Home
» Thư viện văn xuôi
» Trang văn xuôi Dương Quốc Việt (Hà Nội): Lời tiên tri/ Cần bắt đầu để xây dựng …
Trang văn xuôi Dương Quốc Việt (Hà Nội): Lời tiên tri/ Cần bắt đầu để xây dựng …
Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015
Lời Tiên Tri – Văn Dương Quốc Việt
Chủ
nhật - 26/08/2012 14:36
Tết năm
Canh Tý 1960, lúc đó tôi sáu tuổi. Gia đình tôi vừa mới hoàn hồn vì đã trải qua
những tai nạn kinh thiên động địa, cha tôi sẽ được nhận làm việc ở một Sở Điện,
cái nghề mà ông đã được học và làm từ thời Tây. Tôi nghe lỏm được cha mẹ tôi
bàn với nhau, Mồng Bốn tết này sẽ làm vài mâm thịnh soạn để mời nhiều khách, và
hoá vàng luôn thể. Bữa cơm hoá vàng năm đó có đến chục khách, ngoài ông bà, cha
mẹ và bốn chị em tôi. Câu chuyện mà tôi sắp kể dưới đây đã theo tôi suốt 50 năm
qua, phần vì thương nhớ mẹ, phần vì lời tiên tri của Cụ Trẻ tôi ngày ấy. ...
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Dương Quốc Việt
Tiến sĩ toán – Giảng viên trường Đại học SP. Hà Nội
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
_____
LỜI TIÊN TRI
Tết năm Canh Tý 1960, lúc đó tôi sáu tuổi. Gia đình tôi vừa
mới hoàn hồn vì đã trải qua những tai nạn kinh thiên động địa, cha tôi sẽ được
nhận làm việc ở một Sở Điện, cái nghề mà ông đã được học và làm từ thời Tây.
Tôi nghe lỏm được cha mẹ tôi bàn với nhau, Mồng Bốn tết này sẽ làm vài mâm
thịnh soạn để mời nhiều khách, và hoá vàng luôn thể.
Bữa cơm hoá vàng năm đó có
đến chục khách, ngoài ông bà, cha mẹ và bốn chị em tôi. Câu chuyện mà tôi sắp
kể dưới đây đã theo tôi suốt 50 năm qua, phần vì thương nhớ mẹ, phần vì lời
tiên tri của Cụ Trẻ tôi ngày ấy.
Pháo Hồng Điều nổ ngân
vang, tôi lao ra sân nhặt những quả bị văng ra mà chưa kịp bén ngòi. Trở lại
nhà trong cảnh nghiêm trang trầm lắng, chỉ còn tiếng nói của Cụ Trẻ. Tôi gọi là
cụ trẻ, vì Cụ là em Cụ Ngoại tôi, Cụ là Tú Tài theo kháng chiến, lúc đó mang
hàm Thiếu Tá, có tiếng trong họ là giỏi xem Tử Vi. Cụ chỉ vào mẹ tôi, lúc Bà
đang tất bật mang thêm thức ăn cho các mâm, phán rằng, Con này là người có
danh. Nghe câu đó mọi người đưa mắt nhìn nhau, như có ý chia sẻ với Cụ Trẻ về
lời động viên khéo léo của Cụ. Như đáp lại sự hiểu nhầm của mọi người, Cụ Trẻ
cất cao giọng, phân tích thêm về ngày giờ sinh của cháu Cụ, rằng: "Con này
nó có danh còn hơn tất cả các anh đấy". Mọi người im lặng nhìn nhau, như
có vẻ sợ sệt, tôi linh cảm như vậy. Bữa cơm ngày tết đó, gồm những người trong
hai họ nội ngoại của tôi, những người được ăn học nhiều và tương lai rất sáng
sủa. Chỉ có mẹ tôi là người mới học hết lớp 4 thời Tây, Bà Ngoại tôi mất lúc mẹ
tôi còn bé, mẹ chỉ có hai chị em. Tuy Ông Ngoại tôi là viên chức khá, nhưng lại
còn Bà Ngoại Kế. Mẹ và Cậu tôi lớn lên trong sự nuôi dưỡng của Bà Nội, tuy Ông
Nội mẹ tôi là một công chức lương cao, Cụ Bà là con thứ hai mươi của Cụ Thượng
Đào, một thượng thư Bộ Lại Triều Huế, nhưng trong buổi giao thời, nên cuộc sống
cũng không lấy gì sung túc. Mẹ tôi là người phụ nữ đẹp, sắc xảo, bướng bỉnh có
tiếng trong họ. Bà trực tính và rất ghét sự gian dối, nịnh hót.
Chiến tranh xảy ra, sáu mẹ
con chúng tôi bị chôn chặt tại quê nhà, năm 1968 Bà sinh thêm cô em út của tôi.
Mẹ thương chúng tôi lắm, vì Bà cho rằng chúng tôi khổ hơn Bà ngày bé. Bà hay kể
về tuổi thơ của Bà, đặc biệt là Bà được ăn, được mặc, được theo cha sống qua
nhiều thành phố từ Nam chí Bắc, như thế nào. Nhiều món ăn Bà kể khiến chúng tôi
thèm rơi nước miếng, thế rồi như để chiều sự ao ước của chúng tôi, Bà cố làm
lại các món ăn đó, chúng tôi thích lắm, nhưng Bà bảo vẫn thiếu vị này, vị kia,
nhưng thời nay không có. Một lần- năm tôi học lớp 6, thậm thụt đọc hai cuốn
tiểu thuyết bị cấm, Bà phát hiện được và bảo các tiểu thuyết đó là hay, sao bây
giờ người ta lại cấm... Rồi Bà còn kể và phân tích cho tôi nghe, tôi vô cùng
ngạc nhiên. Năm tôi học lớp 3, Bà hỏi tôi một mét vuông là gì? Rồi Bà nói ngay
rằng: "Một mét vuông là diện tích của một hình vuông có cạnh dài 1 mét”,
thật trực quan và dễ hiểu! Sự thực mẹ tôi giáo dục chúng tôi có thể nói là rất
nghiêm khắc. Bà không bắt chúng tôi làm nhiều, nhưng cũng không cho chúng tôi
học quá nhiều, mọi thứ từ ăn ngủ, vui chơi, bạn bè, đọc sách gì, đều bị Bà kiểm
soát chặt chẽ. Trộm vong linh Bà, ngày thơ bé nhiều lúc tôi ao ước được như mấy
đứa trẻ hàng xóm, vì chúng rất được tự do. Thân thế bảy mẹ con chúng tôi ở quê,
thật tội! Họ hàng nội ngoại nhờ cậy được đều ở xa. Mẹ tôi đâu có thạo nghề
nông, chỉ bù lại là sự chăm chỉ, chắt chiu. Vốn chữ nghĩa và hiểu biết của Bà,
Bà mang ra giúp đỡ tất cả mọi người, Bà dạy họ tính diện tích các mảnh ruộng,
tính khối phân, khối cát..., tính công, tính điểm, viết đơn, viết thư, rồi cả
tham mưu cố vấn cho bà con trong làng khi họ hỏi ý kiến Bà, về chuyện này
chuyện kia. Bà còn dạy chữ, dạy tính cho những bà con mù chữ. Rồi tủ thuốc gia
đình của Bà, đã cứu giúp bao người hàng xóm đau yếu. Chẳng thế, mặc dù không có
ai nâng đỡ, nhưng chính quyền địa phương vẫn phải mời Bà làm Kế Toán, Đội
Phó... Hợp Tác Xã. Mà Bà làm thì ai cũng được nhờ, vì mọi người không bị tính
toán gian dối. Bà là người phụ nữ được cả dân làng nể trọng! Thời gian trôi đi,
anh chị em chúng tôi, khôn lớn, dẫu không thành đạt bằng ai, nhưng chúng tôi
đều có nghề nghiệp và gia đình riêng nền nếp.
Mẹ tôi mất năm 2005, lúc
bà 79 tuổi, nhớ lại lời tiên tri của Cụ Trẻ tôi 50 năm trước như đã nói ở trên,
với những người ngồi ăn cỗ hoá vàng tết năm Canh Tý 1960, rằng: ”Con này nó có
danh còn hơn tất cả các anh đấy”. Có thật thế không?
Điểm lại trong số đó có
bốn người là quan chức cấp Cục-Vụ trưởng, nhưng nghe đâu lúc nhiệt huyết muốn
đóng góp công sức thì bị phá lên phá xuống, sau này hiểu ra lẽ đời đã ráng hết
sức hoạt động để được vào Đảng, rồi tìm người nâng đỡ, đến khi lên được thì con
người đã khác trước, rồi cũng chỉ là những người kéo bè, kéo cánh, vơ vét mọi
thứ cho mình, thời thế mà! Bốn người khác đều trở thành những trí thức lớn ở
các Viện Nghiên Cứu và các Trường Đại Học, danh khoa học nổi như cồn, vì đều là
Giáo Sư-Tiến Sĩ Khoa Học, là những nhà khoa học đầu ngành mà. Các vị này đã từ
lâu dồn sức vào những việc: Nghiên Cứu Sinh; Thực Tập Sinh; Nghiên cứu Sau Tiến
Sĩ, đi làm Luận Án Tiến Sĩ Khoa Học..., hội thảo Quốc Tế, lo cho đủ các chức
danh PGS rồi GS... rồi tham gia đủ các kiểu hội đồng, đề tài, dự án..., quyền
sinh quyền sát đối với bao kẻ leo thang trên con đường danh vọng. Các ông làm
toàn những việc cao siêu, xuất hiện ở toàn những nơi sang trọng, khiến người người
chỉ biết cung kính, cúi đầu trước các ông. Thiên hạ chỉ biết các ông là các
Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Học, các Nhà Khoa Học lớn. Còn cụ thể các ông làm gì thì
có trời mới biết. Các ông đã trở thành những Ông Quan Khoa Học, mang bên mình
đủ thứ danh hiệu. Nghe nói các ông còn giúp quê hương tỉnh nhà rất nhiều loại
bằng cấp, từ Cử Nhân Tại Chức đến Tiến Sĩ. Hồi còn sống mẹ tôi nói với các ông
ấy rằng "Các ông làm thế là hại Quê, chứ đâu phải là giúp Quê". Thế
rồi một buổi tối một đứa cháu ruột của tôi, gửi email từ Mỹ về cho bố nó, thông
báo rằng: "Bốn vị họ nhà ta, con đã xem rất kỹ Website khoa học quốc tế
thì hai vị không có tên, một vị được 2 bài không có trích dẫn, vị còn lại được
4 bài thì đều viết chung với người nước ngoài, dạng ăn theo”. Bức thư thật tàn
nhẫn và lạnh lùng, nhưng biết làm sao được. Tám vị này có thể gọi là những
người có danh hay không? và nếu là danh, thì danh gì?
Còn mẹ tôi một người phụ
nữ, bằng những tâm huyết và khả năng của mình, đã đóng góp cho quê hương những
việc làm thiết thực. Quả thật cho đến nay con cháu của Cụ về quê, vẫn được nghe
dân của cả vùng kể về Cụ những điều tốt đẹp, với lòng biết ơn. Cụ đã để lại cho
quê hương và con cháu Cụ một thương hiệu, một mẫu người, ở một vùng quê. Như
vậy, mẹ tôi có phải là người có danh không?
Trước khi vào học Cấp 1, mẹ tôi gửi tôi vào một lớp học tư trong vòng một năm của một Cụ Giáo già trong làng. Cụ thuộc dòng dõi khoa bảng có tiếng, nghe đâu trước năm 1945 Cụ đã làm quan Huyện, rồi bỏ quan đi dạy học. Cụ mất năm 1970 thọ 85 tuổi. Hình ảnh Cụ đã theo suốt cuộc đời tôi. Những điều Cụ dạy, Cụ bắt chúng tôi thuộc, hình như nghĩa của nó cứ sâu rộng thêm ra theo tuổi tác và sự trải nghiệm.
Trước khi vào học Cấp 1, mẹ tôi gửi tôi vào một lớp học tư trong vòng một năm của một Cụ Giáo già trong làng. Cụ thuộc dòng dõi khoa bảng có tiếng, nghe đâu trước năm 1945 Cụ đã làm quan Huyện, rồi bỏ quan đi dạy học. Cụ mất năm 1970 thọ 85 tuổi. Hình ảnh Cụ đã theo suốt cuộc đời tôi. Những điều Cụ dạy, Cụ bắt chúng tôi thuộc, hình như nghĩa của nó cứ sâu rộng thêm ra theo tuổi tác và sự trải nghiệm.
Năm tháng trôi qua,
với biết bao biến cố, với biết bao huyễn hoặc, với biết bao lý giải về cái
được, cái mất, cái danh, cái thực, để rồi đến một ngày tôi được thanh
thản đi dưới hàng cây tại nghĩa địa quê nhà, được ôn lại những ký ức tuổi thơ
sâu đậm. Thắp nhang trên mộ Cụ Giáo, hình ảnh cụ lại hiện về, cùng lời dạy của
Cụ: "Danh do Công mà ra, không có Công thì không thể có Danh”, mà có lẽ
lúc này tôi mới ngộ ra. Và phải chăng lời tiên tri của Cụ Trẻ về mẹ tôi ngày
ấy, giờ đã được giải mã!
Hà Nội-5/5/2010
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Hà Nội ngày 26/08/2012
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Cần Bắt
Đầu Để Xây Dựng Một Lớp Người Mới – T/Sĩ Dương Quốc Việt
Chủ
nhật - 26/08/2012 14:41
Trên
con đường đổi mới đất nước, nhằm theo kịp sự phát triển của thời đại, chúng ta
đang gặp phải những khó khăn lớn, mà một trong số đó là: Những mặt hạn chế của
văn hóa dân tộc, và tầm vóc của đội ngũ trí thức hiện nay. Để khắc phục những
khó khăn này, trước hết chúng ta cần bắt đầu để xây dựng một lớp người mới, văn
minh và minh triết, đủ giác ngộ về bổn phận cá nhân đối với dân tộc.
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác
giả Dương Quốc Việt
Tiến
sĩ toán – Giảng viên trường Đại học SP. Hà Nội
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
_____
CẦN BẮT ĐẦU ĐỂ XÂY DỰNG
MỘT LỚP NGƯỜI MỚI
Trên
con đường đổi mới đất nước, nhằm theo kịp sự phát triển của thời đại, chúng ta
đang gặp phải những khó khăn lớn, mà một trong số đó là: Những mặt hạn chế của
văn hóa dân tộc, và tầm vóc của đội ngũ trí thức hiện nay. Để khắc phục những
khó khăn này, trước hết chúng ta cần bắt đầu để xây dựng một lớp người mới, văn
minh và minh triết, đủ giác ngộ về bổn phận cá nhân đối với dân tộc.
NHỮNG MẶT HẠN CHẾ CỦA VĂN HOÁ DÂN TỘC
Chúng ta đã có một bề dày
lịch sử những chiến tích trong các cuộc chiến tranh giữ nước! Sự quật cường của
dân tộc này luôn được trỗi dậy sau những đêm trường nô lệ. Lịch sử đã chứng
minh rẳng, chúng ta đã từng mất nước, nhưng chúng ta gần như chưa hề bị mất
làng. Chúng ta đã luôn giành lại được độc lập, luôn giữ nguyên được bản sắc.
Nhưng tại sao dân tộc này phải gánh chịu nhiều cuộc xâm lăng đến như vậy?!
Phải chăng qua nhiều thời đại, chúng ta chưa có được nền văn minh của một
nước hùng cường, đủ sức dập tắt mọi ý chí xâm lược của ngoại bang! Phải
chăng cái văn hóa «Phép vua thua lệ làng» đã khiến chúng ta luôn
giữ được bản sắc, cho dù bị đô hộ trong những thời gian dài, thì nó
cũng là nơi ẩn nấp cho những khuyết tật nghìn đời, làm tổn hại đến sự
tiến bộ. Phải chăng văn minh «Làng Xã» cùng với tư tưởng «Thua thầy
một vạn chứ không chịu kém bạn một li», đã làm cho cái «Thiên
Hạ» trong mắt mỗi cá nhân trở nên vô cùng nhỏ bé. Rồi những giấc
mơ thần «Phù Đổng» không thể không khiến nảy nở tư tưởng «Sáng cấy
chiều gặt», đã tạo nguồn cho đức tính thiếu kiên nhẫn, và đặc biệt còn có phần
hoang tưởng nữa. Những truyền kỳ về «Cá chép vượt vũ môn» đã khiến sĩ
tử của bao đời nay, mơ ước đổi đời bằng những cuộc thi. Tất nhiên «Kẻ đỗ đạt
thời nào chẳng có», nhưng trong mọi thời đại chúng ta đều rất
thiếu những tác phẩm lớn, những công trình lớn, những nhà quản lí lớn, và cả
những nhân cách lớn…, giúp canh tân đất nước. Rút cục mấy nghìn năm văn hiến
vẫn «Con trâu đi trước cái cày đi sau». Tính cục bộ, sự đố kỵ…, luôn diễn
ra trong mọi khe lách của đời sống xã hội. Nó phổ biến đến nỗi khiến đại thi
hào Nguyễn Du trong Truỵên Kiều bất hủ đã phải chua chát buông lời:
«Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.»
Hỏi còn đâu miền đất
hứa cho những nhân tài, cho những lao động sáng tạo, cho những chí hướng
khác thường, tạo những đột phá…, có chăng cũng là quá ít! Thứ văn hóa kể trên
đã và sẽ là một lực cản rất lớn trong quá trình kiến quốc, nó còn là một trong
những mầm mống gây nên sự chia rẽ, cắt cứ, suy yếu, thậm chí dẫn đến làm
mất nước.
TẦM VÓC CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC HIỆN NAY
VÀ NHỮNG BÀI HỌC
Kể từ khi chấp chính, Đảng
Cộng Sản Việt Nam đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã sớm đặt vấn đề: Xây dựng
nền văn hóa mới và con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa. Kết quả là chúng ta đã
có một lớp người, một xã hội, đáp ứng xuất sắc sứ mệnh giải phóng dân tộc và
thống nhất đất nước.
Trong bối cảnh «Tất cả cho
tiền tuyến», cũng là lúc mà cái văn hóa « Phép vua thua lệ làng» đựơc dịp
hoành hành, một lớp «Cường Hào Mới» xuất hiện ở không ít Cơ Quan, Phường,
Xã, Thôn, Bản. Trên thực tế họ chỉ là một lớp người ăn theo, mà không đủ giác
ngộ về Đảng, giác ngộ vè bổn phận của cá nhân đối với đất nước. Chính tầng lớp
này, đã gây cản trở không nhỏ tới nhiều chủ trương chính sách lớn của Đảng, đặc
biệt là đường lối xây dựng đội ngũ trí thức. Cảnh đời «Con xanh đầu thì
bỏ, con đỏ đầu thì nuôi» đâu đó diễn ra đầy ai oán. Mà hệ luận của nó, là tạo
nên một lớp công chức, trí thức, đảng viên kém phẩm chất, bên cạnh đó là
làm nhụt đi ý chí của không ít các nhân tố tích cực, rất cần cho sự nghiệp cách
mạng của một đảng chân chính. Vì vậy, mặc dù chúng ta đã có một thế hệ trí thức
đông đảo, nhưng hình như một số đông trong lớp người này, chưa phải là những
đại diện xứng đáng nhất cho mỗi ngành nghề mà họ được tuyển chọn. Một phần
nguyên nhân là bởi chiến tranh, khiến nhiều thanh niên ưu tú phải xa rời
trường học để ra mặt trận. Bởi chính sách ưu tiên thái quá của một thời người
ta giành cho những cá nhân, vốn còn là những người bất cập và thiếu tự giác
trong tu dưỡng và học tập, thiếu nhận thức về bổn phận của cá nhân đối với gia
đình và đất nước. Bởi «Chủ Nghĩa Thành Phần», khiến cho không ít thanh niên
xuất sắc bị ngừng học, hoặc phải xa rời những vị trí và những nơi đào tạo rất cần
có họ. Bởi không ít nơi đã cố tình vận dụng sai chính sách của Đảng, để tạo nên
sự phân biệt đối xử. Khiến cho kẻ được ưu đãi thì có xấu cũng được cất nhắc,
ngược lại con em những thành phần được coi là không «Cơ Bản» thì dù có tốt mấy
cũng chỉ đủ để che thân. Trong một thời gian dài như vậy, hỏi «Nguyên Khí» của
dân tộc còn không?! Hình như văn hóa, tình cảm và đạo đức của họ chưa đủ để đón
nhận những triết lý huyền diệu của cuộc sống, và những lý thuyết Khoa Học thâm
sâu của nhân loại. Họ nhận thức các quy luật khoa học một cách nông nổi và duy
lý, tức là chưa hề «giác ngộ». Ngoài một ít kiến thức mà họ tiếp nhận được bằng
duy lý, họ còn thiếu bản lĩnh, tính cách, ý chí của một công dân văn
minh, đóng góp cho sự phát triển đất nước. Chưa kể đa số đã bị «Văn Minh Làng
Xã» chinh phục trở lại, hay thậm chí đâu đó, họ còn làm mất đi tính chất phác
của văn minh này! Sự tác động phản khoa học vào quy trình đào tạo và sử dụng
đội ngũ trí thức, khiến chúng ta mới chỉ tạo ra một lớp người có
nhiều bằng cấp, mà không ít trong số đó là những con người ‘Được
trông mất cậy’. Hình như chúng ta đã phải nuôi những chú «mèo»
không có khả năng «săn chuột», hoặc không muốn làm cái bổn phận «săn
chuột». Sự nâng đỡ thái quá cho một lớp người, đã để lại những mặt trái
của nó. Một mặt làm họ ngộ nhận về khả năng, mặt khác họ sẽ không biết trân
trọng và đánh giá những thành quả lao động, những khả năng chuyên môn. Đặc
biệt là họ nhìn nhận cái danh, sự cống hiến và thành đạt một cách sai lệch. Họ
không giống ‘kẻ sĩ’ của bất cứ thời đại nào, mà trái
lại họ là một lớp người quen sinh hoạt công cộng, ưa các hoạt động bề nổi, sính
phô trương vật chất, và không ý thức được cái bổn phận chính mà
họ cần phải gánh vác…. Rồi không ít kẻ đã lấy tấm gương của bọn «Tham Quan» làm
mục tiêu phấn đấu của đời mình. Còn những cá nhân mang tâm hồn «kẻ sĩ» biết
say mê với học thuật và nghề nghiệp thì sớm bị cô lập, thậm chí còn trở thành
các đối tượng cá biệt và bị chụp mũ là «chuyên môn thuần túy»! Trong bối
cảnh như vậy, liệu có sản sinh ra những «Trí Thức Lớn» hay
không?!
Sự giác ngộ về bổn phận
của mỗi cá nhân đối với đất nước là tiền đề quan trọng làm nên sức mạnh của một
dân tộc. Lãnh tụ Hồ Chí Minh của chúng ta đã sớm giác ngộ sâu sắc được bổn phận
đối với đất nước. Người đã đón nhận Chủ Nghĩa Mác như một nhu cầu tự thân, xuất
phát từ tình cảm và ý chí lớn lao khát khao giải phóng dân tộc, cùng với
trí tuệ và văn hóa tinh hoa, sản sinh trong một môi trường lí tưởng của
gia đình và thời đại. Chính vì vậy Người đã thấm nhuần nó, và nó được hòa quyện
trong Người, bằng cả tình cảm, tư tưởng và hành động…. Đặc biệt là Người
đã cảm hóa được một đội ngũ trí thức có nhân cách lớn đi theo Cách Mạng. Đội
ngũ này đã dám từ bỏ những vị trí cao sang, nơi xuất thân «danh gia
vọng tộc» để theo Đảng làm cái sứ mệnh giải phóng dân tộc. Kết quả là, trong
thời kỳ giành độc lập và kháng chiến chống Pháp, chúng ta dã có một đội ngũ trí
thức, tuy không đông, nhưng đã có những đóng góp rất to lớn cho đất nước. Họ đã
từng phải làm cả cái sứ mệnh biến «Những kẻ quê mùa trở thành trí thức».
Tương phản với họ, chính là tầng lớp «Cường Hào Mới» như chúng ta đã đề cập ở
trên. Tầng lớp này hầu như đã không hiểu, hoặc hiểu sai các nguyên lý khoa học.
Họ hăm hở bước lên vũ đài với vũ khí trong tay là ngọn giáo «Đấu Tranh Giai
Cấp», đánh vào «Lịch Sử Nhân Loại». Và đội ngũ trí thức, chính những người đã từng
phải xóa mù cho họ, và tất cả các tầng lớp được coi là «Phi Vô Sản», luôn
là mục tiêu tấn công của họ. Những công trình văn hóa, những tinh hoa dân tộc,
phải tích lũy hàng nghìn năm mới có, nay đều bị họ phá hủy! Thế hệ trí thức cũ
qua đi, còn lại đội ngũ trí thức mới, mà được gọi là «Vừa hồng vừa
chuyên», những đứa con được đẻ ra từ chính sách thời chiến, như đã đề cập ở trên.
Số đông trong đội ngũ này, một phần còn hạn chế về trình độ, một phần
còn chưa được sử dụng một cách có hiệu quả. Một bộ phận khác tuy có chuyên môn
cao, nhưng họ luôn lo ngại vì sợ bị «chụp mũ». Còn tầng lớp
được ưu ái đặc biệt, thì bên trong họ tận hưởng những thành quả cách mạng của
cha anh, bên ngoài thì có các thầy trong phe Xã Hội Chủ Nghĩa cứu cánh. Những
người này sớm tìm con đường xa chuyên môn để nhanh được tiến thân, hoặc chờ đợi
những chuyến đi để nâng cao bằng cấp. Hình như quá trình giáo dục và đào
tạo vẫn chưa đủ để số đông trong đội ngũ trí thức mới
«lột xác», điều mà Tổ Quốc cần ở họ. Vì thế một bộ phận không nhỏ đã sống a dua
theo đám đông và cấp trên, mang bên mình cái lý thuyết «Hạt cát trong sa mạc».
Một số khác đã rất sành sỏi trong việc tung ra những vũ khí sảo biện, những
ngón đòn của bọn «Đạo Chích» để hòng làm nhụt các khí phách cá nhân
quanh họ. Rồi những cảnh bi hài của trò ‘khỉ vặt lông khỉ’ đã diễn ra thừơng
xuyên và khá phổ biến, càng làm cho họ thêm mông muội tối tăm. Trong thời
chiến, họ mơ tưởng một ngày kia khi chiến thắng tới, đất nước này sẽ trở thành
trung tâm của Thế Giới, và «Một ngày bằng hai mươi năm» sẽ đến. Thế rồi cái gì
đến sẽ đến!
«Vận nước gặp cơn dâu
bể», những năm tháng kéo dài trong sự lãn công, sự thiếu thốn cùng cực của
một thời bao cấp, những cuộc thi cử theo kiểu «treo tiền cột mỡ», mong được đổi
đời bằng một chuyến du học Đông Âu…, một lần nữa lại nghiền nát tất
cả những sinh khí cần có của tầng lớp trí thức.
Rồi như một tất yếu, sự đổi
mới phải tới, và đó là cơ hội phát triển cho hầu hết các thành phần kinh
tế trong xã hội. Nhưng đáng buồn thay, hầu như đóng góp của tầng lớp trí
thức trong sự phát triển các thành phần kinh tế này là không đáng kể. Ngược lại
để đua ganh với các thành phần kinh tế khác, người ta mang tinh thần «chợ trời»
vào Trường Học, Bệnh Viện, Viện Nghiên Cứu…, cốt sao kiếm tiền hiệu quả. Kết
quả là biết bao nhức nhối xảy ra trong xã hội đương đại. Mấy chục năm cải cách
giáo dục và thi cử, làm suy kiệt giống nòi, mà vẫn chưa đâu vào đâu. Những cảnh
nhan nhản trường lớp và những người đi học, nhưng lại không nhiều người thực
học. Người mang danh nhà khoa học thì đông, nhưng lại không nhiều người làm
khoa học. Đất nước còn nghèo, nhưng đã phải tiêu phí rất nhiều tiền cho những
dự án vô bổ, nằm trong tay những kẻ giả danh nhà khoa học. Thế rồi đâu đâu cũng
tự coi mình là mũi nhọn, tranh nhau cả những vị trí, những cái danh hão huyền
nhất. Kẻ nhanh chân chiếm được "ngôi cao” thì phát huy lợi thế uy hiếp kẻ
khác. Hình như họ đang cố truy lĩnh tất cả vật chất, danh vọng, địa vị, và sự
sa đọa mà cha ông họ chưa từng được biết đến thì phải?! Những tiếng nói tâm
huyết đâu đó đã trở thành xa lạ và lạc lõng. Sự tôn nghiêm của nơi học thuật,
tưởng như vĩnh hằng đối với mọi quốc gia, mọi dân tộc, và mọi thời đại, nay đã
bị suy giảm. Lạm phát bằng cấp và học hàm, học vị, cùng các trường Đại Học,
diễn ra đến chóng mặt. Nền hành chính của chúng ta vốn quan liêu bao cấp, nay
lại thêm bệnh "Bằng Cấp” và "Chứng Chỉ” nữa. Thiên hạ có thứ gì người
ta cũng cố nặn ra thứ đó, chỉ khác là nó được chế tác bởi những người làm
"Hàng Mã”. Âu đó cũng là cái giá cho nền tự do và thống nhất, mà dân
tộc này phải trả. Con người quyết định tất cả, không một quốc gia nào, dòng họ
nào, gia đình nào muốn thay đổi số phận, lại xuất phát từ một lớp người tham
lam, vị kỷ, cố tận hưởng tất cả những gì mà có thể giành giật được.
Tình trạng "cắt đau
để buồn” của một số không nhỏ công chức hôm nay đã để lại một bài học lớn rằng,
không nên lấy quyền lực áp chế vào Giáo Dục(GD) và Đào Tạo(ĐT). Rằng lĩnh vực
này cần được duy trì một cơ chế tương đối độc lập, để đảm bảo sự tôn nghiêm
theo truyền thống của nó. Rằng không được thỏa hiệp về chất lượng đối với bất
cứ đối tượng nào, và giai đoạn lịch sử nào. "Bài toán dùng người” luôn
phải được ôn lại ở mọi thời đại và mọi thế hệ. Rằng ta dùng được "Nhân
Tài” thì có lợi cho ta, chứ không phải ta dùng họ vì muốn "ban ơn” cho họ,
và nên nhớ "Ba quân dễ kiếm một tướng khó cầu”, hay "Một người
hay lo bằng một kho người hay làm”. Những luân lý cơ bản phải được dạy hết sức
cụ thể về bổn phận làm con, làm công dân…, bổn phận của cá nhân với cộng đồng,
với dân tộc, với nhân loại…. Rằng dù ở Đảng Phái nào, Giai Cấp nào thì quyền
lợi của Dân Tộc bao giờ cũng được đặt lên trên hết….
HÃY BẮT ĐẦU ĐỂ CÓ MỘT LỚP NGƯỜI MỚI GIÚP
THAY ĐỔI ĐẤT NƯỚC
Vào cuối những thập niên
70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, để hiện đại hóa đất nước Trung Hoa, người
ta đã đặt vấn đề "Xây dựng lại đội ngũ trí thức”, thiết nghĩ rằng
chúng ta cần lưu tâm đến điều này!
Hơn bao giờ hết để thay
đổi đất nước chúng ta đang rất cần có một đội ngũ trí thức chân chính, văn minh
và minh triết. Đó là một lớp người phải có văn hóa cao, có bản lĩnh vững vàng,
có chí tiến thủ, có đức hy sinh, cần mẫn và nhẫn nại, xứng đáng là tinh hoa của
dân tộc. Một lớp người trung thực, có nhân cách lớn, giác ngộ được bổn phận của
cá nhân đối với gia đình và đất nước, là lực lượng xung kích trong mọi lĩnh
vực, có tư duy phản biện cao, và dũng cảm chỉ ra những sai lầm của những chủ
trương, đường lối thiếu sáng suốt. Một lớp người có giác ngộ tri thức, tức là
thấm nhuần tri thức bằng cả tình cảm, tư tưởng và hành động, học phải đi đôi
với hành, biết vận dụng tri thức một cách sáng tạo. Một lớp người có hoài bão
lớn lao đưa đất nước đi lên, mẫu mực và đi đầu trong lao động sáng tạo, có tình
nhân ái bao la với cộng đồng và nhân loại, có lòng tự trọng cao và say mê với
nghề nghiệp. Một lớp người vững vàng về chuyên môn, có hiểu biết rộng, có
tư duy phân tích gắn liền với tư duy tổng thể, năng động và hội nhập, có khả
năng liên kết cao trong lao động tập thể, thích ứng nhanh trong quá trình
đổi mới. Một lớp người có tầm nhìn xa và giàu ý tưởng, hiểu sâu sắc các bài học
Lịch Sử trong quá khứ, biết đặt vấn đề cho hiện tại và hướng tới tương lai. Một
lớp người luôn biết học hỏi không ngừng, biết khơi nguồn thức dậy cho năng lực
bản thân và đồng nghiệp, có xúc cảm cao về trí tuệ, đạo đức và nhân cách, biết
đau những nỗi đau của dân tộc, của đất nước và của nhân loại, biết công phẫn và
nhức nhối trước những thói hư tật xấu, biết yêu lẽ phải và dũng cảm trong đấu
tranh và bảo vệ công lý. Họ cần biết khiêm tốn và biết tự đánh giá đúng bản
thân, trân trọng thành quả của đồng nghiệp và biết học hỏi, lắng nghe, và chia
sẻ với những người xung quanh, có đạo đức nghề nghiệp cao, không đố kỵ, có khả
năng cạnh tranh lành mạnh. Họ phải là lớp người biết phát huy những mặt
tốt văn hóa dân tộc, gương mẫu trong việc xóa bỏ tàn dư của những
thứ văn hóa xấu, biết tiếp thu và chuyển tải những văn hóa tinh hoa của nhân
loại để làm giàu thêm văn hóa dân tộc…. Cuối cùng họ phải là những người có thể
chất tốt, biết rèn luyện và giữ gìn sức khỏe, biết sống tích cực và lành mạnh,
thân thiện với môi trường.
Văn hóa của chúng ta, tầm
vóc của chúng ta, mỗi cá nhân chúng ta, làm nên tất cả những thành quả như ngày
hôm nay là một tất yếu, không nên đổ lỗi cho ai cả. Tầm vóc của đội ngũ trí
thức hôm nay, còn rất xa với yêu cầu của đội ngũ trí thức mà chúng ta cần có để
xây dựng đất nước. Không dễ gì có thể kiểm soát được, khi mà "Đồ Mã” lại
xét duyệt "Hàng Mã”. Biện pháp khắc phục ư? thật khó có thể chữa khỏi
được! Mà hãy tìm cách loại bỏ hoặc kiềm chế chúng bằng một hệ thống pháp luật,
cùng chế tài nghiêm khắc và chặt chẽ. Ngăn chặn sự lây lan của nó
bằng giáo dục và dư luận xã hội. Hãy lấy sản phẩm cuối cùng làm thước đo
theo tiêu chí dân gian "Tiền trao cháo múc”, để ngăn chặn sự giả dối của
nó. Cần đánh giá đầy đủ các nguồn lực về GD và ĐT, Khoa Học(KH) và Công Nghệ(CN).
Cần bình tĩnh, nghiêm túc xem xét các đề án và dự án về GD và ĐT, KH và CN,
kẻo sự phá sản của nó, kéo theo mất niềm tin, và mất tỉnh táo, rồi dẫn đến
những quyết sách nông nổi tiếp theo…, mà hậu quả có thể sẽ còn nặng hơn cả
số tiền đã mất. Không nên so sánh hay đặt vấn đề đuổi kịp hay vượt một quốc gia
nào, ở một lĩnh vực nào. Hãy nghiêm khắc nhìn lại tất cả các sai lầm của chúng
ta. Đặc biệt những sai lầm về đào tạo và sử dụng con người. Cần nhận ra rằng,
một trong những nguyên nhân sinh ra nhiều bất ổn hôm nay, là số đông trong
chúng ta đã mang những khuyết tật rất cơ bản về "Đạo làm người”, khuyết
tật của "Văn hóa lúa nước”, những di chứng của "thời chiến” của chế
độ Bao Cấp…, và cuối cùng là những bài học về sự tương phản giữa "thân
phận nhỏ nhoi” trong mỗi cá nhân trước mỗi đám đông, đặc biệt là trước
"Đảng và Nhà Nước vĩ đại”. Sẽ ra sao? nếu có một lớp người cho rằng
"ta chẳng là gì”, ta phá hay ta xây cũng chẳng tác động được đến ai.
Những "chiếc chổi
cùn” thật khó quét được các sân chơi hiện đại! Vì vậy để đưa đất nước đi lên,
dân tộc này đòi hỏi phải sản sinh ra một lớp người mới tương xứng. Mà hành động
tích cực của chúng ta bây giờ là hãy dũng cảm nhận ra những sai lầm và yếu kém,
kiềm chế những khuyết tật và sự tham lam, tham quyền cố vị, hãy rộng mở để đón
nhận những nhân tố mới, sẵn sàng và chủ động làm cái bổn phận "dọn ổ”,
để trong một tương lai gần có một lớp người mới văn minh và minh triết ra
đời. Một lớp người giác ngộ đầy đủ về bổn phận cá nhân đối với dân tộc, xứng
đáng làm chủ nhân thực sự của đất nước này. Vì chỉ có lớp người như vậy mới
mong có sự phát triển rộng khắp ở tất cả các lĩnh vực. Cản trở của mong
muốn này chính là những khuyết tật của chúng ta, như đã đề cập
ở trên.
Còn làm thế nào để có một
lớp người mới văn minh và minh triết? Đây là cả một vấn đề chiến lược về con
người, một bài toán hóc búa nhất trong thời đại của chúng ta! Riêng ở nước ta
thì khó khăn này còn tăng lên gấp bội. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có
những cải biến sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, văn
hóa, cùng với giáo dục.... Cần phải có sự nỗ lực ở nhiều cấp, nhiều
ngành, nhưng trước hết hẳn cần phải có một nền hành chính lành mạnh. Tinh giản
tối đa bộ máy hành chính, quản lý Nhà Nước ở tất cả các cấp. Cũng quan trọng
không kém là một nền văn hóa đậm đà bản sắc, nhưng phải văn minh, mở và đa
chiều, tình nhân ái của mỗi cá nhân với cộng đồng, với môi trường, thói quen
chấp hành pháp luật, và đặc biệt là tránh chủ nghĩa bình quân, dung nạp
được những bản sắc cá nhân, hạn chế cảnh:
"Cây cao hơn rừng gió quật ngã,
Bơi ra xa bờ sóng nhấn chìm”.
Phải chua xót mà nói rằng,
mục tiêu mà chúng ta hướng tới, được bắt đầu như thế này đây. Đại đa số công
dân của chúng ta đã và đang phải gồng mình gánh chịu sự hành hạ của nền hành
chính, cảnh nhức nhối trên đường phố, bệnh viện, trường học…. Kẻ có quyền thì
tìm cách gây sức ép để trục lợi, kẻ ít quyền hơn thì bỏ bê công việc, người
Nông Dân thì mang những thực phẩm nhiễm độc đi bán…. Một cảnh hỗn mang diễn ra
ít có trong lịch sử. Mỗi người trốn tránh trách nhiệm với tất
cả, và tất cả vô trách nhiệm với mỗi người. Hỏi còn đâu niềm tin,
tình thân ái, và sức lực làm việc?! Đáng sợ hơn, hình như người ta đã quen, đã
chai sạn, đã vô cảm, tựa hồ như không gì xảy ra, đối với những tiêu cực diễn ra
quanh họ. Nền văn hóa của chúng ta đang bị nhiễm độc trầm trọng! Nếu chúng ta
không sớm cải tổ, thì thế hệ sau cũng sẽ bị nhuộm đen!
Để có một lớp người mới
văn minh và minh triết, đi liền với cải tổ nền Hành Chính và Văn
Hóa, cần quyết liệt cải cách và trấn hưng GD. Phải cải
tổ sâu sắc nền Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Hãy kiên nhẫn,
tránh những mục tiêu giả dối, kiểu "Đại nhảy vọt” trong GD và ĐT,
trong KH và CN. Phải đặc biệt chú ý giáo dục chất lượng toàn diện, và giáo dục
chất lượng cao. Bên cạnh đó là phải tinh giản chương trình và loại bỏ những môn
học không còn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới đương đại. Đầu tư
thích đáng vào những cơ sở đào tạo trọng điểm, và nhanh chóng xóa bỏ những cơ
sở đào tạo chất lượng kém. Thị trường hóa GD và ĐT, KH và CN. Nhớ rằng, chúng
ta xây dựng một "Xã Hội Hoc Tập”, chứ không phải là một "Xã Hội
Trường Lớp”, bằng cấp như hiện nay. Dùng người theo khả năng, chứ không theo
bằng cấp. Phải quản lý chặt chẽ các đối tượng ưu tiên, như các hệ Cử Tuyển hiện
nay ở các trường Đại Học, làm sao phải tuyển đúng đối tượng, và các đối tượng
này phải về làm việc tại đúng nơi cử đi.
Cần trân trọng và sử dụng
tốt những năng lực hiện có, không nhất thiết quá thiên về hướng ngoại. Làm
sao để thế hệ trẻ hôm nay có một hình ảnh tốt về các công chức đàn anh, những
người thầy dạy, những nhà khoa học trung thực và giàu đức hy sinh. Làm sao để
sinh viên giỏi ra trường được mời chào làm việc, mà không bị những sinh viên ở
những cơ sở đào tạo rất thấp chiếm hết chỗ, vân vân và vân vân. Chắc chắn đó là
những điều chúng ta tự gây ra, và chúng ta phải tự thay đổi.
Tóm lại thế hệ trẻ hôm
nay, và lớp người mới văn minh và minh triết mà chúng ta cần có trong tương
lai, cần phải được hưởng một sự đầu tư thích đáng ở những phương diện cần
thiết tối thiếu, đủ để làm nên diện mạo một con người hẳn hoi. Điều đó
không phải chỉ có tiền, điều đó không phải chỉ có việc cho đi đào tạo, mà là
cần hạn chế tất cả các mặt xấu, phát huy các mặt tốt, và là tất cả những gì
quanh ta tác động đến họ, những thứ hình thành và nuôi dưỡng được những cá
nhân trong mỗi con người chân chính của họ. Điều đó đòi hỏi ở sự kìm nén những
thói quen xấu, sự lạc quan, niềm tin vào tương lai, và trách nhiệm của mỗi công
dân, mỗi tổ chức xã hội đối với đất nước. Và còn gì hơn như Kinh Thi đã dạy:
"Núi cao ta trông, đường rộng
ta đi.
Tuy
đích chưa đến, nhưng lòng hướng về.”
Hà Nội tháng 6 năm 2009.
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Hà Nội ngày 26/08/2012
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét