Home
» Lý luận phê bình
» Cháy bỏng một khát vọng (Nhân đọc Dòng máu nóng) – Bài viết Nguyễn Xuân Dương
Cháy bỏng một khát vọng (Nhân đọc Dòng máu nóng) – Bài viết Nguyễn Xuân Dương
Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014
“Dòng máu nóng” của Bùi Văn Phúc viết về những điều tốt đẹp, nó không phải là sự ngợi ca mà là khát vọng cao cả của nhà văn, của cộng đồng. Không ai có quyền ngăn cấm người ta có quyền ước mơ và khát vọng. Văn học phản ánh mặt trái của cuộc đời cũng là khát vọng, tiếp thêm ngọn lửa cho cuộc đấu tranh sinh tồn giữa điều thiện và điều ác, ...
Tác giả Bùi Văn Phúc
Sinh 10/09/1954 TạiNam Định
Tốt nghiệp Khoá 7- Trường Viết văn Nguyễn Du (2002- 2006)
Hội viên Hội Văn nghệ Quảng Ninh
Hiện sống và làm việc tại Quảng Ninh
ĐT: 0977816978
Email: Vangden36@gmail.com
_____
Sinh 10/09/1954 Tại
Tốt nghiệp Khoá 7- Trường Viết văn Nguyễn Du (2002- 2006)
Hội viên Hội Văn nghệ Quảng Ninh
Hiện sống và làm việc tại Quảng Ninh
ĐT: 0977816978
Email: Vangden36@gmail.com
_____
(Nhân đọc Dòng máu nóng tiểu thuyết của Bùi Văn Phúc, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2012)
Trong lá thư tuyệt mệnh ông Quyết gửi cho đứa con trai là Hiếu của mình, ông viết: “Chẳng ai hại con khi con sống nhân nghĩa”. Đó là chân lí hay khát vọng của ông Quyết một nhân vật mà tác giả Bùi Văn Phúc muốn gửi gắm một phần đời và những suy nghĩ về cuộc đời và văn học. Có thể xét câu nói ấy ở hai phạm trù: Thứ nhất là chân lí. Vâng đó là một chân lí. Nếu mọi người đều biết sống nhân nghĩa, mà đã nhân nghĩa thì chả ai hại ai. Nhưng từ khi xã hội loài người hình thành thì trong bất cứ xã hội nào cũng tồn tại hai điều: thiện và ác đấu tranh lẫn nhau. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy điều thiện bao giờ cũng thắng. Thắng thế thôi chứ không bao giờ tiêu diệt được cái ác. Chính vì thế mà xét phạm trù thứ hai, phạm trù của khát vọng thì đó được coi là khát vọng của ông Quyết, cũng là khát vọng của nhà văn Bùi Văn Phúc về một xã hội công bằng và nhân ái. Ở đó con người sống với nhau, giao tiếp với nhau bằng nhân nghĩa. Khát vọng nhân văn cao cả đó là động lực, là mạch nguồn chảy suốt trong tiểu thuyết “Dòng máu nóng”. Tầng tầng lớp lớp nhân vật xuất hiện trong “Dòng máu nóng” đều là những con người nhân nghĩa, biết yêu thương đùm bọc che chở, nâng dắt nhau để rồi sống, rồi yêu, rồi làm đẹp cho cuộc đời.
Ở đó ta bắt gặp ông Quyết được coi là nhân vật chủ đạo xuyên suốt toàn bộ tiểu thuyết. Một con người bất đắc chí không thành đạt trong học vấn, trong địa vị xã hội. Ông được đi nước ngoài nhưng không phải là đi tu nghiệp học hành mà đi làm thuê ở nước Đức cộng hòa dân chủ. Ở cái thời bao cấp đó cũng là một hạnh phúc lớn lao cho người lao động. Đây có thể được coi là món quà bố thí thay thế cho việc không được đi học của ông. Về nước, ông có một món tiền, nhưng việc làm vẫn vậy. Những trải nghiệm đông tây, trải nghiệm cuộc đời quân ngũ và những năm tháng vừa công tác, vừa mòn mỏi chờ mong để thực hiện ước mơ của mình không thành. Tất cả điều đó đã tạo tiền đề cho nhân vật Quyết trở thành một nhà văn. Quan điểm văn học của ông Quyết cũng được bộc bạch khá đầy đủ trong bức thư tuyệt mệnh. Có chỗ đúng, chỗ chưa đúng, nhưng quy tụ lại là khát vọng nhân văn về một xã hội nhân nghĩa: “Và con nhớ một điều là trong những điều kiện nào con cũng nên sống nhân nghĩa. Nhân nghĩa trong cuộc đời này sẽ cho con thấy cuộc đời tốt đẹp biết nhường nào” (trang 146). Khát vọng nhân nghĩa đã tạo đà cho ông hi sinh một phần lá gan của mình để cứu một thanh niên trẻ tuổi mà cuộc đời đã đưa đẩy ông nhận biết đó là đứa con trai của mình, dòng máu của mình được kết tinh từ âm mưu và tội lỗi. Những gì đã xảy ra giữa cô công nhân nông trường chè có tên là Thảo và anh bộ đội đảo ngũ ngu ngơ có tên là Thắng có thể được coi là âm mưu và tội lỗi. Nhưng dù gì đi nữa thì Hiếu vẫn là đứa con của ông, dòng máu nóng của ông. Ông phải hi sinh phần đời còn lại của mình cho nó, cho nó một phần lá gan. Sau khi cho dù mình có phải chết, cũng là một hạnh phúc, một nghĩa cử lớn lao của người cha. Chính vì thế mà ông Quyết đã viết lá thư tuyệt mệnh gửi cho đứa con thân yêu.
Nhân vật Hiếu là một kĩ sư trẻ tốt nghiệp loại ưu trường đại học Mỏ Địa chất về công tác ở mỏ than Quảng Lợi. Hai cha con tình cờ gặp nhau ở bệnh viện. Họ đã đến với nhau bằng linh cảm vì ông Quyết đã nhận ra đó có thể là đứa con của mình, một đứa con như trên đã nói. Hiếu phải được sống, Hiếu không thể chết ở cái tuổi mà hạnh phúc và tài năng đang chớm nở. Đó là ước nguyện của người cha với mặc cảm tội lỗi.
Ta bắt gặp nhân vật ông Huy Tâm- một bác sỹ phẫu thuật tài năng và đức độ. Bóng dáng bà vợ và cô con gái chỉ thoáng qua, một ông giám đốc cũng thoáng qua, một tập thể cán bộ bác sỹ, y tá của bệnh viện cũng thoáng qua nhưng ta đã nhìn thấy tấm lòng nhân nghĩa của họ. Nói khác đi là nhà văn Bùi Văn Phúc đã hư cấu họ là con người nhân nghĩa. Tất cả đã góp phần làm cho ca mổ thành công tốt đẹp. Hiếu đã được cứu sống và ông Quyết cũng có thể sống được lâu hơn. Ông Huy Tâm không chỉ thực hiện ca mổ thành công mà còn bền bỉ chữa trị cho Hiếu những rối loạn sinh lí sau khi cấy ghép phủ tạng. Ta bắt gặp chi tiết nhỏ của nhân vật này khi ông đưa phong bì tiền trả lại Hiếu số tiền mà Hiếu đã mua máy vi tính cho con gái Hương Lan của ông. Những người như ông Huy Tâm không thể trả ơn họ bằng tiền bạc. Hiếu chỉ có thể trả ơn ông Huy Tâm bằng chính sự rèn luyện sức khỏe, khắc phục những rối loạn sau mổ để sống một cuộc đời khỏe mạnh, có ích cho gia đình, cho cuộc đời. Hiếu đã làm được điều mà ông Huy Tâm gửi gắm khát vọng bằng nghị lực muốn tồn tại của chính anh. Đọc tiểu thuyết, tôi lại nghĩ, nếu như tất cả các bệnh viện trên trái đất này ở đâu cũng được như thế thì biết bao số phận hiểm nghèo sẽ được cứu sống. Cuộc đời này sẽ nhân ái tốt đẹp và công bằng biết bao nhiêu. Nhưng đó cũng chỉ là ước mơ và khát vọng của riêng tôi mà nhà văn Bùi Văn Phúc đã thắp sáng lên trong tâm hồn tôi.
Ta bắt gặp một đồng chí đại đội trưởng, một chính trị viên thời đánh Mỹ. Quân lệnh như sơn. Nhưng đã phải siêu lòng trước tuyệt chiêu của cô gái Thảo. Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Nếu cứ cứng nhắc sẽ mất một người lính chiến đấu khi Tổ quốc đang cần.
Một đại tá Văn xốc vác, bỗ bã nhưng cũng rất nhân nghĩa. Ông đã tận tình giup đỡ Hiếu về mọi mặt tinh thần và vật chất. Một tập thể công nhân mỏ Quảng Lợi dưới quyền lãnh đạo của ông cũng đã góp phần quyên góp để Hiếu có tiền thực hiện ca mổ. Ông không nề hà, chấp nhặt mà lại giang tay để cứu giúp một cuộc đời lầm lạc và bất hạnh như Phương Lan. Một Phương Lan đã bị Dũng - một giáo viên trường Mỏ - Địa chất tha hóa lừa gạt. Ta thấy bóng dáng một nhân vật phản diện là Dũng. Có thể kể đến một gã pê-đê làm hại chàng sinh viên thực tập Huy Tâm từ những năm nảo, năm nào, thoáng bóng một tên du thủ du thực trấn lột Hiếu khi Hiếu nhảy tầu bị thương ở một ga nhỏ miền Trung. Thoáng bóng dáng một tay trưởng phòng ma lanh đã cướp xuất đi học của ông Quyết. Cũng là cướp đi ước mơ và địa vị của ông. Chỉ thoáng qua vậy thôi, còn lại ta bắt gặp bao nhiêu con người biết sống nhân nghĩa.
Tôi lần giở ra lớp lớp nhân vật nhân nghĩa khác. Đó là cô gái Thảo trong “Linh hồn yên ả” - một cô gái vì muốn giữ được tình yêu của họ hàng nhà chồng đã lập mưu đã lập mưu đánh cắp đứa con.
Chị đã toại nguyện. Nhưng cũng chính vì thế mà chị đã sống cuộc đời với mặc cảm tội lỗi với nhà chồng, với anh Dũng người chồng đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Suốt đời chị phải một mình nuôi con, đứa con trai của một người xa lạ. Đứa con đã khôn lớn và đã vào đại học thì cũng là lúc bà kiệt sức không thể chờ đợi được cái ngày hạnh phúc lớn lao mà người mẹ được nhìn thấy đứa con mình trưởng thành, chững chạc bước vào đời bằng nước mắt mồ hôi của mình. Bà Thảo đã qua đời và ta cầu mong cho linh hồn bà yên ả.
Rồi một dì Thao tật nguyền thay chị nuôi cháu ăn học thành tài, sống cuộc đời đơn côi tủi hổ nhiều thương khó. Nhưng hạnh phúc đã đến với dì. Một con người nhân nghĩa như thế không thể sống bất hạnh được. Dì đã gặp được anh thương binh tên là Sanh mà người đời vẫn cho anh là ngẩn ngơ. Nhưng lại có một tấm lòng nhân nghĩa rất mực yêu thương dì Thao. Hạnh phúc đã đến với họ là một điều tất yếu.
Một bà Diệu với mối tình sét đánh, nhưng bà đã nuôi mối tình đó trong 30 năm. Mặc dù ông Quyết đã quên, đã phụ bạc bà, nhưng khi ông Quyết hiểm nghèo, cùng quẫn đến với bà, thì bà lại giang rộng vòng tay ra với ông, sẵn sàng cưu mang ông và gia đình về kinh tế lẫn tình cảm.
Một bóng người thoáng qua ở sân ga nhỏ miền Trung cũng đã cứu sống được Hiếu trong lúc hiểm nguy.
Một ông lão miệt vườn Nam Bộ hồn hậu và nghĩa khí cũng sẵn lòng cưu mang ông Quyết khi ông đang gặp bối rối trong cuộc đời.
Tất cả, tất cả họ đều là những người biết sống nhân nghĩa.
Ôi! Cuộc đời đẹp biết bao nhiêu qua từng dòng, từng trang của tiểu thuyết “Dòng máu nóng”. Nó thắp sáng trong ta ngọn lửa của tình yêu và khát vọng, ngọn lửa của nhân nghĩa.
Có ý kiến cho rằng văn học hiện nay chỉ ca ngợi là có tội. Đó là một chân lí hiển nhiên khi xã hội ta đang có chiều hướng băng hoại về nhân cách, khi cuộc đời này vẫn còn nhiều ngang trái lọc lừa, những mất mát thương đau. Nhưng “Dòng máu nóng” của Bùi Văn Phúc viết về những điều tốt đẹp, nó không phải là sự ngợi ca mà là khát vọng cao cả của nhà văn, của cộng đồng. Không ai có quyền ngăn cấm người ta có quyền ước mơ và khát vọng. Văn học phản ánh mặt trái của cuộc đời cũng là khát vọng, tiếp thêm ngọn lửa cho cuộc đấu tranh sinh tồn giữa điều thiện và điều ác, giúp điều thiện thắng thế để có được một xã hội công bằng, văn minh. Một xã hội nhân nghĩa. Đó chính là thông điệp mà nhà văn Bùi Văn Phúc muốn gửi đến cõi người qua tiểu thuyết “Dòng máu nóng”.
Bắc Ninh, mùa hè, 2012
gửi từ
Bùi Văn Phúc © Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Quảng Ninh ngày 27.11.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét