Home
» Thư viện văn xuôi
» Truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân (Hải Phòng): Chân dung/ Vũ điệu của cái bô/ Người đàn bà đợi... /
Truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân (Hải Phòng): Chân dung/ Vũ điệu của cái bô/ Người đàn bà đợi... /
Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014
Chân
dung – Truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân (Hải Phòng)
Ngày 19/08/2011
Họa sĩ
Phát tỉnh dậy lúc trời vừa sáng. Đầu ông đau nhức. Đêm qua ông vừa mơ thấy mình
ngồi trên một cỗ xe ngựa, thứ xe ngựa vẫn thường thập thò ở cửa ô vào chạng
vạng tối rồi biến mất lúc phố lên đèn để trốn phạt vi cảnh. Cái đuôi ngựa biến
thành bút vẽ chạy trốn trước mặt ông, nổi khùng và cười cợt. Còn ông và con
ngựa thì cứ đổi chỗ cho nhau sau mỗi chặng đường dài. May thay, sau khi rửa mặt
xong thì ông thấy nhẹ mình, cơn mộng mị đã hòa tan vào thứ nước nhờ nhờ trong
cái chậu nhỏ.
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác
giả Nguyễn Quang Thân
Họ
tên thật Nguyễn Quang Thân
Hội
viên Hội nhà văn Việt Nam
Địa
chỉ: TP. Hải Phòng
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
CHÂN
DUNG
Họa
sĩ Phát tỉnh dậy lúc trời vừa sáng. Đầu ông đau nhức. Đêm qua ông vừa mơ thấy
mình ngồi trên một cỗ xe ngựa, thứ xe ngựa vẫn thường thập thò ở cửa ô vào
chạng vạng tối rồi biến mất lúc phố lên đèn để trốn phạt vi cảnh. Cái đuôi ngựa
biến thành bút vẽ chạy trốn trước mặt ông, nổi khùng và cười cợt. Còn ông và
con ngựa thì cứ đổi chỗ cho nhau sau mỗi chặng đường dài. May thay, sau khi rửa
mặt xong thì ông thấy nhẹ mình, cơn mộng mị đã hòa tan vào thứ nước nhờ nhờ
trong cái chậu nhỏ.
Ông
điểm qua công việc ngày hôm nay. Tám giờ, đến dự khai mạc phòng tranh của nữ
họa sĩ B. Tuy không giữ chức vụ gì trong chính quyền hay Hội Mỹ thuật, nhưng
những dịp như thế này ông vẫn được mời để khích lệ những tài năng trẻ. Chín
giờ, một cô bạn gái ít tuổi hơn ông rất nhiều, một cô bạn tâm tình - xin nhắc
lại, cô bạn tâm tình, nhưng đã gây cho ông nhiều tai tiếng không hay - đã hẹn
ông đi vẽ ở một nơi nào đó mà cô ta giữ bí mật đến phút chót. Có thể là một
ngôi chùa hay chỉ là cái quán cà phê cách nhà ông khoảng mươi bước. Tùy theo
cảm hứng thất thường của cô ta. Giá như hôm nào khác thì có thể viện cớ từ chối
cuộc hẹn này, nhưng hôm nay, sau khi đã dự khai mạc phòng tranh của nữ họa sĩ
B, thì không thể được. Ông tin vào linh cảm trong sáng của mình, nhưng mãi mãi,
mỗi lần nhìn thấy mái tóc ngắn ốp sát vào đầu rất đúng mốt của cô ta, ông vẫn
thấy tim mình se lại, trái tim độc thân run rẩy suốt một đời người.
Buổi
chiều ông đã hẹn vẽ chân dung cho Huấn, một người bạn.
Có
thể nói buổi hẹn này là một sự kiện trong đời họa sĩ Phát. Ông ít khi vẽ chân
dung cho ai. Thành ra, mỗi lần ông vẽ về ai thì giới họa sĩ đông đảo trong
thành phố ngóng chờ một tác phẩm giá trị nữa của người họa sĩ bậc thầy sẽ ra
đời. Cũng vì một bức chân dung mà ông đã khổ sở bao nhiêu năm. Đó là chân dung
"cô bạn tâm tình" ít tuổi. Ông đã quen cô trước đó khá lâu, đã bao
lần im lặng ngắm khuôn mặt trẻ trung nao lòng người ấy, ông đã tưởng mình đếm
được hết những sợi tóc đen nhánh, ngắn cũn cỡn ốp sát một mái đầu xinh tròn.
Rồi ông cầm lấy bút vẽ. Bức chân dung làm mọi người sửng sốt và nhanh chóng nổi
tiếng. Cô gái thì lặng người đi. Cô kể lại rằng, lúc nhìn thấy nó lần đầu tiên
cô muốn quỳ xuống phó mặc cuộc đời mình cho người họa sĩ đứng tuổi. Nhưng may
mà cô đủ trấn tĩnh lại được. Ai cũng ngạc nhiên vì sao cô lại không yêu ông,
người cô hằng hâm mộ. Tuổi tác cách biệt chưa lấy gì làm quá đáng, vả lại, điều
đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ có cô gái thì mới hiểu vì sao cô không yêu
ông. Làm sao người ta có thể yêu một người quá hiểu mình, hiểu đến mức có thể
vẽ lên những run rẩy mong manh nhất của tâm hồn cô lên tấm vải. Cô đi lấy chồng
đột ngột. Người họa sĩ thì biết trước điều bất hạnh của mình, bởi vì, cô gái
bằng xương bằng thịt của ông đã chết, chỉ còn bức chân dung là đang sống, bây
giờ ông chỉ còn run rẩy trước bức vẽ ấy nữa mà thôi: "Tôi vẽ chân dung lên
miếng da lừa của đời tôi". Đúng vậy, mỗi lần vẽ chân dung cho ai là ông
đang lấy cuộc sống của mình thổi vào màu và vải.
Vậy mà chiều nay, ông sẽ vẽ chân dung cho
Huấn.
-
Thưa bác, nước đã sôi rồi ạ.
Đứa
cháu gái đặt lên bàn trước mặt ông phích nước có cái nút nhựa màu đỏ chói, cái
nút phích làm vui lên cả căn phòng.
-
Cháu để bác pha trà cho. - Ông nhìn cháu âu yếm. - Cháu đi học cho kịp giờ. Nhớ
ăn sáng đấy nhé.
-
Dạ.
-
Nhớ ăn sáng đấy nhá. - Ông dặn với ra cửa khi chỉ còn vọng lại tiếng dép của
đứa cháu bước xuống cầu thang.
Cái
nút phích và tiếng nước reo trong lò bếp làm vui xưởng vẽ, còn đứa cháu gái,
cái con Đức đáng thương là niềm vui không bao giờ cạn của chính đời ông.
Bố
Đức là kỹ sư, em trai ông. Nó đi một mạch từ xưởng lắp vô tuyến vào chiến
trường B2 và không bao giờ trở về nữa. Mẹ Đức đi lấy chồng hai năm sau ngày
miền Nam giải phóng. Ông khóc em trai với đôi mắt ráo đờ đẫn. Rồi nung nấu hy
vọng làm nó sống lại trong một bức chân dung. Ông đã thử nhưng nhiều lần thất
bại. Rõ là ông không thể vẽ chân dung qua trí nhớ như một số họa sĩ khác. Đối
với ông, vẽ là dùng ánh sáng của trái tim mình soi sáng người được vẽ. Ngược
lại, ánh sáng của tâm hồn người mẫu đã giao thoa cùng cái nhìn của họa sĩ mà
làm nên bức tranh. Sự thật hiện ra, màu và vải bỗng có linh hồn, những đường
nét ước lệ bề ngoài giả dối, cái hình thể vẫn dùng để ăn, để uống, để nói những
lời ngon ngọt hay cay độc rơi xuống. Sự thật của đám mây chính là cơn mưa.
Họa
sĩ Phát bước ra phố. Đức đang đi một cách nhẫn nhục trên hè phố bên kia vì quá
sợ những chiếc xe máy mới tinh đang vút trên đường. Ông nghĩ rằng chân dung đứa
cháu mồ côi sẽ là bức vẽ cuối cùng của đời ông. Dù là một người khiêm tốn, ông
vẫn tin rằng tài năng của ông cộng với nỗi đau của đứa cháu sẽ làm bức chân
dung cuối cùng ấy bất tử.
*
* *
Ông
không thể chợp mắt một chút vào giữa trưa, dù buổi khai mạc phòng tranh và cô
bạn tâm tình đầy quyền lực đã làm ông quá mệt. Ông căng lại toan, rửa bút, đặt
lên bàn những lưỡi dao có cán bằng chất dẻo màu ngà. Ông đóng rồi mở mấy cái
cửa sổ, kéo lê cái ghế mây trên sàn từ chỗ này đến chỗ kia mà vẫn chưa tìm ra
được chỗ nào ưng ý để Huấn sẽ ngồi vào đó. Ông không hề đặt cho mình một nguyên
tắc nào về ánh sáng khi vẽ. Ông cứ kéo cái ghế, đến một chỗ nào đó ông liền ấn
nó xuống như ấn một đứa trẻ vào chỗ trong lớp học. Lúc đó, căn phòng nhỏ bề bộn
- cái xưởng vẽ - đã hoàn toàn đổi khác, chan hòa một thứ ánh sáng khác, một bầu
không khí khác. Cành phượng già nua vẫn thường rủ xuống cửa sổ như được ban
linh hồn, sột soạt. Ông ngồi trước giá vẽ chờ Huấn tới, trầm ngâm trong cảm
giác êm dịu của sáng tạo.
Ông
nghe tiếng xe từ đầu phố. Một chốc sau, Huấn vào. Anh chưa một lần nào ngồi xe
đến tận nhà bạn mà thường là đi bộ một quãng. Họa sĩ Phát không hiểu vì sao anh
lại làm thế và ông thấy mình quả thật vụng về trong đối xử với người đời.
-
Anh! - Huấn mở cửa tự nhiên, chào khẽ.
-
Mời ngồi. - Ông Phát chỉ vào cái ghế mây.
Nghe
tiếng một con ong lạc vào phòng đang vỗ cánh.
Huấn
ngồi vào ghế. Anh chỉ thua họa sĩ Phát một hai tuổi nhưng trẻ hơn nhiều. Khuôn
mặt anh dài dài, mái tóc rủ về một phía, vừa đủ phủ lên đuôi con mắt một bóng
râm nhẹ, mơ hồ. Trên miệng Huấn bao giờ cũng có một nụ cười hòa nhã với hai hàm
răng nhỏ và trắng. Huấn hơi bối rối vì cái ghế mây đang muốn giẫy giụa dưới
thân hình bắt đầu mập ra của anh. Đây là lần đầu tiên anh ngồi cho họa sĩ vẽ
chân dung mình, anh không biết để đôi bàn tay với những ngón tay dài và trắng
như tay con gái vào đâu. Trông anh lúng túng như một con mèo muốn thu mình lại
nhỏ nhất trước khi vồ một con chuột lớn.
Anh
muốn bắt chuyện, muốn nói vài câu xã giao mà anh quen miệng khi tiếp xúc với
giới của anh. Nhưng ông Phát chỉ nhìn anh và tẩn mẩn gọt bút chì. Có thể ông
không cần dùng đến bút chì, nhưng ông vẫn gọt cái lõi chì thật nhọn. Ông chăm
chú gọt, chăm chú nhìn bạn mình và nhớ lại tình bạn giữa hai người. Vài chục
năm đã qua. Hồi đó cả hai cùng ngồi một bàn, dưới một mái trường, cùng được
thầy Hoàng yêu mến. Rồi thầy Hoàng biến mất trước ngày cách mạng tháng Tám nổ
ra. Bạn bè cũng mỗi người một nơi trong cơn bão của chiến tranh và cách mạng.
Tình cờ cơn lốc lại xô cả ba người trở lại thành phố quê hương lúc mỗi người đã
có riêng phận mình. Thầy Hoàng trở thành cán bộ cách mạng chuyên nghiệp, phụ
trách một cơ quan lớn trong thành phố. Huấn đi theo con đường của thầy. Do khả
năng tháo vát, mềm mỏng, được thầy dìu dắt và tin cậy, anh thăng tiến khá nhanh
và trước đây vài tháng vẫn làm ông phó cho người thầy cũ. Gần đây, Huấn lại đạt
được đỉnh cao trong chức vụ mới. Thầy Hoàng mất đột ngột. Huấn lên thay. Mọi
người ngơ ngác, cả cơ quan như mồ côi trước cái chết của thầy, nhưng không ai
ngạc nhiên gì về việc Huấn được ngồi vào chiếc ghế bỏ trống ấy. Riêng họa sĩ
Phát, khi nghe tin người thầy cũ mất thì hết đỗi bàng hoàng và ân hận vì đã
không vẽ được một bức chân dung cho con người mà ông hết lòng quý mến. Ông cũng
trách mình là đã ít đến thăm thầy, nào ông có ngờ được bước chân thần chết
thường nhanh hơn mọi dự định của người đời. Mọi sự không hay không phải, chỉ vì
quá miệt mài với nghệ thuật! Vì vậy, khi Huấn mời ông đến thăm ngôi nhà mới
dược phân phối sau ngày anh lên chức và ngỏ ý có một bức chân dung để treo
trong phòng ngủ, ông nhận lời ngay. Ông cảm thấy việc làm này có thể chuộc được
phần nào sự vô tâm trước đây với những người thân cũ. Ông cũng biết rằng, một
bức chân dung có chữ ký của ông là kỷ niệm có thể làm ấm lòng bạn bè, nếu một
người bạn tốt, một người tốt như Huấn thì ông đâu tiếc gì thì giờ và chút tài
mọn! Ông vui mừng khi nghe tin Huấn lên thay vị trí của thầy Hoàng, vui mừng
thật lòng, tuy ông không quan tâm lắm đến cái thang biểu giá trị ấy. Ông đã có
chút thành công trong nghệ thuật và cũng mong bạn bè trong các lĩnh vực khác
đạt được điều họ xứng đáng được hưởng. Mong đừng ai bị oan trái, bị bỏ quên
trong cuộc đời bận rộn, chật chội này.
Vậy
mà sau ngày thầy Hoàng mất, không phải ai cũng nghĩ như ông. Lần đầu tiên lọt
vào tai ông những lời bóng gió, phải rồi, đó là một buổi chiều buồn bên
"cô bạn gái tâm tình" trong quán cà phê. Ở bàn bên cạnh, hai người
nào đó đang trầm ngâm, to nhỏ về cái chết của thầy Hoàng và việc lên chức của
Huấn. Cô bạn gái bấm ông, nhắc ông lắng nghe, nhưng ông uống một hớp hết ly cà
phê và đứng dậy. Cái thói quen ghen tỵ thường mọc nhanh như cỏ trên mặt đất,
hơi đâu.
Giờ
đây kỷ niệm thuở học trò đang sống lại và ông vẫn gọt cái bút chì không bao giờ
dùng đến của ông. Ông im lặng, gọt bút chì, ngắm bạn và nói thầm với bạn những
câu tốt đẹp không thành lời.
Và
ông bắt đầu vẽ.
Ông
quệt phông, đi những nét đầu tiên. Từ đó là một sự câm lặng hoàn toàn. Chỉ có
tiếng thở hấp hổi như họa sĩ đang đánh vật với một con rắn vô hình nào đó, đốm
lửa của điếu thuốc lá thỉnh thoảng lại rít lên khe khẽ. Lưỡi dao và bút vẽ lướt
trên vải như một hơi thở nhẹ, ông vẫn nói đùa rằng người họa sĩ vẽ chân dung
chỉ khác thợ cắt tóc ở chỗ không nói chuyện trong khi làm việc. Im lặng, đó là
ánh sáng, là suy tư, là cuộc đời người mẫu in dấu với muôn vàn rối rắm phức
tạp. Cả lớp ánh sáng trong căn phòng này cũng đã đổi khác rồi, đã được pha trộn
cùng với phản quang của tấm vải với những nét màu còn ướt với những đường nét
gấp khúc. Khuôn mặt Huấn cũng đang biến đi, đường nét làm nên khuôn mặt ấy vỡ
vụn, biến sang một hình thể khác, lên dần trên tấm vải. Nó đang hiện dần lên
dưới mắt ông, nó bắt đầu động cựa và phát ra thứ ánh sáng của riêng nó, cái
quán cà phê một buổi chiều sa mù che phủ, cô bạn gái bấm vào tay ông, mặt cô
hơi biến sắc, tiếng to nhỏ của hai người ngồi bàn bên cạnh, mắt họ mờ ảo lẫn
lộn trong khói thuốc lá, ở trong quầy bà chủ quán than phiền về con mèo, tiếng
ruồi vây vo quanh lọ đường... lúc đó ông đã đứng dậy và bước ra cửa, hai người
đàn ông nhìn theo, chắc là họ đâu có biết ông quen Huấn.
Ông
lùi lại mấy bước, nhìn chếch ngang khuôn mặt đã hình thành trên giá vẽ.
Ông
bàng hoàng. Cái gì đang ở trước mặt ông đây? Đúng là Huấn. Huấn đang nhìn ông
chứ không phải ai khác. Nhưng sao lại có những nét này? Cái vạt đen này ở đâu
ra? Và con mắt phải của Huấn như bị vỡ ra từ bên trong, từ đó chảy xuống một
vệt màu xám làm gò má bị bỏng rộp lên, chính cái vệt màu xám này đã làm thịt da
trên má bị thối rữa. Ông vật vã pha một vệt dầu màu lam, ông hy vọng, ông đưa
một đường dao đè lên, giá như vệt xám ấy là nước mắt? Nhưng không có nước mắt
trên khuôn mặt ấy, thứ nước chắt lọc từ lòng trắc ẩn và nhân hậu. Tia nhìn độc
địa từ con mắt bên phải của Huấn càng làm nửa mặt bên trái tối lại, có một
chuyện cổ tích mẹ kể ngày xưa, xa lắm rồi, về con quỷ nhốt trong nhà, ông đã lỡ
tay mở nhầm nút hũ và con quỷ bước ra, đang nhảy múa trên bức chân dung vừa
hình thành. Ông lấy bàn tay phải bóp mạnh vào cổ tay trái như để trừng phạt nó
(ông vẫn dùng tay trái để vẽ). Nhưng vô hiệu, chẳng cứu vãn được cái gì. Ông
lấy hai bàn tay ôm mặt, quẳng con dao có cái cán bằng nhựa màu ngà xuống sàn,
mệt mỏi ngồi xuống cái ghế thấp vẫn dùng ngồi uống trà.
Ông
đẩy nhanh cái bàn nhỏ đựng đồ trà và kéo theo chiếc ghế đến sát chỗ Huấn ngồi.
-
Uống nước đi, nghỉ một chút.
Huấn
có vẻ sốt ruột, nhưng anh tế nhị không nhìn vào bức vẽ dở dang, vả lại bây giờ
nó đang bị thân hình to lớn, cái lưng hơi gù của họa sĩ che khuất. Anh cầm lấy
cái chén trà nguội tanh.
-
Mãi đến giờ mình vẫn chưa quen được chuyện thầy Hoàng mất.- Ông Phát chợt nói.
-
Biết làm thế nào được? - Huấn khẽ nhún vai.
-
Thật không ngờ.
-
Tất cả mọi người chỗ chúng tôi đều không ngờ.
Hai
người cùng uống trà, nghe được tiếng trà chảy nhẹ nhàng trong cổ. Và nụ cười
không thành tiếng của Huấn nở ra, kéo dài mãi ra rồi mờ đi trước mắt họa sĩ, nụ
cười mới dễ mến và gây cảm giác tin cậy làm sao. Ông Phát đứng dậy, lùi một
bước về phía sau, nhặt con dao lên.
Ông
cạo lớp sơn chưa khô bên phải khuôn mặt với cử chỉ dứt khoát của bàn tay nổi
những đường gân và mạch máu hãy còn nhịp của tim và hơi thở. Vệt màu xám biến
mất ở chỗ con mắt bị vỡ bây giờ là một khoảng trống. Trộn một gam màu mát hơn,
ông đi những đường dao mềm mại, không rời mắt khỏi khuôn mặt và nụ cười của
Huấn, ông tái hiện lại những đường nét với sự hồi hộp lan dần. Ông miệt mài đến
nỗi chiều xuống lúc nào không hay. Khi vạt nắng tắt trên cửa sổ, ông vội lùi
lại mấy bước, nhìn chếch ngang khuôn mặt đã thành hình trên giá vẽ.
Cả
người ông run lên. Có phải chính mắt ông vừa nhìn, tay ông vừa vẽ đấy không,
hay là một ai khác? Vẫn đôi mắt như cũ, cái nhìn sắc lạnh của mắt trái, mắt
phải vẫn vỡ ra, và vệt xám ông cố tình xóa đi, che lấp đi trên gò má thối giữa
của người chết đuối bây giờ lại hiện ra tuy có mờ ảo hơn, nhờ vậy đó đạt đến
mức tinh tế mà bất kỳ họa sĩ bậc thầy nào cũng mong muốn. Con quỷ nhảy múa
trên bức chân dung bây giờ lại có vẻ ngạo mạn hơn vì ông đã chạy chữa, đã làm
hết sức mà không xua nổi nó.
Trong
giây lát ông hiểu rằng bức chân dung đã quá thành công, ông không phạm sai lầm
gì về nghệ thuật bố cục và ánh sáng. Ông đã vẽ đúng cái cần vẽ: sự thật về một
con người.
Bây
giờ thì chẳng biết trách cứ ai ngoài tài năng thiên bẩm rất hiếm khi hiện ra
với ông toàn mỹ như lần này. Cưỡng lại sự thật là một trọng tội, ông hoảng hốt
lấy tấm vải mềm vẫn dùng để lau tay phủ kín bức chân dung, ông biết rất hiếm
người thích nhìn sự thật của chính mình.
Buồn
vã và mệt nhoài, ông ngồi xuống ghế. Huấn đứng dậy, nụ cười cố hiện trên môi,
anh bước lại gần bức chân dung. Họa sĩ Phát khoát tay: "Đừng, chưa
xong!" và trước đôi mắt ngơ ngác của bạn, ông nhấc tấm toan ra khỏi giá,
úp vào tường.
Đứa
cháu gái họa sĩ đặt lên bàn một phích nước mới đun, bỏ thêm chè vào ấm, phòng
vẽ thoang thoảng mùi nhài dịu ngọt. Huấn đưa tay kéo Đức vào lòng mình, vuốt
mái tóc mềm nhưng ken dày của nó.
-
Ồ, cháu tôi, mới đó mà... - Anh nói với nụ cười dịu dàng.
Đức
nép người vào anh, đôi mắt sáng ngời của nó đầy tin cậy và cảm thông. Nó nhìn
bác nó như muốn nói với ông: "Bác ơi, bác Huấn tốt làm sao, dịu dàng làm
sao, bạn của bác người nào cũng tốt...". Chính cái nhìn ông Phát vừa đọc
được ý nghĩ ấy đã làm ông bối rối, mất hẳn sự tự tin ông vừa có lúc nãy, sự tin
tưởng vào cái khoảnh khắc mà thiên tài đã hạ cánh xuống đôi bàn tay ông. Bởi
vì, làm sao cái con người ông thường nghĩ tới với những kỷ niệm dịu dàng, cái
nụ cười ngọt ngào kia lại có thể hiện ra trên tấm vải như thế được. Có sự phản
trắc nào đây? Hay chính ông đã phản bội bạn mình, hay đôi bàn tay khó bảo bắt
đầu xơ cứng của ông đã phản ông?
-
Cậu có nhớ trăm ngày thầy Hoàng, đúng vào ngày nào không?- Ông hỏi.
-
Hai mươi ba tháng chín này. - Huấn trả lời qua loa, anh đang nóng ruột muốn
nhìn qua bức chân dung của mình một tý. Rồi anh sẽ treo nó trong phòng ngủ, nó
sẽ tâm sự với anh mỗi sáng, mỗi chiều, đó là một giọt mật thêm vào cái bình
hạnh phúc trọn vẹn của anh.
-
Kể ra thầy mất hơi sớm, một tài năng và một tâm hồn hiếm có. - Họa sĩ nói.
-
Nhồi máu cơ tim. Cũng là bình thường ở cái tuổi của thầy. Người ta đã làm giám
định pháp y rất kỹ. - Huấn nói nhanh.
Ông
Phát nhớ lại buổi chiều ấy ở quán cà phê, hai người đàn ông ngồi cạnh thì thầm,
cô bạn gái tâm tình thì bấm vào cánh tay ông đau nhói. Nhưng ông không nhớ được
gì hết, ông chỉ nhớ là lúc đó bà chủ đang than phiền về hạnh kiểm của con mèo.
Hình như những lời lẽ âm mưu của người đời không lọt được vào tai ông.
-
Thầy có bị xúc động gì không? - Ông hỏi Huấn.
-
Theo tôi thì không. Cả cấp trên lẫn cấp dưới đều kính trọng thầy.
-
Thầy đã chết. - ông Phát nói một câu gần như vô nghĩa, ông chữa lại. - Một con
người độ lượng và bao dung.
Và
ông khóc với đôi mắt ráo. Nước mắt ông chảy đâu đó trong lòng ông.
-
Thế này nhé - ông nói tiếp - ngày mai cậu đến Chung, nhờ anh ta chụp hộ một cái
portrait, cỡ vừa thôi.
Ông
nói rằng ông cần một bức ảnh chụp của Huấn để hoàn thiện bức vẽ. Chung là người
bạn thân của cả hai người, là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh hiếm hoi biết
đưa nghệ thuật nhiếp ảnh lên ngang tầm hội họa.
Họ
uống trà và trao đổi mấy câu về người nghệ sĩ nhiếp ảnh, và bức chân dung Người
Mẹ của Chung được giải thưởng cao tại một cuộc thi quốc tế. Một tờ báo nước
ngoài dạo đó viết: "Tác giả bức chân dung đã biết chọn thời điểm mà tất cả
tâm hồn sâu thẳm của người mẹ Việt Nam hiện ra bên ngoài cái vỏ bình thường của
khuôn mặt, đó là điều chỉ những thiên tài hội họa mới có...". Chính vì nhớ
lại những lời đánh giá này mà ông Phát muốn có bức ảnh chụp của bạn ông.
*
* *
Họa
sĩ bước xuống đường. Từ lâu ông ít khi đi xe đạp. Trong những chuyến đi vẽ xa,
ông thường đi xe hàng, sau đó đáp xe ngựa hay đò dọc về một vùng quê hay một
công trường ở nơi hẻo lánh nào đó. Trời chưa hết nóng mà đã nghe thấy bước chân
nhẹ nhàng của mùa thu. Gió thổi trên đường phố, một thứ gió pha trộn heo may và
nam nồm, mát dịu nhưng làm da mặt hơi se lại. Trong gió, đường phố bao la hơn,
gió tạo ra những lăng kính bụi làm mặt trời trở thành đỏ úa và những ngôi nhà
cao lùi xa như đụng phải chân mây. Cái ảo giác và sự xa vời ấy làm mọi người
xao xuyến, thấp thỏm chờ đợi mùa thu. Trong không gian có cái gì chưa được xác
định rõ của buổi giao mùa làm họa sĩ thảng thốt. Lá cây đã bớt xanh tươi nhưng
chưa trở vàng, những thảm cỏ trong vườn hoa không còn vẻ mơn mởn dễ dãi, da
những cây phượng bên đường nứt nhỏ li ti màu xám. Mấy ngày nay ông Phát cảm
thấy tâm trạng bất yên. Có lúc ông nghi ngờ tài năng của mình, lúc khác ông
thấy mình hơi tàn nhẫn. Bức chân dung của Huấn vẫn được cất kín trong tủ, ông
không giở ra lần nào vì không giây phút nào ông không bị nó ám ảnh. Cuối cùng
ông tìm đến nhà Chung. Ông tin chắc rằng Chung sẽ không từ chối chụp chân dung
cho Huấn và có lẽ bây giờ công việc phòng tối đã xong. Thật lạ khi một họa sĩ
có biệt tài vẽ chân dung lại quan tâm đến một tấm ảnh chụp như thế.
Khác
với căn gác hẹp và cao của họa sĩ Phát, nhà nhiếp ảnh có một cơ ngơi to rộng
hơn với vườn cảnh, mấy gian nhà một tầng lợp ngói mũi cổ xưa, những lối đi giữa
vườn rải xỉ than màu lam nhạt. Chung kê một bộ bàn ghế mây giữa sân, pha trà
mời bạn. Ông Phát không buồn nhấc chén trà thoảng mùi nhị sen, hỏi:
-
Ông cho tôi xem tấm ảnh của Huấn.
-
Chưa xong đâu. - Chung đáp.
Ông
Phát nhìn vào mắt bạn, biết chắc là Chung vừa nói dối. Ông hồi hộp nhìn vẻ bối
rối của Chung. Mặt Chung tái xanh, vẻ tự tin, bặt thiệp vốn có của người nghệ
sĩ nhiếp ảnh không còn nữa, anh lúng túng, chán chường như một ca sĩ lừng danh
vừa hát sai bài hát tủ của mình trước những người hâm mộ.
-
Ông nói dối. - Ông Phát khẳng định. - Cho tôi xem đi. Tôi cần xem mà.
Không
chống chọi nổi đôi mắt nhìn như xuyên suốt của người họa sĩ nổi tiếng, Chung hạ
giọng:
-
Tôi làm hỏng bức ảnh rồi.
-
Những nghệ sĩ thiên tài thường không phán xét được tác phẩm của mình đâu, chính
Goethe đã nói như vậy đấy. Cho tôi xem bức ảnh. - ông Phát nằn nì.
Họ
vào nhà. Chung rút trong tập giấy ra một bức ảnh cỡ vừa. Ông Phát tưởng như tim
mình đang đứng lại. Trong tay ông, bức ảnh như được chụp lại từ tấm chân dung
màu dầu đã làm ông mất ăn mất ngủ mấy hôm nay. Vẫn con mắt như vỡ ra, cái má
thối rữa và vết đen không phải nước mắt mà là bóng tối âm u phủ lên một nửa
khuôn mặt, một khuôn mặt tội đồ - Ông Phát nghĩ - bóng tối và tội đồ, tội đồ,
những ý nghĩ này vừa mới chợt hiện ra trong đầu ông.
-
Anh là một nhà nhiếp ảnh thiên tài. - Ông đặt tấm ảnh lên mặt bàn, lặng lẽ nhìn
Chung.
Nhà
nhiếp ảnh không biết rằng đó cũng là câu ông Phát tự khẳng định mình sau mấy
ngày vật vã trong hoài nghi và do dự.
-
Tôi đã làm hỏng khuôn mặt tử tế và nụ cười của anh ta. - Chung bối rối.
-
Thật tiếc, nụ cười ngọt ngào... - Ông Phát tiếp. - Nhưng anh là một thiên tài.
Anh đã một lần nữa chọn thời điểm đáng thèm muốn. Có những điều chỉ có nghệ
thuật mới làm nổi, mới diễn đạt nổi.
- Đừng chế giễu tôi, tội nghiệp, anh Phát ạ.
-
Không, anh đừng nghĩ thế, người ta thường nói Van Gogh thiếu người mẫu nên ông
hay tự họa chân dung mình. Tôi cho rằng không phải như vậy. Mà bởi vì ông muốn
tự thú. Thôi, tôi về đây.
Họa
sĩ ra khỏi nhà bạn như chạy trốn. Đứa cháu gái mồ côi, đốm lửa cho chặng cuối
con thuyền đời của ông đang đợi ông ở nhà, có lẽ bữa cơm trưa đã dọn.
*
* *
Cuối
cùng, bằng cách nào đó, Huấn cũng đã xem được bức chân dung màu dầu và tấm ảnh
của mình. Cả người bạn họa sĩ của anh và nhà nhiếp ảnh đều nói rằng không hiểu
vì sao họ lại có thể làm ra một tác phẩm hỏng đến thế, họ xin lỗi anh và hứa sẽ
làm lại một cái khác, trong một dịp khác.
Huấn buồn bã về nhà. Anh không ăn cơm, ngồi
vào bàn và thấy lòng trống rỗng. Bất chợt gió lùa qua cửa sổ thổi tung một tờ
giấy đánh máy trên mặt bàn. Huấn cầm lên xem, thấy lưng mình lạnh ngắt, mồ hôi
túa ra dưới chân tóc. Anh bật diêm, châm lửa đốt tờ giấy. Nhưng không khí ẩm
ướt đầu thu và những ngón tay run rẩy đã phản anh: không một que diêm nào cháy
lên được. Huấn đành đút tờ giấy vào chỗ cũ rồi lấy một cuốn từ điển dày cộp đè
lên. Vẫn chưa yên tâm, anh lại đè lên một chồng sách nữa.
Anh
thường đánh máy thư từ, tài liệu làm hai bản và tờ giấy vừa bay ra là bản lưu của
một lá thư nặc danh đã dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim của người mà anh vừa thay
thế.
Bỗng
chốc anh hiểu ra và có lẽ anh là người duy nhất hiểu được cặn kẽ vì sao bức
chân dung lại như vậy.
(Nhà văn-dịch giả Ngọc Châu gửi
lên từ nguồn Nguyễn Quang Thân- Vanhoc family)
Ngọc Châu gửi đăng.
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập
nhật lại- ngày 19/08/2014
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 19/08/2011
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Vũ điệu
của cái bô – Truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân (Hải Phòng)
Ngày
12/05/2011
Thế là
không hy vọng gì nữa rồi. Nhà máy đóng giầy phá sản. Cả năm nay Hảo sẽ không có
việc làm. Đề tài, số tiền trợ cấp ban đầu và bản quyền bán cho nhà máy tan
thành mây khói. Khách hàng đã tẩy chay thứ giầy bong mũi của nhà máy trước khi
loại keo dán tuyệt vời của Hảo qua được bát quái trận thủ tục.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Nguyễn Quang Thân
Họ tên thật Nguyễn Quang Thân
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
Địa chỉ: TP. Hải Phòng
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
VŨ ĐIỆU CỦA CÁI
BÔ
Thế
là không hy vọng gì nữa rồi. Nhà máy đóng giầy phá sản. Cả năm nay Hảo sẽ không
có việc làm. Đề tài, số tiền trợ cấp ban đầu và bản quyền bán cho nhà máy tan
thành mây khói. Khách hàng đã tẩy chay thứ giầy bong mũi của nhà máy trước khi
loại keo dán tuyệt vời của Hảo qua được bát quái trận thủ tục.
Vậy
mà cũng phải ăn, phải gửi tiền cho con gái lên Hà Nội học thêm, phải nuôi cái
xe đạp tàng, hễ mó đến là ăn vạ tiền nghìn. Rồi chén cà phê đen buổi sáng, quên
nó một bữa là Hảo thấy mình đang mọc đuôi ra.
Thế
nào cũng phải làm một cái gì! Nhưng ngoài cái chuyên môn được ghi trong mảnh
bằng phó tiến sĩ, Hảo không biết làm gì khác. Cũng không thể như Tứ, hoạ sĩ ở
tầng dưới. Tứ thường không biết ngày mai mình ăn gì, ăn ở đâu. Tứ nói:
"Đói là con hổ, đừng nhìn nó, nhìn là nó vồ ngay".
Nhưng
Tứ đã bước vào phòng đúng lúc Hảo đang nghĩ đến anh, nhem nhuốc như cái xơ mướp
nhúng vào thùng bột màu.
-
Này cậu, có việc này hợp với cậu lắm. Nhưng pha cà phê uống cái đã.
Hảo
lóng ngóng múc cà phê vào phin. Hay là Tứ rủ mình làm bạc giả? Trông mặt y như
đang thu vén quần áo để vào Hỏa Lò.
-
Việc gì thế?
-
Giữ trẻ! Tháng một trăm tì, có ăn trưa. Được chưa?
-
Tốt quá! - Hảo nghi ngờ, chùm rẻ quạt toé từ mắt xuống đôi gò má.- Món thơm thế
đâu đến phần mình. Với lại cơ quan...
-
Thì đã bảo người ta cần mà. Chăn một thằng bé ba tuổi, nói tập toẹ. Vừa chăn
vừa dạy tiếng Anh để lớn lên biết đọc tên các công ty trong phố và phân biệt
được nhà vệ sinh nam nữ ở sân bay. Việc cơ quan thì để tớ gà cho. Đăng ký một
đề tài thật kêu, đại khái thế này: "Ném một cái nhìn vào quy trình chế tạo
keo dán mũi giầy ở địa phương ta", nhớ là phải có chữ ta, không cần xin
trợ cấp, xin hai năm ngồi nhà nghiên cứu, được chưa?
Không
bị Tứ rủ đi làm bạc giả là phúc rồi. Hảo đăng ký đề tài, anh có chữa lại vài
chữ của Tứ. Ném một cái nhìn, không được. Cuối cùng: Tiếp cận hyperbole tính
duy vật biện chứng... song ngữ: Faire une hyperbola... (tiếng Pháp) và To take
a hyperbole... cộng thêm hai trang đề cương (cũng song ngữ). Được rồi, rất có
e! Hảo qua mặt được chủ nhiệm ủy ban khoa học kỹ thuật tỉnh vốn trước là giáo
viên cấp II. Trong bản dịch đề cương tiếng Anh có mấy tiếng khó dịch, Hảo bịa
ra, nhưng chắc là ông không biết. Ông thường bắt cán bộ làm thuyết minh song
ngữ nhưng bản thân ông không phân biệt được tiếng Pháp với tiếng Anh, trừ tiếng
Nga nhờ những chữ N ngược kỳ lạ của nó. Ông nói: "Cậu khá lắm, tính tư
tưởng, tính địa phương, đề tài của cậu ưng cái bụng mình lắm rồi. Nhưng có xin
trợ cấp không đấy? Không hả. Tốt, nhớ khao nhé!". Ông ký một cái rẹt, chữ
ký như con bò cạp đang bò.
Thế
là Hảo có hai năm rỗi rãi. Sẽ khao, sẽ khao. Ông chủ nhiệm và cả Tứ nữa, những
nhà Mạnh Thường Quân của khoa học.
***
Một
chú chó Nhật sủa lách nhách rồi te tái luồn dưới chân hai người. "Ồ,
Mi-mô-sa, ngoan nào... Xin mời hai bác...". Chị chủ nhặt vội con chó lên,
nghi ngại nhìn cái ống quần lem nhem của anh họa sĩ dắt mối. Tứ xăng xái:
-
Tôi dẫn anh Hảo đến như đã hứa với chị. Bảy giờ tôi phải đi treo cờ mồng một
tháng năm. Xin hai vị cứ tự nhiên.
Hảo
nhìn chị chủ nhà. Chị đẹp, sang trọng và thừa thãi. o quần, mỡ phần, không gian
và thời gian.
-
Chắc anh Tứ đã nói với anh. Cháu cần một người có học trông nom, bố cháu nói ở
Nhật người giữ trẻ đều phải qua đại học. Tôi giao cháu cho anh ban ngày, anh ở
lại ăn trưa, ngủ với nó hai giờ mỗi ngày, nhất thiết phải cho nó ngủ hai giờ
như ở nhà trẻ. Và dạy tiếng Anh cho cháu. Tôi định mướn một cô giữ trẻ. Nhưng
chồng tôi lại muốn có một người đàn ông, anh ấy nói cháu phải có nam tính mạnh
mẽ để đua ganh với đời.
Mọi
việc đã xong xuôi. Chị nói: "Ban đầu hẵng biết thế. Còn sau này...".
Rồi chị nhìn xoáy vào mắt anh (anh khẽ rùng mình) khuôn mặt lặng lẽ, buồn chán
và sung mãn của chị bỗng bừng sáng. Có lẽ chị cũng có học, không phải loại mướn
vua về múa như anh nghĩ. Anh hỏi: "Cháu đâu?". Rõ ràng là chị đã quên
mất thằng bé. Chị ừ hữ: "Tôi cho cháu về bên ngoại. Anh cứ gọi nó là thằng
Cu. Chúng tôi vẫn gọi cháu thế cho dễ nuôi. Mai xin mời anh đến".
Sáng
hôm sau chị chủ nhà và thằng Cu đón anh ở cửa. Con Mi-mô-sa đứng cạnh. Nó có vẻ
ngạc nhiên khi thấy anh dám dắt một chiếc xe đạp như thế vào cái sân rải sỏi.
Chị thì nuột nà trong bộ mút-sơ-lin màu thiên lý, thoa sơ sài một lớp phấn mỏng
lên mặt. Chị đẩy thằng Cu lại cho anh: "Nào, Cu chào bác đi, chào thầy
đi!". Cố gắng như một cái máy không nhạy, nó nói: "Cháu chào cô
ạ!". Chị chữa: "Chả là tôi đã cho cháu vào nhà mẫu giáo mấy ngày. Con
nói lại đi, chào chú ạ!". Chị dẫn anh và nó sang một phòng nhỏ cạnh phòng
khách. Một cái bàn học cho trẻ. Chiếc đi-văng gỗ mà anh sẽ ngả lưng buổi trưa.
Cốc và những chai nước lọc. Chị nói: "Nghe anh Tứ bảo anh nói tiếng Anh
như người Anh phải không? Hôm nào về mà hai bố con bi bô được với nhau là anh
ấy mừng lắm. Anh ấy nói tiếng Anh như gió". Hảo định cải chính: "Tôi
nói tiếng Anh như người Việt" nhưng thằng cu đòi ị. Nó nhăn mặt, duỗi ra
và lấy tay bưng đít. Chị chủ nhà nói: "Bác để tôi" - chị nhăn mũi -
"Quên đưa vào đây một cái bô, bà Múi ơi!". Người nấu bếp chưa vào chị
đã bế thằng Cu ra ngoài. Lát sau chị vào, tay thằng bé, tay cái bô. "Dọc
hành lang một đoạn là toa-lét. Anh cứ đổ vào đó rồi giật nước là được".
Chị đặt cái bô vào góc nhà như người nhạc trưởng cất gậy lên giá. Điệu vũ chấm
dứt. Hảo nhìn cái biểu tượng nhà nghề trắng muốt, chỉ mong chị chủ nhà đi
khuất. Năm năm trước đêm nào anh cũng nằm mơ thấy mình trong bộ quần áo tiến sĩ
cổ truyền. Chị đưa anh hai chiếc chìa khoá: "Đây là khoá phòng. Đây là
cổng. Thỉnh thoảng bác dẫn cháu đi chơi, tuỳ ý bác". Rồi chị lên lầu, vẻ
tự hào đã hoàn thành nhiệm vụ người đạo diễn.
Hảo
hỏi thằng Cu: "Oát-x?-do-nêm?". Nó nhìn anh trân trân một giây rồi
tái mặt: "Đ... bu mày!". Nó tưởng anh vừa chửi nó. Phải nói là nó
chửi rất du dương. Ngày hôm nay phải dạy bằng được câu này cho nó.
"Oát-x?-do-nêm, tên cháu là gì chứ không phải câu chửi tục. Nhân loại chưa
đổ đốn đến mức biến một câu vấn danh thành câu chửi". Chấm dứt buổi học
tiếng Anh đầu tiên.
Mọi
thứ dù phi lý đến đâu mà lặp đi lặp lại mãi thì vẫn chấp nhận được dễ dàng.
Việc anh thành người giữ trẻ thì cũng chỉ cần một tuần để trở thành dĩ nhiên.
Dĩ nhiên như một giáo sư nổi tiếng ốm đau kéo dài phải đốt sách để sưởi, như
việc cái xe đạp lúc nào cũng phải tòn teng một tấm biển số thời nào. Hai mươi
tờ giấy năm ngàn đủ sức mạnh biến Hảo thành người giữ trẻ mẫn cán trong ba mươi
ngày. Chị chủ nhà không chú ý đến anh hơn bà Múi, người nấu bếp lầm lũi như cái
bóng. Từ ngày có anh đến làm, chị được giải phóng khỏi thằng con trai nên rỗi
rãi hơn. Chị lên lầu xuống lầu, đọc sách, trong khi anh túi bụi trong phòng với
thằng Cu và cái bô, đã bắt đầu nhớ cái giá sách, và những ngày nhàn rỗi đọc chữ
thánh hiền. Thỉnh thoảng chị pha một cốc nước chanh mời anh với dáng vẻ của
người làm việc thiện rồi cũng tiện mồm kể lể chuyện nhà chuyện cửa. Chồng chị
trước đây là thuyền trưởng viễn dương. Nhờ anh mà chị nhìn thấy đồng đô-la xanh
đầu tiên và hình những tổng thống Mỹ quá cố. Khi túi đã hơi nặng, anh tìm cách
lên bờ. Anh bảo chị: "Thời nay chỉ leo được lên mới thắng, dưới đất bao
giờ cũng thua". Anh biết đầu tư chiều sâu và lên dần. Bây giờ anh phụ
trách một văn phòng đại diện ở Hồng Kông, môi giới mua những con tàu hàng vạn
tấn đến những chiếc nịt vú và những viên thuốc kích dục. Anh nói: "Một
chuyến đi Nhật cứt đái cùng mình chỉ thắng một hai cây. Bây giờ ký xạch một cái
tôi có bạc triệu!". Hảo không biết chị kể một cách thành thực những chuyện
ấy với anh để làm gì, chị có tâm đầu ý hợp với người chồng ở xa hay không. Chị
kể một cách buồn chán, mệt mỏi; là người tiêu tiền, chị không có cái say mê của
những con sói săn mồi. Chị là con kền kền cái lười biếng rỉa xác một con voi.
Chồng chị thỉnh thoảng có viết thư, nhưng hai năm nay anh không hẹn ngày về.
Hảo cảm thấy, với chị thì anh vĩnh viễn không về nữa.
Thằng
Cu có người trông, sạch sẽ hơn. Nó học tiếng Anh cũng khá và mến thầy. Để giải
quyết chuyện cái bô, Hảo đã tập cho nó ra toa-lét mỗi khi có nhu cầu. Cuối
tháng đầu chị trả lương cho anh, đưa luôn cả tháng sau, tặng thêm cho anh năm
mươi ngàn. Thấy anh lưỡng lự, chị nói: "Anh cầm đi. Chúng tôi giàu có lắm.
Anh không tưởng tượng được chúng tôi giàu như thế nào đâu. Nhưng ở cái đất hay
nhòm ngó nhau thế này mình cũng phải giữ ý".
Một
sáng, anh đang ở trong phòng với thằng Cu thì ông Vị đi xe máy đến. Qua cửa sổ
anh nhìn thấy ông chải chuốt hơn ngày thường tuy ít đường bệ hơn so với những
lúc ông đi lại dọc hành lang nghe một cán bộ khoa học thuyết minh cái gì đó sau
lưng mình. Chị ngồi tiếp ông hàng giờ trong phòng khách. Buổi chiều trước khi
Hảo ra về, chị mời anh uống trà. Chị nói: "Ngày mai tôi phải vắng nhà mấy
ngày. Anh ngủ lại và trông hộ cháu giúp tôi được không?". Anh đáp được.
Suy nghĩ một lúc, chị hỏi: "Anh có biết cái ông hồi sáng đến thăm tôi
không? ". Anh nói: "Không". Chị nhìn anh vẻ tin cậy: "Thôi,
chẳng giấu anh làm gì, sợ anh nghĩ tôi không đàng hoàng. Ông ấy là bồ tôi
đó". Thấy Hảo cảm động vì lời thổ lộ ấy, chị duyên dáng níu nhẹ ống tay áo
anh: "Nhưng tôi đã quyết định dứt ông ấy ra. Ngày mai chúng tôi cùng đi
Sầm Sơn. Lần cuối cùng rồi thôi. Anh giúp tôi nhé?". Chị kể trước đây mấy
năm chồng chị khéo léo đưa chị đến với ông ấy. Đối với sự nghiệp của anh, cũng
là của thằng Cu, chị không nề hà. Ông ấy giúp đỡ chồng chị đến nơi đến chốn nhưng
không hề để mắt đến chị, món mỡ trước miệng mèo. Đã có ai ở thành phố này dám
coi chị như củ khoai cơ chứ? Lòng tự ái nổi lên, chị tìm cách khám phá con
người mẫu mực kia và chị yêu ông ấy lúc nào không biết. Khi chị hiểu ra sự cao
đạo của ông ấy là một cái bẫy chinh phục nguy hiểm của những người có tuổi thì
cũng là lúc chị chán ông ta. "Cuối cùng thì chồng tôi thắng, nhưng tôi
chẳng được gì. Anh giúp để tôi làm chuyện chia tay với ông ấy trót lọt".
Anh đáp: "Vâng, tôi trông nhà hộ và kín miệng nữa". Chị cười buồn:
"Chẳng cần đâu. Cả thành phố biết chuyện tôi với ông ấy rồi. Họ chưa đưa
lên ti-vi là may". Hảo nói: "Chị đừng mang theo con chó nhé".
Chị ngạc nhiên: "Vì sao vậy?". Bỗng chị mỉm cười: "Tôi nhớ ra
Sê-khốp rồi. Anh yên tâm. Thời nay không ai dùng chó làm môi giới cho yêu đương
đâu!". Ngừng một chút, lần thứ hai Hảo thấy khuôn mặt chị rạng lên. Chị
nói hấp hổi: "Tôi sẽ mang theo con chó. Tôi là một con mù mà lại muốn đi
tìm ngọc quý. Mi-mô-sa sẽ dẫn đường cho tôi". Chị mang theo Mi-mô-sa thật.
Chị còn tin có một người nào khác đang chờ chị ở Sầm Sơn ư?
Ba
ngày sau chị và ông Vị về nhà. Một chiếc Toyota đậu trước cổng. Nghe tiếng còi,
Hảo ra mở cổng như một người gác gian mẫn cán. Anh bất ngờ chạm mặt ông Vị.
Nhưng cả hai không chào nhau, không nói gì. Ôi tiền giấy và sắc đẹp, những lá
bài của số phận éo le.
Nhìn
nét mặt cau có, dồn nén và thân thể sung mãn của tuổi già đang chín một lần
trước khi rụng của ông Vị, Hảo biết là mấy ngày ở Sầm Sơn ông chỉ được xơi thịt
thỏ. Túi tiền có thể vơi chút ít, nhưng cái túi tục luỵ kia thì chắc vẫn còn
nguyên. Nó làm ông cáu giận. Hảo nghe tiếng cãi cọ trên lầu, ở phòng khách.
Nhưng
rồi ông cũng phải ra đi. Chị gọi dây nói cho xe đến đón ông, tươi tỉnh, lịch sự
đưa ông ra đàng hoàng. Ông thì hầm mặt vì tiền mất tật mang, chỉ biết tự an ủi
là đã giữ gìn được phẩm chất trong chuyến đi biển đầy rẫy những trò ăn chơi tư
sản.
Hảo
biết không mấy người vui vẻ khi bị người tình buộc về hưu.
Chị
chạy đến gặp Hảo sau khi ông đi khỏi, mời anh sang phòng khách uống trà.
"Thế là trút được món nợ Liễu Thăng!". Chị nói, ve vuốt con Mi-mô-sa,
nó liếm tay chị, kiêu hãnh vì đã giành lại được chị và tự hào vì ông già giàu
có, oai vệ kia đã ao ước được một số phận như nó hôm nay mà không có: được chị
ve vuốt, nâng niu. "Sao có một dạo ông ấy dễ thương thế - chị nói - Bây
giờ thì chỉ dạy dỗ, khuyên bảo suốt ngày!". Chị lại vuốt con Mi-mô-sa, thì
thầm: "Sầm Sơn năm nay đẹp lắm, mày có nhớ Sầm Sơn không con,
Mi-mô-sa?". Hảo thầm đoán ở Sầm Sơn con chó nhỏ này đã đóng được một vai
trò gì đó.
Anh không nhầm. Ba hôm sau một chàng trai trẻ
hơn chị vài tuổi, đến nhà. Anh ta dắt chiếc CBT 125 màu nòng súng vào sân, cởi
chiếc mũ mô tô khỏi đầu rồi nhoẻn cười với ngôi nhà. Hảo vì nể nhìn chiếc xe
mới thấy lần thứ hai trong đời, lần đầu Tứ giới thiệu nó cho anh ở bãi xe, nói
rằng ở cái thành phố ăn chơi đồ Nhật này chỉ mới thấy xuất hiện vài cái. Anh
gọi chị xuống, bàn giao khách cho chị rồi vào phòng với thằng Cu. Người khách
nhìn anh không chút ngạc nhiên như chính anh ta đã từng mướn vài chục thằng đầy
tớ cỡ đó.
Họ
nói chuyện với nhau trong phòng khách. Rồi chị thét bà Múi ra chợ. Bữa trưa có
bún chả, ốc nhồi thịt và một chai Giôn bộ (Johnny Walker) giá nửa chỉ vàng
khách mang tới và những gói kem vừa đông lạnh trong chiếc máy làm kem sau cốp
xe. Hảo cùng ngồi ăn với họ. Hợp đồng đã ghi có ăn trưa. Chị uống vài hớp rượu
quý, nói luôn mồm, cười luôn miệng, trông chị trẻ ra mấy tuổi so với ngày hôm
qua. Chị giới thiệu khách với Hảo: Anh X. đây là con ông Y, gọi ông Z bằng bác.
(Hảo nghe tiếng những người quyền thế này từ lâu), tốt nghiệp đại học ở Ba Lan,
mười năm nay đi đi về về, không quốc tịch, không hộ khẩu, hộ chiếu ba năm đổi
một lần (Cái khoản này thì chính tôi cũng không biết vì sao mình có - anh nói -
lúc cần cứ hỏi pa-pa) nay là nhà kinh doanh bự, nguồn vốn không xác định rõ
nhưng lớn lắm và đảm bảo là "không có chuyện Nguyễn-Văn-Mười-Hai",
buôn bán từ đầu vi-đê-ô đến chổi đót xuất khẩu và dầu vừng đen làm mượt lông...
Anh đây còn có một căn hộ ở Vác-xa-va, giữ thường xuyên một phòng ở Pa-lạt
Sin-ga-po và vừa bay từ đó về tuần trước. Chị nói: "Ở Sầm Sơn ông Vị tâm
sự với tôi rằng không có các ông thì bọn trẻ bố láo đảo lộn cơ đồ lên mất.
Nhưng khốn nỗi ông ấy không phân biệt được cá thu khô với cá thu tươi ở chợ cá
Sầm Sơn, phải không Mi-mô-sa?". Con chó vắt ngang trên đùi chị ư ử đồng
tình. Chị bảo: "Theo tôi, những người như anh X. đây...". Anh X. đây
đưa bàn tay lên. "Hẵng khoan, hồi nãy em nói gì nhỉ. À, ông ấy đã đang và
sẽ... còn anh thì ngay cả khi dùng tiếng Anh, anh không bao giờ chia động từ
theo quá khứ và tương lai cả. Tôi đang nói, tôi đang sống. Thì hiện tại muôn
năm". Anh hạ bàn tay xuống và nhón một con ốc nhồi thịt. "Để em nói
hết đã mà! Theo em thì chính những người như các anh sẽ đưa chúng ta ra khỏi
cuộc khủng hoảng. Có phải thế không anh Hảo?". Hảo nghĩ, không biết chị
nói cuộc khủng hoảng nào, của đất nước hay của chị? Anh đáp: "Tôi không
sành chính trị nhưng tôi chắc là muốn giải quyết vấn đề thì ai cũng phải cứng
rắn". Chị là người thông minh. Chị cười hồn nhiên: "Anh nói đúng
chóc! Phải thế, chứ như ông Vị thì... như con sứa ấy!". Người khách tỏ ra
kém thông minh và ghen tị nhỏ nhen khi thấy chị vừa khen anh người làm nói leo.
Anh nhìn cái miệng đỏ hồng rất hot, nhìn đĩa trứng vịt lộn chưa ai đụng tới rồi
quay sang chị: "Vấn đề là tiền! Em mua quả vịt lộn này bao nhiêu? Bảy trăm
à? Tôi hứa, nếu em ra lệnh, trong ngày mai tôi sẽ (lại sẽ rồi - Hảo nghĩ) có đủ
tiền hạ giá trứng vịt lộn ở thị trường thành phố này xuống một nửa. Và tôi giữ
giá đó trong một tuần, em chịu không?". Chị lại cười ré lên, lần này vì
lòng tự ái được ve vuốt. Hảo nhăn mặt cố nghĩ xem vị anh hùng này làm cách gì
và sẽ bỏ ra bao nhiêu để hạ giá trứng vịt lộn xuống còn một nửa. Nếu anh ta làm
được thế, Hảo sẽ cố tranh thủ ăn lấy vài quả, mấy lâu nay anh quên mất thứ thực
phẩm dành riêng cho những tay bá chủng heo nọc này rồi. Nhưng thật ớn những trò
nói khoác. Suy cho cùng là do lỗi của đế quốc Anh. Chúng sản xuất ra thứ Johnny
Walker quá ngon. Sau khi chấm nước mắt do trận cười, và không ngừng bị ám ảnh
bởi từ "cứng rắn" anh vừa phát hành, chị hỏi Hảo: "Còn anh, anh
nói nữa đi, ý anh thế nào?". Hảo đáp: "Xin lỗi, tôi không sành chính
trị". Nhà kinh doanh giơ tay lên như ông giáo trẻ dạy cho chú học trò chậm
hiểu: "Đây không phải là chính trị. Đây là chuyện làm cường dương cả một
thành phố. Chúng ta xẹp như dán quá lâu rồi!". Chị lại cười, làm một cử
chỉ e lệ gọi là để giữ tiết hạnh rồi nói: "Anh yêu, thế thì anh hạ giá
trứng vịt lộn đi!". Hảo muốn tìm cái hưng phấn đang quá đà do chai rượu
Anh gây ra. Anh hỏi "anh yêu": "Bao giờ thì anh định cư hẳn
trong nước để làm ăn?". "Anh yêu" lấy khăn lau miệng, nói qua kẽ
răng: "Khi nào chúng tôi có đại biểu trong quốc hội - anh cười tinh quái -
Nếu không thì ai bảo vệ vốn liếng của chúng tôi chứ?".
Sau
bữa trưa họ lên phòng của chị. Hảo trở về cái đi-văng. Thằng Cu đã ngủ, cạnh nó
là một cái bô đầy. Anh múa tiếp điệu vũ của mình rồi nằm xuống cạnh nó. Tiếng
nhạc êm dịu lọt qua bức trần xuống tai anh. Đó là những bài hát tiền chiến rất
quen thuộc. Anh nhớ mẹ lạ lùng. Cái hố trống trong ngực anh to dần ra, to mãi
đến hư vô. Bữa cơm quá tải làm anh khó ngủ. Anh nhớ mẹ cũng giàu, cũng sang
trọng, sang trọng cả lúc không còn giàu nữa. Cả trong những ngày chiến tranh
liên miên. Tất cả vàng bạc, hạt xoàn mẹ đưa anh, lúc đó mới ba tuổi, để tự tay
anh thả vào khe của cái hộp gỗ sơn son trong Tuần lễ vàng. Mẹ bảo với bố:
"Tôi gánh gạo đường xa cho các con". Miếng vườn cả nhà vỡ hoang ven
bờ suối dưới sự chỉ huy của mẹ, tiếng vo gạo buổi sáng, nước gạo chảy men bờ
như sữa. Chim hoạ mi hót sau mấy cây ổi mẹ trồng, con rắn mai gầm lâu lâu lại
xuất hiện, chạy qua sân rồi biến mất trong đám hương nhu, làm thành một sự kiện
trọng đại. Rồi cái tang đầu tiên: bố chết vì bom bi trong một trận oanh kích. Cái
tang thứ hai, người anh cả ở Trường Sơn. Đến lượt anh, đứa con yêu của mẹ cũng
biến mất ở chân trời Đông Âu, mang theo hy vọng về một cuộc sống tử tế của cả
nhà. Lúc anh về thì mẹ đã mất. Và cùng với mẹ là cả một vũ trụ đáng kiêu hãnh
và nuối tiếc cũng mất nốt. Hảo như đui mù. Anh không được chuẩn bị cho sự nghèo
khổ và bệ rạc, không được chuẩn bị để sống với người vợ trước đây, để sống
trong cảnh ngộ hiện nay. Không chuẩn bị để thành người ở, làm công cho người
đàn bà thông minh nhưng tinh quái, có lương tri và dâm đãng thành thần. Anh cố
nghĩ một tính từ khác nhưng không được. Thú thực là anh ghét và ghê tởm khi chị
dám cả gan và sai lầm khi đồng loã đánh giá nền chính trị thông qua những người
đàn ông liệt dương trên giường mình, dù trong đó có cả một ông sếp không ra gì
của Hảo. Và cũng thật khó chịu thấy mắt chị sáng lên khi con dê con dằm đô-la
kia đòi có ghế trong quốc hội của nền vô sản chuyên chính. Khi đó anh tưởng nếu
có cuộc bầu cử thì chị sẽ bỏ cho y ta mười phiếu một lúc. Nhưng tại sao chị vẫn
phát tiền công cho anh hàng tháng? Tại sao chị vẫn làm cho anh có cảm tình và
nhiều lúc thèm muốn chị nữa? Tại sao chiếc CBT 125 giá ba mươi triệu ở ngoài
sân kia vẫn đè cái bóng cao cả của nó lên những giấc mơ nghèo khổ của anh? Tại
sao cái thế giới êm dịu và lung linh những ước mơ của mẹ, và cũng cả của anh
nữa lại biến mất dễ dàng đến thế? Phải chăng sau một sự kiện kinh hoàng năm đó,
lời lão thầy bói đã ứng nghiệm? Mùa hè ấy thời tiết bình thường, mẹ cho ấp một
ổ gà, khi nhắc xuống, trong ổ lúc nhúc một bầy rắn con, còn mấy cây ổi sau nhà
thì ra mười ba quả bứa chua loét. Hôm đó một lão thầy bói ôm tay nải qua làng.
Mẹ làm thịt một con gà giò, ông ta xem chân gà rồi nói: "Ông tổ nhà này
ngày xưa nhiều thất đức. Bà hãy cẩn thận. Trong nhà này rồi sẽ có người đi
ở!". Ông ta còn nói những chuyện nhảm nhí khác. Dân quân xóm trói ông vào
một cái cọc, phơi nắng nửa ngày rồi mới cho đi. Năm đó bố chết, rồi đến anh cả.
Gia đình trĩu nặng tang tóc. Bây giờ đứa con út của mẹ đi ở.
Tiếng
nhạc buồn phòng trên ngừng bặt. Cái đầu vi-đê-ô bắt đầu rền rĩ những pha phim
sex (trước đây chị vẫn dùng cái hộp nhựa Nhật Bản ấy để khởi động nhà đạo đức
luống tuổi của chị). Rồi tiếng rên điện tử cũng im nốt nhường chỗ cho nhạc live
đời hang động. Con Mi-mô-sa bị bỏ rơi buồn bã vào phòng, liếm bàn tay Hảo buông
thõng xuống đi-văng. Anh nhắc nó lên, kéo tai nó, tên ma cô mất dạy, thằng mối
lái vô phúc, những con chó nhỏ vô tích sự thời Sê-khốp hay thời hiện đại đều
thế cả. Nằm trong lòng Hảo nó nhìn lên trần như anh, có thể nó còn thấu suốt sự
đời hơn anh bằng bản năng chó của nó.
Một
tuần lễ liền ngôi nhà yên tĩnh ở góc phố ròn rã tiếng CBT 125. Những bữa cơm
trưa quá tải với sự đồng loã tội lỗi của những chai rượu Anh và kỹ nghệ vi mạch
Nhật Bản. Nhưng chủ nhật anh ta không đến. Chị đưa tiền lương cho Hảo, tăng lên
hai trăm ngàn (để bù trượt giá, chị nói) và giữ anh ở lại ăn cơm tối với chị.
Chị buồn, xanh xao một chút, nét mặt căng thẳng tuy vẫn kiêu sa. Hảo đã nếm mùi
những cơn cớ tâm sự của chị. Họ lấy ghế vải ra ngồi ở sân sau. Chị nói:
"Anh tiên tri thật! Giá mà không mang Mi-mô-sa đi thì tôi đâu có rước ngữ
ấy về nhà!".
Chị
nhìn anh với đôi mắt của người vừa thoát khỏi tai nạn. Như một nhà thám hiểm
Nam Cực sống sót, chị kể cho Hảo nghe chuyện mấy ngày ở Sầm Sơn. Hôm ấy, chị để
Mi-mô-sa trên bờ biển để xuống tắm với ông Vị. Họ tìm một góc vắng. Vì hễ hai
người mặc áo tắm đi vào đám đông là y như lũ trẻ la lối: "Bố ơi, bố nhường
chúng con đi bố!". Tuy khó chịu vì thứ ngôn ngữ máy nước ấy, nhưng từ cái
góc vắng kia chị vẫn nhìn về phía một bộ phận nhân loại trẻ trung và thô bỉ một
cách chân thành, một hai đứa đỏ mặt đi lom khom. Còn ông Vị thì tìm mọi cách để
sử dụng đôi bàn tay vàng. Những quả chuối khô lần mò trên thân thể chị. Ông càu
nhàu: "Tại sao em lại không mặc bộ bi-ki-ni hai mảnh của Thái ấy?".
Ông vẫn thường phàn nàn mốt Hà Nội dạo này quá hở hang, nhưng trong một chuyến
đi Bang Kok về, chính ông đã mua tặng chị hai bộ bi-ki-ni ấy. Hôm đó, chị cố ý
mặc bộ đồ tắm cổ điển được mậu dịch quốc doanh đứng đắn của chúng ta phát hành
những năm bảy mươi sáu khi mẫu đã được sở văn hoá xét duyệt. Một bộ đồ tắm được
cấp bằng tiết hạnh khả phong. Ông Vị đành đầu hàng bộ đồ ông từng duyệt mẫu
trước đây, thấm thía câu "gậy ông đập lưng ông”. Bực bội vì ông lão sắp bị
giảm biên chế ngầy ngà, chị quên mất con Mi-mô-sa. Trời lại đổ một trận mưa.
Thế là họ lạc mất con chó. Đến chiều tối, sau khi ăn cơm xong, khi ông Vị đang
càu nhàu lên án bộ đồ tắm khốn nạn, trút lên đó những từ người ta thường chỉ
dùng trong các cuộc tranh luận triết học và đạo đức thì anh ta đến. Anh ấy ôm
con Mi-mô-sa trên tay. Trong khung cảnh biển sau cơn mưa, chàng trai thật tuyệt
vời. Chiều hôm sau, trong khi ông Vị đi nói chuyện về vai trò người phụ nữ mới
(bài tủ của ông) cho công đoàn công ty du lịch thì chị với anh đi vào rừng
thông. Chị cám ơn anh vì đã tìm hộ con Mi-mô-sa. Anh cám ơn chị vì đã làm cuộc
đi biển cô đơn của anh có ý nghĩa. Anh gọi chị là bà làm chị kiêu hãnh, sau đó
là chị làm chị ấm lòng và cuối cùng là em làm chị sung sướng. Cuộc cách mạng về
xưng hô ấy chỉ diễn ra trong vòng mười lăm phút. Phút thứ mười sáu thì anh nói
là anh đã thuê hai héc-ta rừng thông chiều nay để không ai được phép lai vãng
qua. Phút thứ mười bảy thì lưng chị đã lấm đầy cát và sau đó chị bắt đầu cuộc
hành trình vào thiên đường lần đầu tiên trong đời. Trước đây ông Vị chỉ mô tả
cái thiên đường ấy cho chị bằng lý thuyết. Những pha mô tả của bọn nhà văn ba
xu thường thay bằng những dấu chấm cũng không làm thoả mãn chị.
Tối
đó, chị sang phòng ông Vị (họ vẫn thuê hai phòng từ lúc đến Sầm Sơn). Ông rất
mừng vì chị đã tự nguyện nộp xác, vì buổi diễn thuyết thành công, "chị em
nuốt từng lời" và theo cá nhân ông thì cần phải khôi phục khí thế của
phong trào ba đảm đang trước đây. Chị ngắt lời ông: "Anh yêu em đi!".
Chị quyết định tặng ông một bữa tiệc chia ly no xôi chán chè như bữa cơm người
ta vẫn thường cho tử tù ăn trước ngày ra trường bắn. Ông sững sờ vì hạnh phúc,
cũng như kẻ tử tù kia đang nằm mơ thấy cái cọc thì bỗng trước mắt mình hiện ra
như trong phép màu một con gà mái quay, nghẹn ngào nhìn mà nuốt không nổi. Ông
cũng không ăn nổi. Ông đổ tội cho tính đãng trí, bỏ quên chai rượu thần dược
ngâm tắc kè ở nhà, chửi sự quản lý khách sạn xuống cấp vì cái giường cứ kêu cót
két, chửi rủa cả cái váy ngủ của chị, làm gì mà phải dùng đến hai cửa ra vào
làm ông lầm lẫn lung tung, sự xa xỉ điển hình của nền dân chủ tư sản!
Cũng
như mọi lần, ông chẳng bao giờ chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thất bại nào. Tuy
vậy ông vẫn trấn an chị: "Em hãy tin, tôi đã, đang và sẽ cố gắng...".
Sáng
hôm sau chị giục ông ra về để kịp ngày hẹn với anh ấy, người đã mua hai héc-ta
rừng thông một chiều cho chị.
Chị
thở dài:
-
Nhưng tôi lại chán ngấy anh ta rồi! Thằng tư sản mới cũng chẳng hơn gì lão đạo
đức giả! Sao cái số tôi nó nhọ thế này?
Hảo
tự chửi mình vì quả thật trong anh có loé lên một chút hả hê dễ hiểu. Anh đứng
lên, xin phép chị ra về. "Đừng vội, anh. - Giọng chị thân mật khác lạ -
Anh về bây giờ thì tôi chết buồn mất. Tại sao tôi chỉ gặp phải lũ dở hơi? Chúng
chui ở đâu ra lắm thế hả anh?".
Hảo
cảm thấy sự chán chường của chị là thành thật. Nó lan toả trên da thịt anh cùng
mùi nước hoa Pháp và hơi thở thơm tho của chị. Suy cho cùng thì chị cũng đáng
thương. Ít nhất chị cũng có cái can đảm và hào phóng làm việc phân phối lại của
cải đã trấn được của những thằng dại gái. Chị đã nuôi được một phó tiến sĩ bằng
ba lần số lương chính của y, vớt y ra khỏi cảnh thất nghiệp dài dài được mã hoá
bằng cụm từ "nghiên cứu có tính chiến lược" trong cái vỏ những đề tài
không ai cần đến. Nhưng anh cứng rắn trở lại, kiên trì sự đố kỵ muôn thuở của
người nghèo, sự ghê tởm của hàn sĩ bị phỉ báng. Rồi anh khôn khéo đứng lên.
Số
phận xô đẩy anh theo hướng khác. Mấy tuần sau chị ốm. Thóc mách như một thằng ở
thực thụ, anh đoán thầm nhà kinh doanh không quốc tịch đã kịp đầu tư một
"vật lạ" vào nội địa trước khi bị trục xuất. Anh lên thăm chị, vừa là
phải phép vừa bị lòng nhân ái thúc bách. Chị nằm bất động trên giường, tay duỗi
ngoài chiếc chăn mỏng. Chị đập nhẹ bàn tay như cánh bướm bảo anh ngồi xuống mép
giường cạnh mình. Vì mấy cái ghế xếp Nhật Bản đã bị thu lại và cũng không thể
ngồi lên cái "táp-đờ-nuy", vật duy nhất có thể ngồi lên trong phòng,
anh đành chiều ý chị. Tay anh run lên khi nắm cái mép giường. Chị nhìn thấy tất
cả trong một cái liếc mắt rồi cầm lấy tay anh, bàn tay chị dịu dàng như cánh
bướm cầu xin sự giúp đỡ. Chị nói: "Anh có thể thu xếp đi với tôi một vài
ngày không?". Anh nhìn con Mi-mô-sa nằm duỗi dưới chân không đáp.
Rồi
anh đi với chị sau khi hai người đã thu xếp được người trông thằng Cu và nhà
cửa. Anh sẽ phải đưa chị về một bệnh viện nhỏ nào đó ở Hà Nội. Đúng như anh
đoán, chị cần tống khứ nhanh chóng giọt máu được đầu tư một cách vội vã của nhà
kinh doanh trẻ. Chị cần anh đóng vai một người chồng cho đỡ tủi thân và hợp lý.
Từ khi mới đi lại với nhau, ông Vị đã yêu cầu chị làm việc này ở bất kỳ chỗ nào
cũng được trừ thành phố ông đang nổi tiếng và có quyền lực. Bởi vì dù đứa con
trong bụng chị là của ai thì dư luận cũng sẽ nghi là của ông, điều ấy rất bất
lợi cho ông trong những cuộc bầu cử. Vậy là quá đủ lý do để anh phải đưa chị
đi.
Họ
xuống tàu vào lúc xẩm tối rồi vào một khách sạn gần nhà ga. Cô tiếp tân nhìn họ
một cách tình tứ, bảo họ có thể thuê một phòng cũng được. Chị thuê hai. Anh ghi
nhận với chị cách làm ăn thoáng của ngành du lịch. Rõ ràng mọi việc đang đổi
mới. Chị nói: "Nhà trống thì phải thoáng!". Họ ở đêm đầu tiên trong
bầu không khí hoà hoãn, không xâm lấn biên giới của nhau. Hôm sau chị vẫn không
vào nhà thương ngay. Chị đòi anh đưa thăm các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội.
Anh đưa chị đi Văn Miếu để tỏ lòng yêu mến văn hoá nước nhà, đến cầu Thăng Long
để ngưỡng mộ tình hữu nghị Xô - Việt. Cuộc đi chơi kết thúc ở hàng chả cá nổi
tiếng giữa những ông Tây bà đầm trả bằng đô-la. Thế là nhờ chị mà anh đã hoàn
thành vượt mức kế hoạch 9 năm trước thời hạn. Anh định đúng vào năm 2000 sẽ tập
trung toàn lực đi ăn một bữa chả cá đầu tiên và cuối cùng trong đời. Ăn xong
uống cà-phê xong, cái hoá đơn đặt lên bàn làm anh suýt ngất tưởng như mình vừa
mua cả tháp Ép-phen. Nhưng chị rút ví ra kịp thời, trên bộ mặt hơi xanh xao
không chút cảm xúc. Anh nhẹ nhõm thầm nhận xét rằng, chị là người đàn bà đầu
tiên đi ăn với anh mà anh không phải mó tay vào ví lần nào. Chị đòi đi Hồ Tây.
Họ lên Hồ Tây. Cô bán hàng mang đến cho họ hai cái ghế mây cạnh gốc cây tù mù
và hai chai nước ngọt do Viện kiểm sát nhân dân thành phố X. sản xuất.
Chị
nắm tay anh: "Anh mệt không?". Anh nói: "Văn hoá chỉ khác tình
dục ở chỗ nó làm con người ta hào hứng mà không mệt". Chị mỉm cười:
"Thế thật! Ở Hà Nội có người đã chi cho tôi hai triệu một ngày nhưng không
hề dẫn tôi đến một di tích văn hoá. Trí thức các anh dễ thương thật". Anh
nghĩ: có lẽ công thức trước đây của họ là: Quán đặc sản - giường ngủ. Còn trí
thức: Văn Miếu - Nhà triển lãm Ngô Quyền. Vào cửa hai trăm đồng một vé, kem que
cạnh đó cũng hai trăm mà những ba màu. Trí thức nói chung là ít phải trả tiền
dù đi với mỹ nhân. Chỉ hơi tốn nước bọt và mấy câu thơ mà thôi. Thời nào cũng
vậy.
Chị
không để anh có thì giờ suy nghĩ lan man. Chị xiết mạnh tay anh, bàn tay chị ấm
nóng: "Vậy mà tôi chưa bao giờ lọt vào mắt xanh một anh trí thức".
Anh nói: "Vì chị quá đẹp còn họ thì quá nghèo. Thánh nhân đãi khù khờ chứ
đâu có phù hộ người hay chữ". Chị bình luận: "Thánh ghen tị đấy mà!
Chắc cũng có một nữ thánh nào đó ghen ghét tôi. Tôi cố tìm lấy một người mà
không thấy...". Chị thở dài. Cái khuynh hướng phủ nhận sạch trơn ba bốn
mạng đàn ông một lúc của chị làm anh khó chịu. Nhưng anh thấy mủi lòng, bản chất
hay dao động của trí thức. Anh nói: "Rồi chị sẽ tìm thấy". Chị đột
ngột nhìn vào mắt anh: "Anh có biết tại sao chồng tôi nằm lì ở Hồng Kông
không về? Anh thử đoán xem!". Anh im lặng. Chị nói:
-
Anh ấy bị SIDA! Thật tồi tệ. Hành động yêu nước cuối cùng của anh ấy là đề nghị
"hu” đăng ký mình vào danh sách bệnh nhân của Hồng Kông, chứ không phải
nước ta. Gian lận thêm cho bọn tư bản một người sa đoạ cũng chẳng oan gì.
Anh
cảm thấy chạm được bằng xúc giác nỗi đau khổ của chị. Giọng chị trở lại bình
thường:
-
Tôi đòi ly dị, nhưng ông Vị khuyên tôi: "Đừng có đánh mất lòng tin. Khoa
học sẽ chữa được cái bệnh tai quái đó. Rồi ngày nào đó chồng em sẽ về. Như thơ
Xi-mô-nốp vậy”. Tôi thì biết thừa tim đen của ông. Nếu ly dị, lỡ tôi đòi lấy
ông, như thế thì sự nghiệp ông tan tành. Vả lại ngân sách ái tình của ông ấy
được tư bản Hồng Kông trợ cấp một nửa, nửa kia moi ruột nhà nước thì tiện bao
nhiêu. Tôi nói về ông ấy như vậy anh có coi thường tôi không?
Anh
đáp: "Tôi là nhà khoa học. Tôi thích có dữ kiện trong mọi vấn đề".
-
Tôi căm ghét ông ấy còn vì câu chuyện khủng khiếp này nữa. Hôm đó chúng tôi đi
xem xi-nê với nhau. Lúc chen chúc vào rạp, một bà nọ dẫm guốc bảy phân lên chân
tôi. Tôi la trời. Đáng lẽ một câu xin lỗi là xong, chị ta lại chối bay biến và
còn chửi tôi nữa. Chúng tôi túm tóc nhau lời qua tiếng lại. Không biết vì vô
tình hay cố ý, chị ta chửi tôi là "con đĩ non xí xớn với thằng dê
già!". Ông Vị tím mặt. Người ta mời chúng tôi vào phòng vé. Khai tên tuổi,
nơi làm việc và xin lỗi nhau. Tối hôm ấy, trên giường nhà tôi, ông ấy chỉ vặn
hỏi tôi về người đàn bà ngoa ngoắt nọ. Ông rút sổ tay ra ghi. Ba tháng sau, tôi
gặp lại chị thân tàn ma dại ngồi bán rau. Chị buộc phải thôi việc, chồng chị
nghỉ "một cục", hai con nhỏ. Tôi hỏi chị vì sao nên nỗi thế. Chị làm
thủ kho, để thất thoát hai mươi mốt miếng xà phòng bảo hộ lao động. Tôi thì tôi
biết con nhện nào đã giật tấm lưới bắt con ruồi cái ốm đói kia. Tôi van xin ông
ấy. Nhưng ông chỉ cười gằn: "Phải nghiêm để nâng cao dân trí". Thế
đấy. Ông trả công tôi bằng cái quyền chính là thứ tôi và anh, cả chị thủ kho
kia nữa đã cho ông ấy. Còn thằng cha đầu tư? Nó làm tôi sung sướng nhưng nó trả
tiền tôi từng ngày, có khi hàng triệu, nhưng trả từng bữa, nghĩa là trả theo
sản phẩm!". Rồi chị vòng tay qua cổ anh, chị hôn anh.
Đêm
ấy chị sang với anh. Ngon lành và thơm như một múi mít và thanh thản nữa. Anh
không dối mình là đã hơn một lần anh thèm muốn chị. Nhưng giờ đây anh lạnh
băng. Cũng chẳng phải anh trinh bạch như gã chăn cừu của Đô-đê nâng niu giấc
ngủ của cô chủ trên vai mình. Chị cũng không phải là một vì sao lạc. Chị phô
bày cái bản năng dữ dội nhưng bao giờ cũng hồn nhiên của một người đàn bà.
Nhưng anh không thèm chị. Giá chị để cho anh bình tĩnh anh sẽ an ủi chị như một
người anh. Nhưng chị đã quýnh lên và cáu: "Trí thức chỉ là thế này thôi à?
Trong sách người ta không dạy anh ư?". Chị hạ mình trước anh, làm cả những
điều chị chưa hề làm với người khác. Nhưng anh chỉ rúm ró lại trong nỗi đau hàn
sĩ. Chị trần truồng đi ra cửa để về phòng mình, ném đại mảnh vải Thái Lan nhỏ
xíu vào mặt anh rồi rít lên trong cơn giông bão đàn bà: "Lại một con sứa
nữa! Tôi còn căm ghét anh hơn cả ba thằng kia!".
Một
tháng sau, khi đã bình phục sau trận ốm, chị cho một anh xích-lô gửi nhờ xe.
Anh ta kể: nhà, vợ con anh bị cháy thành tro, hai tháng nay anh ngủ trong xe ở
sân ga, chân cầu. Bà Múi thầm thì với Hảo: "Cứ cách một đêm hắn lại lên
phòng ngủ của cô. Thằng khốn nạn!". Hảo bảo bà: "Ơ-rê-ka! Cô chủ đã
tìm thấy!". Bà ta chưa được học tiếng Hy Lạp, tưởng anh điên, chạy biến
vào bếp.
Tiếng
Anh cuối cùng Hảo dạy cho thằng Cu là The man - người đàn ông. Hôm sau anh thôi
việc. Anh lững thững đi bộ về nhà. Trời sẩm tối. Một đoàn tàu hàng dừng lại sân
ga. Anh nhìn thấy công nhân xếp dỡ đang chuyển xuống đất mười hai toa tàu trứng
vịt lộn. Những sọt trứng toả ra một vầng hào quang, những quả trứng nhú khỏi
đám cọng rơm như đầu dương vật của một loại người hùng mạnh chưa từng có. Cũng
chưa từng có công ty nào ở thành phố này buôn về một số lượng trứng nhiều ghê
gớm như thế.
Sáng
hôm sau trên các phố nhan nhản biển hàng viết bằng phấn: "vịt lộn - hạ giá
năm mươi phần trăm!". Người ta lo ngại xì xào rằng, một năm nữa dân số của
thành phố chắc sẽ phát triển vô tội vạ.
Kim Giang. Tháng 7 – 1991
(Được sự đồng ý của anh Nguyễn quang
Thân, nhà văn-dịch giả Ngọc Châu đã trích đăng từ nguồn: http://thanngan.tk/ )
Ngọc Châu gửi đăng.
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập
nhật lại- ngày 19/08/2014
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 12/05/2011
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Người
đàn bà đợi ở bến xe – Truyện ngắn Nguyễn Quang Thân
Ngày
12/03/2011
Sau khi
li dị, Toản quyết định không lấy vợ nữa. Anh không thổ lộ ý tưởng ấy với ai,
gom tiền mua một căn hộ trong khu chung cư “hác lem”. Sắm sửa các thứ tối thiểu
trong nhà xong, anh thành tay trắng. Nhưng Toản tự thấy được an ủi là từ nay
trong nhà anh không có đàn bà. Đàn bà, với anh là chị vợ cũ, người anh đã yêu
khi chưa biết thế nào là tình yêu. Đã cưới khi chưa biết thế nào là hôn nhân.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Nguyễn Quang Thân
Họ tên thật Nguyễn Quang Thân
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
Địa chỉ: TP. Hải Phòng
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐỢI Ở
BẾN XE
Sau
khi li dị, Toản quyết định không lấy vợ nữa. Anh không thổ lộ ý tưởng ấy với
ai, gom tiền mua một căn hộ trong khu chung cư “hác lem”. Sắm sửa các thứ tối
thiểu trong nhà xong, anh thành tay trắng. Nhưng Toản tự thấy được an ủi là từ
nay trong nhà anh không có đàn bà. Đàn bà, với anh là chị vợ cũ, người anh đã
yêu khi chưa biết thế nào là tình yêu. Đã cưới khi chưa biết thế nào là hôn
nhân. Đầu tiên anh mất ăn mất ngủ vì nụ cười lộ hai hàm răng trắng và đều, khi
chị cho anh hôn, anh nhớ mãi vị ngọt của nụ hôn đầu tiên trong đời, khi anh
cùng chị đi chơi ngoại thành mắc mưa, phải đứng với nhau ba tiếng đồng hồ trong
một cái điếm canh đê, anh bàng hoàng chạm phải da thịt cùng làn sóng lạ lẫm
đang dâng lên khắp nơi trên thân thể chị. Và sau đêm đó ở cái điếm canh đê chị
đòi anh cưới. Chị nói không thể sống mà không có anh. Còn anh, anh thèm thuồng
nhớ lại chuyện xảy ra trong điếm canh đê, anh muốn làm như thế một lần nữa, lần
nữa. Và anh cưới chị, hai người ở trong căn hộ cơ quan phân phối cho anh khi còn
độc thân, những ngày đầu tiên tuyệt vời, anh đi làm về đã thấy một mâm cơm trên
bàn còn trên tấm trải giường màu hoa lựu là chị nằm đọc cái gì đó, khi mặc một
bộ váy ngủ, khi không mặc gì cả để đón anh và anh bỏ mặc mâm cơm, đổ xuống chị
như một cây chuối bị đốn bởi niềm đam mê. Giờ thì anh không còn nhớ gì đến
những chuyện đó nữa, nụ hôn, cái điếm canh đê trong cơn mưa, bộ váy ngủ và
những làn sóng dâng lên nhấn chìm anh trong phút chốc. Anh chỉ còn nhớ một
người đàn bà. Anh nhớ chị lục tìm trong áo khoác anh cái ví, chị rút tệp giấy
bạc kỳ lương còm của anh ra, chị thấm nước bọt lên ngón tay, đếm từng tờ rồi
bĩu môi nhìn anh đang ngồi bó gối trên chiếc ghế dựa cũ xin của cơ quan, anh co
rúm lại trong sự bất lực về mình, về cái nghề bạc bẽo và công việc bèo bọt của
anh ở cơ quan nơi có người kiếm tháng năm bảy trăm đô còn những loại như anh
chỉ lĩnh năm bảy trăm ngàn tiền Việt. Anh nhớ những lần chị vùng dậy ngồi lên
vặn người rồi ra nhà tắm trút bỏ một cách kiên quyết những gì anh đã cho chị
như thải một thứ ô nhiễm độc hại nhất, chị nói chị sẽ không bao giờ có con với
một thằng “giẻ cùi” và hối là đã nhẹ dạ. Anh nhớ nét mặt lạnh và tỉnh bơ khi
chị bắt đầu giai đoạn ra phố sau bữa cơm tối, về rất muộn. Vốn “sĩ” và nhu
nhược, anh không hỏi chị đi đâu cho đến một đêm chị không về, cho đến một ngày,
sau khi anh đi công tác vào Pleiku bảy tháng, khi anh về, chị trâng tráo nói
với anh là chị đã có thai được ba tháng rồi. “Bây giờ anh muốn làm gì thì làm,
tùy anh”. Anh nhớ câu nói ấy và chỉ nhớ câu nói ấy với nét mặt trâng tráo thách
thức sáng ngời khoái cảm của người ăn vụng.
Anh
mừng là căn hộ mới của anh không có đàn bà.
Như
mọi buổi chiều, anh ra bến xe buýt cách cơ quan không xa để chờ xe về nhà. Chiếc
Honda 81 anh đã phải “đi ở” để trả nốt số nợ mua căn hộ vào năm ngoái. Anh
đã quen không đi xe máy mà đi xe buýt, chiều nào anh cũng đi chuyến xe cuối
cùng chưa bao giờ bị nhỡ. Anh nghiệm ra nhu cầu của con người có chất cao-su,
giả định không còn xe buýt mà phải đi bộ thì anh cũng sẽ đi bộ một cách vui vẻ
như khi chuyển từ xe máy sang xe buýt. Anh ngồi lên chiếc ghế của trạm đợi xe
dọc đường trong đầu nhâm nhi cái ý nghĩ A.Q rằng mình “dùng” xe buýt nhà nước
còn sướng gấp vạn mấy thằng đi xe máy đội mũ sắt mồm bịt khẩu trang như lính
cứu hỏa đang vật lộn với bụi đường và đồng loại. Cho nên anh quên không nhìn
thấy một người đàn bà ôm đứa con nhỏ đang co ro ngồi tít một đầu ghế. Trời rất
lạnh, có mưa nhỏ rơi tí tách lâm thâm trên mặt đường. Khi nhìn ra chỉ có mình
và người đàn bà ôm con nhỏ chờ chuyến xe vét qua trạm này, anh luống cuống như
chính anh vừa hẹn chị ta ra đây với anh chứ không phải tình cờ. Anh đỏ mặt vì
lạnh, vì bối rối. Sau ngày ly hôn anh không đi với người đàn bà nào ngoài phố.
Trong các cuộc họp cơ quan, anh đứng dậy đi chỗ khác ngay nếu có một cô mắt
xanh mỏ đỏ hay cả bà tạp vụ xồ xề ngẫu nhiên ngồi xuống cạnh mình. Anh chưa hề
nói với ai là anh không ưa gần phụ nữ. Chỉ anh biết là, mỗi lần nói chuyện với
họ, ngồi bên họ là anh lại thấy lại, nhớ lại chị và câu nói tỉnh bơ đầy vẻ hân
hoan kia.
Đường
phố đã lên đèn. Dãy đèn cao áp vàng khè trong mưa. Người đàn bà bế con ngồi
xích lại gần anh, nhìn anh khẩn khoản:
-
Nhờ ông bế hộ cháu một tẹo, tôi đang lo là không còn chuyến xe nào nữa.
-
Chị đi đâu?- Anh hỏi- Nếu xe đến thì sao?
-
Tôi đi một chút thôi. Nếu xe đến thì ông đặt cháu xuống ghế giúp tôi.Anh không
nỡ chối từ. Vốn ít tò mò, anh cũng không hỏi chị đi đâu. Anh nhận đứa bé từ tay
chị. Thằng bé khoảng chẵn năm, má đỏ hồng, ngủ say sưa trong mớ quần áo ấm không
sang trọng gì lắm nhưng cũng không thể nói là tồi. Mùi sữa, mùi hơi thở trẻ con
phả vào anh làm anh bừng tỉnh.
-
Nhờ ông trông hộ cái túi.
Chị
nói rồi chạy vào trong mưa. Anh nhìn theo, thấy chị đến chỗ bức tường bao một
cái sân chơi. Chị ta ngồi xuống, mất dạng trong bóng tối của bức tường đổ xuống
một vệt dài và anh hiểu chị gửi con cho anh để làm gì. Anh xấu hổ, tự trách
mình sao lại nhìn theo chị. Vừa lúc đó chiếc xe buýt quen thuộc mang số 56 trờ
tới. Thấy chỉ có mình anh ôm đứa bé ngồi trên ghế đợi, anh phụ xe lao đầu ra:
“Chờ xe thì lên!”. Anh không trả lời. Trên tay anh đang có thằng bé và cạnh anh
là cái túi của người đàn bà. Làm sao anh có thể để lại hai thứ đó trên chiếc
ghế. Chiếc xe buýt không dừng, tăng ga rời trạm chờ. Anh nhìn theo, dửng dưng.
Đi bộ về nhà mất khoảng nửa giờ nhưng trời lạnh thì cũng chẳng ngại. Anh ôm
chặt thằng bé vào lòng vì thấy nó cựa quậy trong vòng tay. Anh ngồi như thế một
lúc. Anh không lo lắng gì về phần mình mà chỉ lo cho người đàn bà. Liệu chị ta
có tiền để gọi một chiếc xe ôm hay không?
-
Em thật tệ, làm ông nhỡ chuyến xe.- Người đàn bà quay lại, bế thằng bé về, nói.
-
Không sao, anh nói, nhà tôi cũng gần, đi bộ cho ấm người cũng hay. Chị về đâu?
-
Dạ, em về bến xe Hà Đông. Em tính đêm nay ngủ ở nhà đợi để sáng mai đón xe về
Vân Đình sớm.
-
Để tôi gọi cho chị một chiếc xe ôm nhé?
Người
đàn bà nhìn anh hốt hoảng. Anh hiểu ngay là chị ta không có tiền. Đáng lẽ anh
phải hiểu ra điều đó ngay vì nếu đủ tiền thì chắc chị ta không ôm con mà chờ
chuyến xe vét cầu âu như thế.
-
Dạ thôi - chị ta nói - em hãi đi xe máy lắm. Mẹ con em ngủ lại trạm chờ này
cũng được. Sáng mai lại được đi chuyến đầu tiên.
Lại
A.Q rồi. Anh nghĩ bụng, làm sao chị ta với thằng bé có thể ngủ ở cái trạm xe
buýt do một công ty nước ngoài dựng lên để quảng cáo. Chiếc ghế băng granitô,
trên là một cái mái che hình cánh chim kiểu cách nhưng không che được cả mưa
lẫn nắng. Và tất nhiên không có gì ngăn lũ du đãng thường dùng nơi này để qua
đêm và tiêm chích. Tại sao mình lại không thể đón chị ta về nhà? Anh ngỏ lời và
đưa tay đón thằng bé. Nhưng thật bất ngờ, người đàn bà từ chối quyết liệt. Chị
nhất định không đi theo anh mà cứ khăng khăng bảo mình sẽ ngủ ở đây, làm như
cái ghế đợi là thiên đường của chị không bằng. Anh ủ rủ rời trạm đợi xe, đi bộ
về nhà.
Nhưng
anh không ngủ được. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Anh tưởng tượng đủ mọi tình huống
xảy ra với người đàn bà trên chiếc ghế đợi vắng vẻ trong đêm và trong mưa. Anh
lục lọi lấy ra mấy cái áo mưa rẻ tiền cũ và mới. Vào lúc nửa đêm, anh đi bộ về
trạm đợi xe. Người mẹ đang nằm co lại như con tôm trên chiếc ghế, hai tay ôm
chặt thằng bé vào lòng như sợ nó rơi mất. Chắc chị không ngủ vì khi anh vừa
bước từ đường nhựa bây giờ đã vắng ngắt lên trạm đợi, chị ngồi dậy ngay.
-
Ông, thế mà em tưởng...
Nếu
mình đúng là thứ người chị ta tưởng thì chị ta cũng làm gì được trong đoạn phố
vắng teo và mưa rả rích thế này. Anh nghĩ bụng và ngồi xuống cạnh chị.
-
Tôi không thể để chị ngủ đây. - Anh nói với giọng kiên quyết. - Chị phải về nhà
tôi, sáng mai hẵng ra đón xe.
Anh
nói như anh là một đội viên dân phòng có trách nhiệm bảo vệ người vô gia cư
ngoài đường phố, như anh đã giao kèo với Thượng Đế phải bảo đảm an toàn cho hai
linh hồn phiêu bạt.
Người
đàn bà không từ chối nữa. Chị đưa con cho anh và đi bên cạnh, giương chiếc áo
mưa rách lên che những giọt mưa chếch rơi lên đôi má lộ ra giữa tấm khăn choàng
như hai quả trứng gà.
***
Thế
là trong căn hộ của anh lại có đàn bà. Không những thế, còn cả một đứa bé. Điều
đầu tiên anh phát hiện được khi người đàn bà và đứa con bước vào căn hộ anh ở,
dưới ánh đèn nê-ông là anh thấy chị ta đẹp. Một khuôn mặt nhẹ nhõm, đúng là
hình trái xoan và phía bên trong, theo cảm nhận của anh là vẻ dịu dàng của
người quen phục tùng và cam chịu. Anh tưởng thế. Điều thứ hai anh phát hiện ra
là cả hai mẹ con đều đói. Khi thấy chị quay người ý tứ mở cúc áo ngực cho con
bú, anh không nhìn nhưng biết chị ta đang cố vắt nặn bầu vú còn thằng bé thì
khóc thét lên, rồi chị nhăn nhó đau khổ vì bất lực, hai bàn tay run như giẽ,
anh biết là sữa không chảy ra. Người mẹ đang đói. Anh lấy ấm điện đun nước sôi
rồi dốc cạn hộp sữa ăn dở của mình. Lúc đầu chị bảo không quen uống sữa, chị
không đói. Nhưng khi anh nói chỉ cần uống một cốc thôi là sữa sẽ chảy ngay (anh
nói vong mạng theo lối suy nghĩ đơn giản chưa hề được kinh nghiệm chứng minh)
thì người đàn bà vồ chiếc cốc trong tay anh, nhìn anh với đôi mắt biết ơn, cảm
động và chị uống cạn cốc sữa một cách ngon lành.
-
Có thật sữa sẽ ra không ông?
-
Đúng thế. - Anh nói - Chị uống thêm một cốc nữa thì nó sẽ ra nhiều hơn.
Anh
nài chị uống một cốc nữa. Quả nhiên sữa chảy ra và thằng bé bú no nê, lại ngủ
trong tay chị.
-
Bây giờ chị đặt nó xuống giường tôi để nghỉ tay một lúc. Tôi đi nấu hai bát mì
ăn liền, chắc chị đói mà tôi cũng thế.
Người
đàn bà không nói gì. Chị không khách sáo nữa. Chị đói thật. Nhưng một cái gì
lớn lao hơn cái đói đang chiếm lĩnh tâm tư chị.
Họ
ngồi ăn mì bên cái bàn viết của anh. Anh cứ ca mãi cái điệp khúc, rõ ràng là
anh vẫn có thói quen vạch lá tìm sâu để trách móc một cách hào hứng những khiếm
khuyết của đàn bà:
-
Chị sợ cái gì mà nhất định không vào đây? Chị sợ tôi hơn những thằng lưu manh
đi ăn đêm ngoài phố hẳn? Chị thấy chưa, nếu chị cứ khăng khăng ngủ ngoài đó thì
khéo thằng bé chết đói.
Chị
nhìn anh một cách ý nhị và sau khi ăn, trông chị dễ nhìn và hấp dẫn hơn lúc
nãy. Anh còn nhận ra chị là người có học trong cái nhìn ấy. Nhìn chị anh có cảm
giác như lần đầu tiên mình nhìn thấy đàn bà, một cảm giác không thể tin được
đối với anh.
-
Em hãi đàn ông, bác ạ. Cứ mỗi lần có người đàn ông nào rủ em đi đâu hay làm cái
gì là em cứ run bắn lên.- Chị không gọi anh là ông nữa, tiếng bác làm anh hài
lòng và thấy thích hợp, đúng là nếu không có thằng bé thì không bao giờ anh đưa
người đàn bà này về nhà mình.
-
Thế à? - Anh nói kèm một nụ cười chua chát. - Trong đời tôi chỉ thấy những
người đàn ông khổ vì đàn bà còn chưa thấy chuyện ngược lại.
-
Cũng có thể như thế. - Chị nói với vẻ từng trải và biết điều. Và chị nói thêm -
Nhưng em thì không thấy như thế.
Quả
thật có mỗi chỗ nằm và một cái chăn duy nhất thì thằng bé chiếm mất rồi. Họ ngồi
bên bàn, không ai dám nói đến chuyện đi ngủ. Cũng như bất kỳ người phụ nữ nào,
chị là người đầu tiên hỏi anh về vợ con, về gia cảnh. Anh trả lời qua loa những
câu thuộc “đáp án” đã được anh soạn sẵn từ lâu để giải thích cho thân tộc hay
bạn bè về chuyện gia đình anh tan vỡ mà không phải nói xấu một ai, không phải
nói thật những suy nghĩ của anh về đàn bà. Giọng nói của anh có vẻ chân thật
đến nỗi chị muốn kể cho anh nghe chuyện của mình. Nhưng chị không kể. Vô ích.
Tưởng cái làng quê của chị làm chị mất mọi cơ hội được làm mẹ, làm vợ. Chị bỏ
nghề dạy học, theo hắn về thành phố. Hắn đẹp trai, mồm mép và nguy hiểm nhất là
hắn rất hào phóng và tử tế. Chị chưa nói dối ai nên hắn nói gì chị cũng tin.
Hắn sống với chị trong một căn hộ thuê của ai đó, hứa sẽ cưới chị khi đủ tiền
mua một căn hộ khác đàng hoàng hơn. Chị tưởng đã có một gia đình, có một người
chồng tài ba, kiếm được nhiều tiền bằng cách nào chị không có quyền quan tâm và
hỏi han. Khi thằng bé ra đời thì hắn không bao giờ nói tới chuyện cưới xin nữa.
Bà hàng xóm bảo chị: “Thằng nào cũng thế. Có con rồi thì không chịu cưới nữa”.
Cho đến hôm nay...
Anh
nghe, nhớ lại ngày anh ở Pleiku về nhà và thấy vợ anh xanh xao, nôn oẹ với cái
thai gần ba tháng.
-
Khi em đưa thằng bé đi tiêm chủng về thì “bà ta” đang ở trong nhà. Thì ra vợ
anh chồng hờ của em đang sống với hai đứa con chỉ cách chỗ em ở vài cây số,
ngay trong thành phố. Bà ta quẳng cho em cái túi còn em thì chỉ kịp nhặt lên
rồi đi ra đường. Hôm nay trời mưa, em chỉ lo mỗi chuyện đó, thằng bé mới tiêm
chủng mà ướt mưa, người ta bảo như thế sẽ rất độc. Em phải đi thật xa chỗ đó,
càng xa càng tốt. Em sợ bà ta đuổi theo, lại lo thằng bé bị ướt nước mưa. Em
lẻn vào trạm đợi xe... em đã nói dối bác.
-
Sao chị lại cười? Chuyện của chị có gì đáng để cười đâu?
-
Em mà khóc thì không nuôi con được. - Người đàn bà nói- Bác thấy đàn ông họ có
tài không? Bà ta chỉ ở cách chỗ em hai cây số...
***
Nhiều
ngày đã trôi qua, nhưng không bao giờ Toản thấy người đàn ông “tài ba” ấy đến
tìm thằng bé và người đàn bà. Có thể anh ta không biết họ đang ở đây, trong căn
hộ chật chội của Toản. Cũng có thể anh ta biết mà không đến. Nhưng đối với Toản
cũng như người đàn bà bất hạnh, chuyện đó chẳng quan trọng gì. Anh không còn
bận tâm về chuyện nhà mình lại có đàn bà. Chỉ biết là anh bớt đăm chiêu hơn,
thỉnh thoảng anh không phải ăn “bim bim” hay lạc rang trừ bữa và anh không còn
nhớ gì về những chuyện anh vẫn nhớ, về một người đàn bà khác lục ví anh rồi
nhìn anh khinh bỉ, xanh xao, nôn oẹ ngày anh ở Tây Nguyên trở về. Anh cũng quên
luôn những gì anh nghĩ với vẻ đắc ý và tự hào về cuộc sống đàn ông độc thân.
Cũng may mà anh chưa nói với ai về chuyện ấy. Một hôm, có lẽ là ngày thứ mười
ba kể từ lúc tá túc nhà anh, anh đi làm về và không thấy chị và thằng bé đâu
nữa. Trên bàn có một bức thư, nét chữ rất đẹp, đúng quy cách, nét chữ cô giáo
trường làng. “Mẹ con em xin phép bác, thế này là phụ ơn bác quá. Nhưng em muốn
về quê. Em không thể... em biết nếu em ở lại thì chuyện gì sẽ xảy ra dù bác
chưa nói với em lời nào. Nhưng em không thể, em vẫn còn hãi lòng dạ đàn ông,
bác hiểu cho em. Em và cháu lạy bác về công ơn cưu mang, đùm bọc...”.
Anh
bàng hoàng nhìn mâm cơm dọn sẵn cho anh và mớ quần áo vừa khô được xếp ngay
ngắn đặt trên mặt chiếc tủ ly nhỏ. Anh rùng mình nghĩ tới những giây phút cô
đơn trước đây. Đã lâu lắm, lần đầu tiên anh thấy thiếu một người đàn bà.
(Được sự đồng ý của anh NQThân, Ngọc Châu trích đăng từ nguồn: http://thanngan.tk/)
Ngọc Châu gửi đăng.
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập
nhật lại- ngày 19/08/2014
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 12/03/2011
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Tàu
đi Hòn Gai – Truyện ngắn Nguyễn Quang Thân (Hải Phòng)
Ngày
25/03/2011
Tàu của
những người nghèo, những tâm trạng và nỗi buồn không có cách gột bỏ nào rẻ tiền
và dễ dàng hơn là rải nó dọc một tuyến đường biển dài, khi tiếng sế-dịp lục bục
đẩy anh xê dịch chỉ vài hải lý một giờ đi sâu mãi vào cái hư ảo của Hạ Long.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Nguyễn Quang Thân
Họ tên thật Nguyễn Quang Thân
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
Địa chỉ: TP. Hải Phòng
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
TÀU ĐI HÒN GAI
Tàu của những người nghèo, những tâm trạng và
nỗi buồn không có cách gột bỏ nào rẻ tiền và dễ dàng hơn là rải nó dọc một
tuyến đường biển dài, khi tiếng sế-dịp lục bục đẩy anh xê dịch chỉ vài hải lý
một giờ đi sâu mãi vào cái hư ảo của Hạ Long.
Ngồi
đối tôi là một người đàn ông luống tuổi, tóc bạc một cách cục cằn. Những đường
nhăn không quy luật, khó đoán định kẻ lên bộ mặt xạm đen xì nắng gió và những
dằn vặt đời. Ông bảo ra Trà Cổ"tìm thằng con bất hiếu'. Nó về xin ông chia
gia tài để cấp vốn cho con vợ đi buôn hàng Trung Quốc. ông từ chối. Nó đào trộm
nền nhà cuỗm sạch của ông số vàng dưỡng lão. "Năm cây vàng của tôi chứ có
ít ỏi gì". ông nói. Bên cạnh tôi là một bà mù với đứa con út đang ngủ gà
gật. Bà còn trẻ, mắt mở to như mắt người sáng, nét mặt không một nếp nhăn và
bình thản. Không thể tưởng tượng được đôi mắt ấy không còn nhận được ánh sáng
và mặt biền chiều rực rỡ trên Vịnh Hạ Long, đối với bà chỉ là một đêm tối mênh
mông. Bà chăm chú nghe chuyện của chúng tôi theo cung cách và điệu bộ của người
mù, sự chăm chú của toàn bộ cơ thể. Bà nói : "Thưa các ông, mỗi cây một
hoa mới gọi là đời. Tôi xin kể các ông nghe một chuyện mắt thấy tai nghe tử
thời tôi còn nhỏ... - bà hướng về người đàn ông - xin ông đừng buồn, thiên hạ
còn có người bất hiếu hơn thằng con ông".
Câu
nói như an ủi được phần nào người cha đau khổ. Ông nghiêng người ra phía trước
lắng nghe. Người đàn bà mù kề:
-
Hồi lên mười, mắt tôi còn sáng. Cạnh nhà tôi có một bà cụ mù. Bà góa chồng lúc
còn trẻ nhưng ở vậy nuôi con. Rồi bị một cơn thiên đầu thống và thế là mù hẳn.
Anh con trai cưới vợ. Cả xóm nghèo ai cũng có tiền mừng, mọi người tự đặt tiền
vào bàn tay bà cụ. ở chỗ tôi những người sáng mắt cũng còn chật vật lắm mới
kiếm được miếng ăn, huống gì bà. Cưới được nàng dâu tốt nết, chắc đời bà đỡ
khổ. Nhưng có ai ngờ anh con! Sau ngày anh có vợ, người ta đã xầm xì về anh
những chuyện tày trời. Thế rồi một hôm, sang nhà con bạn chơi, tôi thấy nó dang
chúi mũi vào một lỗ thủng trên vách đất, nhìn sang gian nhà của bà cụ mù. Nó
vẫy tôi lại Các chư ông có biết tôi nhìn thấy chuyện gì không ? Cả nhà bà cụ
đang ngồi bên mâm cơm. Trên mâm có một đĩa rau luộc, một đĩa thịt kho vàng. Bà
cụ ngồi nhai cơm. Anh con trai đang bặm môi dùng hai chiếc đũa đầy đĩa thịt về
phía vợ. Còn chị con dâu, mặt đỏ bừng vì xấu hổ, chống lại chồng bằng cách lấy
đũa đẩy cái đĩa sang phía mẹ chồng. Cả hai dằng co nhau trên cái mâm, trong im
lặng, cả hai đều dùng hết sức của cánh tay mà không nói một lời. Chỉ còn nghe
thấy tiếng nhai trệu trạo của bà mẹ. Lúc đó tôi nghĩ là bà không biết gì. Trước
mắt bà chỉ là đêm tối, như trước mắt tôi bây giờ cũng chỉ là đêm tối... Tôi vội
quay đi, không dám nhìn tiếp cảnh đó nữa, mặc dù hồi đó tôi mới chỉ lên mười,
nhưng tôi không chịu nổi, chạy về nhà úp mặt xuống gối mà khóc. Cầu Trời cho
các chư ông đứng bao giờ phải nhìn thấy cái cảnh tôi nhìn thấy đó. Hai năm sau,
bà mẹ treo cổ tự vẫn ngay trong nhà, chị con dâu đẻ được một đứa con trai thì
ôm con về nhà mẹ. Nhưng anh con trai lại làm ăn tấn tới, mua dược nhà khác và
dọn đi Giờ đây, khi đã bị mù, tôi mới biết là mình đã nhầm. Người mù nhìn thấy
mọi thứ trong bóng đêm, trong hai năm trời bà cụ dã nhìn thấy bao nhiêu chuyện
khiến bà phải tìm cách...
Người
đàn ông nức lên một tiếng. Mặt ông tái xám di trong nắng chiều. Tôi nghĩ là câu
chuyện đau buồn kia đã chạm đến vết thương lòng của ông. Tôi đưa ông một lọ dầu
gió- Tôi bảo: "Bác khó ở?” Ông xua tay rồi đứng dậy, bước tới phía mũi
tàu. Đôi vai to bè của ông oằn xuống trên tấm lưng mềm nhũn như không còn cột
sống chống đỡ. Tôi bỗng nghĩ đến cái chết của bà mẹ mù trong câu chuyện đang
làm tôi run cả người lên. Đàn ông cũng chẳng cứng rắn gì hơn đàn bà. Trên đường
ra Vịnh đã có bao nhiêu cuộc đời tìm cách tự giải thoát vào làn nước xanh thẫm
này. Tôi quả quyết đứng dậy, đi theo người đàn ông, tay vẫn cầm lọ dầu. ông đã
ngồi xuống đống giây chão trên lỗ neo.
Tôi
bước lại gần, cố nghĩ cách làm ông khuây khỏa.
Tôi
nói: "Ngày mai mới có tàu ra Trà Cổ. Nhà tôi ở gần núi Bài Thơ, nếu tiện
xin mời bác..."
Người
bạn đường nhìn tôi với đôi mắt biết ơn. Nhưng một khoảng trống mênh mông hiện
ra trong mắt ông, trong cái nhìn mà tôi không thể nào mô tả nổi, một nỗi xót
xa, ân hận hay thứ tình cảm gì gần như thế đang làm đôi đồng tử của mắt ông to
ra như ông đang hấp hối. Linh tính mách bảo tôi một điều: người đàn ông này
phải nói câu gì đó với tôi hay với bất kỳ ai khác. Nếu không ông sẽ gục xuống
trên đống giây chão. Tôi đã không nhầm. Ông nói:
- Cám ơn
ông. Nhưng tôi không ra Trà Cổ làm gì nữa. Tôi thế là đáng đời. Ông biết không,
tôi đã nhận ra bà mù ấy. Bốn mươi năm trước bà ta là cô bé hàng xóm của hai mẹ
con tôi.
(Được sự đồng ý của anh NQThân, Ngọc Châu trích đăng từ nguồn: http://thanngan.tk/)
Ngọc Châu gửi đăng.
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại- ngày 19/08/2014
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 12/03/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét