Home
» Thư viện văn xuôi
» Một số phận kỳ lạ - Truyện ngắn lịch sử của Mai An Nguyễn Anh Tuấn (ĐDĐA)
Một số phận kỳ lạ - Truyện ngắn lịch sử của Mai An Nguyễn Anh Tuấn (ĐDĐA)
Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015
Thứ hai - 13/08/2012 20:54
Lời của người biên tập: Tô Hiệu- người Bí thư Thành ủy đầu tiên của Hải Phòng, cùng với những đồng chí của ông trong giai đoạn tiền Khởi Nghĩa đã bộc lộ những phẩm chất tinh thần cao quý giữa hiểm nguy chết chóc, đã nêu cao tấm gương sáng chói của "Tính kỷ luật cao độ, sự tôn trọng nhân dân, thái độ bất khuất cương trực trước mọi kẻ quyền lực hống hách, lòng thương người và sự giúp đỡ mọi người vô điều kiện, những bộ quần áo tàng được giặt giũ sạch sẽ và vá víu cẩn thận, sự thông thạo và ngăn nắp trong mọi công việc lao động… tất cả những cái đó đã được truyền tụng trong dân chúng như những truyền thuyết đẹp đẽ nhất của họ, đã sưởi ấm và rọi sáng cho biết bao số phận u tối, bất hạnh…" (Truyện "Một số phận kỳ lạ"). Vẻ đẹp Tâm hồn và Nhân cách của những nhà Cách Mạng Tiền bối lại càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt đối với hôm nay, khi mà bóng đen hắc ám bao phủ vài khoảng trời của xã hội mới có khi lại xuất phát bởi không ít người đang thay mặt Nhân Dân để "cầm cân nảy mực" xã hội... Nhưng toàn thể Nhân dân & Cán bộ Thành phố Hải Phòng (còn được gọi là "Thành Tô", Thành phố Tô Hiệu) - không vì một số kẻ Sâu Mọt trong hàng ngũ công quyền mà mất đi niềm tự hào cao quý về những Người Con Chân Chính của mình cả trước kia lẫn hiện tại! Xin được trân trọng giới thiệu thiên truyện lịch sử viết về Tô Hiệu này- như một sự đóng góp nhỏ bé vào công cuộc chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW IV đề ra!
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả: Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Bút danh khác Nguyễn Yên Thế
Địa chỉ: Phố Thái Hà, Hà Nội
ĐT: 0912174947
Email: anhtuan.daodien4@gmail.com
_____
(CÂY ĐÀO CỦA NGƯỜI TÙ ÁO SẠCH)
"Chợt một giấc mơ lạ lùng đến với anh: có nhiều người cầm dao dựa, dao quắm đang mím môi mím lợi dang tay chặt cây đào của anh! Một dòng máu tươi vọt ra cùng tiếng rên rỉ thương tâm làm anh lạnh toát người. Anh thét to lên một tiếng, chạy lại gần, thì thấy trong số những kẻ đó, bên cạnh tên công sứ Cút-xô, tên chúa ngục Ga-bô-ri, tên cai khố xanh, lạ chưa, có cả một vài người đồng chí thân yêu của anh!..."
*
Thị xã Sơn La buồn tẻ lại vào đêm. Trên ngọn đồi Khau Cả, khu nhà tù và khu trại lính khố xanh yên ắng đến rùng rợn.
Mõ cầm canh ba tiếng đều đặn, cứ mười lăm phút một, từ chòi canh này qua chòi canh khác theo lối dây chuyền. Mõ ngắn, mõ dài, kẻng dài, kẻng ngắn. Âm thanh khác nhau, nhưng vẫn tạo nên một sự đơn điệu tẻ ngắt. Thỉnh thoảng trên những đường rải sỏi ở bên trong và bên ngoài khu nhà tù lại có tiếng giày đinh lạo xạo. Đó là những người trực tuần do trại lính khố xanh cử ra hay một người phó quản đi kiểm tra các chòi canh (một loại lô cốt có lỗ châu mai), kho bạc, dinh thống sứ v.v. Họ xách đèn bão đi bất thần. Liệu hồn những anh lính của một tốp canh nào đó ngủ gật. Mỗi ngày có vài ba tốp canh, mỗi tốp khoảng mười hai người trở lên có một đội hay cai đứng đầu, lúc sáu giờ tối thổi kèn tập hợp trước trại lính khố xanh để đi đổi gác. Mỗi tốp canh như thế lại chia ra thành bốn nhóm nhỏ, mỗi nhóm ba người thay phiên canh gác bốn lần trong một ngày tại các chòi canh. Tại những nơi quan trọng, ngoài các chòi canh còn có đồn canh- ở đó đặt bàn giấy của gác-điêng.
Đêm nay, cũng như mọi đêm, không có quy định trước về giờ giấc, bước chân của người đốc canh lại lạo xạo, lạo xạo trên đường rải sỏi.
- Ách-tơ-la! Ki-vi? (Ai, đứng lại)
Một người lính ở một chòi canh kêu lên. Lập tức có tiếng trả lời cụt lủn:
- Rông! (Đội tuần)
Sau đó là những câu trao đổi ngắn gọn về mật hiệu. Rồi bước chân đốc canh đi đến các chòi canh khác. Lại những câu ngắn vang lên. Sau khi hết các chòi canh của khu nhà tù, đội trực tuần lại quay về cổng lớn. Người lính canh ở cổng lớn quay về phía đồn canh nằm trong nhà tù, gọi to:
- Sếp đơ pốt! Vơ-nê rơ-con-net (sếp bốt, hãy đến tiếp nhận)
Chỉ một lát sau, có tiếng mở khóa loảng xoảng: gác-điêng đã ra, đưa đội trực tuần vào ghi nhận trong sổ kiểm tra về tình hình canh gác của tốp canh đêm đó.
Trong khu nhà tù có một cái "cu-loa” (đường bao quanh) hẹp nằm giữa bức tường bao ngoài và những khu trại giam bên trong. "Cu-loa” này cũng rải sỏi. Đôi khi, đội tuần tra cũng đi một lượt khắp "cu-loa”.
Trong cái "cu-loa” của những bước tuần tra đơn điệu ấy, ít ai chú ý đến một ngách riêng biệt, gần chỗ ngoặt, ăn sâu vào tường bên trong của nhà tù. Đó là một cái buồng giam nhỏ hình tam giác, sàn xi-măng, có một cửa sổ chấn song sắt hình bán nguyệt và cửa ra vào bằng sắt. Nó tách biệt với tất cả các khu buồng, trại giam khác bởi một bức tường xây bằng gạch và đá đồng thời cách biệt hẳn với bên ngoài qua một mét đường "cu-loa” tiếp giáp với bức tường chắn bằng đá hộc vây quanh cả khu nhà tù. Đây là nơi trước kia dùng để tạm xác chết tù nhân. Ngay cạnh buồng giam đó là cửa sau của hai hố xí ăn vào bên trong. Và, một cây đào đang tuổi lớn mọc từ kẽ nứt của chân tường, những cành lá non tơ của nó xòe ngang ngực một người tầm thước. Những người tù mỗi sáng tập hợp điểm danh trước cổng doanh trại lớn để đi làm cỏ-vê (công việc khổ sai nặng nhọc) nhìn sang trái, thấy cây đào lớn từ bao giờ vẫn thường ngạc nhiên và thầm trao đổi với nhau về sự sống của nó. Một cây đào mọc dưới chân tường đá, lại ở trên đường tuần hàng ngày của cai, đội hay những người đốc canh thật không dễ dàng gì. Chỉ cần một sự ngứa mắt nào đó là a-lê-hấp! cây đào sẽ đi tong. Nhưng điều đó cuối cùng cũng không thể xảy ra. Khi có tên cai khố xanh ton hót lên Tòa Sứ tin tức giật gân này, anh em tù chính trị được thông báo ngay lập tức. Và trước khi Công sứ kịp nổi giận, Ban đối ngoại của Ủy ban hàng trại Chi bộ đã cử người đến Tòa Sứ tuyên bố cho y biết: Nếu như tính mạng của cây đào không được đảm bảo, toàn bộ anh em sẽ đình công- có nghĩa là tất cả những công việc nặng nhọc trong và ngoài nhà tù như xe nước, làm gạch, chăm vườn rau, giặt giũ cho gia đình công sứ, dọn chuồng ngựa, v.v, sẽ bị ngừng trệ vô thời hạn. Sau đó không thấy động tĩnh gì cả. Hình như rồi cả tên cai xấu bụng kia cũng nhắm mắt làm ngơ, hay quen với sự có mặt của cây đào. Một cây đào mọc ở đấy thì có ảnh hưởng gì đến lối đi, đến sự an toàn của bức tường kiên cố? Hơn nữa, trong số lính khố xanh có những kẻ mê tín rỉ tai nhau: cây đào này hình như là hiện thân của một vị thần rừng nào đó, chớ nên động vào!
Cây đào cứ thế lớn dần, vững chãi, với tất cả bản tính tự nhiên và vẻ đẹp mà rừng núi đã ban cho nó. Nhưng đúng cái lúc cây đào bước vào thời kỳ sung sức, người sống gần gũi nhất với nó lại lâm vào một cảnh ngộ hoàn toàn trái ngược. Trong gian tối hình tam giác, người Bí thư chi bộ trẻ tuổi đã yếu lắm rồi. Anh không còn đủ sức lê ra tới cây đào. Những trận ho đột ngột và dữ dội kéo dài như ném quật cái thân hình còm cõi của anh xuống sàn xi-măng rắn lạnh. Tiếng thở của anh giống như tiếng kéo bễ, có lúc lại giống tiếng thổi qua một ống sắt tây dài hun hút hay tiếng những mảnh vụn kim loại nghe rờn rợn khi xóc lên trong một cái bình thủy tinh. Anh thở hết sức khó nhọc, dường như trái đất này đang thiếu dưỡng khí một cách trầm trọng. Nhưng đôi mắt của anh muốn nói rằng xung quanh anh đang tràn đầy ánh sáng, và như vậy có nghĩa thực ra dường khí không phải là hiếm hoi! Mỗi lần nhìn ánh mắt Tô Hiệu muốn nói điều đó, những người tù đeo số vuông 1 ngồi bên anh đều thấy lòng quặn thắt. Những ngày Tô Hiệu lên cơn sốt nặng và ho ra những tia máu, ai cũng muốn tới chăm sóc anh, chi bộ CS nhà tù phải ra nghị quyết về chế độ luân phiên đến với Tô Hiệu. Mới đầu Tô Hiệu cương quyết không đồng ý bất kỳ ai trông nom anh, hay ngồi bên anh quá lâu. Nhưng điều đó đã thành quyết định của chi ủy, Tô Hiệu mới đành chịu. Mọi người đều cảm thấy rõ rệt những ngày cuối cùng của bạn tù đã tới… Nhưng không ai nói ra và cố gắng xua đuổi ý nghĩ khủng khiếp đó ra khỏi tâm trí mình. Còn nước còn tát. Những cặp mắt thâm quầng ngơ ngác vì lo âu, vì thiếu ngủ. Số lương thực dự trữ và số thuốc dự trữ quý nhất trong "Quỹ cứu tế” của chi bộ được đem ra cho người ốm sử dụng. Không còn một chút bóng dáng của sự ngại ngùng, e sợ. Sự sống của Tô Hiệu lúc này là trên hết. Quý giá biết bao một giấc ngủ tạm yên, một hơi thở nhẹ nhàng của Tô Hiệu. Những cặp mắt ghé nhìn vào và những tiếng thở dài nhè nhẹ an tâm. Những yêu sách về sức khỏe người tù đặc biệt này được liên tiếp gửi đến tòa Sứ. Có lần một y tá dân tộc đến khám và tiêm cho Tô Hiệu vài ống thuộc rẻ tiền. Người y tá cũng phải lắc đầu buồn bã. Một người tù "đặc biệt nguy hiểm” ở giữa rừng rú mịt mùng này lấy đâu ra những loại thuốc đặc hiệu mà y học lúc đó cần đến để có thể trị được cái bệnh được liệt vào một trong "tứ chứng nan y”- thứ bệnh được mệnh danh một cách ghê sợ là bệnh "cô lập” (Isolé) với mọi người! Siêu vi trùng Kốc (tên một nhà khoa học đã phát hiện ra vi trùng lao) đang hoành hành trên cơ thể thư sinh của Tô Hiệu. Nhìn vẻ đăm chiêu và cái lắc đầu chậm rãi của người y tá, những người tù đứng quanh nhìn nhau lòng tê tái.
Giờ đây Tô Hiệu không còn làm bí thư chi bộ nữa, bệnh của anh đã quá nặng, khi ra khỏi buồng giam thường phải có hai người dìu hai vai. Nhưng đã từ lâu, mọi người vẫn quen coi Tô Hiệu như linh hồn của các cuộc đấu tranh chính trị trong và ngoài tù. Những buổi hội ý, trao đổi với chi ủy vẫn diễn ra trong căn buồng giam riêng biệt. Những tài liệu quý báu vẫn được viết ra và giấu ở một nơi kẻ thù không sao ngờ tới.
Những tiếng mõ cầm canh lại vang lên đơn điệu. Bóng tối chụp lên những chòi canh nhô cao khỏi dãy tường đá, trông đen trùi trũi. Người ta dễ có cảm tưởng khung cảnh đó giống một tòa lâu đài của một lãnh chúa thời Trung cổ Châu Âu. Một đôi chim từ quy kiên nhẫn khắc khoải, tiếng kêu của nó như rơi vào một nơi xa vắng mênh mông - đại dương của sự im lặng. Có điều, sự im lặng đó là sự im lặng trước một cơn giông lớn đang tới gần. Một không khí ngột ngạt bao trùm lên tất cả. Những ngọn đèn đường vốn tù mù lại bị khoác thêm những cái chụp phòng không. Cái thị xã nhỏ bé của cảnh tù đày lại càng thêm ảm đạm…
*
Một buổi sáng Tô Hiệu gắng gượng ngồi dậy. Anh lê ra khỏi khung cửa sắt buồng giam đã gỉ loang lổ. Lúc này, mặt trời còn nằm ở bên dưới tường phía ngoài, nên toàn bộ vẫn còn là bóng râm mát lạnh. Sương mù vẫn chưa tan hết. Những người tù đã đi làm cỏ-vê cả. Các khu trại giam vắng lặng. Chỉ có tiếng chim rừng lảnh lót và tiếng mõ trâu lốc cốc ven đồi vẳng lại. Tô Hiệu ngồi trên đường rải sỏi. Anh ngước mắt nhìn cây đào. Nó đã cao được gần một phần ba bức tường ngoài có gắn mảnh chai và chằng chịt dây điện trần. Lớp vỏ cây sần sùi đã hình thành, bao quanh thân hình mỏng mảnh làm nên vẻ cứng cáp. Tô Hiệu vừa ốm dậy, người anh mỏng dính, tiều tụy. Duy còn đôi mắt là vẫn sáng một cách lạ lùng, vẫn linh hoạt đón nhận những màu sắc của bên ngoài. Mấy tháng ròng, người dán chặt xuống sàn xi-măng, giờ anh mới lại được thấy cây đào. Nó thay đổi nhanh chóng quá! Sự khắc khổ đã hiện hình, len lỏi đằng sau màu xanh non của lá và màu hồng phơn phớt của hoa. Lần đầu tiên cây đào ra hoa! Tô Hiệu lặng người. Cây đào đã ra hoa! Cái điều đơn giản ấy cứ thầm thì bên tai anh. Tô Hiệu không thể chạy đến cây đào, nâng niu từng cánh hoa đầu mùa và hôn lên cái sắc hồng thoáng dịu của nó. Anh chỉ biết ngồi đúng cái vị trí mà từ đó, ánh mắt đầu tiên của anh bắt gặp cây đào nở hoa. Nhìn khuôn mặt hiền hiền hơi ngây ra vì sung sướng và ngạc nhiên lúc ấy, ai có thể nghĩ rằng con người đó vừa trải qua những cuộc vật lộn với thần chết, với những ngày tháng giá lạnh của mùa đông Tây Bắc!
Nắng đã tràn ngập đường "cu-loa”. Cây đào được tắm trong nắng sớm và dường như cũng tự tỏa một thứ ánh sáng lung linh nào đó của riêng mình. Nó làm cho màu đá xám xung quanh bớt đi cái nhức mắt quen thuộc. Thế là, màu hoa đàu đơn sơ, nguyên thủy lần đầu tiên xuất hiện trong cái nhà tù nổi tiếng được dựng lên từ năm 1908. Tô Hiệu không làm thơ bao giờ, anh thuộc về những người ưa trào phúng và thiên về lý lẽ hơn cảm xúc trữ tình, nhưng giây phút đó, anh lâng lâng trong một trạng thái tinh thần đặc biệt. Tâm trí đầy hứng khởi dẫn anh quay về những năm tháng chưa xa…
Một buổi sáng tinh sương, như thường lệ, tiếng kèn la-vầy (hiệu lệnh báo thức) dội lên từ phía trại lính khố xanh, những người tù vội vàng chạy ra sân, trước cổng lớn nhà tù tập hợp để đi làm cỏ-vê. Tiếng khóa xích cổng nhà tù kêu loảng xoảng. Ở ngoài cổng lớn có tiếng hô tập hợp của trại lính khố xanh. Những đội lính đi coi tù đã vào sân nhà tù nhận tù đi làm. "Sếp” ngục Ga-bô-ri đọc danh sách tù. Một người tù đại diện nói to:
- Ông "sếp” ngục, anh em chũng tôi có ba người lên cơn sốt rét.
Ga-bô-ri xua tay:
- Đi làm "tú”!
Đúng lúc đó, một người tù bỗng ngã lăn ra. Mọi người đổ xô lại. Vài tiếng gọi: "Mạnh! Mạnh ơi!”
Một người tù giơ hai tay lên, giọng thảm thiết:
- Trời! Mạnh… Nó đi đái ra máu 2 hai hôm nay rồi!
Một người khác ngỡ ngàng:
- Hôm qua nó còn trèo cây đào ngoài kia mang về một vạt áo đầy cho anh em mà!
Một người ghé sát vào ngực người bạn tù nằm dưới đất, rồi lắc đầu, đứng lên, ngậm ngùi lau nước mắt. Mọi người đứng yên lặng, cúi đầu bên xác bạn tù. Ga-bô-ri vung roi gân bò:
- A-lê! Chúng mày còn đứng đây làm gì! Nó chết thì đưa ra nghĩa địa Gốc Ổi! Lính đâu, khiêng xác! Còn chúng mày, đứa nào phận nấy!
Những người tù nặng nề lê bước ra khỏi cổng nhà tù. Sân nhà tù trống không. Tô Hiệu lần từng bước trên đường "cu-loa”, đến chỗ người tù vừa ngã xuống. Anh nhìn thấy quả đào cắn dở lăn ra từ túi áo Mạnh. Anh nhặt lên và ngậm ngùi… Chốn này, hầu như chưa một ai mắc bệnh sốt rét đái ra máu mà qua khỏi. Mạnh ơi, chắc mẹ và vợ cậu đang mong cậu mỏi mắt đây. Ngày nào cậu cũng nhắc tới mẹ già… Quả đào anh nắm chặt trong tay là đồ vật duy nhất Mạnh để lại cho cuộc đời…
Tên chúa ngục đã quay trở lại, nhìn thấy Tô Hiệu, hắn sủa nhặng lên:
- Lại mày, trông thấy mày tao ngứa mắt! Mày lê la khắp các xó xỉnh trong "cu-loa”. Nhưng liệu có ích gì? Có kéo dài tuổi thọ cho mày, hoặc cho mày nghĩ âm mưu gì đó để lật đổ chúng tao hở?- Hắn cười hô hố, nhưng chợt im bặt khi nhìn vào tay Tô Hiệu, hắn xông tới giật quả đào trong tay người tù ốm yếu một cách quá dễ dàng- Cái gì thế này, mày cầm cái gì, tài liệu mật trong này hả?... Ồ, rừng Sơn La có quả này ngon đấy, lại nhiều, không phải mất tiền mua. Chỉ tội khắp khu đồi này chỉ có mỗi cây ở vườn rau nhà Tòa Sứ. Này, thứ quả này chúng mày làm thế nào ăn được ngon hơn, bổ hơn? Có nấu được rượu không, hả? Sao mày im lặng vậy, khinh tao chắc- Chợt Ga-bô-ri lùi lại- Mày nhìn tao bằng con mắt căm hờn thế kia, hở tên "Thống sứ đỏ”! Đã vào tay chúng tao thì chỉ nên ngoan ngoãn thôi, may ra còn giữ được thân mà về với vợ con.
Tô Hiệu nhổ một bãi nước bọt xuống đất, anh vẫn giữ nguyên cái nhìn làm tên chúa ngục quan hống hách phải hoang mang. Hắn làm rơi quả đào cắn dở và như người bị thôi miên.
- Này, "sếp” Ga-bô-ri! Tốt hơn cả, mày hãy về ngày với con vợ mày đi (Ga-bô-ri có cô vợ người Việt), nó đang chửi ầm lên là mày đang làm nhục nước Pháp đấy; vì hôm qua, cái việc mày ăn bẩn của tù chính trị hai ký gạo, cả tòa Sứ và trại lính khố xanh cũng đều biết cả.
Tức nổ mắt, Ga-bô-ri gào lên:
- Im mồm! Mày dám bôi nhọ tao à!- Hắn giơ roi định quật xuống, nhưng nhìn ánh mắt của người tù hắn rụt tay lại, rồi quay đi hậm hực, không quên giơ roi lên hoa tít- Liệu chừng!
Nhưng Tô Hiệu, không thèm để ý đến lời đe dọa của Ga-bô-ri, chính lúc đó đã để lòng mình vào nỗi nhớ thương u uất khôn cùng… Mạnh ơi, vĩnh biệt! Cậu yên nghỉ. Anh em chúng mình sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh. Chỉ thương cho cậu, mẹ già gần đất xa trời đang bấm đốt tính từng ngày mong cậu trở về, vợ cậu một nách hai con không biết rồi sẽ sống sao?... Mình sẽ tìm cách báo cáo với tổ chức đề nghị giúp đỡ gia đình cậu. Mai sau, anh em sẽ đưa gia đình cậu trở lại nơi này, thăm mộ cậu. Yên lòng ra đi, Mạnh ơi, cậu đã sống xứng đáng…
Sực nghĩ đến điều gì đó, Tô Hiệu lần đến chân tường đá. Trên đường "cu-loa” này, anh thuộc từng dấu vết nhỏ. Anh lúi húi bên một kẽ nứt chân tường, tìm cách cho quả đào cắn dở xuống chỗ đó, bới đất dưới lớp sỏi dày và phủ kín quả đào. Từ hôm đó, hàng ngày Tô Hiệu để giành ít nước trong chiếc ca nhỏ vừa dùng để uống, vừa dùng để rửa ráy, tưới xuống phía dưới chân tường…
Hồi ấy, bệnh lao của anh đã phát nặng. Nơi giam biệt lập của anh, những tên quan Tây không bao giờ tới. Chúng gọi đấy là "Dinh thự của tên Thống sứ đỏ”, vì thế cả cái "cu-loa”, đặc biệt là gần nửa "cu-loa” bên này chỉ có bước chân của người lính tuần và Tô Hiệu. Anh được tự do đi lại trong toàn "cu-loa”, thỉnh thoảng cũng được ra ngoài cổng lớn. Nhưng kẻ thù không thể ngờ được rằng con người mang cái tử bệnh bị giam cô lập kia lại là người nắm toàn bộ những hoạt động bí mật của nhà tù và trực tiếp điều khiển những hoạt động đó. Chính tại cái sàn xi-măng hình tam giác, Tô Hiệu đã ngồi viết những dòng chữ li ti trên những mẩu giấy báo, vỏ diêm, giấy nháp, giấy cuốn thuốc - đó là những tài liệu huấn luyện chính trị. Những đêm không ngủ được vì bệnh tật dày vò cũng là những đêm thức trắng gò lưng ngồi viết tài liệu dưới ánh sáng của một ngọn đèn leo lét (Dầu thắp anh có được là nhờ một vài người lính khố xanh có cảm tình với tù số vuông mua ở thị xã).
Và một ngày kia, điều kỳ diệu tự nhiên đã xảy ra: từ hốc đá, một màu xanh đã nhô lên đón nắng và không khí. Chiều chiều, lúc đi làm khổ sai trở về, anh em tù chính trị Cộng sản đến thăm Tô Hiệu đều say sưa ngắm nghía cây đào nhỏ xíu đang vươn lên. Những người lính khố xanh cũng trầm trồ khen cây đào đẹp và mau lớn. Mỗi buổi, hết giờ làm khổ sai, những người tù rẽ thăm Tô Hiệu và cây đào có người mang cả một gói đất trong túi áo đổ vun vào gốc cây:
- Đi làm vườn rau nhà tòa Sứ, thấy đất tốt quá, lấy trộm về một ít đây. Cảm ơn quan chánh nhé! Ở đây toàn đá với sỏi thôi
Rồi mỗi người một câu vỗ về cây:
- Đào ơi, đào ơi, mày cố mà sống nhé! Số mày thật vất vả, phải lớn lên ở một nơi khắc nghiệt thế này.
- Bao giờ nó ra hoa nhỉ?
- Hai năm rồi còn gì. Có lẽ phải sang năm. Thường là ba, bốn năm đào mới bói ra lứa quả đầu tiên.
- Mình nóng lòng muốn biết hoa và quả của cái cây này nó ra sao.
- Cậu không nghĩ đến điều này à: đã chắc gì mình con ở đây cho đến khi đào ra hoa, bói quả?
Khi mọi người đã tản đi hết, người tù trẻ mang gói đất lúc nãy còn chần chừ, đứng nán lại bên cây đào. Linh tính báo cho Tô Hiệu.
- Mình chú ý từ nãy tới giờ cậu có điều gì khang khác?
Người tù trẻ không dám nhìn thẳng vào Tô Hiệu, anh vịn tay vào gốc đào, nói như sắp khóc:
- Anh Tô ơi, em rất thương và quý các anh… Nhất là đối với anh.
Tô Hiệu dịu dàng nói, anh đoán lòng người bạn trẻ có điều uẩn khúc:
- Ừ, cậu thương mình thì đi ăn cơm đi, chiều nay còn làm cỏ-vê chuồng ngựa kia mà. Cậu mệt hay sao?
- Không, anh cho em ở lại một chút với anh, với cây đào…
Tô Hiệu cảnh giác
- Cậu định đi đâu? Tạm biệt đấy à? Này tôi bảo thật, cậu đừng giở trò nhé! Định vượt ngục vô tổ chức à? Anh em đang tổ chức vượt ngục có kế hoạch hẳn hoi. Cậu quên cái đầu anh Lý treo trên cọc sắt cổng nhà tù à? Trời ơi!...
- Em không sao chịu được nữa rồi! Em đã có kế hoạch chu đáo, không làm ảnh hưởng đến ai. Em xin anh, em van anh. Em rất tin anh nên mới thổ lộ với anh. Anh đừng ngăn cản em, đừng nói với em những lời đau lòng như thế…
Tô Hiệu thấy cần phải cương quyết. Anh nhìn sát vào đôi mắt chàng trai:
- Cậu bị ảnh hưởng quá nhiều tiểu thuyết lãng mạn, phiêu lưu mạo hiểm. Không được!
Người tù trẻ bật khóc rưng rức lên cây đào.
Tô Hiệu lắc cái đầu ái ngại, anh cảm thấy rõ rệt ở trong mình cái tình thương và trách nhiệm của người anh.
- Cậu định một mình vượt núi cao rừng thẳm, vượt bao lưới bủa vây bằng thứ nghị lực yếu hèn kia. Tôi tưởng cậu phải lì lợm hơn đấy.
Người tù trẻ gạt ngước mắt:
- Trước anh, em không thể giấu được con người thật của mình. Em lì lợm sao nổi?
- Chính trong những lúc này, chúng ta phải kết thành một khối thống nhất. Phải kiên nhẫn chứ!
Người tù trẻ nhìn Tô Hiệu, chỉ nói được câu: "Anh nằm nghỉ đi, anh Tô”, rồi chạy đi.
Tô Hiệu nhớ lại một sự kiện cũng trong năm ấy… Con gái của viên giám binh Len-nê tên là Mac-gơ-rit (Margueritte ) học ở Hà Nội, vào dịp nghỉ hè lên Sơn La. Khi được vào nhà tù (sau một thôi một hồi thuyết phục và giận dỗi ông bố) để xem những người tù Cộng sản bản xứ có kinh khủng như những lời đồn đại hay không, điều làm cô bé ngạc nhiên và thích thú hơn cả có lẽ là cây đào. Len-nê đã sai chúa đất tuần phủ Cầm Ngọc Phương dẫn con gái vào thăm nhà tù. Mac-gơ-rit túm váy đi dò dẫm, nhìn quanh, rồi dừng lại trước cây đào nhỏ.
- Ôi, gì thế này? Cây gì vậy? Này ông tuần phủ, ông có biết cây gì đây không?
Tuần phủ cũng ngỡ ngàng nhìn cây đào một lát
- Thưa tiểu thư, nếu hạ quan không lầm thì nó là một cây đào, tiếng dân tộc Thái gọi là co má cai. Chúng mọc đầy ngoài kia.
- Từ ngày bước chân sang xứ sở nhiệt đới này theo cha ta, cứ mỗi mùa xuân, ta lại được ban bè con quan lại An-Nam tặng những cành đào tuyệt đẹp. Nhưng lần đầu tiên ta mới được nhìn thấy cả một cây đào. Mà một cây đào mọc ở một nơi như thế nào chứ? Chao, đến Vec-len 3 cũng không có được một tứ thơ như vậy!
Hai bàn tay trắng trẻo như những cánh hoa hồng bạch của thiếu nữ châu Âu chắp lại, vặn vẹo theo nhún nhảy cả thân hình kiều diễm trước cây đào non nớt được mọc lên một cách kỳ lạ. Mac-gơ-rit xuýt xoa. Đôi mắt xanh lơ ngời lên niềm vui sướng, vừa ngây thơ, vừa có gì hoang dã. Cô đã từng biết tời bầu trời xứ Náp-lơ, những đỉnh tuyết vùng Ban-căng, và bây giờ là vùng sơn cước bí hiểm của Đông Nam Á… Chợt thấy một người áo tù gầy gò, xanh xao ngồi bệt ở góc tường đang nhìn mình, Mac-gơ-rit sợ hãi rú lên, nép người vào tên tuần phủ. Khuôn mặt choắt của lão dê già nhăn lại:
- Tiểu thư kính mến, sao vậy?- Hắn nhìn theo tay chỉ của Mac-gơ-rit - À, đây là tên "Thống sứ đỏ” bị nhốt biệt lập bởi vi trùng Kốc và bởi những tư tưởng nguy hiểm đang đục rỗng con người hắn.
- Phải, cha ta đã nói trước rồi, thế mà ta vẫn cứ nghĩ là ma hiện hình. Này, mi là ai?
Câu hỏi trẻ con mang vẻ trịch thượng rơi tõm vào im lặng. Cầm Ngọc Phương sấn đến, giọng sừng sộ:
- Đây là con gái yêu của quan giám binh. Ít nhất mi cũng phải biết kính trọng phụ nữ Tây Âu đã hạ cố đến thăm mi chứ! Đứng dậy!
"Bóng ma” lên tiếng:
- "An nha”! (một cách gọi chúa đất Thái) Đề nghị ông đừng làm ầm ĩ lên như vậy, điều đó không phù hợp với ông đâu, nhất là khi đi bên một người đẹp như thế này.
Mac-gơ-rit reo lên- bản năng hồn hậu của người thiếu nữ trong cô ta chưa bị thói hợm hĩnh ngu xuẩn giết chết:
- A, hắn đã cất tiếng nói rồi! Mà không phải tay vừa đâu nhé. Ông tuần phủ thế là thua một keo rồi nhé! Thôi, cảm ơn ông, ông có thể đi làm việc riêng của ông. Tôi muốn nói chuyện với tên tù này- Thấy Cầm Ngọc Phương chần chừ, Mac-gơ-rit hét lên:
- Ông đi đi, tôi không cần đến ông nữa!
Tên chúa đất hơi khom lưng xuống.
- Thưa tiểu thư, mong tiểu thư xin nhớ lời căn dặn của quan giám binh…
Mac-gơ-rit giẫm chân bành bạch:
- Thôi đi, ta đã có quá nhiều gia sư và bảo mẫu rồi. Ta cần được tự do!
Cầm Ngọc Phương đành quay trở ra, không quên chỉ tay dọa người tù:
- Liệu hồn đấy, mi mà xúc phạm đến tiểu thư thì sẽ mất xác!
Vừa khuất bóng tên tuần phủ, Mac-gơ-rit đã nói bằng giọng mềm mại, trong vắt:
- Ông nói và nghe được tiếng Pháp chứ?- Người tù gật đầu miễn cưỡng- Xin lỗi ông vì sự khiếm nhã vừa rồi của tôi. Xin được hỏi ông: Cây đào này là do ông trồng?
- Vâng, do chúng tôi trồng, bằng chính hạt của nó. Để giải trí thôi mà!
- Tôi rất vui sướng được chiêm ngưỡng cây đào này của ông. Chắc là ông muốn tên tuổi lưu truyền hậu thế bằng cây đào này?
Tô Hiệu lắc đầu,
- Không phải. Xin lỗi, cô đã tỏ ra thông minh không đúng chỗ. Chúng tôi làm điều đó chỉ vì nó cần và có thể mọc được ở nơi này.
Mac-gơ-rit nhún gót đi quanh cây đào, thản nhiên hỏi:
- Các ông sống ở đây thế nào?
- Cảm ơn, cũng tàm tạm đấy, nếu cái sàn xi-măng mà chúng tôi đang nằm được thay bằng nệm bông thì có lẽ tốt hơn, và nếu mùa đông lạnh lẽo đến, mỗi chúng tôi được một chiếc áo ấm thì cũng không đến nỗi nào. Dĩ nhiên là lòng tốt của những người gần gũi cô đối với chúng tôi- nếu như quả là có thì cũng chỉ là ít ỏi, thông thường đó chỉ là sự mua chuộc giả dối và đê tiện. Chúng tôi trong phần lớn trường hợp thường chỉ trông vào bản thân mình.
- Thế cây đào của ông cũng là một trong những trường hợp đó?
- À, cái này thì… không đơn giản chỉ như vậy.
- Tôi hỏi thế này xin ông tha lỗi: liệu những công việc mà ông làm sẽ được đồng bào của ông đánh giá thế nào? Ví như cây đào này chẳng hạn?
- Thú thực là tôi chưa hề nghĩ đến điều này
- Các ông tin rằng, các ông sẽ chiến thắng?
Tô Hiệu nhìn về phía cây đào. Anh mỉm cười và nghiêng mình tỏ vẻ lịch sự:
- Cây đào này có thể có sức thuyết phục hơn những lời nói của tôi, thưa tiểu thư.
Mac-gơ-rit lắc đầu, vẻ hoài nghi và ái ngại:
- Nhưng liệu ông có sống nổi đến lúc ấy không?
- Điều đó đối với chúng tôi lại không thành vấn đề. Con cháu chúng tôi sẽ đến thăm cây đào trong một cảnh ngộ hoàn toàn khác chúng tôi hiện giờ. Chắc chắn vậy.
- Xin lỗi ông, ông đã lập gia đình hay chưa? Ông có thể cho biết bà ấy làm gì, nếu ông vui lòng?
Tô Hiệu đã cảm thấy chối trong cuộc đối thoại chẳng đâu vào đâu này; vả lại anh cũng đã thấm mệt. Nhưng cứ thử xem con bé tinh quái này tuân lệnh bố nó, hoặc công sứ, chúa ngục, sẽ giở những trò gì đây? Anh đã được nghe một người lính khố xanh kể qua về đứa con gái này của viên thượng cấp "Trại gác bản xứ”. Những điều anh nói liệu có lọt tai một đứa con gái đang sống trong sự xa hoa phè phỡn trên mồ hôi xương máu của đồng bào anh? Một cảm giác hầu như ghê tởm dâng lên làm anh nghẹt thở. Những ý nghĩ của anh chợt bùng ra:
- Cảm ơn cô đã hỏi về chuyện riêng tư của tôi. Đây này, nếu tôi có vợ, thì người vợ của tôi sẽ là… một trong rất nhiều người phụ nữ đau khổ vì những chính sách thực dân tàn bạo, phải đứng dậy chống bọn xâm lược Pháp. Trong số kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi, có ông bố tốt bụng của cô đấy!
Tô Hiệu ôm ngực ho. Tuần phủ và "sếp” ngục bước tới, chúng đã nghe được những lời vừa rồi.
- Thưa quan "sếp” ngục, quả là không phải là tôi đặt điều đấy nhé!
Ga-bô-ri vung roi gân bò quật người tù và rống lên:
- Này, đây là ngục Sơn La này! Đồ khốn kiếp!
Mac-gơ-rit ôm mặt, kêu lên:
- Thế này là thế nào? Người tù này đang bệnh tật, ốm yếu. Ga-bô-ri, yêu cầu ông không được đụng đến người ta. Tôi không hề bị xúc phạm, ông nghe rõ chứ!
Ga-bô-ri vẫn không ngừng quật roi túi bụi, trút hận thù đã tích tụ từ lâu của hắn xuống thân hình tơi tả của người tù. Tô Hiệu ngã dúi xuống, lại gượng đứng lên, rồi anh không đủ sức đứng lên được nữa, chỉ ôm ngực quằn quại.
Ga-bô-ri vừa đánh vừa nói:
- Cần cho chúng những bài học đích đáng, thưa tiểu thư.
Mac-gơ-rit chạy đến giằng roi từ tay tên chúa ngục đang say máu.
- Tôi phản đối! Tôi sẽ kể lại hành vi tàm bạo, bỉ ổi này của ông trên báo chí Hà Nội.
Tên đao phủ nhe cả hàm răng cải mả ra cười khi có một người "phái đẹp” định tô điểm thêm cho cái sức lực trâu bò của hắn.
- Ấy, thưa tiểu thư kính mến, tiểu thư quá nóng nảy rồi. Không sao, lúc tiểu thư tỏ cơn giận dữ thì càng đẹp mê hồn…
Mac-gơ-rit vênh mặt lên:
- Ông đừng giở giọng dân hạ lưu xứ Cooc-xơ ra với tôi. Mời ông đi ra khỏi đây! Tôi sẽ kể lại chuyện này với ngài công sứ.
Không hiểu do quyền lực của người đẹp hay do uy phong của công sứ, tên chúa ngục khét tiếng hung bạo trở nên khúm núm, nhã nhặn.
- Xin vâng lệnh tiểu thư. Cũng mong tiểu thư sớm ra khỏi đây ngay- Hắn giơ roi về phía người tù- Cấm mày không được nói chuyện với tiểu thư! Liệu cái thân xác mày!
Hắn khệnh khạng bước đi, không quên quật roi túi bụi vào cây đào. Cành lá rụng tơi tả. Mac-gơ-rit giơ cả hai tay ôm lấy mặt.
- Trời ơi! Tàn bạo! Tàn bạo khủng khiếp. Tôi không sao chịu đựng nổi.
Cầm Ngọc Phương hốt hoảng:
- Chết, mong tiểu thư bình tâm lại. Xin mời tiểu thư đi ra ngay cho.
Mac-gơ-rit nhìn tên quan bản xứ từ đầu đến chân, vẻ khinh miệt ra mặt:
- Các ông là những con thú chứ không phải là con người. Tại sao Thượng đế chưa trừng phạt những con quỷ Sa- tăng trong con người các ông!
Lời của Tô Hiệu bỗng nhẹ nhàng cất lên từ một góc chân tường đá:
- Thưa cô, chúng tôi rất thông cảm với cô, không oán trách gì cô cả. Nhưng… cô đã sang đây theo chân những tên lính viễn chinh xâu xé một đất nước bé nhỏ đáng thương. Và những hành động tàn bạo của chúng cũng đang bảo vệ cho sự an toàn của cô trên mảnh đất này đấy thôi!
Như bị một cái tát bất ngờ, Mác-gơ-rít quay phắt lại nhìn trừng trừng, chỉ một lát sau mới nói được như trong mê sảng:
- Trời, sao ông lại nói những lời nhẫn tâm như vậy?
Tô Hiệu chua chát:
- Có gì lạ, họ còn nói chúng tôi là khát máu, là cuồng tín, là những kẻ không gia đình, không quê hương, không Tổ quốc nữa kia!
Mác-gơ-rít chợt nhớ lại không sót một lời của bố trước khi cô vào đây: "Đó là một chốn nguy hiểm, đáng lẽ con không được bén mảng đến… Nhưng con đã nhất quyết thì ta đành nhượng bộ. Con phải cảnh giác nếu gặp một tên Cộng sản bị lao nặng, hắn đã từng làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Thực ra, con cần biết hắn làm gì, khi qua ngón tay xinh đẹp của con, lật trang sách, sẽ hiện lên chân dung thật sự của hắn- "Mặt nạ Cộng sản”? (đó là tên cuốn sách của một tác giả Pháp được lưu hành rộng rãi trước Cách mạng).
Lập tức, như một phản xạ, Mac-gơ-rit gay gắt hỏi:
- Ông muốn gì ở tôi?
Người đáng được thương hại bây giờ chính là cô gái kiều diễm kia chứ không phải là anh. Tô Hiệu hiểu rõ điều đó, giọng của anh không còn lạnh lùng như vừa nãy:
- Đừng sợ cô gái ạ. Tôi chỉ muốn nói lên một vài sự thật giúp cô và những người lương thiện ở nước cô hiểu rõ hơn về đất nước chúng tôi. Còn cô là một người biết thương xót cho một cành đào vô tội, chắc sẽ biết thương xót và muốn bảo vệ cho một đất nước nhỏ bé đang bị bọn xâm lược đọa đày.
Tên tuần phủ không còn giữ được bình tĩnh vốn có của hắn nữa:
- Câm ngay, thằng tù ruỗng phổi! Mày lảm nhảm những gì vậy?... Thưa tiểu thư, nó là một thằng bị lao nặng, rồi biến chứng thành mất trí đấy. Tiểu thư không nên nán lại ở đây phút nào nữa!
Nhưng Mac-gơ-rit không nghe thấy một lời nào của tên tuần phủ. Cô sống trong một nỗi hốt hoảng chưa từng thấy. Lần đầu tiên trong đời cô được nghe những lời như vậy. Người tù và cây đào bồng trở nên thật xa lạ, thật khó hiểu đối với tri giác và suy nghĩ thông thường của cô. Như mọi khi, cô sẽ thấy rằng những lời lẽ của người tù là điên rồ, là láo xược mà cô có thể "hạ cố” lắng nghe để thỏa mãn lòng hiếu kỳ. Nhưng có một sức mạnh gì đó toát ra từ những lời nói bằng thứ tiếng Pháp còn ngượng nghịu của người tù ốm yếu kia buộc cô phải khuất phục một cách vô ý thức. Trong cuộc sống đầy sự thỏa mãn, chán ngấy lên vì sự thỏa mãn, thêm một lần Mac-gơ-rit cảm thấy một sự khao khát trong sạch mơ hồ mà tuổi thiếu nữ của cô ít khi được biết đến. Cô nói với người tù, giọng run run:
- Xin lỗi ông, tôi thấy sợ. Sao ông lại nỡ nói những lời đầu độc tâm hồn tôi đến như vậy?
Nói rồi cô quay lưng và đi như chạy ra khỏi nhà tù, Cầm ngọc Phương theo sát gót.
Tô Hiệu sau một phút đứng lặng, tới bên cây đào, nhặt lên một cành đào gãy và cúi đầu trầm ngâm. Thêm mấy chiếc lá rụng về cội nguồn…
Hồi còn đi học ở làng, sau ra thị xã Hải Dương học trường tiểu học Pháp-Việt, nhất là hồi phải ra Hà Nội học trường tư vì bị cố tình đánh trượt tiểu học, Tô Hiệu đã ngấm ngầm nuôi một lòng thù địch đối với tất cả bọn con Tây và con nhà giàu. Cuộc sống là lượt, cùng những kiểu cách lố bịch và thái độ hống hách nhìn đời bằng nửa con mắt của chúng đã in hằn trong trí nhớ sôi bỏng của Tô Hiệu một mối khinh bỉ, căm ghét tột độ. Nhưng cái cô "đầm” non mặt bự phấn kia đã vô tình gợi lại trong anh một cái gì gần như là vết thương lòng. Vết thương anh tưởng đã chôn sâu mãi mãi trong dĩ vãng… Dạo đó bà mẹ có hỏi cho anh một người cùng làng nhưng buôn bán tận Hải Phòng. Bà cụ đã mang trầu cau đi hỏi. Người con gái ấy phục Tô Hiệu rồi đến chỗ yêu anh. Nhưng Tô Hiệu đã cam lòng viết một bức thư khước hôn. Về sau anh có tâm sự với một số đồng chí thân thiết về nội dung bức thư ấy. Đại khái là anh trình bày rõ hoàn cảnh bệnh tật của anh, rồi những trắc trở khác nữa mà hai người khó có thể khắc phục được. Lý do trên là chủ yếu. Song, Tô Hiệu chẳng dễ quên người con gái đáng lẽ trở thành vợ anh- chị cũng là một cơ sở cách mạng tích cực. Những năm Tô Hiệu được phụ trách miền Duyên Hải và trực tiếp làm bí thư Thành ủy Hải Phòng, do những yêu cầu công tác và để đảm bảo bí mật, hai người gần như không gặp mặt nhau lần nào. Tin Tô Hiệu bị sa vào lưới địch, bị tra tấn dã man chắc các anh đã báo cho chị hay. Biền biệt từ đó đến nay đã bốn năm ròng. Không một địa chỉ, không một dòng tin tức về nhau. Kí ức về người con gái ấy, thường chỉ thoáng qua trong tâm trí Tô Hiệu, nhưng đọng lại nhiều dư âm khó tả….
Tô Hiệu nhìn ra bên ngoài cổng lớn nhà tù. Mây và nắng bao phủ trên những dải núi điệp trùng. Anh yêu những buổi sớm, buổi chiều sương rừng buông dày đặc. Anh thường thả tâm hồn theo tiếng nhị réo rắt của người con trai dân tộc trên đường đến vơí người yêu trong những đêm trăng vọng từ phía Chiềng Lề. Vẻ đẹp nơi xứ sở thung lũng không chỉ một lần khiến anh mải mê. Hồi còn là học sinh tiểu học, anh có đọc một cuốn tiểu thuyết nói về miền thượng du rùng rợn và những người sơn nữ bí ấn…Thế mà giờ đây anh lại đang sống giữa vùng đất này- dĩ nhiên là trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tô Hiệu bất giác mỉm cười. Không, ngay cả lúc đi bộ trên con đường mang tên một công sứ Pháp4 ngổn ngang đá rải cấp phối, tay bị xích chuỗi cùng đoàn tù mệt mỏi bơ phờ, Tô Hiệu cũng không hề cảm thấy cái điều thường gặp trên sách báo công khai viết về miền ngược. Hầu hết bạn tù cùng tâm trạng như anh. Miền Tây hùng vĩ ùa ngập vào những tâm hồn khoáng đạt quen vẫy vùng giữa thử thách gian nguy. Chốn tù đày đâu có mất đi cảnh sao Hôm sao Mai long lanh đính trên nên trời thung lũng. "Sao Hôm”, "Sao Mai” lại biến thành biệt danh do những người tù số vuông4 đặt cho hai cô gái Thái. Những người dân nghèo khổ áo chàm có tâm hồn bình dị, chất phác tìm thấy ở những người "tù áo sạch” một sự cảm thông và trìu mến lạ kỳ. Và bất cứ người tù số vuông nào khi bị chuyển đi nới khác cũng đều có thể thốt lên câu thơ của bạn tù thi sĩ: "Ta đi ta nhớ Sơn La”… Mỗi lần anh em hết buổi làm lao dịch về rẽ qua thăm Tô Hiệu, anh đều rủ rỉ hỏi han về tình hình bên ngoài. Giá gạo hôm nay bao nhiêu? Những người buôn bán chuyến ở phố Chiềng Lề có mang những tin tức gì mới nhất ở xuôi lên? Cô Sao Mai có còn giận dỗi người yêu- anh chàng lính khố xanh của cô ta nữa hay không?… Rồi sự nóng lòng lớn nhất của Tô Hiệu mà các bạn tù dễ thấy khi nhìn vào con mắt dò hỏi chờ đợi của anh: Đã bắt được liên lạc với Trung ương? Muôn vàn sợi dây vô hình gắn bó Tô Hiệu với cuộc đời bên ngoài. Trong khi đó, cây đào cứ dần dần lớn lên…
*
Đêm tối như bưng.
Trời đã sang xuân từ lâu, nhưng đêm đến miền Tây Bắc còn rất lạnh. Trong gian tù hình lăng tam giác có bốn người ngồi xổm bó gối trên sàn xi-măng được rải một manh chiếu- nơi Tô Hiệu đang nằm. Lại một đêm nữa, những người tù số vuông đến bên nâng giấc cho Tô Hiệu. Không biết anh có qua khỏi đêm nay? Giá có thể đem được sự sống bản thân đổi lấy tính mệnh của Tô Hiệu đang bị cướp đi từng phút, từng giờ! Họ nhìn mãi vào trong đêm tối, như muốn xóa tan cái bóng đen đang đè nặng lên hơi thở nhọc nhằn của bạn tù.
Tô Hiệu từ từ mở mắt. Anh hơi ngóc cổ lên:
- Ờ, ờ các anh… sao đến đông thế này? Không nể cái thằng Kốc trong ngực tôi đang hành quân ra từng binh đoàn à?... Tôi đã chết đâu mà như đưa đám cả lượt thế… Buộc tôi phải tuân theo nghị quyết chi bộ… mà chính các anh lại vi phạm nghị quyết thế là không được đâu nhé! Bất công!
- Không ai nỡ bất công với cậu đâu, Tô ạ. Chúng mình đang cùng nhau đạp đổ mọi áp bức bất công kia mà!
Tô Hiệu cố gắng vượt ngồi dậy gạt mấy cánh tay định đỡ anh.
- Để tôi tự ngồi lấy xem nào… Nói thật với các anh, tôi biết là tôi không còn sống được bao lâu nữa. Chỉ ngày một ngày hai… Các anh chịu khó trông nom cây đào nhé!
- Bậy nào, Tô, đừng có nghĩ linh tinh!
- Cậu có định chết thì cố gắng đợi đến ngày mùng Tám tháng Ba hãy chết nhé, để chị em còn tưởng nhớ đến cậu.
Tô Hiệu lắc đầu:
- Không, tôi tính từng ngày như thế để phân phối thời gian cho bản kinh nghiệm dân vận ở vùng dân tộc ít người… Viết gần xong rồi, nó lộn xộn lắm… Nhờ các anh bổ sung sắp xếp cho hoàn chỉnh… Còn bây giờ, thời gian còn lại, tôi muốn viết một bức thư cho u tôi… U tôi già yếu và đang mong tôi lắm… Nhất định phải an ủi bà cụ….
Mọi người im lặng, có người quay mặt đi.
- Anh Tô, em sẽ giúp anh viết.
- Không, tôi còn tự viết được… Tôi muốn u tôi nhìn thấy nét chữ cuối cùng của tôi… bà cụ thương tôi lắm….
- Tô, cậu nằm xuống đi cho đỡ mệt. Rồi lát nữa viết thư.
Tô Hiệu đã nằm xuống bỗng ngượng nhổm dậy, cố lấy hết sức tàn để nói:
- Các cậu phải tuyệt đối cẩn thận nhớ! Lúc này… chúng mà đánh hơi thấy mình rục rịch chuẩn bị cho… khởi nghĩa vũ trang ngoài kia… Chúng sẽ lập tòa án quân sự "tiêu” mình đi ngay…
- Yên chí- tay phó quản biết lính cho tù mượn súng tập quân sự nhưng cũng làm ngơ đi. Bọn này đã vận động anh ta rồi mà. Buồn cười, lính bản xứ nhà ta lại thích cho anh em mình mượn súng chứ, vừa không bị mất súng, lại vừa sạch sẽ, bớt được cái khoản lai chùi vất vả! Chiều nay, lúc hết giờ làm việc, đợi mãi không thấy mấy "ngài” canh gác đến lấy súng, hóa ra là các ngài đánh một trận thẳng cẳng ở góc đồi, bọn này phải đến lay dậy để cùng về. Vui thật!
Tô Hiệu muốn nói nhưng không thể nói được nữa. Một con quái vật đang cấu xé lồng ngực anh. Nhưng toàn bộ con người anh lúc này đã tập trung vào một điểm chói sáng ở đâu đó trong tâm hồn. Tô Hiệu âu yếm nhìn những người bạn tù thân thiết quá chừng đối với anh. Họ đã sống cùng anh qua những trận sốt rét rừng, những buổi sương mù, những bữa cơm nếp mỡ lợn ghê người, những công việc khổ sai, những lần tuyệt thực, làm reo (grève - một hình thức đấu tranh gần như bãi công, đình công) đòi quyền lợi của tù chính trị… Trong bóng đêm, chỉ cần anh đưa bàn tay ra là gặp những bàn tay xương xẩu của bạn tù riết chặt mãi không rời, truyền cho anh một nghị lực sống mới mẻ. Nhưng đêm nay, Tô Hiệu đã thấy mình khó thở ghê gớm. Anh cố vận dụng những tàn lực cuối cùng để khỏi sai lệch trong cảm giác, để quên đi chút ít sự đau đớn giày vò của cơ thể. Tuy vậy, anh lại thấy mình tỉnh táo lạ thường. Anh biết rõ, đối với anh, đấy là dấu hiệu của sự tận cùng… Thỉnh thoảng lại có tiếng hỏi: "Tô, cậu thấy bây giờ thế nào?” Hay: "Uống nước không?”... Anh chỉ trả lời bằng cái nắm tay vụng về lạnh buốt. Cuộc sống sao cần thiết và đáng yêu! Bóng đêm ghê rợn, sàn xi-măng rắn lạnh, cái nhà tù nặng nề, cả cái chết đang đến với anh, chẳng có nghĩa lý gì hết! Tâm trí sáng láng của Tô Hiệu trong những giây phút đó đưa anh trở về nơi chôn rau cắt rốn- cái làng Xuân Cầu bé nhỏ mà anh xa đã bao năm nay. Ít khi Tô Hiệu có dịp hồi tưởng về quê hương nhiều và da diết như bây giờ. Cái làng có nhiều người phiêu bạt tứ xứ để buôn bán, làm thuê, đi phu. Cái làng phụ nữ nổi tiếng về nhuộm thâm bằng lá bàng và buôn bán giỏi, có đặc sản là thứ bánh mỡ không đâu có. Hồi Mặt trân Dân chủ hoạt động ở Hà Nội, chủ nhật Tô Hiệu hay đạp xe về Xuân Cầu, đánh chim choi choi, bắt chuột đồng, và khi ra không quên đem theo một bọc tướng bánh mỡ cho anh em cùng ăn. Thấy ở trong làng có nhiều em đến tuổi đi học mà không có đủ trường lớp, Tô Hiệu nhân một dịp về thăm quê đã vận động bà con cho tre nứa và góp sức xây dựng trường học. Chỉ trong vài ngày, những lớp học mới đã được dựng lên: chính anh cũng là người chôn cây cột đầu tiên cho đến lúc buộc những nút lạt cuối cùng. Nhà Tô Hiệu mùa nước lụt, nước tràn vào đến nửa vách- sân nhà trở thành một nơi bơi lội thú vị cho bọn trẻ trong làng. Dạo còn học ở trường làng, Tô Hiệu cùng một số học trò tai quái lập nhóm chuyên đi bẻ trộm roi- trong đó có một cây roi lớn sai quả ở trước nhà Tô Hiệu, rồi làm vè chế giễu chánh tổng, kỳ hào. Một lần nhân có người cố nông chết trong làng, nhóm học trò ấy vẽ một cái xác trương phềnh- trên đó là chánh tổng, lý trưởng ngồi ăn uống no say, rồi đem treo ở cổng làng… Những đứa trẻ tinh nghịch đó lớn lên đều đi thoát ly hoạt động cách mạng. Tô Hiệu không thể quên được những gì đã đến với tuổi trẻ nồng nhiệt của anh trong những năm còn là học sinh tiểu học thị xã Hải Dương. Dường như còn vẹn nguyên niềm rạo rực của những người thanh thiếu niên yêu nước buổi truyền tay nhau tờ sớ "Thất điều trần” (Bài văn gồm bảy điều kết tội Khải Định do cụ Phan Chu Trinh viết năm 1922 tại Pháp, nhân dịp Khải Định sang Pháp dự đấu xảo), lúc dự các lễ tang cụ Phan Châu Trinh, cụ Lương Văn Can và đòi thả cụ Phan Bội Châu. Như còn hiển hiện Nam Kỳ chói nắng và Sài Gòn sôi động thời bỡ ngỡ theo anh Tô Chấn vào hoạt động Việt Nam Quốc dân đảng. Rồi ngục tù Côn Đảo. Rồi những năm hoạt động ở Hà Nội và Hải Phòng. Những xóm thợ nghèo anh đã sống... Những tiếng ồn ào, náo nhiệt, những tấm lưng trần bốc vác… Những lần cơ sở bị phá vỡ, lại chắp nối, gây dựng…Và hình ảnh người mẹ hiền từ, nghiêm nghị khắc khổ đã hiện trong tâm trí anh tự lúc nào. Hình như kí ức về người mẹ là nơi quy tụ của mọi ý nghĩ, mọi gian lao vất vả, mọi thể nghiệm, cũng như mọi nỗi buồn vui trong đời một người con. Tô Hiệu bùi ngùi nhớ mẹ… Bao nỗi đắng cay, tủi nhục đã rơi trên mái đầu bạc trắng của bà. Bà là con gái cụ Tán Ngô - cánh tay phải của người anh hùng Bãi Sậy Tán Thuật năm xưa, người đã bị thực dân Pháp kết án khổ sai chung thân và đày đi Côn Đảo vì "tội” yêu nước. Tô Chấn, người con thứ hai của bà cũng bị đày đi Côn Đảo. Tô Chấn tìm cách vượt biển nhưng bè bị đắm… Bu ơi, chắc bu vẫn chờ tin anh Chấn và đếm từng ngày mong con trở về. Có lẽ giờ bu vẫn chưa biết tin gì về anh Chấn. Anh Chấn còn đâu nữa hở bu! Thằng con út ít của bu cũng sắp vĩnh biệt bu ở một góc rừng xa. Chắc bu đang mỏi mắt trông tin những đứa con đi biệt xứ. Con không sao về được nữa rồi để phụng dưỡng thân mẫu lúc tuổi già…Trên bàn thờ, bu sẽ lại khấn thờ cho cha con và hai anh em con. Chắc bu sẽ ân hận nhiều vì không được vuốt mắt cho con, không được nghe lời dối giăng của con chứ gì. Thằng còn út-ít-khụt-khịt cả ngày của bu đang nằm đây, bu ơi! Con hẹn bu sau năm năm sẽ trở về với bu, theo bản án của chúng nó quàng lên cổ một thằng bệnh tật như con. Nhưng làm sao được hả bu?... Dù sao, con cũng mong có ngày trở về gục đầu vào dải yếm bạc phếch của bu, ăn bát canh riêu của bu nấu riêng cho thằng Tô-gầy-còm ăn.
Tô Hiệu chìm trong những kỷ niệm lắng sâu về người mẹ chưa một lần được anh nâng giấc lúc ốm đau... Hồi Tô Hiệu được thả ra khỏi Côn Đảo, anh đã mắc bệnh lao. Trở về làng, anh giấu kín mẹ về bệnh tình. Bà mẹ không hiểu vì sao cứ đến bữa, Tô Hiệu lại ăn bát riêng, dừng hai đôi đũa. Bà thắc mắc và lắm lúc tủi thân. Bà nhiều lần thúc Tô Hiệu lấy vợ, nhưng anh chỉ trả lời bà bằng những câu đùa ý vị, dí dỏm- thói quen từ khi anh còn nhỏ. Rồi bà cũng chẳng thành công trong việc "mối mai” cho đứa con trai út... Những trưa hè nắng như rang như thiêu, một người mẹ già lọm khọm với cái giỏ bên hông bắt cua cáy ở những thửa ruộng chiêm ngập nước. Mắt anh hoa lên những vòng quáng nắng. Cái chõng tre đã lung lay. Cái phiên nhà đã mọt. Cái chổi cùn trong xó bếp lạnh tạnh… Đất nước nghèo trong bùn lầy, vách nát, buồn trong từng câu ca, trong mỗi cái nhìn và mỗi đường gân trên bàn tay răn deo của người mẹ già. Tô Hiệu thấy sống mũi cay cay… Thôi đừng buồn và thương con nhiều nữa bu ạ. Các đồng chí của con sẽ làm nốt phần việc con bỏ dở. Những gì chúng con đã nuôi dưỡng và phấn đấu không thể nào chết được, cũng không kẻ nào vùi dập được… Tô Hiệu bồi hồi và lưu luyến nhìn khắp căn buồng đã chứng kiến những trận ho dữ dội bật máu tươi của anh, những đêm chống chọi với giá lạnh sương muối và cái chết rình mò. Kia là cái cọc sắt gần cổng trại lớn - địch đã bêu đầu một đồng chí ta vượt ngục. Kia là nơi dựng bàn bán "căng-tin” ngày Tết của tù số vuông. Kia là nơi ra báo bí mật "Suối Reo”. Kia là nhà bếp mà ra đã tranh giành được quyền tự xử dụng. Kia là nơi cậu Mạnh đã ngã xuống và để rơi một quả đào ăn dở…Và đây, cây đào của anh, cây đào đã lớn lên giữa bao hằn thù và bao tình đùm bọc. Lòng anh chợt dào lên một tình thương tấm thía, xót xa. Cái hoàn cảnh nó sinh ra và lớn lên thật quá khắc nghiệt! Số phận của nó thật đầy ngẫu nhiên và bất trắc! Nhiều khi chính anh cũng không hiểu vì sao cây đào lại có thể sống được. Trong những ngày anh em tù số vuông bị cuốn vào những cuộc đấu tranh sinh tử, mà anh thì nằm bẹp trên sàn xi-măng, có ai nhòm ngó đến cây đào! Hồi những người tù tuyệt thực bị nhốt dưới hầm ngầm, anh đã dành toàn bộ những giọt nước tiếp tế hiếm hoi cho những bạn tù đang ngắc ngoải- qua một lỗ thông hơi bí mật ở mép đường "cu-loa”. Còn cây đào, lúc đó mới chưa đầy một gang tay, đã không bị héo khô đi cùng với chủ của nó trong cái nắng gắt của tháng Năm, vì may thay, dưới chân tường đá hộc vẫn còn chất ẩm…
Có những đêm hè trời đầy sao và ngập tiếng côn trùng, anh lê ra ngồi bên gốc cây đào nhỏ, cùng nó uống cho thỏa cái vị ngọt lành lạnh của sương đêm. Trong những ngày mùa đông, nhìn cây đào non nớt trụi lá khẳng khiu có một vẻ gì như thách thức nghịch ngợm, Tô Hiệu thường cảm thấy lòng mình chợt ấm áp. Sang xuân, cây đào vào tuổi mới lớn trở nên e ấp, những giọt sương mai đọng trên lá non dịu dàng của nó vẫn làm anh thoáng ngẩn ngơ. Và có những lúc nhìn thân cây bé nhỏ cố vươn lên, bất chấp những rủi may, lòng anh từng se lại vì thương cảm. Đúng là anh đã gieo hạt, thầm mong từng ngày nó nảy mầm, nhưng khi nó thành hình thì chính anh cũng không hiểu mình nên buồn hay nên vui… Tạo ra một sự sống đã khó, nhưng bảo vệ sự sống ấy còn khó hơn nhiều. Và cũng khó chẳng kém việc phải chịu đựng thon thót từng ngày, từng giờ cái ý nghĩ: sự sống ta tạo ra đó sẽ bị hủy diệt không biết lúc nào, còn ta thì sẽ bất lực đến đau đớn! Hàng ngày cây đào vẫn sống bên anh, ít khi anh nghĩ đến sự tồn tại của nó. Nhưng lúc này, anh nghĩ tới cây đào với toàn bộ cảm giác của da thịt và trí não, với toàn bộ tiềm thức. Hơn lúc nào hết anh đang sống với cây đào bằng tất cả nỗi đau của sự sinh thành và li biệt. Cây đào này sẽ là cái nhịp nối giữa cõi chết vĩnh hằng với sự sống lớn lao mà anh mắc nợ; là một hiện hữu vật chất không tầm thường mà dù muốn hay không anh đã để lại cho đời…
Chợt một giấc mơ lạ lùng đến với anh: có nhiều người cầm dao dựa, dao quắm đang mím môi mím lợi giang tay chặt cây đào của anh! Một dòng máu tươi vọt ra cùng tiếng rên rỉ thương tâm làm anh lạnh toát người. Anh thét to lên một tiếng, chạy lại gần, thì thấy trong số những kẻ đó, bên cạnh tên công sứ Cút-xô, tên chúa ngục Ga-bô-ri, tên cai khố xanh, lạ chưa, có cả một vài người đồng chí thân yêu của anh!... Thật đau lòng hơn gấp nhiều lần việc cây đào bị chặt! Mồ hôi toát ra khắp người, Tô Hiệu nhắm mắt lại, lắc đầu liên tục, cố xua đi cái hình ảnh tưởng tượng ghê sợ đó, và cuối cùng ý chí tàn kiệt của anh cũng làm được điều ấy. Rồi, từ cây đào, anh lại miên man trong những cảm xúc và ý nghĩ về các bạn tù- điều đó bao giờ cũng làm cho lòng anh dịu lại… Đã từ lâu nay, binh lính, những người phục dịch và vợ con của bọn quan lớn, quan bé trên cái ngọn đồi "tử khí” này mệnh danh những người tù số vuông là "tù ông, tù cha”, họ tỏ thái độ khâm phục và kính nể không chút giấu diếm. Tính kỷ luật cao độ, sự tôn trọng nhân dân, thái độ bất khuất cương trực trước mọi kẻ quyền lực hống hách, lòng thương người và sự giúp đỡ mọi người vô điều kiện, những bộ quần áo tàng được giặt giũ sạch sẽ và vá víu cẩn thận5, sự thông thạo và ngăn nắp trong mọi công việc lao động… tất cả những cái đó đã được truyền tụng trong dân chúng như những truyền thuyết đẹp đẽ nhất của họ, đã sưởi ấm và rọi sáng cho biết bao số phận u tối, bất hạnh…
Một - thị - xã - nhà - sàn heo hút chìm trong sương chiều. Những ngọn núi mờ lam chướng. Một chiếc thuyền độc mộc tã nát bên sông. Những ngọn lau xám phất phơ, hiu hắt. Những nóc sàn bạc phếch, đơn độc. Một cánh chim đại bàng lượn trên khoảng trời xanh hun hút của rừng đại ngàn. Một con đường đất đá lổn nhổn, nắng chang chang- con đường tù đày. Những công-voa tù xích chuỗi dài dằng dặc. Những lời ca cách mạng vang lên, giọng trầm khỏe, những bàn tay chắp lại giơ cao để cảm ơn và đáp từ lại những sự giúp đỡ, cùng những giọt lệ tiễn biệt của đồng bào đứng hai bên đường Quốc lộ miền thượng du… Những chiếc roi gân bò vụt xuống vun vút. Những khuôn mặt xạm đen kiên nghị và bất khuất ngẩng cao… Cứ mỗi lần hồi tưởng hay nghe những người mới bị đưa lên kể lại những cảnh đó, Tô Hiệu đều thấy rưng rưng một nỗi xúc động khôn tả… Ký ức vụt qua như một cuốn phim đen trắng đầy những hình ảnh tương phản đã kích thích mãnh liệt tâm trí Tô Hiệu. Anh thiếp đi, mê man, hơi thở vẫn không nhẹ hơn một chút nào.
*
Người bó gối, người dựa lưng vào tường. Không gian lặng lẽ. Chỉ còn tiếng thở khò khè của Tô Hiệu là âm thanh duy nhất của khu nhà ngục trong đêm... Chợt một người còn tỉnh ngủ lay ba người kia đang gật gù trong cơn buồn ngủ trĩu mắt.
- Các cậu! Các cậu ơi! Anh Tô… Anh Tô làm sao rồi!
Tất cả choàng dậy, cuống cuồng.
- Tô, Tô! Sao thế này hở Tô? Giời ơi!
Một người ghé sát miệng, mũi Tô Hiệu tìm cái hơi thở khò khè yếu ớt quen thuộc của anh. Một người vội vã làm hô hấp nhân tạo cho anh. Nhưng thân hình Tô Hiệu chỉ còn là một cái xác lạnh ngắt, lạnh như cái sàn xi-măng anh đang nằm duỗi thẳng trên đó. Trời đã sắp sáng.
- Hai cậu ra ngay chỗ gác-điêng, đề nghị được lên gặp "sếp” ngục và công sứ vào sáng hôm sau, yêu cầu họ cho một cái quan tài và những đồ khâm liệm cần thiết, còn tôi sẽ lo điếu văn bây giờ. Báo với họ là chúng ta sẽ cho mai táng ngay buổi sớm- người tù lớn tuổi nhất nói vội vã.
Hai người liền chạy vụt ra ngoài "cu-loa”, đến thẳng đồn canh. Hai người còn lại quỳ bên xác Tô Hiệu. Người tù trẻ- người đã từng một lần tạm biệt Tô Hiệu để tìm cách vượt ngục một mình đang nấc lên những tiếng xé lòng:
- Anh Tô- gày ơi! Sao vội đi thế, hở anh Tô- gày ơi!...
Chợt anh vùng dậy, đứng trên cái sàn xi-măng, đấm những nắm đấm vào mặt tường đá, báo hiệu các buồng và trại giam xung quanh. Người tù kia cũng đứng dậy làm theo, cả hai người vừa đấm vừa kêu lên những tiếng kêu lạc giọng trong sương mù: "Tô...ô…ô chế…t...rô…ồ…i…ì!” Sương mù buông đầy làm mờ ảo mọi cảnh vật, như làm nghẹn lại những tiếng kêu. Cả khu nhà tù bỗng ồn ào, náo động. Những tiếng đập cửa sắt thình thình. Những tiếng la hét khản giọng. Tiếng kẻng ngắn, kẻng dài, tiếng mõ ở tất cả các chòi canh đánh ngũ liên báo động. Những tiếng chân người chạy thình thịch. Bên trại lính khố xanh đã thổi kèn sắp-măng (lệnh tập hợp- Rassemblement).
Một cuộc nổi loạn phá nhà tù như năm 1909 chăng? (Cuộc khởi nghĩa phá nhà tù Sơn La của những người tù yêu nước do Cai Khạt- người Thái Than Uyên lãnh đạo nổ ra năm 1909). Hay có một cuộc đột nhập đánh cướp tù?
Chỉ sau mấy phút, tất cả những người trong khu nhà tù đều biết rõ sự việc. Trong số những người đứng chật cả một đoạn đường "cu-loa”, có mấy người tù thường phạm vào loại "anh chị” đã được Tô Hiệu cảm hóa. Cái chết đột ngột và bi đát của người tù đâu phải chuyện đặc biệt ở chốn được mệnh danh là "địa ngục dương gian” này! Nhưng cái chết của Tô Hiệu mà ai cũng có thể đoán được sẽ xảy ra bất cứ lúc nào khi ái ngại nhìn thân hình xơ xác tiều tụy của anh, lại gây một chấn động lớn trong tâm não mọi người. Những giọt nước mắt lã chã khôn cầm lăn trên những khuôn mặt hốc hác vì thiếu ăn, đói ngủ đang tê dại đi bởi đau đớn xót thương. Những tấm chăn mỏng do anh em tù góp lại cứu Tô Hiệu thoát khỏi mùa đông sương muối năm 43, giờ đang đắp trên cái thân hình gày guộc và cứng đờ của anh. Đám đông đứng ngoài cửa sắt buồng giam Tô Hiệu bỗng rẽ ra hai bên: Một chiếc quan tài sơn đen đã được đưa tới. Những người đại diện nhóm "trật tự ngoài” của Chi bộ đã xin phép cai ngục lên thẳng công sứ Cút-xô đòi tổ chức tang lễ Tô Hiệu. Lúc này, Cút-xô đã biết nể tù chính trị hơn trước. Thời thế đã thay đổi, y không còn dám hống hách huênh hoang như ngày xưa. Bây giờ Cút-xô thường tỏ ra "nhân đạo” với tù chính trị, lấy lòng anh em.
Chiếc quan tài được nâng lên, trôi chầm chậm ra phía cổng lớn. Vài người lính khố xanh bồng súng đứng nghiêm với vẻ mặt buồn rười rượi. Dòng người áo tù loang lổ chữ P.S (Prison de Sonla) chầm chậm bước đi. Hết khu đồi Khau Cả, lại sang một khu đồi khác…
Nơi đây, dưới những hàng phi lao thưa cằn và những gốc ổi hoang dại, bao thế hệ người yêu nước và chiến sỹ cách mạng đã yên nghỉ. Buổi sáng cuối xuân, sương mù đang dần tan hết. Mặt trời lên trên rừng phi lao, rọi những tia nắng mai qua muôn trùng lá nhọn, tạo nên những luồng ánh sáng thanh thoát. Một cái huyệt được đào khẩn trương. Chỉ có tiếng mai, thuổng thình thịch và tiếng chim hót trong trẻo đây, đó. Chiếc quan tài sơn đen được hạ huyệt. Lúc này, người tù trưởng "Ban trật tự ngoài” đã tới, tay cầm một mảnh giấy nhỏ lem luốc, ghi vội những dòng chữ nguệch ngoạch. Tất cả, không ai nói một lời tự động đứng quanh lỗ huyệt mới đào. Một giọng trầm vang đọc lời vĩnh biệt cất lên giữa đám đông lặng lẽ, giữa khung cảnh yên ắng xa vời của núi rừng… Những lời thống thiết từ đáy con tim mỗi người thốt lên. Đó là máu xương, là hơi thở, là mỗi cuộc đời đã sống. Là hình bóng Tổ Quốc hôm nay và ngày mai. Là giọt lệ của người mẹ và những người thân thích. Là lòng uất hận đang chực bùng lên phá tan mọi cảnh bất công, tù đày, nô lệ… Sau một lúc ngừng lại, người tù thay mặt anh em đọc lời vĩnh biệt đã nói những lời cuối cùng:
- Chúng ta xin hứa với đồng chí Tô Hiệu: Quyết tâm giành lại tự do thiêng liêng cho Tổ Quốc!
Người bí thư chi bộ vốc một nắm đất thả xuống nắp quan tài.
- Xin vĩnh biệt người đồng chí, người anh, người bạn yêu quý!
Tiếp sau đó, từng người làm theo. Những khối đất màu đỏ và da cam rơi xuống huyệt mỗi lúc một nhiều hơn… Rồi một tấm mộ chí sơ sài bằng đá mọc lên với những dòng chữ khắc vội: Tô Hiệu. Sinh: 1912 tại Văn Giang- Hưng Yên. Chết: 7/4/1944 tại Sơn La. Những cái đầu tù cạo trọc nham nhở cúi xuống mặc niệm. Không ai có thể nhớ nổi thời gian trôi đi đã bao lâu. Họ không hát Hồn Tử Sĩ: Chiều nay súng vang. Dưới bóng cờ thiêng… Chỉ có tiếng phi lao ru gió xào xạc. Chỉ có tiếng nức nở cố ghìm lại của một vài người đa cảm. Những người tù mà cái chết và bao sự đàn áp khốc liệt, bao nỗi gian lao đắng cay không hề làm nhụt chí, giữa lúc này đây dang chìm trong một nỗi chạnh lòng sâu thẳm, một nỗi xót thương vô hạn… Nhưng không thể đứng mãi ở đây. Bao công việc quan trọng và cấp thiết đang chờ đợi. Phải giành giật lấy thời gian từng phút, giành giật từng hơi thở, từng mạng sống con người. Mỗi người tù số vuông đều cảm thấy một cách rõ rệt những ngày trọng đại đó đã tới rất gần.... Những bàn chân tù lại tản đi khắp nơi làm cỏ-vê, như mọi ngày bình thường.
*
Trong lúc đó, đường "cu-loa” trong nhà tù vắng tanh. Chủ nhân” của nó đã đi xa mãi mãi, để lại cây đào. Lúc này trên cây đào, hoa đầu mùa đã tàn hết, lá tỏa một màu xanh trơ trọi giữa những bức tường đá xám ngoét, âm thầm. Nhưng kể từ năm ấy trở đi, nó sẽ tiếp tục ra hoa như mọi cây đào trong khắp các cánh rừng Sơn La vào mùa xuân. Nó vẫn đang lớn lên từ chân tường kia, dường như không có sự chết chóc nào đã xảy ra xung quanh nó. Chắc hẳn là nó phải ăn rễ thật sâu xuống đất, đợi tới lúc thật cứng cáp, lớn khỏe, mới bắt đầu phá vỡ những mảnh tường đá bên trong để tiếp tục phát triển. Còn bên ngoài nhà tù, trên khắp đồi Khau Cả lúc này không có một cây đào nào- ngoài cây đào ở vườn rau Tòa Sứ nằm dưới chân đồi. (Theo lời kể lại của những người già xung quanh thị xã, cây đào ấy là do một cô gái- được gọi là "con nuôi” của những người "tù áo sạch” trồng trong một lần đi nhặt củi, khi cô đang ở tuổi tranh nhau với lũ bạn chạy đi nhặt những quả còn lạc của các anh chị trong hội ném còn mùa xuân). Nhưng ngay trong năm đó, cây đào trong nhà tù bói lứa quả đầu tiên, những người tù nhớ Tô Hiệu đã ăn quả ở cây này rồi đem gieo hạt quanh đồi Khau Cả khi đi làm cỏ-vê… Từ đó, cứ độ xuân về, những cây đào trên khắp đồi Khau Cả cùng với cây đào trong nhà tù lại nở hoa và kết quả, như sự nhắc nhở thầm kín về một Con Người..
Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn
----
Chú thích:
1. Tù chính trị CS, phân biệt với tù thân Nhật đeo số hình thoi.
2. Tức là bệnh sốt rét sưng gan đặc biệt nguy hiểm đối với người tù Sơn La.
3. Paul Verlaine, thi sĩ lãng mạn Pháp thế kỷ XIX.
4. Xanh Pu-lôp tự lấy tên mình đặt cho con đường Quốc lộ 6 hồi làm Công sứ ở Sơn La.
5. Đồng bào các dân tộc quanh thị xã Sơn La hồi ấy (và cho đến cả hôm nay) vẫn quen gọi tù chính trị của ngục Sơn La là "tù áo sạch" vì những bộ quần áo tù bao giờ cũng được vá víu tươm tất sạch sẽ và đặc biệt có thái độ rất hòa nhã, gần gũi, thông cảm sâu sắc với dân nghèo...
Hiện giờ, cây đào này được gọi là "Cây đào Tô Hiệu", ở ngay sát phòng giam ông Tô Hiệu, nằm trong di tích lịch sử Nhà tù Sơn La - là nơi đang hàng ngày thu hút nhiều đoàn khách các lứa tuổi của nhiều địa phương toàn quốc tới tham quan, nghiên cứu. Đã có nhiều người viết về cây đào này (kể cả người nước ngoài), và tất cả đều cố gắng tìm hiểu lai lịch thật sự của nó. Song việc gắn nó với ông Tô Hiệu- trong hầu hết các trường hợp chỉ thuần túy mang ý nghĩa biểu tượng, thậm chí, có những cựu tù nhân chính trị ở Sơn La đã phủ nhận sự tồn tại của cây đào có từ trước Cách mạng, hoặc khẳng định rằng: nó không phải là do ông Tô Hiệu trồng! Vậy sự thật ở đâu? Tác giả thiên truyện lịch sử này, sau nhiều tìm hiểu, cân nhắc, qua nhiều nguồn tư liệu điền dã- đặc biệt là qua một người số người từng là cai, đội, quản cũ của trại lính khố xanh có cảm tình với tù chính trị (nhất là phó quản Mười- sau là nhà thơ, nhà giáo Lò Văn Mười sống ở Thuận Châu), đã đi đến một phương án lý giải khá chắc chắn: cây đào này đích thực là do ông Tô Hiệu trồng. Tuy nhiên, sự thực cuối cùng vẫn đang còn chờ đợi các nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử...
Hiện giờ, cây đào này được gọi là "Cây đào Tô Hiệu", ở ngay sát phòng giam ông Tô Hiệu, nằm trong di tích lịch sử Nhà tù Sơn La - là nơi đang hàng ngày thu hút nhiều đoàn khách các lứa tuổi của nhiều địa phương toàn quốc tới tham quan, nghiên cứu. Đã có nhiều người viết về cây đào này (kể cả người nước ngoài), và tất cả đều cố gắng tìm hiểu lai lịch thật sự của nó. Song việc gắn nó với ông Tô Hiệu- trong hầu hết các trường hợp chỉ thuần túy mang ý nghĩa biểu tượng, thậm chí, có những cựu tù nhân chính trị ở Sơn La đã phủ nhận sự tồn tại của cây đào có từ trước Cách mạng, hoặc khẳng định rằng: nó không phải là do ông Tô Hiệu trồng! Vậy sự thật ở đâu? Tác giả thiên truyện lịch sử này, sau nhiều tìm hiểu, cân nhắc, qua nhiều nguồn tư liệu điền dã- đặc biệt là qua một người số người từng là cai, đội, quản cũ của trại lính khố xanh có cảm tình với tù chính trị (nhất là phó quản Mười- sau là nhà thơ, nhà giáo Lò Văn Mười sống ở Thuận Châu), đã đi đến một phương án lý giải khá chắc chắn: cây đào này đích thực là do ông Tô Hiệu trồng. Tuy nhiên, sự thực cuối cùng vẫn đang còn chờ đợi các nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử...
(Nguồn: tập truyện lịch sử: "Người tù áo sạch"- NAT- Nxb Thanh niên, 1993)
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại- ngày 09/10/2015
Cập nhật lại lần 1- ngày 14.8.2012
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 21.02.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét