Home
» Cập nhật lại
» Thư viện văn xuôi
» Ðem xuân vẽ lại – Truyện ngắn của Phạm Vân Anh (Hải Phòng)
Ðem xuân vẽ lại – Truyện ngắn của Phạm Vân Anh (Hải Phòng)
Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015
Ngày 19/08/2012
Căn nhà
ngói ba gian của ông Liễn nằm trong khu vườn trồng hải đường. Ðương xuân, hoa
đã nở gần hết, lá hải đường to bản, gân cánh, xanh thẫm lòa xòa đan vào nhau
líu ríu. Mấy chục năm nay vườn nhà ông trồng loại hoa này, cuối năm có người
hỏi mua nhưng ông không bán mà chỉ dành tặng người thân và bè bạn. Gốc hải
đường lâu năm trơ khấc, khô lì và gân guốc cho hoa ít và nhỏ. Ðã đến lúc phải
thay cây nhưng ông cứ lần lữa, định qua năm nay sẽ chiết cành bánh tẻ trồng
sang mé vườn phía tây chứ bảo ông chặt hạ những gốc hải đường già chỗ vườn này,
ông thực không nỡ.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Phạm Vân Anh
Họ tên thật Phạm Thị Vân Anh
Sinh năm 1980 tại Hải Phòng.
Tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ.
Hiện công tác tại Điện ảnh Công an Nhân dân ở Hà Nội.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
ĐEM XUÂN VẼ LẠI
Căn
nhà ngói ba gian của ông Liễn nằm trong khu vườn trồng hải đường. Ðương xuân,
hoa đã nở gần hết, lá hải đường to bản, gân cánh, xanh thẫm lòa xòa đan vào
nhau líu ríu. Mấy chục năm nay vườn nhà ông trồng loại hoa này, cuối năm có người
hỏi mua nhưng ông không bán mà chỉ dành tặng người thân và bè bạn. Gốc hải
đường lâu năm trơ khấc, khô lì và gân guốc cho hoa ít và nhỏ. Ðã đến lúc phải
thay cây nhưng ông cứ lần lữa, định qua năm nay sẽ chiết cành bánh tẻ trồng
sang mé vườn phía tây chứ bảo ông chặt hạ những gốc hải đường già chỗ vườn này,
ông thực không nỡ.
Tiếng
gõ đều đặn trong nhà vọng ra hơi chững lại, tay gõ rối. Ông thả cành hải đường
rồi quay vào nhà, bảo cháu:
-
Con đánh lại phách đi, như thế chưa được. Nhìn ông làm mẫu này: tà phách tà
phách tà phách phách phách, phách phách phách, phách phách tà phách chát, phách
phách tà phách phách. Ðấy, cái khổ giải nó phải đánh như thế. Tay nặng, tay
nhẹ, đánh giữ nhịp phải chuẩn thì mới vào đàn được. Cái phách đôi này là phách
dẹt nên tiếng đanh mỏng, còn cái phách tròn thì tiếng đục. Phải gõ làm sao mà
chỉ có hai tay phách đó thôi mà hòa quyện, đan xen thành một tổng hòa những âm
điệu rộn ràng.
Ðứa
cháu gái trạc 14 tuổi làm theo ông, dáng điệu mỏi mệt:
-
...Tà phách...tà phách...Con đánh thế đã đúng chưa ông.
Ông
Liễn chậm rãi:
-
Muốn phách giòn, nhuyễn thì phải tập luyện liên tục. Khi đã thuộc phách đúng
nhịp rồi thì phải tập bằng cảm âm của đôi tay chứ đừng dựa vào đôi tai vì đôi
tai dễ đánh lừa mình. Khi nào con gõ được bằng cảm âm của đôi tay, gõ mà như
múa phách, như reo vui thì lúc ấy mới đạt. Phải chịu khó cháu ạ. Ông còn nhớ
ngày xưa khi bạn đồng môn của ông học phách, bà trùm ngồi cạnh cầm một chiếc
thước gỗ. Sai phách là bà ấy vụt thẳng vào mấy đốt ngón tay đến tóe máu. Có
người vừa gõ phách mà máu chảy đầy tay. Ông ngồi đàn mà chẳng dám nhìn.
-
Eo ôi, khó thế thì cháu chịu thôi. Cháu ...
Ðứa
cháu buông phách, vờ làm nũng ông. Ông chỉ cười rồi quay ra sân. Cả buổi chiều,
ông vít cong cành hải đường có đến mấy lần mà không sao bọc nổi nắm đất. Cành
hải đường to chừng ngón chân cái bị tước một khoanh vỏ trắng xanh, từng giọt
nhựa thay nhau chảy thành dòng trắng đục trên thân cây nâu sần, thô ráp. Tối
hôm ấy ông trải chiếu nằm khàn giữa sân, đoạn thân trắng trên cành hải đường
như vết thương mới loác miệng, nhợt nhạt thiếu máu. Trằn trọc mãi không nhắm
được mắt, hết quay ra lại quay vào. Ông thở dài rồi trở dậy, khẽ lại gần ban
thờ, vặn to ngọn đèn dầu rồi rút hương châm lửa cắm vào mấy bát hương. Sáng
nay, ông đã gặp lại người ca nữ xưa từng làm với ông tại ca quán Thanh Tân của
bà trùm Ðoan. Người đàn bà bé nhỏ, tóc vấn trần theo lối cổ đứng nép dưới gốc
cây hoàng lan trong sân nhà văn hóa chờ ông từ sớm. Ông không nhận ra bà. Thời
gian có đủ quyền lực làm phôi phai nhiều thứ, thay đổi nhiều thứ. Chỉ khi bà
nhỏ nhẻ nói với ông bằng một giọng nói còn thanh tân: ' Em là Xoan đây. Nghe
tin ông đang dựng lại nghề tổ, em đến xin ông cho em được hát mấy câu cuối đời'
thì thiếu chút nữa nước mắt đã ứa trào trên gò má nhăn nheo tuổi tác.
Ngay
sau khi xong việc, ông Liễn chở bà Xoan trên con đường đất đỏ đi vào xóm núi,
nhà của đứa cháu mà bà đang ở nhờ. Hai bên đường lúa đã chín vàng, trĩu hạt.
Ông chạnh lòng, trong ruột cồn lên như ai vừa cho vào đó nắm muối mà chà đi xát
lại. Cô Xoan tươi tắn, ngoan hiền ngày nào giờ ngồi sau ông nhẹ như nắm bấc.
Gió mưa bạc tóc cả rồi mà cái nghiệp vẫn chẳng chịu thôi đeo đẳng:
-
Con tằm đã nhả tơ thì đến chết nó vẫn nhả tơ, bà đến tìm tôi thế này là tôi ơn
lắm. Sớm mai bảo cháu nó đưa lại chỗ tôi. Cái giấy biên địa chỉ tôi đưa bà nhớ
giữ cẩn thận kẻo đánh rơi thì lại lạc nhau mất thôi.
-
Cái giấy ấy em giữ kỹ đây rồi, ông đừng lo- giọng bà vẫn thanh như thế.
Ðắn
đo mãi, ông tìm lời hỏi:
-
Bà...bà có thể cho tôi biết tình hình cô Nhạn thế nào không. Mấy chục năm rồi
bặt tin, tôi vẫn mong mong là...
Bà
Xoan ngỡ ngàng nhìn ông, gương mặt người kép đàn tài hoa khi về chiều không mấy
thay đổi. Hai thái dương ông giật mạnh, nếp nhăn trên trán dãn ra rồi chau lại
chờ đợi:
-
Oan trái lắm ông ạ. Chị ấy mất lâu rồi, mất sau khi ông đi thoát ly chừng một
năm mấy ngày thì phải. Cậu Nghị, con ông Chánh tổng Hàm ép về làm lẽ mà chị
không thuận. Dạo ấy trại lính Nhật bắt ca nữ vào mua vui, chị uống rượu độc tự
tử làm cháy dây thanh rồi đổ bệnh mà chết. May mà có cậu Cả Nghị vin vào mối
thân quen đã xin được xác chị ấy về mà chôn trên đồi chè. Thương lắm...
Câu
trả lời hai năm rõ mười của bà Xoan như nhát búa đập xuống đầu. Ông lảo đảo vội
vịn vào thân cây, từ từ ngồi xuống, nước mắt trào ra, ông như thấy lại đêm biệt
ly năm xưa. Cái đêm ông, lúc bấy giờ vẫn được gọi bằng cái tên kép Liễn cùng
hai đồng chí nữa bắt trói tại sân sau nhà Chánh tổng Hàm.
Ðêm
ấy vào đúng tiết hàn thực, kép Liễn và anh Vũ, anh Kháng quần áo tả tơi bị trói
giật cánh khuỷu vào cây cọc buộc trâu, đầu gục xuống. Cậu cả Nghị dắt theo hai
đứa ở trai cầm đuốc bước ra, chỉ vào kép Liễn lên giọng.
-
Chúng mày hắt nước vào mặt nó cho tao. Nhanh lên.
Ðứa
ở cầm gầu cao-su chạy ra ao múc nước đem vào tạt thẳng vào mặt kép Liễn làm anh
sặc nước. Ðầu óc u minh sau trận đòn hiểm bất chợt bị thùng nước lạnh dội vào,
kép Liễn thấy mắt, mũi, miệng xộc mùi bùn tanh khẳn, máu nhớt bần đọng trong
thất khiếu theo nước ộc ra nhày nhụa. Anh từ từ tỉnh lại, cả Nghị hằn học đi
quanh anh, đay nghiến:
-
Tỉnh rồi hả. Mày gan cóc tía thật, ăn đòn hai ngày nay rồi mà nhất định không
hé răng một câu. Giỏi thật, không ngờ chúng mày là Việt Minh nằm vùng. Cha tao
đã trình quan trên cho xử bắn ba đứa chúng mày.
Kép Liễn nhổ một bụm máu trong miệng, gằn
từng tiếng:
-
Muốn chém muốn giết thì làm đi, đừng đến đây ngon ngọt dụ dỗ nữa, nghe rườm tai
lắm.- Anh quay sang cả Nghị- Tôi thiết tưởng ông là người thông tuệ, được ăn
học đến nơi đến chốn thì ông phải hiểu thế nào là liêm sỉ, thế nào là cái nhục
mất nước mà đứng lên đánh đuổi lũ cướp nước...
Câu nói bị cắt ngang bởi một lằn roi thừng
quật ngược tay.
-
Im mồm đi. Tao chỉ muốn báo cho mày biết là cô Nhạn đã nhận lời làm bà hai của
tao. Tao muốn mày thấm cái cảm giác mất tất cả, đau đớn cùng cực khi đi theo
Việt Minh. Rõ là bọn cùng đinh khố vải. Tao từng mời mợ hai ra đây gặp mày cho
tận nghĩa, nhưng mợ bảo không muốn gặp.
Kép
Liễn hực lên một tiếng đau đớn rồi đổ gục xuống, mắt thất thần. Cậu cả Nghị
nhếch mép cười nham hiểm, quay lưng bỏ vào trong nhà. Cả đêm ấy kép Liễn hầu
như không ngủ. Chợt có tiếng chân người bước tới, lúc gấp gáp, lúc tần ngần do
dự. Ðó là Nhạn, cô chạy lại chỗ kép Liễn bị trói, tay cầm con dao bổ cau, gọi
thảng thốt.
-
Kép Liễn, kép Liễn... mau tỉnh lại đi. Ông Chánh Hàm đã xin quan trên cho bắn
cậu và mấy anh em đây vào sáng ngày mai, bây giờ cậu không trốn ngay thì không
kịp.
-
Mợ hai đấy à. Cô bận lòng vì hạng khố rách áo ôm chúng tôi làm gì?
-
Em xin cậu, đừng làm em nát lòng thêm nữa. Cậu mau cắt dây trói cho họ rồi đi
lối cánh đồng ra đường lớn. Ngoài đó có phu xe chờ sẵn rồi. - tiếng Nhạn thiết
tha, chịu đựng. Con dao cau sắc cứa sợi thừng trói đứt rời, anh vội cắt dây cho
hai người kia, lẫn trong tiếng côn trùng, Nhạn thì thào chỉ lối, ánh mắt cô đau
đáu trong đêm.
Hồi
ấy, ông Liễn mới chỉ là một anh kép nghèo tập sự cho gia đình bà trùm Ðoan.
Nhạn hơn anh hai tuổi, Xoan là em. Khi anh còn tập chạy ngón đàn, tập rung gân,
nhấn nhá thì Nhạn đã là ca nương có tiếng. Cô đã xin bà trùm để anh tập cùng
chị em cô nên mỗi lần đi hát mảnh bên ngoài, bà trùm thường cho kép Liễn đi
cùng để tiện bảo vệ cô khỏi bị đám cậu ấm bất tử chòng ghẹo.
Như
mọi lần khác sau khi tan canh hát, hai chiếc xe kéo chở Liễn và Nhạn chạy song
song trên đường vắng. Ðến gần chỗ rẽ vào ca quán Thanh Tân, họ dừng lại trả
tiền xe rồi xuống đi bộ thong thả cạnh nhau. Suy nghĩ mãi, kép Liễn quay lại,
anh rụt rè nắm lấy hai vai Nhạn, nhìn thẳng vào mắt cô.
-
Nhạn này, đã lâu tôi muốn nói với Nhạn điều này mong Nhạn hiểu cho lòng tôi đối
với Nhạn. Sắp tới tôi phải đi xa một thời gian.
-
Cậu định đi đâu? Mà cậu đi rồi ai sẽ đàn cho ca quán Thanh Tân nữa. Cậu định bỏ
mọi người, bỏ... bỏ em mà đi thật sao?- tiếng Nhạn thảng thốt.
-
Tôi đi theo cách mạng Nhạn ạ. Ông cha ta có câu 'Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu
trách'.- kép Liễn trả lời- Tôi dù chỉ là anh kép nghèo nhưng không lẽ cứ giương
mắt nhìn quân giặc ngang nhiên vùi dập dân mình, giày xéo đất nước mình. Hôm
nay thấy cảnh bọn hương lý, chánh tổng xun xoe nịnh nọt mà tôi sôi huyết lắm.
Ngồi đàn mà như ngồi trên đống lửa...
Nhạn
bước lên một bước, cô đứng đối diện với kép Liễn - điều mà những đào hát như cô
được dạy là không được làm thế - cô dịu dàng cầm lấy tay anh:
-
Cậu đã có chí hướng của riêng mình em nào dám cản. Chỉ mong bước đường cậu đi
chân cứng đá mềm thì em yên dạ phần nào. Tấm chân tình của em mong cậu hiểu.
-
Nhạn! Thật Nhạn không chê tôi sao?
Không
có tiếng trả lời, hai bàn tay người ca nữ lặng lẽ nắm tay kép Liễn thật lâu.
Hai người cứ đứng như thế nhìn nhau trong ánh đèn le lói nơi góc đường.
Cái
đận tỏ lòng cùng nhau giữa cô đào hát mồ côi và anh kép nghèo ngày ấy thấm
thoắt đã gần 60 năm.
Hôm ấy học trò của ông chính thức được trao
huy chương vàng tại Liên hoan ca trù toàn quốc, nhà ông có người khách lạ. Bà
Xoan đưa ông Nghị, tức Cả Nghị ngày xưa đến thăm ông. Vừa xuống xích-lô, giọng
nói thanh thanh của bà đã gióng giả từ đầu ngõ:
-
Ông Liễn ơi, mở cửa đón khách nào
Ông
vội chạy ra mở cửa đón bà, chợt nhìn thấy ông Nghị, ông liền lạnh mặt quay đi,
ông Nghị vội lên tiếng trước:
-
Vâng, chào ông. Hôm nay là ngày chung kết cuộc thi, bà Xoan ra chỗ tôi từ sáng
bảo chiều nay qua ông cùng chờ tin bọn trẻ. Tôi cũng ngại phiền ông...
Ông
Liễn định cất lời thì bà Xoan chen ngang:
-
Hai cái ông này, phiền hà gì chứ. Sắp đi gặp ông bà ông vải rồi mà còn giận
dỗi, mát mẻ nhau như trẻ con. Vào nhà đi nào.
Hai ông nhìn bà rồi lại nhìn nhau ngần ngại.
Khi ba người ngồi quây quần bên bàn nước, ông Liễn mới mở lời:
-
Mời ông bà xơi nước, nụ vối tôi mới hãm đấy.
Bà
Xoan nhấp chén nước, nắc nỏm khen:
-
Ngon quá, dạo này chỗ nhà tôi chả tìm đâu ra nụ vối tốt. Mấy đứa trẻ nhà tôi
chỉ mua được lá vối thôi. Lá vối tuy cũng có vị nhưng không bùi và đượm bằng nụ
vối.
Ông
Nghị cũng chiêu một ngụm lớn:
-
Nhà tôi từ ngày chặt gốc vối ở sân sau đến giờ không mấy khi uống nước vối nữa.
Chà, ngon thật đấy. Ngày xưa ca quán Thanh Tân vẫn luôn hãm nước vối ấm cho
khách dùng giải rượu. Cô Nhạn...
Ba
người lặng đi, chén nước nâng trên tay sóng sánh, ông Nghị xoay xoay tách nước
vối trong tay, nét mặt bối rối vì lỡ lời.
-
Thôi nào, nhắc chuyện cũ thế đủ rồi. Hai ông giờ tóc bạc da mồi cả rồi, còn
chuyện gì hơn là bỏ qua cho nhau để sống cho thanh thản nốt những tháng ngày
còn lại. Ông Liễn này, tôi nghĩ...
-
Bà xơi nước đi. Tôi hiểu mà... - Ông cắt ngang lời bà rồi quay sang ông Nghị -
Mời ông xơi nước, chuyện cũ thôi đừng tính toán. Tôi có hơi hẹp lượng...
-
Tôi nào dám cấn cá chuyện ấy... à, tôi vừa tầm một bài hát thơ hát nói của chí
sỹ Phan Bội Châu. Bà hát cho chúng tôi thưởng thức với nào.
Họ
nhìn nhau cười vui vẻ. Ông Liễn với tay lấy cây đàn đáy treo trên tường xuống,
khuôn mặt ông bừng sáng, những sợi tóc bạc lòa xòa trên trán:
-
Nào, mời đào nương và quan viên vào canh hát cuối đời.
Bà
Xoan ngồi xếp bằng trên chiếu, sắp phách ngay ngắn, bà giáo ông:
- Sao lại canh hát cuối đời, ông phải nói là
canh hát mừng chiến thắng. Mừng cho ca trù hồi sinh từ đây.
-
Bà nói phải. Mừng cho ca trù hồi sinh.
Ông
Nghị gõ ba tiếng trống xuyên tâm trù giục vào hát. Tiếng đàn đáy quyện tiếng
phách cất lên dìu dặt, rồi chuyển lên một cung rộn rã, uyển chuyển như reo vui.
Bà Xoan dóc phách nhịp nhàng rồi vào hát: 'Giơ tay gạt gánh càn khôn. Ðem
xuân vẽ lại cho non nước nhà...'(*). Ngoài vườn, những bông hải đường hồng tươi
rung rinh trong gió.
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại- ngày 28/12/2015 Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 19/08/2012
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét