Home
» Lý luận phê bình
» Nguyễn Anh Tuấn: Đọc lại “99 khúc tặng Liên” của NNB, "đò đưa" với nhà văn Phùng Thành Chủng
Nguyễn Anh Tuấn: Đọc lại “99 khúc tặng Liên” của NNB, "đò đưa" với nhà văn Phùng Thành Chủng
Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015
Thứ
năm - 09/05/2013 02:18
Tôi vừa
được đọc một bài viết khá thú vị của nhà văn Phùng Thành Chủng trên
nguyennguyenbay.com, trong đó luận điểm cơ bản là: "muốn giải mã được “99
khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều kiến
văn", và: “99 khúc tặng Liên” là những trắc nghiệm với những ai có hứng
thú rà soát và kiểm tra 99 cánh cửa kiến văn của mình." Những kiến văn đó,
ông đã liệt kê khá đầy đủ, nào là: "Tam tài, là Thiên, Địa, Nhân; là cõi
nhân sinh, là "Dịch”, là lẽ biến thông: Thiên địa bĩ và Địa thiên thái – 2
trong số 64 quẻ của Dịch." Nào là: ...
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả: Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Bút danh khác Nguyễn Yên Thế
Địa chỉ: Phố Thái Hà, Hà Nội
ĐT: 0912174947
Email: anhtuan.daodien4@gmail.com
_____
ĐỌC LẠI “99 KHÚC TẶNG LIÊN” CỦA NNB,
ĐỌC LẠI “99 KHÚC TẶNG LIÊN” CỦA NNB,
“ĐÒ ĐƯA” VỚI NHÀ VĂN
PHÙNG THANH CHỦNG
Tôi vừa được đọc một bài viết khá thú vị của nhà văn Phùng Thành Chủng trên
nguyennguyenbay.com, trong đó luận điểm cơ bản là: "muốn giải mã được “99
khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều kiến
văn", và: “99 khúc tặng Liên” là những trắc nghiệm với những ai có hứng
thú rà soát và kiểm tra 99 cánh cửa kiến văn của mình."
Những kiến văn đó, ông đã liệt kê khá đầy đủ, nào là: "Tam tài, là Thiên,
Địa, Nhân; là cõi nhân sinh, là "Dịch”, là lẽ biến thông: Thiên địa bĩ và
Địa thiên thái – 2 trong số 64 quẻ của Dịch." Nào là: "tín ngưỡng phồn
thực cũng không ngoài thuyết âm dương với những câu thơ khó... viết về những
điều khó viết". Rồi: "là âm dương, ngũ hành; là tương sinh, tương
khắc; là đạo Càn Khôn, là Dịch". Rồi: "sự hiểu biết về Phật pháp và
thiền... sự hiểu biết về tín ngưỡng dân gian cùng các lễ tiết trong năm và
những nghi thức trong đạo thờ cúng tổ tiên ông bà...phận số mỗi người đã đựơc
lập trình và được các ngôi sao trong khoa Tử Vi định vị... những bài thuốc dân
gian được truyền khẩu có tác dụng như một thứ bùa ngải để giữ gìn tình yêu..."
Những điều ông PTC nêu ra là chính xác, chứng tỏ ông không chỉ đọc thơ NNB rất
kỹ lưỡng mà đã áp dụng kiến văn phong phú của mình để mong "giải mã"
Núi thơ NNB, và để ông có thể tự tin “nhái” lời tiên sinh Thánh Thán: "Chẳng
cũng sướng sao!”
Là một người yêu thơ và đọc khá kỹ thơ NNB, hơn thế, còn là bạn vong niên của
anh từ khi là một cậu sinh viên văn khoa năm nhất từng bị "thôi miên"
trước hàng chồng thơ chép tay cao vật vưỡng của đôi vợ chồng thi sĩ nổi danh
NNB & Lý Phương Liên, tôi xin được “đò đưa” (chữ NNB) với nhà văn Phùng
Thành Chủng đôi lời.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ông về những điều kiện "kiến văn"- đặc biệt
là khi đọc thơ NNB. Song tôi nghĩ đó không phải là những điều kiện tiên quyết,
và hơn nữa, nếu chỉ vậy thì thực không đủ! Nhất là, những đoạn thơ ông trích từ
“99 khúc tặng Liên” để minh chứng cho sự "giải mã" của mình, theo tôi
lại là những đoạn thơ khô khan, chỉ nhằm minh họa cho các lý thuyết Kinh Dịch,
Tử vi, Phật pháp... mà NNB vốn thông thạo với tư cách là đại sư Phong thủy.
Những kiến thức dày đặc về triết học Á Đông, về sử học, nhân học, văn học dân
gian... được thể hiện trong thơ NNB thực ra không làm nên giá trị thơ anh,
chúng chỉ là cái phông nền của cảm xúc, của ý tưởng, của tứ thơ mà không phải
lúc nào cũng được xử dụng đúng chỗ, đắt giá, thậm chí đôi khi chúng làm thơ anh
nặng và rườm. Tôi nghĩ, những kiến thức được vận dụng trong thơ NNB chỉ có thể
trở thành yếu tố thi ca để lôi cuốn, làm ngạc nhiên người đọc một khi chúng
được nhào nặn, được lặn sâu trong cảm xúc và trí tưởng tượng. Và để có thể hiểu
được, cảm được, "giải mã" được thơ NNB thì điều tiên quyết lại chính
là cảm xúc và trí tưởng tượng của người đọc cần được nâng lên tương xứng với
cảm xúc nghệ thuật đã nung chảy kiến thức của tác giả. Khi nhà thơ kể về lai
lịch dòng sông Mẹ gắn với những người thân yêu và với cuộc đời dân tộc, anh
nhắc tới "Lúa Trời, Lúa Ma, Lúa Nước,
Thuyền độc mộc"; có thể anh không cần biết tới những khảo cứu
từ thư tịch cổ (và người đọc cũng thế), song dường như có một nguồn cảm hứng
"thần linh" may mắn hỗ trợ khiến anh có thể biến chúng thành thi liệu
chứa đựng thông điệp mới mẻ để gia nhập vào cuộc đời lớn lao của Dòng Sông Mẹ
mà trên đó "Thuyền thơ chở đầy trăng thơ..."
(Sông Cái mỉm cười) và khiến người đọc ngây ngất sống trong thế giới huyền
thoại cổ xưa có khả năng thâm nhập sâu hơn vào thân phận dòng sông lịch sử...
Khi nhà thơ rút ra một triết lý Á Đông - Việt: “Để
mẹ lại được khóc/ Âm dương cũng đạo làm người" thì trước đó anh đã "Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ
ra phơi / Lạy trời đừng phạt mẹ tôi/ Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt
mẹ..." và cũng
là để góp phần hoàn chỉnh thêm chân dung Mẹ hằng sống động trong tâm tưởng cũng
như lòng biết ơn sâu nặng của anh. Người đọc có thể không cần có kiến thức về
Âm Dương ngũ hành, Mùa Tứ quý... cũng dễ xúc động tận đáy lòng, nếu thấm được
cái “Tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt” của tác giả (Mùa Tứ Quí). Không cần
hiểu triết lý cao siêu của đạo Phật cũng có thể cảm được tiếng hát của Phật (
Phật hát) thực ra cũng là tiếng khóc của Mẹ trong tâm tưởng nhà thơ (Mẹ khóc),
và rung động sâu sắc trước hình tượng thơ "Tọa tòa sen Phật bà khóc"
bởi cái thực tại đau đớn trong đó "Giấc mơ thơ nát bấy như bùn" giữa
lúc "Máu đã chảy lên thành quả Mặt trời" (Chùa Một Cột).
Chính NNB đã nói về điều này mấy chục năm trước trong Ghi chép "Thủng
thẳng với Thơ": "Thượng
cách của trí tưởng tượng xử dụng rất nhuyễn, rất ảo, rất lôgích một chuỗi hình
ảnh, hình tượng xảy ra trong cuộc đời đã được thơ hóa bằng trí tuệ nhà thơ...
Tôi lắng nghe nhịp đập trái tim mình từ mọi phía khác nhau của cuộc đời, sự chỉ
huy không phải là bộ óc, mà là trái tim, cho nên những phấn khích nội dung nơi
trái tim liền tức khắc thành thơ, những vần thơ ấy nhiều khi mâu thuẫn với
chính tư duy của mình" (nguyennguyenbay.com).
Cũng nhờ sự mâu thuẫn đó, cũng giống như trong nghề làm gốm, một bình gốm bị
"hỏa biến" tức là không làm chủ được nhiệt độ thì sản phẩm bị hỏng,
nhưng cũng có lúc lại tạo ra sản phẩm kỳ lạ độc nhất vô nhị, tác phẩm thơ đôi
lúc thăng hoa không ngờ. Trong thơ NNB, ta gặp không ít trường hợp như vậy.
Trong bài "Hello" gần đây nhất ta có thể nhận ra: tất cả những màu
sắc rực rỡ hay xám xịt, những tiếng khóc tiếng cười , những chuyện vui – buồn,
cũ – mới trong cuộc đời này, từ nước Việt xa xôi đến những bang của nước
Mỹ… đều có thể ném vào hai câu thơ sau đây như một cái “thùng không đáy”: “Chỉ
thấy chữ múa chữ hát chữ hôn chữ làm tình chữ gục đầu chữ khóc” (câu đầu bài )-
“Người viết những dòng nhật ký này hello cùng tiếng nức nở trong lòng” (câu cuối bài). Lúc đó, hình như người
đọc cũng vô tình phải làm thơ theo anh, cũng đang muốn "hello" với
một giọt lệ cay trong đáy mắt… Trong tập “99 khúc tặng Liên”, nếu bình tĩnh đọc
và nghiền ngẫm dễ nhận thấy: mọi tâm tư, mọi nhận xét, mọi kiến thức, mọi thi
hứng... của NNB dường như được liên kết lại trong/ và nhờ một trường cảm xúc -
liên tưởng khá đặc biệt mà từ đó, tác giả phiêu du vào cõi Mộng; và cái cõi
Mộng này (nhiều lúc kèm theo Ảo) thực ra cũng chỉ là hồi quang của ấn tượng
lịch sử, của kinh nghiệm trường đời từng được lặn sâu trong mạch đời sống tâm
hồn Dân Tộc. Đó là sợi tơ lòng thầm kín nhất, nhạy cảm nhất, và có thể nói là
đắm đuối nhất kể từ những năm tháng người thơ được "bú mớm" bởi
tình thương của các bà Tiên trong "Kinh thành cổ tích", để lúc nào
cũng sẵn sàng ngân lên thành lời ân nghĩa, thành "Thơ Dâng" (Tên một
tập thơ nổi tiếng của thi hào Ấn Độ R.Tagore). "Giữa âm dương mung
lung" và đạn bom, máu chảy của những năm tháng chiến tranh khốc liệt,
người thơ cũng vẫn dành những khoảnh khắc của "ngày xưa cổ tích" trân
trọng đem đến cho Tình Yêu:
Tôi
kịp lên thuyền
Hợp sức cùng em vượt thác
Cảm động tình Bích Câu thuở trước
Em là tranh Tố nữ làng Hồ
Tôi hân hoan đón kỳ ngộ bây giờ
Nhật nguyệt yêu mưa phùn gió bấc
(Ca trù mùa thu)
Đây không chỉ là một tập Thơ Tình hiểu theo nghĩa hẹp, bởi toàn bộ câu chữ và
tâm tư tác giả đã minh chứng hùng hồn cho cái điều giống như tuyên ngôn Thơ và
tuyên ngôn Tình Yêu này:
Hỡi quá khứ với bao nhiêu mặn chat
Ngươi cũng là vị biển của tình yêu
(Biển đổ chiều)
Cái trường cảm xúc - liên tưởng đã nói ở trên góp phần quan trọng tạo nên một
người thơ NNB không giống ai, nó tựa một thứ "tâm trạng mỹ học đặc biệt
" được nhiều nhà nghiên cứu văn học & nghệ thuật đã nói đến, tiêu biểu
là của tác giả E. Weber: "Tảng đá tư tưởng rơi vào tâm trạng này và làm
dấy lên những đợt sóng tinh thần, những đợt sóng này vươn tới sự biểu hiện bằng
ngôn ngữ và sẽ phải trở thành Thơ..." (Theo "Tâm lý học sáng tạo văn
học"- M. Arnaudov, Nxb Văn học, 1978, tr.536).
Trong lúc say sưa "Chuyền
tay chữ hát xuống thuyền", thơ NNB không phải bài nào cũng
"đắc ý" làm thỏa mãn người đọc, thậm chí có những câu - đoạn mà nếu
tôi được làm biên tập sẽ yêu cầu cắt bỏ không thương tiếc, ví như: "Ôi
lớn lao quá đỗi/ Cuộc tình sông núi ta/ Hề chi ngã bảy ngã ba/ Khi non sông hát
bài ca xum vầy..." (Hỏi
đường). Nhưng, ngay cả những sự non nớt đôi khi của câu chữ như thế trong Núi
Thơ NNB (xin lỗi trước nhà thơ NNB) cũng đã trở thành kỷ niệm máu thịt trong
kho "Lưu trữ yêu" của đôi vợ chồng thi sĩ có thân phận khá đặc biệt
này.
Để kết thúc bài tranh luận nhỏ với ông PTC, tôi xin được trích lại một nhận xét
(hay là băn khoăn) của một người bạn, nhà thơ - nhà nghiên cứu văn học hải
ngoại Đỗ Quyên: "...dường
như ở Thơ và Người Thơ NNB có sự chen lấn nhau, khiến cho Thơ (văn bản) bị
Người Thơ cưỡng bức... Hay tác giả coi đời sống thơ như một thứ đạo, mà tác
phẩm chỉ là phó sản của Sống Đạo? Thiển ý, đây là nút để mở thơ NNB ra
đọc." (Thư điện
tử). Cảm ơn bạn Đỗ Quyên!
Sau rốt, tôi cũng rất biết ơn tác giả PTC đã có một bài viết công phu, nhiều
khám phá về thơ NNB khiến tôi buộc phải mở tập “99 khúc tặng Liên” ra để đọc
lại, ngẫm nghĩ, và rút ra được thêm nhiều điều bổ ích cho tinh thần...
Hà Nội, đầu tháng 5-2013
Đạo
diễn-nhà báo Nguyễn Anh Tuấn
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại ngày 09/08/2015
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 09/05/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng
Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét