Home
» Lý luận phê bình
» Vấn đề "Dâm tục’’ trong thơ nôm truyền tụng thuộc hiện tượng Hồ Xuân Hương - Bùi Ngọc Minh
Vấn đề "Dâm tục’’ trong thơ nôm truyền tụng thuộc hiện tượng Hồ Xuân Hương - Bùi Ngọc Minh
Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015
Đã đến
lúc không nên quan niệm những vấn đề thơ Nôm truyền tụng biểu hiện là dâm tục.
Đó thực chất là vấn đề bản năng gốc đã được người hóa, văn hoá hoá, Hồ Xuân
Hương hoá, một trong những vấn đề bản thể của tồn tại người với tư cách cá thể
cá nhân (individu) và tư cách loài. Chính điều này tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt,
sự độc đáo vô song của hiện tượng Hồ Xuân Hương.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Bùi Ngọc Minh
Địa chỉ liên lạc: số nhà 49, đường 1, phố 3 (Phạm Hồng Thái)
phường Vân Giang TP.Ninh Bình.
ĐT: 0914928390
Email: buingocminhnb@gmail.com
_____
1.Trong bài Về khái niệm văn ở Trung Quốc, nhà Đông phương học Liên Xô cũ, viện sỹ Konrad cảnh báo:
Bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ này (thế kỷ XX – chúng tôi thêm) ở Trung Quốc, người ta hiểu văn học theo cách hiểu của phương Tây; cũng bắt đầu từ những công trình về lịch sử văn học, mà trong đó các học giả Trung Quốc sử lý văn học nước mình hệt như các nhà lịch sử văn học hiện đại của bất kỳ nền văn học phương Tây nào ấy đang làm. Nói cách khác, ở Trung Quốc đã vài thập kỷ nay, hiện diện một khoa nghiên cứu văn học giống y như nghiên cứu văn học ở phương Tây, cũng lộ ra những ưu điểm và nhược điểm hệt như khoa nghiên cứu văn học ở các nước phương Tây..
Ở Trung Quốc xưa, người ta hiểu văn học theo cách khác. Chính ở điểm này, cần làm sáng tỏ vấn đề. Hơn nữa cách hiểu này lại gắn bó mật thiết vơí lịch sử văn học Trung Quốc hàng hai thiên niên kỷ rưỡi.
Lời cảnh báo này cũng có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, mà việc hiểu vấn đề dâm tục trong thơ Nôm truyền tụng thuộc hiện tượng Hồ Xuân Hương là một ví dụ. Bài viết này thử đặt lại vấn đề dâm tục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương ngỏ hầu trao đổi cùng các đồng nghiệp và độc giả xa gần.
2. Vấn đề "dâm” và "tục” trong thơ Nôm truyền tụng của hiện tượng Hồ Xuân Hương.
"Vấn đề dâm - tục” trong thơ Nôm truyền tụng là một trong những vấn đề To be or not to be, trong hiện tượng văn học này. Hầu hết các nhà nghiên cứu Hồ Xuân Hương ở những mức độ, bình diện khác nhau đều công nhận trong thơ Nôm truyền tụng có vấn đề này, trừ tác giả Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, có lẽ do phản ứng với Trương Tửu khi nhà nghiên cứu này coi:Hồ Xuân Hương là Thiên tài hiếu dâm đến cực điểm và Nguyễn Văn Hanh coi sáng tác của Hồ Xuân Hương là kết quả của sự khủng hoảng sinh lý và bản thân Hồ Xuân Hương là một người mắc bệnh thần kinh nên không bàn đến vấn đề này, ông cho Hồ Xuân Hương chẳng những là nhà đại thi hào, mà lại là nhà đại tư tưởng, đại cách mạng nữa và gần đây, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam (NXB Giáo dục Hà Nội 1997 trang 74) nêu vấn đềđã đến lúc không nên nói đến cái gọi là dâm và tục trong thơ bà, mà nên nói đến những ám ảnh tình dục, nhu cầu giải phóng nhãn quan tình dục phong kiến cổ hủ như một nhu cầu của con người cá nhân. Thực chất vấn đề là gì?
3. Quan niệm của những nhà kinh điển nho gia về vấn đề "dâm - tục”
Chữ dâm (淫) được người sáng lập Nho giáo đưa ra trong Luận ngữ :Nhan Uyên hỏi việc trị nước, Khổng Tử nói : dùng lịch nhà Hạ, cưỡi xe nhà Ân, đội mũ miện nhà Chu, múa nhạc Thiều. Bỏ ca nhạc nước Trịnh đuổi xa những người ăn nói khéo (nịnh) ca nhạc nước Trịnh dâm, những người ăn nói khéo nguy hiểm.
Trong Nhạc ký, Khổng Tử nói : Ca nhạc nước Trịnh vì hiếu lạm, nên làm cho chí dâm, ca nhạc nước Tống vì say đắm nữ sắc nên làm cho chí đắm đuối, ca nhạc nước Vệ vì quá gấp gáp, dậm dật nên làm cho chí rối loạn, ca nhạc nước Tề vì quá phóng túng nên làm cho chí kiêu Khổng Tử phê phán bốn loại nhạc của Trịnh, Tống, Vệ, Tề. Đó là thứ dâm ư sắc, làm hại đức, đó là loại nịch âm (âm thanh say đắm). Những khuyết điểm này được Khổng Tử đối lập với ưu điểm của Quan Thư, một bài tình ca trong Kinh thi: Quan thư lạc nhi bất dâm, (Quan thư vui mà không buông tuồng) Kinh thi có ba trăm thiên. Dùng một câu có thể khái quát hết. Đó là suy nghĩ không tà.(Trần Đình Hượu)
Mạnh Tử cho rằng: Một trong những phẩm chất của người quân tử là bần tiện bất năng di phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất (nghèo hèn không đổi thay, giàu sang không buông tuồng, vũ lực không khuất phục).
Khái niệm dâm trong Nho giáo quan hệ mật thiết đến quan niệm mỹ học của nó.
Khổng tử nhận xét về nhạc Thiên của vua Thuấn, nhạc Vũ của Chu Vũ vương trong Luận ngữ như sau Nhạc Thiều tận thiện lại tận mỹ, nhạc Vũ tận mỹ nhưng chưa tận thiện. Ông dùng hai khái niệm thiện, mỹ, mà không nói gì đến chân. Nhạc Thiều là "văn” của vua Thuấn, nhạc Vũ là "văn” của "Chu Vũ Vương trình bày chiến công đánh Trụ, diệt Thương. Đó đều là "văn” của thánh nhân. Khổng Tử ca ngợi nhạc Thiều, nhưng ông và cả á thánh Mạnh Tử đều băn khoăn, thắc mắc về nhạc Vũ. Khổng tử thắc mắc về mặt vũ đạo, Mạnh tử thắc mắc về lời ca của nhạc Vũ. Cả hai ông đều băn khoăn rằng: Vũ vương dùng vũ lực để lật đổ nhà Thương, vậy phải chăng Chu vũ vương có lòng dục, lòng ham muốn thiên hạ, có thái độ lấn chiếm, hiếu sát? Hay lời ca, điệu nhạc của Vũ vương không phản ánh đúng một cuộc chiến tranh nhân nghĩa "điếu dân phạt tội” của kẻ chí nhân đánh kẻ chí bất nhân. Chỗ chưa tận thiện của nhạc Vũ chính là chưa biểu hiện được tính chất nhân nghĩa của Chu vũ vương trong việc phạt Trụ, tức cũng chưa biểu hiện được đạo lý nhân giả vô địch (Người nhân đức không ai địch nổi) (Trần Đình Hượu). Để hiểu rõ điều này, hãy theo dõi cuộc đối đáp giữa Mạnh Tử và Lương Huệ Vương:
Hiện nay hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược như vậy. Chó ngao của bề trên được ăn ngon hơn cả muôn dân, muốn sống khác xa như thế chẳng ai quan tâm giải quyết. Gặp năm mất mùa, trên đường phơi đầy xác người chết đói, vua chẳng biết thương. Người già chết đói rét mà chết, vua lại nói rằng: Đó chẳng phải là lỗi của ta, chỉ tại năm mất mùa đó thôi. Như vậy chẳng khác nào cầm dao giết người, lại nói là chẳng phải ta giết, tại dao giết chết đấy thôi. Xin bệ hạ đừng lấy việc dân số không tăng quy tội cho năm mất mùa, mà nên cải cách chính trị từ gốc rễ, bảo tồn cuộc sống cho muôn dân, được như vậy, người trong khắp thiên hạ đều sẽ theo về với bệ hạ ngay (...) Mạnh Tử tiếp:
Giết người bằng gậy và giết người bằng dao có gì khác nhau không?
Huệ Vương đáp: Cũng chẳng có gì khác nhau
Mạnh Tử tiếp:Đúng, thật khó phân biệt, thế thì bếp trong cung vua có thịt ngon, đàn ngựa vua có ngựa khoẻ, còn muôn dân chết đói khắp nơi ngoài đồng nội. Há chẳng phải kẻ cầm quyền dẫn thú dữ đến ăn thịt người sao? Loài thú tự đi ăn thịt nhau, người đời căm ghét. Bậc làm cha mẹ dân chẳng ngăn cản loài thú đến ăn thịt người, thế thì còn xứng đáng làm cha mẹ dân nữa không? Đức Khổng tử từng nói: Người đầu tiên chế ra hình con nộm đem chôn theo người chết, nên chẳng có con cháu về sau. Vì sao Khổng tử nói như vậy? Chính bởi đem hình nộm chôn theo người chết thật giống người ta quá. Chôn hình nộm giống người đã là bất nhân. Thế còn làm muôn dân chết đói thì sao? (Mạnh Tử, Linh hồn nhà nho NXB Đồng Nai 1995 trang 119. 44,45).
Như vậy thiện về mặt mĩ học là thuần chính, không tà, hài hoà, trật tự, bình dị, cũng đồng thời là có mức độ, không để cho tình cảm bộc lộ quá cuồng nhiệt, say đắm, không có mức độ, chừng mực. Có mức độ, thuần chính là tinh thần của sự hài hoà của Trời, Đất, của tất cả mọi sự vật, hiện tượng trên cõi đời. (Trần Đình Hượu). Văn chất bân bân mới trở thành quân tử (Chất thắng văn tắc dã, văn thắng chất tắc sử, văn chất bân bân, "văn” thắng "chất” thì dễ lèo lá, "chất” thắng "văn” thì dễ thô lậu, chỉ khi "văn” và "chất” tương xứng nhau, mới được coi là quân tử”). Ngôn chi vô văn, hành nhi bất viễn, nhưng "ngôn” không nên chải chuốt, trau dồi quá mức. (Lời nói diễn đạt được nội dung thì thôi, cần gì phải văn hoa).
Như vậy, khái niệm dâm Khổng Tử dùng để phê phán những bài tình ca có liên quan đến vấn đề nội dung mê đắm sắc đẹp, dâm dật có hại cho đức. Dâm còn nói đến sự quá vui, quá triền miên, gây ra tác động say đắm, mê mẩn. Dâm theo quan niệm Nho gia là cái mầm gây loạn họa, nó đối lập với trị. Chính vì vậy nhà nho xưa từng dịch Quan thư lạc nhi bất dâm là vui mà không buông tuồng Phú quý bất năng dâm là giàu sang không buông tuồng. Với Khổng Tử, tất cả những say đắm về sắc, về vật chất quá mức đều là dâm , trừ việcsay đắm nhạc Thiều ba tháng quên vị thịt say mê văn chương... không nằm trong khái niệm dâm. Khái niệm này, Khổng Mạnh dùng rộng nghĩa hơn khái niệm sex, không đồng nhất với sex trong ngôn ngữ phương Tây. Từ điển Anh Việt (English VietNamese Dictionary) nhóm biên soạn Trần Quỳnh Dân - Trần Thanh Sơn - Bá Khánh - Xuân Bách - NXB Thanh Hoá 1997) chỉ ra ba nghĩa sau đây:
1- Giống, giới tính nam nữ
2- Vấn đề sinh lý, sự giao hợp3- Bản năng, giới tính
Từ điển Thiều Chỉu: giải thích từ dâm gồm các nghĩa sau:
1- Quá, phàm cái gì quá lắm đều gọi là dâm (dâm vũ - mưa quá nhiều, dâm hình - hình thù kỳ quái).
2- Động, mê hoặc phú quý bất năng dâm giầu sang không làm động nổi lòng.3- Tà (không chính đáng) dâm bằng bạn bất chính, dâm từ
đền thờ thần bất chính - Chùa bà Banh (chúng tôi thêm).
4- Dâm dục: Trai gái giao tiếp vô lễ gọi là dâm
5- Sao đi lạc lối thường (dâm tinh)
Từ điển Pháp - Việt của Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội (1992 trang 1982) định nghĩa Sexe:
1- Giới, giới tính2- Bộ phận sinh dục
3 Sexisme: Chủ nghĩa giới tính (cho là phụ nữ ở địa vị thấp kém)
Từ điển Tiếng Việt (Nhà xuất bản KHXH) định nghĩa về "dâm” các mặt như sau:
"Dâm dật: (Tính từ hoặc danh từ) có ham muốn thú nhục dục quá độ hoặc không chính đáng”.
"Dâm dật: (Tính từ) Không tự kiềm chế trong đời sống nhục dục”
"Dâm dục: (Tính từ) Không tự kiềm chế trong những ham muốn, thoả mãn nhục dục”.
"Dâm dục: (Danh từ hoặc tính từ) Sự ham muốn thú nhục dục quá độ hoặc không chính đáng”.
"Dâm loạn (tính từ): Có quan hệ nam nữ bất chính, bừa bãi, trái với đạo đức, phong tục”.
"Dâm ô (tính từ): Dâm dục một cách xấu xa, nhơ nhuốc”
"Dâm phụ: đàn bà ngoại tình”
"Dâm thư: Sách khiêu dâm”"Tà dâm: Như gian dâm, tội tà dâm”
Như vậy trong năm nghĩa của từ dâm chỉ có nghĩa thứ tư là đồng nghĩa với sex.
Khổng Tử một người ham hiểu biết cái cổ, chịu khó tìm tòi, cố gắng nhớ kỹ, học không biết chán, dạy người không biết mỏi cũng phải ngao ngán mà thốt lên rằng: ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả gĩa (ta chưa từng thấy ai hiếu đức như hiếu sắc vậy). Mạnh Tử trong trước tác của mình cũng thừa nhận thực, sắc, tính giã (Ăn uống, sắc dục là bản tính con người). Tuy nhiên, Nho giáo không giành sự chú mục của mình cho cái tính người tự nhiên, bản năng gốc này, thậm chí dùng mọi cách để cấm đoán.
Tình ái sinh hoạt trai gái, người phụ nữ đẹp ... những nhu cầu bản năng chân chính của con người, không thuộc vùng quan tâm của Nho giáo. Nho giáo là một học thuyết chỉ có hình nhi thượng. Con người trong Nho giáo là con người chức năng, sống trong xã hội luân thường. Những nhu cầu bản năng người đính thực bị Nho giáo cho là vấn đề tục.Tục theo Từ điển Thiều Chỉu định nghĩa:
Phong tục: Phong người trên hoá kẻ dưới gọi là phong, dưới bắt chước trên gọi là tục.
Tục tằn: Người không nhã nhặn gọi là tục tằn. Những cái ham chuộng của đời mà bị kẻ trí thức cao thượng chê đều gọi là tục.
Như vậy vấn đề dâm - tục trong Nho giáo, khởi thuỷ rất rộng. Có thể nói tất cả những gì thuộc đời thường trong cuộc sống của con người trần thế. Những nhu cầu tất yếu để con người tồn tại đều bị Nho giáo đặt ra ngoài đạo của họ. Triết lý an bần lạc đạo, nếu nhìn ở mặt trái của nó là một triết lý khổ hạnh, rất gần với triết lý cấm dục của Phật giáo, tiết dục của Đạo giáo. Khổng tử từng công kích Công Tây Hoa vì ông này thích ăn ngon mặc đẹp. Nho giáo trong quá trình tiến diễn cùng lịch sử xã hội chuyên chế phương Đông, càng ngày càng trở nên những giáo lý khổ hạnh, xét về mặt lý thuyết. Vấn đề dâm - tục vắng mặt, nhưng trên phương diện thực hành thực tiễn thì lại khác. Những ông vua chuyên chế Trung Quốc và Việt Nam lại là những ngườidâm - tục nhất. Họ tuyển hàng ngàn, hàng trăm mỹ nữ cung tần, lập lục cung, ngũ viện thậm chí tham lam tới mức độc ác, khi chết đi còn giam những cung tần, mĩ nữ vào lãnh cung để suốt đời hầu hạ hương khói cho họ, các nhà Nho thường là đa thê đa thiếp. Đó là một đặc quyền, đặc lợi của họ. Dâm - tục trở thành một cấm kỵ, một điều phạm huý khi ai đó công khai nói tới. Cấm kỵ này có lẽ đã đi vào tiềm thức, trở thành vô thức cộng đồng trở thành ẩn ức cá nhân của nhà nho.
Người ta phải tinh ý lắm mới nhận ra con người phong tình trong Quốc âm thi tập của Ức Trai qua bài Cây chuối.
Tự bén hơi xuân lại tốt thêm
Đầy buồng lạ màu thâu đêmTình thu một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
Trước mối oan tình thảm khốc trong Người thiếu phụ Nam Xương thi sĩ Lê Tư Thành chỉ nhìn thấy ở đấy một con người đạo nghĩa, tiết phụ:
Cách trở bấy lâu hằng giữ phận
Hiềm nghi một phút bỗng vô tìnhHay lòng phó mặc vừng cao thẳm
Ngàn lau san sát cỏ xanh xanh
Sảy nhớ ngày xưa kẻ tiết trinh
Lẻ bóng tìm nơi chốn vẳng thanh
Dầu nhẫn ai ai qua đến đấy
Thương nàng hoá lại trách Trương Sinh
(Hoàng Giang điếu Vũ Nương
Qua Hoàng Giang viếng người đàn bà họ Vũ)
Hoặc:
Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ
Cung nước chi cho luỵ đến nàng
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng
Qua đây bàng bạc mà chơi vậy
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng
(Lại bài viếng Vũ Thị)
Đến khi các nhà Nho tài tử trở thành những cây bút, những tác giả tiêu biểu nhất của giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, cấm kỵ dâm - tục có bớt đi ít nhiều, trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm.(?) Trong thơ chữ Hán, Văn chiêu hồn Truyện Kiều của Nguyễn Du ... nhưng trong họ không phải không còn chất của nhà nho. Nhà nho tài tử trước hết vẫn là nhà nho kể từ nguồn gốc xuất thân, học vấn, quy trình đào tạo, lẫn hệ thống cơ bản trong nhân sinh quan và thế giới quan (Trần Ngọc Vương, Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam. NXB giáo dục Hà Nội 1995 trang 81).
Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng là thế, tự tuyên bố mình thuộc loại Không Phật không Tiên, không vướng tục, khi lên chùa thì gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì - Bụt cũng nực cười lông ngất ngưởng công khai tuyên bố:
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù
Và hẳn ai cũng nhớ những giai thoại về ông, nào là giang sơn một gánh giữa đồng - Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?, rồi hơn bảy mươi còn cưới hầu non, và trong đêm tân hôn khi vị "hôn thê” trẻ trung ấy hỏi:Chàng bao nhiêu tuổi thì trả lời Ngũ thập nhiên tiền nhị thập tam (Cách đây năm mươi năm, ta hai mươi ba tuổi), ấy vậy mà khi bình phẩm Truyện Kiều lại hạ những câu:
Bạc mệnh chẳng làm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai
Nghĩ đời mà ngán cho đời ....
Trong sự phê phán của Nguyễn Công Trứ, có một phần là phản ứng của ông trước phong trào nhuận sắcTruyện Kiều do vua Tự Đức khởi xướng, nhưng không thể không phản ánh phần nào sự dị ứng của nhà nho tài tử Nguyễn Công Trứ trước một vấn đề thuộc khu vực cấm kỵ của nhà nho.
Đến đầu thế kỷ XX, các nhà nho ảnh hưởng của Tân thư như cụ nghè Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng khi nhìn Truyện Kiều vẫn thấy đó là yêu thư, yêu ngôn dâm thư dâm ngôn, mạt sát Thuý Kiều. Đây là một phản ứng quyết liệt của các cụ trước sự ca ngợi Truyện Kiều của Phạm Quỳnh, nhưng các cụ đã vô tình giận cá chém thớt ,hắt chậu nước bẩn, hắt cả đứa trẻ trong chậu. Rồi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, tự nhận mình mắc bệnh phong tình từ nhỏ, nhìn mọi sự trong cuộc đời qua lăng kính ái ân, phong tình (Trần Đình Hượu), từng viết những Bức thư gửi người tình nhân không quen biết vẫn đánh giá thơ Hồ Xuân Hương thi trung hữu quỷ.Chúng tôi hiểu, trong đánh giá của thi sỹ núi Tản sông Đà có phần ngợi ca, nhưng không phải không có sự chê bai. Chất nhà nho vẫn lộ rõ trong ông. Câu thơ:
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều
Có lẽ đầu tiên là lời răn dạy của nhà nho với con cháu trong nhà, sau này mới được dân gian hoá thành một bài ca dao. Tư tưởng của giai cấp thống trị, bao giờ cũng là tư tưởng thống trị thời đại (Mác). Cấm kỵ nhà nho đã đi vào cả dân gian. Một sự kiện vừa cho thấy rõ sự cấm kỵ nho gia vẫn còn trong xã hội hiện đại và đương đại. Thời kỳ 1930 - 1945, hoạ sỹ Cát Tường tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, nói theo ngôn ngữ thời thượng ngày nay, là hoạ sỹ thiết kế thời trang, đã cách tân chiếc áo dài tứ thân, áo mớ ba mớ bảy cổ truyền, thành chiếc áo tân thời, nay ta gọi là áo dài dân tộc, mà như lời một bài hát, bài Một thoáng quê hươngcủa Thanh Tùng - Từ Huy Tâm hồn quê hương ở đó em ơi! nay ta gọi là biểu tượng của duyên dáng Việt Nam, tổ chức Văn hoá, giáo dục Liên hợp quốc công nhận là đi sản văn hoá phi vật thể, thì thời ấy Ngô Tất Tố, một nhà nho tân học, yêu nước dám bỏ bút lông, cầm bút sắt đã gọi Cát Tường là hoạ sỹ đỗ hạng bét trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, đi cải cách cái gấu váy của người phụ nữ. Những bộ quần áo hiện nay Âu hoámột thời bị Vũ Trọng Phụng châm biếm trong Số đỏ, nay thấy hiện diện trong các shop thời trang, các đô thị, trong chương trình thời trang trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vấn đề dâm - tục từ khởi thuỷ nho giáo đến đây, rõ ràng chỉ còn là vấn đề mang nghĩa đạo đức cá nhân thuần tuý. Dâm - tục hiểu theo lẽ phải thông thường của nhà nho truyền thừa, tương tục cho tới tận ngày nay.Lẽ phải thông thường, bao giờ cũng chứa đựng những nghịch lý và mâu thuẫn. Việc hiểu vấn đề bản năng gốc, bản thế người ở góc độ những nhu cầu sinh hoạt tự nhiên vì vậy đã bị Nho giáo sau này lược bỏ, rút gọn. Nó trở thành một vấn đề cấm kỵ. Hiểu thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương gắn với vấn đề dâm - tục rõ ràng làm cho ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn, tư tưởng bị thu hẹp lại rất nhiều và xảy ra một tình trạng có thể nói là bảo hoàng hơn vua Cuộc vận động, dân số kế hoạch hoá gia đình đã đạt rất nhiều kết quả khả quan, những câu lạc bộ Không sinh con thứ ba . Khẩu hiệu hãy dừng lại ở hai con ... người ta còn quảng cáo cả các dụng cụ tránh thai trên các phương tiện thông tin đại chúng... Nhưng thử hỏi trong tâm thức, tâm lý người Việt Nam đã hết hiện tượng nỗi buồn vì sinh con một bề toàn gái hay chưa? Ai dám trả lời dứt khoát là chưa. Nho giáo quả có ảnh hưởng lâu dài. Dâm - tục trong hiện tượng Hồ Xuân Hương đã bị hiểu thành vấn đề sex.
4. Dâm và tục hay vấn đề bản năng gốc, vấn đề bản thể của con người:
Đã có một thời thường định nghĩa con người gồm hai yếu tố: con, phần bản năng, cộng với phần người phần xã hội. Một cách quan niệm về con người như vậy là duy vật thô sơ, máy móc, mang tính số học. Con người một sinh vật xã hội, một sự tổng hoà các quan hệ xã hội (Mác) theo chúng tôi tổng hoà các quan hệ xã hội ngay trong phần sinh vật, phần bản năng. Nói cách khác, những nhu cầu tự nhiên, bản năng (thực sắc, tính giã) đều đã được người hoá, xã hội hoá. Ở xã hội loài người, ăn uống không còn chỉ là một nhu cầu bản năng. Ở các loài động vật không có tư duy, ăn uống chỉ nhằm duy trì sự tồn tại của cá thể loài, thì ở loài người, sau khi thoát khỏi tình trạng của loài thú, nhu cầu ấy đã mang tính người. Người ta biết cách tạo ra lương thực, thực phẩm bằng lao động rồi nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực, đạo đức ẩm thực, văn hoá ẩm thực. Văn học dân gian từng khuyên con người:
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
Cảnh báo rằng: Miếng ăn, miếng nhục, phê phán những kẻ phàm phu, tục tử, những kẻ ngồi mát ăn bát vàng, những kẻ ăn rồng cuốn, nói rồng leo, làm mèo mửa, ăn thì miếng ngọt miếng ngon - làm thì chọn việc cỏn con mà làm . Miếng ăn gắn liền với tình nghĩa:
Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước biếc xin đừng quên nhau
Ăn uống đạm bạc, kham khổ, nhưng cặp vợ chồng nông phu trong bài ca dao sau đây vẫn cảm thấy ngon thấy hạnh phúc, bởi gia đình hoà thuận:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
Thổ ngơi từng vùng: dưa La, húng Láng ...cá rô đầm sét rượu Gốt rượu Vân, phở Hà Nội, bún bò Huế... ẩm thực tinh tế quả là một nét văn hoá đẹp:
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôiCon chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi củ giềng.
Rồi:
Đi thì nhớ cậu nhớ cô
Về thì lại nhớ cá rô tổng Trường...
Hay: Cau phơi hoái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ...
Trong văn chương bác học Trung đại, Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) khi đi sứ Trung Hoa dưới thời Trần Minh Tông (1314) nhớ về quê hương là nhớ về những món ăn dân giã mang bản sắc quê hương, nhớ về quê hương là nhớ về canh cua (ốc tháng tám, cua ếch tháng mười) ông viết Quy hứng.
Lão tang diệp lạc, tàm phương tậnTảo đạo, hoa hương, giải chính phì
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo
Giang Nam tuy lạc bất như quy
Dịch nghĩa: Hứng muốn về
Dâu già, lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm nở hoa thơm, cua đang lúc béo
Nghe nói ở nhà dẫu nghèo vẫn tốt
Đất Giang Nam tuy vui cũng chẳng bằng về nhà
Dịch thơ:
Dâu già, lá rụng, tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về
Vũ Đình Hiên dịch
(Hoàng Việt thi tuyển NXB Văn Hoá Hà Nội)
Nguyễn Bỉnh Khiêm từng phê phán thói đời:
Còn bạc còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi
Ở văn chương hiện đại, Nguyễn Tuân viết về phở, giò lụa, tiết canh, cháo lòng, thịt ba chỉ luộc ở chợ Bến Thành... Và nhà văn đã thấy giò lụa là Đỉnh cao của văn hoá Việt Nam trong bát phở có cả Linh hồn ông bà, đất nước. Để rồi chính ông thời viết giò lụa, phở bị quy kết là có vấn đề. Trên thế giới, người Nhật Bản đã nâng thú uống trà lên thành một triết lý, một triết học sống, họ gọi là Trà đạo.
Cổ nhân từng tổng kết về một lối sống thực sắc trong câu:
Bán dạ tam bôi tửuBình minh nhất trản trà
Thất nhật dâm nhất độ
Lương y đáo bất gia
Trong thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương thường xuyên nói đến những vấn đề thuộc nhu cầu về giới tính về quan hệ nam nữ, nhưng có thể nói, vấn đề nhu cầu sinh lý trong thơ Nôm truyền tụng không còn là một nhu cầu thuần tuý sinh vật mà nó đã được người hoá, xã hội hoá Hồ Xuân Hương hoá. Nhu cầu chính đáng và rất người ấy nhìn tổng thể, không còn mang thuần tuý màu sắc bản năng thú tính. Hồ Xuân Hương thường gắn chuyện ấy cái ấy với những rung động, những khao khát hoà hợp về tinh thần tâm hồn. Tình yêu nam nữ với Hồ Xuân Hương phải chăng là sự hoà hợp, giao hoà giữa tinh thần và thể xác; gắn với niềm vui sống, ham sống lành mạnh, cường tráng. Dưới cái nhìn Hồ Xuân Hương, cô gái nhẹ dạ, cả tin tuy không chồng mà chửakhông hề có tội, chỉ đáng thương, đáng trách, thậm chí còn ngoan bởi đó là câu chuyện tình yêu dang dở.
Đây rõ ràng là câu chuyện cả nể về cái nghĩa trăm năm và mảnh tình một khối vì duyên thiên chứ đâu phải là chuyện trên Bộc trong dâu. Người phụ nữ trong Quả mít, Ốc nhồi cũng yêu cầu quân tử có thương thời đóng cọc”, có thương thì bóc yếm. Nỗi niềm bâng khuâng, luyến tiếc trong Đánh đu, cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không rõ ràng không chỉ có những khao khát thuần tuý bản năng. Hình ảnh người phụ nữ trong thơ Nôm truyền tụng hiện lên gắn liền với vẻ đẹp của xuân tình xuân xanh của nguồn ân, bể ái của sự thanh tân. Đó là hình ảnh về nguồn hạnh phúc trần thế có thật trong cuộc đời. Những nhu cầu bản năng được Hồ Xuân Hương gọi đó là thú vui (còn thú vui kia sao chẳng vẽ - Tranh tố nữ) là duyên em (Duyên em dính dáng tự ngàn xưa - Cái quạt) là cái thanh tân (giếng ấy thanh tân ai chả biết). Người quân tử trong Thiếu nữ ngủ ngày Dùng dằng đi chẳng dứt - Đi thì cũng dở ở không xong, hiện lên qua một tiếng cười khoan dung. Chàng đã trở lại đích thực là một con người. Trước vẻ đẹp trần thế, thần tiên của cô thiếu nữ nằm chơi qua giấc nồng, một kiểu nằm chơi hết sức Hồ Xuân Hương (Chè hâm lại - gái ngủ trưa), chẳng nhẽ phụ nữ không có quyền được ngủ trưa hay sao? và vô tình nàng đã phô hết vẻ đẹp thanh tân của cơ thể:
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào nguyên suối chửa thông
Trước toà thiên nhiên ấy, chàng quân tử đã trở lại là một chàng trai đích thực, không thô thiển như quạ vào chuồng lợn cũng không chỉ yêu dấu một cái này, chàng vừa ngắm nhìn vừa ngượng ngùng, vì vậy mà dùng dằng đi chẳng dứt. Vẻ đẹp thiếu nữ phải được nhìn qua đôi mắt của chàng trai thì mới rực rỡ nhất, viên mãn nhất (Trúc xinh trúc mọc đầu đình. Em xinh em đứng một mình chẳng xinh). Ca dao từng khẳng định:
Đàn ông phải có đàn bàĐiếu cày phải có lông gà mới kêu
Kinh Dịch cũng từng viết: Nam nữ cấu tinh vạn vật hoá sinh (Hệ từ - Âm dương hoà hợp thì vạn vật mới sinh sôi nảy nở)
Người ta có thể làm ông thánh ở đâu đó, chứ trong tình yêu người ta phải là con người (Nguyễn Đăng Mạnh), tuy nhiên có những loại người trong tình yêu vẫn cứ muốn làm thánh. Chính điều này mới xảy ra tình trạng đạo đức giả, một điều mà Hồ Xuân Hương khinh bỉ, ghét cay ghét đắng.
Hồ Xuân Hương thấy họ chỉ có một khát khao bản năng vô độ, vì vậy họ là những kẻ phàm tục
Chúa dấu vua yêu một cái nàyMát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc mưa
Sư thì:
Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo...
Rồi loại người trong Trống thủng chỉ biết nặng dùi
Ngày nắng đập tung dăm bảy chiếc
Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi.
Khi giang thẳng cánh bù khi cúi
Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi
Ở đây làm gì có chuyện tình, duyên, nghĩa có thú vui (Khi vui nước nước non non - Khi buồn lại để bàn son quân ngà - Cờ người). Vì vậy mà Hồ Xuân Hương nhắn nhủ:
Nhắn nhủ ai về thương lấy vớiThịt da ai cũng thế mà thôi
Một chữ ai rất Hồ Xuân Hương, chữ ai mang tính người phổ quát. Đã là người thì dẫu hoá công cũng phải vòng phu thê chữ ai này còn xuất hiện trong bài Dỗ người đàn bà chết chồng.
Ai về nhắn nhủ đàn em béXấu máu thì khen miếng đỉnh chung
Vua chúa, văn nhân tài tử anh hùng, quân tử, quan lại,... đều là người, nhưng lại che đậy những khao khát bản năng của họ, mặc dù họ lại có những nhu cầu vô độ về chuyện ấy, vì vậy mà họ tầm thường, phàm tục,đạo đức giả cực kì đáng ghét.
Ăng ghen, khi bình luận về giá trị của một nhà thơ Đức là Vertơ đã viết:
Cái làm cho Gheooc Vertơ trở thành một bậc thầy, cái mà khiến cho ông vượt Hainơ, cái mà trong văn học Đức, ông chỉ thua Gottơ, đó là sự biểu hiệu của một dục vọng thể xác lành mạnh và khoẻ khoắn... khi người ta đọc, chúng ta đọc những bài thơ của Phrayligrát, thật tình người ta có thể tưởng là con người không có bộ phận sinh dục... Quả thật đã đến lúc những người công nhân Đức ít ra cũng quen nói đến những việc tự nhiên cần thiết và vô cùng thú vị mà chính họ cũng làm ban ngày hay ban đêm, một cách tự do không kém gì dân tộc la tinh, Home và Platông (Mac-.Ănghen bàn về văn học nghệ thuật NXB Sự thật Hà Nội trang 372 - 373).
Lê nin cho rằng:
Người ta coi quan hệ giao phối như hành động uống một cốc nước sạch, ít ra cung cần phải uống trong một chiếc cốc sạch. Vấn đề bắt đầu với khái niệm này về sự trong sạch bởi vì đó là một vấn đề của con người chứ không phải của loài vật. (Chuyển dẫn theo Hữu Ngọc và Coner).
Hữu Ngọc và Franscoise Coneze viết trong: "Hồ Xuân Hương an le vril dechire” NXB Fleune Rouge - Editión en langnes é tageres Ha Noi 1954).
Chúng ta coi sự dâm dục như hành động uống một cốc nước quá đầy phải tự tràn ra. Và Các nhà phê bình hết sức phi lý khi cho rằng bản năng giới tính và thơ Hồ Xuân Hương quy lại chỉ là bản năng dâm dục làm cho thơ ca, văn học Việt Nam mất giá trị và những người hâm mộ chúng phải thất vọng.
Tình ái là năng lực vũ trụ là vấn đề bản thể luận, vấn đề bản năng gốc của con người. Thơ nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương đã nói lên điều đó một cách khoẻ mạnh, cường tráng và công khai, không hề che đậy. Quả là một bản lĩnh phi thường bởi, trong thời đại ấy, văn chương chỉ được phép chở đạo, nói những điều cao quý thiêng liêng. Văn chương có nguồn gốc từ thượng giới, không được nói những điều tầm thường, thấp hèn. Hiện tượng quá ngưỡng, vượt ngưỡng trên đây trong thơ Hồ Xuân Hương không phải là sự xuất hiện đột ngột. Nó nằm trong quy luật phát triển của văn học nhân loại, phản ánh tâm thức người phổ quá”. Chính vì vậy mà năm 1940 khi Tago, nhà văn, nhà thơ Ấn Độ, khi đặt chân lên Sài Gòn đã đặc biệt chú ý đến thơ Hồ Xuân Hương.
Rabindran nath Tagore (1861 - 1941) người á Châu đầu tiên, đoạt giải Nobel về văn chương (1913) nhà thơ của những hứng khởi mang tính khải thị.
Từ Á châu ông đi phương Tây, Ông đã gặp gỡ đối thoại với Bernard Shan, Romain Rolland, André Gide, Thomas Mann, đặc biệt còn tranh luận với Albert Einstein. Việt Nam cũng là đất nước ông đã đến "Năm 1940 ông có ghé qua Sài Gòn và được thi sĩ Đông Hồ trong quốc phục tiếp đãi tại Yểm Yểm thư trang. Vấn đề văn học Việt Nam, ông đặc biệt chú ý đến thơ Hồ Xuân Hương” (Khúc hát dâng đời - Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thủy dịch Nguồn sáng xuất bản 1971 trang 10).
Thông tin ngắn ngủi này làm cho ngươi Việt yêu thơ Hồ Xuân Hương vừa tự hào về thi nhân nước, vừa ngạc nhiên về khả năng phát hiện cực nhanh nhạy của R Tagor (Phụ san văn nghệ tháng 8/1990).
Và ngay ở đất nước Trung Hoa, nơi khởi thuỷ của Nho giáo, người ta cũng đã dịch và giới thiệu Nôm truyền tụng với Hồ Xuân Hương.
Năm 1959 giáo sư Trung Quốc Hoàng Dật Cầu trong Việt Nam Hán thi lược (quyển 4 tập hạ) đã ghi được một bài thơ chữ hán duy nhất trong mục Hồ Xuân Hương: Nam nữ đả thu thiên (Nam nữ, đánh đu).
Bát trụ thiên thùng diện diện trầnNhất song tác hí tiễn bàng nhân
Nam giao học tất tần tần khấu
Nữ đính phong yên khoản khoản thân
Tứ bắc hồng hinh phiên hốt triển
Lưỡng hàng ngọc thoái khéo hoàn thân
Đa xuân nhân trích xuân nan tái
Chỉ bạt nhân không xuân một ngàn
Bài thơ trên xuất xứ ỏ Việt Hán thi lược là tập tài liệu in rôneo tuyển thơ chữ Hán Việt Nam từ thời Lý - Trần đến hiện đại mà giáo sư Hoàng Dật Cầu dùng để giảng dạy tại Việt Nam ngày ấy. Không biết giáo sư căn cứ vào đâu để tuyển chọn bài thơ này.
Nhưng ta được biết rằng, năm sau trên mục quảng cáo sách mới của tờ phổ thông, xuất bản tại Sài Gòn ngày 1/3/1960 người ta quảng cáo một cuốn thơ Hồ Xuân Hương dày 86 trang, in giấy tốt, bán tại Chợ Lớn. Theo quảng cáo này thì đâ là cuốn thơ chữ Hán do Lý Văn Hùng dịch từ thơ Nôm của Hồ Xuân Hương. Để người đọc có thể thấy được trình độ dịch thuật của tác giả, tờ báo này đã cho in liền đó một bài thơ dịch mẫu. Đó lại chính là bài mà Hoàng Dật Cần đã ghi được (chỉ khác ở chỗ câu 1 - 2 bị đổi vị trí của hai câu 7 - 8 trong bản thân Hoàng Dật Cần và vài chữ sai dị không đáng kể) với đề bài Đả Thu thiên (Hồ Xuân Hương- Từ cội nguồn vào thế tục- Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội 1995 trang 58 - 59).
Thơ Nôm truyền tụng còn được giới thiệu ở Liên Xô cũ. Năm 1968 ở Pháp, trong lời giới thiệu Tuyển tập thơ Hồ Xuân Hương dịch giả Jean Ristat, dưới tiêu đề Hồ Xuân Hương là người cùng thời đại của chúng ta đã nhiệt tình khẳng định và ngợi ca:
Hồ Xuân Hương là người cùng thời đại của chúng ta. Nàng là tuyệt đối hiện đại và cuộc đấu tranh của nàng cũng là cuộc đấu tranh của chúng ta, Hồ Xuân Hương đã làm đảo lộn nếp cũ, đổi mới tất cả, song vẫn dễ gần với tất cả mọi người. Một cuốn sách thế này- Tuyển tập thơ Hồ Xuân Hương- chắc chắn sẽ làm cho các dân tộc gần nhau hơn nữa. (Vài nét về thơ Hồ Xuân Hương ở nước ngoài- Đến với thơ Hồ Xuân Hương NXB Thanh niên 1997 trang 382). Thơ Hồ Xuân Hương còn được xuất bản ở Phần Lan với tựa đề Những lời hỏi trăng vào năm 1992 (Đến với thơ Hồ Xuân Hương ). Trong lời giới thiệu tập thơ dịch giả Ranni Turkia viết:
Theo tôi, Hồ Xuân Hương là một tác giả có một không hai trong văn học thé giới. Ngôn ngữ trong thơ của bà rất tài tình, thơ của bà luôn luôn mang rất nhiều nghĩa, chính vì vậy mà thơ bà rất khó dịch (... ) nhất là khi dịch sang các ngôn ngữ phương Tây ....
Thơ Hồ Xuân Hương được dịch và giới thiệu ở Bungari và nhiều nước khác.
Rõ ràng thơ Hồ Xuân Hương đã nói lên được vấn đề mang tính nhân loại phổ quát. Vấn đề những nhu cầu bản năng, mang tính bản thể của tồn tại người với tư cách cá thể và chủng loại. Vì vậy chúng tôi đề nghị, như giáo sư Trần Đình Sử đã viết:
Nhà thơ không xem cái lẳng lơ là lẳng lơ, không xem cái tục là tục, không xem "dâm” là dâm. Tất cả đều hồn nhiên, tự nhiên. Đã đến lục không nên nói đến cái gọi là dâm và tục trong thơ bà, mà nên nói đến những ám ảnh tính dục, nhu cầu giải phóng nhãn quang tình dục phong kiến cổ hủ như một nhu cầu của con người cá nhân (Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, NXB giáo dục Hà Nội, năm 1997, trang 174).
5. Thơ Hồ Xuân Hương là một thế giới nghệ thuật trong đó có sự giao thoa giữa hai thành tố văn hoá: folklore và văn hoá bác học. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương có một hệ thống từ vựng riêng. Mỗi từ mỗi ngữ, mỗi tục ngữ, thành ngữ trong đó đều mang một nét nghĩa mới - nghĩa phồn thực chỉ có trong thơ của hiện tượng văn học này mà không hề có trong bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào xưa nay. Hồ Xuân Hương như một vị phù thuỷ cao tay về câu chữ. Điều đặc biệt độc đáo này vẫn nằm trong quy luật muôn đời của sự sáng tạo nghệ thuật. Văn chương nghệ thuật trước hết là câu chuyện về tấm lòng về tình đời, tình người, là hoạt động tư tưởng – tình cảm, không có cái gốc này mọi sự đẽo gọt kỳ công, mọi sự thôi xao đều chỉ là mớ chữ không hồn. Thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương quả đã đạt đến trình độ văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử. Nhưng trớ trêu oái oăm thay, từ khi xuất hiện đến nay, hiện tượng này vẫn phải chịu cái oan án dâm tục trong các tác giả bác học nhiều thời. Người ta thưởng thức thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương như một thứ trái cấm. Bởi Hồ Xuân Hương tạo ra quy tắc thẩm mỹ riêng, khoá mã riêng và một cách giải mã riêng, và một công chúng văn học rất đông đảo. Chẳng phải khi Anbe – Anhxtanh khi phát minh ra thuyết Tương đối đã bị người đời "phong tặng danh hiệu " thằng điên đó sao (!) Trong văn chương thế giới, Stêkhôp nhà hiện thực lỗi lạc Nga thế kỉ XIX có viết truyện Phòng sáu, Lỗ Tấn văn hào hiện đại Trung Quốc có tác phẩm Nhật ký người điên ... Những nhân vật người điên trong hai sáng tác naỳ đích thực là những người đi trước thời đại, vượt ra khỏi lẽ phải thông thường của thời đại, lập tức bị những người u mê đổ cho là điên. Hiện tượng Hồ Xuân Hương với vấn đề dâm tục dường như cũng chịu áp lực của quy luật này. Hồ Xuân Hương là một trong những hiện tượng tiêu biểu nhất cho sự vượt ngưỡng, phá bỏ cấm kị trong văn hoá, văn học trung đại Việt Nam. Hiện tượng này đồng dạng với điều mà cổ nhân nhận xét trong những câu thơ dưới đây:
Cao Tổ điên hào kiệtVõ Đế ngộ thần tiên
Tăng Điển cuồng thiên hạ
Nhan Tử ngu thánh hiền.
Đã đến lúc không nên quan niệm những vấn đề thơ Nôm truyền tụng biểu hiện là dâm tục. Đó thực chất là vấn đề bản năng gốc đã được người hóa, văn hoá hoá, Hồ Xuân Hương hoá, một trong những vấn đề bản thể của tồn tại người với tư cách cá thể cá nhân (individu) và tư cách loài. Chính điều này tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt, sự độc đáo vô song của hiện tượng Hồ Xuân Hương.
Vân Giang, những ngày cuối năm Nhâm Ngọ
----
Chú thích (1): Tất cả những trích dẫn về Truyện Kiều đều lấy từ Thơ quốc âm Nguyễn Du, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, NXB Giáo Dục, Hà Nội- 1996 (theo vanvn)
----
Bùi Ngọc Minh
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.Ninh Bình ngày 08.08.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Chú thích (1): Tất cả những trích dẫn về Truyện Kiều đều lấy từ Thơ quốc âm Nguyễn Du, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, NXB Giáo Dục, Hà Nội- 1996 (theo vanvn)
----
Bùi Ngọc Minh
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.Ninh Bình ngày 08.08.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét