Truyện ngắn Đoàn Lê (Hải Phòng): Ngày cuối/ Trinh tiết xóm chùa/
Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016
Ngày
30/11/2010
Ông mở
cửa ra đường vào lúc đèn đêm chưa kịp tắt. Những quầng vàng nhợt nhạt ngắt con
phố nhỏ thành từng khúc mơ hồ, loang lổ bóng cây. Ông phân vân bước xuống lòng
đường. Không phải để giải quyết khâu thông thoáng mà ông cốt được hứng lấy
nhiều ánh đèn nhất. Anh đèn cũng là một thứ vũ khí, dù chẳng sử dụng được,
nhưng ít ra nó cho ta yên lòng sẽ nhìn thấy những nguy hiểm ập đến từ ngả nào.
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác
giả Đoàn Lê
Bút
danh Đoàn Lê
Hội
viên Hội nhà văn Việt Nam
Địa
chỉ: TP. Hải Phòng
Email:
ngocchaunvhp@gmail.com
_____
NGÀY CUỐI
Ông
mở cửa ra đường vào lúc đèn đêm chưa kịp tắt. Những quầng vàng nhợt nhạt ngắt
con phố nhỏ thành từng khúc mơ hồ, loang lổ bóng cây.
Ông
phân vân bước xuống lòng đường. Không phải để giải quyết khâu thông thoáng mà
ông cốt được hứng lấy nhiều ánh đèn nhất. Anh đèn cũng là một thứ vũ khí, dù
chẳng sử dụng được, nhưng ít ra nó cho ta yên lòng sẽ nhìn thấy những nguy hiểm
ập đến từ ngả nào. Bọn lưu manh luôn xuất hiện bất ngờ từ những mảng tối bên
đường. Chúng đâu biết cái túi du lịch toòng teng trên vai ông không chứa gì
ngoài một bộ pijama, hộp dao cạo râu và khăn mặt, bàn chải đánh răng. Chúng cứ
ngỡ với dáng dấp, phong độ trời phú cho một người như thế này, trong túi du
lịch của ông ta chắc phải chứa nhiều thứ đáng giá.
Vả
không gì dễ bằng giật cái túi du lịch của một lão già đi ngoài đường vắng lúc
năm giờ sáng. Đám choai choai nghiện hút coi chuyện đó không bằng hỉ mũi. Dao,
kéo, kiếm, côn còn đang phải dùng xua ruồi, ngứa tay lắm đây. Lão già dám chống
cự, đảm bảo sẽ lĩnh ngon một phạng.
Mất
cái túi chẳng là gì, nó chỉ làm mình giật thót. Thực ra động vào một đại tá
công an, dù đã về hưu như ông, cũng không dễ đâu. Nhưng ở tuổi bảy mươi,
lại mang thâm niên bệnh đau tim, ai dám chắc không có chuyện cái xảy nảy cái
ung? Tốt nhất cứ được đi dưới ánh đèn rọi sáng để đề phòng cho chắc dạ.
Nhưng đi dưới lòng đường lại phạm luật giao thông đây. Thôi kệ, cả đời
mình luôn giữ kỷ cương phép nước đúng mực của một người đại diện pháp luật rồi.
Nên nhớ đã lâu mình làm anh phó thường dân cơ mà.
Ông
bật cười một mình. Ơ hay, nghĩ lẩn thẩn gì đây? Bệnh già rành rành không chối
cãi vào đâu nhá. Nào, hãy thư giãn, hãy thơ thới đón nhận ngọn gió se lạnh đầu
thu này. Còn được hưởng những giây phút một mình ung dung ra ga tàu làm chuyến
viễn du đột xuất, không mảy may bận tâm lo âu điều gì, thế không sướng
sao?
Ông
đi chuyến tàu sáu giờ sáng về Hải Phòng. Duyên do vì ông bạn nhà thơ già
bỗng dưng gọi điện cho ông lúc tối qua. Ông
không thể không về đấy nhé. Chuyện cực kỳ quan trọng. Tôi nói thật, không về
rồi đừng có ân hận! Tôi muốn dành cho ông một bất ngờ!
Thì
về. Đã lâu ông không đi xa. Làm một chuyến cũng hay. Báo cho vợ chồng con gái
cắt phiên nhau tới trông nhà. Ông hứa chỉ hai hôm chơi thăm bạn bè xong sẽ về,
chớ có lo lắng .Thuốc men mang đi đầy đủ đây rồi. Nếu tiện, lúc về ông sẽ mua
dăm con cua bể để cái cún nó nấu miến. Xong!
Sáu
giờ đúng tàu chuyển bánh. Được, làm ăn phải chính quy như thế chứ. Ghế thì bọc
đệm da êm ái, cửa sổ mấy lần che chắn, bảo vệ hành khách khỏi bị va quệt, khỏi
gió máy. Sướng thật.Và Thượng-Đế-tàu vẫn như từ xưa, được phóng uế thoả thích
xuống suốt dọc đường sắt mà không bị phạt. Dân ven đường uất tận cổ, xui những
đứa trẻ ném đá, ném bùn vào những ô cửa đang vun vút lướt qua. Nhưng
Thượng-Đế-tàu đã có khung lưới bảo vệ, kể cả khung lưới bảo hiểm lẫn luật pháp.
Thách đấy! Nhà tàu tính kỹ cả rồi!
Trời bắt đầu sáng tỏ. Không khí ban mai thật dễ chịu. Gió từ lòng sông
Hồng đưa theo hơi nước ùa lên tàu với một chút ẩm ướt.
Theo thói quen đã ăn sâu tận xương tuỷ, ông đưa mắt quan sát khắp lượt
các khuôn mặt hành khách xuất hiện trong tầm nhìn của ông. Trừ một phụ nữ đỏm
dáng đeo cặp kính đen như thám tử Tây ngồi ngay ghế phía trước ông, luôn hướng
ra cửa sổ, còn lại toàn những gương mặt vàng ệch, ngái ngủ, hớt hải hoặc mệt
mỏi. Diện mạo họ đặc trưng cho đám sinh linh mênh mông, mảng màu nền trong bức
tranh xã hội, có mẫu số chung là sự long đong nhọc nhằn theo mọi kiểu. Như thế
tất họ mới phải đi tàu vào giờ này.
Đương nhiên trừ ông ra. Ông thừa nhận tướng mạo ông khỏi cần bàn. Ngày
xưa ông đẹp trai như tài tử xinê, con gái khối cô ngấm ngầm thương nhớ. Giờ đây
vẻ đẹp ấy ông đã để vương vãi ở mọi xó xỉnh sau cả một đời cống hiến cho xã
hội. Nhưng với hai bàn tay cùng lương tâm sạch sẽ khi về hưu, gia cảnh đề huề
dư dả, bà vợ già mãn nguyện đi vào cõi vĩnh hằng từ chục năm nay, đứa con gái
duy nhất cùng chồng nó nối nghiệp cha trong ngành An ninh, giữ truyền thống tốt
đẹp của gia đình... tất cả điều ấy thể hiện ra vẻ ngoài của ông, thành đạt,
sung mãn...
Nào, ông bạn già nhà thơ Hải Phòng có chuyện gì đây? Cưới con, cưới
cháu? Đoạt giải văn học hàng Tỉnh? Tổ chức lễ thượng thọ? Hay lão tổ chức đón
cái bà nghệ sĩ cải lương ở Đồ Sơn để hai cụ nắm tay nhau đi cho khỏi ngã? Được
rồi, cứ việc giấu. Ông lạ gì tính nết lão. Rất thích làm chuyện giật gân. Ông
cũng chuẩn bị sẵn hai câu thơ học mót để dành chọc lão đây. Thơ anh tươi đẹp như hoa. Bón lúa, lúa tốt,
bón cà, cà sai.
May
mà ông đoạn tuyệt được với chữ nghĩa, sau mấy bài thơ tình quãng đầu đời. Nếu
không có chuyện chia tay với Nguyệt, rồi cương quyết sống thật nghiêm chỉnh,
chắc thơ phú ông cũng sẽ ra rông rổng một cách tự nhiên không kém lão nhà thơ
bạn ông. Chao ôi, những khúc ngoặt cuộc đời thế đấy!
Bỗng nhiên trong ký ức ông thoáng hiện lên một bóng dáng yêu kiều. Lạ
thật. Suốt bốn chục năm nay, ông thường trấn áp cái hình bóng ấy, không cho
phép nó trỗi dậy cào xé trái tim ông. Đến tận bây giờ ông cũng không dám tin
tưởng đã được yên ổn với kỷ niệm xót lòng đó đâu. Sao bỗng dưng...
A,
phải rồi. Tại cái nốt ruồi bên má kia kìa! Người đàn bà đeo kính đen ngồi phía
trước đang tỉ mỉ bóc một quả lựu hồng đào, không để ý đến chuyện ông đang nhìn
trân trối vào cái nốt ruồi bên má trái mình. Trời ơi, đúng cái nốt ruồi của
Nguyệt. Phải Nguyệt đây chăng? Không có lẽ nàng ngồi ngay trước mặt ông mà dửng
dưng được đến thế? Vả hình như nốt ruồi của Nguyệt hơi cao hơn một chút
chăng .
Đúng lúc ông lấy can đảm định cất tiếng gọi Nguyệt, người đàn bà bỗng
nhấc cặp kính lên để dụi mắt. Ông thất vọng hụt hẫng tựa hồ bị dội gáo nước
lạnh. Không phải Nguyệt.
Với
đôi bàn tay trắng, những ngón thon muốt quá đẹp, nàng thận trọng gỡ lấy từng
hạt một, những hạt lựu tí xíu, đỏ thắm, rồi chậm rãi đưa lên miệng. Ơ hay thật,
bỗng dưng ông thấy tâm hồn mình tràn đầy cảm xúc dịu dàng khi nhìn người phụ nữ
kia hé môi ngậm lấy hạt lựu long lanh màu máu bồ câu một cách trân trọng như
thế.
Đúng ra, ông chưa từng mất thì giờ ăn một quả lựu cho ra hồn, theo ý
nghĩa thưởng thức nó đầy đủ. Lựu dành cho đàn bà, trẻ con thôi .
Cặp
kính đen bỗng ngẩng lên, hướng thẳng vào ông. Ông dè chừng một sự phản ứng ngấm
ngầm của nàng. Không ai thích bị quan sát bất chợt cả. Nhưng không, đôi môi
người đàn bà vẫn khẽ nún hạt lựu trông thật thản nhiên, ngang ngạnh, khiêu
khích. Ông hiểu sự ngang ngạnh ấy chỉ là một cách làm duyên, nó nhấn thêm sự
dịu dàng ẩn giấu bên trong.Và cái đó hấp dẫn đàn ông kỳ lạ.
Ông
cũng vậy. Ông luôn bị sự dịu dàng chinh phục. Ông không chấp nhận được thói sỗ
sàng. Mới tối hôm qua đấy, ông đỏ bừng mặt mũi như bị sỉ vả, khi một cô ca sĩ
to béo trên màn hình tivi sau một hồi ngúng nguẩy giậm giật, cô ta hùng hổ chỉ
thẳng ngón tay vào mặt ông, gào như phát rồ. Em muốn yêu anh trọn đời! Thế thà tự tử cho xong!
Nguyệt rất dịu dàng, đôi khi nàng lấy sự dịu
dàng ấy làm một thứ vũ khí nguy hiểm. Nàng để mặc ông đau đớn khổ sở, một
mực giữ vẻ dịu dàng, bình thản, đôi môi nhỏ mọng chỉ hơi run lên. Giọng nàng
nhỏ nhẹ êm ái:
- Tại sao em phải che giấu? Em sẵn sàng nói
với mọi người rằng em trót dại ăn nằm với một kẻ lang thang đầu đường xó chợ,
không có lý lịch, không có hộ khẩu, nhân thân gì hết. Thế được chưa anh?Rốt cục
nó là máu thịt của em, của riêng em thôi, và em không đời nào vứt bỏ nó.
Tất
nhiên Nguyệt hiểu hoàn cảnh ông. Nếu cơ quan biết chuyện ông dính líu yêu đương
với con gái một kẻ phản động “trùm Nhân Văn’’ nguy hiểm, hiện đang ở trong tù,
chắc chắn ông sẽ phải xin ra khỏi ngành. Mà ông đang được cấp trên tin tưởng,
giao phó trọng trách nghiên cứu tổng hợp trong tiểu ban bảo vệ chính trị an
ninh Miền. Ông không thể để vỡ lở mọi chuyện. Tình hình chiến sự ngày một căng,
có thể ông được điều về Trung ương cục miền Nam, nhận nhiẹm vụ đi phối thuộc
với một đơn vị giải phóng đặc biệt nào đó cũng nên...Ôi chao, lúc ấy Nguyệt sẽ
ra sao với đứa con không cha trong bụng? Vốn là người con gái đầy kiêu hãnh,
nàng sẽ chống đỡ với miệng tiếng thiên hạ thế nào, nhất là ở cái tỉnh nhỏ như
Hải Phòng?
- Em nghe anh nói đã. Nếu thực bụng yêu
thương nhau, chúng ta có thể chờ đợi ít lâu. Anh không muốn đặt vấn đề cưới xin
bây giờ. Với lý lịch gia đình em có những khúc mắc như vậy, cơ quan anh nhất
định không chấp thuận, lúc đó dở dang hết cả. Anh van em. Em cũng biết anh yêu
em thế nào. Khuyên em đi bệnh viện, anh cũng xấu hổ nhục nhã đứt từng khúc ruột
chứ. Em biết vậy mà ...
Đúng ngày nhận lệnh tập trung, ông chỉ kịp chạy đến ngôi nhà nhỏ của
Nguyệt, dúi vào tay nàng ít tiền ông dành dụm được. Nàng chằm chằm nhìn ông,
cân nhắc từng lời:
- Thôi được, anh yên tâm đi đi. ít nhất em
cũng biết anh vào B chứ không phải chạy làng. Để anh khỏi lo lắng, em hứa với
anh sáng mai cũng sẽ tới bệnh viện sản nhờ người quen giải quyết giúp. Nhất
định thế. Anh yên tâm chưa?
Sau
lúc ấy nàng mới ôm chặt lấy ông khóc như mưa. Ông phải nghiến răng để không hét
lên.
Chiến thắng bảy lăm ông trở về Nguyệt đã mất tăm tích. Dò hỏi mãi ông
cũng chỉ biết sau khi ông đi chừng dăm tháng, Nguyệt đã đón bố ra tù rồi hai
cha con bán nhà, dọn đi đâu không ai biết. Từ đó cũng chẳng nghe ai nhắc về
nàng cả... Nguyệt ơi, thật may em đã chịu nghe anh, không giữ lại giọt máu của
chúng ta. Nếu không, gánh nặng chồng chất trên đôi vai, em sẽ chịu đựng ra sao!
Người đàn bà kéo đôi kính đen lên đỉnh đầu để
nhìn cho rõ cách sắp xếp tinh tế của những hạt lựu. Đôi mắt đẹp quá thể! Đúng,
đẹp thế kia cũng cần đeo kính giấu bớt đi cho thiên hạ nhờ. Vừa long lanh trong
trẻo vừa rợp những bí ẩn hứa hẹn. Một nụ cười mơ hồ, thích thú, phảng phất ở
gương mặt nàng. Tựa như nàng là một bé gái bất chợt khám phá ra điều gì kì diệu
của thiên nhiên nằm bên trong quả lựu.
Ông
không cưỡng được sự thôi thúc cuốn hút, liếc nhanh trái lựu trên bàn tay thanh
tú. Ơ nhỉ, chính ông cũng chưa bao giờ quan tâm đấy. Tạo hoá nghĩ ra cách sắp
xếp cho hàng ngàn cái hạt xinh xinh kia lớn lên trong quả lựu như thế nào? Tài
thật, chúng chen chúc xít xao đến không còn một kẽ hở, và cũng không hạt nào bị
đẩy rời ra ngoài cái núm nhau trắng xốp của mẹ quả. Chúng được nuôi dưỡng, che
chở an toàn đến tận lúc sung mãn.Và bởi vậy người ta cần phải nhấm nháp
hạt lựu như đón nhận một ân sủng thiêng liêng của Thượng đế theo cái cách của
người đàn bà này chăng?
Tội
nghiệp giọt máu của ông. Lúc ông khuyên Nguyệt đi bệnh viên nó mới chừng ba
tháng. Người ta đã rứt nó ra khỏi núm nhau, hay nó bị rứt ra khỏi bụng mẹ mà
vẫn ôm cả núm nhau? Con ông là trai hay gái? Nó đã biết đau đớn gì chưa, biết
oán hận gì chưa? Khoa học gần đây công bố về những cảm nhận của thai nhi có
đúng không? Ông từng được nghe một bà bạn học kể chuyện khi đi tới ông đồng nào
đó gọi hồn. Mẹ không nhớ ư?Mẹ đã bỏ con
đi lúc con mới được ba tháng trong bụng mẹ. Con là con trai đấy mẹ ạ. Tuy vậy
con không bao giờ oán hận mẹ, vẫn ngày đêm luôn đi theo phù hộ mẹ. Rằm tháng
bảy này mẹ hãy thắp cho con nén hương, cho con mâm cơm cùng bộ quần áo con trai
mẹ nhé...
Ông
đâu phải mấy bà già quê mùa lẩm cẩm, nhưng không hiểu sao những chuyện tầm phào
cứ lẩn quất trong óc ông. Phải chăng đó là biểu hiện mình đã già quá rồi? Ông
tự hỏi vậy.
Tựa
vào ghế, ông bắt chước những người chung quanh nhắm mắt lại, cố dỗ giấc ngủ
thêm nếm.
Nguỵêt ngồi dậy chải mớ tóc dài tới ngang
bắp chân rồi lại gỡ ra, cuốn nó vào cánh tay ông. Mái tóc óng tựa lọn tơ tằm,
mát rượi. Nàng âu yếm cười, nhìn sâu vào đôi mắt ông .
- Thế này đã thật chắc chưa anh? Không còn
sợ ai chia rẽ chúng mình nữa nhá. Nhưng em muốn biết nỗi lo lắng của anh xuất
phát từ đâu mới được chứ? Em yêu anh đến mất cả hồn vía đấy thôi.
Đến
giờ ông cũng không hiểu nỗi lo lắng bắt nguồn từ đâu. Từ những anh chàng theo
đuổi Nguyệt chăng? Thì đấy, kể cả ông bạn thi sĩ Hải Phòng xem ra ngày đó cũng
âm thầm săn đón Nguyệt. Nhưng nàng đã thề chỉ yêu duy nhất có ông trên đời này,
vậy ông còn lo gì? Hay nỗi lo lắng bắt nguồn từ chính ông chăng? Tình yêu - sự
nghiệp, đối với ông như hai đứa con sinh đôi dính thân, không thể nhẫn tâm phẫu
thuật tách bỏ đứa con này để giữ cho đứa kia được sống nguyên vẹn. Mà sự nghiệp
nghiêm ngặt trong ngành ông lại không cho phép ông lấy con gái một phần tử đang
bị ngồi tù. Làm sao bây giờ? Chỉ còn duy nhất chút hy vọng le lói: sau khi ông
đi B lập công trở về, mọi sự thay đổi, ông với Nguyệt sẽ được thể tình cho phép
chung sống.
Nhưng nàng đã bỏ ông đi biệt tích, để lại trong ông mặc cảm có tội với
nàng. Điều ấy ông vẫn giấu kín ở góc khuất nơi tâm khảm...
Người thiếu phụ đeo kính đen xuống ga Hải Dương. Ông ngơ ngác như người
vừa đánh mất vật gì .Và toa tàu trở nên trống vắng. Trên mặt cái bàn gỗ nhỏ giờ
chỉ còn lại đôi ba mảnh vỏ lựu bắt đầu thâm tái. Xin vĩnh biệt những hạt lựu
đẹp! Cuộc đời thế cả. Người ta đi chung với nhau một quãng đường nào đó rồi mỗi
người lặng lẽ xuống ga của mình, để lại sự cô đơn cho người chưa xuống... Không
chịu nổi nỗi trống vắng thuở ấy ông đã phải bỏ Hải Phòng lên Hà Nội ngay từ năm
bảy sáu. Bảy bảy ông lấy vợ, con gái thủ trưởng, như số phận an bài...
Cuốc bộ tới cuối phố Ga, ông đã về tới nhà ông bạn già. Bây giờ gian mặt
tiền lão ta bày bán mấy tờ báo. Chắc lại tìm cách xem chạc báo chí hơn là buôn
bán kiếm lời.
Chào nhà thơ. Mấy tờ báo bày kia chứng tỏ tư duy có thay đổi hơn lần
trước mình xuống thăm đấy nhỉ.
-
Ông đừng gọi tôi là nhà thơ nữa .Bây giờ nhiều quá đâm nhàm. Đã định ghi biển
treo rằng: Xin bỏ guốc dép... và thơ ở
ngoài cửa như người ta vẫn giễu đấy.
-
Sao vậy?
-
Ông không nghe mấy anh nhà thơ Hà Nội tuyên bố kỳ này mở Trung tâm cai
nghiện...thơ đấy à? Nghĩa là đã thành dịch ông ạ. Nhưng tôi mời ông về chơi Hải
Phòng không phải chuyện thơ. Chuyện này lại chả thơ tí nào.
Chờ
ông nghỉ ngơi rồi, ông bạn già mới lấy từ tủ sách một bọc giấy gói hai tập sổ
tay nhỏ, mép đã sờn bẩn, đặt lên bàn nước trước mặt ông.
-
Ông biết gì đây không? Nguyệt đấy!
Nguyệt
đây? Ông ngỡ bị một nhát đập, choáng người. Nguyệt? Trách nào suốt chuyến tàu
về Hải Phòng linh tính xui ông chỉ nghĩ tới nàng.
-
Chẳng lẽ ông không nhớ Nguyệt ư?
Thấy ông ngồi lặng đi, nhà thơ đai giọng hỏi. Ông nghe tiếng mình trả
lời thì thào hụt hơi như của một người nào khác:
-
Sao tôi quên được cô ấy. Chỉ vì...chỉ vì quá đột ngột ông ạ.
Ông
trân trối nhìn hai cuốn sổ không dám đụng tay vào. Vẫn cái giọng thì thầm
xa vắng, ông lại hỏi:
-
Nguyệt chết rồi ư?
-
Không. Lúc cô ấy gặp tôi vẫn còn khoẻ, tuy rằng khác trước đến mức khó lòng
nhận ra. Cô ấy mặc áo nhà chùa, nhưng không cho biết trụ trì ở chùa nào. Nghe
kể đã xuống tóc ăn mày cửa Phật lâu lắm rồi, từ năm chín bảy...khi thằng con
trai ông nó chết.
-
Ông nói sao? Ai chết? Con trai nào?
Ông
bật dậy khỏi ghế. Lồng ngực bỗng nhói đau. Ông vội rút ngay lọ thuốc trợ tim,
run rẩy mở nắp. Ông bạn nhà thơ hốt hoảng tái dại, còn run hơn cả ông, vội rót
ngay cốc nước lọc đưa tận tay và dìu ông ngồi xuống.
- Chết thật, tôi xin lỗi. Chút nữa tôi hại
ông. Bình tĩnh lại đi.
Ông
uống viên thuốc trợ tim. Bỗng dưng ông mệt không thể tả, tựa đầu vào cái gối
mềm mà ông bạn vừa kê cho sau gáy... Khi
thằng con trai ông nó chết. Thế nghĩa là sao? Chuyện gì đây?
-
Nghỉ ngơi rồi hãy đọc. Hai tập nhật ký của Nguyệt, cô ấy nhờ tôi đưa tới tận
tay ông. Nghe đâu cô ấy có dấu hiệu bị ung thư vú. Tôi nghĩ vì thế cô ấy mới
nói mọi chuyện với ông để sau này cô ấy mệnh hệ gì ông cũng biết phần mộ con
ông mà chăm nom.
Đúng nét chữ quen thuộc của Nguyệt, nét chữ tròn trịa, đều tăm tắp. Thần kinh ông căng lên. Ông hối hả lướt mắt
trên từng tờ giấy hoen ố, mà đích thị chúng nhoè nhoẹt phần lớn do nước mắt của
nàng.
Nguyệt đã không đi bệnh viện phá bỏ cái thai. Bán nhà xong hai bố con
nàng lẳng lặng ra Quảng Ninh mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ trên đường đi Mông
Dương để sinh sống với một bà cô họ không chồng. Nàng đẻ một bé trai đặt tên
Ngưyễn Hoàng Đức. Hoàng là họ ông. It lâu sau bố nàng mất. Hai người đàn bà cùng
đứa bé lủi thủi bên nhau. Rất nhiều người muốn gắn bó nhưng nàng đều từ chối.
ít lâu sau bà cô cũng chết nốt, nàng một mình nuôi con ăn học, xây được ngôi
nhà cấp bốn với một đời sống tằn tiện .
Mãi
năm bảy bảy, khi ông lấy vợ nàng mới tìm được ông. Trong nhật ký nàng viết: Muộn rồi con ạ. Tìm được cha con, mẹ
đứng chết sững trước cửa ngôi nhà đang nổ pháo cưới. May không gặp ai. Vâng, cô
dâu xinh lắm, người ta xì xào vậy. Con một ông đại tá Công an cơ. Vậy là tất cả
đã chấm hết...Chấm hết những thổn thức xót xa bao đêm khóc thầm. Mẹ xin
hứa với con, mẹ sẽ chôn chặt quá khứ lại. Người ta đã quên mất có mẹ trên đời
này cơ mà. Ư thì thôi, cũng như trước đây mẹ đã âm thầm chịu đựng để giữ trọn
vẹn cho kẻ ấy được thênh thang thoả mãn với con đường công danh sự nghiệp!
Kể
từ đó Nguyệt không rời khỏi sườn đồi quanh hiu với ngôi quán bán sách báo.
-
Tôi xin thề với ông, tôi đã hết lòng dò la tin tức của Nguyệt, biết bao nhiêu
năm mà không có kết quả. Thì chính ông biết đấy.
-
Tôi cũng nói với Nguyệt như vậy. Cô ấy nói trước bảy lăm không nhận đựợc tin
ông, cô ấy đồ chừng ông hy sinh ở chiến trường không trở về nữa. Sau này biết
tin, tìm được ông thì ông đã đa mang vợ con, Nguyệt chịu đau khổ một mình. Tôi
cũng không ngờ Nguyệt sinh cho ông một đứa con trai. Theo Nguyệt kể có lần nó
đi tìm gặp ông. Nhưng cũng là lần thật bất hạnh cho nó.
Đầu
óc ông ong ong như có làn sương mù lẩn quất. Ông cố gắng bắt lấy ý nghĩa những
câu nói của bạn, chỉ sợ bỏ sót điều gì.
Nguyệt đã nuôi thằng Nguyễn Hoàng Đức khôn lớn thật vất vả. Cho đến năm
học lớp mười một, Đức bỗng phát hiện trên báo đăng bài viết chân dung ông cùng
một tấm ảnh thời trẻ trai. Nó nhận ra ngay con người này cũng chính là người
chụp chung đôi với mẹ trong một tấm ảnh cũ kỹ. Đây là bố con. Nhưng bố đi bộ đội, đã hy sinh ở ngoài chiến trường.
Nó lẳng lặng bỏ học trốn về Hà Nội, lần theo địa chỉ trên báo đi tìm.
- Sao cháu muốn gặp bác?
- Cháu tình cờ đọc báo thấy ảnh bác, cháu
rất khâm phục chiến công của bác.
-
Cháu đang sống ở đâu? Bố mẹ cháu làm gì?
- Cháu đang sống với mẹ. Bố cháu thì... Ông
ấy bỏ rơi mẹ con cháu từ khi cháu chưa ra đời. Sao có người bố nhẫn tâm thế bác
nhỉ? Liệu bác có thể bỏ rơi con mình không hả bác?
- Nếu người ấy là quân của bác, chắc bác
bắn bỏ.
- Cháu cũng không chấp nhận ông ta, cho dù
ông ấy có là triệu phú. Không bao giờ cháu tha thứ cho ông ấy...
Ông
nhớ ra rồi. Một thằng nhỏ khoảng mười sáu tuổi trông mặt mũi thông minh, đôi
mắt chằm chằm nhìn soi mói. Hai ba hôm ông luôn thấy nó lẩn quẩn xuất hiện
quanh khu vực nhà ông, có khi lẫn trong đám trẻ đánh giày. Nhưng nó luôn để mắt
quan sát ông rất lạ. Nhất định thằng bé này có ý đồ gì không muốn để lộ. Một
lần ông gọi nó lại, cho ít tiền, bắt nó trở về nhà. Lang thang thế này sớm muộn
cũng hư người đấy cháu ạ. Ông nhớ không lầm thì nó nói nhà ở tận Quảng
Ninh.
Rồi
bẵng đi ít lâu không thấy lũ trẻ đánh giày lẫn thằng bé. Hỏi ra mới biết lũ trẻ
đánh nhau vì tranh cướp địa bàn làm ăn, một đứa không may bị chết. Tất cả đều
được đưa vào trường giáo dưỡng trẻ vị thành niên, kể cả thằng bé ông quen. Ông
thở phào nhẹ nhõm. Thế lại may cho nó.
Bốn năm sau nó trở về đã thành kẻ có tiền án
tiền sự. Thằng Đức giờ trở nên lầm lì. Em xót xa vô cùng anh ơi. Hay em đi tìm
anh, nói tất cả sự thật để anh có cách gì níu giữ con anh. Nhưng nghe nó kể một
cách hằn học căm giận về cuộc sống đầy đủ giàu sang của gia đình anh, em run sợ
bỏ ngay ý định. Nó không tha thứ cho anh, em biết thế.
Đứa con trai ấy dù thế nào cũng là nguồn
sống của Nguyệt.
Toà án Huyện trông thân mật tựa phòng họp
Hội nghị thi đua của một Hợp tác xã gì đó, nếu không có bốn phạm nhân bị xích
tay vừa từ nơi tạm giam đưa về. Ba bị cáo mắc tội đánh bạc tái phạm, và con tội
chống lại người thi hành công vụ. Con phong phanh chiếc áo tù xọc xám giữa lúc
trời rét cắt ruột, ngồi hàng ghế trên cùng với ba phạm nhân kia. Hai mươi bị
cáo khác được tại ngoại, do đánh bạc lần đầu và chưa có tiền án tiền sự như con
thì ngồi hai hàng ghế sau nghe xét xử. Nghe đâu chủ sòng đút lót bốn chục triệu
nên không hề hấn gì. Chỉ khốn khổ những đứa không có tiền đút lót thôi con ơi!
Mẹ không chú ý lắm đến bản cáo trạng người
ta đọc. Mẹ chỉ mong ngóng tới lúc các thẩm phán vào phòng nghị án. Khi đó toà
sẽ nghỉ giải lao. Bốn gia đình phạm nhân đều đã góp tiền thuốc nước lo lót cho
công an áp tải để họ cho phép bốn bị cáo được gặp gia đình trò chuyện, chăm nom
nhau. Cả bốn gia đình trong đó có mẹ đều được ngầm thông tin rằng đó là thời
điểm quan trọng, cần nhanh nhẹn nhét vàng hoặc tiền mệnh giá cao vào những quả
chuối cho phạm nhân nuốt. Những thứ đó khi vào đến trại giam chính thức, phạm
nhân phải tìm cách nôn ra, đưa nộp theo luật rừng trong nhà tù. Có vậy mới
không bị đánh đập ngược đãi .
Sau hai tháng không biết tin tức giờ mẹ
được ngồi sát bên con, được nắn cánh tay trở nên gày guộc của con, cả hai mẹ
con lau nước mắt không kịp. Con kể rằng chỉ ngồi ké bên đám bạc, chờ bọn đàn
anh sai phái đổi tiền hoặc chạy đi cầm bán hộ. Khi bị vây bắt con cố thoát thân,
xô xát với công an nên tội càng nặng. Mẹ giận con bao nhiêu lại thương con bấy
nhiêu. Chao ôi, thà mẹ đừng sinh con ra. Nếu số phận con phải vướng hết tai ách
này đến tai ách khác thì thà con đừng có mặt trên đời này còn hơn.
- Hay mẹ tìm tới bố con, xem ông ấy có cách
gì...
- Không, mẹ làm thế con tự sát đấy. Ông ấy
đâu phải bố con.
Hàng tháng trời Nguyệt mơ những giấc mơ thật khủng khiếp. Thằng Đức nằm
co quắp trên sàn ximăng nhà tù, rớt rãi lẫn máu đầy miệng, một ca nước xà phòng
ngầu bọt đặt bên cạnh. Nó không nôn chỉ vàng ra được. Một đôi chân gân guốc đá
thật mạnh vào bụng thằng bé khiến nó lật sấp xuống. Lần này bụm máu to tướng
vọt khỏi miệng nó. Thằng Đức nằm lịm ...
Ông
ôm lấy mặt, không thể tiếp tục đọc nổi dòng nào nữa. Tấm ảnh thằng bé xinh xắn
bụ bẫm đang ôm con chó trắng trong lòng được dán vào giữa cuốn nhật ký hiển
hiện trước mắt ông. Nó đấy ư? Con trai ông đấy ư? Cái miệng nó sao giống ông
đến thế mà ông không nhận ra? Đáng lẽ ông có quyền tự hào rằng ông vẫn có
kẻ nối dõi tông đường, không tuyệt tự cơ đấy.
Nhưng tất cả đã vuột mất rồi. Đức luôn luôn tìm cách trốn trại giam để
rồi bị bắt lại, lĩnh thêm án. Lần cuối cùng người ta tin cho Nguyệt biết nó
chạy trốn trong đêm, rơi xuống vực chết.
Nó rơi xuống vực hay bị đập chết như một con
chó? Tội nghiệp con ơi, con có biết đã hai lần mẹ tuyệt vọng tìm đến con người
ấy, định bụng cầu cứu. Nhưng cứ gần đến nhà, nghĩ tới lời con, mẹ lại nghẹn
ngào, lê bước quay về.
Con đừng oán hận ai. Chỉ mẹ có tội với con
thôi. Mẹ sẽ mang theo hình ảnh cái thân xác bầm giập của con tới ngày nhắm mắt,
như một sự trừng phạt, nếu như mẹ có thể nhắm được mắt trong giây phút ra đi...
Sau
cái chết của thằng Đức, Nguyệt bỏ đi tu. Đức chết năm chín bảy khi nó mới hăm
lăm tuổi đời.
-
Ôi, con trai ơi, con của bố ơi!
Ông nhà thơ đun xong ấm nước rót vào phích .Khi quay lên nhà
ông thấy bạn úp mặt vào hai bàn tay gục xuống bàn, cuốn nhật ký rơi dưới
chân. Hơi một chút nghi ngại, ông khẽ lay gọi... nhưng người ấy không bao giờ
nghe thấy tiếng gọi thảng thốt của ông bạn nhà thơ nữa!
Trại viết Đồ Sơn 10/10/2007
Ngọc Châu gửi đăng.
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập
nhật lại- ngày 02/01/2016
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 30/11/2010
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Trinh
tiết xóm chùa – Truyện ngắn Đoàn Lê (Hải Phòng)
Ngày
10/03/2011
Ba chữ
đại tự sơn đen Triều phục thôn vẫn được giữ y nguyên trên cổng làng tới tận
giờ. Ra điều xưa kia ở đây có ối quan, phấp phới đường thôn toàn phẩm phục
triều đình, chứ không phải loại quần áo giô- kề hàng thùng nhà chúng bay, nói
cho mà biết! Thế nhưng con Khờ dám đung đưa háng với bộ váy xẻ ngược, xẻ xuôi,
để lộ đến tận khúc đùi nõn nà, đập cửa ô tô đánh sầm, rồi điềm nhiên lắc mông
đi vào làng. Cứ hệt như con Khờ nhón váybằng hai ngón tay cong cong kiểu cách,
chiếu cố bước qua vòm cổng thiêng liêng của xóm Chùa ông. Cha con đĩ, thôn
triều phục nó coi chẳng khác cửa hàng Karaôkê nhà nó à!
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Đoàn Lê
Bút danh Đoàn Lê
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
Địa chỉ: TP. Hải Phòng
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
TRINH TIẾT XÓM CHÙA
Ba
chữ đại tự sơn đen Triều phục thôn vẫn được giữ y nguyên trên cổng làng tới tận
giờ. Ra điều xưa kia ở đây có ối quan, phấp phới đường thôn toàn phẩm phục
triều đình, chứ không phải loại quần áo giô- kề hàng thùng nhà chúng bay, nói
cho mà biết! Thế nhưng con Khờ dám đung đưa háng với bộ váy xẻ ngược, xẻ xuôi,
để lộ đến tận khúc đùi nõn nà, đập cửa ô tô đánh sầm, rồi điềm nhiên lắc mông
đi vào làng. Cứ hệt như con Khờ nhón váybằng hai ngón tay cong cong kiểu cách,
chiếu cố bước qua vòm cổng thiêng liêng của xóm Chùa ông. Cha con đĩ, thôn
triều phục nó coi chẳng khác cửa hàng Karaôkê nhà nó à!
Nếu
ở trường hợp khác chắc cái Khờ không khỏi bị các cụ bà chửi té tát vào mặt. Còn
các cụ ông sẽ khạc nhổ, rủa một câu thật hiểm: "Rõ nòi nhà mõ!”. Mõ vốn
chức danh của ông nội con Khờ, người có công đẻ ra anh đánh dậm, bố nó, một
thời làm chủ tịch xã rất hách. ông ta được cái nết chưa quen tham ô, chưa mạnh
tay "thiến” dân như các đời chủ tịch kế nhiệm. Bởi vậy lúc ông ta đột ngột
chết, nhà cửa vẫn tuềnh toàng, mấy món tiền kếch sù sắp bí mật chia chác hóa ra
tuột hết. Thôi cũng được cái tiếng trong sạch làm vui! Nay Khờ lấy tên họ Tàu,
gọi là cô Lầy Lầy. Chả biết lầy lội đẹp hơn khờ khạo ở chỗ nào, nhưng từ dạo nó
bị người ta dụ dỗ đem bán tận Hồng Kông, chốn lầu xanh nó kiếm được anh Từ Hải
lấy làm chồng, ai cũng mừng cho phúc phận nhà nó. Mừng hơn nữa nó biết mang cái
thân xác tìm về quê quán, lại mang kèm theo hàng đống tiền, vàng, của nả... Năm
ngoái nó cho mẹ tiền xây nhà ba tầng, xây lại mộ cụ mõ, xây mộ ông đánh dậm,
nghênh ngang to bằng hai nhà táng ở giữa nghĩa địa xóm Chùa, rất khiêu khích.
Đành rằng từ thời mở cửa, xóm Chùa ông có thừa hơi hướng văn minh hiện đại,
những nhà cao tầng mọc như nấm rơm, video mở cả hăm bốn tiếng, nhưng ngôi nhà
ba tầng sang trọng hơn cả khách sạn ba sao ngoài tỉnh cùng hai ngôi mộ nói trên
vẫn khiến cả làng lác mắt. Lần này về cô Lầy Lầy lại biếu bà con họ hàng mỗi
người một đồng tiền Tây làm quà mừng Tết Trung thu, trẻ con mỗi đứa mỗi gói
bánh quy, kèm mấy viên kẹo Tàu. Cả làng được dịp rộ lên, kéo nhau đi nhận quà
như đi nhận phát chẩn.
- Tiên
nhân nó! Nó mỗi người một tờ tiền âm phủ đây này!
Lão
Tí-nghệch ra điều có con giai bên Canada thường xuyên gửi tiền về cho, lão
khinh khỉnh mắng bà cụ Mạch:
-
Bà dở hơi! Tờ một đô la chính cống của Mỹ đấy. Cái thứ tiền âm phủ cúng bái của
các bà gọi là tiền hàng mã, tiền nhái. Ai chê cứ đưa tôi tiêu hộ.
Lão
Bản chăn con bò ra khu lăng Ngài cũng nhấp nhổm không yên vì chuyện đô la. Lão
gọi thằng cu Sữa, bạn chăn bò vong niên của lão mà hỏi:
-
Mày đã được ăn kẹo Tàu rồi hở?
-
Chả bằng kẹo dồi làng mình ông ạ. Thơm hắc.
-
Hừm, không quen khéo tháo dạ bỏ bố!
Cu
Sữa tên khai sinh là Chiến Thắng, em giai cu Bơ. Cu Bơ, nhân vật trong chuyện
Đất xóm Chùa nay đã lớn, giờ trao lại nghề chăn bò cho thằng em út, đi lái xe
ôm. Như vậy chứng tỏ đời sống đang tiến lên. Lão Bản lắm lúc nhớ Sĩ Thái Sư lẫn
cu Bơ đến ngơ ngẩn. Lão định bụng sang mùa đông cũng bán bò, giải nghệ.
-
Này, cu Sữa, mày trông bò hộ tao, nhát tao cho "năm hìu” đánh con đề số
không bảy. Đêm qua tao nằm mơ thấy rắn rồi.
-
Không chơi nói dối đánh lừa trẻ con đâu đấy.
-
Nứt mắt đã gớm. ông dối bao giờ?
Lão Bản lườm nó, xong đi thẳng qua cánh đồng
về xóm ba, tới nhà ông Sĩ Duệ, tức Sĩ Thái Sư. Nhất định phải thăm dò xem con
Khờ làm gì lắm tiền thế. Nó vung tiền khuấy động làng này cốt trêu ngươi ai? Bà
Sĩ Duệ con gái họ Đào, chị em thúc bá với vợ ông đánh dậm, tất phải biết mọi
chuyện.
Vào
đến sân, lão Bản nhìn thấy Sĩ Thái Sư ngồi ở bàn nước ngóng ra. Bà Duệ đang
sàng gạo ngoài hè. Lão Bản chợt nhận xét Sĩ Thái sư tóc tai dạo này có vẻ bạc
tợn, nhưng bà vợ mặc cái áo hở rộng cổ thế kia còn ngon lành ra phết. Lão Bản
tủm tỉm nhớ bữa ông chồng bình phẩm vụng sau lưng vợ. Các mụ nhà ta đều giống
miếng thịt ngan già luộc dối, đã hoi lại dai như chão! Chả bù ngoài tỉnh, năm
sáu chục xuân xanh vẫn nõn nà trông tựa miếng giò lụa... ồ, không, trong cái áo
mốt mới thế kia chưa gọi là miếng thịt ngan già được. Lão Bản cất giọng đùa
cợt:
-
Gớm nhẩy. Giờ đôi chim bồ câu chỉ ngồi nhà gù nhau, ai sướng bằng? Hơn được lên
tiên!
Thấy lão Bản, Sĩ Thái sư vội vớ cái ấm chuyên
trà, vui ra mặt. Ngày nào lão Bản không qua lại uống trà, chuyện gẫu, Sĩ Thái
sư tưởng chừng thiếu hụt điều gì, chén trà thiếu hẳn hương vị. Còn uống trà
kiểu độc ẩm chẳng thà ra vục ngụm nước mưa ngoài bể. Chính ông cũng không phân
biệt được mình nghiện trà hay nghiện lão Bản. Người ta nói tâm giao tri kỷ ở
chỗ đó.
Bà Duệ không để lão Bản kịp ngồi đã tìm cớ
phân trần chuyện nhà, hy vọng lôi kéo lão vào phe đồng minh. Tay vẫn nhoay
nhoáy cái sàng, bà Duệ rỉ rả khơi chuyện:
-
Ngồi gù nhau thì bồ câu, bồ nông đều đói rã họng, sướng nỗi gì hở ông? Đấy, tôi
mới phân tích cho thằng cháu cả, ông ạ. Nó sắm xe máy, vừa ngốn xăng, lại khi
hỏng hóc chữa tốn tiền triệu, rồi mua mười, bán năm... Chả thấy nó xót ruột...
Nhưng cứ nói tậu cho bố mẹ đôi bò để sinh lợi hàng ngày, nó quầy quậy tiếc của.
Mất đi đâu một xu hở ông? Rõ ràng mua năm, bán mười cơ mà... Nó chơi xe, chúng
tôi chơi bò, đổ đồng như nhau, hỏi ai khôn hơn ai?
Sĩ
Thái sư bật cười. ông biết ngay, thấy mặt lão Bản mụ này sẽ lại lồng lên chuyện
mua bò, lấy cớ trách chồng, trách con cho xem... à, nó giàu bằng ai đã vội xấu
hổ, không dám để bố mẹ chăn bò như xưa? Chăn bò là cách người già nghỉ ngơi
thong dong ngoài đồng mát mẻ, làm quan làm tướng gì phải giữ mẽ? Cứ nói toẹt,
chẳng qua nó sĩ với đằng con vợ ngoài tỉnh nhà nó...
Sĩ
Thái sư chuyên xong chén trà, mới thủng thẳng tiếp lời vợ:
-
Ông Bản thấy bà cháu dại chửa. Con nó cho chơi lại không muốn, cứ thích lăn ra
làm. Làm đến chết a?
-
Vâng, tôi xưa nay chỉ thích làm đến chết. Chăn con bò mà sợ?
Bà
hơi xẵng giọng. ông Sĩ Duệ vội cười nịnh.
-
Ơi dào, thích thì bà chăn ngay tôi đây này. Tôi xin làm bò cho bà chăn, được
không? Phải bò bốn chân như bò thật, tôi cũng xong. Bò tôi lại không đòi ăn cỏ
rách, mưa nắng không bắt ai lặn lội, chỉ thi thoảng nhẹ nhàng mua cho đồng
rượu, thế thôi...
Lão
Bản vào hùa với bạn:
-
Chí phải. Giàu cũng giàu rồi, mà nghèo cũng... nghèo nứt đố đổ vách ra rồi. Tôi
sắp làm đơn trình lên bà nhà tôi xin bán bò, nghỉ hưu đây. Ngẫm ra chỉ tại các
bà vụng đẻ. Cứ thử đẻ được đứa con gái như con Khờ, có bằng vạn con bò không
nào? Ai xứng xách dép cho nó chưa? Con giai lão Tí-nghệch mang tiếng Việt kiều
Canada về làng mà kiệt, một đồng xu cũng không rơi vãi. ôi chao, nếu tôi có con
gái ấy a...
Lão
Bản bỏ lửng. ông Sĩ Duệ cảnh giác lảng sang chuyện khác. Dù sao con Khờ cũng
gọi bà Duệ bằng dì, chuyện xấu tốt mặc thây nó, ông không dây, không động chạm
trước mặt vợ. Chẳng may lỡ mồm lỡ miệng, mụ họ Đào nhà ông lại gầm lên.
Năm
ngoái con Khờ tức cô Lầy Lầy về thăm nhà, khi trở lại Hồng Kông mang theo tấm
ảnh lẫn lý lịch cái Huệ, em họ cô, lúc ấy vừa tròn mười tám tuổi. Hai tháng
sau, Lầy Lầy đón Huệ theo đường du lịch sang bên đó để làm "vòng một”.
Vòng một nói nôm na là cuộc gặp gỡ giữa lão già Hồng Kông sáu mươi ba tuổi với
Huệ, do Lầy Lầy môi giới. Xem xét mặt hàng, lão già thấy ưng ý thì kết thúc
vòng một, lão thuê Lầy Lầy chạy giấy tờ làm thủ tục hôn thê. Cũng vừa vặn hết
hạn du lịch. Huệ trở về Việt Nam thông báo chuyện cưới xin với gia đình. Bố mẹ
nó liền cấp tốc tổ chức mấy mâm cỗ "diện hẹp”, để cái Huệ còn kịp quay
sang Hồng Kông làm tiếp "vòng hai”. Tất cả chớp nhoáng nhưng răm rắp theo
đúng trình tự, không sai một ly. Xong vòng hai, Huệ chính thức thành vợ lão già
ngoại quốc, dứt hẳn với chốn quê nhà ăn xó mó niêu, đồng thời cũng từ đây chính
thức trở thành mỏ vàng cho cố hương. Nào gửi tiền để bố xây nhà, sắm xe cho em,
nào gửi năm ngàn đô la bước đầu giúp mẹ trả nợ mọi khoản chi phí trước khi
cưới...
Lão
Bản phát ghen, chửi đổng: "Con mẹ nó! Cứ như thể cái ấy của nó tạc bằng
kim cương chứ không phải thường!”
Sau
chuyện con Huệ, các bà mẹ xóm Chùa ông tỉnh ngộ rằng "đầu tư chồng ngoại”
cho con gái, chắc chắn lãi nhất. Trừ phi trời không cho phải chịu. Riêng lão
Bản quy tội tại vợ, mắng vợ vụng đẻ. Ai đời đẻ toàn giặc nhà trời, năm thằng
con giai ăn tàn phá hại. Rồi đây chúng ta phải "bứng” những của sứt môi,
lồi rốn xóm Chùa, gái ế ẩm không xuất ngoại được. Lấy vợ hư vẫn có cơ rèn cặp
thành ngoan. Chứ lấy vợ xấu cầm bằng nó hại mấy đời con cháu nhà mình. Giống má
ép-một, ép-hai sẽ chẳng ra người, chẳng ra ngợm. Kinh nghiệm xương máu đời lão,
hỏi sao không thấy? Cái mũi mỏ chim, cặp chân vòng kiềng của đám con giai lão
đều thừa hưởng ở mẹ chúng đó thôi? Bởi vậy trước đây lão vẫn ngấm ngầm để ý cô
con út ông Sĩ Duệ cho thằng cả. Con bé như nụ hồng hàm hiếu, xinh quá, xinh đến
mức lão phấp phỏng không dám hy vọng nhiều. Bây giờ lại nổi lên chuyện chồng
ngoại, còn nói gì nữa!
Nhưng xinh quá chưa chắc đã hay. Có giời mới biết bà Duệ đang tan nát cõi lòng
từ hôm con Khờ trở về. Nói cho chính xác là từ buổi tối Khờ tập hợp tất cả các
bà bá, bà dì, nội ngoại ruột thịt đến nhà, nói toẹt rằng:
-
Cháu về lần này cũng muốn nhặt vài chị em gái, đưa sang bên ấy cho đông vây
cánh làm ăn. Cứ có khả năng xuất được cháu sẽ giúp. Các bà phải xác định cho
con cháu đi cứu gia đình thoát nghèo, thoát khổ. Quanh quẩn xóm Chùa ông đây,
dù tài, dù sắc đến mấy cũng chả có cơ hội đổi đời. Làm vợ mấy anh nhọ đít, hai
tay vày lỗ miệng, phí!
-
Chết chết, chị kín đáo chứ! Khéo không người ta bảo chị là mẹ mìn Tàu thì khốn!
Một
bà bá lên tiếng can. Cô Lầy ngật cái cổ trắng phau cười giòn giã:
-
Buồn cười chưa? Cháu làm gì phạm pháp đâu. Là cháu thương họ hàng loay hoay
nghèo túng, cháu giúp, bận đến ai? ôi dào, khối người lạy cháu chả được.
Các
bà nghệt mặt nghe. Có lý quá. Chỉ một lát sau các bà tranh nhau vanh vách khai
bằng hết lý lịch của con gái. Cái Khờ tuyên bố dứt khoát:
-
Toàn người nhà, cho phép cháu nói thật. Em Thảo con dượng Tám, em Thủy con dì
Tác Lan, em Hoa con dì Huệ, những em như thế mới lo được. Còn chị Hà con bá
Thu... Cháu nói thật nhé, chị ấy ngoại hình hơi yếu đành chịu vậy. Tiêu chuẩn
phải xinh xắn dễ coi, trẻ, khoẻ. Đặc biệt các chị em phải còn "xịn”, các
bà hiểu chứ ạ?
Cái
Khờ giải thích cặn kẽ chuyện chị em phải còn "xịn”, cũng như các chuyện
khác. Ai thắc mắc gì cứ hỏi. Càng nghe nó giải thích càng thấy nó không khờ tí
nào. Cuối cùng mọi người đã thông suốt hết. Lúc ấy cái Khờ mới lôi quà cáp ra
chia, người vuông khăn, kẻ tấm áo. Lại còn kính râm, cà vạt cho các bác giai;
son môi, nước hoa cho các cô em ở nhà... Nhưng xôn xao nhất là những bức ảnh
con Huệ gửi về gia đình. Trong ảnh không có cái nào thấy hình ông lão sáu mươi
chồng nó, chỉ rặt ô tô, phòng tắm lộng lẫy, người nó lấp lánh nữ trang trông
lóa mắt. Chao ôi, con bé mò cua bắt ốc ngày nào bỗng thoắt cái lột xác thành bà
hoàng đây này!
Từ
lúc ở nhà con Khờ về, bà Duệ đứt từng khúc ruột. Cái Huệ đã ăn nhằm gì. Con Hoa
nhà bà mới thật xinh như hoa, nức tiếng hàng xã. Hoa cũng vừa mười tám, thi
trượt đại học, hiện đang ôn tập, quyết chí thi cử phen nữa. Thế nhưng đầu năm
nay nhà bà xuất hiện anh chàng quay phim chụp ảnh đám tang, đám cưới, có cửa
hiệu ngoài phố. Cả nhà đều ngầm hiểu anh chàng ngấp nghé cô Hoa. Anh ta không
đỏm trai nhưng bù lại rất mau mắn mồm miệng, thi thoảng không quên biếu Sĩ Thái
sư bánh thuốc lào chính hiệu Tiên Lãng, vài lít rượu làng Vân ngon nổi tiếng để
ông ngâm thuốc. Dĩ nhiên Sĩ Thái sư liền say đứ đừ, say cả rượu lẫn thuốc lào.
Giả dụ anh chàng phó nháy định chim Sĩ Thái sư thì chỉ cần thế cũng đủ ông đổ
kềnh, không phải cưa kéo thêm. Nhưng cô Hoa tỏ ra khôn đáo để. Bà Duệ hỏi han,
cô chỉ trả lời lấp lửng:
- Dào
ôi, đã biết đâu bụng dạ người ta. Mình quê mùa, chắc gì người ta ưng. Họ đùa
mình đấy thôi.
Bà Duệ mừng thầm. Gái khôn mới biết vè giai. Vè, có nghĩa chỉ lượn lờ, sát đấy
mà lảng ngay đấy. Con mồi không biết đường lần, lúc ngỡ mình chẳng là cái đinh
gỉ, lúc lại ngỡ mình nắm chắc trái tim nàng trong lòng bàn tay. Nhưng tưởng bở,
tim đâu rẻ vậy? Ngay tim lợn cũng nằm trong loại mặt hàng cao giá nhất trên
phản thịt ngoài chợ kia kìa!
Đến
một hôm bà Duệ ngỡ ngàng bắt gặp cô Hoa cầm sợi dây chuyền lóng lánh mặt đá đỏ,
ướm lên cái cổ trắng mềm mại như ức bồ câu của cô.
- Ở
đâu ra vậy, Hoa?
Hoa
giấu không kịp, đành chìa sợi dây chuyền lấp lánh cho mẹ, ấp úng:
-
Vàng giả đấy mẹ...
Nhưng
giấu sao được bà Duệ. Đây mà là vàng giả?
-
Mày định bịt mắt tao cơ à? Gớm thật! ơó đâu ra thứ này, nói ngay!
-
Con... nhặt được của rơi ngoài đường.
-
A, thế! Thế thì tao cất thứ của rơi nhặt được này đã.
Lúc
ấy Hoa mới van vỉ mẹ, nói thật hết. Của anh chàng phó nháy xú-vơ-nia nhân sinh
nhật cô. Bà Duệ im lặng nhưng mơ hồ lo lắng.
Linh
cảm của bà không lầm. Một bữa bà bắt gặp Hoa đang lén ăn khế ở góc vườn. Xưa
nay con bé sợ chua thế, lẽ nào... Bà bàng hoàng. Chẳng nói chẳng rằng bà túm cô
gái rượu ngay dưới gốc khế, lôi thốc vào buồng. Bằng một cái giật rất phũ bà
dứt tung cúc áo đứa con gái đang nhũn người ra. Giật tiếp cái xú-chiêng, bà há
hốc miệng ngó sững. Đôi bầu vú trắng nõn phồng to khác thường, hai núm xinh
xinh phớt hồng của nó nay cũng sẫm lại, nở gấp ba... Để không nghi ngờ gì nữa
bà nắm cạp chun quần Hoa kéo xoạt xuống ngang hông. Cô gái không kịp phản ứng.
Bụng nữ thần sắc đẹp chỉ hơi nhô chút đỉnh, nhưng con mắt đàn bà của bà Duệ
nhận biết đích thị là Nó.
Bà
Duệ ngã vật xuống giường chết ngất. Trong cơn nức nở bà tiếc công giữ ngọc gìn
vàng cho con gái suốt mười tám năm, như giữ con ngươi. Vậy mà... ôi con ngươi
là con con ngươi ơi! ôi thuốc lào Tiên Lãng với rượu làng Vân kia ơi!
Phải
người mẹ khác chắc chuyện om sòm làng nước. Nhưng đây tịnh không. Vẫn thấy bà
Duệ đảo những chảo cốm thoăn thoắt, niềm nở tiếp khách ngoài chợ tỉnh vào cất
hàng.
Sáng
tinh mơ hôm thứ ba, bà Duệ cùng Hoa đi tỉnh sớm. Tìm tới hiệu chụp ảnh, nhưng
nó đã đóng cửa. Hỏi chủ nhà mới biết thằng phó nháy vào Nam rồi, mấy tháng tiền
thuê cửa hiệu nó cũng quỵt luôn. Ra ngoài đường bà Duệ rít lên:
-
Thằng chết tiệt có biết mày bị không?
-
Có.
-
Nó nói sao?
-
Bảo để lo cưới.
-
Cưới cái mả mẹ nó! Thôi, về...
Tang
rượu làng Vân chỉ còn vương hơi trong mấy hũ thuốc bắc khô như rắn ráo. Sĩ Thái
sư không hề hay biết gia đình ông đang trải qua cơn bão lớn tương đương cơn bão
Băng-la-đét. ông hồn nhiên hỏi con:
-
Này Hoa, thằng phó nháy sao lâu chưa thấy đến chơi, nhẩy?
Con
gái ông gằm mặt lí nhí đáp:
-
Con không biết ạ.
Bà
Duệ ngấm nguýt trả lời hộ:
-
Nó bị kẹp xe chết rồi. Từ rày ông đừng hỏi đến nó cho tôi đỡ lộn ruột.
- Ơ
hay, ruột bà lộn ngang lộn dọc mặc bà, sao tự nhiên độc mồm vậy?
-
Ôi chao, nó lấy vợ, bỏ rơi con gái ông kia. Tôi nói thế đã thất hiếu hử? Rượu
với thuốc sướng quá! ông đừng bàn việc nhà cho nát thêm ra nữa.
Ông
tịt. ơ được, không cho tham gia nội chính ông càng rảnh rang. Dạo này ông đánh
bạn với lão kép cải lương về già. Lão ta sống một mình ở ngôi nhà nhỏ cuối thôn
bốn. Thi thoảng lão vẫn lén lút đón ca-ve non thật xinh về ngôi nhà độc thân
suốt đêm, để nó hầu hạ đấm bóp tấm thân nhăn nheo một nắm xương khô cho sướng.
Vợ lão chết đã lâu, không ai nỡ xét hỏi. Mà có xét, nay lão bảo cháu gái gọi vợ
bằng dì, mai bảo cháu gái con ông bạn thân ngoài phố đã sao.
Nhất
là không phiền toái. Chờ trời tối, chạy xe máy cái vèo lên đến đầu tỉnh đã đón
được "của lạ” về tận nhà. Như thế sạch sẽ hơn, như thể con hát-i-vê không
dám đánh đường mò về tận nơi xóm Chùa ông thiêng liêng. Chuyện kinh thiên động
địa nhưng không ai biết cả... Chỉ cần kín đáo một chút... Lấy khăn che mặt đi
em!
Ông
Sĩ Duệ cũng vài lần được lão kép cải lương "đưa vào đời” tại nhà hàng tỉnh
lẻ cho an toàn. ôi chao, sự ấy không thể tả nổi. Từ đám ca-ve, hai anh già
"ngộ” được nhiều điều đến thú vị. Mới hôm nọ lão kép thì thào kể cho ông
Sĩ Duệ chuyện "chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”, bằng giọng rất đỗi
nghẹn ngào... Xin đừng hôn em. Em thề đã giữ cái hôn cho chồng em. Anh mất
tiền, muốn làm gì cũng được, nhưng chỉ từ dưới cổ trở xuống. Chồng em ở đâu ư?
Anh ấy đang ngồi tù. Ngồi tù vì buôn lậu nuôi mẹ con em đấy. Em sẽ đợi chồng
em. Bao giờ anh ấy trở về, em không phải đi khách kiếm tiền nuôi con nữa...
Lão
kép hát rớm nước mắt bảo ông:
-Thấy chưa? Ai dám bảo chữ trinh chỉ có một
kiểu?
Sĩ
Thái sư gật gù bán tín bán nghi. Nó giữ chữ trinh hay nó gần cái miệng thuốc
lào lão già nó sợ? Cũng mặc mẹ nó. Dù sao từ dạo được "đưa vào đời” ai
trông Sĩ Thái sư đều khen trẻ ra.
Bây
giờ ông càng muốn phó thác gia đình cho vợ con. Dưới bàn tay mụ nữ tướng, đâu
khắc vào đó.
Thì
đúng đâu lại vào đó. Nhờ tài khéo léo của bà Duệ, cô Hoa sau một tuần vắng mặt,
lên phố giúp việc anh chị, nay bỏ học về nhà quanh quẩn làm cốm với mẹ. Gia
đình Sĩ Thái sư lại êm đềm như thường. Không ai biết giây phút nằm tênh hênh
trên bàn bệnh viện, cô Hoa ngây thơ phập phồng tình yêu của xóm Chùa đã chết
rồi. Giờ còn lại đây một cái xác lạnh khô, chán chường đến mức không buồn...
chết nữa!
Bởi
vậy sáng chị Lầy Lầy sang chơi. Hoa không tươi tỉnh mặn mà lắm. Nhưng chị Lầy
Lầy vừa thấy Hoa đã vồn vã xoắn xuýt.
-
Ôi, lâu không gặp con bé, ai ngờ em gái chị chim sa cá lặn thế này! Dì ơi, bằng
nhà dì trúng xổ số thêm áp mạn đấy.
Bà
Duệ cùng Hoa nín thít, mặt chảy dài. Lầy Lầy đoán ngay có chuyện khúc mắc. Chưa
kịp hỏi han, Hoa đã lỉnh xuống bếp. Bà Duệ kéo tay Lầy Lầy vào trong buồng tỉ
tê mọi chuyện.
-
Giời ơi, sao em con dại thế. Phí đời cho thằng phó nháy!
-
Vậy đấy. Giờ chị muốn giúp em cũng chả được. Sự tình ra nông nỗi này, sang nước
người ta thêm nhục. Dì nghe nói bọn đàn ông ngoại quốc phát hiện con gái không
còn nguyên vẹn, nó bán luôn vào nhà chứa. Nếu không nó cũng vùi dập hơn con ở
nhà nó.
-
Chuyện xảy ra đến thế, đành tìm cách gỡ. Dì khổ tâm mấy cũng không kéo lại
được. Bây giờ dì nghe con, nếu nhà quyết tâm để em Hoa đi, con khắc có cách.
Cái
Khờ ngó trước ngó sau rồi hạ giọng thì thào vào tai bà Duệ:
-
Dì thu xếp cho con một khoản kha khá. Con có đường dây bí mật đưa em Hoa đi sửa
sang lại.
-
Chị bảo sao?- Bà Duệ sửng sốt ngó sững cái Khờ.
-
Con sẽ đưa em đến một cơ sở y khoa đặc biệt, ở đấy người ta nhận vá, người ta
tân trang nguyên lành như cũ... Dì phải thề giữ bí mật cho con đấy. Chuyện này
nghiêm trọng lắm. Nếu hở ra chúng nó giết con, không đùa đâu dì ạ.
Bà
Duệ cứ há hốc miệng. Giời ơi, có thế như thế được ư? Lại như thế thật sao? Tân
trang xong, con gái đã hư cũng trở lại thành "xịn”, lại rách, lại toạc,
lại có quyền lên giá nhờ cái "trinh tiết y khoa” ấy sao?
Trưa
hôm đó, sau bao nhiêu ngày u ám Sĩ Thái sư mới thấy vợ cười nói hớn hở ra mặt.
Bà dịu dàng bảo ông:
-
Cái khoản tiền của họ, ông cho tôi mượn tạm ít hôm đã.
-
Bà nói hay chửa. Tiền đâu của nhà mình. Đã định ngày đầu tháng tới các chú thím
ấy về...
-
Cứ đưa đây tôi giật tạm, lo việc trước đã. Rồi tôi nhắn thằng cả chạy sớm hoàn
lại. Hai triệu nhà ông chưa to đâu!
-
To nhỏ mặc tôi, không được đụng vào đấy. Mà bà làm gì cũng phải nói ra chứ.
Buôn bạc giả hay sao?
Tức
thì mắt bà long lên. Bà điên lắm. Muốn biết sẽ được biết! Đằng nào việc con Hoa
đi Hồng Kông rồi cũng phải bàn. Đã khoẻ hoạnh hoẹ thì dỏng tai nghe cho hết
những điều bà âm thầm gánh vác hộ "quả phúc” nhà ông nhá!
Sĩ
Thái sư tưởng đâu sét đánh xuống đầu. Những chuyện khốn nạn đến thế chúng mày
dám giấu ông? Chúng mày coi ông là thứ gì trong nhà này hả? ông càng tức gấp
đôi vì không thể quát tháo cho hả giận, càng không thể nện mẹ con nhà họ Đào
một trận thừa sống thiếu chết.
Sĩ
Thái sư lao ra khỏi nhà như phát rồ. Đi cho bình tĩnh. ở nhà có thể ông hộc máu
mắt.
Qua
khỏi ngõ, bất đồ ông chạm trán lão Bản dong bò đi thả. Lão Bản toét miệng cười
trêu:
-
Thiết triều hôm nay có người vạch mặt gian thần đấy ngài Thái sư ạ.
ý
lão Bản nhắc khéo việc mấy ông xóm Chùa định làm đơn kiện thằng cha chủ tịch
xã. Mọi bận thế nào Sĩ Thái sư cũng hồ hởi bắt chuyện, bàn bạc, to nhỏ với lão.
Nhưng lạ, bữa nay mặt Sĩ Thái sư cứ hằm hè, tái dại rất khó tả. Lão Bản liền
rủ:
-
Rỗi, đi với tôi đi. Không trò chuyện mồm nó mốc ông ơi.
Lão
cũng đang đầy ứ một bầu tâm sự cần được thổ lộ đây.
Hai
người lặng lẽ theo sau con bò. Cả hai đều cúi đầu mà đi, trông xa như thể họ
mặc niệm trước mông con vật.
-
Thằng Hợp, Phó Chủ tịch xã nói còn sai làm sao. Đi khám đợt nghĩa vụ năm nay
mới chết đắng ra. Một nửa thanh niên xóm Chùa bị loại vì máu có khoản... dương
tính con Hít.
Ông
Sĩ Duệ trợn tròn mắt hỏi lại:
-
Sao? ông nói sao? Sao lại bố láo thế được? Tôi ngỡ chỉ có con nhà Cua thôi chứ?
-
Cái thằng chết tháng trước hử? Nói làm gì... Sang giai đoạn cuối bây giờ đã có
ba thằng nữa rồi. Con nhà Thìn, con Tài Bân, con mụ Thích.
-
Chao ôi, xóm Chùa đổ đốn thế rồi ư?
Lão
Bản ngậm ngùi:
-
Thôi đi. Còn đâu xóm Chùa ngày xưa nữa. Giờ tha hồ con gái đóng mác xuất ngoại,
con giai đu đưa ma tuý, ca-ve lẻn vào tận làng hoạt động kiếm tiền... Còn gì để
nói, hở ông?
Sĩ
Thái sư liếc xéo lão Bản. Cái vẻ thâm trầm mỉa mai còn phảng phất trên gương
mặt lão khiến ông gai người. Lòng dạ ông như bị xát muối. Và cùng với nỗi xót
thầm, ông nghe tức tưởi trỗi dậy một sự phản kháng yếu ớt. Nói cho cùng, đám
con gái xóm Chùa có đánh cắp trinh tiết cũng đâu phải tội lỗi ghê gớm lắm.
Chúng là nạn nhân thôi. Nạn nhân cho thói đời, cho đồng tiền theo cách chúng
nó. Thời buổi mở cửa, chữ trinh dẫu đến ba vạn đường đã sao? Những thằng đàn
ông nước ngoài dại dột cứ để chết bố chúng nó!
Con
bò thong dong gặm cỏ. Hai lão ngồi xuống bờ tường đá khu nghĩa địa. Từ đây nhìn
xuống đất xóm Chùa uốn lượn giống hình con rồng nghênh chầu mặt nguyệt. Mặt
nguyệt chính là ngọn đồi. Khu nghĩa địa được xây hình tròn trên đỉnh đồi cũng
tựa cái rốn của mặt nguyệt. Hướng cửa nghĩa địa quay về làng, để trừ ma quỷ cho
dân con xóm Chùa ông. Do vậy xưa nay ai cũng yên chí mình được che chở, chả sợ
gì sất...
"Ôi,
vậy vì sao ra nông nỗi này?”. Sĩ Thái sư bải hoải ngoảnh nhìn xóm Chùa. Ơ kìa
hình như dải đất uốn lượn thân thuộc ấy bỗng dưng lùi xa, lùi xa từng tí một
trước mặt ông. Hay có làn sương mù nào đang giăng lên, che phủ xóm Chùa chăng?
Mà lạ quá, ngay bờ tường đá dưới chân ông cũng bồng bềnh tựa hồ thụt xuống, lún
xuống...
Sĩ
Thái sư xây xẩm mặt mũi, ngã lăn vào lòng lão Bản. Hai tay ông vẫn chới với
muốn níu giữ lấy cái gì vô hình đang vuột mất.
Đúng
lúc một cơn xoáy lốc ào qua, cuốn theo tiếng kêu của lão Bản về làng, rồi thả
rơi từng khúc âm thanh rời rạc, nghe như tiếng ai gọi hồn...
Ngọc Châu gửi đăng.
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại- ngày 02/01/2016
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 10/03/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________ Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét