Không thể làm người tốt - Truyện ngắn của Trọng Bảo
Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015
Thứ ba - 06/11/2012 06:29
Văn Ngô
sinh ra vốn đã mang bản tính ngổ ngáo. Từ thời còn đi học cấp 1 hắn đã đánh
nhau với gần hết lũ trẻ con trong xóm, trong lớp. Giáo viên gọi Lưu Văn Ngô lên
bảng. Không thuộc bài hắn trợn ngược mắt lên khiến cô giáo trẻ mới ra trường
cũng ngại không dám cho điểm kém. Hắn cắt trộm bó lúa nếp ở ruộng hợp tác để
làm cốm bị ông bảo vệ bắt được. Trên đường dẫn giải hắn về sân kho hắn lừa
miếng khèo chân làm ông bảo vệ ngã chỏng vó, lộn cổ xuống mương uống no nước.
...
Thông tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Trọng Bảo
Tên thật: Hà Trọng Bảo
Sinh năm: 1956
Quê quán: Thị trấn Hoa Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Hiện công tác tại: Phòng Thông tấn-Báo chí quân đội
Địa chỉ: 61- Cửa Đông-Hà Nội,
ĐT: 098.6676547
Email: trongbao.56@gmail.com
_____
KHÔNG THỂ
LÀM NGƯỜI TỐT
Văn Ngô sinh ra
vốn đã mang bản tính ngổ ngáo. Từ thời còn đi học cấp 1 hắn đã đánh nhau với
gần hết lũ trẻ con trong xóm, trong lớp. Giáo viên gọi Lưu Văn Ngô lên bảng.
Không thuộc bài hắn trợn ngược mắt lên khiến cô giáo trẻ mới ra trường cũng
ngại không dám cho điểm kém. Hắn cắt trộm bó lúa nếp ở ruộng hợp tác để làm
cốm bị ông bảo vệ bắt được. Trên đường dẫn giải hắn về sân kho hắn lừa
miếng khèo chân làm ông bảo vệ ngã chỏng vó, lộn cổ xuống mương uống no nước.
Có
lẽ tại cái tính ngổ ngáo nên cái tên cúng cơm của hắn bị thêm cho một cái dấu
hỏi từ lúc nào. Song, hắn thích cái tên Ngổ hơn tên là Ngô vẻ ngô nghê hiền lành
quá. Hắn chả bao giờ làm việc tốt nên thường bị liệt vào loại cá biệt. Học sinh
cá biệt, rồi thanh niên cá biệt. Hắn phấn đấu mãi vẫn không được kết nạp vào
đoàn thanh niên lao động nên chán. Cũng tại hắn tính tình ngông cuồng dám chê
bai chị bí thư chi đoàn có bộ ngực lép kẹp là “cá rô đực”. Chị này có dáng
người thẳng đuỗn, cằm chìa ra như cái lưỡi cày, mưa rơi ướt mồm không ướt ngực.
Chị ta luôn giáo huấn đám thanh niên về tình yêu, lý tưởng cao quý của tuổi
trẻ. Một lần, toàn chi đoàn đi lao động làm mương cho hợp tác xã. Hắn là thanh
niên đang phấn đấu vào đoàn nên cũng tham gia. Lúc vét mương, hắn vớ được một
con rắn mồng. Đó là một loại rắn nước rất hiền. Thừa cơ khi chị bí thư chi đoàn
đang cúi người vét bùn, cái cổ áo bà ba trễ xuống, hắn nhanh tay thả con
rắn mồng vào cổ áo của chị ta. Chị bí thư chi đoàn hét lên một tiếng kinh hãi
rồi ngã lăn xuống vũng bùn đen hôi thối, bẩn thỉu. Bọn con gái không dám
chạy đến cứu người bí thư chi đoàn. Mấy thằng con trai phải ra tay. Hai thằng
phải lôi người nữ bí thư chi đoàn của mình gần như đã ngất đi lên bờ. Hai thằng
lúng túng mãi mới tháo được cái thắt lưng to bản có cái bao đựng đạn CKC mà chị
bí thư thắt ngang bụng. Chị này cũng là trung đội trưởng dân quân. Đoạn họ cởi
khuy áo và lôi con rắn mồng đang ngọ nguậy trong ngực chị bí thư chi đoàn ra
ném đi. Lúc này mấy nữ đoàn viên mới dám xô đến dìu chị bí thư lên lán chỉ huy
để xoa dầu cấp cứu.
Sau
bận ấy thì con đường phấn đấu trưởng thành của hắn coi như tịt hẳn. Từ một kẻ
vô tổ chức, một thanh niên chậm tiến hắn thành một phần tử bất hảo từ lúc nào
không biết. Hắn vào tù là do lần bắt trộm cá ở ao hợp tác xã. Đang tóm con cá
chép to câu trộm được thì ông công an xóm lù lù xuất hiện ngay sau lưng hắn.
Ông này túm lấy cánh tay hắn bắt quả tang định lôi về sân kho để xử phạt.
Con cá được ông ta ném trả xuống ao. Điên tiết vì mất món nhắm ngon lành hắn
tống cho ông công an xóm một quả khá mạnh. Ông ta rụng mất mấy cái răng
cửa. Hắn bị quy tội trộm cắp và đánh người gây thương tích. Vào tù hắn lại dùng
mảnh kính vỡ đâm một thằng tù khác bị trọng thương, lòi và mù một mắt. Cũng tại
thằng tù này tự xưng là “đại ca” thường bắt các phạm nhân phải cống nạp, phục
dịch. Vậy nên, hạn tù của hắn dài thêm đến chín năm.
Hắn
ra tủ thì đất nước đã ở thời đổi mới. Mọi thứ đối với hắn đều lạ lẫm.
Hắn
quyết tâm cải tà quy chính trở thành một người tốt. Hắn luôn nhủ mình phải làm
nhiều việc tốt. Bởi lẽ trong tù hắn đã được cảm hoá, học tập cải tạo để trở
thành một công dân có ích. Quản giáo luôn kèm cặp, giúp đỡ hắn. Hắn cũng được
giảm một ít thời gian bị giam giữ. Cũng còn một lý do khác là trong tù hắn gặp
một lão thầy bói. Lão này bị đi tù vì tội giao cấu với trẻ vị thành niên. Lợi
dụng “chuyên môn nghiệp vụ” bói toán của mình lão ngủ với rất nhiều phụ nữ.
Chẳng may cho lão lại “làm thịt” một con bé phổng phao nhưng chưa đầy mười sáu
tuổi. Bị gia đình cô bé phát hiện tố cáo nên lão phải vào nhà đá nghỉ ngơi mười
năm.
Khi
đã thân nhau, lão thầy bói xem số cho hắn và phán:
-
Chú ra ngoài phải cố mà làm một người tốt…
-
Tại sao cứ phải như vây?
-
Vì hậu vận của chú rất lạ! Nếu trở thành một người tốt thì sẽ rất phát. Còn nếu
vẫn làm những việc xấu thì hậu vận sẽ rất đen… đen lắm…
-
Hừ…
Hắn
không tin lắm chuyện bói toán. Ai chả biết làm người lương thiện là tốt. Quản
giáo vẫn bảo thế. Hắn cũng từng nghĩ như thế. Cũng có lúc hắn muốn làm người
tốt. Nhưng thời thế lại cứ xô hắn vào chỗ tối. Với lại bản tính hắn vốn đã
ngông nghênh quen rồi. Ngẫm lại quãng đời đã qua quả là hắn đã làm toàn những
việc chẳng hay ho gì. Vì thế được ra tù hắn quyết là phải làm người tốt, làm
những việc tốt, lương thiện. Hắn nhớ lại thời còn thanh niên có bao nhiêu gương
người tốt, việc tốt được in thành sách, được phát trên đài truyền thanh ra rả
hàng ngày. Mà những việc tốt họ làm cũng chả có gì khó khăn, ghê gớm lắm, hắn
cũng có thể làm được. Hắn càng quyết tâm làm việc tốt để trở thành người tốt,
có ích cho xã hội như đám quản giáo trại giam vẫn thường giáo dục, nhắc
nhở hắn.
Rời khỏi nhà tù hắn liền về quê. Mẹ hắn đã già lắm rồi, cái lưng còng hẳn
xuống. Tuy thế ngày ngày bà vẫn cặm cụi ra đồng. Khi thực hiện khoán quản mẹ
hắn được giao một sào ruộng. Lúc hắn về thì ruộng đất đã được giao khoán hết.
Thành thử hắn không có ruộng. Không thể ăn nhờ vào một sào ruộng khoán của mẹ,
hắn quyết định lên thành phố kiếm việc. Bây giờ phong trào bỏ quê lên phố là
thịnh hành. Ngày xưa ai bỏ làng ra đi làm thuê cũng coi như đồ bỏ đi. Giờ thì
đám con gái thì lên phố làm ô-sin, bọn con trai đi làm cửu vạn. Có tiền là có
tất. Đám con gái đi làm ô-sin về váy áo cũn cỡn, di động cầm tay hơn hẳn các nữ
đoàn viên thanh niên đang thi đua cấy lúa cao sản dưới cánh đồng. Đám con trai
làm cửu vạn trên biên giới về xe máy Tàu gầm vang nhả khói oách hơn cả các đồng
chí dân quân đang tập bắn súng trên sân vận động. Thế nhưng cũng có đứa trở về
con gái có đứa mắt xanh, mỏ đỏ nghe nói làm ở quán cà phê đèn mờ dính căn bệnh
chết người. Con trai có thằng đi biên giới làm thuê dính nghiện trở
về làng hôm trước hôm sau đã kề dao vào cổ bố đòi tiền mua ma tuý…
Hắn
nghĩ: “Bây giờ tốt xấu lẫn lộn! Thây kệ, mình cứ phải học để trở thành người
tốt!”.
Lên
thành phố, hắn quyết tâm kiếm việc tu chí làm ăn. Ban ngày hắn đi lang thang,
ngồi vạ vật ở “chợ người” kiếm việc. Ban đêm hắn ngả lưng khi thì quán chợ, lúc
vỉa hè. Chỉ đến mùa đông rét mướt hắn mới thuê chỗ ngủ trọ ngoài bãi sông Hồng.
Hàng
ngày vào phố vừa tìm việc kiếm tiền, hắn vừa lo học làm người tốt.
Hắn
đi dọc đường phố. Vừa đi hắn vừa chú ý quan sát. Hắn mong nhặt được của rơi để
đem đến đồn công an giao nộp để trả lại người mất. Thế là hắn sẽ trở thành
người tốt. Hồi nhỏ khi hắn còn đi học có thằng bạn nhặt được mười lăm đồng đem
trả lại cho người đánh rơi đã được toàn trường nêu gương, học tập. Buổi hội họp
nào nó cũng được đứng lên phát biểu, báo công. Nó là người tốt suốt những năm
đi học phổ thông. Hắn cũng luôn nghĩ nó là một người tốt. Thế mà không hiểu sao
mới đây nó lại bị ra toà vì tội tham nhũng đến cả trăm tỷ đồng. Thế là tấm
gương của bạn khiến hắn hơi phân tâm. Tuy vậy, hắn nghĩ việc “nhặt được của rơi
trả lại người mất” vẫn là việc tốt dễ làm nhất.
Hắn
chỉ bỏ hẳn chuyện học làm người tốt thông qua việc “nhặt được của rơi trả
lại người mất” khi vớ được cái băng vệ sinh của phụ nữ đã dùng rồi lại ngỡ là
một gói tiền, nhất là việc hắn nhặt được mấy tờ 500 nghìn đồng và 100
đô-la bị đám trẻ ranh cười nhạo ầm ĩ bảo là một kẻ tâm thần. Hoá ra đó là
tiền âm phủ của một đám tang rải xuống đường. Tại vì họ làm tiền giả giống tiền
thật quá!
Một
hôm lang thang trên phố hắn chợt nhìn thấy mấy chồng gạch ai đó xếp
ra gần giữa đường. Trên các chồng gạch để những cái chai thuỷ tinh như
những chướng ngại vật khiến đám học sinh phải đạp xe vòng vèo né tránh.
Thật là vướng cho xe cộ đi qua. Phải dẹp bỏ những chồng gạch đá nguy hiểm này.
Đây đúng là một việc tốt cần làm ngay. Hắn hì hục bê những chồng gạch xếp giữa
đường ném xuống bờ mương nước. Mấy cái chai thuỷ tinh thì hắn bỏ vào thùng rác
tránh vỡ ra gây thương tích cho đám trẻ con. Hắn đang vui vì làm được một việc
tốt thì có tiếng quát to:
-
Thằng kia! Tại sao mày dám ngang nhiên phá hoại “trạm xăng” của chúng tao?
Không
nghĩ là họ quát mình, hắn vẫn bước đi trong lòng mừng vui vì vừa làm được một
việc tốt. Một thằng tóc nhuộm vàng hoe kiểu Hàn Quốc và một mụ đàn bà sồn sồn
lao ra túm lấy hắn. Hắn chưa hiểu chuyện gì thì họ nhắc lại:
-
Mày là thằng nào mà dám phá hoại “trạm xăng” của chúng tao hả?
-
Trạm xăng nào?
-
Thì là… những chồng gạch mày vừa ném đi đấy!
Thì
ra đây chính là những “trạm xăng” bán lẻ xăng dầu trên đường phố của họ mà hắn
không biết! Hắn bực mình nhấm nhẳng:
-
Trạm chiếc gì! Xếp gạch ra giữa đường dễ gây tai nạn giao thông lắm!
-
A… thằng này láo nhỉ! Định dạy dỗ chúng tao hả. Chúng tao xếp gạch ở đâu mặc
xác chúng tao, ai bị tai nạn thì mặc họ. Công an, thanh tra giao thông cũng
không làm gì được chúng tao mà mày lại dám động vào hả… hả…?
Mụ
đàn bà giơ tay tát hắn một cái. Hắn thấy đau ê bên má. Thằng thanh niên cũng
hùng hổ co tay định đấm hắn. Hắn lùi lại xắn tay áo lên. Mụ đàn bà và
thằng thanh niên lập tức khựng lại khi nhìn thấy cánh tay hắn săm trổ
những hình thù gớm ghiếc. Họ đứng rúm ró bên gốc cây xà cừ nhìn hắn. Mụ đàn bà
lập cập nói với thằng thanh niên: “Một đại ca xã hội đen đấy đừng giây vào mà
dại…”. Tiếng thằng thanh niên đầu tóc kiểu Hàn Quốc run run: “Đúng là dân xã
hội đen nhưng sao nó lại làm việc tốt thế nhỉ! Hay là nó bị điên rồi…”.
Không
thèm chấp mụ đàn bà và thằng oắt con, hắn bước đi. Hắn hơi buồn. Vậy là việc
tốt của hắn không được công nhận. Cũng chẳng sao, cốt tự mình biết mình là
được.
Đến
gần một ngã tư, hắn chợt thấy một đám đông người đang đứng xúm xít bàn tán ồn
ào. Hắn liền len vào xem có chuyện gì xảy ra. Giữa đám đông là một cô gái nằm
sóng xoài trên mặt đường. Máu từ đầu và ngực cô gái chảy tràn ra. Bên cạnh là
chiếc xe đạp gãy vành cong queo. Có ai đó nói: “Một thằng đi xe máy đâm vào cô
gái rồi bỏ chạy!”. Hắn ngạc nhiên là xung quanh cô gái rất nhiều người,
công nhân có, người mặc com-lê vẻ trí thức có, thanh niên, phụ nữ, cụ già, thiếu
niên đều có mà chả có ai vào sơ cứu cho cô gái bị tai nạn. Họ bình thản đứng
nhìn cô gái nằm giãy giụa vì đau đớn giữa đường. Bệnh viện chỉ ở cách vài trăm
mét mà không ai có ý định đưa cô gái vào đó cấp cứu.
Hắn
gạt đám đông ra lao đến chỗ cô gái đang nằm. Hắn bế xốc cô gái lên rẽ đám đông
lao về phía bệnh viện. Cô gái bị tai nạn được cấp cứu kịp thời qua cơn nguy
kịch. Hắn đứng chờ ở cửa phòng cấp cứu. Quần áo hắn còn thấm máu của cô gái.
Khi biết chắc chắn cô gái đã thoát chết hắn mới quay ra. Hắn định bụng sẽ quay
ra chỗ xảy ra tai nạn định tìm kiếm chiếc xe đạp cho cô gái. Hắn bước nhanh ra
phía hành lang lối ra. Giữa lúc đó thì có nhiều tiếng người nhốn nháo. Một toán
người hùng hổ lao vào bệnh viện hò hét:
-
Đâu… đâu… thằng nào… thằng nào… đánh chết bỏ mẹ nó đi…
Hắn
chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì bị một gậy choảng luôn vào đầu đau điếng.
Rồi một trận mưa đấm đá trút lên người. Hắn co người lăn xuống sân. Toán người
tay dao, tay gậy lao theo. Có tiếng ai đó cố gào lên:
-
Không… phải… chú… ấy… đâu…
-
Không phải à? Gây tai nạn lại còn định bỏ chạy hả!
-
Chú ấy... chỉ là người... đưa đi... cấp cứu thôi...
-
Láo... láo... bây giờ làm gì có người nào tốt thế... đánh... đánh...
-
Đúng làm gì có ai hâm thế... đánh… đánh… đánh bỏ mẹ nó đi!
-
Bụp… bụp… bụp…
-
Ối… ối… ối…
-
Giời ơi… giết… người… rồi…
Hắn
giơ tay lên đỡ đòn. Những cú đấm đá làm hắn lảo đảo. Không ai bênh hắn ngoài
một bà cụ bán nước chè xanh. Bà cụ mặt mày tái mét. Một tay xách ấm nước, một tay
cầm hai cái bát bà cụ cố lao vào cản đám người đang lên cơn thịnh nộ. Tiếng cụ
yếu ớt: “Chú… chú… ấy đã cõng… vào… cấp cứu… lúc cháu gái bị tai nạn... tôi...
tôi cũng có mặt ở đấy… tôi biết… thằng đi xe máy nó chạy mất rồi…”. Không
ai thèm nghe bà cụ nói. Một thằng thanh niên hung hãn đạp bà cụ văng ra phía mé
sân. Hai cái bát trên tay cụ vỡ tan, cái ấm nước lăn long lóc. Tiếng bà cụ gào
khóc vì đau đớn. Giữa lúc nhốn nháo ấy thì một thằng lao vút vào xỉa luôn một
nhát dao về phía hắn. Hắn né người. Lưỡi dao đâm trúng cánh tay trái.
Máu vọt ra. Đến nước này thì… Hắn gầm lên: “Ông… ông… đéo… cần… làm…
người… tốt… nữa…”. Cùng với tiếng hét, hắn nén đau đảo người nhanh nhẹn
tước ngay con dao đang ròng ròng máu trên tay thằng thanh niên ngoặt cổ tay đâm
ngược lại. Thằng thanh niên ôm ngực lảo đảo. Máu từ ngực nó phun ra. Gã vứt con
dao giằng cái gậy của một thằng khác rồi tả xung, hữu đột tẩn cho đám người
thân của cô gái bị tai nạn một trận tơi bời. Sân bệnh viện biến thành một
bãi chiến trường ngổn ngang gậy gộc, gạch đá, toe toét máu me.
Cảnh
sát 113 ập đến. Hắn bị khoá tay ngay lập tức. Các bác sĩ, nhân viên bệnh
viện lúc này mới hoàn hồn. Thằng thanh niên ngã gục ở giữa sân bệnh viện được
chuyển ngay vào phòng cấp cứu nằm ngay cạnh em gái của mình. Hắn bị dẫn giải ra
xe chuyên dụng chở tội phạm. Hắn lê bước đi. Quần áo hắn tả tơi, thấm ướt máu.
Ở góc sân bệnh viện bà cụ bán nước chè xanh cố nhỏm dậy thều thào:
- Chú
ấy đúng là người tốt... Giời ơi là giời! Làm phúc phải tội rồi… khổ
quá...!
Chả
biết có ai nghe được tiếng của bà cụ bán nước không. Nhưng chắc chắn hắn -
công dân Lưu Văn Ngổ sẽ không thể tiếp tục làm người tốt được nữa rồi…
Hà Nội, 18/10/2012
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 09.01.2014
Cập nhật lại ngày
08.8.2015
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét