Truyện ngắn Bão Vũ (Hải Phòng): Rau cải đắng/ Liễu Chương Đài/
Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016
Ngày
30/11/2010
…Lâm
thấy lại trong miệng vị đắng của rau cải thôn Sơn Hạ ngày xưa. Lâm ngồi xuống
bờ gạch ngôi mộ cổ, trên có hình thập ác. Cánh đồng ven sông bây giờ kín đặc
những cây mía lá nhọn tua tủa người ta trồng cho nhà máy đường. Không còn màu
hoa cải vàng rực vào vụ này. Ước gì được gặp lại dù chỉ một khuôn mặt thân
thuộc; những người đã nhường cho bọn Lâm chút nông phẩm hiếm hoi, săn sóc bọn
Lâm khi ốm đau, dành chỗ ngủ yên ấm và chịu đựng cả những ê chề thay cho bọn
Lâm. Những người ấy đâu rồi?...
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác
giả Bão Vũ
Bút
danh Bão Vũ
Hội
viên Hội nhà văn Việt Nam
Địa
chỉ: TP. Hải Phòng
Email:
ngocchaunvhp@gmail.com
_____
RAU CẢI ĐẮNG
Họ
nhận ngay ra nhau, dù đã gần ba mươi năm. Lâm bảo Đắc:
-
Ông không khác xưa mấy. Chỉ nhăn nheo gọi là.
Đắc
ngắm nghía Lâm:
-
Còn ông, hơi nhàu một tị, nhưng nhìn kỹ vẫn ngon.
Cả
hai cùng cười, kéo nhau vào phòng tiệc. Dù họ chỉ dừng lại để nói với nhau một
câu mà các dãy bàn đã bị vây kín. Tiệc đứng thật tai hại. Hai người đứng nhìn
dãy lưng của đám thực khách đang chí thú ăn kỳ no mới chịu nhường chỗ cho người
khác. Lâm lắc đầu:
-
Vẫn đám sinh viên đói khát ngày xưa, giờ lớn lên, già đi. Cái đói khát của họ
cũng lớn lên theo đến mức vô lượng, bất khả mãn.
Đắc
bật cười:
-
Ông có thấy thằng Thực-quỷ-đói biến dạng kinh khủng không? Lúc hắn lên diễn
đàn, không ai nhận ra, nghe giọng nói mới biết.
Lâm
ngạc nhiên:
-
Cái gã béo nứt được giới thiệu là nhân vật quan trọng của ngành, đã lảm nhảm
một thôi dài về nâng cao chất lượng sống cho những người có thu nhập thấp, lại
là hắn?
-
Chính hắn đây. Đừng có đùa. Tôi đi tìm hai ông suốt từ lúc khai mạc đến giờ -
Một gã bưng đĩa thức ăn đầy ú vừa nhai vừa nói, đến bên hai người.
Đúng là Thực. Bộ complê màu sáng như chật vật lắm mới bao bọc được cái
thân hình to béo đến dị dạng của Thực. Cứ như là từ hồi ra trường đến giờ, hắn
chỉ làm mỗi việc nhét thức ăn vào bụng. Trước kia Thực được gọi là "máy
nghiền thức ăn gia súc", thường tìm cách ăn hai suất một bữa, dù là thứ
cơm ngô khô khốc, vàng khè. Vậy mà hắn vẫn gầy nhất bọn.
Bộ
ba thời sinh viên lấy thức ăn rồi đưa nhau đến một góc khuất.
-
Làm thế quái nào mà lại biến dạng kỳ dị thế này.- Đắc vỗ khắp người Thực bồm
bộp.
-
Người mẫu thời đại đấy. Nhiều doanh nhân ngoại quốc sang ta chỉ tin tưởng vào
những vị có bụng có mông thôi. Phải biết làm ăn thì mới bụng to mông nở chứ.
Đừng có đùa.- Thực lên mặt tự đắc. Ngày trước gã thường nói cái câu "...
mẹ, đừng có đùa" trong mọi trường hợp. Bây giờ, gã chỉ bỏ bớt câu văng tục
đằng trước.
-
Nhớ món bánh chưng nhân đỗ đen không?- Đắc hỏi và cả ba cười to, nhớ ngay ra
cái tích đặc biệt ấy.
Thực nhận lời thách đố, ăn hai chục cái bánh chưng một lúc. Nuốt đến cái
thứ mười hai thì bội thực, phải đi cấp cứu.
Lâm
lấy cho mỗi người một ít rau cải xào:
-
Để tưởng nhớ tới rau cải Sơn Hạ.
-
Mẹ kiếp. Ăn mà cũng phải hồi ký. - Thực nhai một lá rau, nhả vội ra - Đắng!
Thuốc sâu. Tớ có cái trại gần đây. Rau cải, rau bí, gà ta, ao cá tôm cua loại
din, cung cấp hàng ngày cho nhà trên phố. Cực an toàn.
-
Hoàn cảnh gì mà phải đi bằng chân tỉnh, chân quê?- Đắc hỏi.
-
Hoàn cảnh à? Này, một biệt thự sân vườn, bể bơi. Một nhà năm tầng làm văn phòng
hãng buôn. Còn một trang trại ở quê để ngày nghỉ đánh xe quay về với cội nguồn,
hít mùi cỏ. Chịu chưa?
Thực khoe khoang, rồi giơ cốc bia đợi sự hoan nghênh, thán phục. Chỉ có
Đắc chạm cốc với gã. Thực hất hàm, hỏi Lâm.
-
Người anh em này không tin hả? Lâm đang nghiền ngẫm vị đắng của rau cải, như
sực tỉnh:
-
Tin chứ. Một thằng từng chết đói hụt, ngoi lên từ bần hàn, thì ý chí làm giàu
của hắn rất ghê gớm. Và hắn sẽ thành đạt bằng mọi giá. Tôi không nâng cốc vì sợ
camêra theo dõi gộp cả vào đám "bọn chúng".
Đắc
cười khùng khục, miệng đầy thịt bê nướng: - "Bọn chúng" gồm hai thằng
ngốc đã nâng cốc mừng sự thành đạt tưởng tượng của một thằng khoác lác.
-
"Hai thằng ngốc" thì đúng rồi.- Thực nghiêm mặt - Nhưng "một
thằng khoác lác" thì hãy đợi đấy. Mai, hội nghị đi thăm các cơ sở, ta tách
ra, đến thăm cơ sở của tôi ở Hà Nội. Chiều về trang trại ăn đồ vườn. Đêm, ngủ
lại trại thưởng thức thú đồng quê.
Đắc
buông thìa dĩa, bắt tay Thực:
-
Nếu đúng thế, tôi xin vác giáo theo hầu ông. Thằng này đang cấn.
Thực cho ô-tô rẽ vào cổng trang trại rồi diễu quanh nhà chính một vòng.
Chiếc xe uốn lượn cường điệu như một cô gái cố ý làm duyên. Thực làm thế để
khoe khoang với Lâm và Đắc về tài lái xe, về chiếc ô-tô đắt tiền và về cơ ngơi
của mình.
Trang trại của Thực rộng hơn một hécta chỉ cách đường nhựa gần cây số.
Ngôi nhà chính kề bên bờ đầm sen, có tầng hầm, kiểu nhà của các điền chủ, tư
sản thời Pháp đầu thế kỷ trước. Hàng hiên rất rộng. Quanh nhà, bên những lối đi
dạo trải sỏi, rải rác những giả sơn, tượng Phật, tượng vệ nữ khỏa thân lố nhố
ẩn hiện trong những lùm cây. Rồi ghế đu, lầu nghỉ chân, những vạt cỏ và đủ loại
trồng trong bồn, leo trên dàn. Xa nữa, vườn rau, vườn cây ăn quả lớp lớp như
rừng. Nhiều thứ quá, gọi là phong phú cũng được, là tạp nham cũng được. Sân sau
là dãy nhà kho, bếp núc và nơi ở của gia đình người cháu họ được Thực nuôi để
trông nom trang trại.
-
Này, đừng có đùa.- Thực hả hê trước sự thán phục của hai ông bạn cũ- Cái biệt
thự sân vườn với bể bơi ta xem ban nãy là đồ vặt. Rồi tôi sẽ đưa hai ông thăm
ngôi nhà năm tầng, văn phòng hãng buôn của phu nhân. Đấy là ngụy trang, chứ bà
vợ tôi con quan, quen ăn chơi, thì biết buôn bán gì. Còn trang trại này chỉ là
chút tiền lẻ bỏ ra mua đất, xây cất, thuê cả nhà thằng cháu cai quản. Cứ định
kỳ nó đem gà quê, rau quả sạch, tôm cua ốc ếch lên nhà trên phố. Được chứ, các
đồng chí?
Thực dừng xe, bấm còi. Gã cháu chừng ba mươi tuổi, hối hả chạy ra mở cửa
xe rồi khoanh tay, cúi mình:
-
Chú ở phố về. Cháu chào hai ông ạ.
- Ờ.
-
Thực xuống xe, cố ý khệnh khạng cái thân hình kềnh càng:
-
Hôm nay tao tiếp hai ông đây. Bảo nó làm mấy món quê, cá quả hấp, gà ác bọc đất
nướng, canh chua Sài Gòn.
-
Thưa, rượu thì vẫn "Mác-tin sương mù" ạ?- Gã cháu lễ phép hỏi.
-
Vứt mẹ rượu Tây đi. Cồn chứ báu gì. Lấy rượu thuốc hạ thổ.
Gã
cháu cúi mình thấp hơn,"dạ" to, rồi chạy đi. Lâm và Đắc cùng phì cười
vì cảnh thày trò phường chèo nhà quê ngày xưa mà chắc là Thực cố ý phô diễn với
bạn cũ. Chợt Thực gọi giật gã cháu lại:
- À
Tạc, tao bảo. - Thực ghé tai gã cháu, nhưng vẫn để hai ông bạn nghe rõ - Ăn
xong, sửa soạn cho chúng tao món "ấy". Vào làng tìm loại kha
khá.
Tạc
toét miệng cười, dạ lần nữa rồi hớn hở chạy đi. Lâm hỏi Thực:
-
Âm mưu gì thế, lão chủ trại?
-
Ông chậm hiểu quá.- Đắc bảo Lâm - Để trả thù cho thời gian khổ, tay Nghị Hách
tái thế này sẽ đãi cánh ta cái món quê ấy, hiểu chửa?
Thực lại vênh vang: Đừng có đùa.
Lâm
ngồi trên chiếc ghế xích-đu ngoài hiên. Đầm nước loáng ánh chiều đỏ sẫm. Cánh
đồng yên tĩnh, gợi buồn. Lâm nhớ những buổi chiều trung du ngày trước.
Đồi
cỏ gianh nham nhở những mảng đất đỏ như cháy dở. Những tàu lá cọ hình vết mực
tung toé. Trời cao xanh không một vẩn mây mỏng. Mặt trời thả sức trút nhiệt
lượng thiêu đốt những ngọn đồi. Cuối ngày, đám sinh viên đói khát trở về, đầu
đội những bó cỏ gianh in hình trên nền trời màu sắt nung đang nguội dần. Bộ ba
Đắc, Thực và Lâm ở trong số đó. Họ cắt cỏ gianh để lợp nhà lớp học sơ tán.
Trời tối hẳn. Mâm thức ăn bày trên cái sập gụ lớn. Thằng Tạc đứng hầu. Thực bê bình rượu thuốc lớn rót ra chén, tự đắc:
Trời tối hẳn. Mâm thức ăn bày trên cái sập gụ lớn. Thằng Tạc đứng hầu. Thực bê bình rượu thuốc lớn rót ra chén, tự đắc:
-
Hổ mang, cá ngựa, sơn dương ngọc hoàn, dâm hoắc hương đấy. Đừng có đùa.
Họ ăn uống. Những thức bổ béo và rượu thuốc
ngấm râm ran khắp cơ thể. Lâm chống đũa hỏi Thực:
-
Nhiều thịt mà ít rau. Sao ở đây ông không trồng rau cải đắng. Về đất này, nhớ
rau cải của thôn Sơn Hạ ngày xưa quá.
-
Lại hồi ký.- Đắc cười Lâm.
-
Kệ mẹ rau cải Sơn Hạ. Ăn đi. Đồ cổ! - Thực mắng Lâm bằng cái câu ngày xưa họ
thường dùng cho những kẻ hủ hậu, gàn dở.
Ban
chiều, trên đường đến trang trại, trong khoang xe mát lạnh, Lâm nhìn lại cảnh
trung du. Ô-tô bị nghẽn vướng một cái chợ bên đường. Những dãy lều quán có sàn
lửng, mái lợp cỏ tranh. Tất cả cũ nát, xiêu vẹo già nua như từ những thời ấy
còn sót lại. Trong đám người lam lũ đang mua bán dưới nắng kia có Hạ không? Lâm
dừng mắt ở một gánh rau cải. Những lá cải bẹ mập mạp, non tươi, mép lá quăn cầu
kỳ như muốn làm dịu cái dáng to thô dày của tầu lá. Rau cải ở độ ấy, luộc kỹ
chấm với nước mắm có dằm quả trứng luộc, ăn vã, bao nhiêu cũng không chán. Còn
để trên đồng thêm vài bữa nắng nữa mới hái về, đem muối lẫn với rau dăm, hành
hoa nguyên củ, ngâm trong vại chỉ đến mức tai tái hơi ngả màu vàng chanh, ăn có
vị chua non, mà vẫn còn sót chút đăng đắng hăng hăng của cải tươi. Nếu cho ít
khẩu mía tía bổ nhỏ lót đáy vại, nước dưa sẽ nổi tăm thoảng hơi men như một
loại rượu vang. Thứ dưa ấy ăn kèm với muối vừng lạc thì, như dân Sơn Hạ nói,
"tốn cơm lắm!" Người đàn bà gánh rau ấy, cũng vai áo bạc sờn đẫm mồ
hôi, dáng nhẫn nhục, cam chịu. Nhưng không phải Hạ.
Liệu hai gã Đắc và Thực có nhớ cái xóm đạo dưới chân núi với cô bé Hạ
không? Thực đã từng giả một thày dòng để được Hạ cho rau cải. Thực ăn hàng bát
to rau cải chấm nước muối ớt cho đến đầy bụng, rồi ngồi đờ ra, mắt ươn ướt, dại
dại. Không hiểu đó là sự thỏa mãn của loài ăn cỏ, hay nỗi đau khổ của kẻ sĩ
không có đủ chất ngũ cốc để dung dưỡng cái sức vóc thư sinh.
Bây
giờ, Thực ngồi trên sập gụ, núc ních như Di Lặc, cười nói và nhai nuốt. Cái
thân hình ùn lên từng u thịt được nhét cẩu thả vào bộ pyjama lụa bóng. Có lẽ
hắn béo ra từng ngày nên quần áo ngủ cũng chật.
-
Bụng thế này mới là bụng chứ.- Đắc nhìn bụng Thực thán phục.
-
Các em bán quán mê lăn mê lóc cái bụng này.- Thực tự hào.- Nhận của đút nhiều
hay buôn bán gì mà phất thế? - Đắc hỏi Thực - Nhà nọ, nhà kia trên phố rồi
trang trại ở đây. Khéo không lại bị tóm, rồi nộp trang trại tư để vào nhổ cỏ ở
trại công.
-
A, đầu tư hàng tấn tiền mà không nhận của đút thì bao giờ mới hoàn vốn được.
Nhưng thu nhập chính của bản chức là buôn hàng độc. Còn trại công mà ông nói
thì chỉ để chứa bọn tép riu. Riêng bản chức, ngoài cương vị cao trọng của bản
nhân, còn có kim bài.- Thực đập đập tượng trưng vào túi ngực - Quan quân các xứ
nhìn thấy là cúi rạp. Buôn lậu mà để bị bắt thì đích thị là buôn lậu. Còn buôn
lậu mà không ai dám bắt thì là làm ăn đàng hoàng.
-
Từ đây đến Sơn Hạ chừng ba chục cây số, có bao giờ ông đánh ô-tô trở lại đấy
không?- Lâm như không dứt được những kỷ niệm, hỏi Thực.
-
Về đấy làm gì. Họ nhớ mình là thằng đếch nào. Trông dáng này, lại xe riêng, dân
chúng tưởng quan to, kéo đến khiếu kiện gì thì lôi thôi. Mà ở đấy liệu còn ai.
Có khi họ chết cả rồi.
*Thực nói đúng. Có thể những người thời ấy đã chết cả. - Lâm nghĩ - Sự
kham khổ cực nhọc làm tuổi thọ của dân Sơn Hạ rất ngắn. Họ nuôi gà, lợn để bán,
còn chỉ ăn một chút vừng, lạc, và rất nhiều rau cải. Khắp đồng bãi toàn rau
cải. Họ thức dậy rất sớm, cầu kinh trong ngôi nhà thờ nhỏ long lở rêu phong xây
dựng từ thời các nhà truyền giáo người Y-pha-nho đến đây. Họ làm lụng quần quật
ngoài đồng. Thân hình họ quắt queo, chỉ trên dưới bốn mươi tuổi là suy sụp rồi
bị quật ngã bởi những bệnh tật quái gở hiểm hóc như bướu cổ, chân voi, báng, ho
lao và hủi. Tuổi thanh xuân của họ ngắn ngủi chỉ đủ để duy trì nòi giống chứ
không phải là quãng đời dành cho hoan lạc. Nỗi đói khát nhục thể giày vò họ
ngay cả trong giấc ngủ.
Ông
già Độc hồi đó còn kém Lâm bây giờ đến gần chục tuổi. Vậy mà trông ông như đã
trăm tuổi, thảm hại như một cái xác ướp biết đi. Nhìn ông vừa thương hại, vừa
thấy ghê sợ đến phát ghét. Cả thôn chỉ có Hạ, con dâu ông Độc là tươi tắn, dù
sự tươi tắn có chìm dưới một lớp u uẩn khó hiểu thường có ở những nữ tu.
Thôn Sơn Hạ nằm gần chân núi Thằn Lằn, một dãy núi thấp, giống hình con
vật bò sát khổng lồ nằm rình mồi. Bên kia núi là hồ Đại Lải. Sông Cà Lồ lượn
qua rìa thôn. Những cái tên nghe như trong truyện truyền kỳ, thần quái. Hôm mới
về nơi sơ tán, Lâm đạp xe quanh khu hồ Đại Lải mãi không tìm được lối đến thôn
Sơn Hạ. Trời tối dần. Lâm đang sợ cảnh phải một mình trong đêm, giữa vùng đồi
núi hoang, thì gặp ông Độc đi bán củi về. Lâm hỏi đường và được ông đưa về Sơn
Hạ.
Sinh viên ở rải rác mấy thôn liền. Ngôi nhà Lâm, Đắc và Thực ở nhờ nằm
cạnh sông Cà Lồ. Ba gã sinh viên gày còm cởi trần, đen nhẻm còng lưng leo dốc
bờ sông gánh nước bằng những nồi đất nung, như cảnh lấy nước thời trung cổ.
Hàng ngày, họ tự nấu ăn lấy. Chỉ có lạc rang mặn và rau cải luộc thật nhiều, ăn
độn với cơm. Nước rau thay nước uống luôn.
Một
buổi chiều, ba gã sinh viên ra cánh đồng mua rau. Họ đã chọn thửa ruộng của một
cô gái xinh xắn, hy vọng người đẹp không bán đắt.
-
Các anh cứ chọn rau, nhẹ tay hộ em.- Giọng cô êm ái, lẫn trong tiếng chim hót
quanh đấy, nghe thật dễ chịu. Nhưng khi tính tiền, người đẹp nhìn đống rau, nói
một giá làm những hàn sĩ phát hoảng. Đắc cáu:
-
Đi ruộng khác vậy. Không phải gánh ra chợ, lại bán đắt quá ở chợ.
Thực để tay lên ngực, ngước nhìn trời, giọng
du dương:
-
Chúa Giê-su đã nói với người bán rau ở thành Na-da-rét rằng: "Nay, ngươi
rao giá cắt cổ với người anh em đói khát của mình, sau này dù có trả giá cao
gấp nghìn lần để mua tấm vé vào nơi nước Chúa thì Thánh Phêrô cũng chẳng hề
nghe thấy tiếng kêu của ngươi, đặng mở khoá cánh cửa Thiên đàng." Ba gã
lúc rỗi rãi đã đọc những cuốn sách đạo cũ kỹ nhàu nát của nhà chủ và Thực đã
chế biến đi theo cách của hắn.
Cô
gái đứng chết sững. Gã thầy dòng giả hiệu kéo cả bọn bỏ đi. Cô gái hốt hoảng
gọi, nhưng Thực cười bí ẩn, không cho hai gã bạn quay lại.
Ngay chiều tối hôm ấy, cô gái đem một rổ rau lớn đến biếu các anh sinh
viên và xin lỗi về chuyện nói thách.
...Cô gái là Hạ, tên thánh là Anna. Cứ cách hai ba ngày, Hạ đem rau cải
đến cho bọn Lâm. Cô không lấy tiền, còn ngồi nhặt rau rồi xuống bến sông rửa
hộ. Thực đắc ý: "Rồi ta sẽ đưa người nữ lòng lành này lên Thiên đàng cùng
ta."
Chồng Hạ đi bộ đội, tử trận ở miền Nam. Hạ sống với bố chồng. Chính là
lão Độc. Những hôm Hạ bận, lão Độc đem rau cải đến với vẻ thành kính trước
những chú sinh viên học rộng nhiều chữ nghĩa lại giỏi kinh sách. Ba gã sinh
viên trở nên thân thiết với Hạ, chiều chiều họ ra đồng giúp Hạ tưới rau.
Sau
lần thuyết giáo để lấy rau cải, người ta đồn Thực đã từng học trường dòng, tinh
thông giáo lý. Các ông bà già trong thôn thường đến nhờ Thực giảng giải cho
những chỗ khó trong Kinh Thánh. Cái thôn đạo hẻo lánh này, chỉ vào những ngày
lễ trọng, giáo dân đến nhà thờ chính cách đấy hơn chục cây số mới được nghe cha
xứ giảng đạo. Hàng ngày, họ ê a những bài kinh truyền miệng qua nhiều thế hệ, ý
nghĩa mù mờ rắc rối, và còn sứt mẻ như chính ngôi nhà thờ của họ, mà chẳng hiểu
gì mấy.
Từ
đấy, Thực chăm tìm đọc sách đạo để giảng cho giáo dân, chỗ nào tắc tị thì bịa.
Các cụ chiên già đem theo trứng, vừng, lạc, đỗ và các thứ nông phẩm khác thành
kính biếu "thày Thực". Có lần người ta còn biếu cả một con ngan. Ba
gã sinh viên béo lên vì cái nghề phụ của Thực.
Có lần
ông Độc đem đến một nồi cá kho. Ông rụt rè hỏi Thực:
-
Thưa cậu, tôi thấy trong kinh Phúc âm có đoạn Chúa Giêsu nói với thánh Simôn
lúc còn làm nghề chài lưới, rằng: "Từ nay ngươi không bắt cá nữa. Ta sẽ
dạy ngươi cách bắt người". Thế nghĩa là thế nào? Sao lại bắt người, hả
cậu?
Thực cất giọng êm như ru:
-
Chúa có chủ ý chọn ông Simôn làm tông đồ. Simôn trước đó được Chúa làm phép lạ
giúp cho đánh được rất nhiều cá, cả cá lành lẫn cá dữ. Chúa muốn nói, dù Simôn
đánh bắt được nhiều cá dữ cũng chỉ là làm việc thiện với loài cá nhỏ. Còn con
người thì có nhiều kẻ làm điều ác với muôn loài. Chúa sẽ giúp Simôn bắt những
kẻ ác để trừng trị.
Ông
Độc ra về tỏ ý thán phục "thày Thực" lắm. Lâm bảo Thực:
-
Mày giảng láo như thế thì đáng bị pháp đình giáo hội thiêu sống. Chúa nói thế
có nghĩa là từ nay ông Simôn sẽ không làm nghề đánh cá nữa, mà đi theo Chúa làm
công việc thu phục lòng người.
Thực nhìn Lâm ra vẻ thương hại, làm dấu thánh cho Lâm:
-
Con ngu muội lắm. Lão Độc thì hiểu "thu phục lòng người" là cái đếch
gì. Giảng đạo Chúa phải biến hóa cho đám dân ngu muội của nước Chúa được thông
đạt. Cầu cho con ra khỏi u mê, theo lối sáng của ta, để được ăn no.
Amen...
Lâm
bảo: - Đó cũng là sự lừa đảo. Từ nay ta sẽ gọi mi là Juđa Thực.
Tiệc tàn. Thằng Tạc dọn mâm bát, bày đồ tráng miệng. Thực đang bàn một
chuyện làm ăn với Đắc. Nhìn thấy gã Thực-quỷ-đói ngày xưa trở thành tư sản, Đắc
đã xin làm tay chân cho Thực, hòng đổi đời.
-
Từ biên giới đến hết địa phận H. , là việc của chú mày, đấy là đất nhà chú mày,
liệu mà xử cho êm. - Thực lên mặt ông chủ - Còn tuyến sau, ta giải quyết. Nhưng
chú mày chỉ lo phần cơ bắp, tức là vận chuyển. Đệ tử của ta sẽ đi theo để giám
sát và bôi trơn các nút dọc tuyến.
Đắc
chậm chạp ăn xong quả chuối ngự, rồi gật gù: - Huynh yên tâm. Luồng lạch xứ ấy
trong lòng bàn tay đệ.
-
Đừng có đùa. Toàn ô-tô xịn, lại đánh xuống second-hand (dùng rồi). Không có
"kim bài" này thì Tôn Hành Giả cũng đừng hòng lọt. - Thực lại vỗ vỗ
tượng trưng vào túi chiếc áo ngủ chật căng. Hai gã bàn về một vụ buôn lậu ô-tô
vượt biên giới.
Thằng Tạc cho dọn những phòng ngủ, rồi cầm chiếc đèn pin biến vào bóng
tối. Chừng mười giờ đêm, Tạc dẫn về ba cô gái trẻ. Những cô bé đứng nép sau
Tạc, bám vào nhau khúc khích cười. Đúng gái quê. Thực đã không nói đùa. Thực
bật cười vì bộ dạng hoảng hốt của Lâm:
-
Chỉ có ma biết ông đã làm gì ở đây. Mai, về hội nghị, lại lên mặt mô phạm.
-
Như tráng miệng một cái bánh sau bữa cơm chứ quan trọng đếch gì. Đừng để phí
rượu bổ của sếp Thực.
-
Đắc khích thêm.
Lâm
đứng trước cửa màn, cô gái quê nằm chờ sẵn, mình phủ tấm vỏ chăn. Lâm thấy như
khó thở, hình dung ra những gì dưới lớp vải mỏng ấy. Dưới ánh đèn ngủ, nét mặt
cô bé ngây thơ, cặp mắt trẻ con mở to nhìn Lâm đầy ác cảm như nhìn một kẻ sắp
làm hại mình.Lâm hỏi:- Lần đầu phải không?
Cô
bé khẽ gật và kéo chăn lên tận cằm.
-
Có sợ không? - Lâm lại hỏi. Cô bé lại gật. Lâm tin cô bé nói thật. Anh ra ghế
ngồi, không biết phải làm thế nào.
-
Tên là gì? - Câu hỏi vô nghĩa, nhưng cô bé sốt sắng trả lời ngay:
-
Cháu tên là Hạ!
Lâm
nhói buồn. Hồi ấy Hạ cũng trạc tuổi cô bé này, đẹp hơn, nhưng không hồn nhiên
như thế kia. Lát sau, anh gọi khẽ, cố nhắc nhiều đến cái tên "Hạ":-
Hạ! Hạ này... Hạ về đi. Chú không cần đâu.
-
Thế... cháu có được tiền không? - Cô bé lo lắng hỏi.
-
Có, chú cho trước một ít, rồi xuống gặp Tạc lấy nữa.
Cô
bé nhét tiền trong áo lót ngực rồi ra khỏi phòng, miệng lí nhí như chào, như
cám ơn. Sáng mai Lâm sẽ ra vẻ hớn hở để cho hai gã kia khỏi chửi là "Đồ
cổ".
***
Nửa
đêm, trời mưa. Những hạt mưa rơi trên những tàu lá chuối ngoài vườn, lộp độp âm
vang như rơi trên mặt trống. Tiếng mưa ngày xưa ở vùng đồi nghe đanh hơn. Có lẽ
vì mưa rơi xuống mặt đất khô cứng. Lâm lại nghĩ đến thôn Sơn Hạ, đến Hạ. Nếu
như không có cái hội nghị ở vùng trung du này, có thể Lâm sẽ dần quên đi những
ngày xưa ấy. Nhưng hai gã bạn cũ, những ngọn đồi cháy nắng và cơn mưa đêm đã
gợi nhớ.
Lâm
bị cảm nắng, nằm liệt giường. Hạ đem rau cải đến đúng lúc Lâm đang nằm ôm đầu
khẽ khóc như một đứa trẻ nhớ mẹ. Hạ về nấu cháo đỗ xanh cho Lâm ăn giải cảm.
Đêm mưa, ngột ngạt hơi nước. Tiếng mưa trên mặt đất cằn, trên những tàu lá cọ
đanh cứng. Lâm lại nhớ mẹ. Một bàn tay luồn nhẹ vào màn, đặt lên trán Lâm. Tay
của Hạ. Lâm giữ bàn tay mềm mại dịu mát ấy rất lâu, rồi áp vào môi. Hạ khẽ rút
tay ra, thì thào: "Anh uống thuốc đi." Cô cắn vỡ hai viên thuốc sê-đa
đưa cho Lâm.
Đắc
có việc về Hà Nội từ chiều. Thực ngủ say như chết ngoài hè.
"Em
về đây."- Hạ thì thào. Lâm nài nỉ: Ở lại với anh lúc nữa. - Muộn lắm rồi.-
Hạ rón rén đi ra. Thực nằm trên cái chõng ngoài hiên ngáy rất to.
Mùa
đông, trong những ngôi nhà tranh trên ngọn đồi hoang hun hút gió, sinh viên co
ro khoác những tấm áo bông mỏng bạc phếch ngồi nghiền ngẫm lý thuyết về quản lý
kinh tế xã hội.
Hà
Nội bị oanh tạc dữ dội vào ban đêm. Trên đường rút lui, máy bay Mỹ trút những
quả bom còn lại xuống các làng quanh Sơn Hạ. Ban đêm, trai trẻ trong thôn rủ
nhau ra đồng ngủ để tránh bom, nghĩ rằng máy bay chỉ ném bom vào làng. Họ xếp
những tảng đất cứng thành ụ tròn đặt vừa hai tấm phản, trên gác những cây tre,
phủ chiếu cói, rồi chui vào đó ngủ. Sinh viên cũng theo dân ra đồng. Dân Sơn Hạ
quý các chú sinh viên vui tính đã làm cho cái thôn nghèo hẻo lánh sinh động
lên. Và họ cũng biết sau chiến tranh sinh viên học thành tài sẽ có ích hơn
những người thường, nên các chú sinh viên được nằm ở giữa, chỗ được coi là ấm
và an toàn nhất. Lâm tìm cách gần gũi Hạ nhiều hơn. Hạ chỉ cười và né tránh. Nụ
cười buồn trên khuôn mặt xanh xao nhợt nhạt. Hạ ốm hay nhà Hạ đang túng đói?
Trận rét vừa rồi lũ lợn vẫn thả rông trong làng bị dịch nằm la liệt khắp bờ
bãi. Đàn lợn nhà Hạ chết hết. Rồi Hạ không đến chỗ ba gã sinh viên nữa. Lâm
nghĩ là tại mình, nhưng không thể nói ra với hai gã kia. Thực đã xin đổi đến
phân hiệu sơ tán gần Hà Nội, vì mẹ hắn ốm nặng. Bộ ba chỉ còn hai.
Một
hôm, trong bữa ăn, Đắc bảo Lâm: - Mày có biết vì sao em Hạ không đến với bọn
mình nữa không?
-
Vì sao?- Lâm buông bát, nhìn Đắc chằm chằm.
-
Em chửa hoang!
-
Nói bậy! Chửa với ai?- Lâm choáng váng.
-
Tất nhiên không phải là chửa với tao. Tự tao biết. Cũng không phải với mày, vì
mày là đồ thỏ đế, dù Ban giám hiệu cho phép, mày cũng không dám. Thằng Thực-quỷ-đói
thì chỉ cần rau cải.- Đắc phân tích.
-
Vậy Hạ có chửa với ai?- Lâm hỏi dồn.
-
Làm gì mà cuống lên thế. Vểnh tai nghe cho thủng đây: Hạ chửa với bố chồng! Cả
thôn đang sôi sùng sục lên. Lão Độc có khi đi tù chứ chẳng chơi. Còn em Hạ của
chúng ta sẽ bị cạo trọc, quét vôi thả trôi sông Cà Lồ.
Lâm
kinh ngạc, rồi uất ức. Hôm đầu tiên gặp lão Độc, Lâm thấy lão là người hiền
lành, tốt bụng. Sao Chúa không vật chết lão quỷ sứ ấy đi.
-
Theo môn Sinh vật học lý thú thì chuyện này hợp tự nhiên.- Đắc vừa nói vừa nhai
rau sồn sột - Lão Độc không phải là quan hoạn, mà em Hạ thì quá hấp dẫn. Tao mà
là chủ tịch Sơn Hạ, tao sẽ công nhận cuộc phối kết hợp này. Nhưng tự tao phải
kiểm tra xem có đúng em Hạ chửa không.
Lâm
muốn tống vào cái miệng đầy rau cải, vừa nhai vừa nói của Đắc. Chiều tối, Lâm
tìm đến nhà Hạ. Lâm lách qua hàng rào thưa ghép bằng thân cây sắn tầu, rón rén
bước lên hiên ngôi nhà nhỏ như túp lều. Lâm nhìn qua khe cửa. Hạ ngồi dựa lưng vào
thành chiếc giường tre, đắp tấm chăn mỏng màu nâu vá víu. Mặt Hạ trắng nhợt,
đầu ngoẹo về một bên mệt mỏi, cái bụng tròn nhô lên. Lão Độc bưng bát thuốc kề
tận miệng Hạ:- Chịu khó uống đi, con. Uống đi, không thì bố đến chết mất thôi.
Hạ
đưa tay bưng mắt, vai run lên. Lão Độc vẫn nài nỉ. Trông chướng như lão chồng
già săn sóc cô vợ trẻ, miệng lại "bố bố, con con". Lâm muốn chửi thật
to, thật tục tĩu; nhưng cố nén, khẽ đặt hộp sữa bò và gói đường xuống bậc thềm
đất, rồi len lén giật lùi ra xa.
- Ai? - Tiếng lão Độc quát to. Lâm co cẳng
chạy ra bờ sông Cà Lồ.
-
Quân giết người!- Lão Độc gầm lên như thú dữ. Hộp sữa bay sượt qua vai Lâm, rơi
tõm xuống sông. Gói đường vãi tung toé trên mặt đất. Lão Độc đã ném gói đường
sữa với lòng thù hận ghê gớm.
Chắc có nhiều kẻ tò mò thường rình xem cái cảnh đồi bại của nhà lão,
khiến lão phát điên lên vì nhục nhã và căm giận. Hay lão nhầm Lâm với kẻ thù
nào đó của lão?
***
Hạ
đẻ thiếu tháng, đứa con chết trong bụng mẹ. Lão Độc bỏ làng đi biệt. Có người
bảo lão đã nhảy xuống sông Cà Lồ tự tử, dân mạn hạ lưu vớt được xác, vùi trên
bãi. Sau, lại có người bảo lão trốn lên Yên Bái làm tiều phu rồi chết rấp ở xó
rừng nào đó. Đáng đời lão. Lâm không còn nhìn thấy Hạ ngoài cánh đồng rau nữa.
Hình như cô ta làm đồng vào ban đêm. Chẳng một ai bén mảng đến nhà Hạ, như thể
đó là nơi ở của một con hủi. Lâm cũng không dám đến từ biệt Hạ khi nhà trường
dọn đi nơi khác. "Để cho Hạ được yên"- Lâm đã nhún vai nghĩ thế. Ra
vẻ trí thức, văn minh lịch sự lắm; nhưng thật ra Lâm sợ bị nghi dính líu tới vụ
tai tiếng ấy. Đêm trang trại được nghe tiếng dế nỉ non trong vườn và tiếng ếch
nhái gọi nhau ngoài bờ đầm. Cả tiếng cá quẫy. Có tiếng kêu trong vắt trên cao
của một con vạc cô độc. Cho đến khi có tiếng gà gáy, Lâm trở dậy, đầu óc tỉnh
táo trong sạch như vừa qua một sự thanh lọc màu nhiệm. Thằng Tạc dọn mâm cháo
gà lót dạ. Thực húp soàm soạp hết một bát to. Đắc cũng hào hứng sì sụp ăn, nét
mặt thoả mãn và luôn tỏ ra săn đón, lấy lòng Thực. Đắc đã tự nguyện làm thuộc
hạ của Thực trong đường dây buôn ô-tô.Trên đường trở về hội nghị, ba người im
lặng. Lâm nhìn ra cửa xe. Vẫn trung du, cọ tung toé những vết mực xanh trên nền
trời không một vẩn mây. Lại những quán chợ cũ kỹ xiêu vẹo như dấu tích của thời
cổ.
-
Thế nào, đêm qua, em Hạ phục vụ tốt chứ, sếp Lâm?- Thực hỏi.
-
Cũng tàm tạm. - Lâm trả lời qua quýt, để khỏi bị chê là "Đồ cổ".
-
Lại còn tàm tạm.- Thực cười giễu - Cái tên "Hạ" ấy là do tôi dặn nó
khai với ông thế. Cho ông đã đời. Lúc chó nào cũng tơ tưởng về thôn Sơn Hạ với
em Hạ.
-
Đồ đểu!- Lâm buông một câu không ra đùa, không ra thật.
Thực thích trí cười ha hả. Đắc cười theo. Rồi Thực hớn hở: - Bây giờ,
nhân về lại xứ này, ta công bố một bí mật trong hồ sơ lưu trữ hơn hai chục năm
nay. Đoạn này phải "mày, tao" mới khoái. Thằng Lâm còn nhớ cái đêm
tao với mày áp tải xe chở tre nứa dựng trường học, từ Hà Nội về Sơn Hạ không?
Cái chuyến có em Hạ đi nhờ ấy. Tao đưa Hạ xuống ruộng ăn trộm dưa, nhớ chứ? Hồi
ấy chúng mày như hai thằng mù, không hề biết tao đã chập với Hạ từ lâu. Ban đầu
em làm bộ tí chút, nhưng thoát làm sao được cái giọng thày dòng lâm ly của tao.
Dưới ruộng dưa, tao đã làm cái việc cần làm. Còn cái lần thằng Lâm ốm, Hạ đem
thuốc đến, nhớ không? Mày tưởng bở, túm tay em hôn hít theo kiểu Tây cổ điển.
Rồi, trong khi mày ngủ ngon với hơi hướng bàn tay phân gio chăm bón rau cải của
Hạ thì tao và em lại làm cái việc cần phải làm. Cha Thực này đã hứa sẽ đưa em
lên Thiên đàng mà. Hơn tháng sau, em thông báo là có chửa. Tao hoảng quá. Đuổi
học, ghi lý lịch, đời tàn là cái chắc. Đừng có đùa! Thế là tao
"thuốc" em, bảo em cứ kệ điều tiếng, để tao yên ổn học xong, sẽ cưới.
Em tưởng thật, liền OK. Còn tao, tẩu vi thượng sách". Thực cưòi hô hố. Cái
bụng phệ rung lên. Chiếc xe loạng choạng. Đắc lại cười theo, cười nịnh: - Đại
ca Thực cao thủ quá. Cuối cùng lão Độc đổ vỏ ốc. Trong phiên cuối hội nghị các
chuyên gia kinh tế xã hội, Thực lên diễn đàn bác bỏ mấy ý kiến phản đối những
đề xuất không có tính khả thi trong dự án của gã về nâng cao chất lượng sống
cho những người có thu nhập thấp. Thực được hoan nghênh vì nhũng lý lẽ xác đáng
của gã được trình bày bằng chất giọng thày dòng bẩm sinh, du dương, thuyết
phục.
*Bộ
ba sinh viên cũ chia tay nhau. Nhìn ngoại hình gầy còm "chậm phát
triển" của Lâm, Thực nhét vào túi bạn xấp tiền "cho lũ trẻ ăn
quà". Nhưng Lâm cười nhạt, ngăn bàn tay béo múp với xấp tiền. Thực lắc
đầu: - Đồ cổ! Vẫn sĩ diện như trước. Phải thay đổi tư duy thì mới có ô-tô,
trang trại chứ! - Rồi Thực quay sang Đắc hạ giọng nhắc lại cái hợp đồng miệng
về vụ áp-phe ô-tô: "Nhớ đấy. Chú mày lo phần cơ bắp. Bôi trơn dọc tuyến,
ta giải quyết. Mười phần trăm lãi là của chú mày. Bao giờ thực hiện phi vụ mới,
người của ta sẽ đến giao việc. Đừng có đùa."
Lâm
một mình tìm về thôn Sơn Hạ. Buổi chiều trở gió, lành lạnh. Cái thôn nhỏ dưới
chân núi có khác trước ít nhiều. Mấy ngôi nhà mái đúc bê tông quét vôi xanh đỏ
khoe ra mặt đường. Vài cây cần ăng-ten ti vi vươn lên ngất ngư. Người đi làm
đồng lác đác trở về thôn. Không một nét mặt quen thuộc ngày xưa. Lâm hỏi một
ông già vác bó lá cọ từ trên đồi xuống. Ông ngớ ngẩn lắc đầu khi Lâm nói những
tên người. Ông già trông xấu xí khổ hạnh như lão Độc, nhưng chắc là thuộc thế
hệ con cháu lão Độc. Cái buổi chiều lạc đường hồi ấy, giữa vùng núi đầy chướng
khí và những chuyện thần quái, Lâm đã gặp lão Độc. Lão Độc khốn khổ. Và Hạ nữa,
Anna Hạ khốn khổ ơi! Lâm thấy lại trong miệng vị đắng của rau cải thôn Sơn Hạ
ngày xưa. Lâm ngồi xuống bờ gạch ngôi mộ cổ, trên có hình thập ác. Cánh đồng
ven sông bây giờ kín đặc những cây mía lá nhọn tua tủa người ta trồng cho nhà
máy đường. Không còn màu hoa cải vàng rực vào vụ này. Ước gì được gặp lại dù
chỉ một khuôn mặt thân thuộc; những người đã nhường cho bọn Lâm chút nông phẩm
hiếm hoi, săn sóc bọn Lâm khi ốm đau, dành chỗ ngủ yên ấm và chịu đựng cả những
ê chề thay cho bọn Lâm. Những người ấy đâu rồi?...
Ngọc Châu gửi đăng.
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập
nhật lại- ngày 02/01/2016
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 30/11/2010
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Liễu Chương Đài – Truyện ngắn Bão Vũ (Hải Phòng)
Liễu Chương Đài – Truyện ngắn Bão Vũ (Hải Phòng)
Ngày
10/03/2011
"Năm
sau, Hàn Hoành trở về Trường An, tìm lại ngôi nhà ở phố Chương Đài, thì Liễu
thị đã biệt tăm"...- Ông Giả ngừng kể, nhìn vào mặt Sinh mỉm cười.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Bão Vũ
Bút danh Bão Vũ
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
Địa chỉ: TP. Hải Phòng
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
LIỄU
CHƯƠNG ĐÀI
"Năm
sau, Hàn Hoành trở về Trường An, tìm lại ngôi nhà ở phố Chương Đài, thì Liễu
thị đã biệt tăm"...
Ông
Giả ngừng kể, nhìn vào mặt Sinh mỉm cười. Đôi mắt lấp lánh láu lỉnh tinh
nghịch, không có vẻ là một ông giáo già về hưu. Và Sinh thấy hơi rượu phả ra từ
miệng ông Giả có mùi thơm dịu ngọt, rất lạ. Có lần Sinh hỏi vì sao uống thứ
rượu tiểu thủ công rẻ tiền, được chế biến theo cách cẩu thả và ăn gian nguyên
liệu mà ông lại thở ra hương thơm như vậy. Ông Giả cười không nói gì. Sau, Sinh
mới biết nhiều người khác uống rượu với ông Giả cũng đã hỏi như vậy. "Mình
cũng không hiểu sao lại thế. Có lẽ cơ thể mình có cấu tạo giống con chồn hương,
chỉ ăn uống những thứ bình thường nhưng lại thải ra chất thơm có nồng độ đậm đặc
hơn cả nước hoa Cologne của Pháp". Sinh kết luận: "Bố là "Hàm
hương nhân"; là một kỳ nhân, trong người có trữ chất thơm. Uống rượu với
bố rất kinh tế. Chỉ cần uống rượu rẻ tiền mà vẫn được hưởng mùi quý". Họ
cùng cười.
Hôm
đầu tiên được Sinh đãi rượu, ông Giả ngậm ngụm rượu nhăn mặt như muốn nhổ ra;
rồi lại cố nuốt ực, có lẽ ông sợ Sinh phật lòng.
-
Chắc bố sành rượu lắm. Xin lỗi bố vì ngân sách vợ cấp không cho phép con đãi bố
rượu khá hơn.
-
Lỗi gì đâu. - Ông Giả cười. - Nhưng đúng là "nước đái quỷ". Nấu rượu
tồi là phạm trọng tội với quỷ thần. Rượu là chất nước thiêng mà con người không
thể tự chế ra nếu không được thần linh mách bảo. Mà thần linh đâu có dạy nấu
thứ rượu này.
Sinh
nhớ đến lời kêu ca của Thục, vợ anh? Cái lão giáo hữu vô tích sự ấy có bùa bả
gì mà cứ ngơi ra là lại tìm đến; có đồng kẽm nào cũng dốc ra hầu rượu lão. Sinh
cố nhịn không vặc lại vợ. Anh nuốt khan cho trôi cái cục vô danh trong họng như
ông Giả nuốt cái thứ "nước đái quỷ".
Ông
Giả cũng biết nỗi khổ của Sinh. Có lần thấy Sinh bộ dạng thiểu não, mặt nhăn
nhó như bị đau răng, ông nói bâng quơ: "Cho nên tôi mới một mình một thân
như thế này". Khi lĩnh lương hưu, ông Giả đãi lại Sinh. Chỉ là vài chén
rượu tồi với mấy củ lạc; khá hơn là mỗi người hai cái chân gà công nghiệp.
Hôm
nay, lúc ngồi uống với nhau, ông chợt hỏi Sinh:
-
Cậu giảng Kiều, có bao giờ tán cái tích "Liễu Chương Đài" không?
-
Sách đã chú rõ. Con thấy không cần nói thêm. Mà tích ấy cũng đơn giản.
-
Đơn giản à? - Ông Giả ngạc nhiên.
Sinh
im lặng không biết trả lời sao. Thì vợ chồng xa nhau, nhớ nhung tí chút, rồi
lại đoàn tụ. Chứ có gì đặc biệt. Sinh nghĩ thế, và hỏi ông Giả:
-
Chắc trước kia bố giảng cái tích ấy hay lắm?
-
Một lần có các thầy dạy văn cùng mấy vị trên Sở Giáo dục xuống dự giảng. Hôm
ấy, bình về đoạn "Ki
-
Kiều tái hợp", chợt nhớ lại cái tích được nghe từ hồi thiếu niên, tôi cao
hứng giảng cương ngoài giáo án. Bọn trẻ vỗ tay ầm ầm. Còn các quan Sở và các
thầy phê là lan man vớ vẩn.
-
Bố thử cho con mở rộng tầm mắt một phen. - Sinh hỏi như thách đố.
Thật
ra, tôi chỉ bình phẩm theo câu chuyện bố tôi kể lại. Chuyện có vẻ tam sao thất
bản. Một ông đồ bạn của ông nội tôi kể cho bố tôi nghe trong một cơn say vào
đêm ba mươi Tết. Ông đồ này hỏng thi mấy bận, bất đắc chí; thường đem những câu
chuyện linh tinh trong sách cũ ra kể làm quà, kiếm chén rượu.
Sau
cơn đại loạn ở kinh thành, Hàn Hoành mới xong việc nhà. Chàng trở lại Trường
An, tìm về ngôi nhà cũ của mình ở phố Chương Đài. Ngôi nhà nhỏ hoang tàn. Liễu
thị thì biệt tăm. Chẳng ai biết vợ chàng đi đâu. Hỏi dò hỏi khắp nơi. Lão
Trương bán hàng cơm bảo có lần nhìn thấy Liễu thị ăn mặc sang trọng ngồi trên
xe song mã bên một vị đại quan trông phương phi quyền uy lắm. Mụ Lý béo bán đậu
phụ rong thì thấy nàng ngồi trên ngựa bạch yên cương nạm bạc, châu báu lụa là
phủ kín từ đầu đến chân, song đôi với một võ quan cưỡi ngựa ô, giáp trụ sáng
choang, oai phong lẫm liệt. Mụ bình phẩm, ra vẻ triết lý:
-
Người đẹp đổ quán xiêu đình thế thì trước sau cũng phải vào nơi "lầu xanh
gác tía" thôi; chứ như anh thật làm sao giữ được .
Hàn
Hoành không để ý câu nói như có ý miệt thị chàng; cũng không chấp mụ Lý đã nhầm
lẫn "lầu son gác tía" với "lầu xanh gác tía". Vì, dù có biết
Liễu thị từng là kỹ nữ, mụ Lý cũng chẳng đủ trí tuệ mà chơi chữ như vậy. Và Hàn
cũng không chấp cái chuyện mụ cũng như lão Trương và đám dân phố không còn gọi
chàng là "Hàn công tử", "Hàn tiên sinh" như trước; mà chỉ
gọi trống không là "Hàn Hoành", hay là "anh Hàn".
Nhưng
Hàn buồn lắm. Chàng ngồi bên bờ đầm Lam Thủy cuối phố Chương Đài lặng ngắm cây
liễu. Đang độ xuân, lá liễu tốt xanh mướt chảy dài như dòng suối xanh. Chàng
nhớ ngày trước có một cành liễu vươn ra mặt hồ, rủ sát mặt nước. Khi tiễn Hàn
Hoành về quê, Liễu thị bảo cành liễu đó cũng như cánh tay nàng luôn vẫy theo
chàng. Bây giờ cành liễu ấy chỉ còn một mẩu khô trụi chìa ra như chiếc đuôi
cụt, rất tức mắt. Chẳng biết kẻ nào đã cất công lội xuống nước bẻ cành liễu ấy.
Mấy con vịt bơi qua làm mặt nước sóng sánh bóng cành cây cụt dưới nước lay
động, trông tội nghiệp như cánh tay tàn phế cố vẫy ai trên con thuyền ngoài xa
kia. Hàn nhớ tới bài thơ chàng làm ở quê nhà trong một lần thương nhớ Liễu thị
da diết:
Chương Đài liễu! Chương Đài
liễu!
Tích nhật thanh thanh kim tại
phủ
Túng sử trường điều tự cựu thùy
Giã ung phan chiết tha nhân thủ?
(Dịch thoát: Chương Đài liễu trước xanh xanh. Còn nguyên hay đã bẻ cành
cho ai?)
Lúc
ấy Hàn định bụng khi về Trường An sẽ đọc bài thơ lên để chọc giận Liễu thị, để
rồi họ sẽ làm lành với nhau theo cái cách rất hiệu nghiệm của những cặp vợ
chồng trẻ.
Bây
giờ liễu xanh còn đấy, mà nàng ở tận chân trời góc biển nào.
Ngày
ngày Hàn Hoành đi lang thang dọc phố Chương Đài, ngâm mãi bài thơ cho đến khi
ứa nước mắt, cổ họng nghẹn lại mới thôi. Trẻ con bám theo Hàn đông như đàn vịt,
reo cười, xô đẩy nhau kêu la náo động cả phố. Lão Trương hàng cơm lần nào thấy
Hàn đi qua cũng gọi vào quán bảo ngâm "Liễu Chương Đài". Lão gật gù
nghe rồi thưởng cho Hàn một chung rượu. Có lần cao hứng, lão đem đến bàn của
Hàn một đĩa đậu đũa xào. Lão Trương thuộc lòng bài thơ, vừa chặt thịt vừa ê a
hát "Liễu Chương Đài" theo một giai điệu dã ca vùng quê Phúc Kiến của
lão, đệm thêm những tiếng "Hầy a!..." của những người đang ì ạch nặng
nhọc đẩy xe lên dốc hay kéo gỗ, chống thuyền:
Ngày trước xanh xanh
Hầy a!
Liễu Chương Đài
Ngày trước xanh xanh,
Hầy à!
Hỏi có còn không
Hầy, liễu Chương Đài?
Mụ
Lý béo quẩy gánh đậu phụ bán rong, gặp Hàn, mụ lấy một bìa đậu đưa cho chàng:
-
Hàn Hoành. Hát cái bài có cây liễu ở phố Chương Đài này đi.
Hàn
không một xu dính túi và đã nhịn đói mấy ngày. Chàng cười ngượng, cầm bìa đậu
rồi hát "Liễu Chương Đài" theo điệu dã ca Phúc Kiến của lão Trương.
Nước mắt chàng chảy ròng ròng. Miếng đậu trên tay chàng chảy nước ròng ròng. Mụ
Lý cũng nước mắt đầm đìa, bảo ngày trước mụ xinh đẹp nhất xứ Giang Nam, nhưng
bị gã công tử nhà giàu họ Mã bội tình, mụ chán đời chẳng thiết chăm sóc dung
nhan nên mới ra thế này. Bây giờ nghe bài "Liễu Chương Đài", mụ cám
cảnh mình mà không cầm được nước mắt. Hàn ngắm cặp má bánh đúc và cái mũi tẹt,
cố hình dung ra nhan sắc của mụ ngày trước. Mụ Lý ngượng:
-
Béo quá hả? Dương Quý Phi còn béo hơn tôi nhiều.
Người đẹp Dương Quý Phi quả là có đẫy đà
thật. Nhưng vua Đường Huyền Tôn lại thích những cô gái mũm mĩm, và Dương Quý
Phi biết cách đưa nhà vua lên tận cung Quảng Hàn, trên trời.
Hàn
Hoành trả lại bìa đậu cho mụ Lý, bảo, giá có cái màn thầu ăn thì tốt hơn. Hai
ngày nay chàng không một chút ngọc thực trong bụng. Mụ Lý ái ngại đưa cho Hàn
một đồng xu. Rồi mụ kéo tạp dề lau mắt, quẩy gánh đậu phụ đi, miệng rao lanh
lảnh, tươi tỉnh sảng khoái như trước đó mụ chưa từng khóc cho thân phận mình:
Đậu phụ Chương Đài đây,
Ơ - Ơ - ơi!
Liễu Chương Đài!
Ngày trước xanh xanh,
Ơ-ơi! Đậu phụ Chương Đài!
Hàn Hoành vào quán lão Trương, đặt một xu lên
bàn cho lão yên tâm rồi gọi một thố cơm nóng. Lão Trương cười hỏi:
-
ăn cơm với gì?
Hàn
tặc lưỡi:
-
Chan cơm với nước cháo hoa. Nhưng nếu phải tính tiền nước cháo hoa thì thôi
vậy. Chỉ xin ít tương
-
Tôi đãi đĩa ca la thầu. Ăn xong, cho nghe bài "Liễu Chương Đài".
-
Thế thì xin thêm bát rượu. Loại rượu nhạt cũng được.
Vậy
là một trong những thi phẩm tuyệt tác đời Đường có giá là một bát rượu hạng bét
với đĩa củ cải muối sau cuộc thương lượng về nhuận bút giữa tác giả với nhà
xuất bản. Ăn xong, Hàn ngâm "Liễu Chương Đài", giọng nghẹn vì phải
nuốt thố cơm không có canh rau, mà rượu thì đắng. Trong quán có những thương
gia, những khách giang hồ mệt mỏi, áo khăn nhàu nát bụi bặm. Họ lặng nghe Hàn
ngâm "Liễu Chương Đài". Có người thở dài. Có người đưa ống tay áo
chấm mắt. Biết bao nhiêu Liễu thị đang chờ trên khắp đất Trung Nguyên này.
Hàn
Hoành lang thang trên phố Chương Đài. Bọn trẻ bám theo chàng reo cười ầm ỹ, như
đi theo một người điên. Chúng vừa đi vừa chìa tay vào các hàng quán xin hộ Hàn
những thức ăn. Quần áo chàng rách tươm. Lão Trương thương tình bảo Hàn đến quán
cơm pha trà, ngâm nga thơ phú mua vui cho khách, lão sẽ nuôi ăn. Bài hát
"Liễu Chương Đài" được những khách thương ghé qua quán lão Trương
nghe rồi truyền khẩu đi xa mãi.
Một
buổi tối, Hàn Hoành đang đói meo nằm nhớ vợ trong ngôi nhà lạnh lẽo thì Liễu
thị đột ngột trở về trên cỗ xe ngựa sơn son thếp vàng, như một mệnh phụ phu
nhân. Hàn Hoành hoa mắt, ngỡ đang nằm mơ.
-
Sách nói Liễu thị được Hàn Hoành đem vàng chuộc về từ tay tướng giặc cơ mà, bố?
- Sinh cười hói, như cách lật tẩy một chuyện khoác lác.
-
Sách sai- Ông Giả tỏ vẻ khó chịu- Hàn Hoành là một hàn sĩ lại vừa về quê lo đại
tang, làm gì có vàng. Chính là vì bài thơ "Liễu Chương Đài" đã được
truyền tụng đến nơi đóng quân của tướng giặc Sầm Dự, kẻ đã bắt Liễu thị về làm
thiếp.
Liễu
thị khóc lóc van xin được tha về với chồng: Sầm Dự cũng là kẻ có tình nên động
lòng, cho Liễu thị được toại ý.
Sinh
nhớ cái đêm Thục rời bỏ Nghĩa trở lại với mình.
Anh
đứng ngoài hiên nhà Nghĩa phấp phỏng chờ. Sinh bị ướt sũng khi đội mưa đến đây.
Anh đứng run cầm cập, nghe rõ tiếng trong nhà đang thu dọn gì đó.
-
Thục đem cái màn đôi đi. Tôi vẫn còn cái màn cá nhân - Tiếng Nghĩa
-
Biết làm sao bây giờ, hả trời? Sao chưa đích xác mà họ đã báo tử, để bây giờ ra
nông nỗi này- Thục như kêu lên.
-
Ngày xưa thì bảo tại trời. Bây giờ thì chẳng biết tại ai. Thôi thì Thục cứ về
với người ta. May mà chúng mình chưa có con, đỡ phiền toái. Giấy hủy bỏ hôn ước
tôi làm xong rồi đây. Thục cầm lấy.
-
Anh... Để rồi em nói với anh Sinh.
-
Anh sẽ là anh cả của chúng em. Thỉnh thoảng anh sang chơi.
-
Thế sao tiện. Thục đừng bận tâm về tôi nữa. Rồi tôi sẽ đi khỏi đây. Tôi đã đổi
nhà cho chú Quýnh ngoài bãi rồi. Mà chưa biết chừng tôi sẽ lên chỗ bà cô ở Thái
Nguyên. Thục cố quên chuyện cũ đi.
-
Sao anh phải khổ thế? Anh làm thế chúng em có tội... - Thục khóc.
- Thôi
Thục về đi. Tôi không thể đưa tiễn được.
Cánh
cửa hé mở. Thục đầu trần khoác túi vải, ào ra ngoài trời mưa, như trốn chạy.
Sinh đuổi theo đến đường cái, giữ Thục lại, ôm xiết lấy cô. Anh đã tìm lại được
Thục của anh, không phải Thục trong những giấc mơ giữa rừng lạnh, dưới những
trận bom rải thảm; với cảm giác của một người đói đến phát sốt trong cơn ngủ mê
ăn ngấu nghiến những thức ngon nhưng vô vị như nhai giấy; mà là Thục với thân
hình ấm mềm ngày trước. Nhưng Thục gỡ tay anh, thở hổn hển: "Giữa đường,
người ta thấy, dơ lắm". Rồi cô xách cái túi chạy lên trước.
Thế
là Thục đã dứt được Nghĩa một cách êm thấm để lại là của riêng anh. Hai hôm
sau, Sinh làm bữa cơm để họ hàng mừng anh sống lại, trở về với vợ. Sinh hớn hở
còn hơn cả trong bữa tiệc cưới Thục ngày xưa. Sinh cũng không để ý chuyện Thục
mắt đỏ hoe vì khói, cặm cụi dưới bếp nấu nướng, ít khi lên nhà trên.
Đúng
hôm vợ chồng Sinh ăn mừng, Nghĩa đổi nhà cho ông chú, chuyển ra ngoài bãi sông.
Rồi sau, Nghĩa bỏ luôn cả nghề thợ mộc, mua cái bè nuôi cá lồng, lênh đênh mãi
tận mạn thượng nguồn sông Lãng.
-
Thế rồi cái tay Hàn Hoành ấy sống bên Liễu thị sung sướng đến trọn đời? - Sinh
cười. Chuyện nhạt thế mà bố cũng tán được thì tài thật.
-
Cậu ở trong nghề mà nói thế. Ăn thua nhau là ở cái kết. - Ông giáo Kiên nhẫn
tiến tới đoạn cuối câu chuyện. - Họ gặp lại nhau như tìm lại được báu vật bị
thất lạc. Hàn Hoành như được hưởng lại tuần trăng mật ngày trước. Liễu thị đem
về một số vàng lớn của Sầm Dư tặng cùng cỗ xe ngựa lộng lẫy mà các vị quan lớn
cũng phải thèm muốn.
Hàn
Hoành đổi đời. Hàn béo đỏ ra, khăn áo gấm vóc lụa là xênh xang, bóng láng; ngày
ngày cưỡi con ngựa trắng rong chơi những nơi non xanh nước biếc tìm tứ thơ. Phố
Chương Đài vắng lặng vì không còn chàng hàn sĩ bất hạnh lang thang để hàng đàn
trẻ con đi theo reo cười.
Nhưng
rồi Hàn thi sĩ nhận thấy mình không thể làm thơ được nữa. Đúng ra, chàng làm
thơ không còn hay như trước. Vì không còn nỗi thương nhớ khắc khoải; không có
sự hoài niệm về một quá khứ đẹp đẽ nào, không có khát vọng gì khác ngoài ham
muốn được nổi tiếng vì thơ phú. Mà để làm được thơ hay thì không thế chỉ bằng
khát vọng nổi tiếng. Và cái chính là Hàn không còn rách rưới đói khổ nữa. Người
ta cúi mình trước đầu con ngựa trắng yên cương nạm bạc của chàng, kính cẩn
chào: "Xin vấn an Hàn công tử", "Dạ, Hàn tiên sinh du
ngoạn". Người ta không còn gọi chàng là "Hàn Hoành" trống không
nữa. Và người ta cũng dần quên bài thơ "Liễu Chương Đài".
Liễu
thị có vốn, đóng thuyền đi buôn tơ lụa. Nhà Hàn Hoành lại càng giàu. Chồng tài
họa thơ văn, vợ xinh đẹp thương hồ hái ra bạc.
Nhưng
có một con rắn độc đêm đêm lẻn vào giường ngủ của hai vợ chồng. Đó là cái bóng
đen của tướng giặc Sầm Dự.
Một
đêm, Hàn Hoành hỏi Liễu thị, giọng như cái ngõng cứa gỗ tứ thiết lâu ngày không
tra dầu lạc:
-
Cái thằng giặc võ biền hung đồ ấy đã ăn nằm với cô như thế nào, mà bây giờ cứ
thở ngắn than dài?
-
Ông ta chẳng làm gì tôi cả. Tôi chỉ đàn hát cho ông ấy nghe. Thê thiếp của ông
ấy hàng đàn, người nào cũng mặt hoa da phấn, đẹp bằng mấy tôi.- Liễu thị khó
chịu vì phải nghe câu hỏi này nhiều đêm rồi.
-
Hắn bắt cô về để làm tượng thờ à? Nói khó nghe lắm.
-
Thì cố mà nghe. Nói khó nghe, nhưng từ khi tôi trở về thì anh không còn phải
xin đậu phụ của mụ Lý béo, không phải hầu trà kiếm ăn ở quán lão Trương.
Hàn
Hoành đấm xuống đệm giường đánh "ầm" như tiếng trống:
-
Sao hay đi đến mạn Hàng Châu là nơi có doanh trại của thằng giặc ấy?
-
Buôn tơ lụa mà không đến Hàng Châu, Tô Châu, Tứ Xuyên thì đến Sơn Đông mãi võ
chắc? Nói khó nghe như thế thì để yên cho người ta ngủ, sáng mai còn phải xuống
thuyền sớm cho kịp con nước.
Liễu thị quay mặt vào tường, ngáp dài. Nghĩa là nàng đã treo "Miễn chiến bài". Hàn Hoành đành nuốt giận, nghiến răng, mở mắt trừng trừng trong bóng đêm. Chàng hình dung ra cái cảnh Sầm Dự ân ái với vợ mình. Chàng đấm xuống giường lần nữa, nhưng lần này đấm trúng phải cạnh giường, nắm tay thư sinh của chàng như bẹp nát, những ngón tay muốn gẫy vụn.
Liễu thị quay mặt vào tường, ngáp dài. Nghĩa là nàng đã treo "Miễn chiến bài". Hàn Hoành đành nuốt giận, nghiến răng, mở mắt trừng trừng trong bóng đêm. Chàng hình dung ra cái cảnh Sầm Dự ân ái với vợ mình. Chàng đấm xuống giường lần nữa, nhưng lần này đấm trúng phải cạnh giường, nắm tay thư sinh của chàng như bẹp nát, những ngón tay muốn gẫy vụn.
-
Cô còn thương nhớ hắn ta à? - Sinh hỏi Thục.
-
Tôi không phải là khúc gỗ. - Một lúc sau, Thục nói trong tiếng thở dài buồn bực
chán ngán.
-
Thế mà nằm bên tôi, cô lại là một khúc gỗ lim đấy. Không, còn hơn thế nữa kia.
Là một cây nước đá, cây nước đá! Hiểu chưa? - Sinh rít lên.
-
Ngoa ngoắt, chấp nhặt dai dẳng quá đàn bà.
-
Phải, tôi là đàn bà. Hắn là đàn ông.
-
Còn cô là thứ gì, hả?!
Những
đồ dễ vỡ trong nhà bị cả hai người đập tan tành.
Những
đêm bi kịch.
Không
thể mãi như thế này được. ở làng Nghĩa là ở gần con sông Lãng mà nơi thượng
nguồn của nó có cái bè cá lồng của Nghĩa; là không thể quên được chuyện cũ.
Sinh chạy chọt mãi rồi cũng xin được một chân dạy ở một trường cấp hai ven thị
xã. Họ bán rẻ nhà cửa vườn đất chuyển đến nơi ở mới. Thục học nghề may, kiếm
được khá tiền, còn hơn cả lương của giáo Sinh. Cô ta ý thức được vị thế của
mình trong nhà. Cô coi thường Sinh. Không phải là "khinh mười lăm
phút" mà là khinh mãi mãi. Vì chuyện tiền nong, vì chuyện cũ. Vì cả một
điều tế nhị quan trọng nữa. Vết thương ở cột sống không làm cho Sinh chết như
đồng đội tưởng, nhưng lại làm anh chỉ còn là một nửa người đàn ông.
Sinh
thấy bồn chồn vì một điều gì đó. Không thể nghe nốt câu chuyện của ông Giả, anh
làm bộ xem đồng hồ rồi giật mình kêu lên:
-
Chết rồi, mải chuyện quên khuấy cái hẹn quan trọng. Mai bố cho con nghe nốt
vậy.
Đêm
cuối năm, mưa lạnh. Sinh dở say dở tỉnh về gian nhà tập thể giáo viên. Trong
nhà có điện sáng nhưng im ắng khác thường. Ngăn tủ quần áo của Thục trống
không. Bà tạp vụ nhà trường là bạn thân của Thục ở gian bên cạnh đang đứng
ngoài hiên có ý chờ Sinh về. Bà rụt rè khép nép như sợ hãi, sang đưa cho Sinh
phong thư rồi về ngay. Thư của Thục. Sinh vứt phong thư lên bàn. Anh biết trong
thư viết gì rồi.
Ra
đến cửa, bà tạp vụ còn ngoái lại. "à, cô ấy nấu sẵn cơm dưới bếp cho anh
đấy". Sự săn sóc cuối cùng của Liễu thị, để cho Hàn Hoành lại nhớ thương
khắc khoải mà làm thơ.
Sinh
hình dung ra cái bè nuôi cá lồng dập dềnh trên mặt nước thượng nguồn sông Lãng,
trong đêm mưa lạnh. Thục sẽ chẳng có được hạnh phúc như cô ấy tưởng. Thục sẽ
lại ân hận và nhớ thương Sinh. Nỗi đau khổ chỉ biến từ dạng này sang dạng khác.
Sinh khẽ cười buồn vì cái định luật bảo toàn nỗi buồn mà anh vừa nghĩ ra.
Cái
tay Hàn Hoành ấy cũng chẳng sung sướng gì hơn mình. Thà rằng trước kia Liễu thị
đừng trở về - Sinh lại nghĩ - Những điển cố, những chuyện ngụ ngôn và những
giáo điều, chỉ chăm chú vào mục đích giải trình cho được một ý tưởng nào đấy,
mà chẳng mấy khi để tâm tới những khổ đau bất hạnh riêng của mỗi con người. Con
tàu cứ sầm sập băng đi, không bận tâm đến thân phận của những bụi cỏ hoang rối
bời, khóm hoa dại li ti và đám mạng nhện mỏng manh trĩu nặng sương sớm chờm
trên đường ray, dưới những bánh xe thép của nó.
Lần
này Liễu thị đi Hàng Châu đã không quay về. ở đấy có doanh trại của viên tướng
giặc Sầm Dự hào hoa không chỉ biết múa đao mà còn biết thưởng thức đàn ca.
Hàn
Hoành bán sạch tài sản của vợ để lại, lăn lóc trong các ca lâu tửu điếm. Chàng
làm những bài thơ thương nhớ Liễu thị trong những cơn say. Người đàn bà tầm
thường từng là kỹ nữ ấy nhờ thơ của Hàn Hoành mà thành nổi tiếng. Cũng không
biết có phải vợ của Hàn mang họ Liễu không, hay là chỉ vì trong thơ có cây liễu
gãy ấy mà người ta gán cho thị họ Liễu?
Hàn
lại là một hàn sĩ. Nhưng thơ Hàn Hoành lừng lẫy thiên hạ. Những bài thơ của
chàng vạch ứa máu những thân cây, khắc sâu vào gan đá, viết chi chít trên những
mảnh tường rêu phong nơi miếu hoang, cổ tự.
Người ta lại thấy Hàn Hoành lang thang trên
phố Chương Đài, trong bộ cánh rách tướp của một gã khất thực. Và cũng vẫn như
trước, bọn trẻ bám theo chàng reo cười ầm phố như đi theo một người điên, vừa
đi vừa chìa tay vào các hàng quán xin hộ Hàn những thực phẩm. Mụ Lý béo bán đậu
phụ lại thỉnh thoảng đãi chàng một vảy bạc vụn, đề nghị bài hát về cây liễu
xanh xanh bên bờ đầm Lam Thủy.
Lão Trương lại gọi Hàn đến quán cơm nuôi ăn để tiếp rượu, pha trà, ngâm thơ mua vui cho khách. Những khách thương mệt mỏi bụi bặm ghé qua quán lại vừa uống ruợu nghe "Liễu Chương Đài", vừa thở dài chấm nước mắt. Lão Trương lại cao hứng vừa chặt thịt, vừa hát bài thơ đệm thêm những tiếng: "Hầy - a!..." theo một điệu dã ca vùng quê Phúc Kiến của lão:
Lão Trương lại gọi Hàn đến quán cơm nuôi ăn để tiếp rượu, pha trà, ngâm thơ mua vui cho khách. Những khách thương mệt mỏi bụi bặm ghé qua quán lại vừa uống ruợu nghe "Liễu Chương Đài", vừa thở dài chấm nước mắt. Lão Trương lại cao hứng vừa chặt thịt, vừa hát bài thơ đệm thêm những tiếng: "Hầy - a!..." theo một điệu dã ca vùng quê Phúc Kiến của lão:
Ngày trước xanh xanh,
Hầy a! Liễu Chương Đài!
Ngày trước xanh xanh,
Hầy à!
Hỏi có còn không
Hầy, liễu Chương Đài?..
Viết xong tại Vũ Trang
Ngày Lập đông Canh Thìn.
Ngọc Châu gửi đăng.
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại- ngày 02/01/2016
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 10/03/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét