Bích Hà bình thơ: Nụ hôn của gã khờ (H)
Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019
Bài thơ
tả ít, gợi nhiều đem đến cho người đọc trường liên tưởng thi vị. Tác giả bộc bạch
một cách chân thành niềm hạnh phúc vô biên khi yêu và được yêu. Tất cả toát lên
chất tài hoa phong tình của hồn thơ Trần Dzạ Lữ. “Thơ ca là sự chắt lọc của tâm
hồn, là tình yêu và mơ ước.” người làm thơ đòi hỏi một cuộc sống tinh thần
phong phú, năng lực tưởng tượng và biểu đạt dồi dào. Tôi có cảm giác là những
hình ảnh và âm thanh của tình yêu, cuộc sống tự nhiên tràn vào trong thơ Trần
Dzạ Lữ, tạo nên những dòng tâm tư đầy sức sống trẻ trung và tươi mới. Qua cảm
quan nghệ thuật rất đẹp của một hồn thơ nồng nàn, lãng mạn!
Tác giả Bích Hà
Bút danh Bích Hà
Tên đầy đủ: Hoàng Thị Bích Hà
Sinh năm Quý Mão
Cử nhân Ngữ văn ĐHSP Huế
Nghề nghiệp: Dạy học, viết văn và làm thơ tự do.
Sinh sống tại Thành phố Huế
Email: habich1963@gmail.com
_____
“Anh tặng em yêu chùm hoa sắc trắng,
Nhưng khi yêu, anh yêu đỏ hoa hồng.
Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ,
Nhưng bên ngoài vẫn cứ trắng như không”.
(Hoa trắng đỏ- Chế Lan
Viên)
Vâng!
Tình yêu luôn dạt dào tươi mới dù ở độ tuổi nàò trong cuộc đời. Bài NỤ HÔN CỦA
GÃ KHỜ là một minh chứng. Chúng ta hãy cùng khám phá vẻ đẹp của bài thơ để cảm
nhận những rung động tự nhiên dạt dào tình ý. Với bài thơ ngũ ngôn gồm sáu khổ
thơ diển tả một cách ngắn gọn, ấn tượng đầy biểu cảm. Tác giả vẽ nên bức tranh
đôi tình nhân đắm đuối bên nhau với nụ hôn ngọt ngào bằng ngôn ngữ thi ca. Tuổi
trẻ đang hừng hực sức sống hay khi đã sang bên kia triền dốc của cuộc đời thì
chất men say trong tình yêu vẫn vậy, vẫn nồng nàn tan chảy! Vì cuộc sống vốn thế,
tình yêu vốn thế! Tuy nhiên ở mỗi người có cách thể thể hiện khác nhau! Nhưng bản
chất của tình yêu là vẫn vẹn nguyên sự hòa hợp. Biểu hiện của tình yêu là trao
nhau những nụ hôn ngọt ngào, say đắm!
“Lần đầu em cho hôn
Ta hôn mà nín thở
Nhắm mắt để ngờ ngợ
Bay bổng ở thiên đàng…”
Sự
hòa nhập trao nhau cảm xúc mãnh liệt, nồng nàn đắm say. Những động từ “nín thở”,
“nhắm mắt”, “bay bổng”… ngôn từ đậm màu sắc cảm giác, xúc giác rạo rực của men
say tình ái. Phải chăng sống là để yêu! Mà yêu là phải say mê và cuồng nhiệt
dâng hết cho nhau những ngọt ngào trao gửi. Khổ thơ đầu đã hé lộ cho chúng ta một
giọng thơ sôi nổi, hào hứng, đầy màu sắc lãng mạn. Nụ hôn đã làm cho tình yêu
thăng hoa, được tác giả miêu tả rất thực bằng những câu thơ tài hoa, với ngôn từ
bình dị nhưng ấn tượng thể hiện một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha.
Tiếng lòng của thi nhân hẳn cũng có nhiều người đồng cảm bởi vì tác giả đã nói
giùm cho những đôi lứa yêu nhau. Và ai yêu thì cũng khát khao vươn tới hạnh
phúc!
Ở
“lần đầu em cho hôn” ấy, thi nhân đã chộp được khoảnh khắc hạnh phúc khi xúc cảm
dâng trào cao độ. Bằng ánh chớp của tài năng, tác giả đã tạo nên hình tượng rất
thơ của nụ hôn của những người đang yêu. Nụ hôn đã được huy động hết các giác
quan mà tạo hóa ban cho để những kẻ yêu nhau tận hưởng những giây phút diệu kỳ
của nụ hôn. Cảm giác như bay bổng lên chín tầng mây, xứ sở của thiên đàng.
Trong phút xuất thần ta thoát tục để làm tiên. Đó là bốn câu thơ thật thú vị đậm
chất tả thực, mà ý vị ngọt ngào. Nếu không có một cái nhìn rất đẹp về tình yêu
và cuộc sống thì không thể vẽ nên bức tranh về nụ hôn đẹp, tự nhiên như thế! Ở
khổ thơ thứ nhât tác giả dùng những động từ mạnh: Hôn, nín thở, bay bồng … tạo
nên những thi liệu ấn tượng và giàu sức biểu cảm thì ở khổ thơ thứ hai tác giả
sử dụng nhiều từ loại: ngoan, hương mật (nói đến vị ngọt), run, mơ màng tạo nên
sắc điệu thậm mỹ khi cảm nhận vẻ nồng nàn của men tình qua nụ hôn đầu tiên.
“Môi mắt ấy rất ngoan
Im im trong hương mật
Đây là lần thứ nhất
Em run trong mơ màng!”
“Mắt
môi” ,“ngoan”, “im lặng” tận hưởng vị ngọt như hương mật và cũng vì hồi hộp của
sự khởi đầu “đây là lần thứ nhất” nên “em “ nhân vật trữ tình có trở nên
"luýnh quýnh" rất đáng yêu! Đọc đoạn thơ, chưa cần suy ngẫm đã hình
dung cảm giác ngọt ngào dâng hiến tan vào nhau của nụ hôn qua thanh luật, kết cấu
của đoạn thơ với thanh bằng, thanh trắc đan xen nhau, miên man vô tận với nhạc
điệu chơi vơi êm ả như thực, như mộng! Khổ thơ thứ nhất và thứ hai miêu tả qua
trực giác, Bốn khổ thơ sau đi sâu vào suy ngẫm, cảm nhận.
"Lần diện kiến tình lang
Xem ra còn luýnh quýnh
Mũi tên ta trúng đích
Em mù lòa phân vân..."
Khổ
thơ tiếp theo nói rõ hơn lần đầu gặp gỡ “tình lang” nên thật là bỡ ngỡ khi đón
nhận nụ hôn. “Mũi tên ta trúng đích/ em mù lòa phân vân” là nói đến thế chủ động
thường thuộc về phái mạnh. Còn phái nữ, trong lòng yêu rất mãnh liệt và say đắm
không kém nam giới nhưng thường rụt rè, e lệ khi thể hiện nên thường nhường quyền
chủ động cho cánh mày râu. Đó cũng là thuộc tính của mỗi phái. Các cặp từ láy:
“luýnh quýnh”, “phân vân“ càng làm tăng thêm vẻ nữ tính duyên dáng, đáng tôn thờ
của phái yếu! Trần Dzạ Lữ có cách dùng từ giản dị, dể hiểu, tinh tế phảng phất
chút dí dỏm đáng yêu và có những từ dùng rất đắt.
Khổ
thơ tiếp theo tác giả tả cảnh ngụ tình. Tâm hồn thi nhân hướng vào cái đẹp qua
chọn lọc các thi liệu, thi ảnh, thi ngôn. Cách kết cấu âm của đoạn thơ gợi nên
trước mắt chúng ta cảnh vật xung quanh như ghen thầm với hạnh phúc ngọt ngào của
thi nhân đang tận hưởng. Khổ thơ này tác giả sử dụng những căp từ ghép rất ấn
tượng, dùng từ táo bạo và thể hiện chúng thật độc đáo trong dùng từ tạo câu, độc
đáo trong lựa chọn hình ảnh, các biện pháp nghệ thuật so sánh,ví von có sức biểu
đạt cao với vần ang mênh mông lan tỏa như niềm hạnh phúc vô biên của phút giây
hạnh phúc của đôi lứa bên nhau.
“Thằn lằn kêu ngỡ ngàng
Trên trần nhà buổi sáng
Chắc ghen ta lãng mạn
Hôn em hết tuổi vàng”
Thi
nhân muốn thời gian ngừng trôi để khoảnh khắc này là mãi mãi.
“Mong ngừng lại- thời gian
Để ôm nhau vô ngại
Sống tận cùng tình cuối
Ngời ngời em nồng nàn”
Cảm
xúc trực tiếp tự nhiên đi vào thơ đậm chuất trữ tình sâu lắng. Tài hoa trong
miêu tả, chân thực trong tự sự, nồng nàn trong cảm xúc, sáng suốt chặt chẽ
trong bình luận. Đó là những thành công của ngòi bút Trần Dzạ Lữ. Quả thật tình
yêu nó mang đầy đủ vẻ đẹp lộng lẫy của ái tình, của khao khát trao nhau, tan biến
vào nhau. Nhà thơ của “Tình không tuổi và xuân không ngày tháng” Xuân Diệu đã từng
nói: “Đời không ân ái, đời vô vị? Kiếp sống không yêu, kiếp sống thừa”. Không
biết có trên thế giới có bao nhiêu người đồng tình với ông nhưng có điều từ thuở
hồng hoang cho đến bây giờ con người vẫn sống, vẫn yêu với tất cả đam mê của ái
tình như thế. Khi đọc thơ Trần Dzạ Lữ thêm một lần nữa cho thấy thêm điều đó!
Khép
lại bài thơ bằng một cảm giác “cuồng say mênh mang” là cảm giác lâng lâng, vô tận
của hạnh phúc ngọt ngào với khoảnh khắc mãi sẽ là kỷ niệm không thể quên. “Một
sát na của trần thế” là đủ bằng cả “thiên thu” nơi “địa đàng”.
“Cuồng say ta mang mang
Cõng em qua dâu bể
Một sát na trần thế
Là thiên thu địa đàng...”
Ai
yêu thì cũng muốn sống bên nhau mãi mãi. Nhưng không phải tình yêu nào cũng đi
đến cuối con đường hạnh phúc. Vì lý do khách quan hay chủ quan mà tình yêu
không là vĩnh viến. Có người nói rằng: “không có tình yêu vĩnh cữu mà chỉ có những
giây phút vĩnh cữu của tình yêu”. Điều đó có thể đúng với người này này mà
không đúng với người khác, tuy nhiên điều chắc chắn là những phút giây hạnh
phúc bên nhau sẽ là khoảnh khắc đi vào vĩnh cữu.
Với
cảm hứng trữ tình, lãng mạn, thi ý ngọt ngào và đầy tình yêu đời, yêu cuộc sống
thiết tha. Bài thơ không hề nói đến tuổi tác và nhan sắc nhưng chẳng cần gì khi
hai tâm hồn hòa điệu. Chỉ vậy thôi là chứa đủ những dịu ngọt đắm say. Bằng những
biện pháp nghệ thuật tu từ: ẩn dụ, so sánh, ví von, sát hợp và gợi cảm. Vẻ đẹp
của ngôn từ: chính xác, hình tượng tạo nên một hệ thống thi liệu và ngôn ngữ
văn chương. Tất cả làm nên sắc điệu thẫm mỹ của bài thơ từ cách nói mộc mạc,
bình dị mà hồn nhiên đáng yêu, Nhạc điệu ngắn, gấp gáp như nhịp thở khi tâm trạng
hồi hộp, choáng ngợp của tình yêu. đã tạo nên nét rất riêng, rất độc đáo của một
bài thơ tình lãng mạn. Giọng thơ lôi cuốn. Có thể nói đây là một bài thơ ca ngợi
vẻ đẹp của tình yêu mà cụ thể bằng nụ hôn đã làm cho tình yêu thăng hoa. Bài
thơ tả ít, gợi nhiều đem đến cho người đọc trường liên tưởng thi vị. Tác giả bộc
bạch một cách chân thành niềm hạnh phúc vô biên khi yêu và được yêu. Tất cả
toát lên chất tài hoa phong tình của hồn thơ Trần Dzạ Lữ. “Thơ ca là sự chắt lọc
của tâm hồn, là tình yêu và mơ ước.” người làm thơ đòi hỏi một cuộc sống tinh
thần phong phú, năng lực tưởng tượng và biểu đạt dồi dào. Tôi có cảm giác là những
hình ảnh và âm thanh của tình yêu, cuộc sống tự nhiên tràn vào trong thơ Trần
Dzạ Lữ, tạo nên những dòng tâm tư đầy sức sống trẻ trung và tươi mới. Qua cảm
quan nghệ thuật rất đẹp của một hồn thơ nồng nàn, lãng mạn!
Thành
phố Huế, ngày 15/7/2019 - Hoàng Thị Bích Hà
Kính
mời độc giả thưởng thức trọn vẹn văn bản bài thơ:
NỤ HÔN CỦA GÃ KHỜ
***
Lần đầu em cho hôn
Ta hôn mà nín thở
Nhắm mắt để ngờ ngợ
Bay bổng ở thiên đàng...
Môi mắt ấy rất ngoan
Im im trong hương mật
Đây là lần thứ nhất
Em run trong mơ màng!
Lần diện kiến tình lang
Xem ra còn luýnh quýnh
Mũi tên ta trúng đích
Em mù lòa phân vân...
Thằn lằn kêu ngỡ ngàng
Trên trần nhà buổi sáng
Chắc ghen ta lãng mạn
Hôn em hết tuổi vàng
Mong ngừng lại- thời gian
Để ôm nhau vô ngại
Sống tận cùng tình cuối
Ngời ngời em nồng nàn
Cuồng say ta mang mang
Cõng em qua dâu bể
Một sát na trần thế
Là thiên thu địa đàng...
Sài Gòn 14.7.2019 – Trần Dzạ Lữ
—
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 08/11/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét