Home
» Tiểu thuyết - Truyện dài
» Văn học dịch
» Ba người cùng hội cùng thuyền (Ch/6) – Bản dịch của Ngọc Châu (HP)
Ba người cùng hội cùng thuyền (Ch/6) – Bản dịch của Ngọc Châu (HP)
Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019
Thị trấn
Kin-xơ-ton – Bàn luận về lịch s ử – Cây sồi và đồ điêu khắc – Cổ kim suy ngẫm –
Tôi quên việc mình đang cầm lái – Hậu quả của việc đó – Mê cung Hem-pơ-ton –
Hari, người hướng đạo.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Tác giả Ngọc Châu
Họ tên Nguyễn Ngọc Châu
Địa chỉ: 312 Lê Thánh Tông quận Ngô Quyền Hải Phòng
Mobille: 0868153994
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
BA NGƯỜI CÙNG HỘI CÙNG THUYỀN
Ngọc Châu dịch
Chương Sáu
Địa chỉ: 312 Lê Thánh Tông quận Ngô Quyền Hải Phòng
Mobille: 0868153994
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
BA NGƯỜI CÙNG HỘI CÙNG THUYỀN
Ngọc Châu dịch
Chương Sáu
***
Thị trấn Kin-xơ-ton – Bàn luận về lịch s ử
– Cây sồi và đồ điêu khắc – Cổ kim suy ngẫm – Tôi quên việc mình đang cầm lái –
Hậu quả của việc đó – Mê cung Hem-pơ-ton – Hari, người hướng đạo.
Đang
là một buổi sáng đẹp tuyệt cú mèo thường gặp vào cuối xuân hoặc đầu hè khi những
ngọn cỏ và cành lá xanh non trở nên mòng mọng và rực rỡ, thiên nhiên như một cô
nàng chân quê xinh đẹp đầy vẻ dịu dàng quyến rũ.
Làng
chài ở mạn dưới Kin-xơ-ton chạy dài ra mép nước sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời sống
động. Dòng sông lấp lánh với những con thuyền, bè mảng và xà lan không ngừng
qua lại uốn lượn theo bờ sông phủ cây rừng điểm xen những vi-la xinh xắn ở phía
bờ đối diện. Hari bừng bừng khí thế trong bộ đồ thể thao sọc vằn màu đỏ và da
cam đang hăm hở chèo thuyền, nổi bật lên trên phông nền là khu lâu đài cổ của
dòng họ Tiu-đo ẩn hiện xa xa. Toàn cảnh thật sự là hay ho khiến tôi bỗng nổi
cơn thi hứng.
Trước
mắt tôi đang là thị trấn Kin-xơ-ton hay ”Ken-ning-ghen-xtun” như tên người ta gọi
nó vào cái thời dòng vua ăng-gờ-lô Xắc-xông Ken-ning đăng quang. Xê-da vĩ đại
đã vượt sông Thêm ở đoạn này và các binh đoàn quân lê dương La Mã đã từng ngả
ngốn trên những sườn đồi sườn núi kia. Hoàng đế Xê-da cũng như Nữ Hoàng dòng
E-li-da-bet đã từng dừng chân ngủ trọ nhiều lần trong mọi ngóc ngách của địa hạt
này. Bà rất thích các tửu quán – Nữ Hoàng xinh đẹp người Ăng-gờ-lâu Xăc-xông
này – có lẽ không một tửu điếm nào trong phạm vi mươi cây số quanh Luân-đôn lại
không có dấu vết của vị Nữ Hoàng ngồi lại hay đã từng đi qua thăm thú.
Tôi
tò mò suy nghĩ: sẽ ra sao nhỉ nếu như Hari của chúng tôi bỗng dưng đổi kiếp, trở
thành vĩ nhân như một vị thủ tướng chẳng hạn, sau này khi hắn chết đi chắc sẽ
có la liệt những tửu quán với biển hiệu có đề: ”Nơi đây Hari đã uống một cốc
vôt-ka“; “ở đây vào mùa hè năm 1888 Hari đã quá vội không kịp uống cạn hai cốc
vại Scôt-len ướp lạnh”; ”Từ quán này Hari đã xuống thuyền ra đi”…
Chắc
là biển hiệu ghi nhớ di tích của Hari sẽ mọc lên như nấm sau những trận mưa rào
và thiên hạ sẽ chẳng mấy quan tâm đến chúng, thế nhưng nếu như có quán nào đề
”Tửu quán duy nhất ở miền nam Luân-đôn, nơi Hari không uống một ngụm rượu nào!”
thì hẳn là người ta sẽ đổ xô đến ngắm nhìn điều kì diệu đã từng xảy ra dưới thời
ngài Hari phệ bụng!!
Ở đời
này người ta thường thích những gì hiếm hoi hoặc những thứ mà người ta không
có. Đàn ông có vợ thấy rằng đáng ra chẳng nên lấy vợ làm gì trong khi bọn chưa
vợ than van rằng chúng chẳng có người đàn bà nào để lấy. Các ông bố bà mẹ vặn
mũi không đủ đút miệng thường có hàng đàn hàng lũ tàu há mồm gào khóc vì tranh
nhau miếng cơm cháy trong khi mấy lão nhà giàu nứt đố đổ vách chui vào áo quan
rồi còn chưa nhắm được mắt vì không có ai nối dõi.
Cũng
xảy ra tương tự với các cô gái có nhiều đấng mày râu săn đón, các nàng chẳng muốn
nhìn mặt đám đàn ông quị lụy quanh mình chút nào, các nàng nghĩ sao bọn này
không đến mà ve vãn cô Bi, chị Lọ, những người đàn bà hơi kém nhan sắc và đã
sang đầu ba đầu bốn mà vẫn chưa có ma nào đến chạm ngõ, các nàng tuyên bố với
những chàng theo đuổi mình là sẽ không bao giờ lấy chồng!
Hồi
còn học ở trường lớp tôi có một đứa con nhà giàu, bố mẹ và bản thân nó đều muốn
nó muốn trở thành đứa học sinh giỏi giang nhưng một tuần cu cậu ốm đến vài lần,
vào mùa hè cậu chàng có thể dễ dàng lây ai đó thứ bệnh mà chỉ mùa đông mới dễ mắc
phải, vào mùa đông thì ngược lại: sẵn sàng lây thứ bệnh mùa hè của một thằng cu
nào đó ở cách xa hắn đến vài xã. Còn chúng tôi thì sao? Chúng tôi chỉ mong có một
lần bị ngứa cổ hay mẩn da để được nằm ườn ở nhà không phải đến trường lấy một
ngày trong cả học kì. Bọn này thò thụt chơi ở chỗ gió lùa, nhưng chẳng đứa nào
bị ốm, chúng tôi ăn bậy ăn bạ mà chẳng bao giờ đau bụng mà hình như càng được
tôi luyện để ăn khỏe ngủ khỏe hơn mà thôi.
Chẳng
ai có thể làm gì khác được. Cuộc đời như vậy đấy, nhân sinh trên thế gian chỉ
là những cọng cỏ bị ngọn gió đời đùa cợt tùy hứng vặn bẻ mà thôi!
Rất
nhiều những tòa nhà cổ xưa trưng bày vẻ đẹp của thời mà Kin-xơ-ton là lâu đài
trụ sở của Hoàng gia. Thời đó, bên cạnh Nữ hoàng là các vương công quyền quí,
là tiếng vó ngựa và giáp sắt của chiến binh tuần tra, là nhung lụa và vẻ quí
phái yêu kiều của các công nương, mệnh phụ. Lâu dài to rộng với những cửa sổ gỗ
sồi chạm khắc, những lò sưởi khổng lồ với những chóp mái nhọn nhô ra khắp phía.
Tôi
thấy cần phải bày tỏ rằng cha ông chúng ta đã có những tri thức thật đáng nể về
vẻ đẹp và sự tài tình khéo léo. Vì lẽ tất cả những kho tàng nghệ thuật mà chúng
ta trân quí hôm nay đều là di sản của thời các vị cao tằng tổ tỷ ngày xưa, có
điều tôi cũng không hiểu là những chiếc đồ sứ cổ, những chén tống, lộc bình,
chai lọ ngày nay chúng ta trưng bày trân trọng liệu có được các cụ tổ coi là đẹp
đẽ và có giá trị như chúng ta đang nghĩ hay không. Rất có thể những chiếc đĩa
cũ có quầng hào quang màu xanh ngọc chúng ta bày quanh tường các khách sạn với
tư cách là vật trang trí hiếm hoi độc đáo một vài trăm năm trước đây chỉ là những
đồ dùng bình thường trong một khu nhà bếp xoàng xĩnh. Chàng mục đồng màu hồng
cùng với cô nàng chăn gia súc màu xanh mà chúng ta tự hào đem ra khoe với bạn
bè khách khứa để đón nhận những lời chiêm ngưỡng đầy ghen tị, ngày xửa ngày xưa
đã từng là đồ vật của một bà bủ nào đó đưa ra cho đứa bé nằm nôi lấm lem mút
mát để nó khỏi khóc ré lên.
Thế
còn về đời sau thì sao nhỉ? Chẳng lẽ mọi thứ đồ tầm tầm chúng ta đang dùng bây
giờ sẽ được đánh giá như những kho tàng quí hóa? Chẳng lẽ vào năm hai nghìn bao
nhiêu nào đó người ta sẽ xúm đông xúm đỏ quanh chiếc đĩa sành có hoa văn xanh với
những vòng lá liễu tết bện mà tôi với Hari dùng để chén bữa trưa?
Tôi
lấy một ví dụ cỏn con như sau: Con chó sứ đang bày trong phòng ngủ của tôi chẳng
hạn. Đó là một con chó trắng, mắt màu xanh da trời. Mũi nó màu đỏ có những đốm
đen, cổ thì vươn ra dài ngoẵng, mõm với tai trông rất ngố. Chẳng bao giờ tôi thấy
thích thú khi ngắm nhìn nó, ngay cả bà chủ nhà cũng không mấy khi chạm giẻ vào
con vật bằng sứ tội nghiệp này mỗi khi bà ta lau chùi đồ đạc. Nhưng độ hai trăm
năm sau, vào năm 2288 chẳng hạn, khi người ta đào bới đất đai làm chuyện gì đó
có thể sẽ tìm thấy chính con chó này thiếu một cẳng và cụt mất đuôi. Nó sẽ được
đưa vào viện bảo tàng như một di tích quí giá của đồ sứ cổ rồi dòng người từ khắp
nơi sẽ kéo đến chiêm ngưỡng ngợi khen sự phối màu của cái mũi ngố và khối học gỉa
hói đầu sẽ tranh biện về chuyện cái đuôi của con chó theo lo-gic của người nghệ
nhân cổ xưa phải có hình thù và mầu sắc ra sao. Biết đâu con cháu chúng ta lại
không gọi thời đại chúng ta là Thế kỉ mười chín của nền điêu khắc vĩ đại và là
những nghệ nhân lịch sử của thời đại Chó Đồ Gốm!
Đến
thời điểm này thì Hari làm gián đoạn suy tưởng của tôi: hắn quăng mái chèo, rời
khỏi ghế nằm ngửa ra thuyền vung chân đập tay. Con Mon-mo-ran-xi rít lên như
còi, nhào lộn, còn phần trên của chiếc làn bự thì nhảy văng ra ngoài hất tung
tóe mọi thứ chứa đựng ở bên trong.
Tôi
hơi bị bất thần nhưng không thấy tức giận chỉ hỏi hắn:
–
Ê, chuyện gì vậy?
–
Còn việc gì à? Mày…
Nhưng
tôi không dám nhắc lại ngôn ngữ của tên Hari dùng trong lúc này. Cũng có thể do
tôi đáng bị hắn rủa xả nhưng nói chung không nên miêu tả ngôn từ cũng như cử chỉ
của một tên có căn cơ học vấn như trình độ của tay Hari trong lúc hắn ta cáu kỉnh.
Trong lúc mải mê nghĩ ngợi tôi đã quên mất vai trò cầm lái của mình, kết quả là
con thuyền đã cắt chéo lạch hàng vận đâm vào lối mòn của người đi bộ trên bờ
sông. Do bị các nhành liễu rậm rạp che phủ trong phút giây đầu tiên tôi không
thể nào hiểu được đâu là dòng chính của con sông Thêm, đâu là bờ sông ngoắt
nghoéo của nó nhưng cuối cùng cũng xác định được vị trí hiện tại của con thuyền.
Lúc
đó Hari tuyên bố với hắn thế là đủ rồi, rằng hắn đã lao động đến phờ râu trê và
bây giờ đến lượt tôi. Vì lẽ đã đâm thuyền vào bờ nên tôi lội xuống nắm sợi dây
thừng kéo con thuyền qua lâu dài Kem-tơn Kort. Đáng khâm phục biết bao bức tường
của tòa lâu đài cổ xưa đang chạy dài theo bờ sông! Mỗi lần có dịp qua đây tôi đều
phải ngẩn người trầm trồ thán phục. Nếu bàn tay tôi biết cầm cây bút vẽ cho
đúng chiều chắc chắn tôi sẽ tốn khá nhiều mực màu và vải lụa vì bức tường rêu
phong này. Tôi thường nghĩ họ thật sướng biết bao, những người được sống trong
lâu đài này. Nơi đây tràn đầy bình yên thanh nhã, khoan khoái mê li nếu vào lúc
bình minh ta được quyền đi lang thang qua những con đường ngóc ngách ở bên
trong lâu đài kia khi mọi người còn đang yên giấc.
Tuy
nhiên xét đến cùng thì chưa chắc tôi đã thực sự mong được sống ở đây. Có lẽ
trong lâu đài Kem-tơn Kort sẽ rất tĩnh mịch và buồn tẻ vào buổi chiều hôm khi
những ngọn đèn chiếu sáng lập lòe các mảng tường gỗ cổ, còn ở mấy góc xa tối
tăm có tiếng chân ai lúc bước lúc dừng, sau đấy là sự im lặng của mộ địa mà bạn
chỉ còn nghe thấy tiếng tim mình thảng thốt.
Chúng
ta – tôi và các vị – là con cái của mặt trời. Chúng ta yêu ánh sáng và cuộc sống,
đó là lí do vì sao ta chen chúc nhau ở thành phố trong khi nhà quê cứ mỗi ngày
một thưa đi. Ban ngày khi mặt trời rót lửa vào gáy, khi quanh ta là các kiểu loạn
xì ngầu ồn ào nhốn nháo của cuộc sống đô thành, chúng ta thèm muốn một khu đồng
cỏ với những gốc sồi già rậm bóng. Nhưng trong màn đêm ảm đạm, khi bà mẹ Tối trời
ngự trị, khi xung quanh là quạnh hiu và bóng đêm, đám dân chúng thị thành sẽ
nhút nhát như những đứa trẻ bị cha mẹ để quên trong căn nhà hoang, có vị sẽ nức
nở trong cổ họng, sẽ hốt hoảng với mỗi tiếng lá rơi và nhìn con mèo hoang thành
Ma mèo hiện hình. Thôi tốt hơn là tôi và các vị cứ chen chúc nhau ngửi bụi và
mùi thơm tho của các cống ngầm nhưng có được ánh sáng của đèn đường, có các vòi
hơi ga để có thể cùng nhau thét lác, nói phét, đồng ca ở quán bia và không ai bị
ai đánh thuế, khi tự nghĩ rằng mình là những anh hùng.
Hari
hỏi tôi đã bao giờ vào mê cung Kem-tơn Kort chưa. Hắn bảo một lần đã ghé vào để
dẫn đường cho một người họ hàng. Tôi đã được nghe kể về kì tích của hắn trong lần
đó như sau: Hari đã nghiên cứu bản đồ tường tận và thấy rằng mê cung này thật
đơn giản đến tức cười, thậm chí tiếc việc phải trả hai xu tiền vào cửa. Theo ý
kiến của hắn thì hình như người ta đã cố tình bố trí mặt bằng chỉ để trêu mấy
anh ngố mà thôi chứ nó chẳng có gì phức tạp như các mê cung khác. Lần ấy hắn dẫn
ông anh cọc chèo ở quê vào tham quan. Hắn giải thích với ông anh:
–
Cái trò mê cung vớ vẩn này chẳng đáng giá một quả trứng lộn gặm dở nhưng chúng
ta cứ ghé vào để anh có thể nói là đã từng biết mê cung là thế nào. Nói đúng ra
đó không phải là mê cung, chỉ có cái tên cho oai vậy thôi. Chỉ cần ở mỗi chỗ
ngoặt cứ quẹo phải là xong – chỉ có thế thôi. Chúng ta qua đó chừng mười phút rồi
tìm chỗ chén.
Khi
hai anh em vào đó họ gặp một toán ngưòi, những người này cho biết họ đã quanh
quẩn đi lạc trong đó hàng tiếng đồng hồ và chán đến tận cổ trò chơi này rồi.
Hari bảo với họ rằng mình chỉ ghé vào chừng mươi phút, đi qua nó rồi lại ra
ngay. Đám đông phục anh chàng sát đất vội vàng đi theo sau hắn như bày ngỗng chạy
theo con đầu đàn. Trên đường đi họ kết nạp thêm những người khác đã lang thang
quá lâu trong mê cung và đang khao khát tìm được đường ra ngoài, cuối cùng thì
tất cả những người có mặt trong mê cung lúc đó đã nhập hết vào đoàn của hướng đạo
viên trưởng Hari. Đang lúc tuyệt vọng, trông thấy vẻ tự tin và khí thế của người
dẫn đường đoàn người đã lấy lại được tinh thần, theo như Hari đánh giá một cách
khiêm tốn thì chí ít cũng phải đến gần ba chục nhân mạng trông cậy vào y lúc đó,
có một chị phụ nữ bế đứa bé trên tay đi rạc cẳng trong mê cung từ sáng đến giờ
sợ bị lạc mất hướng đạo viên trưởng cứ bám chặt lấy khuỷu tay của hắn.
Hari
đã thực hiện đúng kế hoạch là rẽ phải tại mỗi chỗ có ngã rẽ nhưng vẫn chưa thấy
đoạn cuối con đường xuất hiện, ông anh cọc chèo phát biểu rằng mê cung này rộng
quá sức tưởng tượng.
– Một
trong những mê cung rộng nhất của châu Âu – Hari khẳng định.
–
Có thể là thế – ông anh rể nói, – vì tụi mình đã đi qua đoạn đường đến hai cây
số.
Bản thân Hari cũng thấy công chuyện không được
suôn sẻ lắm nhưng hắn vẫn tiếp tục đi, kiên trì giữ đường lối rẽ phải tại mỗi
chỗ ngoặt cho đến khi đoàn diễu hành nhìn thấy một miếng bánh qui trên mặt đất
và ông anh rể thề rằng đã trông thấy miếng bánh này cách đấy bảy phút.
–
Không thể thế được!
Nhưng
chị phụ nữ bế con la lên:
–
Sao lại không thể được!- Chính chị ta đã lấy miếng bánh này khỏi tay đứa bé và
quẳng đi không lâu trước khi gặp Hari. Chị ta hối hận vì đã tin Hari và gọi hắn
là kẻ lừa gạt thô bỉ. Điều đó làm tổn thương sâu sắc đến tính tự ái của anh
chàng, hắn đành dừng lại trình bày kế hoạch và luận thuyết của mình cho mọi người
nghe.
– Kế
hoạch có lẽ cũng giúp đỡ ta được ít nhiều – có ai đó nói – nếu như ta biết được
một cách gần đúng ta đang ở vào chỗ nào của mê cung.
Điều
đó Hari không mường tượng được nên đề nghị đi ngược lại chỗ cửa vào để đi lại từ
đầu.
Đề
nghị không được hưởng ứng cho lắm nhưng chẳng còn cách nào hay hơn nên đoàn rồng
rắn lên mây cũng đành theo đuôi Hari quay lại chỗ gặp nhau đầu tiên. Mười phút
trôi qua và họ lại ở vào trung tâm của mê cung. Đầu tiên Hari định nói là hắn cố
tình tìm đến đây nhưng nhìn vẻ bực tức của cánh đàn ông hắn đành phải nói hết
tình hình thực tế. Ít nhất thì giờ đây cũng biết rõ được mình đang ở đâu, cả
đoàn dừng lại xem xét kế hoạch rồi tiến hành cuộc vượt mê cung lần thứ ba.
Ba
phút sau họ lại ở vào trung tâm mê cung, giờ thì đoàn người không thể nào đi xa
ra ngoài khu vực này. Dù chọn hướng nào đi nữa con đường rắc rối cũng dẫn họ trở
lại trung tâm, việc này lặp đi lặp lại nhiều lần nên một số người không thèm đi
nữa, họ đứng tại chỗ chờ khi đoàn lữ hành quay lại chỗ mình và Hari thấy rằng
lúc này đoàn quân coi hắn còn tồi tệ hơn một viên tướng đã bán đứng quân sĩ.
Cuối
cùng mọi người nghĩ đến chuyện cầu cứu nhân viên của mê cung.
Người
gác cửa nghe thấy tiếng gọi liền leo lên cao từ phía ngoài mê cung hướng dẫn đường
đi cho họ nhưng đầu óc của đoàn quân khốn khổ đã mụ mẫm đến nỗi không sao làm
theo đúng được lời chỉ dẫn. Người gác cổng thấy vậy liền quát gọi hãy đứng yên
tại chỗ đợi khi anh ta đến chỗ họ. Tóan người dồn lại thành một cục còn viên
gác cổng tụt xuống thang đi vào trong mê cung.
Khốn
thay anh ta hóa ra là nhân viên mới, nên khi vào bên trong chính anh chàng cũng
bị lạc. Mọi người có thể thấy vị cứu tinh lúc ở chỗ này lúc chỗ nọ thấp thoáng
qua đám cành lá của bờ rào ngăn đường, anh ta cũng nhìn thấy họ và cố gắng tìm
đến nhưng mấy phút sau mọi người thấy anh chàng lại hiện ra đúng ở chỗ cũ.
Đoàn
người tham quan đành phải chờ đến hết giờ ăn trưa, khi đó mới có một nhân viên
lão thành của mê cung vào trong đón họ ra ngoài. Hari thừa nhận đây là một mê
cung hết sức rối rắm và hai đứa chúng tôi dự định trên đường về sẽ dẫn Jord vào
trong cho hắn được nếm mùi.
(Hết Chương Sáu)
---
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 02/12/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét