Lam Kinh, khu di tích Quốc gia đặc biệt – Phạm Khang (Thanh Hóa)
Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015
Mỗi
người dân đất Việt khi nói đến Lam Kinh thường bồi hồi xúc động nghĩ đến miền
đất thiêng gắn với sự nghiệp và tên tuổi anh hùng dân tộc Lê Lợi, nghĩa quân
Lam Sơn trong những ngày gian khó, chiến đấu, hy sinh, lãnh đạo nhân dân ta
hoàn thành sứ mệnh vẻ vang giải phóng dân tộc ở thế kỷ XV, người đã được nhà
cách mạng Phan Bội Châu coi là ông tổ trung hưng dân tộc lần thứ hai sau Ngô
Quyền. “Lam Sơn chỉ xích thiên Nam vọng Vạn
cổ nguy nguy sáng lập công”
Tác
giả Nhà thơ Phạm Khang
Họ
tên thật Phạm Xuân Khang
Hội
viên Hội VHNT Thanh Hóa.
đã
xuất bản 9 tập thơ, 4 tiểu thuyêt, 1 tập ký sự.
Học
văn tại Nga. Dịch giả văn học thế giới.
ĐT:
0122.220.69.89
Email: phamkhangnhavan@gmail.com
_____
Trong
dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam,
Thanh Hóa luôn được coi là mảnh đất lịch sử giàu truyền thống yêu nước và cách
mạng. Thanh Hóa là miền đất có số lượng di tích lịch sử văn hóa phong phú, đồ
sộ với 1.535 di tích (trong đó có 134 di tích xếp hạng Quốc gia, 412 di tích
xếp hạng cấp tỉnh). Di sản Thanh Hóa là tài sản vô cùng to lớn, quý giá, là
niềm tự hào của người dân xứ Thanh, là điểm hấp dẫn cuốn hút sự quan tâm của
các nhà khoa học, sự ngưỡng mộ của bạn bè, của du khách trong nước và quốc tế. Trong
số lượng các di sản quý giá đó, Khu di tích lịch sử Lam Kinh vinh dự, tự hào
được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.
Mỗi
người dân đất Việt khi nói đến Lam Kinh thường bồi hồi xúc động nghĩ đến miền
đất thiêng gắn với sự nghiệp và tên tuổi anh hùng dân tộc Lê Lợi, nghĩa quân
Lam Sơn trong những ngày gian khó, chiến đấu, hy sinh, lãnh đạo nhân dân ta
hoàn thành sứ mệnh vẻ vang giải phóng dân tộc ở thế kỷ XV, người đã được nhà
cách mạng Phan Bội Châu coi là ông tổ trung hưng dân tộc lần thứ hai sau Ngô
Quyền.
“Lam Sơn chỉ xích thiên Nam vọng
Vạn cổ nguy nguy sáng lập công”
Nghĩa
là:
Núi Lam Sơn gang tấc là danh sơn
của nước Nam
Công đức gây dựng cơ nghiệp trải muôn
đời
Đó là lời ca ngợi của Hàn lâm viện Dương Trực
Nguyên về đất tổ nhà Lê khi xướng họa cùng vua Lê Thánh Tông trong lần ông cùng
vua về bái yết Sơn Lăng năm Nhâm Tý, niên hiệu Hồng Đức thứ 23 (1492). Là mảnh
đất chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng và trung du miền núi phía tây của huyện Thọ
Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Lam Sơn không chỉ là quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê
Lợi mà còn là nơi khởi phát của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh đầu thế
kỷ XV (1418) như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: “Ta đây núi Lam Sơn dấynghĩa/ Chốn hoang dã
nương mình”. Năm 1428, sau khi cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược
hoàn toàn thắng lợi, ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi vua ở
Đông Kinh tức Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, ban chiếu đại xá khắp thiên hạ,
sai Nguyễn Trãi soạn Đại cáo bình Ngô. Lê lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu
là năm Thuận Thiên thứ nhất, xưng hiệu là Lê Thái Tổ, đặt Quốc hiệu là Đại
Việt, mở đầu cho triều đại nhà Hậu Lê dài nhất trong lịch sử chế độ phong kiến
Việt Nam, với 354 năm. Năm 1430, Lê Lợi đã cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Tây
Kinh để phân biệt với Đông Kinh hay còn gọi là Lam Kinh, cũng từ đây Lam Kinh
trở thành vùng đất “Căn bản” của cả
nước lúc bấy giờ. Năm 1433, Lê Thái Tổ băng hà và được triều đình nhà Lê đưa về
an táng tại Lam Kinh, từ đây Lam Kinh trở thành kinh đô tâm linh, nơi an táng
của các vị vua và hoàng hậu thời Lê sơ.
Tháng
11 năm 1429, Lê Thái Tổ về Lam Kinh và nhà vua đã có chủ trương xây dựng trên
quê hương một khu điện miếu, nhưng dự định trên của ông đến khi ông mất vẫn
chưa thực hiện được. Lê Thái Tông là vị vua đã quyết định xây dựng điện Lam
Kinh. Lúc đầu điện Lam Kinh chỉ được xây dựng trên quy mô nhỏ, chủ yếu chỉ là
khu Sơn Lăng (nơi an táng tổ tiên và các vua, hoàng hậu triều Lê sơ). Sau này,
để phục vụ cho việc ăn ở mỗi khi các vua về thăm quê hương và bái yết Sơn Lăng
thì điện Lam Kinh mới được quy hoạch, mở rộng quy mô lớn hơn. Theo thời gian
Lam Sơn trở thành nơi sầm uất và nhộn nhịp đã được Trạng nguyên Giáp Hải nói
đến như sau:
Xe ghé Lam Sơn buổi tịch dương
Nhân dân thành quách ở đôi phương
Dệt thành phường vải quen lề cũ
Chen chúc hồ sen ngát vị hương
Theo sử cũ ghi lại thì điện Lam Kinh bắt đầu
được xây dựng vào năm 1433. Năm 1434, vua Lê Thái Tông sai Hữu bộc xạ Lê Nhữ
Lãm đến Lam Kinh dựng miếu Cung Từ Thái Mẫu. Cũng năm ấy điện Lam Kinh bị cháy
nhưng không rõ nguyên nhân. Vào các năm 1448, 1450, Lam Kinh tiếp tục được xây
dựng và trùng tu. Năm 1448, vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho Thái úy Lê Khả và
Cục Bách Tác làm điện miếu ở Lam Kinh, chưa đến một năm thì việc xây dựng được
hoàn thành. Năm 1456, trong dịp hành lễ ở Lam Kinh, vua Lê Nhân Tông đã đặt tên
ba tòa nhà của Chính điện là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Phan Huy Chú
trong “Lịch triều hiến chương loại chí”
cho chúng ta biết chi tiết và tỉ mỉ hơn về quy mô của điện Lam Kinh: “Điện Lam
kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc,
rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái Tông và lăng
các vua nhà Lê ở đây cả. Lăng nào cũng có bia. Sau điện lấy Tây Hồ làm não,
giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy vào đó, có con
sông phát nguyên từ hồ ấy, chạy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá nhỏ,
tròn và nhẵn trông rất thích mắt nhưng không ái dám lấy trộm. Lại có lạch nước
nhỏ chảy vòng từ trái sang phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung. Trên
lạch có cầu giống như Bạch Kiều ở Giảng đình điện Vạn Thọ Đông Kinh, đi qua cầu
mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước
phẳng giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài cửa Nghi Môn có hai con chó
ngao bằng đá, tục truyền rất thiêng. Điện được làm ba ngôi bằng nhau, kiểu chữ
Công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu điện ở kinh sư. Theo từng bậc mà lên rồi
từ đó trông xuống thì thấy núi, khe hai bên tả, hữu, cái nọ, cái kia vòng quanh
thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp.” (Phan
Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Dư địa chí, Nxb Giáo dục,
trang 49).
Khu
hoàng thành điện Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam – Bắc, trên một
khoảng đất đồi gò có hình dáng giống chữ Vương. Bốn mặt thành có chiều dài là
314m, chiều ngang của thành là 254m, thành Bắc được xây phình ra theo kiểu hình
cánh cung với bán kính 164m, thành dầy trên 1m. Trước mặt hoàng thành khoảng
100m còn lại dấu tích của cổng vào rộng trên 6m, hai bên cổng được xây hai bức
tường thành hình cánh cung kéo dài đến sát bờ sông Ngọc. Dấu tích của móng
thành hiện còn dầy 1,8m và chạy qua cổng thành khoảng 19m.
Kể
về khu di tích Lam Kinh ta không thể không nói tới Sông Ngọc. Sông Ngọc vốn là
một con suối nhỏ tự nhiên có độ sâu khoảng 2,4m. Khi điện Lam Kinh được xây dựng,
con suối này được khơi đào, kè đá để tạo nguồn sinh thủy cho toàn bộ khu trung
tâm Lam Kinh. Sông Ngọc chảy vòng qua trước thềm điện Lam Kinh về phía đông,
hòa nhập với hệ thống sông suối tự nhiên ở khu vực mộ Lê Thái Tông, Lê Thánh
Tông, chảy xuôi xuống cầu Trê (nay thuộc phố Đầm), rồi đổ ra sông Chu. Trên
Sông Ngọc ở Lam Kinh có bắc một cây cầu, gọi là Bạch Kiều, còn được gọi là Tây
Loan Kiều, có mái như kiểu Thượng gia hạ kiều. Đây là công trình kiến trúc gỗ và
cũng là con đường chính dẫn vào khu trung tâm diện miếu Lam Kinh. Qua cầu
khoảng 50m là giếng cổ Lam Sơn, thành giếng được kè đá, dưới giếng được thả sen
trông rất đẹp. Khi điện Lam Kinh bị phá hoại nặng nề theo thời gian, giếng đã
bị bồi lấp. Năm 2003, giếng đã được phục hồi, tôn tạo lại theo kiểu hình elip,
thành giếng được kè bằng đá xanh.
Đặc
biệt, ở Lam Kinh còn có cây đa cổ thụ đã được Nhà nước công nhận là cây Di sản.
Cây này mọc bên hữu cổng Ngọ Môn, ngay trên vết tích của thành nội điện Lam
Kinh và phía trước sân rồng; “Bóng cổ thụ
trùm lên trời đất/ Giấc ngủ vàng sáu trăm năm biến động/ Rêu phong mờ nhạt đền
đài” (Phạm Khang).
Ngày
nay, Lam Kinh dù không còn được nguyên vẹn như xưa, nhưng Lam Kinh vẫn là nơi
chứa đựng nhiều giá trị về các mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, điêu
khắc, một pho tàng văn học dân gian phong phú, nơi thể hiện tính tâm linh
truyền thống và truyền thống tôn vinh dòng tộc, tổ tiên của người Việt. Lam
Kinh cũng có vị trí quan trọng và để lại dấu ấn sâu đậm trong sự tồn tại và
hưng vong của nhà Hậu Lê. Hướng về Lễ hội Lam Kinh vào các ngày giỗ 21 Lê Lai,
22 Lê Lợi tháng 8 âm lịch hàng năm là chúng ta bày tỏ lòng thành kính, biết ơn
đối với tổ tiên, đất nước, với Anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn
anh dũng trong cuộc kháng chiến vĩ đại đánh đuổi quân Minh giành độc lập, tự do
cho dân tộc. Lam Kinh mãi mãi là hồn thiêng núi sông, là nơi neo đậu muôn triệu
tấm lòng, muôn triệu trái tim của quân dân đất Việt từxưa cho đến tận hôm nay!
Đêm thu/2015
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Thanh Hóa ngày 01.10.2015
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét