.
———
(Nguồn:
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 11/03/2019
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét