Home
» Thư viện văn xuôi
» Hoa trong vườn nhà – Tạp văn Chu Trầm Nguyên Minh & Nguyên Tùng Vân (Sài Gòn)
Hoa trong vườn nhà – Tạp văn Chu Trầm Nguyên Minh & Nguyên Tùng Vân (Sài Gòn)
Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015
Thứ
Ba – 02/04/2013 21 15
Về Nha Trang, những người yêu văn chương chữ nghĩa, thập niên
60 đều biết và nghĩ về một gia đình có đến hơn một nửa thành viên hoạt động văn
học nghệ thuật, một gia đình đặc biệt hiếm có ở Việt Nam. Tôi xin được
trân trọng viết về hai người thuộc hai thế hệ văn học của gia đình này.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh
Tên thật: Phan Minh Tâm
Sinh năm 1943
Nơi sinh: Làng Phú Bình, Hàm Liêm, Phan Thiết
Hiện sống ở Sài Gòn
Trước 1975, có bài đăng trên các báo: Phổ Thông
Thời Nay, Đất Sống, Bút Hoa, Nghệ Thuật, Hừng Sáng
Quần Chúng, Thái Độ, Tình Thương, Văn Học, Văn, Ý Thức
Các tác phẩm đã xuất bản:
*Trong Mặt Trời Buồn: Thơ - Văn Học 1967
*Quê Hương Thơ Và Nước Mắt: Thơ - Mai VN 1968
*Cuộc Tình Người: Thơ - Kỷ Nguyên 1969
*Lời Tình Buồn (Thơ- 2012)
_____
Về Nha
Trang, những người yêu văn chương chữ nghĩa, thập niên 60 đều biết và nghĩ
về một gia đình có đến hơn một nửa thành viên hoạt động văn học nghệ thuật, một
gia đình đặc biệt hiếm có ở Việt Nam.
Tôi xin được trân trọng viết về hai người
thuộc hai thế hệ văn học của gia đình này.
Bắt đầu là:
Nhà thơ TÂM TẤN
Nhà thơ Tâm Tấn lúc trẻ
Bà sinh năm 1921 tại Đà Nẵng. Làm thơ năm
14 tuổi. Năm 1937, lúc bà 16 tuổi đã có thơ trên báo Tam Bảo. Và từ
đó, bà xuất hiện: Trong Khuê Phòng, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Đàn Bà, Liên Hoa,
Tự Do, Tiếng Dội, Giác Ngộ…
Bút hiệu khác: Trinh Tiên, Trinh Nữ. Khi
viết tùy bút, xã luận, bà ký: Lan Xuân, Diễm Bút.
Bà là bạn của: Phạm Huy Thông, Yến Lan, Vũ
Đình Liên, Chế Lan Viên. Và là nghĩa muội của cố thi sĩ Quách Tấn.
Bà đại diện miền Trung, nữ sĩ Thụy An miền
Bắc, và Mộng Tuyết miền Nam, kết nghĩa thành ba chị em văn nghệ đại diện ba
miền.
Tác phẩm đã in: - Tình Thơ [1944
- in chung với phu quân, nhà văn Bửu Đáo Ái Mỹ]
- Hương Đạo Hạnh [1974]
- Cuộc Đời Lọc Những Tinh
Sương [2004]
- Muôn Vàn Hương Sắc [2012]
Có mặt trong tác phẩm :
- Hương Bình Thi Phẩm của
Hoàng Trọng Thước [1962]
- Tuyển Tập Thi Ca Việt Nam từ thế
kỷ 19-20 của Huỳnh Sanh Thông {1996}
- Nữ Sĩ Việt Nam của
Nguyễn Ngọc Hiền [2005]
Bà hiện còn khỏe, minh mẫn, sống ở Nha
Trang.
Bà thành hôn với nhà văn B.Đ. Ái
Mỹ 1940, cuộc tình sau 47 năm (tức năm phu quân mất 1987), bà sinh
hạ 14 người con: 7 trai, 7 gái. Tất cả 14 người con của bà đều say mê âm nhạc,
thích hát và hát hay, nhất là người con thứ ba - Qui Hồng. Hơn ½
trong số này cầm bút, làm thơ, viết văn, vẽ, điêu khắc và dịch thuật. Người có
trang viết nhiều nhất là người con thứ 10: Nhà văn Vĩnh Hảo, với 13 đầu sách đã
phổ biến…
Bà là nữ sĩ nổi tiếng không những về thơ ca
mà còn cả thanh sắc, thêm vào tính tình hiền diu, đằm thắm nên được văn thi hữu
thời bấy giờ quí trọng. Bà là nữ sĩ nổi danh từ thập niên 30 vế cả
ba mặt Tài, Sắc và Đức.
Bà ở vào thời Văn Học Lãng Mạn
[1930-1945] những nhà thơ thuộc nhóm Dạ Đài, và nhóm Xuân Thu Nhã Tập, đã làm
một luồng gió mới trong thơ, thơ dần thoát khỏi quan điểm
“Thi Dĩ Ngôn Chí” hay ít ra chữ “Chí” mang một nghĩa sâu hơn và nhiều mặt hơn.
Nó mang theo cả triết lý sống, đôi khi cũng ẩn dụ và viễn tưởng.
Thơ của Bà không thoát khỏi qui luật đó,
chí ít cũng ở thời lãng mạn. Về sau, những thập niên 50-70 thi ca muốn thoát
hẳn cái cũ, cái qui luật ràng buộc, gò bó… bắt thơ phải tuân thủ. Thơ phá
cách, phá thể, thơ tự do bắt đầu xuất hiện nhiều, nhưng ở bà vẫn giữ
được cái trầm lắng, nhẹ nhàng của thơ thời lãng
mạn. Vần điệu và ý tưởng vẫn là chủ đạo trong thơ của bà.
Bà viết nhiều về tình yêu Nam –
Nữ, lứa đôi, tình phụ mẫu, tình phu thê nhưng không thiếu những khắc
khoải của phận người, những trăn trở suy tư cho thế sự. Về sau bà thiên về Phật
giáo. Ngoài thơ bà còn viết tùy bút, xã luận.
Với dự định viết về thơ ca của bà, thú thật
tôi đã run tay, kẻ hậu sinh như tôi không thể nào nhìn thấu suốt được nỗi lòng
của bà đã gởi gắm trong thơ, cho mình, cho đời, cho nhân sinh.
Vả lại, thơ tự nó đã nói lên và giãi bày,
tự nó xác nhận chỗ đứng, nơi hiện diện. Tự nó minh chứng sự có mặt trước người
đọc.
Và vì lẽ đó, tôi xin được trích giới thiệu
hai bài thơ, bà viết cách nhau 47 năm: -Một Cái Siết Tay- bài thứ nhất
bà viết ở Nha Trang 1/1940, nói về những cảm xúc ban đầu khi gặp và yêu nhà văn
B.Đ. Ái Mỹ. Đó, như một thông điệp của định mệnh.
Ở thủa ban đầu yêu nhau, trong thi ca
thường là “nắm tay”, “cầm tay”, ít hay không thấy thi sĩ nào sử dụng từ “siết
tay” như bà.
Cầm, Nắm, Nâng ..tay em .. tay
của Nam –Nữ yêu nhau ở thủa ban đầu, đó là kỷ niệm theo suốt cuộc
tình dài trăm năm, một cảm xúc hóa thành thanh âm vang mãi trong trái tim của
hai người. Đó là sự va chạm truyền cảm tinh khôi và trinh khiết. Đó là sự bắt
đầu của tình yêu và định mệnh …nhưng “siết tay” thì còn hơn thế, đó là
lời thệ ước.
Xin hãy lắng lòng:
Một Cái Siết Tay
Vạn lời yêu dâng đầy trên bốn mắt
Muôn mê say run rẩy ở đôi môi
Trời! Chiều nay vũ trụ ở đâu rồi
Không thấy nữa khi đôi tay siết chặt
Vô hình chưa! Trong bốn làn tia mắt
Hồn anh sang quấn quít chạm hồn em
Run làm sao! Cảm giác rúng đôi
tim
Trong cái siết của đôi bàn tay nóng
Em thu náo nức với niềm say
Thu cả tình đêm lẫn mộng ngày
Thu vạn nghìn lời âu yếm nữa
Cả tình sôi nổi xuống bàn tay
Em siết tay anh chuyền cảm giác
Những lời âu yếm rúng trên môi
Những lời náo nức trong tim thắm
Em gởi tay anh cả vạn lời.
46 năm sau bài thơ đầu, bà viết
bài thứ hai -Hai Lần Siết Tay – cũng tại Nha Trang đầu
năm 1967, khi phu quân nhắm mắt lìa đời. Cuộc tình từ cái siết tay đầu tiên đến
47 năm sau luôn là cuộc tình đẹp, đẹp mãi dù thời gian cứ trôi … Hai tráí tim
hòa điệu, biết cùng nhận đắng cay của cuộc đời, cùng vượt nỗi gian nan …và biết
cùng nhau giữ mãi lửa tình yêu ban đầu … Phu quân của bà - nhà văn B.Đ Ái Mỹ -
bị tai biến liệt bên phải, chỉ còn bàn tay bên trái “ông dùng bàn tay trái níu
tay người bạn đời, siết chặt” và “bình thản nhìn bà rồi lẳng lặng đi vào giấc
hôn mê”.[1] Lần Tay Siết này là tiếng gào thét đớn đau ẩn khuất trong trái tim
để trở thành nỗi tiếc thương khôn cùng. Ngày vĩnh biệt, anh siết bằng
tay trái [2] bà nuốt nỗi đau ly biệt vào lòng.
Rõ ràng lời thơ, cũng như bà, cũng nuốt đi
niềm đau vào thanh âm khổ hạnh của kiếp người. Không còn cái “động”, cái háo
hức của cái siết tay lần đầu… mà chỉ là cơn mê trong cái “Tỉnh”, cái trầm mặc.
Tất cả trở thành một dòng khổ đau giấu kín nơi cõi lòng. Bà đã trải, đã sống,
đã yêu và đã chín trong tư duy và trong cách thể hiện.
Hãy cảm xúc và chia sẻ:
Hai Lần Siết Tay
Từ cái siết tay ban đầu mở lối
Vườn duyên tình thắm thiết tuổi đôi
mươi
Buổi cảm giao không thốt được nên lời
Tay chỉ nắm trong tay lời ước
thệ
Chừ tay ấy bỗng nhiên thành tàn phế
Lời mong trao, môi khó chuyển nên lời
Bốn sáu năm từng chung khổ chia vui
Ngày vĩnh biệt, anh siết
bằng tay trái
Người đã khuất…đẹp ân tình lưu lại
Tóc màu sương vẫn quí gọi “giai nhân”
Nửa trăm năm như ngọc chuộng vàng
nâng
Anh trang trọng giữa hai lần tay siết
Trọn một kiếp song đôi, chừ đoạn diệt
Vắt áo trần nhơ, giả hợp hình hài
Trời Lăng Nghiêm hay sắc giới Thiên
Thai
Cầu linh phách nhẹ nương vào Bát Nhã.
Thơ của bà là cung đàn, nhưng
không phải vang lên từ dây đàn mà từ nước mắt và máu của con tim.
Những dòng trên không phải “nhận đinh” hay
“phê bình” mà là những lời chân thành của kẻ hậu sinh chiêm ngưỡng bà và chiêm
nghiệm thi ca của bà..
----
[1] chú thích của các con
[2] trích Hai lần Tay Siết
----
Nhà thơ THANH NHUNG
Cuối thập niên 50, chuyện có thơ được đăng
ở tạp chí Phổ Thông, lại thêm có mặt trong hai tập thơ chung cùng một
năm. Đó như một hiện tượng và Thanh Nhung đã trở thành nữ sĩ, rất trẻ’ được
ngưỡng mộ. Với tính cách đó, sau hơn nửa thế kỷ, tôi nhìn lại.
Bà sinh năm 1941 tại Nha Trang và nơi sinh cũng
là tên: Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang. Bút hiệu: Thanh Nhung.
Bà là con cả của nữ thi sĩ Tâm Tấn và nhà
văn B.Đ Ái Mỹ, thuộc dòng dõi vua Minh Mạng và thi hào Tuy Lý Vương.
Theo học Võ Tánh Nha Trang, Quốc Học Huế,
Đại học Văn Khoa Sài Gòn.
1963 – Du học Nhật, Mỹ. Năm 1973 lấy bằng
Tiến Sĩ Đại Học California ở Berkeley với luận án: Vai Trò Truyền
Thống của Phụ Nữ phản ánh trong văn học truyền khẩu và văn chương viết của Việt
Nam.
Bà nói được 5 thứ tiếng, chu du
20 quốc gia, Giáo sư Đại Học của 4 nước: Malaysia, Mỹ, Nhật và Thái Lan.
Nhà thơ Thanh Nhung lúc trẻ
Về sự nghiệp thi ca:
Năm 1958, Bà có thơ xuất hiện lần
đầu trên tạp chí Bông Lúa rồi Phổ Thông của cố thi sĩ Nguyễn Vỹ. Cùng năm này
bà có mặt trong hai tập “Tiếng Thơ Miền Trung” với Cao Hoành
Nhân, Từ Thế Mộng … và “Hoa Mười Phương” với Định Giang … Lúc
đó bà mới 17 tuổi. Bà có thơ đăng thường xuyên ở Phổ Thông đến 1965. Những thập
niên sau bà cộng tác với các báo và tạp chí nước ngoài như: Văn Học và Nghệ
Thuật, Văn Học, Vietnam Culture Journal … và đã xuất bản một số sách viết bằng
tiếng Anh trong đó có bộ tiểu thuyết 2 tập The Moon of Hòa Bình [1994]
đồng tác giả với chồng là : William L.Pensinger.
Bà hiện sống cùng chồng ở Nha Trang.
Ở đây tôi xin nói -một chút- về thi ca mà
không nói đến tác phẩm văn xuôi bằng tiếng Việt hay tiếng Anh.của bà. Gia tài
thi ca của bà không nhiều, không đồ sộ, không nhiều đầu sách, nhiều trang
in….Nó chỉ vỏn vẹn có 50 bài thơ đủ các thể loại bà viết từ 1958 đến 2000. Như
một bức tranh khung nhỏ, khiêm nhường, được gắn ở khoảng không gian tĩnh lặng,
lẻ loi, trong một thế giới trưng bày hoành tráng của thi ca đương đại,
nhưng bước chân người thưởng ngoạn lại dừng lại -rất lâu- trước bức tranh
khung nhỏ, lẻ loi ấy của bà.
Tôi vẫn không làm sao tìm được những sáng
tác sau năm 2000 của bà.
Năm 1963 bà du học ở Nhật. Thời đó đi du
học là chuyện cực hiếm, nó càng hiếm hơn khi dành cho giới nữ. Lúc đó bà 22
tuổi, một cánh chim non tung cánh vào bão táp của cuộc đời. Cuộc ra đi này,
theo tôi, đã ảnh hưởng sâu sắc đến thi ca và cả cuộc đời của bà. Cuộc ra đi dài
cho đến gần hết cuộc đời bà mới có cuộc -thật sự- trở về.
Đó là cuộc chia tay mà cuộc đời đã dành cho
bà, như một định mệnh.
Về hình thức thể hiện:
Bà sử dụng hầu như hết các thể
thơ:8 chữ, 7 chữ, 5 chữ chia đoạn, 4 chữ, lục bát, thể kết hợp và tự do… xuyên
suốt trong quá trình sáng tác của bà. Đặc biệt là Thể Kết Hợp. Thoạt nhìn ta có
thể lầm tưởng đó là thơ tự do, nhưng không, bài thơ tuân thủ qui tắc vần, ngữ pháp,
ngữ nghĩa của từng thể thơ, nhưng không độc lập, riêng rẽ mà liên kết lại
thống nhất âm điệu và ý tưởng. Có ít tác giả sử dụng thể kết hợp thành công như
bà. Tôi xin đơn cử:
Chắp tay van gió nằm im
Đừng
đưa vẳng mấy lời chim gọi đàn
Tiếng
hồn vừa mở
Tiếng
hồn than van
Bốn
phương trời đất dường tăm tối
Sao
khóc tình yêu, chết vội vàng
[trích Hoang Dại trong “Hoa Mười Phương”-1959]
Ba thể: lục bát, 4 chữ, 7 chữ trong một
bài. Vần “an ‘ –câu 2: gọi đàn –câu
4: than van -câu 6: vội vàng. Đó là sợi
dây kết nối, thống nhất của 3 thể loại trong một bài thơ. Không khó nhưng
cũng không dễ để hình thành thanh âm xuyên suốt như vậy.
Về nội dung:
Người đọc không khó để nhận ra rằng, sáng
tác của bà có hai thời kỳ, rất rõ, rất tách bạch .Thời kỳ đầu, từ trước
1958 đến tháng 4 năm 1963 Trong thời kỳ này bà còn chịu ảnh hưởng
nhiều của thi ca lãng mạn [1932-1945,] về hình thức lẫn nội dung. Thơ chỉ nói
đến cái tôi của chính mình, sự ích kỷ cần thiết cho giai đoạn mở đầu của một
tác giả, viết về những cảm xúc rung động của mình và cho mình.
Viết cái ở trong và riêng ta. Gần như hầu hết các nhà thơ khởi viết
đều viết về tình yêu của chính mình, bà cũng không ngoại lệ. Dường như bà biết
yêu rất sớm:
Tóc
mây hò hẹn tuổi mười lăm
Mắt-đọng-sầu–tư
vẫn khóc thầm.
Và cái bóng dáng tình yêu ban đầu ấy cứ lớn
theo thòi gian, chập chờn rồi choáng ngợp trái tim, thi ca của bà bị cuốn theo.
Mộng mơ. Hạnh phúc. Khổ đau. Giận hờn. Oán trách. Nỗi rung động và xúc động đầu
đời bậc lên thành cung điệu, thành thơ. Nhưng, dù trong nỗi đau nào, cũng giữ
được sự đằm thắm, dịu dàng, không phẫn nộ, không lộng từ…đúng như tâm hồn tĩnh
lặng, sâu lắng của bà.
Bốn
phương trời đất dường tăm tối
Sao
khóc tình yêu, chết vội vàng
[trích Hoang Dại /Hoa Mười
Phương, 1959]
Hai
vỡ tan còn ghi kỷ niệm
Tình
Yêu? Còn lại chút gì đâu
Ngày
mai khi khép hoài đôi mắt
Ôm
lấy niềm đơn xuống huyệt đài
[trích Kiếp Sầu/Sài Gòn 12/9/1961]
Ngăn-cách-cuộc-đời
xâu xé hồn nhau
Sầu
đã biến dòng thơ thành suối lệ
[trích Những Mùa Xuân – Sài
Gòn 29/12/1961]
Bà thể hiện sự đau khổ tận cùng, tiếng thơ
cũng chỉ là nổi khứng chịu số phận của riêng mình:
Xác thân vùi với niềm đau khổ
Là hết, là xong một cuộc đời
……….
Tỉnh giấc, trời ơi, hồn ngẩn ngơ
………….
Người xa - thương nhớ là dao chém
Từng nhát vào tim ứ tủi hờn
[trích Oán Trách /Phổ
Thông số 88-9/1962]
Những cảm xúc, bâng khuâng, tò mò khám phá.
Của đợi chờ mộng mơ. Của hạnh phúc ban đầu. Thời của tan vỡ, tiếc nuối, đau
buồn, thơ của bà bấy giờ vẫn mang một sắc thái riêng: óng mượt và lung linh.
Thời kỳ từ 4/1963 trở về sau:
Cuộc chiến chống Pháp kết thúc
20/ 7/1954. Nhưng cuộc chiến ác liệt vẫn tiếp tục ở quê nhả. Trái tim nhỏ bé
của bà, ở cách xa vạn dặm, qua một đại dương bao la, mãi tận phương trời… đã
nghe và đã thổn thức. Bà bỗng ngộ ra rằng bấy lâu nay bà chìm đắm trong nỗi
riêng của cõi lòng, của riêng bà, rất đỗi vị kỷ. Tâm sự đó bà gởi vào
“Hướng Tâm Tư“ viết tạiTokyo ngày 25/4/1963.
Ôi những ngày xưa rất dại khờ
Tháng năm quằn quại khổ vì mơ
…………….
Một sớm niềm kiêu hãnh hiện về
Mang linh hồn khỏi ngục đa mê
Điềm nhiên dứt bỏ thời hoang dại
Có những lời thơ rất não nề
Cuối cùng, như một cánh bướm thoát ra khỏi
kén, tung bay vào không gian, thơ bà đã mang thêm một ý nghĩa về cuộc
chung của kiếp người. Bà dấn thêm một bước vào cảm xúc về nỗi
khổ đau của đất nước, của quê hương, của đồng bào, và bà hạnh phúc với sự
chuyển hướng này.
Hồn nở tình thương đẹp lạ
lùng
Trao về linh khí của non sông.
Hạnh phúc
trào dâng đến nghẹn lời
Nghe lòng
chuyển hướng rộng chơi vơi
[trích Hướng Tâm Tư,Tokyo 25/4/1963]
Thi ca của bà lúc này có thêm một mảng thi
ca dấn thân, chất đấu tranh ẩn khuất trong những thương cảm, lo
âu. Từ nơi xa xôi gởi về quê nhà. Nỗi lòng bà đã trải ra, tấm lòng bà đã xót
thương, nước mắt bà đã rơi. Thơ của bà giờ đây đã mang tính chiến đấu, hy
sinh và cống hiến cho quê hương hơn cái tôi của mình.
Xót xa nghe chuyện điêu tàn
Hỡi ơi! quê mẹ muôn vàn thương đau
[trích Khắc Khoải
–Tokyo 29/91963]
Lòng đất quê hương quặn niềm ly tán
Cho nỗi hờn câm ngùn ngụt tinh cầu
……………….
Đất mẹ rưng rưng ôm những hình hài
[trích U Uất, Phổ Thông
số 137, 11/1964]
Trái tim nhỏ bé, côi quạnh ở mãi phương
trời xa tắp, đã nghe –không những tiếng bom rền đạn nổ, tiếng gào thét của quê
hương. Bà còn nghe cả tiếng nỉ non, khấn nguyện, thầm thì của những người mẹ,
tiếng khóc của trẻ thơ…
Nghe từ mẫu đêm nhìn đèn tâm sự
Hai tay gầy và mắt lệ xin ơn.
Cho hơi ấm của mùa xuân ấp ủ
Tình thương yêu làm nhẹ mối căm hờn
[trích Mùa Xuân Mong Đợi –Berkeley 11/11/1968
]
Thời kỳ này, cảm xúc dâng trào choáng ngợp,
đè nén và bộc phát thành thơ, nó phá vỡ hết qui tắc, niêm luật, gò bó của thơ
lãng mạn, thơ mới. Bà vượt qua, thoát khỏi và hầu hết tác phẩm thời kỳ này bà
viết theo thể thơ Tự Do. Từ cái phóng khoáng, thênh thang,
cái cởi mở của thơ tự do, người viết mới viết hết ý tưởng của mình
muốn gởi gắm. Tuy nhiên “vần” vẫn được bà sử dụng như cách tạo âm, thơ
bà vẫn mang tính nhạc điệu, tôi nghĩ, bà đã áp đặt tu-từ-mới cho thơ tự do.
Mẹ
già không nhặt xác con
Đem
xây nền dân chủ
Những xác
co ro trong đất mẹ hao mòn
Nỗi
khao khát âm thầm thôi có bao giờ tự thú
[trích Xin Cúi
Xuống Thật Gần, Kuala Lumpur, 20/1/1975]
Có người nói thơ “là cấu trúc của trí tưởng
tượng” tôi hiểu đại để là “trí tưởng tượng có trước ngôn ngữ thi ca, có
trước thơ”. Nó có thể đúng ở một “diện” nào đó của một giai đoạn. Tuyệt nhiên
nó không phù hợp với thơ của bà trong thời kỳ này. Cái cảm xúc có thật và có
trước ngôn ngữ thi ca, có trước thơ. Tiếng động của âm thanh, của súng
đạn, của xương máu, đó là sự hiện-hữu-có-thật… làm nên cảm xúc, bà mới viết
thành thơ. Thơ gần như hoàn toàn không cần và vượt khỏi trí tưởng tượng.
Và thơ của bà giai đoạn này là “Thơ, đó là
những cách đi tới nơi tận cùng của ý thức” [Laurence folinghetti –nhóm nhà thơ-
Không Tùy Thời-1950 Hoa Kỳ] và “Ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ của cuộc sống
“[Luân Hoán]. Tôi nghĩ như vậy.
Bà cũng như người mẹ -nữ sĩ Tâm Tấn- hội
đủ: Tài Năng, Đức Hạnh và Thanh Sắc.
Ngày về
Ra đi ở tuổi 22, phải gần hết
cuộc đời bà mới -thật sự- trở về. Căn nhà nơi bà sinh ra giờ đây mái đã rêu
phong, vòm bông giấy trước nhà đã không còn, tiếng cười cũng vắng xa. Đàn em,
mỗi nguời một phận, tứ tán khắp phương trời. Chốn cũ, nay chỉ còn hình bóng lẻ
loi, đơn độc, âm thầm của mẹ già. Và, ôi những dấu chân ngày nào đã in trên bờ
cát trắng của thuở lên mười, gói đậu phụng rang gởi trọn nỗi lòng của ai
đã trao thời niên thiếu… cùng với tiếng sóng của biển khơi thì thầm… của
một thời đã xa... rất xa.
Thời gian có thể đã xóa mất đi biết bao
điều của đời người nhưng tôi đoan chắc rằng những kỷ niệm kia còn mãi nơi
cõi lòng bà, ngày nào bà còn nghe tiếng sóng thì thầm, còn nhìn thấy biển quê
hương.
Sài Gòn
1/2013
(Nguồn Quán Văn số 13
thảng 3/2013)
Email: minhtam1943@yahoo.com.vn
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại- ngày 26/11/2015
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Sài Gòn ngày 03/04/2013
. Cập nhật lại- ngày 26/11/2015
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Sài Gòn ngày 03/04/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi
Trích Đăng Lại.
__________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét