Home
» Biên khảo - Tư liệu
» Lên Hùng Vương rất non cao (…) Vào Yên Tử rất non cùng, Phải chăng là những câu thơ “tân kì”, “độc đáo”? - BNMinh
Lên Hùng Vương rất non cao (…) Vào Yên Tử rất non cùng, Phải chăng là những câu thơ “tân kì”, “độc đáo”? - BNMinh
Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015
1.Hai câu thơ dẫn ở nhan đề bài viết này nằm trong truyện thơ Sơ kính tân trang của Phạm Thái (1777 – 1813), nguyên cả hai cặp lục bát đó như sau: Lên Hùng Vương rất non cao Mấy đường ngóc ngách, mấy cầu chông chênh. … Vào Yên Tử rất non cùng Đàn xô nước suối, phách dong cây rừng. Đây là những câu thơ mà từ lâu được cho là tân kì, độc đáo, tức giàu giá trị thẩm mĩ, nghệ thuật. Từ điển văn học nhận định: Về hình thức, Phạm Thái là người có ý thức đổi mới kết cấu đổi mới ngôn ngữ thơ. Đôi khi ông sử dụng ...
Thông tin liên hệ:
Tác giả Bùi Ngọc Minh
Địa chỉ liên lạc: số nhà 49, đường 1, phố 3 (Phạm Hồng Thái)
phường Vân Giang TP.Ninh Bình.
ĐT: 0914928390
Email: buingocminhnb@gmail.com
_____
“LÊN HÙNG VƯƠNG RẤT NON CAO” (…) “VÀO YÊN TỬ RẤT NON CÙNG”,
PHẢI CHĂNG LÀ NHỮNG CÂU THƠ “TÂN KÌ”, “ ĐỘC ĐÁO”?
Bùi Ngọc Minh
Bùi Ngọc Minh
----
Tác giả Bùi Ngọc Minh
Địa chỉ liên lạc: số nhà 49, đường 1, phố 3 (Phạm Hồng Thái)
phường Vân Giang TP.Ninh Bình.
ĐT: 0914928390
Email: buingocminhnb@gmail.com
_____
“LÊN HÙNG VƯƠNG RẤT NON CAO” (…) “VÀO YÊN TỬ RẤT NON CÙNG”,
PHẢI CHĂNG LÀ NHỮNG CÂU THƠ “TÂN KÌ”, “ ĐỘC ĐÁO”?
Bùi Ngọc Minh
1.Hai câu thơ dẫn ở nhan đề bài viết này nằm trong truyện thơ Sơ kính tân trang của Phạm Thái (1777 – 1813), nguyên cả hai cặp lục bát đó như sau:
Lên Hùng Vương rất non cao
Mấy đường ngóc ngách, mấy cầu chông chênh.
… Vào Yên Tử rất non cùng
Đàn xô nước suối, phách dong cây rừng.
Đây là những câu thơ mà từ lâu được cho là tân kì, độc đáo, tức giàu giá trị thẩm mĩ, nghệ thuật. Từ điển văn học nhận định: Về hình thức, Phạm Thái là người có ý thức đổi mới kết cấu đổi mới ngôn ngữ thơ. Đôi khi ông sử dụng một cú pháp tân kì: “Vào Yên Tử rất non cùng”; (1). Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX cũng viết:
Lên Hùng Vương rất non cao
Mấy đường ngóc ngách, mấy cầu chông chênh.
… Vào Yên Tử rất non cùng
Đàn xô nước suối, phách dong cây rừng.
được coi là những câu thơ tả cảnh rất độc đáo.(2)
Thực chất vấn đề thế nào, sau đây chúng tôi xin mạn phép được trao đổi, ngỏ hầu tiếp cận chân lí.
2. Lên Hùng Vương rất non cao, Vào Yên Tử rất non cùng, theo ý kiến người viết những dòng này là những câu thơ vụng về tới mức “chưa sạch nước cản”. Bởi, thứ nhất, Hùng Vương là một danh từ riêng có kết cấu chính phụ, trong đó yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau. Đây có lẽ là dấu vết khó có thể bác bỏ của ảnh hưởng cách diễn đạt tiếng Hán trong cuộc giao thoa, cộng sinh văn hóa ngoài ý muốn của cha ông ta thuở xa xưa. Hùng Vương có nghĩa là Vua Hùng; lên Hùng Vương là trèo lên Vua Hùng (!), đây là điều không thể chấp nhận, người Việt không ai nói như vậy. Bởi đó là sự bất kính với các đấng khởi tổ của người Việt cổ, đã có công dựng nước. Ta chỉ có thể nói: lên / về đền Hùng Vương. Rất non cao, rất non cùng là cách nói mới lạ nhưng không có giá trị nghệ thuật. Trong tiếng Việt chỉ thấy cách nói rất + danh từ, để biến danh từ thành tính từ rất phổ biến ngày nay. Thí dụ: rất người, rất Hà Nội, rất Việt Nam… chưa từng thấy cách nói rất + một cụm chủ vị như rất non cao, rất non cùng bao giờ. Cũng không thể lấy quan niệm thơ là một tổ chức ngôn ngữ quái đản (Phan Ngọc) để biện minh. Hai câu bát thanh thoát. Câu thơ có câu trúc tiểu đối, chứng tỏ tay nghề làm lục bát thuần thục.
Thứ nhì, hai câu lục của cặp lục bát đang bàn liên quan mật thiết tới lịch sử hình thành, vận động và phát triển của thể thơ lục bát trên phương diện cấu trúc nội tại của thể thơ.
Theo Nguyễn Phan Cảnh, xin trích nguyên văn:
Cái vần lưng nổi tiếng của lục bát, một mặt đã đem lại vinh quang cho thể loại này ở những văn bản dân ca mà độ dài là từ vài câu đến vài chục câu, nhưng cũng đã đồng thời gây không ít khó khăn cho những tác phẩm dài hơi mà biểu hiện điển hình là hiện tượng từ kí sinh ở âm tiết 6 câu bát.
Có để ý rằng, ngay sau cả một định hình rực rỡ, chỉ có hai câu mà vẫn bị chen hàng:
Giống ruồi là giống hiểm nguy,
Mỗi chân của nó rất vi trùng nhiều.
(Ca dao tuyên truyền vệ sinh)
Làm nhà thì phải trèo cao,
Lên cao xin nhớ đeo vào dây lưng.
(Ca dao bảo hộ lao động)
thì mới thấy được là hiện tượng kí sinh ở vần lưng thể lục bát đã chủ yếu là một vấn đề cấu trúc trước khi là một vấn đề lịch sử.
Ở những thể loại chỉ có vần chân, cấu trúc ngữ âm của các âm tiết trong câu thơ là hoàn toàn tự do. Nếu có “hiệp vần” kiểu:
- Lay động màn sương trên khói sóng
Thuyền câu ai gõ mạn xa khơi
(Quang Dũng – Đường trăng)
Từng ngọn dừa gió đưa phe phẩy
Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi
(Hoài Vũ – Vàm Cỏ Đông)
thì đấy là biện pháp tu từ - điệp nguyên âm -, không bắt buộc với tác giả. Nói một cách khác, ở những thể loại này, tất cả các âm tiết trong câu đều không bị định trước về cấu trúc ngữ âm cho đến tận trước kết thúc ý câu thơ.
Trong khi đó ở lục bát, ngay sau tiếng chuông báo kết thúc câu lục thì số phận ngữ âm của âm tiết 6 câu bát đã bị định đoạt rồi; thế và, sau đó còn hai đơn vị mang nghĩa nữa. Một câu thơ gồm có 8 âm tiết chứ không phải 8 âm tiết là một câu thơ!
Trước tình hình đó, các tác giả chỉ có thể có hai khả năng kĩ thuật:
Hoặc “lựa” trước một âm tiết hiệp vần rồi sau đó mới gia giảm câu chữ để diễn đạt ý.
Hoặc cứ diễn đạt ý đi cho cho chuyển được từ câu lục, tiếp được hết câu bát đẫ, rồi sẽ tìm cách gia giảm sau đối với cái vần lưng “khó chịu” ấy.
“Gia giảm sau…” nghe không phải là thiếu trách nhiệm, nhưng một khi vì đã phải lăn lộn với hàng nghìn câu thơ mà vẫn cảm thấy rợn ngợp trước cái “trời rộng sông dài” của con số tám âm tiết, trong tay lại sẵn cây nhị của người hát rong rồi, thì vần lưng lục bát không phải ngẫu nhiên mà trở thành cửa ải trứ danh ! Cái cửa ải hiểm nghèo bao phen gây lao đao cho các tác giả truyện nôm khuyết danh đến nỗi đã phải ngậm ngùi di lại những từ kí sinh mà con cháu ngày nay hãy còn nhắc nhở:
Cha tôi trưởng giả nhà quê,
Giàu sang sớm đã sinh thì ra tôi
(Tống Trân Cúc Hoa)
Nằm lăn em mới ngủ đi,
Vừa hết canh một sang thì canh năm.
(Phạm Công Cúc Hoa)
Song le một tấm lòng quì,
Rồi ra lỗi đạo với thì chồng con.
(Hoàng Trừu)
Bèn đòi văn võ tức thì,
Chiêm bao trẫm thấy điều thì lạ thay.
(Phương Hoa)
(…) Trong tình hình đã xuất hiện hiện tượng đối trong cấu trúc lục bát của thể song thất lục bát, và trong hoàn cảnh hai thể thơ có một nét tương đồng về cấu trúc song thất lục bát và lục bát này cùng song song tồn tại, có thể hình dung một ảnh hưởng qua lại về mặt cấu trúc của câu thơ lục bát trong thể song thất lục bát. Đó là sự xuất hiện của hình thức tiểu đối trong câu lục của thể lục bát:
Khi tỉnh rượu/ lúc tàn canh
Trai anh hùng/ gái thuyền quyên
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
Và chủ yếu hơn, trong câu bát của thể lục bát:
Đầu cành quyên nhặt/ cuối trời nhạn thưa.
Nửa rèm tuyết ngậm/ bốn bề trăng thâu.
Người ngoài cười nụ / người trong khóc thầm.
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
(…) Từ đó có thể thấy rằng, hình thức tiểu đối về mặt cấu trúc, đã tạo điều kiện vật chất giúp loại trừ hiện tượng từ ký sinh ở vần lưng âm tiết 6 câu bát vậy.
Rất non cao, (…) rất non cùng, có thể nói là những ngữ liệu khá chuẩn cho việc chưa khử được hiện tượng kí sinh vần lưng ở thể thơ lục bát.
3. Hai câu lục của cặp lục bát đang bàn, có lẽ chỉ nên nhận định là: Phạm Thái đã có ý thức cách tân về cấu trúc câu thơ nhưng chưa đạt được thành tựu. Đây là những thể nghiệm không thành công. Cặp câu lục này thực chất là thơ lục bát ép vận. Chúng quả có tân kì, độc đáo nhưng không có giá trị thẩm mĩ.
Vân Giang, 12 - 5 – 2013Bùi Ngọc Minh
----
Chú thích:
(1): Từ điển văn học, NXB Khoa học xã hội, năm 1984.
(2): Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, NXB Giáo dục, năm 1990.
(3): Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ, NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội 1987, trang 181,182, 183, 185.
----
(1): Từ điển văn học, NXB Khoa học xã hội, năm 1984.
(2): Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, NXB Giáo dục, năm 1990.
(3): Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ, NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội 1987, trang 181,182, 183, 185.
----
Bùi Ngọc Minh
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.Ninh Bình ngày 19.5.2013
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.Ninh Bình ngày 19.5.2013
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét