Home
» Cập nhật lại
» Lý luận phê bình
» Pho tượng đá hay nỗi đau nhân thế - Lời bình Nguyễn Đức Hậu
Pho tượng đá hay nỗi đau nhân thế - Lời bình Nguyễn Đức Hậu
Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015
Chỉ có tám câu thơ chia làm bốn cặp, chịu chi phối bởi luật nhân quả, Phạm Thùy Vinh đã chạm khắc thành công một bức phù điêu sinh động và ảm đạm. Một bức phù điêu hoàn hảo với dáng vẻ vừa xù xì vừa tinh xảo, vừa có sức nặng vừa thăng hoa. Nó giống như một vật tinh tuý được bao bọc bởi một lớp vỏ bình thường.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Nguyễn Đức Hậu
Họ tên thật Nguyễn Đức Hậu
Sinh ngày 21-3-1952
Hội viên hội Nhà Văn TP HỒ Chí Minh
Địa chỉ: TP Hồ Chí Minh
ĐT: 090 4462958
Email: nguyenduchau406@gmail.com
Địa chỉ: TP Hồ Chí Minh
ĐT: 090 4462958
Email: nguyenduchau406@gmail.com
____
”PHO TƯỢNG ĐÁ” HAY NỖI ĐAU NHÂN THẾ
Lời bình Nguyễn Đức Hậu
PHO TƯỢNG ĐÁ
Khi cha mẹ chia tay
nhau đôi người đôi ngả
Con bé hoá đá đôi mắt
Trên chuyến xe đời
gặp những thằng kẻ cắp
Thiếu nữ hốt hoảng
rồi hoá đá đôi môi
Những người đàn ông
đem bán nước mắt và ra đi mỉm cười
Chị hoá đá trái tim
Người đàn bà đứng
dưới hoàng hôn
Không phải đâu!
Đó là pho tượng đá!
LỜI BÌNH
Chỉ
có tám câu thơ chia làm bốn cặp, chịu chi phối bởi luật nhân quả, Phạm Thùy
Vinh đã chạm khắc thành công một bức phù điêu sinh động và ảm đạm. Một bức phù
điêu hoàn hảo với dáng vẻ vừa xù xì vừa tinh xảo, vừa có sức nặng vừa thăng
hoa. Nó giống như một vật tinh tuý được bao bọc bởi một lớp vỏ bình thường. Cái
lớp vỏ là câu chữ, còn vật tinh tuý bên trong là cấu tứ và hình tượng thơ. Từ
hình tượng thơ đó khái quát lên những vấn đề nhức nhối hiện nay trong cộng đồng
con người. Nó gợi cho người đọc những nghĩ suy, liên tưởng về nhân sinh, về
thiện ác, về con người tục lụy.
Trong ngữ cảnh của bài thơ, ta có thể hiểu luật nhân quả ở đây đặt lên
số phận một con người từ lúc bé đến trưởng thành luôn bị quăng quật trên đường
đời khổ hạnh. Từ “con bé” đến “thiếu nữ”, đến “chị” rồi đến “người đàn bà” là
cả một đoạn đời dài bị đơn độc, bị lừa đảo …và bị hoá đá. Nhưng cũng có thể
hiểu luật nhân quả được đặt lên nhiều số phận khác nhau với những hoàn cảnh tác
động khác nhau dẫn đến tất cả bị hoá đá. Đó là biểu hiện của cái ác lấn lướt
cái thiện. Thông thường cuộc chiến giữa cái ác và cái thiện ở tác phẩm văn học,
cái ác bao giờ cũng bị trừng trị. Nhưng ở đây Phạm Thuỳ Vinh đã vượt ra khỏi
cái thông thường ấy. Chị đẩy cái ác lên đến tột cùng mà nó chưa bị trừng phạt.
Bằng cái nhìn trầm tĩnh và khách quan, tác giả đã vạch ra nguyên nhân gây nên
vết thương nhức nhối kia trong cộng đồng để nhắc nhở, cảnh tỉnh về thói ích kỷ
cùng chứng vô cảm trước đồng loại của chính con người trong xã hội hiện đại.
Cái
ác ở đây như một mù phù thuỷ có khả năng làm đông cứng, làm hoá đá từng phần cơ
thể người, tiến tới hoá đá toàn thân đối tượng mà nó muốn hãm hại. Mụ phù thuỷ
dường như được tác giả chỉ mặt đặt tên hẳn hoi: Đó chính là thói ích kỷ của cha
mẹ “con bé”, là “những thằng kẻ cắp”, “những người đàn ông” ưa chiếm đoạt bằng
cách lừa gạt tình cảm của những cô gái ngây thơ . Hay chưa cụ thể: Mụ phù thuỷ
chỉ là những hành động trắng trợn nào đó làm biến mất niềm tin yêu cuộc sống
của những thiếu nữ trong trắng mơ mộng và thánh thiện.
Chính
cấu trúc thơ theo từng cặp nhân quả, và hình ảnh hư ảo đã góp phần tạo nên hình
tượng thơ độc đáo, đầy góc cạnh thu hút tâm trí người đọc.
“Khi cha mẹ chia tay nhau đôi
người đôi ngả
Con bé hoá đá đôi mắt”
Một
đôi mắt không còn khả năng nhìn đời, nhìn cuộc sống tương lai nữa. Chắc chắn
thế giới mộng mơ thần tiên và huyền bí của tuổi thơ đã biến mất, thay vào đó là
một màu đen khủng khiếp đến hoảng loạn tinh thần, khiến đôi mắt ấy trợn trừng
mở hết trương lực trước khi hoá đá cứng ngắc.
Mắt
hoá đá rồi, mụ phù thuỷ vẫn chưa buông tha. Mụ đeo bám cho tới khi cô bé lớn
lên thành thiếu nữ mù xinh đẹp mới lại ra tay tiếp, bằng cách hoá thân thành
“những thằng kẻ cắp” ăn cắp hết những rung cảm đầu đời thầm kín của trái tim
thiếu nữ. Ngay lập tức đôi môi tươi đỏ chín mọng của cô lại hoá đá:
“Trên chuyến xe đời gặp những
thằng kẻ cắp
Thiếu nữ hốt hoảng rồi hoá đá đôi môi”
Chưa
hết, mụ phù thuỷ còn biến thành những gã đàn ông có tài quyến rũ phụ nữ. Miệng
họ nói hay mà bụng đầy gai độc. Và cô gái tiếp tục là nạn nhân của những kẻ
chuyên chiếm đoạt tình yêu và thân xác phụ nữ rồi thản nhiên bỏ đi với vẻ mặt
đầy thoả mãn, đầy tự hào, đắc thắng. Để lại cho người phụ nữ kia một cuộc sống
chan đầy nước mắt, một nỗi kinh hoàng đau đớn, một trái tim tan nát và đông
cứng:
“Những người đàn ông đem bán nước
mắt và ra đi mỉm cười
Chị hoá đá trái tim”.
Để
rồi sau đó “chị” bị đẩy ra đứng đường như những người đàn bà khác với những
hoàn cảnh khác, song họ đều giống nhau ở sự chai sạn, khô cứng tâm hồn. Họ
thoắt trở thành những kẻ lì lợm, bất cần đời, sống buông thả, lạc lõng dưới đáy
xã hội. Bây giờ thì họ không còn ra con người nữa. Họ chỉ là những “pho tượng
đá” dưới bàn tay của mụ phù thuỷ độc ác kia:
“Người đàn bà đứng dưới hoàng hôn
Không phải đâu!
Đó là pho tượng đá!”
Với cấu trúc câu dài ngắn khác nhau tạo nên
sự giật cục cho hơi đọc, rất phù hợp với tính đột biến hoàn cảnh của nhân vật
trữ tình, đồng thời làm tăng khả năng biến hoá huyền diệu cho câu thơ trong môi
trường ảo của thời gian và không gian. Thời gian ảo trong bài là “khi” hoặc
không đề cập đến, không cụ thể ra như “những người đàn ông đem bán nước mắt”
vào lúc nào trong bài không hề nói tới. Cũng như không gian ảo là “trên chuyến
xe đời” hoặc sự việc xảy ra ở đâu trong bài không nói rõ. Chỉ đến khi kết thúc
cái dây truyền nhân quả kia mới thể hiện thời gian thực. Còn không gian vẫn là
không gian ảo. Thời gian thực là “hoàng hôn”. Tức là vào buổi chiều, gần tối,
với sự giao thoa mờ ảo của ánh sáng và bóng tối. Thời gian hoạt động của những
“cánh bướm đêm” rập rờn đây đó trong cái không gian ảo huyền tím xẫm màu hoàng
hôn ở khắp mọi nơi trên thế giới. Đó là điểm đặt của những “pho tượng đá” với
gam màu xám ngắt ảm đạm và vô cảm. Ở đây tác giả cũng không hề đề cập đến màu
của bất cứ thứ gì kể cả “pho tượng”, mặc trí tưởng tượng của độc giả tung hoành
không cần kiềm chế. Đó là sức gợi của thơ theo cách những nhà làm phim. Tức là
những hình ảnh cứ lần lượt hiện lên với gam màu lạnh, không thực, khiến thời
gian và không gian nhoè đi một cách huyễn hoặc. Đó là thủ pháp làm cho câu thơ
trở nên hư ảo, lung linh, nhằm tác động mạnh vào cảm xúc người đọc trước nỗi
đau nhân thế với khả năng gợi mở của nó.
Và
bài thơ “Pho tượng đá” là một bài thơ hư ảo đầy sức thuyết phục về tính nhân
bản.
Nguyễn Đức Hậu © Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP Phan Thiết ngày 02.3.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét