Cánh chim non – Truyện ngắn Trọng Bảo (Hà Nội)
Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015
Ngày 30.12.2011
Cứ nghĩ đến cảnh con bé mặt mũi tái mét, nước mắt, nước mũi giàn
giụa đứng run rẩy giữa vòng vây của lũ trẻ chăn trâu luôn mồm gào thét:
"Ê... ê... ê... con... ăn.... cắp... ăn... cắp..." là gã lại thấy
bàng hoàng, thảng thốt. Gã giận mình thật hồ đồ. Gã thấy ân hận và xấu hổ vì là
một người lớn hẳn hoi lại đi nghi ngờ, soát xét một đứa trẻ con, gán cho nó tội
ăn cắp. Mà con bé ấy đâu phải là một người xa lạ. Nó là một người rất quý gã.
Phải chăng chỉ vì số tiền quá lớn đã làm gã mất bình tĩnh.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Trọng Bảo
Tên thật: Hà Trọng Bảo
Sinh năm: 1956
Quê quán: Thị trấn Hoa Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Hiện công tác tại: Phòng Thông tấn-Báo chí quân đội
Địa chỉ: 61- Cửa Đông-Hà Nội,
ĐT: 098.6676547
Email: trongbao.56@gmail.com
_____
(Trích trong tập Phong lan Đỏ)
Cứ nghĩ đến
cảnh con bé mặt mũi tái mét, nước mắt, nước mũi giàn giụa đứng run rẩy giữa
vòng vây của lũ trẻ chăn trâu luôn mồm gào thét: "Ê... ê... ê... con...
ăn.... cắp... ăn... cắp..." là gã lại thấy bàng hoàng, thảng thốt. Gã giận
mình thật hồ đồ. Gã thấy ân hận và xấu hổ vì là một người lớn hẳn hoi lại đi
nghi ngờ, soát xét một đứa trẻ con, gán cho nó tội ăn cắp. Mà con bé ấy đâu
phải là một người xa lạ. Nó là một người rất quý gã. Phải chăng chỉ vì số tiền
quá lớn đã làm gã mất bình tĩnh.
Cuộc
đời gã trải qua bao nhiêu biến cố. Có nhiều lúc cái sống, cái chết cận kề mà gã
vẫn bình tĩnh. Thế mà hôm nay, chỉ có mấy triệu bạc mà đã làm gã đánh mất bản
lĩnh của mình, đánh mất sự bình tĩnh vốn có của thằng lính đặc công từng nằm ém
suốt ngày giữa đồn địch chờ lệnh nổ súng.
Gã chợt nhận
ra mình. Thì ra sống ở đời cứ nghĩ là tinh anh vẫn có lúc lú lẫn, dại dột.
*
Câu
chuyện bắt đầu từ chiều hôm qua. Gã được ông cán bộ phụ trách thương binh xã
hội gọi lên trụ sở uỷ ban nhân dân xã. Ông bảo gã ký vào một bản danh sách và
mở tủ đếm trao cho gã mấy triệu đồng tiền hỗ trợ của một dự án gì đó vì người
nghèo mà gã là đối tượng được hưởng. Cầm mười mấy tờ năm trăm nghìn đồng trên
tay mà gã thấy nổi gai khắp cả người. Cả đời gã chưa bao giờ có được một số
tiền lớn như thế. Gã trù tính với số tiền này sẽ mua thêm cá giống, thức ăn cho
cá. Mua lấy một cái máy bơm Trung Quốc để khi tát ao và bơm nước thay đổi cho
cá chóng lớn...
Gói bảy
triệu đồng vào mảnh giấy báo cũ, gã đút vào túi quần. Trên đường về lều cá,
thỉnh thoảng gã lại thò tay vào túi nắn nắn như chưa tin hẳn là mình đang sở
hữu một số tiền lớn như thế.
Buổi tối, gã
để gói tiền dưới gối cho yên tâm. Gần như suốt đêm gã không ngủ được. Gã trằn
trọc toan tính với số tiền. Gần sáng, gã vừa chợp mắt thì một cơn mưa rào ập
xuống. Gã bật dậy vớ vội cái xẻng lao ra ao cá. Gã lo mưa to nước lũ từ trên
đồi đổ xuống gây vỡ bờ ao, cá thoát ra sông hết. Chẳng quản mưa gió, gã hì hục
đào đất be bờ. Những hạt mưa ném ràn rạt như ném sỏi vào mặt gã. Đàn cá dưới ao
thấy mưa nhảy lên lao xao, chúng rất muốn thoát ra ngoài cánh đồng. Nhưng gã
yên tâm bởi bờ ao của gã cao và vững chắc lắm.
Trời
sáng hẳn cơn mưa mới ngớt. Gã thấy chân tay boải hoải.
Gã kéo
lê chiếc xẻng về lều. Vừa kịp thay bộ quần áo ướt, gã đã lăn ra đống lưới ngoài
cửa lều ngủ ngon lành. Nghe tiếng người đi chợ nói cười lao xao trên đường gã
chợt tỉnh. Mặt trời đã lên hơn một con sào. Nhớ đến việc phải đi mua máy bơm và
thức ăn cho cá, gã vội vàng vào trong lều tìm gói tiền. Gã thò tay xuống gối.
Giật mình, tay gã chạm vào một củ khoai lang to còn nóng. Gã vội lật tung cái
gối lên. Củ khoai lang lăn xuống đất. Không thấy gói tiền đâu. Gã hốt hoảng.
Thôi chết! Mất tiền rồi. Gã nghĩ. Rũ tung hết cả giường chiếu vẫn không thấy
gói tiền, gã bắt đầu mất bình tĩnh. Gã nghĩ ngay đến kẻ trộm. Ai có thể vào đây
lấy trộm được nhỉ. Chỉ có thể là con bé Nhiên. Ngày nào nó cũng đi cắt cỏ và
quanh quẩn ở lều cá của gã. Nó rất quý gã, hay giúp gã nhặt rau, thổi cơm có lẽ
nào nó lại ăn trộm tiền của gã. Nhưng không nó thì ai vào đây. Từ hôm qua đến
giờ đã có ai vào cái lều cá tàn tạ này đâu. Chỉ có con bé Nhiên. Củ khoai
lang dưới gối là của nó để phần cho gã. Có thể khi dúi củ khoai xuống
dưới gối để ủ ấm nó đã thấy gói tiền của gã.
Gã lao
ra ngoài đồi. Bọn trẻ con chăn trâu đang chia nhau đánh trận giả. Một thằng vừa
nhìn thấy gã đã reo lên:
- Chú Hưng
ơi! Hôm nay chú lại dạy võ đặc công cho chúng cháu nhé!
- Võ với vẽ
gì, chúng mày có thấy con Nhiên đâu không?
- Có...
có... nó đang cắt cỏ phía kia kìa...
Rồi không
đợi gã sai bảo bọn trẻ đã gào lên gọi tên con Nhiên. Nghe tiếng gọi, bé Nhiên
hớt hải bê bao cỏ chạy lên. Vừa nhìn thấy gã con bé đã nhoẻn miệng cười. Nó
nghĩ gã tìm nó nhờ việc gì đó, có thể là nấu cơm hoặc vá áo. Nó rất thích khi
được giúp bác Hưng. Trong tâm trí nó, bác Hưng là người mà nó quý nhất.
Nhưng khi bé
Nhiên chưa kịp nhận ra vẻ mặt hoảng hốt, giận dữ và ánh mắt nghi ngờ của gã thì
đã bị gã giật phắt cái bao cỏ của nó dốc ngược. Bao cỏ đổ tung toé ra đất. Vừa
bới tung nắm cỏ gã vừa quát mắng ầm ĩ. Bọn trẻ con ngạc nhiên xúm quanh. Rồi
chúng cũng hiểu chuyện gã bị mất tiền. Mà kẻ trộm chỉ có thể là con Nhiên không
thể là ai khác. Bọn trẻ chăn trâu giúp gã bới tìm. Chúng hất tung hết bao cỏ
của con Nhiên và vạch tìm hết những chỗ con bé vừa ngồi cắt cỏ xem nó có giấu
tiền ở đâu không. Con bé Nhiên trở thành tù binh của bọn trẻ chăn trâu. Nó đứng
chết trân giữa vòng vây của bọn trẻ. Nó hoảng hốt, mặt mũi nó tái nhợt, nước
mắt vòng quanh. Miệng nó lắp bắp van xin: "Cháu không... cháu không lấy
tiền của bác đâu...". Nhưng ai mà tin nó. Chỉ có nó là người duy nhất sáng
nay đã vào lều cá. Không nó ăn cắp tiền thì ai!
Việc tìm
kiếm không có kết quả. Gã quay về lều cá. Bọn trẻ chăn trâu vẫn chưa tha cho
con Nhiên. "Ê... ê... ê... đồ ăn cắp tiền! Đồ ăn cắp tiền...".- Tiếng
lũ trẻ chăn trâu gào vang cả một vùng đồi.
*
Gã chán nản
chui vào lều. Gã nhặt cái gối rơi dưới đất ném lên giường. Củ khoai lang của bé
Nhiên bị gã giẫm nát be bét. Gã thấy bức bối. Gã ngồi bệt xuống nền đất. Suốt
đêm mất ngủ lại thêm chuyện mất tiền khiến gã thấy hai bên thái dương ong ong.
Vết thương đầu gã bắt đầu đau.
Lúc trải lại
cái chiếu, gã chợt giật mình nhìn qua những thanh gỗ làm giát giường bị gẫy.
Hình như gã vừa chợt nhận ra một điều gì đó. Gã đẩy phăng cái giường ọp ẹp ra
phía cửa và quỳ xuống tìm kiếm. Nền nhà dọc ngang những vết nứt nẻ như mạng
nhện. Gã ghé sát mắt xuống nhìn. Trong một vết nứt sâu chỗ đầu giường gã đã nhìn
thấy có mảnh giấy báo. Gã lùa hai ngón tay xuống cặp lấy mẩu giấy báo kéo lên.
Đó đúng là gói tiền của gã. Thì ra khi giấu củ khoai vào dưới gối ủ nóng để
phần cho gã, vô tình bé Nhiên đã đẩy gói tiền lọt qua khe giát giường rơi xuống
trúng chỗ vết nứt trên nền nhà.
Khi
biết mình đã nhầm, gã ngồi thừ người ra thảng thốt. Gã dúi gói tiền xuống dưới
gối rồi chui ra khỏi lều nhớn nhác ngó ra phía sau. Không nhìn thấy bóng bé
Nhiên đâu, gã càng không yên tâm. Gã bồn chồn kiễng chân, nghển cổ trông về phía
chân đồi bạch đàn. Bàn chân đất của gã dẫm vào một cành cây khô. Tiếng cành khô
gẫy xào xạo làm một đám chim sẻ bay vù văng ra xa như những chiếc lá khô bị gió
lốc cuốn thốc lên trời. Gã bước thấp bước cao ra phía đồi cây. Trời đã gần
trưa, nắng nóng nên bọn trẻ đã lùa trâu về làng. Gã chợt nhận ra cái nón mê của
bé Nhiên thấp thoáng sau mấy bụi cây lúp súp. Con bé đang ngồi cắt cỏ. Mặt nó
cúi gằm xuống đất. Thân hình gầy gò của nó thu gọn trong chiến nón. Gã ngập
ngừng. Gã muốn chạy lại ngay chỗ bé Nhiên nói với nó một câu. Nhưng gã sợ.
Bé Nhiên
đang căm cụi cắt cỏ. Nó đưa liềm miết sát xuống đất vì cỏ ở đây rất ngắn. Như
mọi hôm thì giờ này nó đã về nhà. Nhưng hôm nay vì số cỏ đã bị lũ bạn chăn trâu
lúc nãy vứt tung hết nên nó chưa về được. Nó phải cắt đầy bao cỏ cho con bò mẹ
mới đẻ ăn có đủ sữa cho chú bê con. Con bò là do ông đội trưởng đội sản xuất
thương mẹ nó ốm yếu, không có sức lao động dùng kinh phí hỗ trợ chăn nuôi mua
và giao cho chăn dắt. Được hơn năm, con bò sinh con. Bé Nhiên thích con bê lắm.
Nó chăm chỉ đi cắt cỏ cho bò mẹ ăn có nhiều sữa cho con bú, chóng lớn.
Thấy có bước
chân người đi đến, bé Nhiên ngẩng đầu lên. Hai mắt nó con sưng đỏ vì khóc, vệt
nước mắt còn hoen trên má. Trông thấy gã, con bé hốt hoảng đứng dậy lùi lại. Nó
lắp bắp nói không thành tiếng:
- Cháu van
bác! Cháu không... bác... bác tha cho cháu...
Nó vội lôi
bao cỏ lệt sệt sợ hãi tránh ra xa gã. Gã ấp úng:
- Nhiên...
Nhiên... đứng lại... đứng lại bác bảo...
Bé Nhiên
không dám đứng lại. Nó ôm bao cỏ lật đật chạy về nhà. Miệng bao chưa kịp buộc
túm, những cọng cỏ non rơi lả tả xuống lối mòn. Gã không dám đuổi theo con bé
sợ nó thêm hoảng mà vấp ngã. Gã quay lại túp lều coi cá. Trong đầu gã trống
rỗng. Mọi ý định sử dụng số tiền tài trợ để kinh doanh phát triển sản xuất đều
biến mất. Trong đầu gã lúc này chỉ suy nghĩ làm sao gặp được bé Nhiên để xin
lỗi nó. Gã ân hận và cứ tự trách mình mãi về sự hấp tấp đã làm tổn thương đến
một đứa bé mà gã từng coi nó như con đẻ của mình. Gã không có con. Vợ gã đã bỏ
đi sau khi sinh ra một cục thịt. Gã bị nhiễm chất độc da cam. Cuộc đời gã thế
là hết.
Mẹ con bé
Nhiên không biết từ đâu phiêu dạt về sinh sống ở khu xóm núi này. Con bé hay ra
lều cá của gã chơi. Có tiếng trẻ con tự dưng căn nhà lều của gã ấm áp hẳn lên.
Hôm nào con bé không đến là gã thấy nhơ nhớ, làm việc gì cũng thấp thỏm. Thế mà
hôm nay, chỉ vì tiền mà gã đã đánh mất tất cả. Nhất định gã phải vào xóm tìm mẹ
con bé Nhiên. Bây giờ gã mới lại nghĩ đến số tiền. Gã ngạc nhiên là kể từ khi
cầm số tiền lớn trong tay, tính toan chi tiêu đủ thứ mà chưa lần nào gã nghĩ
đến cho bé Nhiên vài nghìn để nó mua lấy quyển vở, cây bút đi học.
Bữa trưa hôm
ấy gã bỏ ăn. Một cơn sốt đã quật ngã gã. Gã sốt li bì mấy hôm. May có bọn trẻ
chăn trâu báo cho ông trưởng thôn biết. Ông gọi cô y tá ở trạm xá xã ra tiêm
cho mấy mũi giảm sốt. Cất cơn sốt gã vội vã vào xóm. Đến ngôi nhà nhỏ cuối
thôn, gã gọi một lúc mới thấy một người phụ nữ ra mở cổng. Chị có vẻ ốm yếu vừa
ôm ngực ho vừa đẩy cánh cổng. Đó là mẹ bé Nhiên. Vừa nhìn thấy gã, người đàn bà
chắp tay:
- Em cắn
rơm, cắn cỏ lạy bác! Con bé nhà em nếu có lỡ lấy tiền của bác... cũng xin
bác...
- Không
không phải thế đâu...- Gã vội xua xua tay:- Tôi... tôi...
Gã kể lại
câu chuyện bữa trước, vẻ rất ân hận. Nghe thấu chuyện, người đàn bà giờ mới
hoàn hồn. Chị cứ nghĩ là gã vào nhà mình để tìm số tiền bị mất. Chị mời gã vào
nhà. Khi gã hỏi về bé Nhiên, chị rơm rơm nước mắt:
- Nó đi rồi
anh ạ!
- Đi đâu?-
Giọng gã thảng thốt. Chị sụt sịt kể:
- Mấy hôm
trước con bê mới đẻ của nhà em tự dưng lăn ra chết. Con bé khóc mãi. Em cũng
trả lại con bò cho đội sản xuất rồi. Con bé ở nhà không đi cắt cỏ nữa. Có người
trên thành phố về nói có nhà hàng cần phụ giúp bán phở nên nó muốn đi kiếm tiền
giúp mẹ. Em khuyên ngăn mãi nhưng nó không nghe, với lại em ốm yếu thế này...
- Nó còn bé
thế... nó không đi học nữa à?
- Nó nói nó
sẽ tự học...- Người đàn bà ôm ngực ho một lúc rồi nói tiếp:- Nó đem theo
cả mấy cuốn sách giáo khoa lớp bốn đấy.
Gã thấy hụt
hẫng. Gã ngồi thừ người ra một lúc rồi hỏi:
- Thế có
biết nó làm thuê ở đâu không?
- Em cũng
không biết! Hôm trước chỉ thấy nó nhắn về là được ứng trước tiền công tháng đầu
tiên nên gửi cho mẹ hai trăm nghìn...
Tự dưng gã
quyết định:
- Tôi sẽ đi
tìm bé Nhiên! Nhất định tôi sẽ đưa nó về cho nó tiếp tục đi học.
Người đàn bà
ngạc nhiên nhìn gã. Gã nói tiếp:
- Nếu không
đưa được nó về tôi cũng phải xin lỗi nó một câu... để nó tha thứ cho tôi...
Mặc cho
người đàn từ chối, gã dứt khoát để lại cho chị một triệu đồng rồi ra về. Gã vào
xóm tìm người để chuyển nhượng lại cái ao cá sắp thu hoạch.
*
Cả tháng
trời gã lang thang khắp phố phường Hà Nội. Ban ngày gã vừa đi dò tìm tung tích
bé Nhiên vừa tranh thủ làm thuê. Thôi thì đủ các thứ việc giống như đám cửu vạn
từ nông thôn ra thành phố kiếm tiền. Ai thuê việc gì, gã làm việc nấy. Đêm đến
gã ngả lưng khi thì nhà ga, lúc vỉa hè, có tối thì trong căn nhà trọ tồi tàn
giá mấy nghìn ngoài bãi sông. Gã lần tìm đến các tiệm phở. Hà Nội thật nhiều
tiệm phở. Phở là món ăn đặc sản nhưng trở thành thường nhật, đại chúng của
người Hà Nội. Chỗ nào cũng thấy tiệm, quán bán phở. Có những nơi chẳng cần quán
xá, chỉ một nồi nước dùng kê ở vỉa hè người ta cũng bán phở. Chính vì sự phổ
biến và đại chúng như vậy nên phở Hà Nội dần dần mất hết vị đặc trưng riêng
biệt của nó. Gã đã ăn ở nhiều quán phở, ngon có, dở có. Vừa ăn gã vừa dò hỏi về
bé Nhiên. Quán nào thấy có trẻ con giúp việc là gã lập tức vào hỏi thăm.
Lần mò mãi,
gã cũng tìm được quán phở bé Nhiên làm thuê. Bất ngờ gặp gã, con bé tròn mắt
ngạc nhiên. Ánh mắt nó lộ vẻ hoảng sợ. Nó suýt đánh rơi chồng bát đũa đang bê
trên tay. Nó tuy có trắng trẻo hơn nhưng vẫn gầy gùa, mảnh khảnh như khi còn ở
nhà. Gã ấp úng bảo: "Bác... bác muốn nói chuyện với cháu!". Bé Nhiên
lý nhí nói "Vâng... vâng... bác chờ cháu một tý...". Nói xong nó bê
chồng bát đũa đi nhanh vào phía sau cửa hàng.
Gã ngồi chờ.
Hồi lâu không thấy bé Nhiên ra, gã đứng dậy nhớn nhác vào chỗ quầy hàng hỏi. Bà
chủ quán dừng tay thái thịt hỏi lại:
- Thế chú là
bố con bé hả?
- Vâng...
vâng...- Gã buột miệng đáp. Bà chủ quán thong thả:
- Chắc là nó
bỏ nhà trốn lên thành phố chứ gì?
Gã chưa kịp
trả lời thì một ông đang ngồi ăn ở bàn gần đấy tặc lưỡi nói:
- Trẻ con
bây giờ là hư lắm! Bố mẹ không đồng ý cũng bỏ nhà đi. Lên thành phố đứa nào
cũng hư hỏng, ăn cắp như ranh...
Thấy mọi
người có vẻ hưởng ứng, ông ta nói tiếp:
- Cạnh nhà
tôi có con bé là "ô-sin" được chủ nhà tin cậy thế mà nó đang tâm xiết
cổ bà chủ rồi cạy tủ lấy trộm mấy chục cây vàng đấy.
- Con bé này
không thế đâu!- Bà chủ quán cắt lời ông ta:- Hôm trước có bà khách nước ngoài
vào ăn phở bở quên cái ví có hơn nghìn đô, chục triệu tiền Việt, nó nhặt được
đưa tôi trả lại. Bà khách nhận lại cái ví đã thưởng cho nó một triệu đồng nhưng
nó dứt khoát không nhận...
Vừa nói, bà
chủ quán vừa mở túi đưa cho gã bốn trăm nghìn đồng. Gã ngạc nhiên:
- Tiền gì
đây ạ?
- Đây là
tiền công tháng này của con bé! Chú cầm luôn cho nó nhé.
- Thế nó đâu
rồi ạ?
- Nó đi rồi!
- Nó đi đâu
rồi ạ?- Gã nhỏm dậy, giọng hốt hoảng.
- Không rõ!
Chắc nó sợ anh bắt về nên đã bỏ đi mất rồi. Mấy đứa cùng làm vừa nói lại với
tôi như thế.
Gã dáo dác ngó quanh. Rồi gã lại ngồi phịch xuống ghế. Bà chủ quán phở đưa thêm cho gã một trăm nghìn đồng nữa bảo là tiền thưởng cho con bé ngoan ngoãn, chịu khó.
Gã dáo dác ngó quanh. Rồi gã lại ngồi phịch xuống ghế. Bà chủ quán phở đưa thêm cho gã một trăm nghìn đồng nữa bảo là tiền thưởng cho con bé ngoan ngoãn, chịu khó.
Gã buồn bã
bước ra ngoài đường phố.
Đã cuối buổi
chiều. Mây mù xám xịt ùn ùn kéo đến. Sắp có một cơn giông. Trời lành lạnh. Gió
xoáy thốc xuống mặt đường cuốn bụi lên mù mịt. Những cánh chim non chấp chới
bay giữa phố phường san sát những nhà cao tầng tìm một cành cây tránh gió.
Hà
Nội, tháng 7-2008
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại- ngày 15/9/2015
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 30.12.2011Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
___________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét