Home
» Lý luận phê bình
» Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ “Những đứa trẻ chăn trâu” của tác giả Phong Nhân
Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ “Những đứa trẻ chăn trâu” của tác giả Phong Nhân
Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014
... Đất
nước tôi! Chứa tất cả vinh quang, nhục nhằn và lai căng như phận số Có thể tự
hào, thương tiếc nhưng đừng trách chuyện hôm qua Như những thằng chăn trâu đầu
bạc Cười kha khả bên ly rượu nhọc mưu sinh ôn chuyện mất còn Để níu tâm hồn
mình về bên tươi sáng… (Phong Nhân -Sáng 29-3-2014, Kỷ niệm Ngày giải phóng Đà
Nẵng- 0903592150.) Bài thơ cuốn hút tôi bởi tựa đề. Đọc rồi thì nội dung mà tác
giả Phong Nhân muốn chuyển tải, đã có một sức hút mạnh mẽ. Ý thơ sắc như dao,
sâu hun hút và rộng mênh mông .Trải dài suốt một giai đoạn lịch sử có lẽ đến 60
năm. ...
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Huỳnh Xuân Sơn
Tên thật Cao Thị Phương Lan
Hiện ở Thủ Đức Tp HCM.
Email: huynhphuvang@gmail.com
_____
HUỲNH XUÂN SƠN CẢM NHẬN BÀI THƠ “NHỮNG ĐỨA TRẺ CHĂN TRÂU”
HUỲNH XUÂN SƠN CẢM NHẬN BÀI THƠ “NHỮNG ĐỨA TRẺ CHĂN TRÂU”
CỦA TÁC GIẢ PHONG NHÂN
Lời ca trong ca khúc Em Bé
Quê của cố nhạc sĩ Phạm Duy vang lên khiến tôi dừng làm việc… Một thời “ai bảo
chăn trâu là khổ?” ùa về. Chăn trâu với tôi rõ là khổ. Vậy mà ông nhạc sĩ này
sao lại viết toàn những lời ca ngợi thế nhỉ? Nào là “Chăn trâu sướng lắm chứ/
Ngồi mình trâu, phất cờ lau./ Và miệng hát nghêu ngao./ Vui thú không quên học
đâu/ Nằm đồi non gió mát./ Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo…” (Em Bé Quê- Phạm
Duy). Ấm ức với bài hát, bởi từ bốn tuổi tôi đã theo ông nội đi chăn trâu. Lớp
vỡ lòng không được tới lớp, vì chiều phải đi chăn trâu tối về mới được gọi Bố
là Thầy… Tuổi ấu thơ có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất cũng là với cô bạn trâu
trắng già nua…
Tức tối bấm Google với cụm
từ Chăn trâu khổ. Thật nhiều kết quả nhưng đập vào mắt tôi lại là một bài thơ
trên Blogtiengviet.
Một thời hai chữ loạn ly
Đã trùm lên cả những vì sao sa
Những Đứa Trẻ Chăn Trâu
Những đứa trẻ chăn trâu
Ngồi quanh đống lửa
Rầm rì cầu đồng soi bong
Thằng to nhất bật dậy cầm roi
Những vết lằn roi ướm máu trên thân thằng chạy chậm
Những đứa trẻ chăn trâu
Chụm đầu vào nhau cười hỉ hả
Khoai lùi, mía trộm hát nghêu ngao
Thằng con bần cố nông đen nhẻm
Đứa kia cháu bà hầu quan Phụ mẫu thưở xưa
Từng gọi chó của thằng Tây là cậu
Tụm nhau kể về thằng bỏ trâu lên phố học
Được làm con của bố lính Cộng hòa
Rồi những đứa trẻ chăn trâu xưa
Tan đàn xẻ nghé
Gót sắt xâm lăng dẫm lên mình phụ nữ
Oằn theo cuộc phân ly bầm ruột bên từng đứa trẻ tóc xoăn mũi lõ
Từng thế hệ gầm gừ chĩa súng vào nhau
Đất nước tôi!
Chứa tất cả vinh quang, nhục nhằn và lai căng như phận số
Có thể tự hào, thương tiếc nhưng đừng trách chuyện hôm qua
Như những thằng chăn trâu đầu bạc
Cười kha khả bên ly rượu nhọc mưu sinh ôn chuyện mất còn
Để níu tâm hồn mình về bên tươi sáng…
(Phong Nhân -Sáng 29-3-2014, Kỷ niệm Ngày giải phóng Đà Nẵng- 0903592150.)
Bài thơ cuốn hút tôi bởi
tựa đề. Đọc rồi thì nội dung mà tác giả Phong Nhân muốn chuyển tải, đã có một
sức hút mạnh mẽ. Ý thơ sắc như dao, sâu hun hút và rộng mênh mông .Trải dài
suốt một giai đoạn lịch sử có lẽ đến 60 năm. Bài thơ được viết ra từ những câu
thơ không vần, kết thành một bài thơ thật đặc biệt với tâm trí tôi..
Những Đứa Trẻ Chăn Trâu
(một thời là tôi, và lại không phải là tôi ấy) Được tác giả ngược dòng hồi ức
đưa trở lại những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước… (Những Đứa Trẻ Chăn
Trâu ngày ấy bây giờ thuộc thế hệ Cha chú tôi. Họ đã có những kỷ niệm với trò
chơi dân gian, mà đến thế hệ tôi thì cũng chẳng còn ai chơi nữa.. chứ không nói
đến tận bây giờ):
Những đứa trẻ chăn trâu
Ngồi quanh đống lửa
Rầm rì cầu đồng soi bong
Thằng to nhất bật dậy cầm roi
Những vết lằn roi ướm máu trên thân thằng chạy chậm.
Không rõ tác giả là ai?
Trong số những cậu bé chăn trâu ngày ấy. “Đứa” ngồi “Rầm rì cầu đồng soi
bóng”? Hay là “Thằng to nhất…” và cũng có thể tác giả là “thằng chạy
chậm.” Bởi trò chơi này sẽ có một đám đông xúm lại, rồi một đứa ngồi đồng cầu
khấn, bất ngờ có một đứa giả đò bị hồn nhập rồi cầm gậy, cầm roi quật túi bụi
vào đám bạn đang chạy tán loạn… bất kể đau hay không? Thời chăn trâu với bao
trò chơi khác nhưng trò mà tác giả nhắc lại đầu tiên hẳn là kỷ niệm sâu sắc
nhất… Nếu đúng vậy tác giả sẽ là một trong ba nhân vật kể trên.
Những đứa trẻ chăn trâu
Chụm đầu vào nhau cười hỉ hả
Khoai lùi, mía trộm hát nghêu ngao
Thằng con bần cố nông đen nhẻm
Đứa kia cháu bà hầu quan Phụ mẫu thưở xưa
Từng gọi chó của thằng Tây là cậu
Tụm nhau kể về thằng bỏ trâu lên phố học
Được làm con của bố lính Cộng hòa
Bối cảnh ra đời của bài
thơ bây giờ mới lộ diện. Hay nói cách khác Những Đứa Trẻ Chăn Trâu này quê
hương ở bên trong vĩ tuyến mười bảy. Trẻ chăn trâu bất kỳ ở đâu trên đất nước
này đều có chung đặc điểm là nghịch ngợm phá phách… Khoai lùi (tôi có). Trộm
mía (tôi không) hát nghêu ngao đồng dao hay hò vè thì ở đâu cũng có…”Thằng con
bần cố nông”, “đứa cháu bà hầu quan phụ mẫu”. Ở đâu cũng có, khắp cả ba miền
Bắc Trung Nam… ngay cả việc mấy đứa bị bắt phải “gọi chó của thằng Tây là cậu”
cũng vậy… Nhưng khi chúng xúm xít lại “kể về thằng bỏ trâu lên phố học. / Được
làm con của bố lính Cộng hoà” thì chắc chắn chỉ có ở bờ nam sông Bến hải trở
vào… Nơi mà phân chia ranh giới trong hiệp định Geneve năm 1954.
Một khổ thơ với những kỷ
niệm buồn nhiều hơn vui. Bởi chiến tranh gây bao nhiêu tang tóc suốt một thời
gian dài. Những đứa trẻ chăn trâu lúc này không còn phân biệt giai cấp, xuất
thân giàu hay nghèo nữa.. chăn trâu là bạn chăn trâu vậy thôi. Thật đơn giản
như chính công việc mà chúng đang làm.
Thời gian lặng lẽ trôi đi
cuốn theo tình bạn của những cậu bé (cả cô bé) chăn trâu. Chiến tranh đồng
nghĩa với mất mát… Làm sao nó biết đường mà né cho mấy đứa trẻ vô tư ấy…
Rồi những đứa trẻ chăn trâu xưa
Tan đàn xẻ nghé
Gót sắt xâm lăng dẫm lên mình phụ nữ
Oằn theo cuộc phân ly bầm ruột bên từng đứa trẻ tóc xoăn mũi lõ
Từng thế hệ gầm gừ chĩa súng vào nhau
Một bức tranh tái hiện một
thời mà có lẽ rõ nét nhất là khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1973 (Năm Mỹ
đến và rút khỏi Việt Nam).
Những đứa trẻ “con bần cố
nông”, rồi “cháu bà hầu quan Phụ mẫu”, có lẽ sau khi “tan đàn sẻ nghé” đã đứng
về một bên chiến tuyến và đối nghịch với bên những đứa “bỏ trâu lên
phố học”. Một thế hệ cầm súng chĩa vào nhau bởi chiến tranh… dẫu tuổi thơ họ là
bạn…
Nỗi đau của chiến tranh
đâu chỉ có vậy? Những người phụ nữ lại là người chịu đựng nỗi đau âm thầm
dai dẳng… Sinh ra những đứa con không mang màu da của mình. Người mẹ nào không
“bầm ruột” tím gan khi đứa con dứt ruột sinh ra lại là mục tiêu của những trò
tiêu khiển. Những đưa bé bị gắn cho một “mỹ từ” con lai thường bị lũ trẻ có đủ
cha, đủ mẹ, hoặc giả chỉ còn mẹ, hoặc cha nhưng cha mẹ chúng là người “máu đỏ
da vàng tóc đen”.. Thêm một thế hệ tiếp nối “gầm gừ chĩa súng vào nhau” dẫu là
súng giả… trận chiến giả… còn nỗi đau là thật. Kéo dài dai dẳng nhiều năm nhiều
thế hệ…
Tới đây hai câu thơ dẫn ở
đầu, đã được mở cánh cửa để cho người đọc bước vào thế giới của Những Đứa Trẻ
Chăn Trâu: “Một thời hai chữ loạn ly./ Trùm lên số phận cả vì sao sa”. Ôi có
nơi đâu giống đất nước quê hương của tôi, của tác giả không? Nghẹn ngào khi đọc
khổ kết và có lẽ đó cũng chính là suy tư trăn trở của tác giả và cũng có
thể là của tất cả những cậu bé chăn trâu ngày ấy… hôm nay:
Đất nước tôi!
Chứa tất cả vinh quang, nhục nhằn và lai căng như phận số
Có thể tự hào, thương tiếc nhưng đừng trách chuyện hôm qua
Như những thằng chăn trâu đầu bạc
Cười kha khả bên ly rượu nhọc mưu sinh ôn chuyện mất còn
Để níu tâm hồn mình về bên tươi sáng…
Vâng khổ kết các anh đã
nói đủ, nói hết về khát khao mong ước của các anh hôm nay. những cậu bé chăn
trâu ngày ấy, nay đã “đầu bạc”. Bên những ly rượu “ôn chuyện mất còn”… Trải qua
những năm dài “nhọc mưu sinh”.. (hậu cuộc chiến là những năm thời bao cấp khốn
khó)…
Đứa tự hào, đứa tiếc
thương. Vinh quang có, nhục nhằn có, lai căng cũng có… mỗi người tự an ủi cho
mình nhằm xoa dịu nỗi đau rằng do phần số.
Phần số ấy có tránh ai
đâu? Nó “trùm lên cả những vì sao sa” cơ mà. Dáng chiều đã đổ, tóc đã phai, quá
khứ dần lùi xa, chiến tranh cũng lùi xa bốn mươi năm, hơn nửa đời người chứ nào
phải ít. Nỗi đau đã thấm, nỗi buồn cũng đủ, mất mát đã dần nguôi… Nay cùng nhau
ngồi lại “cười kha khả” để “níu tâm hồn mình về bên tươi sáng…”. Các bạn
già ơi “đừng trách chuyện hôm qua”!
Một bài thơ với những ngôn
từ bình dị, câu thơ được ngắt khúc ngắn, dài không định. Không có vần chỉ có
nhịp thơ như một bản nhạc ngân lên từ trong sâu thẳm đáy lòng của một tác giả
đã vào tuổi xế chiều. Giai điệu bản nhạc ấy lúc xôn xao như tiếng trẻ thơ nô
đùa với đám bạn thời ấu thơ… Lúc trầm buồn lắng đọng khi nghĩ về một giai đoạn
lịch sử bao thăng trầm của dân tộc “một trăm năm đô hộ giặc Tây. Một ngàn năm
đô hộ giặc Tàu… Hai mươi năm nội chiến từng ngày….” (Gia Tài Của Mẹ- Trịnh Công
Sơn). Những đau thương mất mát của cuộc chiến “trường kỳ gian khổ”… để lại cho
không chỉ thế hệ tác giả, trong đó có những người mẹ, người chị… Mà còn theo
vào thế hệ tiếp nối…
Trong bản nhạc ấy
còn có sự ưu tư, bên những khát khao và một chút niềm vui của “tiếng cười hỉ
hả” thủơ chăn trâu và tiếng cười “kha khả..”cất lên từ những người bạn già tóc
bạc “ôn chuyện mất còn…” hôm nay.
Tôi mong và tin rằng cuộc
sum họp lần sau của “Những Đứa trẻ chăn Trâu” “đầu bạc”. sẽ vang lên những
tiếng cười giòn tan… Xuất phát từ những tâm hồn chung một hướng nhìn về phía
tương lai.
Sài Gòn 14/6/2014
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.HCM ngày 27.6.2014
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi
Trích Đăng Lại.
__________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét