Trang cảm nhận tác phẩm Nguyễn Anh Tuấn (1)
Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015
Lẽ nào anh chết- Một
bài thơ lạ của thi sĩ Lưu Trọng Lư – Bài viết Nguyễn Anh Tuấn
Thứ ba - 14/08/2012 19:05
Bài thơ này được viết cách đây tròn hai mươi năm. Bài thơ chưa hề được công bố trên sách, báo - cũng giống như hàng trăm bản thảo thơ, kịch, tuỳ bút, tiểu luận, ghi chép, thư từ... của ông đang còn nằm chờ các nhà nghiên cứu và các nhà xuất bản. Khi biết tin nhà thơ vĩnh biệt cõi đời, tất cả những người yêu thơ ông đều bàng hoàng tiếc thương và chợt ngẩn ngơ như muốn hỏi: "Lẽ nào anh chết"?!...
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả: Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Bút danh khác Nguyễn Yên Thế
Địa chỉ: Phố Thái Hà, Hà Nội
ĐT: 0912174947
Email: anhtuan.daodien4@gmail.com
_____
LẼ NÀO ANH CHẾT- MỘT BÀI THƠ LẠ CỦA THI SĨ LƯU TRỌNG LƯ
LẼ NÀO ANH CHẾT- MỘT BÀI THƠ LẠ CỦA THI SĨ LƯU TRỌNG LƯ
LẼ NÀO ANH CHẾT
Thơ Lưu Trọng Lư
Anh không ngồi đếm bao thu còn lại.
Còn bao tuần lá đổ nữa, vàng sân.
Khi cánh song anh khép kín cõi trần
Anh vẫn không tin: mình chết.
Đâu phải anh vào nơi bất diệt
Vì trăm năm sau
Cô bé nào bên cầu ao
Chợt ngâm đùa mây câu thơ anh, vơ vẩn.
Anh biết rồi, mắt anh sẽ là bụi phấn
Nhưng em có hay : hạt bụi mắt anh
Là con thương của giọt nắng rơi tự trên cành
Và của giọt sương hoang từ đất đen tụ lại.
Còn say, còn mơ và đòi luân hồi mãi mãi
Hạt bụi mắt anh đi cướp lửa sao trời
Để sưởi nồng mảnh mảnh trăng rơi
Và chút chút nhen hồng trong mắt người bất hạnh…
Có những hoàng hôn toan xoá mờ chân sói
Giữa nơi đây ta chong sáng ngọn đèn.
Giữ mãi hồn thương, sắc mơ còn đỏ mãi
Dẫu mơ kia chưa trọn nở trước thềm !
Khi gà mai mỗi ngày còn đập cánh
Ai tắt được lửa bình minh
Khi tim anh còn chan chứa ân tình
Lẽ nào em tin rằng: anh chết.
*
Bài thơ này được viết cách đây tròn hai mươi năm.
Bài thơ chưa hề được công bố trên sách, báo - cũng giống như hàng trăm bản thảo thơ, kịch, tuỳ bút, tiểu luận, ghi chép, thư từ... của ông đang còn nằm chờ các nhà nghiên cứu và các nhà xuất bản. Khi biết tin nhà thơ vĩnh biệt cõi đời, tất cả những người yêu thơ ông đều bàng hoàng tiếc thương và chợt ngẩn ngơ như muốn hỏi: "Lẽ nào anh chết"?!...
Nếu ai đã từng quen thuộc với một thời Tiếng thu và hình ảnh người thi sĩ họ Lưu ngồi đếm mưa tính sổ cuộc đời trên một gác trọ quạnh hiu lúc ba mươi tuổi, mới thấy hết ý vị của những câu:
Anh không ngồi đếm bao thu còn lại.
Còn bao tuần lá đổ nữa, vàng sân.
Khi cánh song anh khép kín cõi trần
Anh vẫn không tin: mình chết.
Điều khẳng định: "nhà thơ không thể chết" sẽ vang vọng toàn bài và là nguồn thi hứng chính, một ý tưởng tranh luận trực diện. Dường như để chứng tỏ sự tỉnh táo của mình và sự nghiêm túc của điều đang bàn, nhà thơ đặt một giả thiết có ý nghĩa lật lại vấn đề:
Đâu phải anh vào nơi bất diệt
Vì trăm năm sau
Cô bé nào bên cầu ao
Chợt ngâm đùa mây câu thơ anh, vơ vẩn.
Chẳng phải vì nhà thơ hiện đại bắt gặp tâm trạng "bất tri tam bách dư niên hậu của thi hào họ Nguyễn. Cũng chẳng phải vì sức sống của những vần thơ yêu đời vượt qua thời gian để đem thêm nguồn vui cho con trẻ đời sau. Càng không phải cái ý nghĩ về Đài kỷ niệm mà "Nhà tiên tri" Puskin đã nói (Rồi nhân thế sẽ còn ca ngợi ta mãi mãi/ Vì trong thế kỷ bạo tàn/ Ta đã ca ngợi tự do và tình thương kẻ khốn cùng - Thúy Toàn dịch). Sự "giải thích" của nhà thơ chắc chắn làm ngỡ ngàng không ít người đọc lúc ban đầu:
Anh biết rồi, mắt anh sẽ là bụi phấn
Nhưng em có hay: hạt bụi mắt anh
Là con thương của giọt nắng rơi tự trên cành
Và của giọt sương hoang từ đất đen tụ lại.
Mới nghe qua, tưởng dâu như sự lặp lại một lời của Thiên Chúa Yavé trong Thánh kinh: "Từ cát bụi hãy trở về cát bụi". Ngẫm nghĩ một chút có thể thấy ở đây một sự sáng tạo tinh tế và thâm trầm. Người đọc không cảm thấy sự cầu kỳ vốn có trong những hình ảnh tổ hợp trên, bởi đã được cảm xúc hồn hậu và lắng đọng của nhà thơ dẫn vào rung cảm trực tiếp với cái đẹp của tự nhiên đơn sơ, vĩnh cửu, đồng thời thụ cảm được một khía cạnh trong bản chất của người nghệ sĩ: làm giàu có thêm cho cuộc đời. Và trong cái "trường ẩn dụ" vừa được khơi mạch đó, nhà thơ đã say sưa viết những dòng đầy cảm hứng về sứ mệnh của người nghệ sĩ chân chính:
Còn say, còn mơ và đòi luân hồi mãi mãi
Hạt bụi mắt anh đi cướp lửa sao trời
Để sưởi nồng mảnh mảnh trăng rơi
Và chút chút nhen hồng trong mắt người bất hạnh…
Thực ra, khi nhà thơ có thoáng chút siêu hình về cái chết trong lúc ốm nặng thì cũng là lúc thấm thía hơn bao giờ hết về cái đẹp vô tận, cái ý nghĩa tuyệt diệu của cuộc sống trên trái đất này - đặc biệt là sự sống chứa đựng những lẽ làm người có sức chiến thắng mọi điều chết chóc, phi nghĩa, bạo tàn:
Có những hoàng hôn toan xoá mờ chân sói
Giữa nơi đây ta chong sáng ngọn đèn.
Giữ mãi hồn thương, sắc mơ còn đỏ mãi
Dẫu mơ kia chưa trọn nở trước thềm!
Những lời thơ rắn rỏi, quả quyết làm sao mà cũng dạt dào trìu mến, xúc động làm sao! Ta hiểu rồi: cái bất tử của người nghệ sĩ thực thụ chính là cái bất tử của sự sống ấy, có nỗi đau được thức tỉnh, có tiếng cười giọt nước mắt, niềm hy vọng... Khi "đặt mình ngoài sức hút của cô đơn" nhà thơ "sẽ có một mái nhà trong vũ trụ" để "Rải hoa trên mình quỹ đạo” (Vòng quỹ đạo của thơ tôi)*. Triết lý về sự bất tử này đâu phải là một sự "làm duyên làm dáng" mà nhà thơ vẫn miệt thị! Nó là kết quả của những ý tưởng trung thực, chân chất, nặng đầy và nóng bỏng từng giờ nung nấu tâm can nhà thơ. Nó là sự quy tụ của những điều đang lay động lương tri của hành tinh này. Một giọt lệ của chú gấu Misa tạm biệt trái đất ngày kết thúc Olympic cũng làm nhà thơ bâng khuâng mãi:
Misa sẽ ở mãi giữa cuộc đời này
Như tình thương đến giữa trái đất này
Chẳng ai nghĩ rằng: tình thương sẽ chết.
(Tạm biệt Misa)*
Dễ gì mà tuyên bố được một điều giản đơn, với một tinh thần công dân cao cả và một nguồn thi hứng sâu sắc: "Vì yêu con người, tôi gắn mình vào trái đất" (Vòng quỹ đạo của thơ tôi)*. Điều đó thực xa lạ với những "tín đồ" của Schopenhauer, nhà triết học bi quan, một người đã từng viết: "Sự sống là cái nhầm lẫn quan trọng nhất của bản thể con người", và: "cái chết là một sự tỉnh ngộ lớn" - "Xét cho cùng chúng ta là cái gì không nên có..." (Métaphisique de la Mort).
Bài thơ khép lại bằng một khổ, tuy chỉ là một sự nhắc lại những điều đã nói nhưng thực ra lại gợi biết bao điều suy tư day dứt, rộng hơn số phận một cá nhân, rộng hơn sự bất tử của người nghệ sĩ - đó là sự sống bất diệt của lẽ phải, của tình thương và ân nghĩa trong mối quan hệ giữa con người với con người:
Khi gà mai mỗi ngày còn đập cánh
Ai tắt được lửa bình minh
Khi tim anh còn chan chứa ân tình
Lẽ nào em tin rằng: anh chết.
Có thể khẳng định rằng: Lẽ nào anh chết là một bài thơ hay và khá tiêu biểu cho phong cách tư tưởng - nghệ thuật của nhà thơ trong những năm cuối đời.
----
* Thơ Lưu Trọng Lư
----
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 07.01.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn vandanviet.net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________
Một mình ngồi trong đêm để Nghĩ phận mình.
THAY LỜI ĐÍNH CHÍNH CHO MỘT CUỐN SÁCH
Trong tập thơ "Bài ca tự tình" do nhà báo Lưu Trọng Văn sưu tầm biên soạn từ di cảo thơ của cha mình để in, Nxb Hội nhà văn ấn hành vào tháng 6-2011 có bài thơ sau:
Nghĩ phận mình
1.
Đã già lại ốm giữa trời đất
Lăm lăm vào đời, hóa người thừa
Thôi náu mình, cam chịu bùn nhơ
Xó góc thành, đã ồn lại ẩm thấp
2.
Hết rét lại lụt liên tục
Dân đen tai nạn không hồi phục
Chẳng cách gì làm dân yên
Cũng đường đường kẻ sĩ
Nghĩ mà nhục.
3/1988
(trang 321)
Sau khi sách in ra, đọc bài thơ trên, và đưa mấy câu "Hết rét lại lụt liên tục/ Dân đen tai nạn không hồi phục/ Chẳng cách gì làm dân yên/ Cũng đường đường kẻ sĩ/ Nghĩ mà nhục" trong một bài viết làm dẫn chứng, tôi có phần hơi ngờ ngợ, hỏi lại Lưu Trọng Văn, Văn bảo: đã chép lại từ nguyên văn một trang bản thảo của cha mình, nhưng không có chữ ký. Xét về hoàn cảnh xã hội và tâm trạng của nhà văn khi đó thì có thể thấy những vần thơ trên nói hộ được rất sinh động, cụ thể tâm sự của ông - cũng chính vì thế mà Lưu Trọng Văn đã đưa vào phần cuối: "Phần IX: Tự sự... mình" rất phù hợp. Tới hôm qua, Lưu Trọng Văn gọi điện gấp cho tôi thông báo: Văn vừa lục tìm được trong hàng chồng bản thảo lưu trữ tại gia đình thêm một tư liệu viết tay của nhà văn Lưu Trọng Lư, trong đó ông ghi lia lịa ra nhiều câu dịch từ thơ chữ Hán của Cao Bá Quát mà ông tâm đắc, với chú dẫn cụ thể người dịch, như: Ngán cho mình đóng cửa nhai văn, nhấm chữ bấy lâu rồi/ Sâu đo nọ những đòi đo thế giới!/ Từ vượt bể qua Ba Sơn đất mới/ Bừng mắt trông, ôi sáu cõi mênh mang! Rõ trò chơi từ trước, chuyện văn chương,/ Khách nam tử ai sống suông bằng sách vở? (Đề sau khúc "Yên đài anh ngữ” - Hoàng Tạo dịch) Mây trôi trôi mãi chưa về,/ Sớm hôm tất tả chẳng hề được yên./ Bỗng đâu trận gió nổi lên,/ Đưa mây trôi dạt vào miền núi cao./ Trần gian đang ngóng mưa rào,/ Sấm đâu còn ở nơi nào im hơi/ (Đám mây trôi - Nguyễn Văn Tú dịch). Và, sau cùng, có trọn một bài thơ mà nhà văn Lưu Trọng Lư ghi cẩn thận ở trước đầu đề:
"Thử dịch từ Cao Bá Quát:
"Thử dịch từ Cao Bá Quát:
NGỒI MỘT MÌNH TRONG ĐÊM
Góc thành thị này, đã ồn lại ẩm thấp
Đã già, lại ốm giữa trời đất
Cứ lăm lăm vào đời, hóa thành người thừa
Thôi náu mình đi, cam chịu bùn nhơ
Nhưng hết rét lại lụt liên tục
Dân đen tai nạn không hồi phục
Chẳng có cách gì làm dân yên
Cũng đường đường là kẻ sĩ
Nghĩ mà nhục thế!"
So với bản đã in trong "Bài ca tự tình" thì bài thơ dịch trong bản thảo này không tách ra thành hai đoạn riêng, và khác biệt vài chữ không đáng kể... Bởi tôi từng là thầy giáo dạy văn, nên Lưu trọng Văn yêu cầu tôi phải mau chóng tìm ra gốc tích bài thơ đó của Cao Bá Quát, và viết bài nhờ đính chính giúp, rồi sau này có tái bản tập "Bài ca tự tình" sẽ đưa bài thơ dịch này kèm cả phiên âm chữ Hán cùng lời dịch nghĩa vào.
Bài thơ nguyên tác là "Độc dạ", thể ngũ ngôn tuyệt cú, nằm trong số những bài không biết rõ thời gian sáng tác được gọi chung là "Tức sự ngôn hoài":
Thành thị huyên ty địa
Kiền khôn lão bệnh phu.
Tê cung thành nhũng thặng,
Bính tích thả nê đồ.
Hàn lạo nãi liên phát,
Tai lê huống vị tô.
Thái bình vô nhất lược,
Lộc lộc sỉ vi nho.
Dịch nghĩa:
Một mảnh đất vừa ồn, vừa thấp ở nơi thành thị
Một con người vừa già, vừa ốm giữa trời đất.
Đem thân ra đời đã thành người thừa,
Náu vết hãy chịu lầm than vậy.
Nhưng nạn rét nạn lụt cứ phát sinh liên tiếp,
Huống chi dân đen bị tai nạn chưa được hồi phục.
Không có một sách lược gì làm cho đời được thái bình
Thẹn cho mình là một nhà nho mà lại tầm thường đến thế!
(Lời chú của chính Cao Bá Quát: "Lộc lộc do lục lục dã"- lộc lộc cũng như lục lục, nghĩa là tầm thường)
(Thơ chữ Hán Cao Bá Quát- Nxb Văn học, 1976- trang 265)
Một mình ngồi trong đêm để Nghĩ phận mình- cũng là để ngẫm ngợi về trách nhiệm của kẻ sĩ, đó là thái độ thực đáng kính trọng của người trí thức chân chính nước Việt mọi thời... Và sự đồng cảm giữa hai thi sĩ cách nhau hai thế kỷ cũng không phải là một điều đáng ngạc nhiên, có phải không thưa bạn đọc?
Để tập thơ "Bài ca tự tình"- đứa con tinh thần cuối cùng của nhà văn Lưu Trọng Lư được hoàn chỉnh, mong được coi bài viết này là một lời đính chính, đồng thời cũng là một lời xin lỗi gửi tới bạn đọc yêu quý thơ Lưu Trọng Lư đã từng đọc bài thơ này.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 18.7.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn vandanviet.net Khi Trích Đăng Lại.
________________________________________________
Nguyễn Trải Lại Trở Về Cổ Vũ Con Cháu Của Người.
(Đọc "Gửi Ức Trai" của nhà văn Lưu Trọng Lư)
Gửi Ức Trai
Thơ Lưu Trọng Lư
Người sợ đưa nhanh nhát chổi
Làm bóng hoa tan
Nhưng khi xô một tảng núi bạo tàn
Ức Trai! Người không biết sợ
Thà chịu một vừng trăng đổ vỡ
Để đổi lấy một mặt trời đại nghĩa giữa hành tinh.
Ai yêu như người, cái lẽ hiếu sinh
Một giọt nắng thanh bình
Trên đầu ngọn lúa?
Ai yêu như người, từng tia máu đỏ
Trong da tóc trẻ đẹp con người?
Thuở ấy, ai hơn Ức Trai
Biết trừ bạo, diệt hung
Biết căm loài Tần Hán:
"Hiếu đại, hy công”
Cùng binh, độc vũ..?”
Ôi! Nhà chiến lược thiên tài
Người mưu sĩ tuyệt vời
Người thơ của đội quân đất nước
Đã làm bơ phờ xơ xác
Những mũ mãng thiên triều!
Mười năm trời nằm gai nếm mật
Mười năm trời, nghĩa đội, nhân đeo
Ôi! Một cung đàn tuyệt diệu
Còn dội mãi đến ngàn sau!
Người vẫn đó! Ngọn nến đêm thâu
Với vua bày lo việc nước
Và, nơi chiến địa, viết thư cho giặc
Những bức thư, nghĩa sáng tựa sao trời
Ngọn nến Ức Trai
Có bao giờ tắt được?
Một mình ôm trước nỗi lo đời
Trong chiếc chăn lạnh, choàng vai
Người dành cả hơi nồng cho hậu thế
Là một triết nhân
Người rõ lẽ:
"Làm một nước nghĩa nhân nhỏ bé
Bên một nước lớn vô độ, tham tàn
Phải chịu điều cay đắng nghìn năm
Để đổi lấy hàng trăm trận thắng”
Nhưng Người ơi! Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng…
Và Ức Trai với mái tóc thời gian còn thơm trắng mãi
Vẫn nắm chặt trong tay ấn tín Liễu Thăng
Dặn cháu con:
Với hùm beo phải vững giáo, chắc thương
Nhưng Nhân nghĩa ngọn cờ, đừng để lọt vào những bàn tay dính máu
Ôi! Ngọt ngào ngọn gió
Gần 600 năm rồi mà như mới hôm qua
Ức Trai về, lững thững dưới rừng hoa
Như xem lại, một chiều trận mạc…
Hà Nội 27/11/1979
Lưu Trọng Lư
(Trong tập "Bài ca tự tình" - NXB Hội nhà văn, tháng 6- 2011)
***
Nhà văn Lưu Trọng lư làm bài thơ này sau khi đã sống nhiều ngày cùng các chiến sĩ trận điạ "chốt" biên giới phía Bắc tại Lạng Sơn, Cao Bằng, "Khi trái tim ta đang vỡ làm đôi" khiến cho "Tiếng nói của cả đời ta ùn lại"như ông từng bộc lộ ở bài thơ "Em có nghe" viết cũng trong thời gian đó. Trước máu xương của quân dân ta đổ xuống chống trả sự "ma giáo côn đồ" của bọn bành trướng để bảo vệ từng tấc đất cha ông, nhà văn đã nhớ đến người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi; và bài thơ "Gửi Ức Trai" đã như một nén hương kính cẩn giữa đất trời Tổ quốc thiêng liêng dâng lên hương hồn biết bao anh hùng nghĩa sĩ Việt Nam xưa nay mà Nguyễn Trãi là tấm gương chói lọi nhất...
Bài thơ mở đầu bằng một ý thơ rất đẹp lấy trong Quốc âm thi tập: "Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ Quét sân ngày lệ (sợ) bóng hoa tan", liền sau đó là một hình ảnh tương phản giàu thẩm mỹ và nặng trĩu hiện thực để khái quát lên toàn bộ tâm hồn cao khiết lẫn khí phách phi thường của Nguyễn Trãi trong suốt cuộc đời cụ:
Người sợ đưa nhanh nhát chổi
Làm bóng hoa tan
Nhưng khi xô một tảng núi bạo tàn
Ức Trai! Người không biết sợ
Sức mạnh tinh thần của Nguyễn Trãi được bắt nguồn từ triết lý hành động của một dân tộc từng chịu quá nhiều đau khổ, khi "mỗi người Việt mình nước mắt đủ chảy thành sông", và nhà văn đã diễn đạt điều này tựa lời thề của người nghĩa quân trước giờ vung gươm ra trận diệt ngoại xâm, tựa đôi câu đối trang trọng thấm đẫm xúc cảm treo nơi bàn thờ Tổ tiên anh linh:
Thà chịu một vừng trăng đổ vỡ
Để đổi lấy một mặt trời đại nghĩa giữa hành tinh.
Từ điểm xuất phát này, nhà văn bắt đầu miêu tả thế giới tinh thần cao quý của Ức Trai, mà cội nguồn là tình yêu Dân, thương Dân:
Ai yêu như Người, cái lẽ hiếu sinh
Một giọt nắng thanh bình
Trên đầu ngọn lúa?
Ai yêu như Người, từng tia máu đỏ
Trong da tóc trẻ đẹp con người?
Cho dù phải chịu cảnh "Danh hư họa thực", nhưng nhờ có tình thương lớn lao đó, nhờ có "lòng trung lẫn hiếu/ mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen" (QÂTT) mà Nguyễn Trãi đã trở thành "Nhà chiến lược thiên tài/ Người mưu sĩ tuyệt vời" đưa dân tộc vượt qua bao hiểm nguy và đè bẹp giấc mộng của bọn bá quyền:
Người thơ của đội quân đất nước
Đã làm bơ phờ xơ xác
Những mũ mãng thiên triều!
Nguyễn Trãi còn "dành cả hơi nồng cho hậu thế", và nhà văn như nghe thấy nỗi lo âu trăn trở thể hiện tầm nhìn vượt nhiều thế kỷ của cụ đến với hôm nay:
"Làm một nước nghĩa nhân nhỏ bé
Bên một nước lớn vô độ, tham tàn
Phải chịu điều cay đắng nghìn năm
Để đổi lấy hàng trăm trận thắng”
Nhưng từ hơn ba mươi năm trước, giữa những ngày tháng Tổ quốc bị sỉ nhục đó, nhà văn đã thốt lên hộ biết bao người Việt Nam yêu nước-"Những ngọn đèn không ngủ" trong hiện tại cái điều phẫn uất này, qua cách nói dân dã: "Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng!" Vì thế, Đạo nghĩa làm người lớn nhất giờ đây là "Biết cầm chắc những gì Tổ quốc trao đưa":
Và Ức Trai với mái tóc thời gian còn thơm trắng mãi
Vẫn nắm chặt trong tay ấn tín Liễu Thăng
Dặn cháu con:
Với hùm beo phải vững giáo, chắc thương
Nhưng Nhân nghĩa ngọn cờ, đừng để lọt vào những bàn tay dính máu
Gần mười năm sau cái ngày "Người lính thơ đi nhặt những mũ mãng thiên triều", nhà văn Lưu Trọng Lư vẫn chưa hết nỗi đau và sự trăn trở về hành động xấc xược của bọn "ma giáo côn đồ" bành trướng; cùng với nỗi lo lắng khôn nguôi về sự sa sút của đạo lý, của tinh thần dân tộc chân chính, ông viết "Thư đêm giao thừa"( năm 1988):
"Mênh mông trường dạ” nhang đèn xưa cũng thổn thức đầy vơi
Cả lịch sử anh hùng cũng về đây trong chiến hào sinh tử
Của dân tộc, một câu thơ, một đạo lý
Cũng về đây, sống chết với hôm nay
... Việt Nam không chỉ chết sống một lần
Việt Nam muôn đời tự làm nên vận mạng
Hãy cuốn phăng đi trăm loài xác bẩn!
Nhà văn như đang nói trực tiếp với Nhân dân mà ông yêu thương quý trọng trọn đời và những người có trách nhiệm đối với vận mệnh Nhân dân giữa những ngày nóng bỏng này:
Hỡi quyền uy rộng lớn! Thái thượng Nhân dân
Ta chỉ xin quỳ trước một chữ Nhân
Cuộc Giao ban Đất Trời
Người không được phép thêm một lần lỡ hẹn!
Và Nguyễn Trãi lại về với chúng ta hôm nay, theo xúc cảm của một nhà văn sẵn sàng "Ôm cả tình thương mà chết", không chỉ để tiếp tục "Tìm mai theo đạp bóng trăng" (QÂTT) mà còn để xem xét cháu con "Với hùm beo phải vững giáo, chắc thương" ra sao trước sự tồn vong của Đất Nước:
Ôi! Ngọt ngào ngọn gió
Gần 600 năm rồi mà như mới hôm qua
Ức Trai về, lững thững dưới rừng hoa
Như xem lại, một chiều trận mạc…
Một dũng sĩ trong hình dáng của một tiên ông "lững thững dưới rừng hoa" thăm lại "vạn cổ thử giang san"- nơi mà chỗ nào cũng có dấu vết "Kình ngạc băm vằm non mấy khúc/ Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng" (thơ dịch Ức Trai Thi tập). Một tiên ông hiền dịu có tâm hồn "ngọt ngào như ngọn gió" mà lại quắc thước, cứng cỏi, chứ không hề ủy mị yếu hèn trước cả một hàng tướng giặc qua sự miêu tả gần đây của một nhà văn có tên tuổi...
Nhà văn Lưu Trọng Lư đã cảm nhận một cách sâu sắc và đồng cảm cao độ cái sức mạnh tinh thần lớn lao của Nguyễn Trãi qua văn chương chiến đấu và văn chương thế sự của cụ mà nhà thơ Pháp Paul Éluard từng gọi là: "những vũ khí của đau thương"... Đó cũng là nguyên nhân quan trọng để "Gửi Ức Trai" trở thành một trong những tác phẩm văn học hiện đại hay nhất viết về người anh hùng vĩ đại dân tộc- danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, và luôn luôn mang tính thời sự nóng hổi... Vâng, Nguyễn Trãi đang "lững thững" trở về để cổ vũ con cháu biết yêu thương, quý trọng nhau hơn khi cùng cầm "ngọn cờ Nhân nghĩa ", không để chúng lọt vào "những bàn tay dính máu" và dơ bẩn- có như vậy mới bảo vệ được trọn vẹn non sông gấm vóc yêu quý...
----
(".") Những chỗ trong ngoặc kép & in nghiêng là thơ Lưu Trọng Lư lấy từ tập "Bài ca tự tình"
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 21.6.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn vandanviet.net Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________
"Kể Chi Một Chút Gió Thừa Ngang Mây"
(Đọc "Phố & Quê" của Lê Quang Vinh- NXB HNV- 2011)
Đọc xong tập thơ còn thơm mùi mực in, tôi chợt tự hỏi: vì sao tác giả lại đặt tên nó là PHỐ & QUÊ? Trong cả tập, không có bài nào có tên như vậy. Tác giả có thể đặt một tên khác, thơ hơn, và hấp dẫn hơn chăng? Nhưng đọc lại một số bài tôi thích, và ngẫm ngợi một hồi, tôi nhận thấy: khó có thể có một cái tên nào khác phù hợp hơn với thần thái của cả tập sách và "tạng" thơ Lê Quang Vinh!
Tôi chưa được gặp tác giả lần nào, và qua mấy dòng sơ sài in sau sách thì chỉ biết: anh cùng thế hệ tôi, đang là một chuyên viên gì đó của UBND thành phố Việt Trì. Một tập thơ dù có gắn nhãn mác của một nhà xuất bản "chuyên nghiệp văn chương" thì cũng rất dễ chìm nghỉm đi giữa hàng trăm cuốn sách thơ ra đời ào ạt gần đây, nếu như nó không chứa đựng một điều gì thật ấn tượng, thật khác lạ...- ấy là tôi đã nghĩ vậy khi vô tình cầm trên tay tập thơ mỏng mảnh có cái tên mộc mạc kia. Nhưng tôi đã lầm! Cả tập thơ không có điều gì có thể gọi là "ấn tượng", là "khác lạ" cả, song cái giọng thơ thủ thỉ ngọt ngào chất chứa u uẩn của Vinh đã dần đưa tôi vào thế giới tâm hồn anh một cách chân thực, và gợi cho tôi bao mối đồng cảm...
Đầu tập, là bài "Chợ quê" với lối miêu tả đời thường chân chất, và Vinh đã khiến tôi hơi ngỡ ngàng khi kết tưng tửng để che dấu một nỗi ngậm ngùi kín đáo: "Mấy thôi, chợ đã về trưa/ Bán mua ai nấy cũng vừa lòng nhau/ Nửa đời bao cuộc bể dâu/ Về quê, thả bộ qua cầu...chợ quê...". Tiếp ngay sau "Chợ quê", Vinh bắt đầu hé lộ cái tâm trạng sẽ là âm hưởng suốt toàn tập thơ: "Chập chờn bước chân hoài cổ/ Mộng du giữa chốn đông người/ Nhộn nhịp làng quê lên phố/ Vấn vương cái dậu mùng tơi"(Phố quê); và rồi: "Vui buồn những chuyện không đâu/ Xót xa khi mất nỗi đau nhân tình/ Hỏi em, em cứ lặng thinh/ Nhìn em ánh mắt, giật mình hỏi ai"(Hỏi)
"Phố & Quê" cũng có thể được coi là một tập "tiểu sử cá nhân" trước khi là một tập nhật ký tinh thần của tác giả mà qua đó, người đọc có thể cảm nhận rất rõ: thơ quả là một nhu cầu nội tâm bức bách, hơn thế- một chỗ dựa cần thiết cho một con người luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng, chịu thiệt thòi, sống bằng những hoài niệm quá khứ... Thơ Vinh cho ta biết, anh là một người lính ra đi từ làng quê và trở về với làng quê: "Mấy mươi năm vẫn ngỡ là trẻ thơ/ Chiến chinh một thuở lơ ngơ/ Tri âm gửi lại xa mờ Trường Sơn..." Chúng ta hãy thử thầm đọc lại câu thơ giản dị: "Tri âm gửi lại xa mờ Trường Sơn". Câu chữ có gì lạ đâu, và cái địa danh thì quá quen thuộc của một thời chiến tranh, sao ở đây lại có sức lắng gợi đến thế?... Rồi anh đột ngột trong suy tưởng làm những ai từng gắn tuổi thơ với sân đình, giếng nước ao làng đều phải bâng khuâng: "Ta không súng đạn bên mình/ Thì thôi, về lại sân đình đánh quay..."(Vô đề). Giữ trọn trong mình chất lương thiện của một trai làng, người lính dày dạn khói lửa và sống chết trong anh giữa thời buổi "làng hóa phố" đến chóng mặt đã không khỏi choáng váng, và cảm thấy cô đơn đến tội nghiệp: "Rưng rưng một chén bẽ bàng"(Rượu không em) - "Ta trở về nhịp sống ngày xa/ Cái nhịp sống tưởng chừng như hoang lạnh/ Gió vẫn thổi và mưa như chợt tạnh/ Dứt hoang đường ảo ảnh mấy mươi năm..."(Hoang tưởng) - "Ta cùng ta, chốn cô liêu/ Gió như gom lại bao điều tương tư/ Đêm dài vọng một lời ru"(Tình mơ) - "Nâng niu nhành lá trên tay/ Ta như thấy cả tháng ngày rêu phong"... Bài thơ "Mảng vênh nắng xói" vẽ ra cảnh cười ra nước mắt: khi nghèo thì xum vầy, đến khi có của ăn của để thì "những cuộc tình chợ búa/ Em một phòng...anh một cõi cô đơn"... Dễ hiểu vì sao trước cái "nóng lạnh" thất thường của thời buổi thị trường nhộn nhạo, người thơ đã nhớ đến rưng lệ hình ảnh "Em gái Tà Ôi": "Lạc chân đến bản Tà Ôi/ Thấy em gái nhỏ đang ngồi dệt khăn/ Tóc nâu, gầy guộc mong manh/ Chân trần gói lạnh vờn quanh rối bời", nhớ lại "bánh lương khô bẻ làm đôi" của người lính trẻ dành cho em gái một nửa... Ta càng hiểu sự trân trọng nuối tiếc của anh về quá khứ gian khổ nhưng đáng tự hào: "Chia nhau vài củ sắn rừng/ Mà thương nhau mặn muối cay gừng/ Đêm giông bão thức canh đồng đội ốm/ Rừng Tây Nguyên chở che ta ngày tháng/ Nuôi ta bằng rau rớn, măng vầu...”(Một thời để nhớ) - "Đồng đội tôi từ muôn nẻo về đây/ Những mái tóc đã điểm màu năm tháng/ Những bước chân miệt mài tìm dĩ vãng/ Những bàn tay rưng rưng nắm bàn tay"- "Ta hãy chúc nhau những lời tha thiết/ Và bình yên để đi suốt cuộc đời"(Ngày hội). Vì vậy sau bao bi kịch lớn nhỏ thời hậu chiến, anh đủ tư cách để lên tiếng kêu gọi mà không biến thành nó khẩu hiệu bởi sự chân thành nồng hậu trong đó, khiến không ít người phải giật mình: "Xin cứ thế, đồng đội ơi, xin cứ thế/ Đã ra quân, hãy chiến thắng giữa cuộc đời."(Khoảnh khắc cuộc đời)
Nhưng phần rung cảm hơn cả trong thơ Vinh, cái cội nguồn của mọi thi cảm sâu lắng của anh chính là người Mẹ; anh có nhiều câu thơ rung động tận đáy lòng người đọc khi viết về Mẹ- người mẹ gắn với một vùng quê nghèo: "Tôi sinh ra chốn quê nghèo/ Ầu ơ tiếng mẹ sớm chiều đưa nôi"- "Mẹ hao gầy, lặn lội cánh đồng chiêm/ Chân cao thấp ngổn ngang gò ruộng cạn"(Mẹ tôi) - "Quê xưa chẳng một ngày xuân/ Chỉ đêm khuya mới trong ngần mẹ ru" - "Mớ rau, bát cháo cho con/ Tháng ba, tháng bảy mỏi mòn lời ru"(Mẹ và quê) - "Phận nghèo như hạt mưa sa/ Lấy chồng trong đục biết là về đâu/ ... Khổ đau cam chịu âm thầm/ No nhường, đói nhận lấy phần/ Mẹ tôi"(Mẹ)
Lê Quang Vinh khá thành thục thể thơ lục bát truyền thống- một thể thơ mà nếu không cẩn thận dễ khiến thơ trở nên dễ dãi. Anh có không ít câu thơ xứng đáng đưa vào công trình tử công phu "Nghìn câu thơ tài hoa" của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, ví như: "Liêu xiêu tay bế tay bồng/ Lời ru nghẹn tựa lúa đồng hết mưa..."(Lời ru... không buồn)- "Tôi gom góp những vần thơ/ Thả vào sông với cánh cò trong mây"(Sông) - "Lạ thay cả một triều đình/ Trong tay em bỗng phút thành hư vô..."(Con tò he) - v.v.
Nhưng, cũng cần chân thành trao đổi với anh: trong khá nhiều bài, nếu như anh biết đọng chữ kiệm lời hơn, và biết dừng đúng chỗ thì bài thơ sẽ hay lên rất nhiều. Ví dụ: trong bài "Mẹ tôi", mặc dù có những câu hay ("Đồng đất nẻ dọc ngang bàn tay mẹ") nhưng anh lại kết bằng những câu mòn sáo: "Để xuân về xanh cả cuộc đời con"; hay bài"Mẹ", cái câu kết dễ dàng: "Mẹ là đất nước, biển trời trong con" đã làm giảm giá trị của toàn bài! Bài "Phong lan" đã có những câu khá "thần": "Ước mong một khoảnh sân thôi/ Để tôi nối đất với trời bằng hoa"- nhưng như thế có lẽ là đủ, anh chẳng cần viết thêm: "Dịu đi một chút ưu phiền/ Quên đi một chút bon chen nhọc nhằn", và sau đó còn nói về một Bồng Lai nào đó ở nhân gian thì càng thừa! Tôi thiển nghĩ, với hồn thơ và tay nghề khá nhuần nhị như Vinh, anh có thể cắt bỏ không thương tiếc những câu kêu gọi kiểu: "Cuộc đời dâu bể bể dâu/ Xin đừng nguội lạnh lòng nhau hỡi người"(Một thời để nhớ), hay loại bỏ một vài bài sa đà kể lể ra khỏi tập (như bài "Cho một môi trường"). Phải chăng trong những trường hợp này, vai trò của người biên tập đã không được trọn vẹn? Ngoài ra, nếu như Lê Quang Vinh tự nhận: "Câu thơ dẫu chẳng hình hài/ Vẫn cho tôi bước đường dài, biển xa"(Tự an ủi), tôi nghĩ chắc chắn rằng anh cũng hiểu điều này và đang tự khắc phục: thơ mình đây đó bị ảnh hưởng khá đậm của thi bá Nguyễn Bính (rõ nét nhất là bài "Cùng xuân")
Mặc dầu vậy, thơ Lê Quang Vinh vẫn là "một chùm hoa xoan trắng" (Mùa xuân thành phố) làm mát lòng người giữa bao gay gắt thế sự và tan hoang tình người bởi chủ nghĩa thực dụng đang hoành hành xã hội, tàn phá nhân tâm!
Tôi xin kết bài viết nhỏ này bằng những dòng của nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn khi nói về thơ Nguyễn Huy Hoàng (CHLB Nga): "Bởi hơn cả chuyện câu chữ, hình thức, trên cả chuyện mới cũ, thơ trước hết là tấm lòng! Hoàng thật sự có một tấm lòng, một tâm sự."(Trích thư điện tử)
Vâng, Lê Quang Vinh thật sự có một tấm lòng, một tâm sự! Và một người làm thơ khi viết được câu: "Đã qua bể nắng nguồn mưa/ Kể chi một chút gió thừa ngang mây"(Với em), ắt hẳn có đủ bản lĩnh để tự vượt khỏi mình.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 06.6.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn vandanviet.net Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________
"Giữa thanh thiên bạch nhật”thi sĩ nói gì?
Phải thú thực ngay một điều là, giữa cả đống sách thơ văn được tặng trong thời gian qua, tôi chọn tập "Giữa thanh thiên bach nhật" để đọc vào lúc rảnh rỗi đôi chút, đầu tiên là vì tác giả là bạn thân bên Nga của người bạn cố tri của tôi - nhà văn Châu Hồng Thủy, sau nữa, tác giả là người đã thu hút sự chú ý của tôi từ lâu- trước hết là vì mái tóc bạc trắng của anh từ sau cái năm bị thất lạc đứa con gái nhỏ yêu quý; và cuối cùng, cũng bởi cái tựa đề tập sách... Nhưng chỉ sau vài trang, Nguyễn Huy Hoàng đã lôi cuốn tôi, buộc tôi cứ phải chìm mãi trong mạch thơ anh...
Tên tập thơ khiến tôi liên tưởng ngay tới mấy chữ Tả thanh thiên viết trên Tháp Bút của cụ Nguyễn Văn Siêu. Vì công việc, tôi đã phải khảo sát khá nhiều cách giải nghĩa mấy đại tự này, và thấy tâm đắc hơn cả với ý kiến của nhà bảo tàng học Phạm Đức Huân: không phải viết lên trời xanh, dốc lòng với trời xanh, v.v, mà là: Viết giữa thanh thiên bạch nhật... (xin tham khảo: "Tháp bút- Đài nghiên- đình Trấn Ba- lời nhắn gửi của người xưa" - NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2004). Và chỉ ít lâu sau, tôi lại tình cờ gặp cái ý tưởng này- đúng hơn, là cái khát vọng này trên một bìa sách thơ của Nguyễn Huy Hoàng mà theo tôi, cả tập thơ đã thể hiện nó một cách khá trọn vẹn...
Mở đầu tập thơ, tác giả đã bày tỏ tinh thần Giữa thanh thiên bạch nhật đó của mình trong phần "Cùng bạn đọc", đặc biệt được cô đọng trong những dòng tựa "tuyên ngôn" này: "Thơ công dân không phải là thơ chính trị, là sự diễn ca lại những phát ngôn của một cá nhân hay một tổ chức, mà nó là niềm hứng khởi trữ tình mang tính thời đại...càng ngày, tôi càng nhận ra rằng, nhà thơ chỉ là một kẻ ghép vần, rỗi hơi, vô vị, khi anh đứng ra ngoài số phận dân tộc. Người viết thơ sẽ không bao giờ trở thành nhà thơ khi anh vô cảm, lạnh lùng trước nỗi thống khổ của nhân dân, đồng loại. Nếu không nhận chân được xu thế tích cực, dửng dưng trước tội ác, vào hùa với cái xấu, cái lỗi thời thì nhà thơ không phải vô tình mà là cố ý quay lưng lại với nhân dân, ngáng trở xu thế tiến bộ của xã hội. Sẽ là bần tiện và hèn hạ biết bao khi nhà thơ trở thành kẻ quỵ lụy trước những cám dỗ vật chất và trở thành công cụ trong tay những kẻ hãnh tiến, bạo tàn..." (Chỗ gạch chân nhấn mạnh là của người viết bài này). Những dòng trên, nếu đặt trong một chương giáo trình của chính Nguyễn Huy Hoàng viết về văn học Nga "thế kỷ bạo tàn" (chữ của thi hào Puskin), đánh giá về sức mạnh tư tưởng nghệ thuật của văn học công dân qua Trecnưsevski, Nêkrasov, Lermontov, Rađisev,...thì cũng hoàn toàn phù hợp. Điều thực đáng quý là, những sáng tác của Nguyễn Huy Hoàng không xa lạ, không tách rời với "tuyên ngôn" văn chương của anh.
Thơ anh lôi cuốn, thuyết phục không ít độc giả- trong đó có tôi, phải chăng trước hết là bởi cái nhiệt tình công dân này? Khi anh tự khẳng định mình là kẻ "Chịu cô đơn, hơn làm kẻ dối lừa" và lên án "những chúa đất đời nay", anh vô tình đặt mình trong tâm trạng đau xót phẫn nộ của những nhà văn dân chủ Nga thế kỷ XIX. Nếu Gogol trong kiệt tác "Những linh hồn chết" mới chỉ nói ở mức độ: "trái đất phải gánh thêm những khối nặng vô ích", thì Nguyễn Huy Hoàng, với bệ phóng của hiện thực sau hai thế kỷ còn đẩy sự thật đi xa hơn, và mạnh mẽ hơn:
Và tôi bỗng thương vô cùng trái đất
Phải đối mặt bao hiểm họa khôn lường
Phải còng lưng trên mình bao gánh nặng
Thế kỷ này nhan nhản lũ bất lương!
(Trái đất đáng thương)
Nguyễn Huy Hoàng tự nhận xét: "âm hưởng chủ đạo trong thơ tôi là những cảm xúc trữ tình với âm điệu phảng phất buồn...thấm đẫm chất tính cách có phần u uẩn..." (Cùng bạn đọc). Nhưng, một loạt bài thơ thế sự, thơ khắc họa chân dung của anh còn cho thấy một Nguyễn Huy Hoàng sắc sảo, đốp chát, giận dữ, không biết khoan nhượng- mà ở cái tư thế "viết giữa thanh thiên bạch nhật", trước những kẻ "Máu nguội lạnh trong trái tim xơ cứng" xuất hiện ngày một nhiều trong xã hội, anh không thể có cách ứng xử khác.
Trong thơ anh, người đọc có thể dễ dàng tìm thấy được âm hưởng sự chân thành khảng khái, nỗi nhức đau cháy bỏng của những nhà văn Nga trước cảnh rên xiết lầm than của đồng bào họ thời chuyên chế Sa hoàng, và đồng thời, cũng cảm thấy được cả cái phẫn uất trầm lắng của những nhà nho chân chính Việt Nam xưa trước thời thế đảo điên, ngang trái, bất công... Đọc thơ anh, chúng ta chìm ngập trong nỗi lo đời, thương đời của anh. Mang nhiều nỗi đau, tâm hồn đa đoan quá, dường như anh cảm thấy mỗi sự chưa hoàn thiện trên đời này đều là nguyên cớ- thậm chí là cội nguồn của nỗi bất hạnh cho từng cá nhân, cho cả cộng đồng... Lòng nhân hậu khiến anh phẫn uất trước thái độ vô cảm, sự tham lam bạc ác, thói xu thời- nhất là sự vô nhân tính của những kẻ có quyền lực mà tha hóa, nhẫn tâm chà đạp lên quyền sống của đồng bào mình.
Muốn khóc mà không thể khóc
Hình như lệ đã cạn khô
(Giá như)
Nhưng thực ra nước mắt chưa lúc nào vơi cạn của một thi sĩ nặng lòng với những "số phận bị vùi dập và nỗi lầm than" - như anh tự nhận (Cùng bạn đọc) đã khiến anh không mệt mỏi vẽ ra biết bao cảnh thương tâm hoặc đáng lên án trên nước bạn, hay mỗi khi về thăm đất nước (Lời tự thán của một nữ thợ may - Mưa rào - Về thăm quê bạn - Biết rồi - Nỗi niềm quê cũ - Chuyện xưa - Vườn cau - Rồi sẽ quen thôi - Chuyện vỉa hè - Phố đêm - Đêm nằm lo tết đến - Tự hào - Phóng sự ảnh - v.v.) Vệt thơ thế sự của anh tựa những hình ảnh phóng sự, những nét chạm khắc rưng rưng giọt lệ của người tạo ra chúng:
Bà lão quê ăn mày
Khoác chăn rách bị gậy
Khô héo bàn chân trần
Mắt mờ run lẩy bẩy
(Rét )
Từng biết đến một nông thôn "dở cười dở khóc" trong thơ thế sự của nhà thơ Ngô Văn Phú, trong bút ký của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, giờ tôi lại bắt gặp nó trong thơ Nguyễn Huy Hoàng:
Nhà lầu ngất ngưởng mọc lên
Bóng che đổ xuống vách phiên, liếp gầy
Đồng khô lác đác thợ cày
Quán bia, chiếu bạc suốt ngày thâu đêm...
(Nỗi niềm quê cũ)
Làng quê bỏ hết cày bừa
Tha phương kiếm bát canh thừa người ta
Vào thôn chỉ gặp cụ già
Chỉ khi tết đến, ngươì xa về làng...
Trong khi đó thì:
Phú ông xe nối hàng đoàn chơi gôn
(Chuyện của người phụ nữ cùng làng)
Lão nông chót trộm con gà
Đèn giời nghiêm xét, lĩnh ba tháng tù
Xe quan cán chết học trò
Vẫn nguyên tước vị, nhởn nhơ như thường...
(Chuyện vỉa hè)
Khi đèn giời bất lực thảm hại thì buộc phải có sự phán xét của lương tri mà người cầm bút cần phải là một đại diện xứng đáng của nó:
Chẳng từ mưu mô, nhẫn tâm trơ tráo
Mua như xin, bán như cướp, bất cần
Một tấc đất tranh giành, sẵn sàng đánh đổi
Quê hương, xóm làng, họ mạc, tình thân!
(Cơn khát đất)
Tham vô đáy, hợm mình và trâng tráo
Mặt lợm lỳ, bóp nặn chẳng chừa ai
...
Vờ nhân đức, vờ nam mô lương thiện
Đóng kịch và xoen xoét ở đầu môi
(Sợ)
Ngoài kia, nào khác trong này
Cũng bôi cũng vẽ, múa may quay cuồng
(Phường tuồng)
Ta có thể cảm thông trực tiếp và sâu sắc với nhà thơ khi anh thốt lên lời tuyên bố:
Thà phải sống với gió Lào đổ lửa
Với giá băng lạnh buốt cả đất trời
Với thứ dân, với lớp người dưới đáy
Dễ dàng hơn sống cạnh lũ xu thời!
(Nói thẳng )
Nỗi buồn đau, sự phẫn uất của Nguyễn Huy Hoàng đã làm cái nền cảm xúc vững chắc để những câu châm ngôn thời đại anh viết ra có sức nặng chiêm nghiệm:
Vào những thời vô đạo
Cả phẩm trật, chức danh
Đều trở thành phương tiện!
(Phương tiện)
Chỉ lưu danh thiên cổ
Tài đức bậc thánh hiền
Sự bạo tàn u tối
Sẽ lưu xú vạn niên
(Trước hoàng cung)
Trên chuyến tàu đi từ S. Peterbua tới Maxtcơva, đọc cuốn sách của nhà văn Nga Rađisev kể về một cuộc hành trình cũng trên đoạn đường đó, Nguyễn Huy Hoàng lại có dịp vạch ra những tội ác của chế độ chuyên chế tàn bạo mà đáng sợ thay, cho đến tận hôm nay chúng vẫn còn có đất để tồn tại; và anh có thêm một cơ hội để chứng minh: sức mạnh thật sự của thơ ca là nói lên được tâm tình và nguyện vọng của nhân dân:
Các người hãy thử nhịn ăn một bữa
Hay ở trong lều chịu rét một đêm
Hãy bỏ một ngày nai lưng làm việc
Và thử tra chân vào khóa gông xiềng
Thì các người mới hiểu thế nào là đói
Hiểu thế nào là rách rưới lầm than
Hiểu thế nào là mồ hôi nước mắt
Và lòng dân sôi tận đáy căm hờn !
Tất cả các người đều đáng đem xử bắn
Chẳng cần luật sư, chẳng cần đến quan tòa
Tội của các người sáng tỏ như toán học!
(Đọc Rađisev)
Trên đất nước bạn, chứng kiến những cảnh phân biệt chủng tộc, sự ngóc đầu của chủ nghĩa phát-xít mới- hệ quả tất yếu của chủ nghĩa độc tài và sự khủng bố lương tri, nhà thơ như thét lên phẫn nộ:
Và giờ đây, giữa thanh thiên bạch nhật
Kẻ giết người, thói phát xít vẫn nhơn nhơn!
(Giữa thanh thiên bạch nhật )
Nhưng rồi, sau khi chứng kiến và phanh phui bằng thơ những cảnh "thế thái nhân tình đảo điên", "sự bầm dập tháng năm", "vết mộng mơ sụp đổ", anh chỉ còn biết: "người xa về ngồi xót phố xưa" hoặc cúi mặt xuống thở than: "Thi thư hồn vía để đâu/ Thế gian chẳng lẽ xót đau thế này?" (Chuyện vỉa hè). Giống như tất cả những người trí thức có lương tâm, giàu suy nghĩ, nhiều lòng tự trọng, và có phần cổ điển nữa ("Hồn vẫn là ngày tháng cũ năm xưa"), anh tự rút ra những bài học nhân thế- cho bản thân mình, cho người thân; và, với tư cách là người cầm bút rất có ý thức về sứ mệnh của thi sĩ, anh tâm sự với người đọc thơ anh:
Cả khi mình đối diện với mình thôi
Giữa ranh giới đê hèn và cao thượng
Giữa trung thực và âm mưu bội phản
Giữa trắng đen mới thật khó làm người
...
Ở nơi đâu cũng cần phải làm người!
(Di huấn của Shuksin)
Đáng buồn là khi những việc đáng lo
Mà vắng bóng người cầm cân nảy mực
Đáng buồn là, trước hố sâu miệng vực
Mà bao người vẫn nhắm mắt thờ ơ
(Đáng buồn)
Trong tâm thế ấy, nếu anh có chìm trong hoài niệm (Có một Hà Nội trong tôi ), thậm chí có lúc mơ ước quê hương được trở lại "Chuyện xưa" như trong cổ tích ngàn đời thì ta cũng có thể hiểu và cảm thông được:
Nghe bà kể chuyện ngày xưa
Cái thời làng nước như chưa bây giờ...
Ngây thơ làm sao mà cũng chân thật và chua xót làm sao!
Anh- một người cha tuyệt vọng lê bước khắp các chân trời để tìm đứa con gái nhỏ, một thi sĩ ưa lang thang và cũng thỏa chí bình sinh, vậy mà vẫn còn nuối tiếc:
Chưa gặp nắng của bao miền xa lạ
Tóc hãy còn thiếu gió những đại dương
Là người "Thành thật đến dại khờ", nhưng khi "Đã chấp nhận kiếp một đời gieo chữ", khi đã " Mòn chân đời lưu lạc/ Sờn vai áo lương dân", anh hiểu ra rằng, tuy "mình vô nghĩa khôn cùng", song cái nghiệp phải gánh là không thể thay đổi, "Vẫn lê chân đếm bước cuộc hành trình" - không hẳn chỉ là việc " tự nguyện vác cây thánh giá thi ca" (Cùng bạn đọc) - mà hơn thế, khao khát một cái gì hoàn thiện trong đời sống tinh thần con người:
Em có biết lòng anh như đất khát
Cổ tích nào cho một giọt mưa đau?
(Nếu mai sẽ là ngày tận thế)
Sau không ít những hoang mang bởi "Số phận trớ trêu", anh không chỉ một lần ao ước: "Giá có ai nói với tôi rằng"... - hứa hẹn với anh những điều tốt đẹp; nhưng sau rốt, anh tự hiểu ngoài bản thân mình ra, không ai có thể gánh thay cái gánh nặng tinh thần mà mình đã trót mang theo:
Phố vắng lặng, chỉ trời xa trống rỗng
Làm thế nào đi hết được mùa thu...
(Đoản khúc mùa thu)
Một hình ảnh thật đẹp nhưng cũng thật buồn về thiên nhiên nước Nga có thể vận vào chính con người anh:
Chiều khoác áo giã từ
Nghiêng mái đầu bạc trắng
(Để lại phía đằng sau)
Nhiều năm qua, chàng thi sĩ nước Việt với mái đầu bạc trắng ấy từng đặt chân lên nhiều vùng đất xa lạ, "thành ngọn gió lang thang", "Vẫn làm thơ, lay lắt sống xứ người", "Mang theo mình chỉ sách, bút và thơ " để thương xót, để cảm thông, để nghĩ ngợi về thân phận người...
Thấy người dân bé nhỏ
Nhớ hồn nước Nga xưa
(Cảm nhận)
Hẳn đã nhiều lần anh "Úp mặt vào kỷ niệm/ Nghe năm tháng khóc thầm"... Nhưng điều đáng trân trọng là: ngay trong những giây phút tuyệt vọng cùng cực, anh vẫn để hồn thơ hướng tới cuộc đời rộng lớn, hướng tới những giá trị nhân văn tốt đẹp. Nguồn cảm hứng viết giữa thanh thiên bạch nhật về tất cả những gì giúp cho Con người xứng đáng là Con người hơn chưa lúc nào vơi cạn trong anh, mặc dù chúng đang có nguy cơ bị lãng quên, bị khinh rẻ, thậm chí bị bị săn đuổi, hay đúng hơn là, chính vì chúng lâm cảnh ngộ đau lòng ấy càng thôi thúc anh cầm bút...
Tháng trước, tôi có dịp về công tác tại Hà Tĩnh quê hương anh...Trên bến Giang Đình của dòng sông Lam soi bóng dải Hồng Lĩnh xa mờ, tôi đã nhớ lại bài thơ Giang đình hữu cảm của thi hào Nguyễn Du, có câu thực ngậm ngùi: "Cuộc đời trăm năm biết bao chuyện thương tâm"...(Bách niên đa thiểu thương tâm sự). Tôi bỗng nhớ đến người bạn mới quen qua một lần gặp mặt - nhà giáo nhà thơ sống ở nước Nga có mái đầu sớm bạc trắng, và chợt nghĩ: cái nỗi buồn trĩu nặng của Nguyễn Huy Hoàng phải chăng cũng bắt nguồn từ bến Giang Đình này, từ nước sông Lam núi Hồng này?...
Tôi không phải là người làm phê bình văn học, chỉ vì trót đọc thơ Nguyễn Huy Hoàng và trót cảm thơ anh, nên mạnh dạn viết đôi dòng cảm nghĩ về tập thơ được tặng... Rất may trong khi viết, tôi được đọc bài "Nguyễn Huy Hoàng: tìm con, chăm bạn, làm thơ" của nhà văn Văn Giá trên viếtvăn.com, được hiểu thêm khá nhiều về người bạn mới, và xin được dẫn mấy câu của bài trên làm đoạn kết cho mình: "Trong cộng đồng người Việt ở nước Nga ai cũng biết Nguyễn Huy Hoàng, và ở nhiều nước khác, có nhiều người thuộc thơ Hoàng. Họ tìm thấy ở thơ anh điều họ hằng cảm nghĩ, những vui buồn mà họ nếm trải xứ người. Thơ Hoàng, về căn bản, chính là sự lên tiếng của những tâm hồn xa xứ...Thơ đối với anh, từng bài thơ, từng câu thơ là nước mắt, là tiếng khóc, và cũng là chỗ vịn giúp anh trụ lại với đời..."
Hà nội ngày 01/10/2010
(Đạo diễn Điện ảnh)
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại theo nguyên bản của tác giả ngày 14.8.2012
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 02.10.2010
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn vandanviet.net Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________
HÀ ĐÔNG TRONG NỖI NIỀM CỦA MỘT NHÀ THƠ
Đúng hôm cột ranh giới giữa Hà Nội - Hà Đông được dỡ bỏ, tôi có dịp đi qua và dừng lại, chụp một kiểu ảnh tư liệu; chợt nhớ đến bài thơ Hà Đông của Phạm Đình Ân. Về nhà, tôi lục tìm đọc lại nó trong tập Những hoàng hôn ngẫu nhiên (NXB Phụ nữ, 2001) và bâng khuâng suốt một buổi chiều…
Bài thơ được viết vào năm 1985, khi đất nước ta đang chuẩn bị bước sang thời kỳ đổi mới. Ai cũng biết, từ năm 1985 trở về trước, đời sống của nhân dân ta còn cơ cực lắm! Thơ tình của Phạm Đình Ân thường kín đáo lồng ghép các vấn đề xã hội, hoặc cao hơn thế- nảy sinh từ chính vấn đề xã hội, và bài thơ Hà Đông có thể nói là một điển hình … Chẳng ai có thể cãi rằng: đây không phải là thơ tình! Mà thơ tình bao giờ chẳng có chút buồn, hơn nữa ở đây lại là sự chia ly, xa cách. Có điều, nhà thơ đã diễn tả nỗi thất tình của mình thông qua một địa chỉ là Hà Đông, có những địa danh cụ thể: Vạn Phúc, Đường số 6, sông Đà, v.v, và gửi gắm một cái gì đó sâu xa hơn nỗi buồn của tình yêu… Những câu thơ như lời tâm sự thường tình, không gọt dũa, không cố tình làm thơ mà cứ thế dẫn người đọc vào cõi rung cảm chân thật, sâu lắng của nhà thơ:
Hà Đông vốn thuộc về Hà Nội
Nay thì không mà vẫn cứ Hà Đông
Xưa Hà Đông thuộc Hà Nội. Nay thì không. Em có thể thuộc về anh, nay thì không, và mãi mãi không bao giờ anh có em nữa… Hà Nội cách Hà Đông chỉ hơn chục cây số, cách nơi ở của "tôi” có thể chỉ vài chục phút xe đạp. Nhưng "dăm cây số thoắt bước sang tỉnh khác” mất rồi! Em đã rất gần mà nay hoá xa xôi- cái xa xôi không còn chỉ là địa lý, không gian nữa…ở đây, tác giả mượn cái này để nói cái khác, "vẽ mây nảy trăng” một cách khá ngọt ngào, tinh tế. Và nhà thơ đã giải thích ngay cái ý tưởng "vẫn cứ Hà Đông” một cách ý nhị:
Em ở lại thị xã này mãi mãi
Những buổi chiều em đã có tôi mong
Cái lý do bâng quơ nhưng "giăng lưới nhện” này chỉ có thể giải thích bằng logich tình cảm, và chỉ thi sĩ mới có!
Sau đấy, nhà thơ diễn tả thêm sự gắn bó của mình với mảnh đất của tình yêu bằng ba khổ thơ- cũng bằng cách nói giống lời nói thường, tưng tửng:
Dăm cây số thoắt bước sang tỉnh khác
đường mới làm, nắng gió thảnh thơi hơn
Tôi trót có những chiều vàng hư ảo
vui, trôi qua mắt của em buồn.
Phố lớn nhất nằm trên đường số Sáu
lên Xuân Mai, Hoà Bình, Mai Châu
Qua Hà Đông, xin đừng nhìn hờ hững
điện sông Đà hé sáng giữa gian lao.
Làng Vạn Phúc ở bên bờ sông Nhuệ
Sử sách từng ghi biết mấy mươi lần
Xưa lắm lụa mà đến nay lại hiếm
Những làng La tôi đã quá yêu thân.
Lúc đầu chúng ta hơi ngạc nhiên, vì sao thơ Phạm Đình Ân lại có vẻ dễ dãi thế, anh dùng những từ ngữ, cách diễn đạt dường ít thơ- nếu không muốn nói là khá mòn sáo. Nhưng, ngẫm ra mới hiểu, anh đang cố ghìm cảm xúc của mình- đó chính là chỗ thể hiện bản lĩnh của một nhà thơ giàu kinh nghiệm, đã làm theo lời khuyên của Viên Mai: ‘ý thâm, từ thiển” (ý sâu mà lời dung dị) .
Tôi trót có những chiều vàng hư ảo
vui, trôi qua đôi mắt của em buồn.
Hai câu thơ trên tựa như sự lạc lõng của một chàng thi sĩ đa đoan đa cảm giữa một không gian xô bồ ngổn ngang; và anh chợt ngậm ngùi nhận ra tình yêu đơn phương của mình, niềm vui hò hẹn của mình chỉ là "những chiều vàng hư ảo”. Chúng ta có cảm tưởng tác giả đã từng đọc thầm nhiều lần hai câu thơ trên để thấm thía một nỗi buồn khôn tả! Điều đáng nói là: sự phát hiện đó được nói ra bằng cách riêng của Phạm Đình Ân, khó lẫn được với ai (trót có; vui, trôi qua đôi mắt của em buồn). Ta liên tưởng đến cái mỉm cuời buồn bã ẩn giấu sự hóm hỉnh của anh trong một bài thơ tình khác: "Tôi cất đi những cái giật mình…” (Những cái giật mình). Và chính hai câu thơ trên, vốn được dụng công chọn lựa chữ nghĩa lại giống như một sự "xuất thần”- đã làm "xương sống” cho không những ba đoạn thơ, mà còn cho cả bài thơ; nó khiến những điều giản dị mà nhà thơ quan sát và kêu gọi trở nên rung động thấm thía: Xin đừng nhìn hờ hững, hé sáng giữa gian lao, sử sách từng ghi, đã quá yêu thân… Những điều tưởng chừng là sự "liệt kê” ấy, thực ra là niềm tiếc nuối không che giấu nổi của nhà thơ về vẻ đẹp và sản vật của quê hương Đất Nước- chúng được "bảo hiểm” bằng mối tình vô vọng nhưng đáng trân trọng, và chúng đã kín đáo nuôi cảm xúc cho độc giả, để đến đoạn cuối, cảm xúc của nhà thơ ùa mạnh vào lòng người đọc một nỗi xót xa, nghẹn ngào, thương nhớ, nuối tiếc thăm thẳm:
Hà Đông có thuộc về Hà Nội
Hay là không thì vẫn cứ Hà Đông
Phố thưa vắng, mà tìm người đâu dễ
Nghìn buổi chiều tôi đến, phải về không.
Đến đây, nỗi buồn thất tình của riêng nhà thơ đã vô tình được nâng lên trong nỗi nhớ của nhiều người về một vùng đất, một địa danh nổi tiếng…Nhà thơ mới chỉ phác hoạ ra mấy nét đơn sơ về một vùng "địa linh nhân kiệt”, nhưng đủ gợi lên trong lòng người đọc biết bao cảm xúc về xứ Đoài- một vùng châu thổ sông Hồng cổ truyền, nơi tích tụ tinh hoa của ngàn đời dân tộc … Tình yêu không đạt được mục đích, song những gì mà nhà thơ đã có trên mảnh đất này giống như một sự "đối trọng” với nỗi buồn- sự thất tình, và vô tình điều đó đã vẽ ra cái tâm hồn vững chãi, cái nhân cách đáng trọng của một thi sĩ- công dân. "Nghìn buổi chiều tôi đến phải về không”, nhưng Hà Đông "thì vẫn cứ Hà Đông”. Nỗi buồn dù lớn đến đâu cũng chẳng khiến lương tri nhà thơ bị sứt mẻ mảy may. Cuộc đời vốn là thế, cái gì riêng là của riêng ta, còn cuộc sống vẫn là cuộc sống, không thể " giận cá chém thớt”- hơn thế nữa, cái riêng ấy đã hoà tan trong một niềm tự hào, trong nhận thức về lẽ đời rộng lớn. Tới khổ thơ cuối, đằng sau nỗi buồn và sự tiếc nuối khiến người đọc cũng phải ngẩn ngơ xa xót cùng, nhà thơ đẫ "cài” được một niềm tin, một lời nhắn nhủ kín đáo: " tôi” và "chúng ta” có thể "về không” trong mối tình vô vọng, nhưng không thể "về không” trong sự đánh mất bản sắc của Hà Đông- xứ Đoài! Chính ở đây, trực cảm thi sĩ đã giúp Phạm Đình Ân vượt trước thời gian hàng mấy chục năm, để từ nỗi niềm riêng, anh vô tình nói lên được một chân lý đủ sức khái quát bao tri thức văn hoá, địa lý, lịch sử, cùng tâm tư của những trí thức chân chính: dù Hà Đông hôm nay đã không còn là Hà Đông nữa, nhưng những gì Hà Đông (và Hà Tây) đã để lại cho văn hoá, cho lịch sử thì không thể bị đánh mất đi theo cột mốc...
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại theo nguyên bản của tác giả ngày 14.8.2012
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 02.11.2010
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn vandanviet.net Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________
TIẾC CHO MIỀN YÊU XANH BIẾC
TIẾC
(Thơ Thủy Hướng Dương)
Thức dậy thấy tên anh
Thức dậy thấy tên anh
Giận mình sao ngốc nghếch
Để miền yêu xanh biếc
Vừa vụt qua mất rồi.
(Sợ buồn khẽ rụng- Thủy Hướng Dương, Nxb CAND, 2012)
Lời bình
Đã lâu lắm, tôi có đọc một bài thơ không nhớ rõ của ai, trong đó có hai câu: "Khi anh hiểu tiếng hàng mi em khép/ Thời thanh xuân tươi đẹp đã qua rồi". Đọc bài thơ "Tiếc" của THD, hai câu thơ trên chợt vụt hiện về tâm trí tôi... Thơ THD qua hai tập chị tặng tôi: "Hãy yêu đi khi ta còn có thể" và "Sợ buồn khẽ rụng" hầu hết là các "dòng nhớ trong veo" nhưng dễ lẫn với rất nhiều tập thơ tình xuất bản đến chóng mặt thời gian qua; vì vậy tôi sửng sốt trước một bài thơ 4 câu ngũ ngôn truyền thống của chị "neo" tôi lại, buộc phải ngẫm nghĩ.
Khi viết bài thơ này, với tất cả xúc cảm tiếc nuối hồn hậu mà chị mong truyền tới người đọc, chắc hẳn THD không thể ngờ rằng chị đã vô tình động đến một vấn đề Mỹ học có liên quan đến Ngôn ngữ học,Tâm lý học, Phân tâm học... làm tốn giấy mực trong nhiều thập kỷ- đó là quá trình đi từ Khái niệm đến Biểu tượng... Dĩ nhiên, điều này không phải là nguyên cớ để bài thơ hay hơn, sâu sắc hơn, nhưng nó đã đi vào hình tượng thơ- dù là vô thức, và có cảm xúc chân thực làm "vật đảm bảo".
Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, mỹ học đều đã thống nhất rằng trong lịch sử nhân loại, có hai ký hiệu văn hóa độc lập và ngang nhau để tạo nên khái niệm: lời nói và hình vẽ, và "sự tiến triển của văn hóa đòi hỏi sự có mặt của hai hệ thống ký hiệu này." (Ký hiệu học và mỹ học Điện ảnh- I. Lotman- Viện NT<ĐAVN,1997, trg.482). Với lý thuyết trên, tôi bắt đầu giả định (theo tình huống của bài thơ): một buổi sáng, khi thức dậy, người thơ lục tìm thấy Tên anh- người thương mến qua thư từ (thậm chí chỉ là một dòng chữ viết vội), có thể cả một bức ảnh (cũ hoặc mới)- thuộc "hai hệ thống ký hiệu". Đó là những vật chứng tạo nên Khái niệm khá trọn vẹn của Tình yêu- và Tên Anh là trung tâm, là nội dung chính của Khái niệm Tình yêu ấy (Không phải là Khái niệm mơ hồ, xơ cứng, mà là Khái niệm run rẩy hơi thở sự sống!) Sau đó khi người thơ nói: "Giận mình sao ngốc nghếch", thì thật ra với thái độ tự trách rất nữ tính ấy cũng đã gói đủ cái điều cần bộc bạch; bài thơ nếu chấm dứt tại đó cũng là trọn vẹn, cũng đủ tạo dư ba trong người đọc.
Nhưng bài thơ lại tiếp, không phải vì cần tuân theo quy luật thể tứ tuyệt:
Để miền yêu xanh biếc
Vừa vụt qua mất rồi.
Tới đây, Khái niệm (hiểu theo cách giải nghĩa trên về văn bản thơ) đã mở rộng theo hướng vô cùng và trở thành Biểu tượng của Tình yêu và sự Tiếc nuối: "Miền yêu xanh biếc." Biểu tượng chứa đựng vẻ đẹp của sự sống và tuổi trẻ, sự đắm say, lòng ngưỡng vọng cao cả, và tôi tin rằng tất cả chúng ta, ai cũng đã từng có hoặc đang mong có một "Miền yêu xanh biếc" như thế! Nhưng Miền Yêu xanh biếc tác giả nói đến theo tôi không chỉ dành riêng cho Tình yêu nam nữ, mà còn tượng trưng cho tất cả những gì con người khao khát nhưng thực xa vời! Ta hãy thử đọc trong "Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới": "Xanh là màu lạnh nhất trong các màu, và trong giá trị tuyệt đối của nó là màu tinh khiết nhất... màu xanh không thuộc thế giới này, nó gợi lên một ý tưởng về sự vĩnh cửu bình lặng và kiêu kỳ, siêu phàm..." (Nxb Đà Nẵng&Trường viết văn Nguyễn Du, 2002- trg.1015) Ở đây, đồng cảm với tâm trạng của tác giả, ta càng hiểu vì sao nhà phân tâm học Thụy Sĩ nổi tiếng C. Jung đã nói: "kiến thức khoa học tiến bộ thì thế giới cũng mất dần tính chất của con người... Sự liên lạc của con người với thiên nhiên đã bị gián đoạn, vì thế mà biến mất những những sinh lực tinh thần sâu xa được tạo ra bởi những liên lạc với biểu tượng của con người." (Thăm dò tiềm thức, Nxb Tri thức, 2007, trg.139)
Trên con đường đi tìm lại "Miền yêu xanh biếc" "vừa vụt qua" đó, dù có đớn đau, tuyệt vọng thì người thơ vẫn không thể nản chí, bỏ cuộc, "Ta vẫn đi... đi hết con đường/ Nhưng bây giờ sẽ đi bằng đôi chân rớm máu." (Trò chuyện với con đường - Sợ buồn khẽ rụng.)
Vâng, cũng chỉ với "đôi chân rớm máu" đó để nối lại liên lạc giữa thiên nhiên và con người bị gián đoạn- chứ không phải những "đôi hài vạn dặm" tưởng tượng- mới có thể đưa chúng ta tới những "Miền yêu xanh biếc" hằng mong mỏi...
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 16.4.2012
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn vandanviet.net Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________
NHỮNG GIỌT BUỒN TINH KHIẾT
(Đọc bài thơ "Tắm trăng" của Bàng Ái Thơ *)
Hễ đã có chút máu thi sĩ trong người, ai mà chẳng từng đôi lần ngơ ngẩn trước vầng trăng, để trăng nuốt mất hồn vía và gửi gắm vào trăng mấy vần thơ, thậm chí bằng cả tập thơ toàn về trăng! (Đơn cử tập thơ "Trăng" của Ngọc Căn, tác giả người Ninh Hiệp- Nxb Văn học, 2010). Còn xưa nay, trong văn chương mọi xứ, Trăng đã là một đề tài vô tận, một nguồn thi cảm lớn; và có tác giả cứ nhắc đến tên là có thể bàn về Trăng như một đặc điểm của thi tài, thi pháp: Lý Bạch, Hàn Mặc Tử...
Vì thế bài thơ "Tắm trăng" của Bàng Ái Thơ, khi xuất hiện, ít nhất phải đối diện với hai tâm lý thưởng thức: một là thích thú đồng cảm, hai là e ngại lo lắng cho tác giả dẫm phải bóng tiền nhân. Nhất là khi Ái Thơ lại là con cháu của hai nhà thơ nổi tiếng: Bàng Sĩ nguyên, Bàng Bá Lân, sự e ngại trở thành một đòi hỏi khắt khe: liệu chị có sự sáng tạo riêng với tư cách là một tác giả đàng hoàng hội viên Hội nhà văn từng in 5 tập thơ?
Bài thơ chỉ có ba khổ. Mở đầu bằng khổ thơ khá chân thực và gợi cảm, song xét cho cùng cũng chỉ là một sự mô tả hoàn cảnh theo thể phú dân gian, kiểu: "Quả cau nho nhỏ/ Cái vỏ xanh xanh...":
Đêm khoả mình tắm trăng
Lặng nghe miền thăm thẳm
Da thịt lên màu lạnh
Tóc thấm mầu trăng xanh
Đến hai khổ sau mới cho ta thấy rõ chất riêng của con người cùng bản lĩnh thơ của nữ thi sĩ này:
Gáo vục vội cả trăng
Tưới tràn thân mát mẻ
Óng ả trăng vỡ mềm
Nghe hồi sinh nhịp thở
Cuộn hương trăng ngọt ngào
Khỏa thân trăng vỡ ào
Xả tràn đi chua xót
Tôi loãng vỡ vào tôi
Những giọt buồn tinh khiết
Đầu tiên là sự hăm hở có vẻ gì rất trẻ con: "Gáo vục vội cả trăng." Nếu ta biết rằng, khi làm bài thơ này chị đã là một thiếu phụ có hai con gái lớn đến tuổi gả chồng, thì mới thấy được sự hồn hậu đáng quý có pha chút tồi tội của của chị, nó chuẩn bị tâm lý cho cái tâm trạng "chua xót" ở khổ cuối... Nhưng ở đây, trước ánh trăng ngời ngợi làm mềm lại cả những trái tim cứng rắn nhất, sau khi đã "Lặng nghe miền thăm thẳm" tận đáy lòng mình, chị vội vã hưởng thụ vẻ đẹp kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng, say sưa sống chan hòa với sự mới mẻ trẻ trung muôn đời của Trăng bằng tất cả sức sống tuổi trẻ còn lại:
Tưới tràn thân mát mẻ
Óng ả trăng vỡ mềm
Nghe hồi sinh nhịp thở
Cuộn hương trăng ngọt ngào
Vội vã nhưng vẫn không mất đi sự duyên dáng của sự thụ cảm. Rất tinh tế ở cảm xúc mà vẫn nhận ra sức trào dâng mãnh liệt của thiên nhiên đang tràn ngập giữa vòm trời và trong hồn mình, rồi miêu tả chúng bằng những hình ảnh, những từ ngữ nếu không đặt trong văn cảnh đó sẽ có gì như mòn sáo ("Tưới tràn", "óng ả", "hồi sinh" "cuộn hương trăng ngọt ngào"), nhưng ở đây rõ ràng là chúng "hồi sinh" và khấy động cảm xúc để truyền tới người đọc một cách chuẩn xác nhất những gì nhà thơ muốn truyền đạt! Câu thơ "Óng ả trăng vỡ mềm" giàu nữ tính mang dáng nét của hội họa siêu thực chỉ có thể nảy sinh từ một hồn thơ nữ xuất thân là một họa sĩ!
Trước đây, các nhà Thơ Mới đều dành cho Trăng những "bữa tiệc" ngôn ngữ trân trọng nhất; có điều, thế giới Trăng của họ thường cô đơn, lạnh lẽo, buồn thảm. Với Lưu Trọng Lư: "Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức". Với Xuân Diệu: "Xao xác tiếng gà, trăng ngà lạnh buốt..." Với Huy Cận: "Đêm mơ lay ánh trăng tàn/ Hồn xưa gởi tiếng thời gian, trống dồn." Còn Hàn Mặc Tử thì say trăng đến độ "Uống trăng", giỡn trăng, ôm ấp trăng, để trăng trùm lên cơ thể, coi nó là hình là bóng thân thiết trong ông: "Cả trời say nhuộm một màu trăng"- "Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm", để rồi đau đớn tuyệt vọng trước sự mỏng manh yếu đuối của một biểu tượng cho cái Đẹp mà mình không thể bảo vệ được: "Có ai nuốt ánh trăng vàng/ Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga"- "Ánh trăng mỏng quá không che nổi/ Những vẻ xanh xao của mặt hồ..."
Tới Bàng Ái Thơ, có thể thấy chị đã làm giàu có thêm cho thơ về Trăng- bên cạnh cái cô đơn, buồn thảm, lạnh lẽo, nỗi đau đớn tuyệt vọng khó gì thay thế nổi của thi nhân trước kia, là sự hân hoan phụ nữ đậm chất trẻ thơ trước ánh Trăng!
Nhưng không dừng lại ở đó, nữ thi sĩ họ Bàng đào sâu vào cội nguồn cảm xúc của mình. Chẳng ngại trùng hợp với Hàn Mặc Tử khi hình dung Trăng một cách nhục cảm "Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm", Ái Thơ đã miêu tả Trăng:
Khỏa thân trăng vỡ ào
Điều đáng nói ở đây là: nếu trăng khỏa thân của Hàn hiện diện như một vẻ đẹp tự thân, có cái gì như thách thức luân lý đạo đức giả tạo, thì cũng Trăng với dáng vẻ đó của Ái Thơ lại mang tâm thế tự vệ và chứa đựng sức mạnh do tác giả truyền nội lực để giải thoát cho chính tác giả "Xả tràn đi chua xót..." Chủ đề bài thơ bắt đầu lộ rõ, và đây đâu phải là một cuộc thưởng ngoạn trăng, tắm trăng thông thường- nếu vậy thì có thể cũng chẳng cần làm cả một bài thơ- chủ thể Trăng chuyển hóa vào đáy sâu nội tâm tác giả:
Tôi loãng vỡ vào tôi
Những giọt buồn tinh khiết
Hóa ra, vui vầy với trăng, lấy gáo vục trăng, hồi sinh nhịp thở trong hương trăng ngọt ngào... thì cũng chỉ là một việc làm bất đắc dĩ - khi mà trăng quá đẹp, quá hấp dẫn, bởi thực ra chúng chỉ là ngoại giới, là điều thực xa vời nếu không muốn nói chỉ là ảo ảnh, làm sao khất lấp nổi sự chua xót tràn ngập vốn là hiện hữu thực trong đời mà tác giả không thể lẩn tránh! Hai câu thơ kết bất ngờ vụt hiện giữa ánh trăng ngời và ngổn ngang tâm trạng: "Tôi loãng vỡ vào tôi/ Những giọt buồn tinh khiết". "Tôi loãng vỡ vào tôi", cách nói rất lạ, và chỉ có cách diễn đạt ấy mới bộc lộ được phần nào cái "miền thăm thẳm" của sự hoang mang, cô độc đến xót thương- và nó ở một cấp độ khác, một hình thái khác của cái cô đơn ngày xưa trong Thơ Mới! Chữ "loãng vỡ" dường có thể thâu tóm tinh thần của cả tập thơ "Cát Loãng", cũng như cả tập "Mắt Lặng" in sau đó của Ái Thơ. Chị hóa hồn vào trăng cũng như từng hóa hồn vào tượng đá "Bó gối ngồi trong bóng tối/ Tôi lẫn vào đêm hoang dại" với "Nỗi niềm mòn đợi" (Hồn đá khát khao) và "Phố trắng đêm vẫn trắng mặt người (Không giờ có phải là đêm không). Chỉ khi "loãng vỡ" những ảo ảnh dù là rất đẹp, chỉ khi tan loãng những phù phiếm có sức cuốn hút yêu tinh để tìm đến cái chân thực của lòng mình, thì mới có thể chắt lọc được "Những giọt buồn tinh khiết" dành cho sự sống đích thực mà đằng sau mỗi "giọt buồn" ấy là một sự giẫy dụa, gào thét, đòi hỏi đến cùng sự giao cảm hồn nhiên chân thực hiện đang bị sự giả dối, sự hời hợt bao vây "suốt dọc giấc mơ" (Tôi đi tìm cõi vô thường) của người nghệ sĩ - trí thức hôm nay... Phải chăng, "Những giọt buồn tinh khiết" mới là tinh túy thơ của nữ họa sĩ - thi sĩ này, và nó đã nâng cả bài thơ trên vượt khỏi một đề tài tắm trăng, thưởng trăng thông thường để trở thành bài thơ triết lý hay xứng đáng đứng ở bất cứ tuyển thơ hiện đại nào.
----
* Cát Loãng, Nxb Hội Nhà văn-2010
----
Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 14.4.2012
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn vandanviet.net Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________
Cứ lâu lâu không lên Sơn La là tôi lại thấy nhớ nhung, bồn chồn. Mảnh đất ấy đã gắn bó với tuổi trẻ khốn khó của tôi- một anh giáo nghèo, nhưng cũng là nơi đã cho tôi cả một mạch nguồn thơ thực phong phú dường vô tận... Và nơi ấy, ngoài học trò vẫn một mực quý mến thầy và các đồng nghiệp cũ đáng kính trọng, tôi còn có một sự gắn bó đặc biệt với một người bạn từng văn cùng trường, cùng sinh hoạt giáo viên tập thể, cùng mang "trọng bệnh" yêu thơ - đó là Dương Tam Kha. Cùng tên với một vị vua cướp ngai vàng cách đây 10 thế kỷ, song Dương Tam Kha lại không có một chút đam mê chính trị nào; anh chỉ say thơ đến độ mê mẩn. Lần nào lên Sơn La, tôi cũng phải cố gắng vào thăm căn phòng bụi bậm đầy sách vở và sặc mùi thuốc lào nằm giữa một khu vườn lớn rậm rịt, để được anh "tra tấn" bằng hàng tập bản thảo thơ dày cộp, bởi tôi đã trót ghim vào tâm tưởng những câu thơ như thế này của một anh chàng được hàng xóm mệnh danh là "thi sĩ hâm":
"Cỏ may hôm ấy đùa lên má
Để nhớ dâng đầy bờ môi em"
"Có em phải em là nàng tiên đến từ cõi Phật
Hay là chúng sinh mong cứu khổ giải oan?
Nhặt chiếc lá khô viết lên câu thơ
Thương giọt sương đêm lệ rưng đáy mắt".
"Thơ Hàn sông lệ vỡ vầng trăng..."
Lần nào chia tay nhau, anh cũng đưa tôi ra bên đường Chu Văn Thịnh đón xe vét khách về Hà Nội, và lần nào cũng thế, chúng tôi đều thấy bâng khuâng, không nỡ rời nhau. Trong bài thơ "Tiễn Bạn", anh đã kể lại cảm xúc ấy:
...Người về thui thủi mình tôi
Sớm khua một bóng gói lời nhớ thương...
Tôi hiểu nỗi niềm của anh, người đang tìm cách tránh xa những tục lụy của đời sau bao năm tháng vẫy vùng kiếm sống đến tuyệt vọng- bỏ nghề dạy học, đi đào vàng, làm thợ mộc..., để rồi lắm khi nhìn lại mơ ước xưa với không ít bẽ bàng, chua xót:
"Bơ vơ chiều nay, tôi trở lại
Một mình hoang vắng với trời không ..."
Và: "Em nơi đâu? Tôi bơ vơ chiều nay."
Hồi mới lên Tây Bắc, chúng tôi, những chàng trai trẻ tuổi ngoài đôi mươi tràn đầy hào hứng và mơ mộng:
"Nơi đây không có thời gian
Tôi như con bướm say ngàn bông hoa"
Hoặc: "Xứ ngàn xanh yêu quý
Hát ngàn lời đâu hết được hồn ta
Mỗi ngày trôi qua muôn sắc rừng già"
Thực tế phũ phàng của đời sống khiến không hiếm lúc "Dòng thơ trào theo dòng nước mắt", song không thể cướp đi thi hứng của kẻ "Mơ suốt cuộc đời chiếc áo cóm vòng tay" và luôn nghe thấy, cảm thấy: "Ấm mảnh trăng rừng một tiếng suối trong", "Hoa ban, hoa đào rưng rưng nước mắt người xưa", dường như "Tựa hồ thế gian chỉ còn lời hát" của một người tự nhận:"Ta gửi lại mảnh hồn với rừng với suối"... Dương Tam Kha có nhiều bài thơ câu thơ hay viết về Tây Bắc, như đó chính là nơi chôn rau cắt rốn và anh từng lớn lên bằng lời ăn tiếng nói của đồng bào miền núi vậy:
"Đây quê hương tôi:
Hoa ban chạy đi tìm bạn nhớ
Hoa pặc piền thăm hỏi bạn thương"
"Trắng bay hoa gạo thắp sao ráng chiều"
(Quê mới)
"Có những cánh rừng nguyên sinh ven sông Đà
Quanh năm sương mờ giăng đỉnh núi
Có con thuyền độc mộc và thiếu nữ mộng mơ
Neo đậu một ngày bên bờ hoa dại
Đêm trăng có tiếng khèn ai dìu dặt
Gieo bước hoang vu trên con đường làng
Bất chợt em sửa lại chiếc piêu hồng
Mùa xuân nở bên dòng suối
(Bất Chợt)
"Cành ban đầu khuống em, anh đỡ
Cành bưởi cuối nhà em anh nâng
Bậc cầu thang ngập ngừng từng bước
Tiếng động sàn ngỡ gót em qua"
(Đêm ngủ nhà sàn)
"Em ngồi miệt mài trong khung cửi
Cánh bướm vờn quanh những đường tơ
Tay ngà đưa nắng trên nhung lụa
Nắng như hoa đậu vườn ban trưa.
Ngôi nhà sàn nghiêng bên sườn núi
Bếp lửa hồng sao biếc vờn quanh"
(Khăn piêu)
"Thương nhớ mênh mông đêm hội rượu cần
Xòe ban trắng cồng chiêng tràn mặt đất"
Cảm xúc tràn đầy và những quan sát kỹ lưỡng tinh tế về thiên nhiên-con người Tây Bắc là cơ sở để anh viết được thiên trường ca "Anh hùng Lò Văn Giá" ngót 4000 câu thơ! (Nxb Hội nhà văn)
Nhiều năm sau, nhìn lại, anh có thể nói với người se duyên kết tóc với mình:
"Bao dặm dài anh qua
Mái tóc giờ điểm bạc
Yêu thương một mái nhà
Say tình người xứ lạ"
Nơi trập trùng rừng núi miền Tây, anh thường nhớ tới đồng bằng, vùng quê thời mới lớn từng có một "Cặp mắt long lanh đánh đuối hồn tôi.... " Và với hồi ức của người đang sống giữa thiên nhiên Tây Bắc nơi thượng nguồn sông Đà sông Mã, anh đã có những câu thơ viết về quê hương vùng hạ nguồn sông Mã thật thấm thía:
"Tôi lớn lên từ một làng quê có một dòng sông
Có gió mặn mòi cơn nồm cơn bấc
Có giọt mồ hôi và rét buốt tê người…"
(Sông quê)
"Chuông chùa động thinh không
tí tách tiếng mưa vọng lại
Trong sương khói vị sư già chậm rãi
Chiều vội qua mau hoa nở lạnh lùng.
con rùa già hóa đá
linh hồn oan định nhập cõi thiền..."
(Thăm lại làng xưa)
"Mưa gõ nhịp tiếng kinh cầu mõ lạnh
Mây núi giăng sương tựa khói lâm tuyền
Hàng trúc đợi vị sư già khổ hạnh
Chậm bước hoàng hôn dâng thắp hương đèn."
Quê hương hiển hiện trong tâm hồn thi sĩ qua những hình ảnh thân thuộc với bao thế hệ, và cũng thật "cổ điển" đối với thi ca:
Nâu sồng, cơm vắt, tương cà
Câu dân ca một thời phiêu dạt…
Gánh cực dồn bước trèo non
Song mây quang đứt tủi hờn nén thương
Thân cò sớm nắng chiều sương
Hoang hoang lạnh bãi truông sình lầy
Anh viết về người mẹ chốn quê cũ có "Mái tóc trắng màu cánh cò lặn lội" như sau:
"Nuôi con cạn bấc dầu hao
Nếp nghèo gia giáo một câu tâm nguyền
Đạo Nho, đạo Phật lưu truyền
Vui hòa nước mắt trải miền gian truân.
Mẹ dẫu xa vẫn như gần
Trang thơ con lại nối vần ông cha"
Những lần lang thang trong chợ phiên ở thị xã, khi mà "Mây và trăng anh không thể đem ra nơi chợ phiên", Dương Tam Kha có dịp ngẫm lại ý nghĩa cuộc đời mình:
Bơ vơ đi chợ chiều nay
Không mua chẳng bán mới hay phận mình...
Thực ra, anh đã làm đủ thứ việc để mưu sinh, nhưng chẳng việc nào ra hồn, trong khi đó thì "Sách đèn thơ phú quên tháng ngày ", thơ vẫn bám theo như một duyên nợ tự kiếp nào:
"Rừng sâu núi thẳm xa vợ con
Lên núi tìm vàng vàng chẳng có
Làm thơ khóc đời ta không đặng
Ngày ngày thơ thẩn bên suối vắng
Nhặt hòn cuội trắng ném lên trăng."
"Ta làm thơ
Đãi nghìn vạn con chữ
Lang thang một mình
...Vì đời càng thêm mắc nợ
Câu thơ chưa phải là vàng
Bán không có ai mua
Cho người chẳng nhận"
"Chữ nghĩa văn chương sao mà nặng
Ngũ tuần tay vẫn trắng bàn tay
Cay đắng thay, kẻ nặng nợ với văn chương làm sao đủ bản lĩnh để đối chất được với sự dè bỉu của những người tỉnh táo:
Ông là nhà thơ hử?
Tôi không có thời giờ
Mưu sinh dày công chuyện
Thơ dành người mộng du!
Nhưng rồi, bởi "thơ từng chữ như hơi sương đọng lại" nên nhà thơ đành chấp nhận cái phận: "Còn lưng đôi chữ hong vào đèn đêm", và :
"Thương câu lục bát bơ vơ
Tháng ba có một khách thơ bạn cùng..."
"Thôi đành một kiếp đa đoan
Giọt cay giọt đắng tìm sang bạn hiền"
"Tôi còn nợ trời tròn đất vuông
Đi tìm đôi câu lục bát..."
Say thơ đến độ, anh đã làm cả một trang Web: "Dương Tam Kha toàn thơ"!
Dương Tam Kha từng tuyên bố rằng, nguồn sống chính của thơ anh không phải là kỷ niệm và vẻ đẹp của hoa lá, mà là nỗi đau khổ của "Những người dưới đáy cùng xã hội/Hồn nhập đời ta." Hàng ngày chứng kiến cảnh Chợ Người, anh thương cảm cho những người:
"trông chờ đồng tiền rẻ mạt":
Bán mồ hôi, máu và nước mắt
Mặt trời úa vàng, làn da xanh xao.
Có kẻ thở dài ngao ngán
Nói lời có vần:
"Gánh cứt đi đổi rắm!"
(Tục ngữ của dân tộc Thái)
Nhà thơ đàn anh Vương Trung người Thái đã khen bài thơ này hay, và hiện thực lắm. Mượn một câu tục ngữ địa phương tưởng không có gì là thơ cả, anh đã nói được cái sâu lắng của lòng mình cùng sự thật phũ phàng- và đó cũng là chất thơ chân chính!
Có biết xót xa thương cảm, anh mới biết căm giận những "Bóng đen":
Kẻ ganh ghét tài năng, hận thù văn minh
Chiếm đoạt học vị, chức quyền hèn mạt
Hắn giấu ngang qua hai thế kỷ
mới biết đồng cảm với những bài thơ thế sự và tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Ngô Văn Phú:
Xa xót cuộc đời, xa xót kiếp người
Người viết sử vạch mặt bầy gian ác
Kẻ xu thời vênh vang đội lốt
Chữ tâm hèn ngồi chiếm ngôi cao.
Một trong những bài thơ hoàn bích hơn cả của Dương Tam Kha là bài "Phố núi", viết tại Sa Pa. Nếu ai đó tới đây chỉ thấy vẻ đẹp, sự thi vị, thì thông qua cái nhìn của một anh họa sĩ, nhà thơ đã vẽ lên sự tương phản của hai cảnh sống- giữa chủ nhân của các biệt thự sang trọng, các du khách với những cảnh:
"Mẹ dắt đàn con, em lả trên vai chị
Lần lữa tháng ngày hàng rong lưu niệm".
"Mấy cụ già đàn hát bản xa
Hai góc chiếu ngồi như tượng đá"
"Hàng rào đá ngăn bầy trẻ nhỏ
Lũ trâu gầy gặm cỏ cằn khô."
"Cả bản ngược xuôi lên rừng xuống phố
Đôi mắt dại cháo rau cuối chợ
Bước mỏi mòn u ám chiều mưa."
"Chàng hoạ sĩ nghiêng mái đầu tóc xoã
Bức tranh này chàng vẽ đến bao giờ...?"
Nhưng Dương Tam Kha không chỉ biết trữ tình và thốt mỉa mai, căm giận, anh còn biết tự trào- và đó cũng là một khía cạnh riêng khá lý thú của thơ anh. Đây là một bài mới nhất của anh, cho thấy sự trưởng thành của bút pháp cũng như cái nhìn của nhà thơ về cuộc đời:
"Chùa nương động núi sương giăng lạnh
Khói nhang đèn mờ Phật hay Tiên?
Phận nghèo lòng thành tâm hương nguyện
Phật cười: "Kiếp trước tôi giống anh!"
(Phật cười)
Anh chế riễu Nàng Thơ- tức cũng chế riễu mình chơi:
Nàng thơ... Đích thị là ả đa tình, trái tính, trái nết.
Nàng làm khổ ta phút phút, giờ giờ, đêm đêm,
ngày ngày, tháng tháng, năm năm.
Ta chẳng còn gì mà nàng đâu chịu buông tha
mời nàng về
làm một Manơcanh để nơi cánh cửa
hay bên cạnh ban thờ thêm vui nhà, vui xóm!
Nhưng, anh lại thú thực ngay sau đó:
"Cái ta có được giờ đây là mái tóc bông mây
và ngày ngày nàng thơ hằng gõ cửa"
Chắc anh không thể làm gì hơn cái việc:" hát đến bao giờ vơi nỗi cô đơn". Và trong cảnh ngộ "Bao niềm tin, hy vọng tan thành mây khói", anh vẫn luôn tâm niệm:
Trang thơ anh dầu ngót nghìn bài
Trang thơ anh dầu ngót nghìn bài
Chưa một lần nỡ phụ tương lai...
Giờ đây, anh đã rời Sơn la lên sống với gia đình trên thành phố Lao Cai; anh lại tiếp tục hòa mình vào cuộc sống của đồng bào dân tộc, tiếp tục ngẫm ngợi, làm thơ ... và nhớ bạn thơ. Còn tôi, mỗi lần ngược Sơn La làm phim, lại nhớ về căn phòng văn ngập bụi và khói thuốc lào của anh, ngâm nga câu thơ của anh để nói hộ lòng mình:
Người về thui thủi mình tôi
Sớm khua một bóng gói lời nhớ thương...
----
* Những câu trong ngoặc kép và in nghiêng là thơ của Dương Tam Kha lấy từ các tập thơ: 1.Trăng hai miền (nxb Thanh niên)
2. Hạt sương
3. Hạt muối
4. Khát
5. Hương mùa (nxb Văn học)
----
Nguyễn Yên Thế
Nguyễn Yên Thế
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 26.11.2010
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét