Home
» Lý luận phê bình
» Hồn quê đọng lại trong lời hát rong (thơ Vũ Xuân Hồng) – Bài viết Phạm Học
Hồn quê đọng lại trong lời hát rong (thơ Vũ Xuân Hồng) – Bài viết Phạm Học
Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015
Ca dao dân ca là những tiếng lòng của người bình dân xưa, cất lên từ bờ tre gốc rạ, từ đời sống lao động nhọc nhằn. Ai khéo mượn ca dao dân ca, mượn thi liệu dân gian nghĩa là người đó biết cách chạm đến, lay động đến miền ký ức của kẻ nhà quê dường như đang lẩn khuất trong mỗi con người. Tôi nghĩ, Vũ Xuân Hồng đã làm được điều đó trong tập thơ “Xẩm chợ quê” (NXB Hội Nhà văn, năm 2014).
Thông tin
cá nhân: (VanDanVietNet)
Tác giả Bác sỹ Vũ Xuân Hồng
Hội viên Hội VHNT Quảng Ninh
Sinh năm: 1956
Quê quán: Bình Giang - Hải Dương
Trú quán: Tràng Bạch - Hoàng Quế - Đông Triều - Quảng Ninh
Trình độ chuyên môn: Bác sỹ chuyên khoa cấp 1
ĐT: 0912031643
Email: trangbach01@yahoo.com
_____
Hội viên Hội VHNT Quảng Ninh
Sinh năm: 1956
Quê quán: Bình Giang - Hải Dương
Trú quán: Tràng Bạch - Hoàng Quế - Đông Triều - Quảng Ninh
Trình độ chuyên môn: Bác sỹ chuyên khoa cấp 1
ĐT: 0912031643
Email: trangbach01@yahoo.com
_____
Ca dao dân ca là
những tiếng lòng của người bình dân xưa, cất lên từ bờ tre gốc rạ, từ đời sống
lao động nhọc nhằn. Ai khéo mượn ca dao dân ca, mượn thi liệu dân gian nghĩa là
người đó biết cách chạm đến, lay động đến miền ký ức của kẻ nhà quê dường như
đang lẩn khuất trong mỗi con người. Tôi nghĩ, Vũ Xuân Hồng đã làm được điều đó
trong tập thơ “Xẩm chợ quê” (NXB Hội
Nhà văn, năm 2014).
Có lẽ, trong đời
sống đô thị tất bật hiện nay, người ta rất hiếm gặp những người hát xẩm. Và nếu
có gặp thì với trăm ngàn mối lo toan thường nhật có lẽ cũng không mấy người để
ý. Phải có tấm lòng trắc ẩn thì mới thấy được, cảm được cái điều mà Vũ Xuân
Hồng đã lấy đó làm cái tứ cho bài thơ, thậm chí làm điểm tựa cho cả tập thơ:
Chợ nghèo bánh đúc, bánh đa
Nghe lời xẩm hát diết da nỗi lòng
Ông già mắt mù dáng còng
Lời ca rỉ máu chắt trong cõi người
(Xẩm
chợ quê)
Ông lão mù cất lời
ca đâu chỉ vì muốn kêu gọi tình thương của người đời mà muốn gửi gắm bao nhiêu
lý lẽ nhân sinh trong câu hát. Có cả nỗi đau nhân thế được “rót” từ người hát
xẩm qua lời ca đi thẳng vào trái tim người nghe. Lay động đến mức người nghe
cảm nhận được cả tiếng than của những đồng tiền: “Gió hay hạt bui vô tình/ Lệ rơi khóe mắt, đồng chinh thở dài”.
Người hát xẩm
trong thơ Vũ Xuân Hồng như đại diện cho người nông dân dãi dầu mưa nắng cất lên
tiếng vọng của đồng quê xào xạc trước cơn lốc đô thị hóa đang gặm nhấm từng
ngày. Tiếng hát xẩm ngày càng thưa vắng cũng đồng nghĩa với việc cái hồn quê
mộc mạc xưa kia cũng ngày càng khó kiếm.
Cái hồn quê ấy gắn
với tuổi hoa niên, như những miền cổ tích tươi đẹp mà xa vắng:
Lá dâu em thả làm thuyền
Chở đôi châu chấu về miền cỏ non
Chân trần níu cỏ lon ton
Sợ cơn gió cả làm con thuyền chìm…
(Nhớ dòng sông tuổi thơ)
Bởi sợ mất nên
khao khát đi tìm, nhân vật trữ tình bơ vơ trong không gian nghệ thuật rộng lớn,
thời gian nghệ thuật vô cùng để tìm lại tháng ngày đã mất. Bởi vậy, cảm thức
hoài vãng là dòng chủ lưu trong của cả tập thơ này:
Có gì nhói ở trong tim
Dòng sông tôi trở lại tìm ngày xưa
Nhưng tìm hoài mà
chẳng thấy, nhân vật trữ tình trong thơ Vũ Xuân Hồng chẳng khác nào chàng trai
thôn quê trong thơ Hoàng Cầm đi đầu sông cuối bãi thơ thẩn tìm lá Diêu bông. Để
rồi cả đời chạy theo mà tìm chẳng thấy
cái thứ lá huyền thoại đó. Đọc thơ Vũ Xuân Hồng, chúng tôi nhận thấy, hàng loạt
động từ như: “hỏi”, “hỏi thăm”, “tìm”,
“mong”, “níu” “gọi” v.v. được sử dụng lặp đi lặp lại đầy dụng ý:
Hỏi thăm, ông lái đò thưa
Người con gái ấy mới vừa sang sông
Thương lắm ngày đi lấy chồng
Ngoảnh đầu nhìn lại nhớ mong điều gì…
Cái điều mà thiếu
nữ vu quy trong bài thơ kia đang nhớ mong ngoảnh lại thật khó gọi thành tên
nhưng ai cũng biết nó phải lớn lao lắm. Mà nói rộng ra, phổ quát hơn thì đó
không còn là tâm trạng của riêng cô thôn nữ kia nữa. Nó là nỗi nhớ tiếc về một
miền ký ức là cái khát khao được trở về, được tìm một ga tàu để trả mọi giá
nhằm mua tấm vé về với tuổi thơ:
Mặc ai tìm hái trăng sao
Ta về tăm cá quẫy ao làng mình
Mặc ai chen chốn cung đình
Ta về nép dưới bóng hình gốc đa
(Trở về)
Ai cũng có thời
trẻ trai, cũng từng khao khát gấp thuyền giấy thả xuống sông để mong đến được
những bến bờ xa. Nhưng đến khi luống tuổi, đến được bến bờ, lại mong được trở
về kiếm tìm cái thời trai trẻ. Về để được sống với những trò chơi thơ ấu với
“sắc màu cỏ may”:
Chơi trò chú rể cô dâu
Tuổi thơ dệt tím sắc mầu cỏ may
Thoảng hương cỏ gừng thơm cay
Thả hồn theo ngọn gió say cánh diều
Xoè tay vớt vạt nắng chiều
Thì thầm cỏ hát thêm yêu quê mình …
(Cỏ)
Có thể nói, khát
khao trở về là cảm xúc trữ tình thường trực trong thơ Vũ Xuân Hồng. Đọc thơ
ông, người đọc dễ dàng tìm ra những cụm từ như: “Ta về”, “trở về”, “về làng”,
“về quê”, v.v. Lại nhớ, Heraclit, triết
gia vĩ đại người Hy Lạp, từng nói: “Không
ai tắm hai lần dưới một dòng sông”. Thì đây, vẫn nội dung đó, Vũ Xuân Hồng
đã diễn đạt bằng hình tượng nghệ thuật nhẹ nhàng và dễ hiểu, dễ đi vào lòng
người:
Ta về khoả nước cầu ao
Hỏi thăm chuồn ớt còn chao nắng vàng
Ta về nép bóng cổng làng
Nghe thời gian chảy tím hàng rêu
phong
Ta về chín nhớ mười mong
Đón người trăm núi ngàn sông trở về
(Ta về).
Rõ ràng, có về tắm
lại sông xưa thì cũng không bao giờ là dòng sông ấy nữa. Mọi vật đều biến đổi
theo thời gian: “Chạm vào nếp gạch đỏ nâu
/ Bâng khuâng vẳng khúc sông sâu gọi đò” (Cổng làng).
Trong nhiều hình tượng thơ được Vũ Xuân Hồng xây dựng trong
tập thơ này, dòng sông xuất hiện với tần số dày đặc. Ban đầu có thể là dòng
sông quê gắn với những chiều đuổi nắng chăn trâu: “Lá dâu em thả làm thuyền/ Chở
đôi châu chấu về miền cỏ non”.
Nhưng rồi nó không
còn là một dòng sông cụ thể có tên tuổi nào mà là dòng sông phổ quát, “mẫu số chung” cho mọi dòng sông. Đó còn
là dòng thời gian, dòng đời chảy trôi vô tận. Dù có thế nào đi nữa thì sông
trong thơ Vũ Xuân Hồng không khô khan, đậm màu triết lý mà luôn gần gũi thân
thương.
Không ai biết đích
xác cái “miền cỏ non” ở cuối con sông
mà Vũ Xuân Hồng đã viết ở đây cụ thể là gì cả. Tôi đồ rằng, chính người viết
cũng không thể giải thích rõ ràng, nói cho hết nghĩa ra được. Nhưng đọc vẫn
thích, vẫn yêu bởi nó như một cánh cửa khép hờ giờ đã mở toang ra những liên
tưởng thú vị nơi người đọc. Đó có thể là miền cổ tích xa xăm tuổi thơ. Là miền
đất hứa đẹp đẽ lý tưởng, sáng trong hay là miền hạnh phúc yêu đương đôi lứa
v.v. Hay là tất cả. Người viết không kiểm soát hết được bởi những khoảng trống,
khoảng trắng đồng sáng tạo mà câu thơ đã mang đến cho độc giả.
Ngoài sông quê,
hồn quê còn thể hiện qua một hình ảnh đậm nét khác; đó là chợ quê. Vũ Xuân Hồng
thường viết về chợ quê trong cái cảm nhận nhẹ nhàng, không hề ồn ào eo sèo như
cảnh thường thấy:
Chợ làng mở dưới gốc đa
Người quê bày bán quả cà, mớ rau
Dăm cơi trầu mấy buồng cau
Bánh đa bánh đúc đượm màu hồn quê
Mời nhau điếu thuốc chén chè
Hỏi thăm gia cảnh phu thê thế nào …
(Chợ quê).
Có ra chợ quê mới
thấy hết cái vui buồn của người quê. Ra chợ để phát hiện ra rằng, chợ đâu chỉ
là nơi bán buôn mà còn là cái cớ để “gửi
trao ân tình” đấy chứ.
Đi sâu khai thác
cái tình người nơi làng quê là một trong những thế mạnh của thơ Vũ Xuân Hồng.
Vì thế thơ Vũ Xuân Hồng mượt mà như lời hát ru đau đáu với hồn quê và tình quê.
Không yêu quê, không nhớ quê, không gắn bó sâu nặng với người quê thì khó mà
viết được như vậy.
Thế nhưng, cái êm
đềm chảy trôi của thơ lục bát, của hình ảnh làng quê yên bình không tồn tại lâu
trong thơ Vũ Xuân Hồng. Nó nhanh chóng nhường chỗ cho hình ảnh những dòng sông,
con đò, cánh đồng, bầu trời đặt trong không gian nghệ thuật bị vỡ vụn, loang
lổ. Có thể nói, đó không còn là dự cảm nữa mà là hiện thực làm đắng lòng tác
giả.
Tác giả lấy chuyện
xưa để nói chuyện nay, lấy phê phán để mà xây dựng. Cho nên cười đó mà cũng là
khóc đó. Giọng thơ có vẻ tưng tửng đấy nhưng hãy lắng tay nghe kỹ mà xem, ẩn
chìm phía dưới “tảng băng trôi” ấy là tâm trạng đầy xót xa, luyến tiếc. Luyến
tiếc bởi cái tình người tối lửa tắt đèn có nhau nơi làng quê yên bình giờ đã
không còn như xưa nữa. Đó là cảm xúc chung của các bài thơ như: “Chức sắc của làng”, “Mẹ Đốp”, “Chuyện Lý
trưởng”, “Người ta” v.v.
Cùng với đó, là
nỗi đau trước cảnh môi sinh bị tàn phá, xóm thôn với không khí trong lành giờ
chỉ còn là hoài niệm. Đến khói bếp chiều hôm thơm mùi rơm rạ vốn nên thơ là thế
giờ cũng không bao giờ thấy nữa mà thay vào đó là “Bây giờ khói lạ khắp nơi/ Làm cho trời đất con người lao đao” (Khói). Hay như cách miêu tả môi sinh bị
tàn phá kiểu mắc bệnh nghề nghiệp của một bác sĩ làm thơ trong bài “Bầu trời” với “bầu trời sặc sụa ho lao”, “núi đồi lở loét”, “sông suối nhiễm trùng”;
hoặc là cách kêu gọi mọi người hãy cứu lấy động vật hoang dã trước nguy cơ
tuyệt chủng trong bài “Sự tiến hóa”. Để nói được tất cả những điều này, Vũ Xuân
Hồng đã vận dụng lối trào phúng dân gian, nhẹ nhàng mà lắng đọng, sâu sắc.
Về nghệ thuật, người đọc dễ nhận thấy, nhân vật trong văn
học dân gian đã thực hiện một chuyến hành trình dài để đĩnh đạc bước vào trang
thơ Vũ Xuân Hồng. Bước vào và được Vũ Xuân Hồng cấp cho những nội dung mới,
khác với ý nghĩa vốn có. Ví như mẹ Đốp đã đổi tên thành thư ký đã điều khiển cả
đất trời, đã ngồi lên trên cả sếp; Phú Ông nay đã chơi trò làm sang, tập tọe
gieo vần làm thơ; Thị Mầu không phải là cô gái đong đưa mà là đại diện cho khát
vọng của loài người: Nàng là khát vọng
nhân gian/ Rất đời mà rất cao sang
phận người. (Thị Mầu).
Vẫn sử dụng lối
đối đáp dân gian, nhưng Vũ Xuân Hồng đã kế thừa phát triển nó. Cũng hỏi, cũng
đáp nhưng đối tượng đối đáp đã thay đổi. Có khi là những sự vật vô tri cất lời
đối đáp: “Chờ mãi sông chẳng ngừng trôi/
Mưa nguồn về hỏi núi đồi mênh mông” (Vô
đề). Đó cũng có thể là lời tự vấn của nhân vật trữ tình. Và tất nhiên sẽ
không có lời đáp. Có khi người hỏi ẩn đi chỉ còn lại người đáp. Không rõ ai
hỏi, có thể là chủ thể trữ tình, hay đối tượng trữ tình hoặc một nhân vật nào
khác:
Ngồi buồn hỏi chuyện cái đầu
Lao động trí óc sang giầu được chăng?
Thưa rằng thần kinh rất căng
Nghề bán cháo não chẳng bằng buôn
gian
Quay về hỏi chuyện ngũ quan
Lao động bằng lưỡi xênh xang thế nào
Lưỡi ta vênh váo tự hào
Trên đời chẳng có anh nào bằng ta …
(Hỏi).
Vì tính chất đối
đáp ấy nên đọc những bài thơ đó, không ít người sẽ có chung cảm nhận mình đang
nghe khúc đồng dao thời hiện đại. Những khúc “đồng dao cho người lớn” ấy cất lên đầy thấm thía, có lúc rất xót
xa. Ở đó, có những bài êm đềm, du dương với đồng quê, dòng sông con đò, cánh cò
bay la đà, giàn trầu, hàng cau. Nhưng cũng có những bài hát tái tê, đắng đót sự
đời.
Từ đây, người đọc
nhận ra, có hai mạch cảm xúc chủ lưu trong thơ Vũ Xuân Hồng; đó là mối băn
khoăn nặng nợ với hồn quê và những chiêm nghiệm thế sự. Và tất cả đều được
chuyên chở bằng những thi liệu, thi tứ dân gian. Đó là một hình thức nghệ thuật
đắc địa để chuyên chở cả hai mạch cảm đó đi xa hơn trên hành trình kiếm tìm
những tâm hồn đồng điệu.
Đọc đến đây, tôi
liên tưởng đến hai câu kết thúc Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết đầy khiêm tốn: “Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được
một vài trống canh”. Dùng lời giản
dị những mong mua vua cho người đời mà viết nên được kiệt tác đấy là cái tài
tình của tầm cỡ của đại thi hào. Cũng dùng lời quê để đưa thơ đến với người,
lắng lại cùng người, Vũ Xuân Hồng không dám ước vọng được như người xưa mà chỉ
mong một điều nhỏ nhoi thôi là người ta nghe được “Hồn quê đọng lại trong lời hát rong”. Còn ai là người hát rong ư? Không rõ nữa. Có
thể là lão nghệ sĩ dân gian mù lòa kia. Có thể là tác giả tập thơ. Mà cũng có
lẽ là cả hai mới đúng…
(Báo Quảng Ninh)
Vũ Xuân Hồng gửi đăng.
©
Tác giả giữ bản quyền. . Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Quảng Ninh ngày 24.01.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét