Ngôi nhà giữa phố – Truyện ngắn Trọng Bảo (Hà Nội)
Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015
Ngày 04/06/2011
Bà Chi rờ rẫm lần theo bức tường đang xây dở. Mùi vôi vữa còn hắc
nồng. Đôi chân bà run run. Bà ngước nhìn lên mái nhà đang tháo dỡ. Những chiếc
đòn tay đã được cưa cắt. Bức tường mới xây như một lưỡi dao chém giữa căn nhà.
Ngôi nhà được xẻ làm hai phần to nhỏ. Quyền sở hữu của bà bây giờ chỉ còn một
gian trái và một mẩu của gian nhà ngoài.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Trọng Bảo
Tên thật: Hà Trọng Bảo
Sinh năm: 1956
Quê quán: Thị trấn Hoa Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Hiện công tác tại: Phòng Thông tấn-Báo chí quân đội
Địa chỉ: 61- Cửa Đông-Hà Nội,
ĐT: 098.6676547
Email: trongbao.56@gmail.com
_____
Bà Chi rờ
rẫm lần theo bức tường đang xây dở. Mùi vôi vữa còn hắc nồng. Đôi chân bà run
run. Bà ngước nhìn lên mái nhà đang tháo dỡ. Những chiếc đòn tay đã được cưa
cắt. Bức tường mới xây như một lưỡi dao chém giữa căn nhà. Ngôi nhà được xẻ làm
hai phần to nhỏ. Quyền sở hữu của bà bây giờ chỉ còn một gian trái và một mẩu
của gian nhà ngoài.
Bà Chi lập
cập đi về phía đặt bàn thờ. Bức ảnh bố mẹ chồng và ảnh chồng bà vẫn chưa gỡ
xuống. Bà Chi ngồi thụp xuống kéo vạt áo chùi nước mắt. Cuộc đời thật chớ trêu.
Bà có ngờ đâu lúc đã sắp "về với đất” lại phải chịu một nỗi đau lớn thế.
*
Hơn năm mươi
năm trước bà Chi về làm dâu nhà này. Khi ấy bà mười chín tuổi. Ông Luân chồng
bà mới mười bảy tuổi, còn đang tuổi chơi, tuổi nghịch. Ngày đó vùng này là
ngoại thành, nhà cửa chưa nhiều, người chưa đông đúc, chen chúc như bây giờ. Bà
lấy ông Luân hoàn toàn do mối mai, gá nghĩa. Bố bà và bố ông Luân là bạn học
với nhau. Thời buổi loạn lạc nên hai người đâm ra lỡ làng con đường công danh,
hoạn lộ. Hai cụ chung vốn xuôi ngược buôn bán, đói no, thất bát có nhau. Nhà bà
hồi ấy ở nội đô. Khi còn nhỏ bà hay theo cha ra ngoại thành chơi. Bà nhiều tuổi
hơn ông Luân nên hai người coi nhau như chị em. Lớn lên do sự sắp đặt của cha
mẹ, họ thành vợ chồng.
Bà Chi làm
dâu chưa đầy năm thì ông Luân, chồng bà lên đường đi bộ đội. Bà một buổi tối,
bà đang ngồi sàng gạo thì ông Luân từ đâu chạy về. Quần áo ông ướt sũng. Ông
bảo:
- Sáng sớm
mai tôi đi bộ đội!
Bà Chi hốt
hoảng:
- Đi... đi
thế nào! Sao lại đi?
- Đi là đi
chứ còn làm sao nữa. Mà cấm được hé răng cho bố biết đấy. Gà gáy sáng mai, tôi
và thằng Đồng ở làng bên cùng trốn nhà đi sớm.
- Sao mình
không nói trước để tôi còn chuẩn bị cho vài thứ?
- Không cần!
Đời chiến sĩ sa trường da ngựa bọc thây cần gì tư trang, hành lý cho vướng bận.
Sáng hôm sau
chỉ một bộ quần áo nhét trong tay nải, mo cơm nếp vợ đưa cho, ông Luân cùng bạn
vượt đường số 6, ngược lên Hoà Bình, sang Phú Thọ tìm theo bộ đội. Bà Chi bị
ông bố chồng cho một trận đòn vì tội giấu giếm việc chồng đi bộ đội. Trận đòn
ấy suýt làm bị xẩy mất cái thai đang làm tổ trong bụng bà.
Ông Luân đi
biền biệt. Bà mẹ chồng ốm yếu lại cũng bụng mang dạ chửa, các em chồng thì còn
nhỏ nên mọi việc nặng nhọc đều dồn lên đôi vai bà Chi. Tuy sức vóc đang tuổi
thanh niên song cũng chỉ là đàn bà con gái. Bà Chi- cô Chi ngày ấy- vốn xuất
thân từ gia đình buôn bán ở phố Hàng Đào. Lấy chồng ngoại thành mới biết đến
cái liềm, cái cuốc, mới nhìn thấy con trâu, con bò. Nhà chồng nghèo, lại gặp
buổi loạn lạc, thân sức nữ nhi sao chịu xiết. Rồi tai ương dồn dập ập đến, bố
chồng bị ngã bệnh liệt nửa người. Bà mẹ chồng sinh đẻ muộn, vượt cạn không nổi,
chỉ cứu được đứa con. Mẹ chồng chết vừa chôn xong thì bà Chi cũng trở dạ. Đứa
con gái chưa kịp đầy tuổi thì lại được tin chồng hy sinh trong chiến dịch Điện
Biên Phủ.
Bà Chi tưởng
mình không thể sống nổi. Bà bỏ cơm ngồi phệt giữa nhà khóc hờ không thành
tiếng. Ba đứa em chồng- thằng Thường, cái Đạo- đang tuổi ăn, tuổi lớn ngơ ngác.
Cái Lý và cái Thanh con bà thì suốt ngày khóc ngằn ngặt vì thiếu sữa. Ông bố
chồng thì lầm rầm không rõ là than vãn hay chửi rủa suốt ngày. Nhà hết gạo, mấy
cái nồi rỗng chỏng trơ trong gian bếp nguội lạnh.
Có lẽ khi bị
đẩy đến tận cùng nỗi thương đau, sự mất mát thì trong con người ta sẽ bật ra
một ý chí, một nghị lực mới mà nếu ở điều kiện bình thường sẽ không thể có
được. Bà Chi chùi nước mắt, thắt gọn lại hai chiếc khăn tang trên đầu. Bà cắt
đặt, chỉ bảo công việc cho hai đứa em chồng. Thằng Thường, con Đạo khi thấy chị
dâu bình tĩnh trở lại mới hoàn hồn. Theo lời chỉ bảo của chị, hai đứa cầm liềm
ra ruộng cắt rau muống gánh lên phố bán lấy tiền đong gạo.
Bà Chi tắm
rửa cho hai đứa trẻ, cho chúng bú. Đúng là cảnh em bú chị, cháu bú bà. Nhưng
nào còn bà mà cho cháu bú nữa. Cái Lý lớn lên, trong dòng máu của nó tuyệt
nhiên không có một giọt sữa nào mẹ mà chỉ có nguồn sữa của người chị dâu. Ăn
uống kham khổ, thiếu chất nên ít sữa, hai đứa trẻ không đủ no. Nhiều lúc thấy
cái Lý cứ khóc ngằn ngặt bà Chi lại vội kéo núm vú ra khỏi miệng con để cho em
bú.
Bà Chi cũng
không quên những lúc tản cư, chạy giặc, chiếc đòn gánh nghiến trèo trẹo trên
vai. Một bên quang gánh là con, một bên là em chồng. Nhiều bữa hết gạo, nồi cơm
vơi, bà nhịn ăn, nhường cho các em và con đủ no. Hoà bình lập lại, bố chồng
chết, các em đến tuổi đi học, đi làm. Bà Chi lo lắng cho các em học chữ, học
nghề. Chú Thường lấy vợ, bà đứng ra lo toan, mai mối. Hai vợ chồng chú ra ở
riêng, bà xẻ cho một phần thóc, một con trâu. Theo tiếng gọi của Đảng, Nhà
nước, chú Thường đưa vợ con lên Tây Bắc khai hoang, lập nghiệp. Cô Đạo học hết
cấp 3 xin đi làm công nhân. Cô làm việc ở một nhà máy cơ khí mãi bên Gia Lâm
rồi lấy chồng cùng xưởng. Cái Lý và cái Thanh cùng học một lớp. Bà Chi cố chắt
chiu nuôi hai đứa học hành đến nơi, đến chốn. Tính cái Lý hay đành hanh, cái gì
cũng giành phần hơn với cháu, công việc thì hay đùn đẩy. Bé Thanh thì tính tình
nhu mì, giống mẹ. Nó ít khi tranh giành với cô. Nó biết mẹ nhiều khi không công
bằng, hay thiên vị cô Lý nhưng không tị. Nó thương mẹ nghèo nên ít vòi vĩnh.
Vào năm học mới, bao giờ cô Lý cũng có quần áo mới, cặp sách mới. Bà Chi thương
em mồ côi cả cha lẫn mẹ, còn bé Thanh dù sao vẫn còn có mẹ.
Những lo
toan, gánh vác việc nhà chồng, bà Chi quên mất cả bản thân mình. Cũng có vài
người ướm lời, muốn cùng bà gá nghĩa, hàn duyên. Nhưng nhìn đàn em chồng côi
cút, bà lại không nỡ dứt áo mà đi bước nữa. Khi hai đứa em lớn đã thành gia
thất thì tóc bà đã nhiều sợi bạc. Một bữa bà đang cặm cụi nhổ cỏ ở ruộng cà
chua thì có tiếng xích xe đạp lạch xạch trên bờ ruộng:
- Cô Chi! Có
phải là cô Chi không?
Bà giật mình
ngẩng đầu lên. Một người đàn ông dừng xe đạp trên bờ. Bà chưa nhận ra ai, thì
người đàn ông ấy lại lên tiếng:
- Tôi là
Đồng, ở làng Vị Xuyên, người cùng với anh Luân trốn nhà theo bộ đội ngày ấy
đây!
- Ôi trời!
Anh Đồng...
Bà Chi buông
nắm cỏ, thả ống quần xuống, bước lên bờ. Bà đưa ông Đồng về nhà. Hai người nói
với nhau nhiều chuyện. Ông Đồng kể lại chuyện ông Luân trước lúc hy sinh còn
trăn trối dặn lại người bạn cùng quê nếu còn sống trở về nhớ chăm lo cho người
vợ trẻ của mình.
Chuyện bà
với ông Đồng ngày ấy suýt thành nếu không có mấy đứa em chồng làm mặt nặng mày
nhẹ cản phá.
Bà Chi còn
nhớ ở căn nhà năm gian này chị em, mẹ con bao bận gian lao, đói no vất vả.
Nhưng cũng có những niềm vui xẻ chia, đùm bọc. Chiến tranh phá hoại xảy ra,
ngôi nhà này thành nơi các chiến sĩ phòng không đóng quân. Mỗi lần từ nơi sơ
tán trở về mua gạo, muối, thực phẩm bà lại giúp các chiến sĩ thổi cơm, vá áo.
Mái nhà ngày xưa lợp lá cọ. Mất nhiều năm bà chắt chiu gom góp, mua từng viên
ngói, thay từng cái đòn tay lợp lại. Mái ngói rồi cũng xỉn dần cùng năm tháng.
Ngôi nhà như trống trải, rộng dần ra khi đứa em út và con gái rời nhà đi học.
Là gia đình liệt sĩ, trên giành cho một chỉ tiêu đi học ở Liên Xô. Bà suy nghĩ
đắn đo rồi quyết định để cho em Lý được đi nước ngoài học. Mặc dù kết quả học
tập của nó kém thua cái Thanh. Nhìn nét mặt thoáng buồn của đứa con gái quen
cam chịu thiệt thòi, bà thấy thương nó quá.
*
Chuyện tưởng
vừa mới hôm qua thế mà cũng đã mấy chục năm. Mái tóc bà Chi giờ bạc trắng. Chỉ
có ngôi nhà gỗ năm gian mái vẫn màu xỉn như xưa dù đã bao lần bà phải thay rui
mè, đảo ngói.
Ngôi nhà của
bà bây giờ lọt thỏm giữa những vi-la, những khối hộp của nhà cao tầng. Một đại
lộ mở ngay trước cửa nhà bà. Cái xóm ngoại ô dần dần chuyển lên thành phố xá.
Đầu tiên là những bụi tre của ngàn đời biến mất. Rồi mất dần những ao cá, ruộng
rau. Người ta cũng dần thôi mặc áo nâu, áo gụ nhuộm bùn. Những ngôi nhà truyền
thống xưa thay bằng kiểu nhà ống hun hút như hang động. Điện đóm sáng choang.
Tiếng nhạc rền rĩ như động đất. Ếch nhái, chim cò mất vía, biệt tăm.
Xóm bà nay
gọi là phường lại gần trung tâm văn hóa thể thao và khu đô thị mới nên đất hóa
thành vàng. Nhà nào cũng lấp ao, xẻ vườn bán bớt lấy tiền xây dựng, mua sắm
tiện nghi sinh hoạt hiện đại, ăn chơi xả láng. Ngôi nhà năm gian với mảnh sân
nhỏ tuy chỉ độ năm sáu chục mét vuông nằm ở vị trí đắc địa nên nhiều người nhòm
ngó. Nhiều công ty, doanh nghiệp tìm đến gạ gẫm, mua bán, đổi chác để xây văn
phòng nhưng bà chỉ lắc đầu. Bà không thể rời bỏ được nơi thờ phụng tổ tiên nhà
chồng, nơi đặt di ảnh ảnh thờ chồng bà. Nơi các em, con và các cháu bà đi về
sum họp.
Nhưng tiền
và vàng bao giờ cũng có sức hút kỳ lạ. Đầu tiên là cô em út chồng trở về. Cô Lý
bây giờ là một tiến sĩ khoa học, cán bộ đầu ngành của một bộ lớn. Con cái cô
cũng đã trưởng thành. Vợ chồng cô được Nhà nước phân một căn hộ loại sang ở
trung tâm thành phố. Cô Lý về bàn với chị dâu bán nhà lấy tiền chia nhau nhưng
bà không đồng ý. Bà bảo:
- Nhà này là
nơi thờ tự ông bà, bố mẹ, anh Luân... bán là bán thế nào?
- Thì bán đi
lấy tiền ra vùng ven mua đất làm một cái nhà to, đặt bàn thờ các cụ càng mát
mặt.- Không thể làm thế được! Bà Chi dứt khoát. Cô Lý đùng đùng bỏ đi. Mấy ngày
sau, ông Thường từ Tây Bắc xa xôi cũng tàu xe lặn lội trở về, cô Đạo từ Gia Lâm
kéo sang. Họ đã nhận được điện khẩn của cô Lý. Họ họp gia đình ngay dưới bàn
thờ của ông bà, bố mẹ và anh cả để bàn việc bán nhà, chia tiền. Bà Chi giận tím
mặt nhìn mấy đứa em chồng ồn ào tính toán về những cây, những chỉ, những
đô-la... Những ánh mắt sáng rực lên khi biết thời giá đất khu vực này những hai
lăm triệu một mét vuông. Ông Thường dùng gang tay đo thử một gian thềm nhà. Ông
há hốc mồm thốt lên kinh ngạc: "Trời ơi! Chỉ bằng một chiếc chiếu đơn thế
này mà tính ra tiền những hơn năm mươi triệu, chả hoá bằng cả toàn bộ cái cơ
nghiệp mấy chục năm tôi gây dựng trên Tây Bắc ư!”. Cô Đạo vốn cũng đã biết giá
cả đất đai ở Hà Nội nhưng cũng thấy ngốt cả người khi nhẩm tính sơ sơ căn nhà
nhỏ thế này mà giá đến mấy tỷ đồng. Sau khi tính toán, thì thào to nhỏ với hai
em, ông Thường ngập ngừng lên tiếng trước:
- Thôi thế
này chị ạ! Chị em mình bán căn nhà này đi, san xẻ cho nhau mỗi người một ít, đỡ
khó khăn...
- Đúng đấy
chị ạ!- Cô Đạo phụ họa:- Bác Thường mãi trên rừng núi xa xôi khó khăn, chúng em
thì ở nhà tập thể chật chội, các cháu đều đã lớn, ăn ở càng khó. Chị thì chỉ có
một mình, cháu Thanh thì theo đằng nhà chồng, chị thương chúng em...
Bà Chi nhìn
các em lắc đầu:
- Tôi đã nói
rồi nhà này khi tôi còn sống thì không bán mua gì hết, các cô chú đừng bàn bạc
gì nữa mà mất thời gian.
Đến nước này
thì cô Lý không còn giữ được bình tĩnh nữa. Cô bật dậy nói vẻ dứt khoát:
- Thế ra chị
định chiếm toàn bộ tài sản bố mẹ chúng tôi để lại chứ gì? Mà tôi nói cho chị
biết, chị cũng chỉ là dâu của nhà này thôi. Chị không có quyền hành gì cả!
- Tôi...
tôi…- Bà Chi chưa nghĩ ra được lời đối đáp thoả đáng với các em chồng thì cô Lý
đã gào lên:
- Chị đừng hòng mà chiếm nổi căn nhà này nhé! Theo luật thừa kế thì giỏi lắm chị cũng chỉ được một phần tư. Mà phần ấy danh nghĩa cũng chính là phần của anh cả chúng tôi đã hy sinh...
- Chị đừng hòng mà chiếm nổi căn nhà này nhé! Theo luật thừa kế thì giỏi lắm chị cũng chỉ được một phần tư. Mà phần ấy danh nghĩa cũng chính là phần của anh cả chúng tôi đã hy sinh...
Nói đến luật
thì bà Chi càng lúng túng. Bà chả hiểu tý gì về những điều bờ, phần vờ, điểm gờ
trong cái luật thừa kế nào đó nó là thế nào. Bà chỉ giữ một lý lẽ dễ hiểu là
nhà của ông cha, đặt bàn thờ gia tiên thì không thể xẻ chia, bổ bán. Bà dứt
khoát bảo vệ cái lý lẽ ấy của mình. Bà không tranh cãi lằng nhằng với nhưng
người em chồng nữa. Chuyện tưởng đến thế là thôi. Nhưng khi có giấy triệu tập
của toà án quận, bà Chi mới thấy hoảng hốt thực sự. Không phải bà sợ mất đất,
mất nhà, mà sợ là đã làm gì sai pháp luật. Cả đời bà chăm chỉ, làm lụng nuôi
em, nuôi con, chẳng bao giờ dám cãi lại ai, giờ phải ra trước toà thì còn ra
làm sao nữa.
Những đứa em
chồng bà đã phải nhờ đến pháp luật để đòi phần thừa kế. Tại toà án cấp quận
nguyên đơn và luật sư bên nguyên dùng luật thừa kế để đòi nhà. Nhưng luật sư
bên bị lại dùng luật đất đai để bảo vệ quyền sở hữu thổ cư có sổ đỏ cho bà, một
người vợ liệt sĩ. Họ tranh cãi khá căng thẳng, lý lẽ cứ chan chát khiến bà ù cả
tai. Trong thâm tâm ông chánh toà và những người làm chứng cùng đại diện chính
quyền cũng ủng hộ quyền sở hữu nhà đất của bà Chi. Cuối cùng, nhờ sự mâu thuẫn,
phân lập, thiếu quan hệ biện chứng giữa hai đạo luật kể trên mà ông chủ toạ mới
tuyên được: "Tòa công nhận quyền sở hữu hợp pháp của bà Chi đối với ngôi
nhà hiện tại!”.
Mọi người dự phiên toà hôm ấy ai cùng bất
bình với vẻ trơ chẽn và vô ơn của mấy người em chồng bà Chi. Khi nghe tòa tuyên
án tất cả mọi người đều hả dạ. Tiếng vỗ tay rầm rầm tán đồng.
Song, chuyện
không dừng ở đó. Dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của tiến sĩ Lý, mấy người em chồng bà
Chi kháng án, đâm đơn lên toà phúc thẩm. Ở toà phúc thẩm tình hình lại khác. Vợ
chồng tiến sĩ Lý vốn là người quan hệ rộng, có ảnh hưởng nhất định đối với
nhiều người. Toà phúc thẩm bác bỏ bản án sơ thẩm, xử lại rồi phán quyết chia tư
ngôi nhà. Bà Chi bây giờ chỉ còn một phần ngôi nhà, hơn chục mét vuông. Ba đứa
em chồng mỗi người một phần ngôi nhà. Họ nhận ba phần liền nhau phía hai mặt
đường. Đúng thời gian quy định tại luật, bản án được thi hành. Một bức tường
xây thẳng từ ngoài đường, đâm xuyên qua ngôi nhà. Ba đứa em chồng nhanh chóng
phá dỡ phần nhà của mình, giải phóng mặt bằng, bán hơn năm mươi mét vuông đất
cho một công ty liên doanh lấy tiền chia nhau. Xong việc, ông Thường đeo khư
khư bọc tiền trước bụng ra ga để ngược lên Tây Bắc. Cô Đạo ôm chặt cái túi lập
cập leo lên xe máy của thằng con sang Gia Lâm. Tiến sĩ Lý xách chiếc cặp căng
phồng gọi tắc-xi về trung tâm thành phố.
Bà Chi gỡ
những tấm ảnh thờ chuyển về phần nhà của mình để cho cánh thợ xây lấp kín bức
tường. Khi bà đang dùng tấm khăn bông ướt lau các khung ảnh thì thằng cháu
ngoại phóng xe máy đến. Nó giúp bà treo ba tấm ảnh lên, kê một chiếc hòm khiên
để làm bàn thờ. Đoạn nó trèo qua bức tường đang xây dở sang bên kia tìm mấy cái
bát nhang cánh thợ xây bỏ lăn lóc ở góc sân đem về cho bà ngoại cắm hương.
Đặt đĩa cam,
quýt vừa hái vỏ còn xanh rờn lên cái bàn thờ thằng cháu vừa làm, bà Chi châm ba
nén hương. Mùi hương nhang thơm dìu dịu, khiến lòng bà nguôi nguôi. Bà Chi chợt
giật mình nhìn tấm ảnh của chồng. Ảnh ông chụp khi mười tám tuổi. Thành thử ông
cứ trẻ mãi với thời gian. Hình như ông đang khóc. Có vệt nước chảy ra từ hai
khoé mắt. Bà lập cập rút tấm khăn khô lau lau bức ảnh. Những vệt nước sạch hẳn.
Ông lại như đang cười với bà. Bà như còn nghe tiếng ông vừa mới dặn dò: "Mình
ở nhà chăm sóc bố mẹ, lo cho các em, kháng chiến thành công tôi sẽ trở
về...".
Hà Nội, mùa Đông 2004
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại- ngày 16/9/2015
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hà Nội ngày 04/06/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét