Chân Diện Mục: Chưa đủ cô đơn cho sáng tác
Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015
Tôi
đọc “Chưa đủ cô đơn cho sáng tác“
lấy làm tâm đắc lắm! Cái ông Inrasara này thật là hiểu, thật là nắm bắt được
cái hồn thơ văn. Ôi! Tại sao thơ văn bây giờ rất là xô bồ? Tại vì cuộc sống bây
giờ rất xô bồ! Người ta lấy thơ văn làm một trong những phương tiện để tiến thân!
…
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Chân Diện Mục
Họ tên thật Phạm Huy Viên
Ông sinh năm 1936 tại Nam Định, di cư vào Nam năm 1954
Học Đại Học Sư Phạm Sài Gòn khóa 1957-1960, ban Việt Hán
Dạy học tại Rạch Giá, Đà Lạt, Cần Thơ.
Nghỉ dạy năm 1978. Làm đủ thứ nghề: làm rẫy, đi buôn....
Cuối cùng viết văn thơ tại nhà nhưng không in hay đăng báo.
Email: chandienmuc36@yahoo.com.vn
_____
CHƯA ĐỦ CÔ ĐƠN CHO
SÁNG TÁC
Tôi
đọc “Chưa đủ cô đơn cho sáng tác“
lấy làm tâm đắc lắm! Cái ông Inrasari này thật là hiểu, thật là nắm bắt được
cái hồn thơ văn.
Ôi!
Tại sao thơ văn bây giờ rất là xô bồ? Tại vì cuộc sống bây giờ rất xô bồ! Người
ta lấy thơ văn làm một trong những phương tiện để tiến thân! (xin đừng so sánh
với ngày xưa: khoa cử người ta xét trình độ thơ văn là người ta xét vốn chữ
nghĩa và đọc sách của đương sự, rồi sau đó thăng quan tiến chức hay không là
tài ứng xử sau này)
Ngày nay người ta xếp hạng thơ văn theo
quyền lực, theo vỗ tay số đông! Ông chủ tịch thơ hay hơn thơ ông bộ trưởng, thơ
bộ trưởng hay hơn thơ vụ trưởng, vụ trưởng hay hơn giám đốc… Ôi! Một nền
văn chương a dua, nịnh hót… Thảo nào mấy chục năm qua rất ít bài ngửi được.
Văn chương phải được sáng tác
trong tĩnh lặng, khiêm nhượng, cô đơn… để rồi nó sẽ được nhân dân đánh giá,
chứ không phải các ông lớn viết rồi đem ra khoe, ca tụng lẫn nhau, kéo bè kéo
cánh, phong tặng nhau những danh hiệu này, danh hiệu kia! Chính cái nền
văn nghệ xô bồ này đã nặn ra những quái thai làm nản long người quan tâm tới
văn nghệ: Ông lớn tài kiêm văn võ, chính trị, quân sự, tài chánh… tranh
giải thưởng cao quí nhất không được (!) ông ta tuyên bố đợt sau nhất định ông
ta phải được giải này(!!!) mà theo các văn thi sĩ dân đen thì ông này viết
văn thơ, phóng sự, nhạc, hội họa chẳng thứ nào ra hồn! Ôi! Những người
huênh hoang trong tiệc rượu, trong lễ hội, trong các cuộc họp thì làm sao hiểu
nỗi cô đơn quan trọng như thế nào đối với người viết!
Cái
hứng thơ, cái cảm nhận sâu sắc về cuộc đời chỉ chân thực, chín mùi khi nhà văn
cô đơn, cô đơn tuyệt đối.
Những tuyệt phẩm: Muối Của Rừng, Những Người Thợ Xẻ của Nguyễn huy
Thiệp; Những: Bước Qua Lời Nguyền, Thiên Thần Sám Hối, Đi Tìm Nhân Vật của Tạ
duy Anh đã trở thành bất tử vì Nguyễn huy Thiệp và Tạ duy Anh cô đơn!
Mọi
người chỉ loan truyền những bài thơ thất tình, cùi hủi… của Hàn Mặc Tử mà không
biết rằng bài thơ tuyệt tác Đà Lạt Trăng Mờ đã bật ra khi Hàn Mặc Tử cô đơn (đó
là nỗi cô đơn thi vị chứ không phải là nỗi cô đơn tầm thường… Như khi thất
tình, thất chí, bị người xa lánh) trong một đêm trăng ở Đà Lạt:
Cả trời say nhuộm một mầu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe đụng chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng
Xuân
Diệu hẳn đã cô đơn lắm khi hạ bút:
Bốn bề ánh nhạc biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
Sương bạc làm thinh khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê
Và
Huy Cận nữa! Ai mà chẳng hơn một lần nghe mưa rót vào hồn rồi sầu buồn cùng
chàng Huy Cận:
Tai nương giọt nước mái nhà
Nghe trời lạnh lạnh, nghe ta buồn
buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ
loi
Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn hạt nhẹ nối lời vu vơ
Quách
Toại và Thanh Tâm Tuyền lại có những nỗi cô đơn không giống ai khi hai chàng
nghĩ về kiếp người.
Trong
khi Quách Thoại nhìn trăng thao thức và muốn:
Gửi cả lên trăng tiếng thở dài
Thì
Thanh Tâm Tuyền đứng bên cửa sổ:
Mây đục đậu bên bờ cửa sổ
Ở một
bệnh viện:
Bệnh viện thành công viên khuất
nẻo
Mà
nghĩ đến những chuyện hôm qua:
Những chuyện hôm qua chuyện núi
đồi
Ôi!
Chàng này nói lờn: “Tôi không còn cô độc“ nhưng thực ra chàng cô độc
lắm!!!
Tô Thuỳ Yên về quê như đi vào
nơi thần bí:
Ta về như giấc mơ thần bí …
… Thức dậy đi nào gỗ đá ơi
Nói
chuyện với gỗ đá thì chắc chàng là: “Thiên
hạ đệ nhứt cô đơn“ rồi! Chẳng ai có thể tranh với chàng danh hiệu đó!
Không hiểu sao xã hội Việt Nam càng ngày càng ồn ào, náo nhiệt, mà các
thi sĩ lớn thì càng ngày càng cô đơn.
Xuân
Sách về quê … tới bến đò:
Ta về tới bến sông xưa
Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi
đò
Ai
đọc tới đây mà không thắc mắc: Tạo sao thế! Có lẽ tâm sự Xuân Sách
ngổn ngang… chưa gọi đò vì… Quê hương… khó nói quá…! Có lẽ ông ở giữa quê hương
mà cô đơn thôi!!!
Khoa Hữu về Hà Nội không phải là tìm ân oán, ông chỉ muốn tìm tình tự
ngàn năm xưa. Nhưng:
Gọi ngàn năm vọng tiếng thưa tuyệt
tình
Rồi
ông lại đến Sài Gòn nơi mấy trăm năm xây dựng của dân Việt để làm nên hòn
ngọc Viễn Đông . Nhưng chỉ nhận được nỗi cô đơn não nề
Về bôi mặt nhọ tìm nhau
Hỏi trăng xưa khuyết
Hỏi châu ngọc chìm
Phạm công Thiện, một con người chẳng phải tăng, không phải tục, lại càng
không phải Thánh, cô đơn đứng trên đồi nhìn “mây trổ bông“, nhưng dưới chân ông thì quê hương xao xác như bến cỏ
bồng bởi những ngọn gió từ đồi Tây hay đồi Đông!
Tuệ
Sĩ, vị Thiền Sư uyên thâm Phật Pháp nhưng không dứt nổi long trần. Lòng ông rất
cô đơn và hờn tủi ngay giữa Trường Sơn hùng vĩ, ngàn năm thách đố biển
Đông:
Quê người trên đỉnh Trường Sơn
Cho ta gửi một nỗi hờn thiên thu
Tôi
kết thúc bài viết ngắn này khi điểm lại các vị có thể là nhà giáo, nhà báo,
triết gia, thiền sư, quân nhân, nông dân… nhưng họ thật sự chỉ là nhà văn chân
chính khi họ: CÔ ĐƠN
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Cần Thơ ngày 14/12/2015
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét