Đêm ngoài Hải cảng – Truyện ngắn Lương Sơn
Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014
Thuận
cúi xuống đóng lại chiếc đinh ri vê trên trụ cầu. Dưới chân cầu cảng, từng đợt
sóng cuốn theo nhau vô ì oạp vào vách đá. Trận mưa sẩm tối đã tạnh từ lâu, trả
lại cho hải cảng sự nhộn nhịp, náo nức của những đêm đang bước vào chiến đấu.
Tối nay, Thuận đi ra hải cảng kiểm tra phần việc của Hoàng giao lại. Xong việc,
Thuận trở về doanh trại. Những trụ cầu cảng cứ hiện lên trước mắt anh thấp
thoáng. Trụ cầu như một bóng dáng quen thân đăm đắm soi mình trong ánh nước. Nó
như nhắc anh nhớ lại một đêm đầu tiên trở về hải cảng. Và trong giây phút cảnh
vật như nhắc anh trở lại những ngày đầu tiên ...
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Lương Sơn
Họ tên thật Lương Sơn
Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM
Quê quán: Kim Động, Hưng Yên
Thường trú: 3/12 Yên Thế, Phường 2, Tân Bình, TP HCM.
ĐT: 01223741630
Email: nguyenluongson1940@gmail.com
_____
ĐÊM NGOÀI HẢI CẢNG
I.
Thuận cúi xuống đóng lại chiếc đinh ri vê trên trụ cầu. Dưới chân cầu cảng,
từng đợt sóng cuốn theo nhau vô ì oạp vào vách đá. Trận mưa sẩm tối đã tạnh từ
lâu, trả lại cho hải cảng sự nhộn nhịp, náo nức của những đêm đang bước vào
chiến đấu. Tối nay, Thuận đi ra hải cảng kiểm tra phần việc của Hoàng giao lại.
Xong việc, Thuận trở về doanh trại. Những trụ cầu cảng cứ hiện lên trước mắt
anh thấp thoáng. Trụ cầu như một bóng dáng quen thân đăm đắm soi mình trong ánh
nước. Nó như nhắc anh nhớ lại một đêm đầu tiên trở về hải cảng. Và trong giây
phút cảnh vật như nhắc anh trở lại những ngày đầu tiên ấy.
… Cách đây hơn mười năm, sau ngày giải phóng Điện Biên, anh rời khỏi một sư
đoàn đồng bằng để sang nhận một công việc mới: Xây dựng hải cảng. Ngày ấy, sao Thuận
thấy lòng mình xôn xao đến thế. Hòa bình trở lại, con người vui với những mơ
ước lớn lao, với những kỷ niệm. Con đường xưa kia ta hành quân ca. Cánh rừng
xưa kia ta đặt chân tới. Tạm biệt, tạm biệt những hình ảnh của cuộc sống gian
nan ngọt bùi kỷ niệm ấy.
Thuận sẽ bắt đầu làm gì đây, khi biết rằng anh sẽ đảm nhận một công việc khó
khăn. Những điều thật ngoài trí tưởng tượng của anh rất nhiều. Anh hình dung ra
những trụ cầu nhô ra mặt biển, những hệ thống dẫn dầu, dẫn nước. Tất cả đổ dồn
về một hải cảng sừng sững, nguy nga. Công việc ấy, sự tưởng tương ấy, anh biết
là hoàn toàn sự thực, nó đòi hỏi anh sự cố gắng, sức làm việc với lòng kiên
nhẫn phi thường. Ngày còn chiến đấu ở sư đoàn, có một đêm khi tiến quân lên Tây
Bắc, các chiến sĩ trong đại đội của Thuận đã khâu áo quân phục cũ thành một
cánh buồm. Ngồi trên thuyền, Thuận nghĩ miên man: “Ta vượt sông mới chỉ dùng
những con thuyền chèo bằng tay, hoặc hơn nữa là biết lợi dụng sức gió thổi
phồng trên những cánh buồm. Giá mà ta có những con tàu bằng sắt thép, những
quân cảng hiện đại. Và trên sông, Thuận ngỡ ngàng ước vọng trong tâm trí… tiếng
động cơ máy nổ và tiếng còi tàu vang vọng. Tới khi nhận nhiệm vụ xây dựng quân
cảng, anh đã tự hỏi: “Có khó không đồng chí, ước mơ của đồng chí đấy! Xưa nay, người
ta ước mơ thật dễ, nhưng làm cho nó trở thành sự thật lại khó hơn nhiều.”
Gần năm năm làm việc ở hải cảng, dù chỉ là một ngày, anh vẫn nghĩ, không khi
nào anh có thể rời xa được cuộc sống này. Nhưng khi những quả bom đầu tiên của
giặc Mỹ dội xuống quê hương anh, thì một quyết tâm sắt đá rừng rực lửa căm thù
lại bừng lên trong trái tim anh. Anh muốn đi ngay ra tiền tuyến. Một tiền tuyến
mà anh đã từng suy nghĩ. Nó không phải là một nhà máy, một con sông, hay một
thành phố quê hương. Tiền tuyến ấy là mặt biển. Nơi đi về của những hạm tàu
chiến đấu.
Anh biết đêm nay, hải cảng sẽ đi xa. Anh sẽ phải tự tay tháo đi một ống dẫn
dầu, đào thêm một đoạn công sự. Những công trình qua mười năm miệt mài xây dựng
anh tạm thời phải tháo dỡ đi. Anh biết rất rõ, tất cả công việc ấy đang chuẩn
bị cho những cuộc chiến đấu tới. Vậy mà anh vẫn cảm thấy xót xa, một cảm nghĩ
thật khó lòng phân tích nổi.
Có tiếng động cơ ì ầm từ sân bay vang lên. Ở đấy, đại đội đang chờ Thuận về.
Thuận thấy lòng nao nao. Anh ngước mắt nhìn lên cao. Cái cột trụ cầu lặng lẽ
đứng trong đêm. Ánh sáng của ngọn đèn phòng không đục lờ vàng vọt tan ra trong
anh nước. Qua ánh sáng ấy, Thuận vẫn nhìn rõ những mố cầu. Kỳ thực, không phải
anh nhìn. Hình ảnh của hải cảng đã in sâu trong lòng anh từ lâu lắm rồi.
Anh quay trở lại, bỗng thấy vang lên trong
lòng anh những lời hứa hẹn thầm thì. Anh giơ tay vẫy chào hải cảng. Anh thầm
nói lên trong giọng thiết tha. – Thôi! Chào hải cảng chúng ta đi chiến đấu. Và
anh tự nhủ với lòng mình: “Ta đi, lòng ta vẫn hướng về hải cảng”. Anh nhìn
xuống dưới chân anh. Sóng vẫn vỗ triền miên vào bờ đá. Con sóng tung bọt trắng
xóa ở hai bên mố cầu. Nó đang chạy về xa. Ngày mai con sóng sẽ chạy về đâu.
Thuận đăm đăm nhìn theo từng đợt sóng đang cuốn theo nhau chạy ra ngoài cửa
biển.
Tiếng còi ô tô bỗng thét vang giục giã. Thuận quay về với những công việc của
đêm nay. Anh khoác ba lô lên vai, hối hả bước lên xe. Có tiếng người lái xa gọi
phía trong ca bin:
- Thủ trưởng ngồi vào trong này cho đỡ lạnh. Đêm nay có lẽ biển vẫn còn mưa.
Phương cho xe rú ga rồi lao nhanh về phía trước. Có tiếng hát trầm hùng vang
lên, bay trên vòm trời hải cảng, như có ai đang chắp cánh cho Thuận bay theo
lời hát đó.
“… Từng nhà máy quê hương ta
Từng đồng lúa quê hương ta
Đều ghi nhớ bao đổi thay lớn lao
… mỗi tấc đất quê hương ta, sáng ngời truyền thống anh hùng.”
Hàng cột điện chạy dọc theo bờ biển từ từ mất hút sau lưng Phương. Sóng biển
rầm rì, khoan nhặt như một điệp khúc vô tận hòa vào tiếng động cơ rộn rã của
đoàn xe.
Thuận ngồi tựa lưng vào thành xe. Anh mải mê nhìn vòng lái đầu tiên trên tay
Phương. Qua hết quả đồi thấp đến một cánh rừng phi lao, Thuận đã nhận ra tiếng
cười rộn rã của lớp người đi trước. Anh đang quay sang Phương:
- Cho xe đi chậm lại. Đến nơi rồi.
Vòng lái trên tay Phương từ từ dừng lại. Phương mở cửa xe bước xuống mặt đường.
Trong đêm, qua những lùm cây ẩn hiện, trong ánh trăng hạ tuần mờ nhạt, Thuận
không nhìn rõ Phương. Anh đã nghe thấy tiếng Phương nói:
- Chặng đường phía trước khó đi lắm. Có lẽ không thể dùng xe được nữa. Ta cho máy móc xuống có được không thủ trưởng. Thuận gật đầu, và phương chạy đến chỗ Trung đội trưởng Hoàng. Anh nghĩ, từ đây đến địa điểm tập kết còn bẩy ki-lô-mét đường rừng. Khối lượng máy móc nặng nề của một phần hải cảng giao cho đại đội anh phải chuyển đi hết trong đêm nay. Sớm mai, điện đài có thể làm việc được chưa? Trong đêm nay trung đội của Hoàng có chuyển xăng dầu đến kịp không?
- Chặng đường phía trước khó đi lắm. Có lẽ không thể dùng xe được nữa. Ta cho máy móc xuống có được không thủ trưởng. Thuận gật đầu, và phương chạy đến chỗ Trung đội trưởng Hoàng. Anh nghĩ, từ đây đến địa điểm tập kết còn bẩy ki-lô-mét đường rừng. Khối lượng máy móc nặng nề của một phần hải cảng giao cho đại đội anh phải chuyển đi hết trong đêm nay. Sớm mai, điện đài có thể làm việc được chưa? Trong đêm nay trung đội của Hoàng có chuyển xăng dầu đến kịp không?
Đợi cho Phương quay chở lại, Thuận mới lên tiếng:
- Đồng chí quay lại đoạn đường ban nãy đón anh em ở trung đội đang đến phía
sau.
Phương đi rồi. Chỉ còn lại mình Thuận. Anh cứ đứng yên như thế bên một gốc phi
lao, mặc cho gió biển thổi vào trước mặt. Tiếng động cơ nghe xa dần, đoàn xe
chỉ còn là những vệt đen mờ. Tự nhiên, Thuận thấy hiện lên quang cảnh quen
thuộc của toàn hải cảng.
II.
Ở một chỗ ngoặt lên khỏi đỉnh dốc, tiểu đội trưởng Lê Văn đang hì hục chuyển
dây cáp. Cuộn cáp to mấy người ôm không xuể, Vân đã cuộn lại thành từng
vòng nhỏ vác lên cao cả tiểu đội xếp thành một hàng dài, chuyền tay nhau đưa
dây cáp lên đỉnh dốc, vượt qua thung lũng bên kia. Vân dẫn đầu tiểu đội mò mẫm
bước xuống từng bậc đá. Có tiếng động cơ ầm ầm dưới chân thung lũng.. Phía đó,
có lẽ Thanh đã bắt đầu khỏi động máy nổ. Vân chợt thấy một cảm giác vui vui.
Anh nghĩ đến công việc của tiểu đội rồi lại nghĩ đến Phương. Từ chập tối đến
giờ Phương đã đi hết bốn chuyến xe. Lần nào về đến nơi tập kết Phương cũng chỉ
cười: “Chỉ còn chuyến này là chuyến cuối cùng”. Chắc bây giờ xăng dầu đã được
chuyển đến chỗ Thanh rồi. Thuận đã đến sau lưng Vân từ lúc nào. Anh giơ tay đỡ
lấy cuộn dây cáp.
- Có nặng lắm không?
Vân cố dướn người, bước lên một phiến đá bằng phẳng. Quả thật, anh vác rất
nặng. Nhưng lại muốn nói khác đi để xua tan nỗi lo lắng của đại đội trưởng.
- Còn ba trăm mét nữa thôi, chúng tôi có thể hoàn thành công việc trước khi
trời sáng.
Con đường về ban tham mưu trung đoàn tuy chẳng còn bao xa nữa, nhưng Thuận đã
nảy ra ý sáng kiến dùng ván trượt đưa dây cáp vượt qua đỉnh dốc. Nhưng liệu có
nhanh hơn cách làm của Vân không? Vả lại, tìm đâu ra gỗ ván. Trình đi sau cùng
tiểu đội, anh nghe thấy tiếng của Thuận: “Có cách nào lấy gỗ được bây giờ”.
Trình thấy có thể tìm được gỗ. Anh nhớ lúc lên xe, Phương có vác theo mấy
tấm ván sàn kê máy. Gỗ ấy Phương sẽ dùng làm giá để thiết bị. Nhưng tạm thời,
hãy cứ lấy dùng vẫn được.
Trình đứng lại, anh đặt trục dây cáp bên một hốc đá, rồi lấy đá chèn lên.
- Báo cáo anh đội trưởng, tôi đến chỗ xe của anh Phương, ở đấy có gỗ ván mỏng.
Rồi Trình đi, vội vã như một người đang chạy tới đích cuối cùng để tấn công vào
một hỏa điểm.
Anh đã cùng với những tấm ván trượt mỏng manh đưa những cuộn dây cáp lao nhanh
về chỉ huy sở.
III.
Trong ngôi nhà nhỏ dựa vào cánh rừng phi lao trông ra cửa biển, trung tá tham
mưu trưởng Lê Giang đang chăm chú theo dõi hai đường chì đỏ giao nhau trên một
kinh độ xa xôi. Từ nơi ấy, ngọn chì của người chiến sĩ tham mưu vòng qua những
bờ đá hiểm trở, những doi cát trắng phau rồi dừng lại ở một quần đảo
- Báo cáo tham mưu trưởng, có điện từ một trạm ra đa truyền đi.
Trung tá chăm chú nghe. Ông để ý tới những câu báo cáo ngắn gọn và rành rọt.
- Báo cáo, tàu chở máy bay Cô-ran-xi đang di chuyển cách bờ biển của ta bảy
mươi nhăm hải lý về phía Nam.
- Quan sát viên báo cáo về. Trên bầu trời hải cảng có tiếng động cơ của máy bay
AD6.
Và cùng một lúc, chuông điện thoại reo lên
ở hai vị trí. Trung tá đứng dậy, bình thản cầm lấy ống nói. Từ đầu dây bên kia,
ông nhận ra tiếng nói chậm rãi và cương quyết của trung tá chính ủy trung đoàn.
- Lệnh của Bộ tư lệnh! Động viên toàn thể bộ đội ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Tàu chở máy bay vào gần hơn. Chúng còn có khả năng đưa tàu chiến vào sâu hơn
với mục đích điều khiển và theo dõi các đường bay của chúng trong đất liền.
Nhắc các phân đội phải triệt để chú ý.
Trung ta đưa mắt nhìn hải đồ một lần nữa, nơi có những đường chỉ đỏ đang di
động, rồi báo cáo về hải cảng.
- Đồng chí nghe rõ tôi không? Trung tá cảm thấy chính ủy viên mỉm cười trong
máy nói, chờ đợi câu trả lời của tham mưu.
- Tôi Lê Giang đây. Báo cáo chính ủy, tàu địch vẫn đang di chuyển. Một phân đội
của ta đã nhận lệnh xuất kích. Các phân đội ở tuyến dự bị đã sẵn sàng.
Trung tá tham mưu trưởng đặt ống nói lên bàn, rồi ông đứng dậy đi đi, lại lại
trong phòng.
Bên ngoài, gió vẫn gầm rít qua khung cửa sổ. Tấm hải đồ treo trên tường bị gió
thổi bạt đi. Và chuông điện thoại từng hồi lại ngân vang.
Trung tá đã ra đến ngoài sân. Sóng biển trầm hùng như vang ngân. Hạm tàu của ta
đang vượt qua sóng gió. Hạm tàu đang chờ quyết định của hải cảng đây.
Trung tá nghĩ vậy, rồi ông hăm hở bước đi. Ông muốn nhìn tận mắt những công
trình vừa kiến tạo xong. Khu trung tâm thông tin và các trận địa bảo vệ hải
cảng.
Ông hiểu rất rõ lúc này giữa mình và hạm tàu đang có một khoảng cách là biển
cả. Khác với những trận chiến đấu khi ông vào Đông Khê hồi kháng chiến chống
Pháp. Thuở đó, ông có thể nhìn thấy bóng dáng chiến sĩ trong công sự, những tổ
xung kích ngoan cường, yên lặng, bất thần vụt lên trong hiệu lệnh tấn công. Bây
giờ, hạm tàu đã cách xa ông, và ông hiểu rất rõ con đường dẫn tới thắng lợi,
trước hết là ở sự chỉ huy kịp thời của ông.
Thuận đang trên đường đi tới sở chỉ huy. Anh muốn báo cáo với trung tá công
việc vừa hoàn thành trong đêm chuyển quân. Có một bàn tay thân thiết đặt lên
vai anh. Trung tá đang đứng trước mặt anh. Bàn tay nồng ấm của trung tá nắm
chặt tay anh. Anh nhớ đến một ngày gặp ông trên chiến trường Đông Khê . Sự quen
biết giữa anh và trung tá thật tình cờ nhưng cũng là một kỷ niệm sâu sắc.
- Báo cáo tham mưu trưởng! Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Hiện giờ số chiến
sĩ còn lại được bổ sung tạm thời sang đại đội công binh xây dựng cầu tàu tại
khu neo dã chiến.
Trung tá khẽ di chân trên mặt đất với một vẻ trầm ngâm, suy nghĩ. Rồi ông kéo
Thuận ngồi xuống bên một mỏm đá. Ông nói dứt khoát:
- Ta không cần làm cầu tàu nữa. Bờ biển của ta sẽ là một hải cảng cơ động.
Thuận chưa hiểu câu nói của trung tá. Anh hỏi:
- Vậy nếu đêm nay tàu về cập bến?
- Trên mặt biển bao la vô tận này, đâu đâu cũng là hải cảng. Một hải cảng không
có cầu tàu, không có cầu trục.
Và ông đưa Thuận vào một câu chuyện cũ:
- Hồi tiến quân qua sông Đà, bộ đội ta đã vượt sông trên một chiếc cầu bằng
những con thuyền nối tiếp ngang sông. Vũ khí, đạn dược, bộ đội, dân công đầu đi
trên nhịp cầu đó. Một nhịp cầu bập bềnh sóng nước.
Thuận thấy hiện ra những hình ảnh trong câu chuyện của trung tá. Anh như muốn
reo lên: “Ồ. Thật kỳ diệu làm sao! Sáng tạo làm sao!”
Trung tá cầm tay Thuận đứng dậy. Ông vừa chợt nhận ra tiếng mái chèo khua nước
và tiếng sóng vỗ nhè nhẹ, lóc bóc bên mạn thuyền. Trung tá giơ tay chỉ về phía
bờ biển.
- Thuyền của các đồng chí dân quân tự vệ làng biển đã đến rồi. Ta sẽ có khoảng
hai mươi chiếc thuyền dùng làm cầu tàu. Tương lai có thể nhiều hơn nữa.
Thuận nhìn theo cánh tay đang vươn về phía trước của trung tá. Những cụm phi
lao mọc gần ven biển như đang chuyển động. Từng con thuyền đang vun vút lao
nhanh qua đó. Có tiếng của một cô gái dân quân trên thuyền đang khe khẽ hát một
điệu dân ca. Thuận đi đến gần hơn. Anh đã trông rõ những đốm sáng lân tinh lấp
lánh đang tản nhanh trên mặt biển.
Đoàn thuyền đậu thành một hàng dài dưới biển.
Thuận bước xuống khoang thuyền. Anh nói với cô gái dân quân vừa hát kia:
- Điểm lại thuyền và chèo lái đồng chí ạ! Có thể tản ra, khi nào tàu về sẽ tập
trung sau.
Người nữ dân quân khẽ gật đầu. Thuận gạt chèo đứng dậy. Không còn nghe tiếng gì
hơn ngoài tiếng mái chèo khua nước. Đoàn thuyền tản ra rất nhanh. Thoáng sau đã
mất hút sau những rặng phi lao.
Thuận đã đến chỗ trung tá. Anh nói ngắn gọn:
- Các đơn vị dân quân đã đáp ứng mọi yêu cầu. Thuyền đến rất đúng giờ. Bảo đảm
bí mật.
Có ánh đèn tín hiệu nhấp nháy trên cao. Thuận chia tay trung tá. Ở đại đội còn
bao công việc đang chờ anh.
Thuận bước đi. Ánh đèn vẫn nhảy nhót sau lưng anh, soi rõ những hàng dương chạy dọc theo bờ biển, và con đường lên cao đang trải dần ra. Tiếng sóng vẫn ì oạp vỗ triền miên vào vách đá. Thuận thầm nghĩ, biết đâu nơi đây, ngày mai sẽ là một quân cảng hiện đại. Anh thấy lòng rộn lên. Có niềm vui gì đang náo nức, nhưng cũng có cái gì thật bao la, vô tận chiếm cứ vào những tình cảm sâu kín nhất của lòng anh. Anh hiểu ra cái sức mạnh thần kỳ của một cuộc chiến tranh nhân dân. Một cuộc chiến tranh đầy sáng tạo và mưu trí. Một cuộc chiến đấu dạn dày kinh nghiệm của những chiến công xưa.
Thuận bước đi. Ánh đèn vẫn nhảy nhót sau lưng anh, soi rõ những hàng dương chạy dọc theo bờ biển, và con đường lên cao đang trải dần ra. Tiếng sóng vẫn ì oạp vỗ triền miên vào vách đá. Thuận thầm nghĩ, biết đâu nơi đây, ngày mai sẽ là một quân cảng hiện đại. Anh thấy lòng rộn lên. Có niềm vui gì đang náo nức, nhưng cũng có cái gì thật bao la, vô tận chiếm cứ vào những tình cảm sâu kín nhất của lòng anh. Anh hiểu ra cái sức mạnh thần kỳ của một cuộc chiến tranh nhân dân. Một cuộc chiến tranh đầy sáng tạo và mưu trí. Một cuộc chiến đấu dạn dày kinh nghiệm của những chiến công xưa.
Anh lại thấy trước mắt anh sừng sững hiện ra một hải cảng. Một hải cảng mà nào
có ai nhìn thấy một cột đèn, ống nước. Anh lại nhớ đêm qua, cái đêm hải cảng đi
xa, và tiếng nói của trung tá tham mưu trưởng lại như vọng bên tai anh rõ mồn
một.
- Ta chỉ cần một đêm hoặc một vài giờ là đã có một hải cảng, một hải cảng trong
tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Thuận muốn nói với các chiến sĩ của anh bằng một ý nghĩ sâu sắc hơn:
Một hải cảng của lòng trung thành và trí tuệ con người.
Lương Sơn–
Hội viên Hội Nhà văn TP HCM
(Truyện trong tập “Phía trước
là biển cả” -Tặng thưởng văn học về đề tài biển, do Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam và Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam trao
tặng).
Trần Mai Hường gửi đăng.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TPHCM ngày 01/07/2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét