Home
» Thư viện văn xuôi
» Khi chiều tới gió reo trên lá rừng phong – Truyện ngắn Phạm Công Thiện (1941-2011)
Khi chiều tới gió reo trên lá rừng phong – Truyện ngắn Phạm Công Thiện (1941-2011)
Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019
Bình
thản, bình tĩnh, thanh thản, thanh bình, yên lặng, trầm tĩnh, trầm lặng, dịu
dàng, nhẹ nhàng, ông tự lặp đi lặp lại trong đầu và tìm cho ra hết tất cả những
chữ đồng nghĩa với chữ “Ruhe”, xe lửa bắt đầu chạy chậm lại và ông nói thầm:
“Trên tất cả đỉnh cao...” Xe lửa ngừng lại và ông chậm rãi bước xuống. Nhà ga
buổi chiều mùa thu, một con chó què và mấy chậu bông bégonia mà người Tàu gọi
là “thu hải đường”. Ông độc thoại: “Mấy câu chuyện lãng mạn đếu bắt đầu bằng
chiếc xe lửa và chấm dứt bằng...”
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
__________________________
Phạm Công Thiện
KHI CHIỀU TỚI GIÓ REO TRÊN LÁ RỪNG PHONG
***
__________________________
Phạm Công Thiện
KHI CHIỀU TỚI GIÓ REO TRÊN LÁ RỪNG PHONG
***
Bình thản, bình tĩnh, thanh thản,
thanh bình, yên lặng, trầm tĩnh, trầm lặng, dịu dàng, nhẹ nhàng, ông tự lặp đi
lặp lại trong đầu và tìm cho ra hết tất cả những chữ đồng nghĩa với chữ “Ruhe”,
xe lửa bắt đầu chạy chậm lại và ông nói thầm: “Trên tất cả đỉnh cao...” Xe lửa
ngừng lại và ông chậm rãi bước xuống. Nhà ga buổi chiều mùa thu, một con chó
què và mấy chậu bông bégonia mà người Tàu gọi là “thu hải đường”. Ông độc
thoại: “Mấy câu chuyện lãng mạn đếu bắt đầu bằng chiếc xe lửa và chấm dứt
bằng...” Ông bước vào quán rượu nhà ga. Cuối quán rượu ở góc phòng, ông ngồi
xuống bên cạnh cửa sổ đầy bông bégonia đỏ thắm. Quán vắng lạnh, chỉ có cô hầu
bàn lãnh đạm, ngồi đọc sách. Ông ngồi yên, chờ đợi cô hầu bàn, ngoài cửa sổ,
mưa cứ tha hồ trút nước xối xả, gió thổi mạnh và con chó què run lạnh dưới hiên
ngoài. Nó cào cửa đòi vào quán; cô hầu bàn vẫn thản nhiên ngồi đọc sách và chậm
rãi thả khói thuốc, như là quán không người, như là thời gian và không gian ở
đây không có thực, cái đồng hồ trên vách quán cũng không chạy. Ông gọi một cái
whiskey và perrier; cô chậm rãi bỏ sách xuống và nhẹ nhàng bước lên ghế lấy cái
chai rượu, mỗi cử chỉ đều ung dung và lạnh lùng. Cô bước chậm rãi lại bàn,
không chào hỏi và cũng không để ý gì đến ông khách. Cô để cả chai rượu whishkey
và chai perrier với bình nước đá, rồi lẳng lặng trở về quầy đọc sách. Ông lấy
làm lạ, khoái chí: chỉ có quán rượu này là để cả chai rượu nơi bàn cho khách
tha hồ tuý luý; cũng có thể là cô hầu bàn mới vào nghề, cũng có thể là cô tiên
đoán rằng ông khách này sẽ ngồi rất lâu ở quán vì trận mưa dai dẳng cuối mùa
vùng biển, có thể cô muốn ngồi yên một chỗ để đọc sách, chìm đắm trong thế giới
riêng tư của cô... Ông muốn nói vài câu để gợi chuyện, nhưng chẳng có gì đáng
nói. Chỉ có tiếng mưa, gió lại thổi rầm rộ... Lâu lâu, cô gái ho vài tiếng,
giọng ho trong trẻo như biểu lộ một cảm giác dậy thì. Ông ngồi mỉm cười một
mình và ngó ra bụi bégonia đỏ thắm. Ông tưởng tượng đủ mọi chuyện vừa lãng mạn,
vừa dâm đãng mà nhân vật chính có dáng dấp của cô gái hầu bàn. Ông cúi xuống
kéo cái túi hành lý, lấy ra mấy tờ giấy trắng, ngồi vẽ mấy cái bông bégonia.
Rồi hình dáng tóc dài cô hầu bàn lại hiện ra lồ lộ trên tờ giấy. Ngoài trời gió
lại thổi càng lúc càng mạnh. Con chó què bây giờ ngồi yên và ngó ra ngoài mưa,
lâu lâu sủa lên vài tiếng. “Trên tất cả đỉnh cao là im lặng...” ông chép lại
bốn năm lần mấy câu thơ của Goethe: “Über allen Gipfeln ist Ruh...” [1] Ông
ngồi ngó ra bãi biển và chẳng thấy gì hết, mưa phủ kín hết đồi núi và cơn gió
rú lên không ngừng. Tất cả đều im lặng. Thỉnh thoảng có một tiếng súng nổ xa
xa; tiếng sóng biển dưới kia bị át qua tiếng mưa và gió. Người con gái bây giờ
bỏ đọc sách và ngồi im ngó ra cửa. Ông khách dò chuyện: “Bà chủ quán đi đâu
rồi?” Cô chủ gái trả lời ngắn và vẫn ngó ra cửa như chờ ai: “Bà không còn ở đây
nữa.” “Quán đổi chủ rồi sao?” “Sắp đóng cửa luôn.” “Ở đây vẫn còn phòng cho
thuê?” “Ông định ở bao lâu?” Cô hầu bàn có vẻ không thích để ý đến việc cho
thuê phòng: “Từ ngày bà dì tôi đi vắng; tôi không muốn cho khách thuê phòng
nữa, vì chỉ có một mình tôi thì không thể nào lo cho hết việc được...” “Cô vui
lòng chỉ cho tôi một cái hotel nào gần đây.” “Mùa này tất cả đều đóng cửa,
nhưng tôi cũng có thể cho ông thuê một phòng ở tạm. Đừng ở lâu lắm, chừng
khoảng một tuần lễ thôi, vì tuần sau tôi phải đóng cửa để về Paris có việc…”
“Cảm ơn cô rất nhiều, xin cô cho tôi chìa khoá phòng, tôi có việc đi xuống thành
phố và tôi sẽ trở lại.” “Khi ông trở lại thì chỉ bấm chuông, tôi sẽ mở cửa,
nhưng cũng không hề gì, vì quán vẫn mở khuya, cho đến chuyến xe lửa cuối vào
lúc 12 giờ khuya...” Cô gái lại cầm lấy sách để đọc, dường như không muốn nói
chuyện nữa. Ông đành ngồi yên uống rượu và giả vờ viết tiếp những trang giấy;
chẳng biết ông viết những gì, những câu chuyện không đầu và không đuôi, những
cái hình đàn bà, những cái bông bégonia, những câu thơ, những vòng tròn, những
con chim. Con chó lại cào cửa đòi vô quán; ông đứng dậy và hé cửa quán; con chó
què phóng nhanh vào phòng, cái đuôi ve vẩy. Cô hầu bàn lãnh đạm và chẳng để ý
gì cả. Con chó chạy ra sau cửa bếp. Cô hầu bàn đứng dậy đóng cửa bếp lại, rồi
trở lại quầy đánh diêm hút thuốc. Cô lại ngó bâng quơ ra ngoài cửa, rồi đứng
dậy bỏ một đồng xu vào máy nghe nhạc. Những bản nhạc tình mấy chục năm về
trước, những bản nhạc thời thượng thứ xưa lúc cô chưa ra đời. Cô thở dài và
bước lại ngồi bước lại ngồi bên lò sưởi. Ông khách ngó ra cổng nhà ga bên cạnh,
vài ba chiếc lá thổi vèo trên mấy tờ nhật trình rách bấy. Nhà ga bên cạnh vắng
người, chỉ có ánh đèn mờ và một con mèo nằm yên trên ghế. Nhà ga nằm ngay trên
đỉnh đồi, sát bên quán rượu phòng ngủ, dưới kia là thành phố bé nhỏ và một bãi
biển, một ngọn hải đăng và mấy chiếc ghe đánh cá nằm trên cát. Mùa hạ cả vùng
này là một hội chợ ồn ào nhộn nhịp, bây giờ là mùa thu và tất cả vắng lạnh tiêu
điều. Mỗi năm, vào cuối thu, ông thường hay trở lại vùng biển vắng vẻ này và
cũng thường ở trọ tại phòng ngủ quán rượu nhà ga. Bà chủ là chỗ quen biết với
ông từ lâu. Chính đứa on gái bà là sinh viên cũ của ông và đã giới thiệu ông ra
vùng biển trong những dịp nghỉ hè thuở xưa. Từ lâu ông đã mất liên lạc với cô
con gái của bà chủ, và mỗi mùa thu ông lại trở về vùng biển để tìm lại một chút
an bình trong tâm hồn, sau những tháng ngày mệt nhọc trong những thành phố lớn
ở nước ngoài. Vùng biển thuộc miền nam nước Pháp, gần biên giới Tây-ban-nha, cá
anchois thuộc vùng biển này nổi tiếng khắp nước Pháp... Gió bên ngoài lại rú
mạnh lên. Bước xuống đồi, đi vào thành phố bé nhỏ, trở lại thăm những chốn cũ,
nhà cửa đều đóng, mưa xối xả, không một bóng người ngoài đường, chỉ vài ba cửa
sổ trên cao còn để đèn lờ mờ, bãi biển đen thui, ông lần mò bước trở lại phòng
ngủ quán rượu nhà ga, cô hầu bàn im lặng dẫn ông lên thang lầu, đưa ông vào cái
phòng quen thuộc của ông những dạo trước. Cái phòng lạnh trống hắt lên một mùi
tiền kiếp nào xa xôi. Một cái giường to cho hai người, một tủ để áo, một cánh
cửa sổ mở ra khung cảnh ngoài biển. Ông gài cửa lại, cởi truồng ra, nhảy lên
giường, đắp kín mền, kê gối cao dựa thành giường, đặt đầu ngưỡng lên ngó ra cửa
sổ, đèn tắt, tiếng mưa đập mạnh vào cửa sổ, tiếng gió quất vào mấy cành lá nho
bên khung cửa sổ. Cả đêm ông không ngủ, hơi thở nặng nề, cả nửa chai rượu mạnh
đổ dồn trong mạch máu, đầu óc ông sáng suốt, một cái gì mãnh liệt cựa quậy
trong cơ thể, có lúc mạch máu như muốn đứt ra, ông liền nhắm mắt lại và điều
hoà hơi thở thành một tiết nhịp khoan thai, ông chậm rãi cố hình dung vùng núi
non Ilmenau ở Đức mà ngày xưa ông có lần ghé qua đó, một buổi chiều, một cánh
đồng cỏ đầy hoa vàng: “Trên tất cả đỉnh cao là im lặng...” Goethe đã viết câu
thơ ấy trên khung cửa sổ một ngôi nhà gỗ ở Kickelhahn tại Ilmenau, và năm chục
năm sau trở lại chốn xưa, tình cờ Goethe tìm lại vần thơ xưa còn nét bút chì
bên khung cửa sổ. Ông cố gắng nhớ lại cho trọn bài thơ ngắn để ru mình vào giấc
ngủ, nhưng chỉ nhớ được đôi ba câu: “Über allen Gipfeln / Ist Ruh, / In allen
Wipfeln / Spürest du / Kaum einen Hauch;...” “Trong tất cả những đỉnh cây, mi
cảm thấy gần như không một thoáng hơi thở mơ hồ.” Ông lặp đi lặp lại chữ
“Kaum”. Cái chữ có mà cũng như không, không mà cũng như có, lãng đãng thoáng
nhẹ như tơ treo, cơ hồ mà mơ hồ, khe khẽ, như hơi thở nhẹ của một cô gái nào
đó, “Kaum einen Hauch” và ông nằm nghĩ lung tung, ồ không có người con gái nào
nằm bên cạnh mình từ mấy năm qua, “Những con chim non đều im lặng trong rừng”,
“Die Vögelein schweigen im Walde...” Ông thả hồn bay về những vùng núi cao ở
khắp địa đầu thế giới, ông tưởng tượng một sự im lặng rùng rợn nào đó, một
khoảng trống mênh mông, một nơi hoang vu sơn la, ông coi như ông đã chết rồi,
nhưng rồi nét mặt của người con gái lại lãng đãng, tóc bay dài đến eo, một mùi
tóc ướt mưa, ồ, cái mùi bégonia, cơ hồ, mơ hồ, phợt nhẹ, thoáng qua, mùi con
gái, mùi dậy thì thoát nóng ra từ lồng ngực, từ cái gì đo đỏ nho nhỏ, và hai
ngón tay căng ra có thể rờ rịn lên trên như rờ bụng chim con, ông thở dài khoan
khoái và mỉm cười, lửa và nước, chồi, mầm, nụ, nhú, đâm chồi, đâm nụ, cái húm
đo đỏ, hai cái núm, ông vụt đứng dậy, mở tung cửa sổ ra, hít mạnh gió biển, mưa
tát lạnh vào lồng ngực, mấy tiếng kêu két két của vài ba con hải âu bay lượn
đâu đó, ông cố trừng mắt nhìn ra lòng biển đen dưới kia, ngọn hải đăng tối um
như một phallus đâm thẳng lên bầu trời thần thoại, ông quán tưởng theo Mật Tông
Tây Tạng và phóng tâm trí lên phủ cả bầu trời một cái hĩm đàn bà vĩ đại bao
trùm cả càn khôn vạn đại và thiên thu đại kiếp. Sức sáng tạo khủng khiếp của
trí tưởng tượng siêu địa, vũ trụ của trí tưởng tượng là lãnh địa cấm của thần
thánh, người làm thơ hay người viết văn không biết mình đang chơi một trò chơi
vô cùng nguy hiểm; dám liều mình đi lạc vào vũ trụ tưởng tượng là mon men bên
bờ Hố thẳm không đáy. Chỉ cần một cái lệch đi một tí là điên loạn hoặc giải
thoát vĩnh viễn... Mỗi bài thơ, bài thơ này nói về bài thơ kia, tất cả những
bài thơ nói lẫn nhau, không có tác giả, không có chủ đề; thơ chỉ cô độc với thơ
và thi nhân chỉ là thánh thai cho một cái gì đạp rách từ lòng mình mà bắn vọt
ra đi lên trên thiên địa... Thi sĩ chỉ là một thanh củi khô, âm thầm chờ đợi
một cơn mưa phớt nhẹ qua và nứt vỡ ra một đoá bông lan bất ngờ. Sự sáng tạo
nghệ thuật và dục tình là một sự vận hành thiêng liêng, trong sạch nhất. Người
đời đã sợ hãi Dục Tính và biến đổi Dục Tính và Dục Tình trở thành những gì dơ
dáy bẩn thỉu... Khi người đàn ông và đàn bà cởi truồng và ôm nhau thì tất cả
Linh cảm của thần linh đang vụt hiện đến. Chỉ có thể thành Phật khi dám quăng
bỏ tất cả và nhảy tung vào làm một với Hố Thẳm Đàn Bà; đàn bà con gái là Trí uệ
siêu việt, và đàn ông con trai chỉ là phương tiện khéo léo, tất cả Mật Tông Tây
Tạng đã đạp trên đầu nhân loại mà đi trên con đường khủng khiếp ấy... Ông mỉm
cười về cái tuổi trẻ quá khắc kỷ của mình và bước trở lại nằm trên giường.
“Trên tất cả đỉnh cao là im lặng”, “Über allen Gipfeln ist Ruh”, chữ “Ruh” thời
Goethe thiếu chữ “e”, chữ “Ruhe” đọc giống như ru, “tiếng chim ru ngày
tháng...”, ông tự ru ông ngủ bằng cách hình dung mường tượng lại những đứa con
gái thơ mộng nhất mà ông đã gặp gỡ trần truồng trong đời; như những đợt sóng
biển hiện tới và rút đi từ bãi cát, mấy trăm hình dáng đổ dồn tới liếm lưỡi lên
bãi cát, rồi rút đi mất và để lại những bọt trắng, thoáng hiện thoáng mất như
mộng, huyền, bào, ảnh. Dưới kia, tiếng chuông nhà thờ reo lên bảy tiếng, ồ, bảy
giờ sáng rồi, một đêm trắng tinh như làn da con gái, ông ngó ra khung cửa sổ,
nắng lưu ly trong sạch như tâm thức, những lá nho vàng đỏ rớt trên đầu kính cửa
sổ, mấy con chim vụt bay ra mất ngoài trời, tiếng sủa của con chó què, tiếng la
rầy của cô cháu bà chủ quán, tiếng bước chân của cô xuống thang gỗ, tiếng bước
chân mạnh và dứt khoát như tất cả sinh lý hưng thịnh của con gái dậy thì dồn
thoải mái xuống mấy ngón chân và chạm vào những nấc thang gỗ lâu đời, ông tưởng
tượng hình dung những ngón chân của cô gái, rồi từ từ ông mường tượng chầm chậm
tiến lên trên cặp đùi trắng nõn, rồi đi lên nữa... Tiếng chó sủa, ông lại nghe
tiếng mắng của cô gái, cái giọng tiếng Pháp miền Midi, cái tiếng chửi thề ông
thích: “bout du con...” Cái tiếng của con gái, nghe thanh thanh ba động ra từ
mớ dây thanh huyền đặc biệt của cô, có cái gì rất sung mãn tình dục nguyên vẹn,
chứ không bể khàn như những người đàn bà gió sương... Ông lại nghe tiếng chân
cô bước trở lên lầu, tiếng cửa bên cạnh đóng mạnh, rồi tiếng nước chảy ào ào,
chậm lại, đều đều, rồi xối xả, à, cô nàng đang tắm... Tiếng con chó què vừa sủa
vừa cạo buồng tắm, tiếng nước reo réo và con chó càng sủa to hơn, bỗng tiếng
cửa bật ra, rồi lại tiếng mắng chó của cô gái, “Đi vào và nằm im đó.” Ông nghe
và đoán biết rằng cô nàng đã cho con chó vào phòng tắm; tiếng nước xối mạnh và
tiếng radio phát ra những bản nhạc rock, tiếng nước chảy chậm lại, rồi tiếng cô
huýt gió, ồ, cô nàng hôm nay có vẻ yêu đời dữ đấy, ông bỗng thích làm con chó què
nằm cong đuôi ngó cô đang tắm, ông đứng dậy mở tung cửa sổ ra, nắng sáng rực,
biển xanh bạc dưới kia, những con hải âu bay lượn tứ tung, mấy lá nho vàng đỏ
thòng lòng trên đầu, dưới khu vườn phòng ngủ có mấy cây érable, loài érable màu
tím đỏ, dường như là một thứ cây phong, gió tha hồ reo trên lá, ông nhớ một câu
văn ngày xưa đã đọc đâu đó trong một tập văn của một văn sĩ Nhật ở thế kỷ XIII:
“Khi chiều tới gió reo trên lá rừng phong...”[2] Ba năm trước, đứng trên lầu
ngôi nhà của ông ở một thành phố miền sông Haute-Garonne, đứng ngay cửa sổ, ngó
xuống khu vườn nhà, lắng nghe tiếng gió reo trên những chiếc lá érable, khi
chiều tới, lúc người đàn bà sống chung với ông trên mười ba năm, bỗng một hôm
bất ngờ bỏ đi mất; ông đứng hàng giờ trên cửa lầu biệt thự hoang vắng và ngó
mãi những lá érable đong đưa tòn teng trong cơn gió chiều, một con mèo đen chui
vào vườn, một con chim yến nhi bay bổng lên trời cao và mất hút. Từ ba năm nay,
ông được trở lại đời sống gió bụi, tứ chiếng giang hồ, lủi thủi một mình, ông
bỏ hết tất cả mọi sự, không muốn làm nghề ngỗng gì nữa, đi đây đi đó, như lục
bình trôi sông, từ những thành phố buồn ở Âu Châu sang đến những thành phố buồn
khác ở Mỹ Châu, rồi bây giờ lại trở về vùng biển hoang vu này để tìm thấy lại
những hơi hướm nào đó mà ông cũng chẳng biết rõ rệt là cái gì, có lẽ tung tích
của cô học trò cũ, con gái của bà chủ quán, nét mặt dịu hiền tươi trẻ, một chút
kỷ niệm thơ mộng trong trí nhớ, chính cô học trò gái này cũng là một trong
những nguyên do lớn khiến cho người đàn bà kia bỏ đi. Ông moi, ông móc trí nhớ,
ông bóp cho nát cái trí nhớ, cố nặn cho ra một chút gì, ông nặn, ông bóp trí
nhớ như vắt trái chanh, ông bóp trí nhớ cho lòi ra hình ảnh nàng, nhưng không
tài nào. Nàng ở đâu? Trí nhớ ông nằm ở đâu? Ông moi cho ra nàng. Trí nhớ ông
leo lét và chỉ còn tiếng gió reo trên những chiếc lá érable... Tiếng sóng biển
dưới kia, tiếng kêu két két của bầy hải âu, ông ngó xuống khu vườn phòng ngủ
quán rượu, một giàn mướp với những đoá bông vàng, những lá mướp xanh phủ rợp,
năm sáu cái bông vàng, chỉ có thế thôi mà ông bỗng thấy một sự bình an nhẹ
nhàng đậu xuống nỗi buồn thanh thoát. Bỗng có tiếng gõ cửa, cô gái cháu bà chủ
mới vừa tắm xong, mặc cái áo ngủ trắng toát, tươi mát như một đoá hồng sớm mai,
cô nói rằng hôm nay là ngày thứ hai và quán rượu đóng cửa, cô sẽ đem cà phê và
bánh croissant lên tận phòng. Ông chỉ xin café đen thôi. Cô gái hôm nay có vẻ
sốt sắng và tử tế niềm nở dịu dàng, chứ không lãnh đạm lạnh lùng tịch mịch như
ngày đầu ông mới đến. Ông ngâm khẽ câu thơ Cao Bá Quát: “Tây dương thiếu phụ y
như tuyết...” Ông lại nghĩ rằng đằng sau cái y áo kia thì làn da lại càng tuyết
hơn nữa. Cô có cái điệu bộ đáng yêu là mỗi lần đăm chiêu một chuyện gì đó thì
cô hay đưa tay hất nhẹ mái tóc ra đằng sau lưng, mỗi lúc nói chuyện, đôi mắt
hay nhìn thẳng, như hứng lấy cái gì đó đằng sau tiếng nói của người khác; dáng
người cô cao cao, gầy gầy, hai vai đôi lúc hơi co rúm lại một cách tội nghiệp
và cô đơn, có một cái gì mong manh trong cử chỉ dứt khoát bên ngoài; tiếng nói
thường khi nhẹ nhàng như hơi thở, đôi lúc sắc, rồi trầm, nhưng lúc nào cũng
trong trẻo, chứ không hề đục. Hầu hết những người con gái nào có trải qua
chuyện trai gái, dù chỉ một lần, vẫn không thể nào giấu được một cái gì đục đục
trong âm sắc. Các âm sắc nói lên tất cả định mệnh của người đàn bà. Điều đáng
để ý là đôi môi cô, môi dưới hơi trề nhẹ một tí, đỏ rói tự nhiên và lúc nào
cũng ướt; dưới má trái gần cổ lại có một nốt ruồi đen đậm, từ đó có thể đoán
được sự hiện hữu của một nốt ruồi khác bên bắp vế. Cả ngày hôm đó, ông nằm dài
trên giường, ngó những chiếc lá nho đỏ vàng trên khung cửa sổ, thỉnh thoảng một
cơn gió đẩy rớt đôi ba lá, ông đếm còn lại đúng trọn mười chiếc lá. Chuyến xe
lửa chạy rầm rộ vào nhà ga bên cạnh, ngừng lại chừng năm phút, rồi tiếp tục lên
đường; mỗi ngày ít nhất cũng năm chuyến tàu qua lại. Tiếng sóng biển dưới kia
chỉ làm gia tăng sự im lặng tĩnh mịch của vùng đồi núi, tiếng sủa bâng quơ của
con chó què và tiếng gà gáy bất thường chỉ làm thôn xóm thêm phơn phớt chiêm
bao thời Trung cổ có quân lính của Simon de Montfort lùng bắt tín đồ
Cathares... Buổi chiều, ông đi lang thang xuống bãi biển và nói chuyện với hồn
ma Machado, thi hào Tây-ban-nha, chết lưu đày nơi thành phố bé nhỏ vùng biển
này. Dù thu, lúc có nắng ấm, vẫn có cả bầy con gái tắm biển, đưa hồn phách trở
về thế giới cuối thế kỷ XIX, À l’ombre des jeunes filles en fleurs của Proust,
những câu văn kéo dài lê thê như bầy kiến gió, kiến kim... Những đứa con gái
vùng biên giới lai Tây-ban-nha, tổ tiên có một chút máu Á-rập hay Do-thái, hầu
hết đều rất đẹp, cái đẹp rất nóng và nồng, mọng và nõn. Chúng nó chạy tắm và
đưa vú ra một cách hồn nhiên như mấy cô gái thượng ở Đà Lạt. Riết quen mắt, chả
có ai thèm ngó, chỉ trừ ra mấy đứa con nít thèm bú sữa mẹ, nhưng bên Tây ít có
trẻ con nào bú sữa mẹ. Buổi chiều tối, ông trở về phóng ngủ, nằm im nghe gió
thổi, cái thứ gió man rợ mà dân địa phương gọi là mistral hay autan, cái thứ
gió đông nam làm cho bao nhiêu đứa con gái mắc bệnh u uất sinh lý gì đó. Có
những đêm khuya, ông nghe tiếng ho của cô gái ở phòng sát bên. Cô ta có vẻ quen
sống cảnh cô độc âm thầm, lúc nào cô nàng cũng có vẻ lặng lẽ và không ồn ào
ranh vặt như những cô con gái Tây Phương khác, có lẽ cô nàng lai Do-thái; ông
thường để ý rằng con gái Tây lai Do-thái thì thường hay đẹp và trầm lặng, đa
tình, lãng mạn và dâm dật ngầm. Ngày qua ngày, ông cũng bắt đấu làm quen với cô
nàng, cô tỏ vẻ gần gũi thân mật hơn khi cô được biết ông là thầy cũ của cô
cousine. Có những buổi chiều quán vắng người, cô cũng ngồi uống rượu và chơi
bài với ông thường khi cô đọc sách, ngồi lặng lẽ đọc loại sách viết cho đàn bà,
loại Marguerite Duras; có lần ông trộm thấy quyển L’Amant của Duras. Vì đã quen
biết nội dung tiểu thuyết ấy, ông cảm thấy an tâm và hứng chí tưởng tượng
chuyện tương lai rất gần. Tất cả những cô nữ sinh viên đầm trẻ đẹp của ông dạo
trước ở đại học Toulouse đều tôn sùng Marguerite Duras như là thần tượng của
họ; điều ấy khiến ông nhột cái lỗ rún và có lần tọc mạch đọc quyển tiểu thuyết
ngắn L’Amant của Duras; ông thích thú đọc lại hai lần và phải chịu nhận là một
kiệt tác văn học bậc thầy, cái bút pháp hàm súc cực điểm, thơ mộng có kỷ luật,
câu chuyện về quê hương của tác giả và cũng là quê hương của ông. Duras là một
cô đầm sinh đẻ tại Việt Nam, gia đình nghèo, mẹ làm hiệu trưởng một trường nữ ở
miệt Hậu Giang và cả tuổi thơ và tuổi trẻ nàng sống ở Việt Nam, lớn lên qua
Pháp và trở thành nhà văn nữ nổi tiếng nhất của Pháp, và nổi tiếng khắp thế
giới; Duras lại cũng mang tiếng say rượu cả ngày lẫn đêm, ngay đến lúc về già
rồi, không có ngày nào mà bà không say rượu từ sáng cho tới đêm, phải nằm nhà
thương cai rượu mấy lần mà vẫn không bỏ được rượu, nhưng có một điều hơi lạ là
bà vẫn viết được hàng chục tác phẩm vĩ đại của nền văn học Pháp ở thế kỷ XX.
Quyển tiểu thuyết ngắn của bà vừa mới xuất bản, nhan đề L’Amant, đã bán hàng
triệu quyển và mới được thêm giải Concourt; quyển này đặc biệt nói về Việt Nam,
nơi quê hương thật sự, nơi chôn nhau cắt rún của bà, kể lại tuổi thơ ấu và tuổi
trẻ bà ở Việt Nam, mối tình đầu tiên của bà với một anh công tử bản xứ, con nhà
triệu phú ở Chợ Lớn, những khám phá đầu tiên về tình dục của một cô gái vừa mới
lớn, sự sụp đổ bi đát trong chính gia đình bà, những e ấp hoài mong cao đẹp của
một cô gái mang trọn vẹn tâm hồn của một cô gái Việt Nam, mặc dù dòng máu Tây
Phương, lạc lõng bơ vơ trong thế giới tàn bạo của người lớn, những buổi chiều
định mệnh trên chiếc bắc Vàm Cống, sông Đồng Nai và sông Cửu Long của tuổi dậy
thì bỡ ngỡ, những buổi chiều buồn trên quê hương thân yêu, rất Việt Nam, chao
ôi là Việt Nam, chưa có nhà văn Việt Nam nào viết về đất trời quê hương như
Marguerite Duras, và lại là một trong những chuyện tình thơ mộng nhất mà một
người đàn bà có thể viết được về một người đàn ông, nhất là về một người đàn
ông, một người con trai Á Đông, da thịt mát rượi và tao nhã của thân thể một
người con trai Á Đông đã được Marguerite Duras chiêm ngưỡng kín đáo thâm trầm
và khiến cho những thân thể của đàn ông Tây Phương trở thành lố lịch và thô
kệch; những xúc cảm tình tứ của người con trai Đông Phương vẫn là một cái gì
không thể tìm thấy được nơi tâm hồn trai trẻ Tây Phương. Có đọc Marguerite
Duras mới thấy thương hại mấy cô gái Việt mất gốc, “tiếc thay hạt gạo trắng
ngần…” Marguerite Duras đã sử dụng tiếng Pháp đến chỗ giới hạn cuối cùng, giản
dị trong veo, vừa đông đặc, vừa xuyên lưu, thành tựu lớn nhất của truyền thống
tiểu thuyết Pháp Quốc trong mấy trăm năm. Thế là cô cháu gái bà chủ quán lại
đang đọc quyển L’Amant của Duras! Ông giả vờ nói chuyển đẩy đưa với cô ta và cố
tình làm như không biết gì về nội dung của quyển sách. Hiển nhiên đây là điều
“tế nhị” trong việc kín đáo “làm chủ tình thế” trong trật tự âm dương trống mái
mà chỉ có hạ hồi mới phân giải được. Mấy ngày nay cô nương cứ mê ly lẳng lặng
sống trong cái thế giới của quyển L’Amant. Ông mỉm cười tương tư theo điệu
truyện Tàu diễn nghĩa: “Thế là mệnh trời đã về tay chánh vì vương.” Cả một nước
Việt Nam thơ mộng lãng mạn đang ngồi chình ình trong quán rượu, nguyên vẹn hình
hài trước mặt cô. Ông liền tự trách mình quá giàu tưởng tượng. Ngày nào cũng như
ngày nấy, cô vẫn thân mật mà vẫn giữ vẻ đoan trang vắng lặng. Năm chuyến xe lửa
vẫn đều đều tới và lui, khung cửa sổ chỉ còn có ba lá nho vàng đỏ, con chó què
vẫn ve vẩy cái đuôi, mấy bông mướp vàng buổi sáng nở trọn và buổi chiều khép
lại, teo lại như... Chiều tới gió vẫn tha hồ reo với lá cây phong đỏ tím, những
con hải âu vẫn léo nhéo trên mặt biển, những thuyền đánh cá vẫn trở về bên cạnh
ngọn hải đăng. Chỉ còn hai ngày nữa, ông lại phải lên đường trở ngược lại Paris
để trở về Los Angeles, “cấm phòng tu kín” trong một dòng tu khổ hạnh, nếu không
ở trong một tu viện trappistes thì cũng ở trong một ngôi chùa khiêm tốn nào đó…
Hai ngày nữa ông lại lên đường đi về một phương trời vô định. Ừ đi về Los
Angeles mà ông thường đùa với mấy thằng bạn Mỹ là Lost Angels... Từ trường mộng
này đến trường mộng khác và sẽ chấm dứt bằng đại mộng, mà cũng chưa hẳn chấm
dứt, mà lại tiếp tục bắt đầu lại bằng một đại trường mộng, đại viễn mộng
khác... “Trên tất cả đỉnh cao là im lặng...” Còn hai ngày nữa lại lên đường giã
từ cô Tây Dương thiếu phụ này, ông tự cho phép uống mấy chai cognac; không, ông
khoái nhất là loại rượu mạnh armagnac chính hiệu con nai, loại này khó tìm ở
Los Angeles, chắc phải nhớ mua vài chai armagnac xách về cho ông bạn Mai Thảo,
đất đai California là cái “chasse gardée” của ông ta, phải “triều cống nguyên
hậu” chứ không đùa giỡn lôi thôi được... Thế là hai ngày cuối cùng, ngồi trong
quán rượu, ngó cô Tây Dương hao hao giống gái Việt, ông uống chậm rãi, “đâu ra
đó”, “đầy đủ tư cách” ít nhất cũng vài ba chai armagnac thượng hạng, phụ thêm
vài chai rượu đỏ địa phương Banyuls chính hiệu con nai vàng ngơ ngác. Vừa uống
rượu tiên, vừa ngó người đẹp tóc dài tới eo, và nghe bầy chim hải âu kêu két
két, vừa nghe con chó què sủa gâu gâu, vừa nghe tiếng sóng biển dưới kia, tiếng
ho của cô nường, tiếng đập tim, tiếng lá cây phong reo, tiếng Địa Trung Hải,
tiếng Đại Tây Dương, tiếng Thái Bình Dương, tiếng trùng dương, tiếng sông
Garonne, tiếng sông Lot, tiếng sông Seine, tiếng sông Isère, tiếng sông Isar,
tiếng sông Danube, tiếng sông Nhị Hà, tiếng sông Hương, tiếng sông Cửu Long,
tiếng yêu, tiếng em, tiếng thương, tiếng nhớ, tiếng Hoài, tiếng Hương, tiếng
Nga, tiếng Phượng, tiếng Chinh, tiếng Khánh, tiếng Dung, tiếng Ly, tiếng
Nguyệt, tiếng Thu, tiếng Ngọc, tiếng Cầm, tiếng Uyên, tiếng My, tiếng
Véronique, tiếng Françoise, tiếng Isabelle, tiếng Agnes, tiếng Laura, tiếng
Dương Quý Phi, tiếng nường Thái trắng, Thái đen, tiếng đạn nổ, tiếng bom rơi,
tiếng mặt trời sụp, tiếng mặt trăng chìm, tiếng sao rụng, tiếng im lặng, im
lặng rùng rợn của ngày tận thế... Buổi tối hôm đó, cô gái Tây Dương cùng đi dạo
với ông dọc theo bờ biển, dưới con trăng to lớn và đỏ như máu, trăng rằm Tây
Phương; nàng và chàng ngồi sát bên nhau, không ai nói với ai một lời, dù chỉ
một lời; gió thổi tóc nàng đập phớt qua mặt chàng, mùi thơm đôi nách nàng hắt
vào hơi thở mạnh của chàng; sóng biển và chim hải âu kêu đêm, ngọn hải đăng tối
đen đâm thẳng lên mặt trăng như cái dương vật thiêng liêng của những bộ lạc Á
Đông thời hoàng thoại; nàng bỗng nhiên đứng dậy, nhón gót lên cởi bỏ đôi giày
sandales, chạy chân không, đùa giỡn với nước bọt biển trên cát; trời thu bắt
đầu hơi mát, nhưng lửa nào đã bén, nàng chậm rãi cởi truồng, cởi bỏ hết cái áo
“tây dương thiếu phụ y”; trăng đỏ như máu, một bông lan trắng nứt ra giữa đêm
hoang liêu của trái đất... “Trên những đỉnh cao là im lặng...” Buổi sáng hôm
sau, ngày cuối cùng ở quán trọ, ông thức dậy nhẹ nhàng và ngó ra cửa sổ; mấy
chiếc lá nho đỏ vàng cuối cùng đã rụng hết rồi, có tiếng thở nhẹ bên cạnh, mùi
con gái, mùi bông mướp vàng ướt át, mấy sợi tóc dài âu yếm còn dính trên lòng
ngực ông, cô gái Tây Phương nắm thở nhẹ ấm như trái tim con yến nhi; ông cũng
ngửi được mùi tàn dư của bông huệ, nhẹ nhàng, cả thần trí thể xác ông cơ hồ
phảng phất trên những đỉnh cao, ông thấy cả cuộc đời ông giống như cây gỗ trong
một câu kinh Phật: “cũng như cây gỗ trên mặt nước, trôi giữa dòng sông, không
chạm hai bên bờ, không bị nước xoáy chìm, cũng không bị mục nát và đang trôi
thẳng về biển.” Trên cây gỗ bỗng nứt ra một bông lan trắng “y như tuyết”...
Buổi chiều tối, giã từ nàng để đi chuyến xe lửa cuối, nàng chỉ nói “Adieu” và
im lặng, đôi mắt chớp chớp. Tàu ắt đầu rầm rộ chuyển bánh; ông không biết nói
gì và chợt nhớ một lời rất tầm thường của một thi sĩ Pháp mà ông đã quên tên từ
lâu: “Adieu! Je crois qu’en cette vie / Je ne te reverrai jamais...” [3] Chiếc
tàu từ từ rời bỏ nhà ga với mấy lùm bông bégonia mờ đen, và con chó què, đuôi
ve vẩy, ngó theo...
Los
Angeles, 15 /9/1985 - PCT
———
Phụ chú của Hoàng Ngọc Tuấn:
[1]Đây
là bài thơ "Über allen Gipfeln ist Ruh" của Johann Wolfgang von
Goethe (1749-1832). Nguyên tác như sau: Über allen Gipfeln/ Ist Ruh,/ In allen
Wipfeln/ Spürest du/ Kaum einen Hauch;/ Die Vögelein schweigen im Walde./ Warte
nur, balde/ Ruhest du auch. [Tạm dịch nghĩa: Trên tất cả những đỉnh non cao là
sự yên ả. Trong tất cả những đọt cây, khó có thể nghe một hơi thở. Những con
chim trong rừng đều im tiếng. Hãy khoan, chẳng mấy chốc, rồi bạn cũng yên
nghỉ.]
[2]Câu
văn thơ mộng này (còn đọng lại nhạt nhoà trong ký ức của Phạm Công Thiện) thật
ra là một câu thơ trong một bài thơ theo thể waka (nay gọi là “tanka”) của
Junii Ietaka 従二位家隆
(1158-1237). Nguyên văn như sau: 風そよぐ / ならの小川の / 夕ぐれは / みそぎぞ夏の / しるしなりける [Nghĩa là: Nơi dòng suối ở Nara, buổi chiều
đến và gió thổi rì rào qua những tàn lá sồi. Không một dấu hiệu nào của mùa hè,
ngoài lễ tắm thiêng liêng ở đó.] Những chiếc lá sồi trong thơ của Junii Ietaka
đã biến thành những chiếc lá phong trong ký ức của Phạm Công Thiện, và nhờ
những chiếc lá phong ấy, truyện ngắn này đã ra đời! Thật thú vị.
[3]Nghĩa
là: "Vĩnh biệt! Anh nghĩ rằng trong cuộc đời này/ anh sẽ không bao giờ gặp
lại em nữa." Đây là hai câu thơ đầu tiên trong bài thơ "Adieu"
của Alfred de Musset (1810–1857). Bài thơ gồm 4 đoạn. Đoạn đầu tiên như sau:
Adieu! je crois qu'en cette vie/ Je ne te reverrai jamais./ Dieu passe, il
t'appelle et m'oublie;/ En te perdant je sens que je t'aimais...
———
(Nguồn: Facebook Phạm Công Thiện)
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 17/03/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét