Home
» Lý luận phê bình
» Nếu mai không còn Mẹ- Dòng ký ức đầy sắc màu yêu thương về Mẹ – Bài viết Trúc Linh Lan
Nếu mai không còn Mẹ- Dòng ký ức đầy sắc màu yêu thương về Mẹ – Bài viết Trúc Linh Lan
Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015
Nhà
thơ Trúc Linh Lan – Chủ tịch Hội Nhà Văn TP. Cần Thơ; Hội viện Hội Văn nghệ các
Dân tộc Thiểu số VN; Hội viên Hội Nhà báo VN…; tác giả của: Tiểu thuyết Cuối Đường
Tình Yêu (2 tập, năm 1989), Tiểu thuyết Phượng Tím (2 tập, năm 1989); Các tập
thơ: Khoảnh Khắc Chiêm Bao (2004), Đêm Trầm Tích (2005), Người Đàn Bà Ngồi Nhặt
Ký Ức (2014)… vừa gửi Vandanviet.net bài viết về tập thơ “Nếu Mai Không Còn Mẹ”
ở góc nhìn riêng về người mẹ,… của Nhà báo, Nhà thơ Phạm Đức Mạnh.
Vandanviet
xin cảm ơn sự cộng tác của Nhà thơ Trúc Linh Lan.
Chủ
tịch Hội Nhà Văn TP. Cần Thơ
Dân
tộc Khmer. Sinh năm 1953 tại Cần Thơ
Hiện sống và làm việc tại TP. Cần Thơ
Email: truclinhlan@gmail.com
_____
Hiện sống và làm việc tại TP. Cần Thơ
Email: truclinhlan@gmail.com
_____
DÒNG KÝ ỨC ĐẦY SẮC MÀU YÊU THƯƠNG VỀ MẸ
(Tập
thơ của Phạm Đức Mạnh - NXB Trẻ - 2014)
Với
Phạm Đức Mạnh không chỉ là người bạn thơ mà còn là người em gắn bó với Hội VHNT
thành phố Cần Thơ từ những năm 80, khi ấy Mạnh vừa rời khỏi quân ngũ sang làm
báo và đam mê thơ. Chỉ có thế, thì hình bóng cậu em áo lính này sẽ mờ nhạt
trong tôi, và nếu như tôi không gặp lại em với tập thơ đầu tay đầy đặn, trình
bày khá ấn tượng “Đừng theo trăng nhé em”. Chị em ngồi nhẩn nha kể bao chuyện
xưa trong một quán cà phê có treo giàn hoa Cát Đằng…và sau đó tôi được cầm trên
tay tập thơ thứ hai: “Đong đầy kỷ niệm”. Vừa qua được trên Facebook biết em trở thành
hội viên Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh. Mừng từng bước tiến của em trên con đường
gập ghềnh chữ nghĩa.
Bây
giờ là Tháng ba và tôi đang nghe bài hát “Mẹ trong giấc mơ của con” Bài hát đầy
cảm động của Uudam, một cậu bé người Mông Cổ hát để nhớ về mẹ của mình:“…Hãy về đây mẹ yêu của con/Con mơ cỡi chim hạc bay
trên trời cao/Mơ thấy mẹ vun đáp cho con hạnh phúc/ Con của mẹ đang đến, hãy
đợi con mẹ nhé…”
Tự nhiên tôi muốn viết mấy dòng cảm nghĩ về
tập thơ thứ ba của Mạnh “Nếu mai không còn mẹ”. Chỉ với 7 bài thơ có hình bóng
mẹ trong 68 bài thơ xuyên suốt chữ tình: Tình mẹ, tình yêu và tình người. Khác
với những vần thơ viết về mẹ của một số nhà thơ khác: Mạnh không thể hiện nhiều
về tình yêu thương, hay xót đau mong nhớ mẹ, mà viết với trái tim người mẹ, sự
tin cậy của con gái trước khi đi lấy chồng…Với Mạnh mẹ là dòng sông
quê, là cánh cò là vết bùn mùa giáp hạt. Mẹ trong ký ức của Mạnh là tiếng ru,
là lời thì thầm dạy bảo, là sự lẻ loi của mẹ bao năm tháng chờ chồng trong
chiến tranh…
“…Vẫn còn đấy bến đò thưa
Cha đi khoác cả cơn mưa phập phồng
Để mình mẹ lại với song
Lẻ loi chống chọi bão giông cuộc đời…”
(Cha
ở đâu – trang 45)
Khổ
thơ đong đầy hình ảnh mẹ, sự trắc ẩn của bao cuộc đời người vợ tiễn chồng ra
trận. Là người lính đi qua cuộc chiến, Mạnh thấu hiểu số phận mỏng manh cay
đắng của người phụ nữ có chồng đi chiến đấu xa, Mạnh sử dụng hình ảnh “Bến đò”,
một hình ảnh ví von quen thuộc trong ca dao xưa “ Thuyền về có nhớ bến chăng”,
bến ở đây có thề là nơi mẹ anh tiễn cha lên đường, có thể là bến đò xuân thiếu
phụ! Bởi vì nơi bến đò này Mạnh không dùng từ “xưa” mà sử dụng từ “thưa”. Một
từ theo tôi hết sức đắc bến đò này khi người chồng đi vắng, nó trở nên vắng vẻ,
vì “Bến đò” chỉ đau đáu chờ đợi một con
đò. Con đò mà khi đi còn “ khoác cả cơn mưa phập phồng”. Ý thơ giàu hình ảnh,
bao tầng nghĩa của từ như lung linh ẩn hiện trước mắt bạn yêu thơ. Và người mẹ
ấy “lẻ loi chống chọi bão giông cuộc đời” với bao đêm.
“Mẹ xay cả tuổi xuân thì
Dỗ từng cơn khát mỗi khi yếu lòng”
(Lặng Thầm – trang 9)
Từ
“xay”, “Dỗ” đọc lên nghe nao lòng quá, hai từ làm cho ý thơ không chỉ dừng lại
ở người mẹ kính yêu của tác giả, mà còn là sự dồn nén cảm xúc khát khao của bao
người vợ trẻ trong cuộc chiến dài hết tuổi thanh xuân mỏi mòn chờ đợi trên đất
nước Việt Nam này. Hình ảnh mẹ như cánh cò tần tảo trên cánh đồng, chăm chút
nuôi con trong nghèo khó “Tôi sinh ra/Bầu vú mẹ cạn khô/Ngày lê la qua hàng xóm
bú nhờ…”, nhưng trái tim người mẹ vẫn đầy ắp yêu thương, để một ngày khi mẹ đi
xa, nhà thơ mới thấy một sự thiếu vắng hết sức to lớn, một khoảng lạnh đau xót
khi nhớ về hình bóng mẹ:
“…Thời gian bàng bạc mờ trôi
Góc sân xưa vắng mẹ rồi còn đâu
Thinh không lẻ áng mây sầu
Liêu xiêu bóng mẹ đêm thâu tảo tần…”
(Rê thóc – trang 69)
Nhà
thơ chợt nhận ra một điều kỳ diệu về tình mẹ:
“Một ngày…
Mẹ tặng tôi tấm áo thời gian
Mặc cả đời không bao giờ lạnh
Sọc ký ức dù có phai màu
Hơi ấm mẹ vẫn bên tôi mãi mãi…”
(Tấm áo thời gian-trang 14-15)
Với
Phạm Đức Mạnh hình như mẹ đang ở quanh anh, đang thì thầm, dặn dò đứa con trước
khi chuẩn bị cho mình một chuyến đi xa. Tình yêu mẹ thật sâu lắng trong trái
tim anh, một bờ vai khi đau khổ anh dựa vào, nơi mà người chị hay em gái của
nhà thơ e thẹn gửi gắm tâm tình sâu kín. Một hình ảnh trong ký ức Mạnh thật
thân thương, thật gần gũi mà khi đọc lên ai cũng rưng rưng:
“…Không còn đêm con rúc vào ngực
mẹ
Thỏ thẻ đàn bà, chuyện bí mật đàn ông
Con luồn tay se se từng núm vú
Da bèo
nheo của người vợ thương chồng…”
(Nếu mai không
còn mẹ - trang 23)
Trong bài “Huy Cận nghĩ về thơ” của Thu Tứ đã viết:
“..Rung động
làm ra thơ, làm ra nghệ thuật, cũng cùng loại với rung động của tình yêu. Bắt
đầu yêu là một niềm xao động, bắt đầu của một tứ thơ cũng là một nỗi niềm… Bắt
đầu chưa có câu, chưa có lời, thậm chí chưa có tứ cụ thể. Câu sẽ đến sau, lời
sẽ đến sau. Nhưng trước hết là một nỗi niềm ùn ùn trước ngực, rạo rực tâm
hồn…”. Tôi nghĩ Mạnh đã
viết về “Mẹ” trong một trạng thái cảm xúc như thế.
Trong
bài “Mẹ là khách” với những tứ thơ thật lạ: “Ngày mai/Nhà mình đón khách” người
“Khách là - Mẹ” người khách này tác giả viết “chỉ một lần được nhớ”, “Được gặp
cháu con nơi thờ tự…” rồi khách lại đi…Một chuỗi
hoài niệm rối rắm, tôi đọc câu thơ ,thấy lạ sao “chỉ một lần được nhớ”?, phải
nhớ hoài chứ, nhưng rồi chợt nghĩ trong cuộc mưu sinh cơm, áo, gạo, tiền, nỗi
nhớ như trầm tích đâu đó trong tim mỗi chúng ta. Nhưng ngày giỗ mẹ, trong không
gian tưởng niệm, tác giả như sống trong ký ức đã được khơi gợi, hình dung mẹ
đang về bên con cháu…để nỗi nhớ thương dâng tràn trong lòng, vì thế câu thơ trở
nên da diết hơn. Mỗi năm người “Khách” này về một lần:
“…Khách là - Mẹ
của chúng ta xa vắng
Ở bên kia thế giới vô thường
Mẹ nhớ người thân về theo nhang khói
Rồi mẹ thầm đi về lại quê trời…”
(Mẹ là khách – Trang 65)
Tứ thơ của Mạnh làm tôi liên tưởng đến mấy câu thơ của nhà thơ Trương
Nam Hương
“Mẹ giờ hóa nén hương thơm đỏ
Thương lặng nhìn ta chẳng rụng tàn
Con thắt se lòng lo mẹ nặng
Cõi người cong vít cả chân nhang!”
(“99 mini thơ”, Mẹ,
tr.5)
Mạnh đã thành công
khi sử dụng ngôn từ thơ thật đa dạng, phong phú, giàu tầng nghĩa: những danh từ,
cụm danh từ, tính từ, động từ, từ láy… ẩn hiện trong câu thơ: “Bến đò “thưa”,
“cơn mưa phập phồng”, “Sọc ký ức”, Rồi mẹ “thầm đi về lại” “quê trời”. “bèo
nheo” hình ảnh thơ thật sinh động, lung linh sắc màu yêu thương, nhân hậu và
giàu tính nhân văn. “Mẹ “xay” cả tuổi
xuân thì/ “Dỗ”
từng cơn khát mỗi khi yếu lòng”, “Khi ta “nghiêng” được bầu trời/ Tuổi
thơ “đi mất” đâu rổi hả sông”. Từ
không mới, thể thơ cũng không mới nhưng đọc thơ Mạnh bạn yêu thơ như bị lôi cuốn
theo dòng sông ký ức đầy sắc màu yêu thương về Mẹ. Theo tôi tác giả nắm khá vững
về phép luyện chữ của người xưa, anh biết “…lấy cái ý hơn về ý mà không lấy
cái hơn về lời, cho nên chữ bình dị mà thấy lạ, chữ thường mà thấy hiếm, chữ cũ
mà thấy mới, chữ mộc mạc mà thấy có màu sắc…” (Thẩm Đức Tiềm).
Khép tập thơ lại,
tôi tin rằng mỗi bạn yêu thơ đều có những xúc cảm riêng mình. Người còn mẹ sẽ
yêu thương mẹ, chăm chút mẹ nhiều hơn, người không còn mẹ sẽ ngậm ngùi hối tiếc,
như chính tôi cũng không muốn mình mang tâm trạng ray rứt như thế.
“Chảy
đi tìm mẹ sông ơi,
Ta san nước mắt cuộc đời cho sông…”
(Sông ơi – trang 11)
Cần Thơ – tháng 3-2015
Gửi từ
Phạm Đức Mạnh © Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.HCM ngày 18.3.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanVietNet Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét