Đánh dậm – Truyện ngắn Ngọc Châu (Hải Phòng)
Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015
Ngồi uống bia cỏ với bạn bè sau cuộc gặp mặt của Phân hội Cựu chiến binh, khi Nam tỏ ý muốn viết gì đó về những năm tháng phục vụ ở Đoàn 8 Hải quân mấy đồng đội cũ đã cười ầm lên. Một tay đặt phịch can bia truớc mặt anh rồi hỏi “Ông có nhìn thấy cái gì đây không?” làm Nam ngớ ra, tuởng hắn đã phê phê. Tuy nhiên với loại “ba say chưa can” như cha này thì chả mần mò gì, vẫn đang tỉnh như sáo sậu. Hắn phát biểu rằng cái “Đoàn Đánh dậm” thì có gì mà viết hồi ký, sau đó dẫn hai câu lục bát "Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia mực vẫn còn gào dô!"
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Tác giả Ngọc Châu
Họ tên Nguyễn Ngọc Châu
Địa chỉ: 312 Lê Thánh Tông quận Ngô Quyền Hải Phòng
Mobille: 84 0126 9284620
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
Ngọc Châu
ĐÁNH DẬM
(Tặng các chiến sĩ Hải Quân thuộc Công ty 128 đang làm nhiệm vụ bảo vệ dầu khí và chủ quyền Biển đảo)
***
***
Ngồi uống bia cỏ với bạn bè sau cuộc gặp mặt của Phân hội Cựu chiến binh, khi Nam tỏ ý muốn viết gì đó về những năm tháng phục vụ ở Đoàn 8 Hải quân mấy đồng đội cũ đã cười ầm lên. Một tay đặt phịch can bia truớc mặt anh rồi hỏi “Ông có nhìn thấy cái gì đây không?” làm Nam ngớ ra, tuởng hắn đã phê phê. Tuy nhiên với loại “ba say chưa can” như cha này thì chả mần mò gì, vẫn đang tỉnh như sáo sậu. Hắn phát biểu rằng cái “Đoàn Đánh dậm” thì có gì mà viết hồi ký, sau đó dẫn hai câu lục bát "Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia mực vẫn còn gào dô!"
- Thế đấy, hồi tưởng của tớ chỉ là bia và mực khô xả láng trong những năm phục vụ trên đoàn tàu đánh cá Hải quân. Can, can, tôi can ông hiểu chưa!?
Xét về một mặt nào đó thì cha này cũng có lý nhưng Nam thấy tức ở trong bụng. Không phải ai cũng ở tàu, mà ở tàu không phải ai cũng có điều kiện được ghi tên vào “bia mực” như hắn. Sau giải phóng miền Nam Hải đoàn 8 (bây giờ là công ty 128 - Hạ Đoạn Hải Phòng) hầu như là đơn vị đầu tiên của quân đội được giao nhiệm vụ làm kinh tế kết hợp quốc phòng, có thể nói được toàn quân biết đến như một hình mẫu làm kinh tế mang tính bài bản, thời đó còn rất mới với “anh bộ đội cụ Hồ”. Có bao nhiêu công việc khác nhau đối với một đơn vị vừa phải quản lý kĩ thuật tàu thuyền, vừa tuần tra canh giữ hải phận, vừa phải xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho cho cả hai nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng. Với lại Nam không có ý định viết lịch sử Trung đoàn, còn hồi ký đâu phải chỉ để viết về những chiến công kinh thiên động địa, những sự kiện hào hùng, những gian khổ khó khăn ghê gớm hoặc những kỉ niệm đáng làm vặn vẹo con tim nguời ta? Phải nghĩ rằng sự nghiệp anh hùng, chiến công vĩ đại cũng như niềm tự hào lớn lao của quân đội ta là một sự tổng hòa của cả thành công lẫn thất bại trong thời chiến cũng như thời bình, của cái vĩ đại lẫn cái tầm thường, của trí tuệ xen lẫn những ngu dốt không tránh khỏi. Vậy nên Nam vẫn cầm bút ghi lại những gì đáng nói đối với riêng mình kể từ ngày được quân chủng phân về công tác ở Đoàn 8, hồi đó mang con dấu đối ngoại là “Đơn vị 7054”.
Hải Đoàn hình thành từ cuối những năm 60, đến đầu những năm 70 thì được giao nhiệm vụ vừa đánh cá vừa tuần tra canh giữ hải phận. Đó thực sự là một chủ trương hết sức sáng suốt vì cùng lúc có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ một cách hợp lý là bám biển dài ngày canh giữ và tuần tra tại những toạ độ biển ấn định, vừa dễ dàng đóng vai dân sự khi không cần thiết phải đụng độ, lại có hải sản để ăn, dư thừa thì chế biến hoặc bảo quản để cấp cho nhu cầu của quân đội.
Tuy là dân “đánh dậm” theo cách nói đùa của bạn bè ở các Đoàn khác nhưng suốt mười lăm năm phục vụ trong quân ngũ, từ binh nhất lên đến thiếu tá lúc chuyển ngành, Nam không hề cầm chiếc “dậm” lần nào, có nghĩa là chưa bao giờ đi theo tàu cá vì nhiệm vụ của anh là xây dựng cơ bản, kiêm luôn công tác quản lý doanh trại. Thế nên năm thì mười hoạ, gặp được một cậu nào quen ở tàu cá vừa cập vào khu Cảng Vụ anh mới được nếm vài con mực khô mà khôi.
Có nhiều chuyện cười ra nuớc mắt trong những ngày đầu các anh “Vệ túm” chen chân vào lĩnh vực kinh tế. Đầu tiên là vấn đề nhân sự. Sau năm 75 bộ đội “thất nghiệp” dài dài nên không thiếu gì lực lượng để bổ sung cho “đoàn quân đánh dậm” đang được quan tâm phát triển. Có dư kỹ sư về cơ khí, sửa chữa tàu thuyền, về khai thác, chế biến hải sản đến độ Trạm Chế biến nằm ở vùng biên ven đê cực bắc của đơn vị, mới có vẻn vẹn chục chum mắm chượp mà đã nhận về tới bốn, năm “cô hàng mắm” có bằng cử nhân của truờng Đại học Thuỷ sản, vậy nên các cô phải cầm xẻng ngoáy chượp như công nhân. Mà cũng phải chia nhau số chum hiện có, mỗi cô hai chiếc, trước sau chỉ một bóng người, giữa hai chum chượp đang cười gió đông như cánh sĩ quan vẫn trêu chọc các nàng.
Cán bộ chính trị cũng được bổ sung thoải mái. Nam nhớ hồi đó Đoàn có Chính uỷ, phó Chính uỷ, Chủ nhiệm chính trị, hai phó Chủ nhiệm chính trị và một bộ sậu đông đảo trong Ban Chính trị. “Làm kinh tế là lắm vấn đề phức tạp vậy nên phải hết sức chú ý đến việc giáo dục tư tưỏng”. Chưa có tiền lệ trong việc tổ chức một đơn vị làm kinh tế sao cho có hiệu quả, nên việc chỉ đạo từ các cấp trên không thể tránh được những suy nghĩ mang tính duy ý chí như thế.
Phải nói là rất vui, đông tốt nhiều sỹ, vì Đoàn được bổ xung vài trăm tân binh, hầu hết là các cô binh nhì quê ở Hải Phòng, Thái Bình. Những nữ chiến sĩ mới này không xa lạ gì với các việc đan lưới, làm mắm từ lúc còn chưa biết mùi cơm lính. Họ được biên chế về Trạm Đan lưới và Trạm Chế biến mà Nam đang vắt chân lên cổ để xây cho nhanh các bể chượp, nhà nấu mắm, kho muối, kho đá cũng như xưởng đan lưới. Đông người nhưng chuyện kỳ đà cản mũi nhau cũng nhiều, thường là trục trặc giữa “cánh chỉ huy” và “cánh chính trị”. Các bộ phận trưởng tối tăm mặt mũi vì công việc chuyên môn, việc gì cũng cần làm gấp, cái gì cũng thiếu phải xin xỏ ở cơ quan cấp trên, phải chờ chỉ tiêu, chờ lĩnh, chờ kế hoạch xe để chở về vì chưa có thị truờng dịch vụ như ngày nay. Nam cũng như các Truởng bộ phận khác (đa số là các kỹ sư mới gia nhập quân đội) do quá tất bật nên thường sơ sót về những việc quản lý mang tính thường ngày như chào cờ buổi sáng, đọc mười lời thề truớc cờ, đọc báo, điểm danh lính tráng vào 8 giờ rưỡi tối chủ nhật v.v. v. Ngoài ra còn có “tội” hay nói huỵch toẹt sự việc, “yếu về việc tu dưỡng phẩm chất chính trị” nên hay bị “cánh Chính trị” ghi “phốt” vào sổ “Thù Vặt” trong khi chính bên Tham mưu lại dễ tặc lưỡi thông cảm vì họ cũng quá bận việc chỉ huy tàu thuyền trên biển với các sự cố có khi dồn dập cả ngày lẫn đêm. Nam từng bị kỷ luật khiển trách ghi lý lịch vì đánh mất quyển “SỔ CÔNG TÁC” vừa lĩnh ở văn thư, mới vẽ được vẻn vẹn bản phác thảo dãy nhà xí nam-nữ kiểu vệ sinh thùng cùng với bản dự toán xây dựng nó để xin Đoàn Truởng thông qua. Không thể nào xin “ân xá” vì từ truớc đến nay quyển sổ đó vẫn được coi là tài liệu mật!
Tuy nhiên ngay “cánh Chính trị” khi tiếp cận cái mới cũng gây nên một giai thoại nhớ mãi với những ai có mặt thời ấy. Đó là buổi chào cờ đầu tháng khá trang trọng, mấy hôm truớc Đoàn được cấp phát một bộ loa đài cát-xét khá xịn cùng một số băng ghi sẵn các bài hát truyền thống. Trợ lý Tuyên huấn chắc là đã cẩn thận trong việc nghe và đặt băng sao cho khi tiếng hô chào cờ vừa xong thì bài quốc ca sẽ nổi lên thay cho dàn “phá hợp xướng” tự nguyện mọi khi. Tuy nhiên sự việc lại diễn biến rất hài hước.
- Chào cờ, chào! - Chẳng hiểu sao cái loa phản chủ bỗng réo lên: "Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ..." Đến đây thì tay trợ lý cũng bị một cú vỗ, do quá khẩn cấp nên không khéo chút nào của đồng chí Phó chính uỷ đang đứng cạnh: nó vào nửa gáy, nửa mặt, cũng hơi bị nặng tay. Sau đó chính vị này cũng không nhịn được, phải quay mặt vào tường gập bụng xuống để cười như mọi cán-binh khác.
Có thể nói linh hồn của Hải đoàn lúc đó là Đoàn truởng Kim, ngưòi Đồ Sơn, gốc gác dân chài chính hiệu, nhìn trời biết hôm nay nên điều tàu đến toạ độ nào đánh bắt, nhìn tăm biết cá hay cua rùa đang vui vẻ ở dưới nước biển, vì vậy mà được Bộ Tư lệnh Quân Chủng đặc biệt tín nhiệm. Với các sĩ quan lúc thường Đoàn trưởng hay xưng hô anh em thân mật, nhưng ở ngôi thứ ba thì họ thường gọi Đoàn trưởng là “cụ”, có lẽ vì ai cũng nể trọng và có phần sờ sợ. Mặc dù Đoàn có nhiều cán bộ kỹ thuật đã qua đại học hoặc những cán bộ thuyền đã từng vào sống ra chết nhưng ai cũng phục “cụ” là người nhiều mẹo, thông minh và năng động, biết sử dụng đúng tài năng của cán bộ dưới quyền và có tính quyết đoán cao, tối cần đối với việc chỉ huy một đơn vị rất phức tạp về nhiệm vụ.
Những buổi giao ban ngày đó nếu bộ phận nào cũng báo cáo tình hình thì họp cả ngày chưa xong vì lẽ có nhiều bộ phận với nhiều công việc không tuần nào giống tuần nào. Tuy chỉ có ba ban Chính trị, Hậu cần, Tham mưu và các Tiểu đoàn tàu như mọi đơn vị khác nhưng “rất là đông vấn đề” vì có nhiều bộ phận trực tiếp sản xuất. Có Xây dựng cơ bản với dăm bảy công trình cùng lúc triển khai, có Trạm kỹ thuật với rất nhiều máy tiện, nguội, công nhân quốc phòng... với cả một chiếc ụ nổi để sửa chữa tàu của mình và bắt đầu chữa thuê cho đơn vị bạn, có Trạm luới với hàng trăm nàng “Tiên... diệt cá” dệt những tấm lưới khổng lồ cho tàu 300 sức ngựa, có Trạm chế biến cũng rất đông quân ủ chượp, ngoáy chượp, nấu lọc mắm và bán nước mắm. Ngoài ra còn Cảng vụ cung cấp đá và vật tư cho tàu thuyền đánh cá, tổ chức bốc và giao cá mỗi khi có tàu về bến (những ngày bốc cá thực sự là các ngày hội của quần chúng vì đầy đủ người mua, người bán, người đến xin, thậm chí cả đánh qủa nếu “ông mặt sắt đen xì” - Cảng vụ truởng Thái - có việc phải đi vắng). Đoàn còn có ba tiểu đoàn với hơn hai chục con tàu đánh cá, tàu đông lạnh với bao nhiêu vấn đề trên biển cần phải xin ý kiến: lúc thì tàu hoạt động tại toạ độ chỉ định đã mấy ngày mà tôm cá đi trảy hội ở nơi khác hết, đề nghị cho chuyển toạ độ đánh bắt. Lúc đã tan hết đá, có lệnh về bến thì tự dưng gặp hàng lô hàng lốc cá thu, cá ngừ đang kéo nhau về dự “phét-sờ-tí-van” Cá Đông nam Á! Thế là phải gấp rút cử tàu chở dầu và đá ướp cá ra bổ sung để khỏi phải đưa về bến một con tàu không ai dám đến gần nếu không đeo mặt nạ phòng hơi độc.
***
Nam ôm tập bản vẽ và dự toán xây dựng khu bể chựơp cá lên phòng làm việc của Đoàn truởng Kim. Truớc kia việc xây dựng thường chỉ cần mấy tờ giấy vạch vạch để miêu tả mặt bằng và ước toán chi phí, nếu thấy hợp với yêu cầu sử dụng và ở mức kinh phí trên dự định cấp cho là có thể ra quyết định, nhưng giờ đây vốn Xây dựng cơ bản không do Bộ Tư lệnh cấp xuống mà phải có đủ thủ tục để giải ngân ở Chi hàng Kiến Thiết thành phố. Mời các kỹ sư ngày nay thử tưởng tượng việc lập hồ sơ đầy đủ cho thi công một công trình (mà còn rất nhiêu khê vì phải tính đến từng cân xi măng, từng mét khối cát cho mỗi hạng mục công trình) bằng cách vẽ tay và kéo thước Lo-ga-rit, vì cả thế giới hồi đó cũng chưa có khái niệm về Autocad với Excel như ngày nay.
- Trong quí này đồng chí phải xây cho được ba bể, mỗi bể có dung tích 50 tấn chượp để chứa hết lượng cá của mười chuyến tàu về bến. Đấy mới là quí này, quí sau còn phải xây lượng bể chượp gấp đôi. Mục tiêu cuối cùng là 1000 tấn chứa cho Khu Chế biến. Đồng chí nhớ là xây không kịp thì khi cá về không có chỗ chứa tôi sẽ cho đổ đầy nhà Bộ phận Xây dựng các anh, thừa nữa thì đành đổ vào phòng tôi!- Sau khi nghe Nam trình bày bản vẽ và dự toán, Đoàn truởng giao nhiệm vụ trực tiếp cho Nam như vậy.
- Này, thằng em này - thấy Nam không kêu than gì về tính gấp gáp của công việc - “cụ” nói giọng vỗ về. Em phải hết sức vấn đề cẩn thận. Nghe nói chỉ có ngoài đảo Cát Hải mới có thợ xây đuợc vấn đề bể chượp. Sở Thuỷ sản có xây cho Xí nghiệp Nước mắm Cầu Niệm (xí nghiệp này đã giải tán khoảng những năm 80 thế kỷ truớc) một số bể mà bị rò mắm nhiều lắm. Nghe nói họ đã phải xây vấn đề bể bé hơn, lọt trong lòng bể lớn để chống rò mà mắm vẫn theo rươi ra sông. Khéo không rồi lại có vấn đề chuyện ăn vỏ khoai lang trả tiền bánh rán đấy thằng em ạ! - Nam mỉm cười vì những câu ví von của cụ. Ở Đoàn này “cụ” và Chủ nhiệm hậu cần Ngư nhiều lúc hay ví von dân dã, phải nhận là rất hợp cảnh và hóm hỉnh. Riêng “cụ” có tật nói câu nào cũng có vài từ “vấn đề” đệm vào lúc đang tìm cách diễn đạt. Không biết “cụ” có để ý hay không, anh em cán bộ thì rất buồn cười nhưng vì nể và trọng “cụ” nên bấm bụng cho qua rồi nghe mãi thành quen, cũng không thấy dị ứng gì nữa.
Hôm sau Nam phải thu xếp công việc ở nhà để đáp tàu khách ra Xí nghiệp mắm Cát Hải. Mặc bộ áo lính thuỷ màu xanh với những dải sóng trắng của đại dương trên vai, anh không giới thiệu mình là kỹ sư kỹ sọt gì, cứ đứng hàng ngày trời ngoài nắng xem động tác của thợ nề xây bể, hỏi han về cách chọn gạch, chọn cát, lúc nào thì vào màu lót, trát lót bao lâu mới trát lớp chính, thời điểm nào thì bắt đầu đánh màu, đánh mấy lớp màu và độ dày cuối cùng là mấy li. Nam để ý cách che nắng và phun nuớc duỡng hộ để chống rạn chân chim. Hồi đó thợ cả chịu trách nhiệm về xây bể chượp được trả công ngang với thợ cả chuyên ấp trứng vịt lộn là 500 đồng một tháng, trong khi lương thiếu uý như Nam chỉ có 65 đồng. Vậy nên họ cũng dấu nghề, nhưng anh là người tinh tế trong lĩnh vực xây dựng nên khi trở về đã lên ngay được một qui phạm rất nghiêm ngặt trong việc xây bể.
Đầu tiên là phải chọn loại gạch đặc phẳng phiu nhẵn nhụi nghĩa là không non, không già quá. Nhưng lớp trát-đánh màu mới là vấn đề cốt tử nên phải chọn cát hạt thô cầu Cầm, không đuợc để lẫn một cọng thực vật nào, nếu lẫn một cọng cỏ thôi thì khi cỏ mục đi sẽ tạo lỗ công cống cho mắm chui qua được lớp vỏ trát bên trong. Gạch và vữa xây có độ cản mắm kém nên để cho mắm chui từ chỗ nọ đến chỗ kia, tới lúc gặp lỗ thông tương tự qua lớp trát bên ngoài thì tung tăng chuồn ra sông! Có lẽ đó chính là nguyên nhân rò mắm không chữa được ở xí nghiệp mắm Cầu Niệm vì không ai nghĩ là mắm chui vào ở chỗ này lại chui ra ở chỗ khác, thậm chí ở phía thành kia của bể.
Để cẩn thận Nam đề nghị Đoàn truởng cho thuê một tốp thợ Cát Hải vào xây bể mắm đầu tiên. Cả ngày quẩn quanh khu cá mắm mới thấy thấm thía câu Nằm đất với cô hàng Hương còn hơn nằm giuờng với chị hàng Mắm. Thấy Chủ nhiệm Ngư đến xem xét Nam đùa “Chủ nhiệm xem này, không ăn lươn cũng phải chịu nhớt”. Là kho tục ngữ dân ca nên Chủ nhiệm Hậu cần đối đáp ngay: Làm nghề chài phải theo đuôi cá, đồng chí ạ. Nhưng là kỹ sư xây dựng công trình cảng lại đi xây bể chượp thế này liệu có ổn không? Thật cẩn thận vào nhá. Để mất mắm như ở Cầu Niệm thì toi. Lo nhất là chửa làm thì vốn còn dài, làm rồi thì vốn theo ai lên trời. Nhưng cứ phải lên gân thôi, ở cái đoàn 8 này ai cũng nhọc nhằn lắm đấy!”
Chủ nhiệm vừa đi thì thiếu uý Liễu, Truởng Trạm chế biến, cũng là dân Đại học Thuỷ Sản nói với theo “Đúng là nuớc lên rồi nuớc lại lùi, đi đâu cũng gặp “cụ” Bùi Duy Ngư” khiến “cụ” quay lại cười hà hà. Chắc chắn Chủ nhiệm Hậu cần đã lăn lộn ở nhiều đơn vị của Hải Quân lắm nên mới có câu ca này. Đã hai ba lần Nam thấy các sĩ quan ở Đoàn khác đến đây làm việc hoặc mua cá, mua mắm, họ hay chào “cụ” bằng câu ấy.
Để đẩy nhanh tốc độ Nam tổ chức nhóm thợ nề thứ hai từ mấy xóm gần khu Hải Đoàn để xây một bể nữa. Anh cùng vài chiến sỹ nghĩa vụ, do anh tự đào tạo thành các giám sát thi công, hướng dẫn và theo dõi hết sức sát sao việc thực hiện các thao tác xây trát, dưỡng hộ lớp trát như của nhóm thợ Cát Hải, nhưng thêm một yêu cầu là khi xây nếu đặt một viên gạch lệch thì không đuợc dùng dao xây gõ lại cho thẳng như kiểu xây tuờng nhà, phải dỡ cả gạch và vữa ra để xây lại ngay các viên đó. Nêu yêu cầu đó vì Nam nhận thấy vữa xi măng-cát mác cao khi đặt viên gạch vào là khô ngay, nếu gõ chỉnh thì tường vẫn chắc, thậm chí rất chắc vì không ai tiếc xi măng trong việc xây bể mắm, nhưng thực tế sau cú gõ đã có một vài khe li ti tạo ra, không còn khít khao như khi xây bằng vữa ba-ta có cả vôi dẻo quẹo. Các khe nhỏ đó cũng chính là các lỗ công cống cho mắm luồn lách tìm đường trốn trại. Ban đầu đội thợ Cát Hải cũng lấy làm lạ, nhưng thực tế cho thấy là họ chuyên nghề xây bể nên đặt gạch viên nào ngon viên đó, không phải gõ chỉnh bao giờ, trong khi nhóm thợ mới chưa bao giờ được xây bằng vữa nhiều xi măng như vậy, nghĩ rằng tường bể này có dùng búa tạ mà phá cũng om xương nên cứ gõ chỉnh thoải mái như xây nhà, không hề biết đến hậu quả.
Nam hơi bị phổng mũi khi ông già tổ truởng thợ Cát Hải khen anh rất tinh, chẳng mấy chốc mà thợ Cát Hải sẽ thất nghiệp. Tuy nhiên anh còn có dự tính khác trong đầu, nhưng còn phải chờ xem sao đã.
Sáu bẩy tháng sau, khi các ô bể chứa chượp đã bốc mùi thơm quyến rũ của mắm cao đạm mà không hề thấy Trạm Chế biến kêu ca gì về việc rò mắm, phải nói là từ Đoàn truởng Kim đến Ban Hậu cần và Bộ phận Xây dựng đều phấn khởi như ngày nào trông thấy tên lửa ta bắn hạ tại chỗ Thần Sấm của giặc Mỹ. Nam đưa ra đề nghị đổ bê tông bể chượp là việc chưa ai làm bao giờ. Mặc dù có người lo lắng hoặc dèm pha là chưa nóng nước đã vội đỏ gọng nhưng ý kiến phân tích rất khoa học của anh có sức thuyết phục. Nam tin rằng nếu chọn cát đá tốt và rửa sạch thì đổ bê tông sẽ đặc chắc và đồng nhất hơn xây bằng gạch, cái quan trọng nhất vẫn là trát, đánh màu và che đậy-duỡng hộ để chống vết rạn chân chim. Đổ tường bể bằng bê tông sẽ thi công nhanh do dùng bộ cốp pha định hình bằng thép, gia công ngay tại Trạm Sửa chữa của Hải Đoàn và chỉ cần mấy người thợ giỏi để trát thôi. Đoàn truởng Kim gật gù ủng hộ nên ý định của anh đã thành công, chấm dứt huyền thoại rằng chỉ thợ Cát Hải mới xây được bể chượp. Sau này có khá nhiều đơn vị khác trong quân đội đến học cách xây bể của Đoàn 8 và bộ cốp pha thép còn được đưa vào tận Vũng Tàu để đổ bê tông bể mắm ở trong đó.
Trong vòng xoáy của công việc làm kinh tế, mới mẻ, bận rộn nhưng háo hức, Đoàn 8 cứ phát triển từng ngày. Đã thành lập Tổng cục Xây dựng Kinh tế trên Bộ Quốc Phòng, Đoàn truởng Kim lên làm Cục truởng của Cục Xây dựng Kinh tế Hải Quân bao gồm năm “Đoàn đánh dậm” nằm suốt trung-nam-bắc.
Nam chuyển sang công việc sở truờng của mình là xây dựng Cảng cá bê tông cốt thép dài 200 mét cho Đoàn 8 sau khi Trạm Lưới và Trạm Chế biến đã hòm hòm. Thời điểm đó cảng của quân chủng Hải Quân ở ngoài Bắc hầu như không có gì đáng kể, vài chiếc đã xây thì bị bom Mỹ đánh hỏng trong cuộc chiến tranh phá hoại mới kết thúc. Có lần một phái đoàn quân sự của bạn Lào sang thăm, Bộ Tư lệnh đã phải dẫn xuống tham quan chiếc bến gỗ dài có 28 mét của đoàn 8 (cũng đã xẹo xọ vì chẳng biết “cụ càu tàu” này lên thượng thọ từ khi nào). Nam buồn cuời khi thấy các vị khách trầm trồ và thích thú vì thấy cảng làm bằng gỗ. Một sĩ quan của bạn sau khi nghe Nam nói về cách xây dựng cảng đã thốt lên “Làm bằng gỗ như thế này thì Lào tha hồ làm, to bao nhiêu cũng được, Lào nhiều gỗ lắm!” Nhưng khi Nam hỏi định làm ở đâu thì anh chàng đực mặt ra vì đất Lào làm quái gì có biển!
***
Cục Xây dựng Kinh tế hình thành đánh dấu sự phát triển của Hải Quân cùng với toàn quân tham gia làm kinh tế đồng thời với nhiệm vụ quân sự, trong một giai đoạn của lịch sử quân đội. Mặc dù về sau phải có những quan điểm khác, tư duy khác trong việc quân đội làm kinh tế nhưng nếu không có cây dại, thú hoang trong buổi sơ khai thì làm sao có cây trồng và vật nuôi, để rồi tiến tới những sản vật lai tạo và biến đổi gien như ngày nay để chúng ta có thể chọn thương hiệu mới ăn, mới mặc. Thời sau 1975 của Nam và đồng đội chỉ cần “diều” được căng căng và tên gọi “Vệ túm” bị quên đi cũng đã thấy là tốt chán. Tuy nhiên giá rút ngắn lại giai đoạn mười năm truớc thời kỳ đổi mới, đừng quá say sưa trong hào quang chiến thắng với những ý tưởng kiểu như lập “Hạm đội Biển Đông” để tham gia cách mạng thế giới tại vùng Đông Nam Á! thì may mắn cho dân tộc ta biết bao. Nhưng cái gì đã qua thì để cho nó qua đi (như người Anh hay nói Let's bygones be bygones") và Nam nhớ lại thời kỳ anh lên Cục phụ trách công tác Xây dựng cơ bản cho toàn Cục XDKT Hải quân.
Cục Trưởng là người có nhiều tham vọng, không hề cho cá nhân “cụ” mà cho sự phát triển của Cục. Tuy Việc nước xưa nay có bại, thành như một lãnh tụ quá cố của Đảng ta đã viết, nhưng Nam và anh em cán bộ dưới quyền luôn cảm thấy nhiệt tình nóng bỏng trong mỗi chủ truơng và nhiệm vụ mà “cụ” bàn bạc trao đổi trong giao ban, cũng như khi gặp riêng từng người phụ trách từng mặt công tác. Hôm ấy Cục truởng gọi Nam lên ăn bữa cơm chia tay với một Cục phó chuẩn bị bay vào chỉ đạo Đoàn 9 ở Cát Lái (Vũng Tàu). Trong bữa ăn “cụ” nói chuyện nọ chuyện kia, lấy làm phiền rằng đã có cán bộ thuyền dung túng hoặc thông đồng cho anh em chiến sỹ bán cá, bán dầu trên biển mặc dù có cán bộ Tham Mưu của Hải đoàn đi theo đốc chiến. “Người nhà mình chưa tóm được mà chẳng hiểu sao chuyện đã đến tai Bộ Tư lệnh, đúng là ấm no vua bếp hay, đắng cay ông gừng chịu”- “cụ“ than thở.
- Nhưng gà ngủ, cáo không ngủ, Cục Truởng ạ - Nam đế vào- Chúng khẩu cứ đồng từ, đợi ông sư ngủ trong ca bin mới vẫy thuyền dân để sang be thì tham mưu hay tham mẹo cũng chịu bó tay.
- Còn các anh nữa đấy, tôi nghe nói mấy anh Hai (Cục truởng muốn nói mấy cán bộ Đoàn của các đơn vị phía Nam) chỉ sau vài bữa nhậu đã ký hợp đồng thi công, chẳng biết có thiết kế, dự toán hay không. Nghe nói thằng cha chủ thàu ở Dương Đông chỉ biết viết mỗi một cái tên của hắn dưới mục chữ ký bên B. Anh này - ”cụ” quay sang cục phó Chư - Thế mà thằng cha nghe nói có hàng chục chiếc xe “Reo”, xe ủi, máy xúc với xe cẩu, thiết bị của hắn là điều nằm mơ đối với một Trung đoàn xây dựng của mình đấy. Các anh Hai trong ấy làm ăn cũng dữ dằn đấy nhỉ?
- Đồng chí thu xếp nhanh việc ngoài này rồi vào Phú Quốc để giúp họ triển khai xây dựng triền tàu An Thới, xưởng chế biến tôm xuất khẩu và một nhà máy sản xuất nước đá để cấp cho tàu đánh tôm của Đoàn 33 - “cụ” nói tiếp với Nam - Đưa tàu vào Kiên Giang lấy đá, ra đến ngư truờng đã tan non nửa thì còn đánh đấm nỗi gì, chưa nói lượng dầu tiêu thụ cho 14 giờ hành trình. Sẵn đá của mình thì chẳng được cái trắm cái chép cũng được cái tép cái tôm . Chỉ cần vài năm vấn đề bán đá cho tàu thuyền đánh bắt quanh đảo cũng đủ tiền xây rồi.
Nói chung bao giờ “cụ” cũng có tầm nhìn chiến lược cần thiết cho việc phát triển của Cục, Nam thầm công nhận, anh còn biết “cụ” đang giục đưa nhanh tàu đông lạnh HQ18 vào để gom tôm he trên biển trong khi chờ xây dựng nhà máy nuớc đá, cũng là một cách để ngăn chặn việc có tàu nào thoái hoá lén bán tôm bán dầu cho dân chài.
Từ ngày về Hải Quân đến nay Nam chưa từng đi theo tàu đơn vị lần nào. Chỉ có một lần đang đứng ở khu xây bể chựơp thì thấy Song - bạn anh - sửa máy trên chiếc ca nô vẫy bảo có đi thử máy một tẹo không. Nam lập tức leo qua tấm ván sang ca nô, nhưng vừa len lỏi qua con lạch ngoằn ngòeo giữa rừng sú vẹt ngập mặn ra tới dòng chính sông Cấm thì động cơ lại “xin nghỉ phép”. Ca nô cứ thế trôi theo dòng triều đang rút vào ven đảo Vũ Yên nơi có tấm biển gỗ ghi “Thuỷ lôi chưa gỡ, các phương tiện tránh xa” cùng với chiếc sọ người nguyệch ngoạc nhưng trông cũng đủ ghê. Song đang cố bắt cỗ máy làm việc trở lại vội ngẩng lên hô lớn “Tất cả đứng nhún chân trên boong, không bám tay vào cái gì cả. Nếu thuỷ lôi nổ văng xuống sông, cố mà bơi vào bờ! Không bám tay vào đâu cả, nếu không sức nổ sẽ xé rách bả vai nghe chưa!” Đã quen với mọi kiểu báo động nên năm sáu người có mặt trên ca nô đều buông tay đứng lom khom như lũ chim cánh cụt. May là con tàu nhỏ chỉ trôi sát tấm biển rồi lướt ra xa không có tiếng nổ nào. Hút chết, nhưng trưa đó cả bọn phải đào còng ở cuối đảo Đình Vũ, nơi ca nô dạt vào bãi cát, nướng ăn thay cho bữa trưa!
Lần này cũng lại Song và thuyền truởng HQ18 rủ anh theo tàu xuôi Phú Quốc. Mặc dù có tiêu chuẩn đi máy bay khi công việc cần đến nhưng một chuyến đi xuyên Việt dọc theo bờ biển cũng khá hấp dẫn nên Nam đã khăn gói quả mướp xuống ngủ ở phòng thuyền truởng để cùng hành trình.
HQ18 rời bến, thuyền truởng chọn được giờ rất đẹp nhưng Sng có biệt danh “Paven-Coocsaghin của Trạm Sửa chữa” vẫn mang vẻ băn khoăn trên mặt.
- Nếu cho mình thêm hai ngày chỉnh sửa nữa thì có thể yên chí ngủ suốt hành trình. Thậm chí mình không phải đi theo tàu, anh em khác đi cũng được. Bộ lọc dầu và lọc khí hơi bị kém mà kế hoạch quí này đã lĩnh hết rồi. Giá có bọn nào bán chui mình sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua cho nó yên tâm - Song nói.
- Paven-Coocsaghin lại định tiếp tay cho bọn ăn cắp à. Dẹp chuyện ấy đi, có Trùm máy nổ biệt phái đi theo tàu là bọn này yên chí lớn rồi. Vào đây nhâm nhi tí đã - Thuyền truởng vừa mở khóa ngăn tủ đặc biệt của mình bưng ra một bình đặc những quái vật thời tiền sử, toàn là khủng đẻn (rắn biển), khủng tắc kè, khủng hải mã chen chúc nhau nên cả chiếc bình to đùng chỉ gạn ra được vài lít rượu vàng xanh sánh như mật ong - Thuyền trưởng HQ03 tặng tớ bình này từ năm ngoái, vừa rồi thằng HQ08 lại thảy cho kí mực khô. Nào chúc cuộc hành trình thuận buồm xuôi gió, neo cứng sóng mềm nào!
Nam và Song đều không phải con cháu Lưu Linh hay Thần rượu nho Bacchus nên mỗi người chỉ tợp được một chén nhỏ, nhai “mồi” là chính nhưng đám bậu xậu trên tàu thì chưa đủ ướt môi. Thuỷ thủ trưởng lôi đâu ra can rượu Thanh Hoá đổ đầy vào bình, hắn cẩn thận cho chiếc bình vào tủ, nói như giao hẹn với thuyền truởng “Cứ để đây, sao vàng hạ thổ 24 tiếng là mai lại đặc ngay đấy mà!”
HQ18 là con tàu đông lạnh, có thể ướp đông được vài chục tấn hải sản có giá trị. Nó là con chủ bài của Cục truởng trong vụ tôm đông năm nay, trên tàu còn chở theo hai cuộn cáp to đùng để đi lại hệ thống điện trong Hải đoàn 33 và khá nhiều quân trang, nhu yếu phẩm. Ngoài Nam ra cũng còn gần chục nhân viên kĩ thuật, sĩ quan chuyên nghiệp đi theo tàu để vào bổ xung cho hai hải đoàn ở Vũng Tàu và Phú Quốc.
Nhưng trời chẳng chiều người. Nửa đầu của cuộc hành trình vào đến Đà Nẵng thì đúng là thuận buồm xuôi gió, con tàu đi nhanh và êm ả. Cập vào bán đảo Sơn Trà khi đài báo đợt gió mùa đông bắc cấp 4 cấp 5, ngoài biển cấp 6. Thời tiết này thì chỉ tàu xuyên đại dương mới dám hành trình, đành phải đợi vài ba ngày cho sóng gió êm. Nhờ đợt nghỉ này lần đầu tiên Nam được xem Bảo tàng Điêu khắc Chàm và các danh thắng của thành phố Đà Nẵng mặc dù thành phố này đã kết nghĩa với Hải Phòng của anh hàng mấy chục năm nay.
Con tàu phải bỏ dở nửa sau của cuộc hành trình do gió mùa đông bắc cứ bổ xung hết đợt này đến đợt khác, tàu đang chạy men ven bờ để tranh thủ thời gian thì chết máy vì phải liên tục hoạt động hết công suất trong khi hệ thống lọc dầu, lọc gió đã quá cũ. Sau hơn hai ngày trôi dạt trên biển giữa sóng gió cấp 6 cấp 7 tàu HQ18 đã bị các đợt sóng ngang của bờ biển Tuy Hoà đẩy nghiêng vào bãi cát ven bờ, nơi có mấy chiếc tàu to hơn của Mỹ-Nguỵ cũng gặp tai nạn tuơng tự, giờ đây đã bị cát lấp gần hết, cũng may là HQ18 bị cạn truớc khi trôi qua bãi đá Đại Lãnh, nếu không con tàu đông lạnh đã hoàn toàn bị xoá sổ khi lạc vào bãi đá ngầm giữa những đợt sóng khủng khiếp của miền gió ngang nổi tiếng hung dữ này.
Ngày đó Nam không tham gia vào việc cứu tàu vì nhiệm vụ của anh là vào nhanh Phú Quốc để xây nhà máy nước đá và các công trình khác để bù đắp cho thiệt thòi của việc con tàu bị nạn. Phờ phạc vì mất ngủ và vì phần lớn thứ cố nhét vào dạ dày đều bị trục xuất ra boong tàu nhưng Nam cũng vẫy xe đò đi thẳng từ Tuy Hoà vào Nha Trang. Anh ngủ ở đây một buổi chiều và một đêm liền tù tì mới hồi sức. Từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra sân bay Rạch Sỏi thì gặp Cục truởng Kim đã vào Rạch Giá, thế là Nam bỏ chuyến bay ra đảo đã mua vé mà xuống tàu tháp tùng Cục truởng cùng Bộ truởng Bộ Thuỷ Sản đi khảo sát mấy hòn đảo với mục đích nghiên cứu thuỷ sản trước khi ra khu quân sự An Thới của Đoàn 33.
- Thằng em ạ - Cục truởng nói với Nam lúc hai người đứng trên boong nhìn Hòn Tre mà tàu sắp cập vào- Đúng là lươn bò để tanh cho rổ , thằng HQ18 bị như thế rồi, còn lâu mới kéo được nó ra. Nhưng thôi ốc làm chẳng nên thì sên phải chịu, phải nghĩ cách khác ngay. Mình sẽ phải kết hợp với một số công ty của Bộ Thuỷ sản cùng khai thác và chế biến vấn đề tôm đông lạnh để xuất cho Nhật Bản. Ra ngoài ấy em phải làm sao giúp bọn chúng xây thật nhanh xưởng chế biến tôm và nhà máy nuớc đá, sẽ nhờ ông Trịnh - Bộ truởng bảo mấy công ty trong Thành Phố cho một số kỹ thuật viên và công nhân lành nghề ra hợp tác với mình ban đầu để lính tráng Hải Đoàn 33 quen dần vấn đề công việc. Rán lên đồng chí nhá!
- Báo cáo Cục truởng, tôi sẽ hết sức cố gắng ạ! - Nam đáp một cách nghiêm túc nhưng thấy Cục truởng có vẻ suy tư anh nói thêm cố làm cho “cụ” vui lên - Thân lươn không quản lấm đầu đâu ạ, Cục truởng cứ yên tâm.
Công việc “đánh dậm” này chẳng hề dễ hơn việc đánh giặc ngày nào - Nam nghĩ - cũng là một hòn đá thử vàng mà giữa trần ai ai đã biết ai. Nhưng phải đọc ít tài liệu về công nghiệp đông lạnh này đã, may mà mượn được của tay Thư ký Bộ truởng. Ra ngoài kia làm cách nào sao lại đuợc mấy chương thì tốt…
(Viết theo thể hồi kí, tên người và tên đất giữ nguyên để nhớ về các đồng đội một thời)
Ngọc Châu
ngocchaunvhp@gmail.com
© Tác giả giữ bản quyền.
Đăng lại ngày 20/08/2015
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 20/08/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
ngocchaunvhp@gmail.com
© Tác giả giữ bản quyền.
Đăng lại ngày 20/08/2015
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 20/08/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét