Phạm Khang: Rasun Gamzatov- nhà thơ của núi đồi và thảo nguyên
Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016
Nhà thơ Rasul Gamzatov (1923-2003) được mệnh danh là cánh chim thơ vượt thời gian, nhà
thơ của núi đồi và thảo nguyên. Ông biết làm thơ ngay từ khi mới 11 tuổi và
được nhận giải thưởng văn học Stalin năm ông 29 tuổi. Ông là nhà thơ được nhiều
độc giả trên thế giới mến mộ và yêu thích; trong đó có rất đông là bạn đọc Việt
Nam. Ông đã được trao tặng danh hiệu “Nhà thơ nhân dân Daghestan”, “Anh hùng
Lao động Liên Xô”, “Nhà thơ lớn của thế kỷ XX”, và đặc biệt là giải thưởng văn
học “Hoa sen” của Hội Nhà văn Á – Phi.
Tác giả Nhà thơ Phạm Khang
Họ tên thật Phạm Xuân Khang
Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa.
đã xuất bản 9 tập thơ, 4 tiểu thuyêt, 1 tập ký sự.
Học văn tại Nga. Dịch giả văn học thế giới.
ĐT: 0122.220.69.89
Email: phamkhangnhavan@gmail.com
_____
RASUN GAMZATOV- NHÀ
THƠ CỦA NÚI ĐỒI VÀ THẢO NGUYÊN
Nhà thơ Rasul Gamzatov (1923-2003) được mệnh
danh là cánh chim thơ vượt thời gian, nhà thơ của núi đồi và thảo nguyên. Ông
biết làm thơ ngay từ khi mới 11 tuổi và được nhận giải thưởng văn học Stalin
năm ông 29 tuổi. Ông là nhà thơ được nhiều độc giả trên thế giới mến mộ và yêu
thích; trong đó có rất đông là bạn đọc Việt Nam. Ông đã được trao tặng danh
hiệu “Nhà thơ nhân dân Daghestan”, “Anh hùng Lao động Liên Xô”, “Nhà thơ lớn
của thế kỷ XX”, và đặc biệt là giải thưởng văn học “Hoa sen” của Hội Nhà văn Á
– Phi. Ông là Đại biểu Xô –Viết tối cao Liên Xô trong nhiều năm và là Chủ tịch
Hội Nhà văn Daghestan gần nửa thế kỷ. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời nhà
thơ đến dinh thự của ông ở Sochi để hội kiến về văn hóa, văn học và những vấn
đề của nước Nga, của thời đại. Putin nói: “Bạn đọc yêu mến Rasul Gamzatov vì
ông đã dạy chúng ta một cách rất chân thành và tinh tế những giá trị chung của
con người như tình yêu, tình bạn, lòng thủy chung, sự trung thực… hàng chục năm
nay, chưa nói đến văn đàn, ngay cả trong đời sống chính trị của đất nước, Rasun
Gamzatov cũng là một tên tuổi không thể thiếu được…”
Thời Rasul Gamzatov sống và cống hiến nhiều nhất là thời Liên Xô. Theo
ông văn học Xô Viết, trong đó có thơ đã phát triển tới mức làm cho nền văn hóa
thế giới thêm phong phú. Và Gamzatov không ngần ngại khi người ta gọi ông là
nhà thơ Xô Viết, ông tự hào về danh hiệu đó! Ông nói: “Maiacovski đã viết: Rõ
ràng đất nước bắt đầu từ Kremlin! Còn tôi thì cho rằng, dù sao đối với chúng
ta, đất nước đã bắt đầu từ nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Có lẽ không nhất
thiết mọi người cần biết, chẳng hạn nhà vật lý, nhà du hành vũ trụ sinh ra ở
đâu. Nhưng qua tác phẩm của nhà thơ thì tôi cho rằng các bạn cần biết thi sĩ
sinh ra ở đâu; bố mẹ, người yêu của người đó là ai, ở vùng ấy có những con sông
nào chảy qua, có những cây cối gì…”. Không phải vô cớ khi bạn đọc đã dành cho
nhà thơ sự kính trọng và yêu thương đặc biệt khi đọc những tác phẩm phản ánh
hiện thực miền núi Daghestan qua các tập thơ và trường ca đặc sắc: Mảnh đất của
tôi; Tổ quốc của người sơn cước; Trái tim tôi trên núi; Bên bếp lửa; Và trò
chuyện cùng sao; Chuỗi hạt tháng năm; Cô sơn nữ; Cái giá cuối cùng; Trò chuyện
với người cha; Hãy phán xét tôi theo đạo luật của tình yêu; Hãy bảo vệ các bà
mẹ; Hòn đảo phụ nữ…Đặc biệt là hai tập văn xuôi trữ tình “Daghestan của tôi” đã
được dịch ra tiếng Việt với câu nói bất hủ: “Nếu ta bắn vào quá khứ bằng súng
lục thì tương lai sẽ bắn vào ta bằng đại bác!?”
Rasul Gamzatov viết bằng tiếng Avar địa phương; một ngôn ngữ chỉ có
500.000 người sử dụng. Những người Avar cùng với người Darghin, Lezghin và
Kumyk là những nhóm dân tộc thiểu số nhất trong tổng số 2 triệu cư dân của
Daghestan; nơi người ta nói 36 thứ tiếng khác nhau.
Thơ Rasul Gamzatov là sự giao thoa tâm hồn, tính cách, đặc sắc dân tộc giữa hai nền
văn hóa Nga và Daghestan. Thơ của ông giản dị, giàu chất dân gian, thấm đượm
một trí tuệ thâm trầm, sâu sắc, pha chút hóm hỉnh dân dã của vùng núi đồi và
thảo nguyên tươi đẹp, êm đềm Daghestan quê hương ông.
Là
nhà thơ của thời đại Xô Viết, của một nước Daghestan trong thành phần Liên Xô
trước kia và Liên bang Nga ngày nay, Rasul Gamzatov là chứng nhân của những sự
kiện lịch sử vĩ đại trên thế giới của thế kỷ XX và đặc biệt sự là tan rã của
Liên Xô. Năm 1991, chứng kiến sự tan rã của Liên Xô Rasun Gamzatov rất đau
lòng. Thơ ông vang lên tiếng nấc khiến ta không thể cầm lòng. Ông cũng không
chạy trốn một cách hèn nhát trước tư tưởng lưu manh, cơ hội… đòi xét lại các
giá trị đã được cả nhân loại định danh về văn hóa, văn nghệ, về các quan niệm
của nghệ thuật cũ và mới…Ông tâm sự: “Liên Xô đã trở thành cái nôi trong tổ ấm
của chúng ta. Tiếc thay chúng ta đã mất đi một đất nước vĩ đại. Nhưng không mất
Tổ quốc, Tổ quốc của chúng ta là Liên Xô. Đối với chúng ta Xô – Viết, vẫn là
một Tổ quốc như thế.” Theo nhà thơ, người ta đã phá hoại, thủ tiêu đất nước. Đó
là bọn quan liêu, những người không có thiện chí ở trong và ngoài nước đã làm
tan rã Liên Xô. Công cuộc đổi mới của Tổng thống Liên Xô M.S.Gorbachyov đã
không đem lại những kết quả tích cực từ chính trị đến kinh tế, thay vào đó nó
dẫn tới cuộc đảo chính bất đắc dĩ không hề được chuẩn bị kĩ càng, nóng vội và
thiếu tuyên ngôn!? Đảo chính thất bại. Liên Xô èo uột sống thêm được vài tháng
thì tan rã!? Gamzatov nói rằng, bây giờ người ta xét lại cả Maiacovski, Gorki,
Solokhov, Ximonov, Bungacov… Đó là cuộc đảo chính bẩn thỉu về văn hóa, cuộc đảo
chính của những tư tưởng bài Nga, ích kỷ và hẹp hòi nhất trong lịch sử văn học
Nga – Xô Viết!?
Theo Rasul Gamzatov, trong văn học có ngôi nhà, con đường và sự trở về.
Những câu thơ đích thực sẽ ở lại. Sự nghiệp không phải là những danh hiệu mà là
ở chỗ người ta viết cái gì, biết đau khổ, hạnh phúc, hy sinh vì cái gì. Mãi còn
đây những vần thơ tươi sáng, mang âm hưởng tự hào của Rasul Gamzatov vang lên
trên thảo nguyên xanh của Daghestan:
TIẾNG MẸ ĐẺ
Thật vô lý lạ lùng,
tất cả trong mơ
Tôi chiêm bao thấy mình đã chết
Trong thung lũng Daghestan, giữa ban
trưa nóng bức
Tôi nằm yên, ngực xuyên vết đạn
chì
Sông réo trôi, không một chướng ngại
gì
Còn tôi bị lãng quên, không ai cần
đến nữa
Tôi nằm duỗi trên quê hương xứ
sở
Trước lúc hòa chung vào đất mà thôi.
Không ai biết hôm nay tôi chết
Không ai phút này có mặt bên tôi
Chỉ cao tít là tiếng bầy chim ó
Con nai kêu từ đâu đó xa xôi
Sẽ không một ai khóc trước mồ
tôi
Thương tôi chết lúc đang còn trai
trẻ
Không bè bạn, không người yêu, không
cả hình bóng mẹ
Cho đến một người khóc mướn cũng
không!
Tôi cứ thế thiếp dần trong bất
lực
Thì đột nhiên, nghe thấy, cũng không
xa
Tiếng hai người vừa đi vừa trò
chuyện
Bằng tiếng mẹ yêu thương – thứ ngôn
ngữ Avar.
Trong thung lũng Daghestan, giữa ban
trưa nóng bức
Tôi chết giữa bao chuyện gần kề
Chuyện nói đến chàng Gaxan ranh
mãnh
Chuyện kể về hành động của Ali.
Mơ hồ thấm từng âm thanh tiếng
mẹ
Tôi bỗng tỉnh ra. Tới giây phút lạ
lung
Tôi chợt hiểu, người chữa tôi khỏi
bệnh
Chẳng thể là ai, ngoài tiếng mẹ đẻ
thân thương.
Những tiếng khác dành cho dân tộc
khác
Cũng sẽ khiến cho lành bệnh bao
người
Tôi chỉ biết nếu tôi biến mất
Thì tôi vẫn sẵn sàng nhắm mắt, buông
xuôi
Tôi luôn mê say với cả tâm hồn
Dù ai bảo tiếng tôi nghèo biết mấy!
Thứ tiếng không được dùng giữa diễn
đàn trọng đại
Vẫn thân thuộc cùng tôi, trọng đại
với hồn tôi
Thế hệ tiếp sau tôi, để hiểu
Makhơmút
Chẳng lẽ lại cần bản dịch hay
sao?
Và chẳng lẽ tôi là nhà văn sau
chót
Được viết, được ca bằng tiếng mẹ đẻ
tự hào?
Tôi yêu cuộc đời, yêu hành tinh tôi
ở
Yêu đến từng góc nhỏ khắp gần xa
Mà trên hết là quê hương Xô Viết
Tôi muốn ngợi ca bằng tiếng Avar.
Cả đất nước tự do đang nở rộ
Từ Bantich đến Xakhalin – tôi thân
quý vô vàn
Tôi có thể hy sinh vì nơi nào cũng
vậy
Nhưng hãy chôn tôi vào lòng đất
Daghestan.
Có thể ngay đầu làng, đã gần kề mộ
chí
Để những người Avar, bằng tiếng mẹ đẻ
Avar
Thỉnh thoảng nhắc: Raxun, chàng đồng
hương thuở trước
Họ nhà Gamzat đây, người gốc
Xada.
Nhà thơ Bằng Việt
trích dịch từ “Daghestan của tôi”
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Thanh Hóa ngày 03/01/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét