Cái chết của lão dở người – Truyện ngắn Trọng Bảo (Hà Nội)
Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015
Ngày 21.01.2012
Lão dở người vác cái bao tải rách lên vai. Hôm nay lão gặp may. Một ngôi nhà là trụ sở công ty tư nhân đang đục phá, sửa chữa. Đám thợ vứt ra hè đường một đống sắt vụn cong queo. Ông chủ công ty nhìn thấy lão đang móc tìm kiếm ở cái thùng rác bên đường liền gọi sang và hào phóng cho lão luôn đống sắt vụn. Chỗ sắt vụn đầy sét gỉ phải đến hai chục cân. Lão oằn lưng vác cái bao tải nặng ra phía bờ sông. Số sắt vụn này lão kiếm được hơn trăm ngàn là cái chắc.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Trọng Bảo
Tên thật: Hà Trọng Bảo
Sinh năm: 1956
Quê quán: Thị trấn Hoa Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Hiện công tác tại: Phòng Thông tấn-Báo chí quân đội
Địa chỉ: 61- Cửa Đông-Hà Nội,
ĐT: 098.6676547
Email: trongbao.56@gmail.com
_____
Lão dở người vác cái bao tải rách lên vai. Hôm nay lão gặp may. Một ngôi nhà là trụ sở công ty tư nhân đang đục phá, sửa chữa. Đám thợ vứt ra hè đường một đống sắt vụn cong queo. Ông chủ công ty nhìn thấy lão đang móc tìm kiếm ở cái thùng rác bên đường liền gọi sang và hào phóng cho lão luôn đống sắt vụn. Chỗ sắt vụn đầy sét gỉ phải đến hai chục cân. Lão oằn lưng vác cái bao tải nặng ra phía bờ sông. Số sắt vụn này lão kiếm được hơn trăm ngàn là cái chắc.
Cân xong bao tải sắt vụn, lão dở người lại vào phố. Con mụ Béo chuyên thu mua đồ phế liệu chê ỏng chê eo sắt gỉ quá chỉ đưa cho lão một trăm hai mươi ngàn đồng. Thôi thế cũng tốt. Lão nghĩ. Lão sẽ vào phố chén một bát phở ngon hết hai mươi ngàn đồng. Còn một trăm ngàn lão sẽ cất kỹ dành dụm thành một khoản để đem về quê. Ở quê, lão còn một thằng cháu là con cô em gái út. Nó ốm yếu thường xuyên phải đi viện. Lão thương nó lắm. Lão ra thành phố bới rác kiếm tiền, dành dụm từng trăm gửi về giúp em gái chữa bệnh cho cháu. Hôm lão đi, thằng bé cứ túm lấy áo lão rơm rớm nước mắt:
- Bác đi Tết nhớ về với cháu nhé!
- Ừ!- Lão xoa đầu nó và dặn:- Ở nhà cu nhớ không được ra bờ ao chơi, nhỡ ngã xuống ao thì khốn đấy!
Thằng bé bị bệnh tim. Một hôm lão vừa đi bắt cua về xuống cái ao đầu ngõ rửa chân thì thấy thằng cháu đang ngớp ngớp vùng vẫy ở dưới cầu ao. Lão vứt cả giỏ cua nhào xuống ao lôi nó lên. May mà nó mới ngã xuống chỉ uống vài ngụm nước. Bệnh tim của nó nặng dần. Năm lên lớp bốn thì hay bị ngã ngất nên không tiếp tục đi học được nữa. Nghe nói muốn mổ tim phải mất hàng chục triệu đồng. Chồng cô em gái út tai nạn sập lò gạch chết sớm, nhà nghèo lấy đâu ra mấy chục triệu đồng để chữa bệnh cho con. Tiền mua thuốc hàng tháng còn chả đủ nữa là. Lão nghe người ta nói thành phố dễ kiếm tiền. Thế là lão bỏ sào ruộng lại cho cô em gái út rồi theo đám thanh niên lên thành phố. Lão sẽ kiếm tiền, thật nhiều tiền để giúp cô em út chữa bệnh cho con.
Lên đến thành phố lão ra ngay chỗ "chợ người" tìm việc. Nhưng những người tìm thuê "cửu vạn" thường chẳng bao giờ để ý đến lão. Có lẽ họ nghĩ là lão già cả chả làm nổi những việc nặng nhọc. Thế nên lão đành phải đi bới rác, nhặt nhạnh những đồ phế thải bán cho bọn thu mua sắt vụn. Nhặt những bao túi ni-lông, vỏ bia, vỏ chai, sắt vụn người ta vứt đi bán cho bọn ve chai mỗi ngày lão cũng kiếm được ngày nhiều ba chục, ngày ít hai chục, ăn uống rồi cũng để dành được chục ngàn mỗi ngày, hơn cả làm ruộng ở quê mỗi vụ được vài tạ thóc ăn chả đủ làm gì dám đem bán lấy tiền.
Bọn trẻ con, phụ nữ chuyên làm nghề nhặt rác thường tụ tập ngoài bãi sông Hồng. Họ gọi lão là lão dở người vì một chuyện xảy ra đối với lão. Hôm đó lão bới móc một cái túi rác cổng một ngôi biệt thự. Lão tìm thấy trong cái túi rác đầy vỏ hộp mỹ phẩm ấy một cái dây chuyền vàng. Lão cầm sợi dây chuyền đứng co ro chịu rét chờ bằng được bà chủ ngôi biệt thự ra đóng cổng để trả lại. Nhận lại sợi dây chuyền đến năm chỉ bà chủ nhà chả cảm ơn thì thôi còn xỉa xói, nghi lão là quân trộm cắp. Biết chuyện, đám "công nhân nhặt rác" cư trú ngoài bãi sông đều cười nhạo lão mãi. Chả ai khen lão thật thà mà họ bảo lão là đồ dở người. Từ đó cái tên lão Dở thành tên gọi của lão.
Lão Dở cũng có người con khá thành đạt. Đó là ông con trai duy nhất của lão. Vợ lão mất sớm, lão ở vậy nuôi con khôn lớn. Thằng con lão là chủ một doanh nghiệp lớn ở phía Nam. Ông con trai muốn đón lão vào Nam sinh sống nhưng lão không chịu. Lão giận con, nhất là từ khi ông con về quê đóng góp cả mấy trăm triệu đồng cho một công trình văn hoá của huyện để được tạc tên trên bia đá ghi công thế mà không dám cho thằng cháu bị bệnh nặng được lấy một đồng để chữa bệnh. Lão có ý nhắc nhưng nó làm thinh không nói gì.
Ăn xong bát phở, lão Dở tìm về chỗ mình vẫn ngủ qua đêm.
Năm nay trời sao mà rét đến thế. Các hàng quán đóng cửa nghỉ sớm. Gió lạnh thổi ù ù trên phố. Lão Dở lủi thủi đi về phía làng ven Hồ Tây. Mấy ngày nay lão không ra khu nhà trọ ngoài bãi sông nữa. Trọ ở nhà trọ bãi sông mất năm ngàn mỗi tối. Trước đây chỉ có ba ngàn một tối nhưng gần tết họ nâng giá lên năm ngàn đồng. Nói là nhà trọ thực ra chỉ có vài manh chiếu rách trải lên sạp, cả chục, cả trăm người-toàn dân cửu vạn chen chúc nhau nằm lăn lóc đầu chân lẫn lộn ngủ cho qua đêm. Mà có nhiều người chưa đến nửa đêm đã lồm cồm bò dậy đi gánh hàng thuê cho những người buôn hoa quả, rau ở các chợ đêm. Lão Dở ít ngủ và thính ngủ. Có khi đêm vừa chợp mắt được một lát đã giật mình vì tiếng lục sục gọi nhau của những người đi làm đêm. Vì thế lão chả dại gì mà mất thêm năm ngàn đồng mỗi đêm. Lão đã có một cách hay.
Lão đi về phía khu biệt thự ven hồ. Chỗ ngủ đêm của lão là cái cổng của một ngôi biệt thự rất sang trọng. Chủ ngôi biệt thự chắc là một người rất giàu có nên cái cổng xây rất hoành tráng. Mái cổng vươn chìa ra tạo thành một khoảng che mưa nắng rất rộng. Lão Dở trải manh chiếu rách ra góc cổng, cạnh gốc cây sấu sù sì. Thế là lão đã có một chỗ ngủ rất kín gió và ấm. Năm nay sao mà trời rét thế. Còn đúng hai mươi mốt ngày nữa là đến Tết. Lão Dở nhẩm tính. Trong cái bọc ni lông bẩn thỉu lão vẫn buộc chặt ở bụng đã có gần hai triệu đồng rồi. Đó là công sức mấy tháng trời nhặt nhạnh phế liệu của lão. Lão quyết định ngày mai sẽ về quê. Có gần hai triệu đồng mua thuốc cho thằng cháu cũng tốt rồi. Với lại cũng chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày giỗ của vợ lão. Lão phải về để còn ra mộ thắp cho bà ấy nén hương.
Đang thiu thiu ngủ thì có ánh đèn ô-tô rọi thẳng vào mặt. Một chiếc xe con bóng lộn rì rì chạy vào cổng. Lão Dở lồm cồm ngồi dậy. Chiếc xe bấm còi rồi dừng lại chờ mở cổng. Kính xe hạ xuống. Lão nghe rõ tiếng một người đàn ông gắt với người từ trong nhà ra mở cổng:
- Sao lại để cho một thằng ăn xin nó nằm ngay ở cổng thế hả?
- Dạ! Thưa bác đó là một ông già nhặt rác đấy ạ!
- Đuổi cổ đi! Không khéo lại là quân trộm cắp rình mò đấy, hiểu không?
- Vâng ạ!
Kính xe lại được kéo lên. Chiếc xe từ từ lăn bánh vào trong sân. Người vừa ra mở cổng đến chỗ lão Dở đang nằm khe khẽ nói:
- Cụ ơi! Cụ chuyển sang bên kia gốc cây mà nằm ngủ chứ cụ nằm ngay ở cổng thế này ông chủ nhìn thấy lại mắng cháu!
Nghe anh ta nói, lão Dở hiểu anh ta cũng chỉ là một người giúp việc cho ở ngôi biệt thự này. Anh ta nói mấy hôm trước ông chủ đi công tác vắng nên anh để cho lão được buổi tối đến nằm ngủ ở cổng. Ông chủ về rồi anh đành phải bảo lão đi tìm chỗ khác. Nghe anh ta năn nỉ như vậy lão Dở lồm cồm đứng dậy. Lão lôi mảnh chiếu rách sang phía bên kia gốc cây sấu già. Chỗ nằm mới của lão trúng hướng gió bắc, lại không được che nên mưa phùn lất phất bay nên càng lạnh. Lão Dở quấn cái chăn chiên rách thật chặt vào người cho đỡ rét. Suốt đêm lão Dở không ngủ được vì lạnh quá. Lão lẩm bẩm mong trời bớt lạnh cho đám cửu vạn ngoài bờ sông đêm dậy đi làm đỡ rét mướt. Ngày mai lão về quê rồi còn họ thì có lẽ phải làm thuê hoặc nhặt rác cho đến gần tết mới về. Lão tính, rét thế này ngày mai nhất định sẽ mua cho thằng cháu một cái áo khoác thật ấm. Rét mướt thế này trẻ con bị bệnh tim phải mặc thật ấm. Cái áo mà họ chất đống ở vỉa hè nói là hàng SIDA ấy chỉ đến một trăm ngàn là cùng thôi.
Gần sáng khi lão Dở vừa chợp mắt thì nghe có tiếng quát tháo ầm ĩ trong ngôi biệt thự. Hình như có tiếng kêu: "Trộm... trộm...". Rồi lão lại nghe "huỵch" một cái như là tiếng người nhảy qua tường. Lão Dở mở mắt ra nhìn. Tên trộm vừa trèo qua cái cành cây bên kia cổng nhảy xuống hè đường. Nó lẩn qua phía lão nép vào gốc cây sấu quan sát rồi co giò định chạy. Lão nhỏm ngay dậy nhoài người quờ tay ôm riết được một chân của thằng trộm. Nó bị tóm chân bất ngờ nên chới với ngã lăn xuống hè đường. Cái hộp nhỏ nó đang cầm trên tay văng ra xa. Thằng trộm lồm cồm bật dậy. Nó càng cố giật chân thì lão lại càng cố ôm ghì thật chặt. Trong ngôi biệt thự có ánh đèn và tiếng chân nhiều người lao ra. Từ phía đầu phố có tiếng còi ủ của xe cảnh sát. Thằng trộm tống một quả đấm thật mạnh vào mặt lão Dở. Lão Dở đau điếng nhưng vẫn kiên quyết không buông rời chân thằng trộm. Một ánh thép loé lên. Lão Dở chới với buông chân thằng trộm gục xuống. Nhát dao của thằng lưu manh xỉa thẳng vào cổ lão Dở. Khi công an và mọi người chạy đến thì thằng trộm đã biến mất tăm vào bóng tối mịt mùng trong ngõ hẻm.
Lão Dở thấy mình chơi vơi như đang bay trên mây. Đúng là lão đang bay. Lão bay lên thật nhẹ nhàng.
Lão nghe thấy tiếng bà chủ ngôi biệt thự rú lên vui mừng vì tìm thấy cái hộp nữ trang cả chục cây vàng mà tên trộm bị lão Dỡ bất ngờ tóm chân ngã rơi văng chỗ rãnh nước bên đường. Lão lại nghe thấy tiếng ông chủ biệt thự. Vẫn cái giọng hách dịch như lúc tối mắng anh chàng giúp việc ra mở cổng. Ông ta đang nói với mấy anh công an:
- Các đồng chí kiểm tra ngay lão ăn mày này! Nhất định lão ta là đồng bọn với thằng ăn trộm đã đột nhập vào nhà tôi. Mấy ngày nay tối nào lão cũng lảng vảng ở cổng nhà tôi đấy.
Có lẽ ông chủ ngôi biệt thự là sếp lớn nên các anh công an răm rắp chấp hành mệnh lệnh. Họ nhanh chóng khám nghiệm hiện trường rồi lập biên bản. Lão Dở cũng lờ mờ nhận ra người đang cố gắng băng bó, cầm máu cho mình chính là cái anh đã ra mở cổng ngôi biệt thự lúc buổi tối hôm qua. Lão cố nói để anh ta biết quê quán của mình và số tiền lão đang giấu trong bụng. Lão muốn nhờ anh ta đem về cho thằng cháu ở quê. Nhưng tiếng của lão sao lại bé hơn cả tiếng gió, tiếng mưa thế này. Hình như chẳng ai nghe được tiếng lão nói nữa.
Lão Dở cố mở mắt ra. Nhưng lão cũng chẳng còn nhìn rõ gì nữa cả. Trước mắt lão sao mọi thứ cứ mờ ảo, méo mó, dị dạng hết đi thế nhỉ! "Thôi chết! Thế này thì làm sao ngày mai mình về quê được đây!"- Đó là ý nghĩ cuối cùng của lão.
Hà Nội, 9/1/2011
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại- ngày 21/9/2015
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 21.01.2012 Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
___________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét