Bích Hà: Bình bài thơ “Kiều nữ” của tác giả Trần Dzạ Lữ (TP. Huế)
Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019
Thi ca
là nghệ thuật cao cấp, mà đã là nghệ thuật thì rất cần cái đep. Một trong những
vẻ đẹp tạo hóa hoàn mỹ nhất có lẽ là hình bóng giai nhân. Vẻ đẹp của giai nhân
là nguồn cảm hứng bất tận từ bao đời nay cho tất cả các loại hình nghệ thuật
nói chung và thi ca nói riêng. Chính vì vậy khi bắt gặp một dáng hình “kiều nữ”
đã gợi cho thi nhân những cảm xúc mãnh liệt trước cái đẹp để dệt nên những vần
thơ để đời. Vẻ đẹp Á Đông của phụ nữ Việt Nam nói chung và vẻ đẹp của phụ nữ
Huế nói riêng đã làm thổn thức không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách. Nói về
cô gái Huế qua tâm tình thi nhân, thi sĩ Nguyễn Bính: đương thời có câu:
Tác giả Bích Hà
Bút danh Bích Hà
Tên đầy đủ: Hoàng Thị Bích Hà
Sinh năm Quý Mão
Cử nhân Ngữ văn ĐHSP Huế
Nghề nghiệp: Dạy học, viết văn và làm thơ tự do.
Sinh sống tại Thành phố Huế
Email: habich1963@gmail.com
_____
BÍCH HÀ: BÌNH BÀI THƠ “KIỀU NỮ”
của tác giả Trần Dzạ Lữ
***
Thi
ca là nghệ thuật cao cấp, mà đã là nghệ thuật thì rất cần cái đep. Một trong
những vẻ đẹp tạo hóa hoàn mỹ nhất có lẽ là hình bóng giai nhân. Vẻ đẹp của giai
nhân là nguồn cảm hứng bất tận từ bao đời nay cho tất cả các loại hình nghệ
thuật nói chung và thi ca nói riêng. Chính vì vậy khi bắt gặp một dáng hình
“kiều nữ” đã gợi cho thi nhân những cảm xúc mãnh liệt trước cái đẹp để dệt nên
những vần thơ để đời. Vẻ đẹp Á Đông của phụ nữ Việt Nam nói chung và vẻ đẹp của
phụ nữ Huế nói riêng đã làm thổn thức không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách.
Nói về cô gái Huế qua tâm tình thi nhân, thi sĩ Nguyễn Bính: đương thời có câu:
“Những nàng thiếu nữ sông Hương
Da thơm là phấn, má hường là son”
Bài
thơ KIỀU NỮ là một trong những bài thơ tình đặc sắc của nhà thơ Trần Dzạ Lữ.
Chúng ta hãy cùng khám phá vẻ đẹp của bài thơ này.
Mở
đầu bài thơ là một lời giới thiệu về một giai nhân xứ Huế:
“Nghe người gọi em chính là kiều
nữ
Có nụ cười xé lụa đất thần kinh”
Kế
thừa thi pháp cổ điển nhà thơ gợi chứ không tả chi tiết cụ thể mà chỉ trong một
câu thơ mang tính ước lệ “Nghe người gọi em chính là kiều nữ” Hai chữ kiều nữ
ngắn gọn mà súc tích để người đọc sẽ có một hình ảnh người đẹp cho riêng mình
rất diễm lệ. “có nụ cười xé lụa đất thần kinh” Nụ cười giòn tan trong trẻo như
tiếng xé lụa. Ở đây tác giả lựa chọn hình ảnh so sánh, kế thừa hình ảnh nói về
giai nhân trong thơ cổ điển. Chỉ hai câu thơ ngắn gọn hình ảnh bóng hồng hiện
ra trước mắt chúng ta đẹp cả thanh và cả sắc. Trước vẻ đẹp kiều diễm này có lẽ
không chỉ một mình thi nhân đâu mà có lẽ không ít chàng trai cũng “Choáng váng”
nói không nên lời:
“Ta ú ớ...bởi mình là cô lữ
Xa sông Hương nên dậy sóng u tình...”
Có
thể nói rằng hai câu đầu giới thiệu về một giai nhân bất ngờ gặp gỡ, còn hai
câu tiếp theo là tự giới thiệu về mình. Ta chính là một chàng trai gốc Huế “Xa
sông Hương” “nên dậy sóng u tình” rất phong trần và lãng mạn.
Khổ
thơ tiếp theo tiếp tục với hình ảnh rất ước lệ: “Em đài các”- một vẻ đẹp quý
phái, sang trọng tiếp tục khẳng định thêm lần nữa vẻ đẹp diễm lệ của giai nhân
xứ Huế. Câu thơ là một phép tiểu đối. ”Em đài các” “ta kẻ lênh đênh” thì khát
vọng vươn tới hạnh phúc cùng em là điều còn trong ao ước: “Răng lại ước chuyện
phu thê em hí?” Đây là một câu hỏi tu từ. Tác giả sử dụng khéo léo và gieo vần
đúng chỗ với phương ngữ Huế tạo nên nét đặc sắc rất riêng của thi nhân gốc Huế.
Nhà thơ tự nói với chính mình như là một phép phân thân lưỡng ngôn để đối
thoại. Trước vẻ đẹp kiễu diễm ấy ai mà chẳng một lần ao ước có em trong mái ấm
phu thê. Điều này có vẻ đúng với tất cả một nửa đàn ông đa tình trên thế giới
chứ không chỉ thi nhân đâu. Huống hồ thi nhân lại là người có trai tim đa cảm
và lãng mạn có thừa, thì sóng lòng trào dâng để dệt nên những vần thơ tình là
điều dễ hiểu.
“Em đài các còn ta kẻ lênh đênh
Răng lại ước chuyện phu thê em hí?
Đời bất toại, nên ngày về lí nhí
Câu thơ buồn bẻ mộng giữa chiều xanh”
Không
phải bao giờ mọi ước muốn cũng trở thành sự thật. Vì thế mà “Đời bất toại nên
ngày về lí nhí” Nỗi buồn chỉ nằm lại nghẹn lòng không thể thốt nên câu và vì
thế mới có “câu thơ buồn” “Bẻ mộng giữa chiều xuân”. Mộng đã tan rồi giữa một
giấc mơ đẹp.
Khổ
thơ thứ ba với những hình ảnh so sánh ấn tượng tiếp tục làm bật nổi vẻ đẹp quý
phái của thiếu nữ đất thần kinh. Vừa so sánh vừa có phép tiểu đối trong câu. Em
điện ngọc trong chiếc áo cung phi thật sang trọng và quý phái với sắc vàng
quyến rũ còn ta “Trái tim khô” cảm thấy “chới với“ trước vẻ đẹp kiều diễm này.
Ta là kẻ đa tình mơ mộng thi ca đã trao cho ta một mà sứ mệnh là chuyển tải cảm
xúc vào câu nỗi ước mong, khao khát về tình yêu hạnh phúc lứa đôi như bao chàng
trai đa tình trên trái đất này! Đây là khát vọng chính đáng. Em đẹp lộng lẫy
như thế thì chỉ có nơi điện ngọc mới là chỗ xứng với em thôi. Còn ta “trái tim
khô” lấy gì mà ao ước? Vậy mà ta vẫn thổn thức vẫn mong chờ “Qua mấy cửa ta
chờ! Chi lạ rứa!” chính ta cũng không thể hiểu nổi ta: “Chi lạ rứa!” Tiếp tục
với biện pháp tu từ là nghệ thuật làm tăng thêm sức biểu cảm cho thơ.
“Trong điện ngọc, áo cung phi em
mặc
Một sắc vàng chới với trái tim khô?
Qua mấy cửa ta chờ! Chi lạ rứa!
Bên hoàng thành, bóng ngựa nhớ hương
xưa...”
Thế
rồi! Nàng trong hoàng thành còn ta với vó ngựa rong ruổi với cuộc đời lữ thứ,
vẫn mơ tưởng nhớ “hương xưa”. Chất đa tình lãng mạn làm nên sức cuốn hút trong
thơ tình Trần Dzạ Lữ.
Ước
mộng không thành ta giận chính ta hay giận cả chiếc cầu “Nhịp cầu cong” với
sương mù lãng đãng. Vẫn vẻ đẹp liêu trai trong buổi sớm sương mù với mười hai
nhịp vốn có, nhưng ta lại cảm thấy có gì đó như là một nỗi xót xa. Như là một
sự lỡ hẹn gì đầy tiếc nuối bâng khuâng “Chưa về kịp’’ để xót vì mười hai nhịp
hay xót cuộc tình đơn phương của thi nhân và giai nhân?
“Giận chiếc cầu cong cứ thả sương
mù
Về chưa kịp, xót vì mười hai nhịp...
Mỗi nhịp thương người lặng thầm, ta
biết
không còn ai nghiêng chiếc nón bài thơ”.
Qua
mỗi nhịp cầu ta đếm giữa chơi vơi. Mỗi nhịp cầu là một lặng thầm thương ai chỉ
một mình ta biết, và thấp thoáng một nỗi buồn tiêng tiếc: “không còn ai nghiêng
chiếc nón bài thơ”.
“Không còn ai để gọi lúc sang mùa
Đông xám xịt, màu trăng tàn đỉnh Ngự
Em vào Nội, nghĩa là ta trấn thủ
phía không nhau, ngơ ngác kiếm cung
thừa…”
Nếu
cuộc đời ”không còn ai để gọi lúc sang mùa”, nghĩa là không còn hình bóng người
đẹp cố đô đó nữa. Cảnh vật bây giờ thật buồn chán biết nhường nào! Mùa đông trở
nên xám xịt còn trên đỉnh Ngự chỉ còn ánh trăng đã tàn… Bởi em đi thật rồi! “Em
vào Nội” Thì ta “Trấn thủ” “Phía không nhau”. Cung kiếm cũng trở nên “Ngơ ngác”
và thừa thải! Ở đây tác giả sử dụng phép nhân hóa. Cung kiếm “Ngơ ngác hay hồn
ta ngơ ngác khi không em”?
“Cứ dáo dác kiều nữ vẻ anh thư
Khi hát hỏng câu Nam Bình thương nhớ
Con mắt ai, nhốt hồn ta trong đó
Có
bao giờ tiêng tiếc gã khờ chưa?”
Tác
giả sử dụng 2 cặp từ láy “ngơ ngác” và “dáo dác” rất hay, Tác giả dùng từ rất
đắt để nói về tâm trạng không có thể có từ nào hay hơn thế để lột tả tâm trạng
này. Khi “em” đi rồi từ ngơ ngác cả kiếm cung thừa, không biết làm gì hơn! Mắt
“dáo dác” kiếm tìm một làn hương vừa mới phảng phất đâu đây. Trước “Kiều nữ vẻ
anh thư, đài các trong lòng ta đã mang thương nhớ! Câu Nam bình thương nhớ, câu
hát cất lên trong lòng ngực đã không như ý nguyện “hát hỏng câu nam bình” rồi
còn đâu nữa? Đầy tiếc nuối!
Bài
thơ khép lại với hai câu thơ thật cô đọng:
“Con mắt ai, nhốt hồn ta trong đó
Có bao giờ tiêng tiếc gã khờ chưa?”
Vâng!
Con mắt nàng đã nhốt hồn tôi từ buổi ấy. Ta là một gã si tình, lãng tử. “Có bao
giờ tiêng tiếc gã khờ chưa?” Câu hỏi tu từ lần nữa xuất hiện khép lại áng thơ
tình để người đọc cũng thấy tiếc nuối theo. Đây là câu thơ hàm chứa cả niềm
tiếc nuối bâng khuâng của thi sĩ. Thi nhân tiếc bóng hình giai nhân, cũng có
thể phân thân để hỏi Người đẹp có tiếc thi nhân không? Thi nhân tự gọi mình là
gã khờ đó –gã khờ đa tình lãng mạn tài hoa chẳng lẽ người đẹp nào không tiêng
tiếc sao?
KIỀU
NỮ là một bài thơ tình hay! Bằng thủ pháp nghệ thuật gợi nhiều hơn tả, Nghệ
thuật dùng hình ảnh so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng và phép tiểu đối ở
trong thơ đưa đến cho độc giả áng thơ tình đẹp. Nhà thơ cảm thấy mình hụt hẫng
chơi vơi trước một mối tình đơn phương mộng ảo, một chút tình mong manh mà tha
thiết lãng mạn. Sự phối hợp các thanh bằng trắc hợp lý tạo nên nhạc điệu trầm
bỗng của bài thơ để làm nên sắc điệu trữ tình có giá trị biểu đạt cao. Từ một
rung cảm thường tình giữa thi nhân và người đẹp tạo nên chất liệu thi ca. Giọng
thơ tâm tình, lời thơ dịu ngọt, tứ thơ dạt dào xúc cảm, thể hiện một hồn thơ và
giàu chất suy tư. Hình tượng xuyên suốt bài thơ cho thấy rõ nét tư duy nghệ
thuật tinh tế và sâu sắc. Khẳng định một thi pháp độc đáo, sáng tạo rất riêng
của hồn thơ Trần Dzạ Lữ. Cảnh và người, mộng và thực, say đắm và bâng khuâng
trước vẻ đẹp và thẫn thờ tiếc nuối … Hình ảnh và cảm xúc hội tụ trong sáu khổ
thơ bát ngôn là câu chữ toàn bích. Ngôn ngữ dung dị, thi ý ngọt ngào, cảm xúc
hồn nhiên. Từ niềm rung cảm khát khao, mơ mộng …của cái tôi trữ tình đến biểu
cảm nồng nàn tha thiết, lãng mạn tạo nên chất men say cuốn hút của thơ tình
Trần Dzạ Lữ.
Tp.Huế,
ngày 18/10/2018 - Hoàng Thị Bích Hà
(Bài
viết đã đăng trên trang web art2all.net và đã được in trong tác phẩm BÌNH LUẬN VĂN
HỌC, NXB Thuận Hóa, tháng 6/2019 của tác giả Hoàng Thị Bích Hà)
Kính
mời bạn đọc thưởng thức đầy đủ, trọn vẹn văn bản bài thơ:
KIỀU NỮ
***
Nghe người gọi em chính là kiều nữ
Có nụ cười xé lụa đất thần kinh
Ta ú ớ...bởi mình là cô lữ
Xa sông Hương nên dậy sóng u tình...
Em đài các còn ta kẻ lênh đênh
Răng lại ước chuyện phu thê em hí?
Đời bất toại, nên ngày về lí nhí
Câu thơ buồn bẻ mộng giữa chiều xanh
Trong điện ngọc, áo cung phi em mặc
Một sắc vàng chới với trái tim khô?
Qua mấy cửa ta chờ! Chi lạ rứa!
Bên hoàng thành, bóng ngựa nhớ hương xưa...
Giận chiếc cầu cong cứ thả sương mù
Về chưa kịp, xót vì mười hai nhịp...
Mỗi nhịp thương người lặng thầm, ta biết
không còn ai nghiêng chiếc nón bài thơ.
Không còn ai để gọi lúc sang mùa
Đông xám xịt, màu trăng tàn đỉnh Ngự
Em vào Nội, nghĩa là ta trấn thủ
phía không nhau, ngơ ngác kiếm cung thừa...
Cứ dáo dác kiều nữ vẻ anh thư
Khi hát hỏng câu nam bình thương nhớ
Con mắt ai, nhốt hồn ta trong đó
Có bao giờ tiêng tiếc gã khờ chưa?
Trần
Dzạ Lữ
(Bài
viết đã đăng trên trang web art2all.net và đã được in trong tác phẩm BÌNH LUẬN VĂN
HỌC, NXB Thuận Hóa, tháng 6/2019 của tác giả Hoàng Thị Bích Hà)
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 14/10/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét