Home
» Lý luận phê bình
» Nho tướng Lê Đại Cang và bí truyền qua một cuốn gia phả - Tham luận Nguyễn Anh Tuấn
Nho tướng Lê Đại Cang và bí truyền qua một cuốn gia phả - Tham luận Nguyễn Anh Tuấn
Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015
Thứ
sáu - 22/02/2013 07:24
Sau khi
đọc xong cuốn sách "Lê Đại Cang và Lê thị gia phả"(1), trong trí óc
tôi chợt hiển hiện một vị nho tướng "lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa"
(Huy Cận)- một hình ảnh lãng mạn đầy sức cuốn hút của thời mới bước chân vào
học đường văn khoa...Cái cảm xúc ban đầu ấy của tuổi trẻ hòa nhập vào cái âm
hưởng bi tráng do văn chương cổ - trung - cận đại Việt Nam đem lại cho tôi suốt
mấy chục năm ròng sau đó. Cái bi tráng của những sự nghiệp cháy bỏng khát vọng
"đền nợ nước trả thù nhà", cái bi tráng của những số phận oan trái
giữa cơn lốc lịch sử- trong khi vượt qua tấn "bi kịch nhân cách của nhà
nho và bi kịch của hệ tư tưởng quan lại" (viện sĩ Alêchxêep2 ) đã tự bộc
lộ phẩm chất kẻ sĩ gửi cho đời sau những bài học làm người sâu sắc và thấm
thía...
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả: Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Bút danh khác Nguyễn Yên Thế
Địa chỉ: Phố Thái Hà, Hà Nội
ĐT: 0912174947
Email: anhtuan.daodien4@gmail.com
_____
NHO TƯỚNG LÊ ĐẠI CANG
NHO TƯỚNG LÊ ĐẠI CANG
VÀ BÍ TRUYỀN QUA MỘT CUỐN GIA PHẢ
Đạo diễn- nhà báo Nguyễn
Anh Tuấn
Sau khi đọc xong cuốn sách "Lê Đại Cang và Lê thị gia phả"(1), trong trí óc tôi chợt hiển hiện một vị nho
tướng "lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa" (Huy Cận)- một hình ảnh
lãng mạn đầy sức cuốn hút của thời mới bước chân vào học đường văn khoa...Cái
cảm xúc ban đầu ấy của tuổi trẻ hòa nhập vào cái âm hưởng bi tráng do văn
chương cổ - trung - cận đại Việt Nam đem lại cho tôi suốt mấy chục năm ròng sau
đó. Cái bi tráng của những sự nghiệp cháy bỏng khát vọng "đền nợ nước trả
thù nhà", cái bi tráng của những số phận oan trái giữa cơn lốc lịch sử-
trong khi vượt qua tấn "bi kịch nhân cách của nhà nho và bi kịch của hệ tư
tưởng quan lại" (viện sĩ Alêchxêep2 ) đã tự bộc lộ phẩm chất kẻ sĩ gửi cho
đời sau những bài học làm người sâu sắc và thấm thía...
Danh nhân Lê Đại Cang mà tôi mới được biết đến từ sau khi được tới thăm nhà thờ
họ Lê làng Luật Chánh, huyện Tuy Phước, Bình Định vào giữa năm 2012 (nhân dự
hội thảo khoa học về nhà viết tuồng kiệt xuất Quỳnh phủ Nguyễn Diêu) đã giúp
tôi góp phần hoàn chỉnh "bức chân dung" về các nho tướng mà tôi hằng
yêu kính, ngưỡng vọng- tiếp nối vào cái danh sách đáng tự hào đối với mỗi con
dân nước Việt: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ,
Cao Bá Quát, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Cao, Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt,
Nguyễn Hữu Huân, v.v.
Bình Định vốn là nơi phát tích và lập thân của nhiều anh hùng, nhiều thi nhân
nổi tiếng, một miền quê tự bao đời nay được mệnh danh là "Đất võ Trời
văn". Bình Định hào hoa và dầu dãi nắng mưa, nơi nghìn năm tụ tán bi hoan,
chốn hợp lưu của ngai vàng và bùn đất, vua quan và thảo dân, kinh kỳ và thôn
dã, thần tiên và phàm trần... - như cách diễn đạt của một nhà thơ - nhà nghiên
cứu người Bình Định(3) về vùng đất địa linh nhân kiệt này.
Danh sĩ Phan Huy Ích thời Tây Sơn có câu thơ: "Quy Nhơn thang mộc địa/ Khu
Hoãn ỷ khôi thạc"- dịch nghĩa: Phủ Quy Nhơn là đất tắm gội của vua/ Vùng
trọng yếu phải dựa vào bậc anh tài nắm giữ. Đây cũng chính là quê hương của cụ
Lê Đại Cang- một trong những đại diện sáng giá vào bậc nhất của hàng ngũ danh
sĩ - danh tướng Bình Định mà cho đến nay, thân thế đặc biệt cùng sự nghiệp lẫy
lừng của cụ trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thời cận đại
mới dần được phát lộ, được sáng tỏ- qua các công trình nghiên cứu lẻ tẻ suốt
mấy chục năm qua, cho đến đỉnh cao là Hội thảo khoa học lớn về Lê Đại Cang sẽ
diễn ra tại thành phố Quy Nhơn - Bình Định vào đầu năm 2013 tới.
Khởi nguồn có thể nói là từ cuốn "Lê thị gia phả" vốn được lưu giữ
tại từ đường họ Lê làng Luật Chánh, sau năm 1975 được gia tộc hiến cho Bảo tàng
Quang Trung. Trong số những trước tác của cụ Lê Đại Cang, đây là tác phẩm duy
nhất mà hậu thế còn giữ được- đó không phải chỉ là một tập gia phả ghi chép về
dòng tộc, mà còn là một tập văn có giá trị lớn về nhiều mặt, từng được các học
giả xưa nay đánh giá cao. Từ mấy chục năm về trước, tập gia phả này đã được nhà
nghiên cứu văn hóa người Bình Định Vũ Ngọc Liễn dịch ra tiếng Việt.
Gia phả, với tư cách là một bộ phận không thể thiếu của chuyên ngành lịch sử,
thuộc bộ Sử của văn hóa phương Đông (trong bốn bộ Kinh, Sử, Tử, Tập), đã bổ
sung không ít cho chính sử của các triều đại. Và cuốn Gia phả này, với những
áng văn tài hoa sâu sắc, có thể coi là một tự truyện hấp dẫn, chân thực của cụ
Lê Đại Cang về bản thân mình, về gia tộc mình, và qua đó giúp hôm nay hiểu thêm
về những sự thật lịch sử bi hùng của một thời. Cụ Lê Đại Cang đã nhấn mạnh ý
nghĩa của việc soạn Gia phả như sau: "Cho nên tộc có phả như nước có sử,
không sử thì truyền thống ngày càng sa sút, văn hiến rơi vãi, không phả thì thế
hệ không rõ, cội nguồn mờ mịt. Hai cái ấy tuy có khác song không thể thiếu
một." Ông Vũ Ngọc Liễn nhận xét: "Lê thị gia phả" không chỉ là
tập sách ghi chép về lịch sử dòng họ Lê làng Luật Chánh "mà còn chứa đựng
những bài học sâu sắc của một bậc đại trí đại nhân".(4)
Đọc kỹ "Lê thị gia phả", tôi ngẫm thấy: thân thế, hành trạng và đời
sống tâm hồn của cụ Lê Đại Cang có nhiều nét song trùng với cụ Nguyễn Công Trứ,
cụ Cao Bá Quát...- những danh nhân đã được một số nhà nghiên cứu văn học xếp
vào loại "nhà nho tài tử". Trong một công trình nghiên cứu, ông Trần
Ngọc Vương viết: "Ra đời trong một xã hội có Nho giáo là hệ tư tưởng chính
thống, nhà nho tài tử bị hấp dẫn bởi một hình tượng chính thống, quan niệm về
người "đại trượng phu". Đại trượng phu, hay người hào kiệt là loại
nhân vật xuất chúng, vượt lên trên quần chúng cả về tầm cỡ của trí tuệ, tài
năng, lẫn những hoài bão, ước vọng to lớn"(5). Theo ông Trần
Đình Hượu, nhà nho tài tử là người có tài trị nước, cầm quân, học vấn cao siêu,
tài văn chương ở mức "nhả ngọc phun châu", biết "cầm kỳ thi họa",
và phải có cả "tình" nữa!(6) Soi lại Gia phả họ Lê làng Luật Chánh,
ta đọc chính lời cụ Lê Đại Cang kể: cụ đã được theo học hai vị tôn sư danh
tiếng là Thị giảng triều Tây Sơn và Thượng thư bộ Lễ triều Nguyễn, "Trong
vòng năm sáu năm quên ăn quên ngủ để dùi mài kinh sử. Khi được bạn giỏi văn
liền theo học hỏi, bất chấp người ta cười chê." Nhờ đó mà cụ "sớm nổi
tiếng là một danh sĩ học vấn uyên thâm văn chương lỗi lạc."(Chuyện cũ kẻ
sĩ Bình Định-Lộc Xuyên Đặng Quý Địch). Cụ từng làm chủ khảo trường Bắc Hà trong
một cuộc thi Hương. Sách "Đại Nam nhất thống chí" (Quốc sử quán triều
Nguyễn) ghi lại: "Lê Đại Cang nổi tiếng văn học...Ông có soạn các sách Nam
hành, Tục Nam hành, Tĩnh ngu thi tập". Sách "Đại Nam chính biên liệt
truyện" (Cao Xuân Dục) chép: "Đến Cang mới lấy văn học được hiển
đạt...Có tiếng là người giỏi thời bấy giờ...Cang là người hào mại phóng dật, ở
đâu thường bày bút mực, sách vở, đàn, chén uống rượu, hoa, cây để tự
thích...". Theo nhà báo Nguyễn Thế Khoa- chắt ngoại của cụ Cang, cụ là
người đã sáng lập nên Văn chỉ Tuy Phước, thu hút nhiều văn nhân tài hoa
tỉnh Bình Định tới để đàm đạo văn chương thế sự... Tuy chưa tìm thấy ba tác
phẩm cụ để lại, nhưng qua sử sách và những lời truyền tụng của người đương thời
cho tới nay, với học vấn, tâm hồn, khí phách mà cụ đã bộc lộ qua hành trạng
cùng Gia phả, chúng ta có cơ sở tin rằng đó là những áng văn chương có khả năng
lưu danh thiên cổ; và sinh thời, chắc hẳn tác giả của chúng cũng là người mắc
"Nợ phong lưu" (Nguyễn Công Trứ), thậm chí còn trầm trọng hơn với
"Phong vận kỳ oan ngã tự cư"- (Chính tự mình chuốc lấy cái oan phong
vận- Nguyễn Du). Dễ hiểu vì sao con người "Giắt lỏng giang sơn vào nửa
túi" tựa Nguyễn Công Trứ đó đã chinh phục được bà Lê Ngọc Phiên xinh đẹp
làm vợ thứ, để một quận chúa triều Lê có đủ công dung ngôn hạnh theo cụ rong
ruổi "nợ tang bồng" khắp Bắc Nam... Còn tài kinh bang tế thế, tài cầm
quân kiệt xuất- như tiêu chí của loại hình nhà nho tài tử đòi hỏi, thì ở cụ Lê
Đại Cang đã trở thành "huyền thoại" mà rất nhiều công trình nghiên
cứu, bài báo viết về cụ đã khẳng định.
Là người văn võ toàn tài, "lên ngựa cầm thương xuống ngựa cầm bút",
giữ nhiều trọng trách triều đình, song chỉ ở trong trường hợp cần kíp bất đắc
dĩ, cụ mới dùng đến hình thức tiễu phạt; còn bình sinh, cụ chỉ dùng văn để phủ
dụ, thuyết phục, xử dụng biện pháp cai trị chủ yếu là bằng lẽ phải và đức nhân
hậu của bản thân. Lặn lội suốt từ Nam chí Bắc, khi làm tổng trấn Bắc Thành, làm
tổng đốc Sơn - Tuyên - Hưng, hay làm tổng đốc hai tỉnh An Giang - Hà Tiên, ở đâu
cụ cũng lo tìm đất hoang cho dân cày cấy, lo đào sông khơi dòng chảy, tạo điều
kiện cho dân canh tác nông nghiệp thuận lợi. Sông Vĩnh Điện trước đây là con
lạch nhỏ hẹp, năm 1824, thời lãnh chức Cai bạ Quảng Nam, cụ cho đào nới rộng
ra, dài hơn 1.500 trượng, và sau đó, tên tuổi Vĩnh Điện hà cùng với một số sông
đào nổi tiếng khác đã được khắc trên Dụ đỉnh của Cửu đỉnh trong kinh đô Huế...
Trong thời làm tổng đốc An - Hà, cụ cũng cho đào kênh nối sông Tiền ở Tân Thành
với sông Hậu ở Châu Đốc hơn 3.800 trượng. Cụ tạo lập các khu khu định cư giúp
dân ổn định cuộc sống, như khu định cư cho dân Chàm ở An Giang...
Có một sự nghiệp lớn, sự nghiệp để đời của cụ Cang mà trong gia phả không kể,
nhưng lại được chính sử triều Nguyễn ghi chép lại rất nhiều: đó là công
việc của một quan đê chính ở Bắc Thành- với sứ mệnh cao cả là "giữ dân và
vệ nông"- như lời cụ trong một sớ tâu vua.(7) Phụ trách việc đê điều ở Bắc Thành, cụ
Cang đã lặn lội đi khảo sát khắp các vùng Sơn Nam, xứ Đoài, kinh Bắc... Cụ quan
sát dòng chảy của các con sông lớn, nhỏ, tìm ra quy luật dâng lũ của chúng để
tìm cách giãn lũ- ví như cụ đã cho giãn lũ sông sông Cái- Nhĩ Hà qua sông
Đuống, tức sông Thiên Đức. Cụ còn dày công biên soạn cuốn sách thống kê các đê
công - tư, giúp việc quản lý và phòng hộ đê điều chặt chẽ hiệu quả hơn.
Sự nghiệp đê điều gian nan khôn xiết, bằng tinh thần tận tụy, trí thông minh,
lòng quả cảm, cụ đã cùng dân chúng nhiều vùng quê châu thổ sông Cái-Nhĩ Hà xả
thân đắp đê, sửa đê, ngăn được không ít dòng lũ tàn phá làng mạc. Vua phê và
khen rằng: “...nước sông lên to, mà đê phòng đều được vững chắc, thực nhờ phúc
thần nhiều lắm.”(8) Phúc thần ở đây thực ra lại chính là
người bốn lần được thưởng, ba lần bị phế chức bởi hộ đê, một người trong hoàn
cảnh hiểm nguy nào cũng không rời bỏ chức phận "giữ dân và vệ nông".
Và cho đến nay, một số vùng quê ven sông Hồng đang thờ cụ như một thành hoàng
làng. Đi tìm, rồi thống kê lại những làng nào đã và đang thờ phúc thần hộ đê Lê
Đại Cang, tôi nghĩ đó cũng là một công trình có ý nghĩa và lý thú! (Sau khi cụ
Cang mất, vua Thiệu Trị đã truy phong cụ là Bạch Mã thần, và dân làng Luật
Chánh đã thờ cụ làm thành hoàng làng tại đình).
Dân gian còn lưu truyền: tại công đường Nha
đê chính- ở cửa Nam thành Hà Nội, cụ Cang đã cho treo hai câu đối: "Đê tồn
Cang tại/ Đê bại Cang vong"- bộc lộ rõ quyết tâm sống chết với đê của một
vị quan liêm chính, cương trực, ý thức sâu sắc về công vụ, người đặt trách
nhiệm tồn vong của đê- tức sự sống còn của Dân lên trên sự sống còn của bản thân
mình. Thực cảm động, và quả là bài học thấm thía đối với những công bộc của Dân
hôm nay!
Là một người làm phim truyện, tôi rất mê hai biến cố trong giai đoạn binh
nghiệp đầy bi hùng gian khổ những cũng đượm màu sắc "tài tử" của cụ:
sự kiện đầu tiên, vào năm 1833, trong cảnh ngộ từ một đại quan văn bị cách chức
thành lính khiêng võng phải ra trận đi đầu lập công chuộc tội, cụ đã tự chiêu
tập binh mã, trở thành một võ quan đích thân huấn luyện một đội quân hỗn hợp
Việt - Miên và góp phần đánh bại quân phiến loạn & quân xâm lược. Và sự
kiện thứ hai, vào năm 1839, khi đang là tham tán đại thần bảo hộ Cao Miên, cụ
lại bị cách chức một cách nhục nhã bởi bất tuân mệnh triều đình theo lối ngu
trung; và trong thân phận một anh lính khiêng võng sung tiền quân hiệu lực, cụ
lại nhận lãnh việc tổ chức và huấn luyện lại đội binh đang rời rã kỷ luật và
yếu kém kỹ năng chiến đấu, biến nó thành đội hùng binh đánh giặc Chân Lạp. Vì
sự kiện này mà cụ đã bị vua Minh Mạng khép vào tội mất đầu cho "trảm giam
hậu": "Đại Cang tội cách hiệu, sao dám tôn mình là đại tướng? Chẳng
sợ phép nước, chẳng kể công luận".(Theo "Quốc triều chính biên toát
yếu"). Hai sự kiện khá giống nhau như trên giúp chúng ta càng nhận rõ bản
lĩnh và nhân cách của cụ Lê Đại Cang. Thử nghĩ: một người đang là lính khênh
võng, sao lại có thể kêu gọi được người khác quy tụ dưới ngọn cờ lệnh của mình,
sao có thể thuyết phục nổi vị thống lĩnh nọ trao quyền cho mình huấn luyện quân
sĩ? Cụ không có thuật phù thủy gì cả, ngoài tiếng tăm về đức độ và tài năng đã
thấm sâu vào nhiều tầng lớp "dân đen con đỏ", ngoài những việc làm cụ
thể với tất cả ý thức trách nhiệm về công vụ, với lòng yêu nước thương dân sâu
xa, và cả lòng nhẫn nhịn phi thường nữa trên cơ sở đại lượng, hiểu thấu sự đời
& lòng người như một trong những biểu hiện của Phật tính. Cái bí quyết
thành công để "huấn luyện kỹ càng biến dân ô hợp thành đội quân chính
quy" cụ kể lại thật chân chất, cảm động cho thấy nó có sức thuyết phục hơn
mọi lời rao giảng đạo nghĩa hùng biện, đó là: "Cùng sống với họ như con
em"... Tôi cứ miên man nghĩ ngợi mãi về những bí ẩn đằng sau hai sự kiện
lạ lùng đó mà trong lịch sử chiến trận xưa nay, có lẽ trường hợp của cụ là độc
nhất vô nhị! Biết bao tình tiết thú vị, gay cấn, xoay quanh cái thử thách khổng
lồ đối với một người ở cương vị quá bé nhỏ mà dám kiên cường chọi lại định mệnh
sắt thép, buộc nó phải phục tùng mình khiến người đọc người xem phải hồi hộp
chờ đợi, phải lo lắng thắt tim hay dạt dào xúc động, cảm phục- một khi chúng
được thể hiện có sức thuyết phục bằng tiểu thuyết hoặc phim lịch sử! Phải là
một trái tim kiên cường và tha thiết với vận mệnh đất nước & dân tộc đến
thế nào mới "Chẳng sợ phép nước, chẳng kể công luận" như vua đã quy
tội một cách bất công mà ở tầm trí thức đó cụ thừa hiểu là nó sẽ giáng vào mình
khi hành động như vậy! Mặc dù cụ không rơi vào bi kịch "Thiên giáng kỳ tài
vô dụng xứ"- trời cho tài lạ nhưng chẳng dùng được vào đâu (Nguyễn Du-Bắc
hành tạp lục), nhưng vốn là một "anh hùng thời loạn", với học vấn và
từng trải, cụ chắc thấm hiểu cái nóng lạnh của thời thế đảo điên mà Cao Bá Quát
từng hãi hùng: "Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì
nhiều" (Thản lộ mang mang úy lộ đa- Sa hành đoản ca). Nguyên nhân sâu xa
của thực tế này đã được nhiều nhà nghiên cứu vạch rõ, đây là một nhận định tiêu
biểu: "Các nhà vua Nguyễn cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược đã áp
dụng hàng loạt chính sách đi ngược lại với hướng vận động tiến hóa của lịch sử,
ngược lại với những đường lối, chủ trương trước kia của các chúa Nguyễn, các
bậc tiền bối trực tiếp, hay trong trường hợp vua sáng nghiệp Gia Long, là đi
ngược lại chính mình."(9) Chúng ta hãy cùng nhớ lại những lần
Nguyễn Công Trứ hoảng hồn kêu than "Trời già sao tai ác thế" khi bị
đóng gông giải về kinh bởi buộc tội mưu phản, hoặc bị khép tội "trảm giam
hậu" bởi kháng chỉ; hãy nhớ đến cái án bị đóng xiềng lên mộ sau khi chết
đối với tả quân Lê Văn Duyệt; hãy nhớ đến cái chết oan nghiệt của cha con thống
chế Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường vì án văn tự... Xã hội dưới triều
Nguyễn, theo tác giả người Pháp Marcel Gaultier, "là một xã hội đang lên
cơn sốt trầm trọng"(10). Trong dân
gian có bài "Tố khuất ca" vạch trần bản chất chính trị hà khắc, chế
độ thuế má & lao dịch nặng nề và nạn quan lại tham nhũng triều Nguyễn. Theo
ghi chép của "Đại nam thực lục" thì từ triều Gia Long năm đầu (1802)
đến triều Tự Đức năm cuối (1883) có hơn 350 cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ của nông
dân và các tầng lớp bị trị chống lại triều Nguyễn- trong đó nông dân lưu vong
(hạng "phiêu lưu") là đội quân chủ lực. Đời Minh Mạng là đời thịnh trị
nhất của nhà Nguyễn mà cũng có tới trên 230 cuộc nổi dậy phản kháng triều đình
ở khắp đất nước- trong đó có cuộc nổi dậy ở Gia Định do Lê Văn Khôi cầm đầu
chiếm giữ thành Phiên An (Sài gòn) trong hai năm... Cụ Lê Đại Cang đã nắm giữ
trọng trách quốc gia và đã hành sự trong bối cảnh lịch sử đó, điều ấy góp phần
lý giải tận căn cốt sự long đong vất vưởng của cụ. Vung gươm tiễu phạt quân xâm
lược là một bổn phận và cũng là một đòi hỏi của lòng yêu nước, song phải giơ
đao trấn áp người nông dân nghèo khổ cùng đường buộc nổi dậy phản kháng cái
chính thể mà mình đang phục vụ - phải chăng đó thực sự là tấn bi kịch đau đớn
nhất của cụ Cang? Điều này khả dĩ giải thích được phần nào những việc làm được
hiểu như là "bất tuân thượng lệnh" khiến cụ bị cách tuột chức không
chỉ một lần thời cầm quân dẹp loạn... Và nếu không cáo quan về làng mà cứ tiếp
tục con đường chông gai của hoạn lộ, ai dám chắc rằng một tâm hồn khảng khái
như cụ sẽ không ngả theo những ngọn cờ khởi nghĩa- ví như Mỹ Lương của Cao Bá
Quát? Nhưng điều đáng quý nhất là, trong cương vị hiện tại của mình, cụ luôn
thường trực tâm niệm “Vì nước quên nhà, vì việc công quên việc riêng là tiết
tháo của kẻ làm bề tôi” (Lê thị gia phả)
Sau khi đã tạm thỏa cái "Chí nam nhi" như tên một bài thơ của Nguyễn
Công Trứ, trên "con đường làm quan cay cực", lúc hưu quan, cụ Lê Đại
Cang đã dồn sức làm công việc "Chép lại chuyện cũ/ Nhằm phát triển đạo
hiếu" cùng với việc sửa sang Từ đường dòng họ. Và, có một điều rất lý thú
song không hề bất ngờ là: cụ đã cho làm một cái am nhỏ gần từ đường đặt tên là
Giác Am, tự lấy hiệu là Giác Am cư sĩ để bắt đầu sống với "độc hạc, cô
vân", ngẫm về lẽ vô thường của cõi đời và tu thiền trong thế giới ẩn dật
hằng mong mỏi (Thời loạn đi về như hạc độc/ Tuổi già hình bóng tựa mây côi). Thực
ra đó cũng là chí hướng của những danh nho tiết tháo mọi thời. Nguyễn Trãi từng
tâm sự: Đừng lạ, nếu một ngày nào đó tôi cũng sẽ tu thiền (Lân kỳ ngã diệc
thượng thừa thiền). Vua Trần Nhân Tông sau khi cùng quân dân Đại Việt hai lần
đánh thắng giặc Nguyên Mông đã cởi hoàng bào mặc áo tu hành trên ngọn Yên Tử,
trở thành Phật hoàng. Nguyễn Bỉnh Khiêm khi rời thế sự liền dựng quán Trung
Tân, lập am Bạch Vân. Ngô Thời Nhiệm bỏ mũ quan trường liền tự mệnh là Trúc Lâm
đệ tứ tổ, viết sách về Phật giáo (Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh), v.v. Trong
phần IV "Thuật lại sự việc nhà Lê" của "Lê thị gia phả",
đặc biệt là với những người chuyên tâm xuất gia sùng đạo Phật trong dòng họ
mình, cụ Cang đã kể lại bằng một niềm say mê, yêu kính, trân trọng khác thường-
như về cụ tổ đời thứ 5 thuộc chi thứ nhất, cụ Bá Hòa, là người "thờ thầy
rất kính cẩn...Tuy rằng gia kế ngày càng sa sút, song vẫn tự tin, bảo vợ con
chăm nghề làm ruộng và dệt vải mà sống, không bao giờ bước đến cửa nhà
giàu...lúc 50 tuổi quyết chí xuất gia, tu ở chùa Sa Môn Thiện xá, với pháp danh
Hải Thuận"; như về chi thứ hai (tổ thứ 5) cụ Thúc Linh có người con trai
đầu "là người từ nhỏ đã hâm mộ đạo Phật, tự quy y, chuyên học Phật giáo
lập chùa làm tăng, lớn lên tinh thông và giảng giải nghĩa các kinh Phật, tăng
đồ đều tôn xưng là đại sư, chết chôn ở vườn chùa Vinh Hoa". Về người con
trai thứ 4 của cụ Thúc Linh là cụ Bá Nam- Thủ tọa đại sư chùa Linh Sơn, một
danh y: "Ông thường nói với mọi người: sinh chẳng gặp thời, vừa đi tu, vừa
làm thuốc, há có lòng nào khác, cái đạo là ở chỗ để cứu người. Cho nên ông chữa
bệnh không cần đền đáp, không cần tiền, chu tất với người nghèo khổ. Mọi người
trong họ không ai chịu ơn..." Đặc biệt nhất là những dòng viết về người
con trai thứ ba của cụ Thúc Linh - ông Khắc Văn: "Nhà sư tính khoan hậu,
hay cứu người, không tiếc của, thấy việc nghĩa là làm dù hết nhà cũng được,
đứng trước việc ngang trái không hề sợ sệt, làm người như vậy rõ trời phú
tính".Vị sư này viết chữ đẹp nên được tiến cử vua làm bổ dụng làm Thị thư,
nhưng "mỗi khi nhìn việc nước ngày càng tệ hại" thì đều khóc những
giọt nước mắt của lòng tự trọng, của nỗi khát khao được làm nhiều điều có ích
cho Dân Nước: "Ăn thì ăn tới nơi, khi có việc thì chết điếng, cái chức của
kẻ bầy tôi này nó thế, phận tôi cầm bút chép sách, nhưng chẳng lấy việc bút
nghiên thờ người khác làm đủ". Và tác giả cuốn Gia phả đã hạ lời bình luận
khá kỳ lạ: "Vì chiếc mão quan của một thời, cho nên lúc bấy giờ từ công
khanh, đại phu, đến sĩ thứ chen nhau chi chít mỗi nhà đội mấy chiếc, vậy mà nhà
sư há còn mang danh nhà thư pháp (của cung đình- Người viết chú thêm) nữa
ư?" Cụ Lê Đại Cang đặt mình trong tâm trạng của nhà sư viết chữ đẹp đó để
tự thán và thốt lên nỗi thất vọng của mình đối với triều đình & thời cuộc.
Qua những thân thế vừa kể trên, chúng ta có thể nhận ra tâm sự thầm kín của cụ
Lê Đại Cang: việc cụ phải sử dụng tới thanh đại đao để dẹp loạn, diệt giặc
ngoại xâm là tuy là việc nghĩa nhưng đó là công việc bất đắc dĩ của một thời,
còn việc lâu dài có ý nghĩa cao thượng nhất chính là tu dưỡng tâm tính để hoàn
thiện mình đặng có thể quảng bá lòng nhân hậu và các vẻ đẹp khác của tình người
cho đồng bào trên tinh thần của Phật tính- và đó cũng là một cách "hóa
giải" hữu hiệu "tấn bi kịch nhân cách của nhà nho"... Trong thời
đại nho giáo độc tôn, và bản thân cụ Cang tự nhận "Nhà ta đời đời vốn theo
nghiệp nho" (Lời dẫn của Gia phả), mà cụ Cang vẫn nhận thấy sự cấp bách
phải khôi phục lại tinh thần Phật giáo chân chính của dân tộc - như một biểu
hiện sáng rõ của Nhân tính, Việt tính- điều này cho tới hôm nay càng có ý nghĩa
thời sự nóng hổi! Phải chăng đó cũng là một trong những bí truyền lớn nhất được
ẩn sâu trong tập gia phả quý báu này- có giá trị không kém nếu không muốn nói
là hơn những bí truyền được lưu giữ trong các gia phả quý khác- ví như các bí
truyền về ba phái võ Tây Sơn ở miền trung của các họ Trần (Trần Quang Diệu), họ
Bùi (Bùi Thị Xuân), họ Hồ (môn phái chính của ba anh em nguyễn Huệ)- đều đã trở
thành tài sản tinh thần vô giá, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta...
Hà Nội, cuối tháng tháng 11-2012
(Đạo diễn Điện ảnh)
----
1. Nxb. Dân Trí- Hà Nội, 2011 (Vũ Ngọc Liễn dịch)
1. Nxb. Dân Trí- Hà Nội, 2011 (Vũ Ngọc Liễn dịch)
2. Dẫn theo Trần Ngọc Vương- Loại
hình học tác giả văn học: Nhà nho tài tử và văn học VN- Nxb. Giáo
dục, 1995, tr.64
3. Nguyễn Thanh Mừng&Trần Thị Huyền Trang- Huyền
tích kinh xưa, Nxb. KHXH, 2005
4. Dẫn theo Nguyễn Thế Khoa- Lê
Đại Cang và Lê thị gia phả- Sđd, tr.70
5. Trần Ngọc Vương... Sđd. tr. 83
6. Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng- Văn
học VN 1900-1930- Nxb. Giáo dục, 1988
7. Đại Nam thực lục,
Tập Ba, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 102
8. Đại Nam thực lục,
Tập Hai, sđd, tr. 892
9. Trần Ngọc Vương... Sđd, tr. 98
10. Dẫn theo Nguyễn Phan Quang&Vũ Xuân Đản- Lịch
sử VN từ nguồn gốc đến năm 1884- Nxb. Tp HCM, 2005, tr. 356
Và những trích dẫn khác không có ghi chú đều lấy
trong sách: Lê Đại Cang và Lê Thị Gia phả-
Sđd.
----
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại lần 2
ngày 10/08/2015
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 22/02/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng
Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét