Home
» Tiểu thuyết - Truyện dài
» Những mảnh vỡ ký ức – Tiểu thuyết Võ Anh Cương 7 (Thành phố Đà Lạt)
Những mảnh vỡ ký ức – Tiểu thuyết Võ Anh Cương 7 (Thành phố Đà Lạt)
Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016
Mùa thu
trời se lạnh. Buổi sáng sương mù dày đặc phủ lên vạn vật một màu sữa đục. Ở
dưới lòng những thung lũng, giờ này không thể phân biệt được những rò (luống)
khoai tây, tần ô hay bắp sú, còn trên đường, sương mù tuy có mỏng hơn nhưng
không vì thế mà người ta có thể nhìn rõ được cảnh vật ngoài ba mét. Gió nhẹ
thổi, sương mù có dạt ra một chút nhưng lại chỉ một lát sau thôi, đâu lại vào
đấy. Thỉnh thoảng, trên đỉnh một quả đồi, một cây thông hiện ra ngạo nghễ. Trên
ấy sương mù không vươn tới, trong thinh lặng, một tiếng chim non kêu chíp chíp
như chào ngày mới bắt đầu.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet) Tác giả Võ Anh Cương
Họ tên thật Nguyễn Hữu Cương
Bút danh khác Văn H. Cương
Địa chỉ: Nhà thuốc tây Đa Thành, 33 Nguyễn Siêu Phường 7, thành phố Đà Lạt.
Điện thoại: 0982.582.298
Email: voanhcuongdalat@gmail.com - voanhcuongdalat@yahoo.com
_____
Võ Anh Cương
NHỮNG MẢNH VỠ KÝ ỨC
Tiểu
thuyết Võ Anh Cương
CHƯƠNG VII
Mùa thu trời se lạnh. Buổi sáng sương mù dày
đặc phủ lên vạn vật một màu sữa đục. Ở dưới lòng những thung lũng, giờ này
không thể phân biệt được những rò (luống) khoai tây, tần ô hay bắp sú, còn trên
đường, sương mù tuy có mỏng hơn nhưng không vì thế mà người ta có thể nhìn rõ
được cảnh vật ngoài ba mét. Gió nhẹ thổi, sương mù có dạt ra một chút nhưng lại
chỉ một lát sau thôi, đâu lại vào đấy. Thỉnh thoảng, trên đỉnh một quả đồi, một
cây thông hiện ra ngạo nghễ. Trên ấy sương mù không vươn tới, trong thinh lặng,
một tiếng chim non kêu chíp chíp như chào ngày mới bắt đầu.
Đoàn
người không hiểu từ lúc nào đã tụ tập về khu chợ Đà Lạt ngày một đông. Không
biết ai đã thúc giục họ thức dậy sớm trong cái lạnh mùa thu để tụ tập về đây.
Trên tay họ là những thứ vũ khí thô sơ nhưng gần gũi với cuộc sống của những
người lao động. Anh thanh niên có khuôn mặt
đầy râu chưa cạo tay giơ cao chiếc nĩa làm vườn. Bên cạnh anh, một người
đàn ông đứng tuổi tay thủ một lưỡi gươm trong chiếc bao da trông cũ kỹ nhưng
gương mặt ông lộ ra vẻ tự tin cùng với đôi tay gân guốc đang nắm chặt cán gươm.
Một chị phụ nữ tay cầm con dao thái rau heo đang hăm hở cùng đoàn người đang
leo dốc, chị cố vượt lên phía trước để nhìn mấy anh tự vệ mặc đồng phục đang
đứng trước chợ, tay lăm lăm mã tấu, một quả lựu đạn đeo bên hông như cổ vũ mọi
người tiến lên, không biết trong đội tự vệ đó có con của chị chăng? Lá cờ đỏ
sao vàng phần phật bay trong gió sớm như thôi thúc đám đông tiến lên. Trong đám
đông hừng hực khí thế đó, ai đó bỗng hô to:
-
Đả đảo đế quốc chủ nghĩa!
Đám
đông lập lại:
-
Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!
Một
rừng cánh tay giơ lên, một rừng vũ khí thô sơ cùng vung lên theo tiếng hô một
cách nhịp nhàng như đã được diễn tập từ trước. Cảnh trí hùng tráng quá, nó lay
động mọi con tim, nó hướng tâm hồn mọi người cùng hướng về phía trước. Không
biết bằng một mệnh lệnh bí mật nào, đoàn người với gậy gộc dáo mác rùng rùng
kéo về dinh Tỉnh trưởng. Đó là một toà nhà hai tầng ngạo nghễ trên một triền
đồi. Mấy tên lính lệ mặc đồ vàng lăm lăm khẩu súng trường trong tay mắt la mày
lét khi phát hiện đoàn người cướp chính quyền ùn ùn kéo về dinh mỗi lúc một
đông. Chúng co cụm lại và rút vào trong dinh khi nghe âm thanh ầm ầm của cả vạn
người cùng hét vang:
-
Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim!
Đám
đông lập lại vang dội như sấm:
-
Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!
-
Mặt trận Việt Minh muôn năm!
-
Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!
Cánh
cửa dinh bật ra, một tên lính lệ khép nép nói:
-
Ngài tỉnh trưởng xin được giao ấn tín và sổ sách!
Một
nhóm bảy người, có lẽ là những người tổ chức khởi nghĩa cướp chính quyền đi vào
trong dinh, trước và sau họ là những cận vệ tay lăm lăm súng lục, mắt nhìn bao
quát bốn phương.
Đó
là một ngày lịch sử không thể nào quên của nhân dân Đà Lạt, ngày hai mươi ba
tháng tám năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm, ngày chính quyền về tay nhân
dân.
Trương
Thái đi theo đoàn người cướp chính quyền trong buổi sáng mùa thu năm Ất Dậu với
một cái xà gạc đã theo anh nhiều năm qua. Bây giờ cái tay cầm của chiếc xà gạc
đã lên nước đen bóng, nhưng lưỡi thép vẫn tỏa ra một màu xanh xanh như thể sẳn
sàng chiến đấu với chủ nhân. Nhưng Trương Thái không có dịp sử dụng vũ khí này,
đơn giản vì trước khí thế của hàng vạn người, những tên nô bộc cho bọn quân
phiệt Nhật đã đầu hàng. Trương Thái hiểu rằng, trong lúc này không có một ai,
không có một lực lượng nào có thể cản trở được bước tiến của người Đà Lạt. Hình
như toàn thể người dân Đà Lạt đã xuống đường sáng nay. Trương Thái thấy mấy bác
ở ấp Cao Bá Quát tay cầm nỉa giơ lên trời một cách hăng hái khi ai đó hô to
khẩu hiệu “đả đảo” hay “hoan hô”. Bên cạnh những người làm vườn, đó là những
người đồng nghiệp ở ấp Hà Đông và Nghệ Tĩnh, họ là những người tiên phong cho
nghề làm rau “lê ghim” đang phát triển.
Sáng
hôm nay Trương Thái thấy trong lòng mình rộn ràng, cảm xúc này từ trước đến giờ
anh chưa từng trải qua. Anh hít căng vào lồng ngực vạm vỡ của mình một làn
không khí trong veo của buổi sáng mùa thu. Làn không khí trong lành quá, nó
chạy rần rật trong thân thể khôi vĩ của Trương Thái, thấm tận buồng gan lá phổi
của anh và lạ lùng làm sao, anh cảm thấy ngất ngây với thứ không khí thấm đẫm
mùi nhựa thông trong cánh rừng trước dinh tỉnh trưởng Ưng An. Không, bây giờ
ông ta không còn là tỉnh trưởng nữa rồi, Trương Thái nhủ thầm như vậy. Sắp tới
chính quyền cách mệnh gọi là gì Trương Thái không biết, nhưng anh cảm giác rõ
ràng là có một sự thay đổi một cách tận cùng, không còn những cái cũ kỹ tàn dư
ngự trị trong thành phố. Đó là sự linh cảm và cũng là nỗi khát khao tự do trong
tâm hồn Trương Thái. Phải rồi, cảm xúc khi nghe hàng vạn tiếng hô “đả đảo” cùng
phát ra xuất hiện trong lòng Trương Thái đó chính là tự do, tự do cho anh, tự
do cho người con Đà Lạt.
Ngày
hôm qua có một người đàn ông vào ấp Hà Đông, lúc đó Trương Thái vào thăm ông
Bồng, một người bạn già của ông Ba Phong, gặp ai ông cũng niềm nở chào hỏi như
thể thân quen đã lâu, ông nói:
-
Đã đến lúc chúng ta vùng lên lật đổ chính quyền thực dân quân phiệt. Ngày mai
“đoàn thể” tổ chức khởi nghĩa, bà con ta cùng tập trung ở chợ, chúng ta cướp
chính quyền về tay nhân dân. Ai có nỉa mang theo nỉa, ai có dao mang dao, có
súng mang súng…Bà con ơi thời cơ đã đến rồi, nhất định ta sẽ làm chủ vận mệnh
mình!
Về
đến nhà Trương Thái bấm ngay một quẻ Mai
Hoa Dịch số. Môn này anh học được từ người anh mất tích Trương Đại Quá, anh
chiêm được quẻ Trạch Hoả Cách. Cách có nghĩa là cải cách trong từ Cách Mệnh, là
thay đổi mạnh mẽ, thay cũ đổi mới. Lời tượng của quẻ này nói rằng: giữa đầm có
lửa là quẻ Cách, là thay đổi do nước và lửa tranh đấu nhau như cũ với mới.
Một
niềm tin mãnh liệt xuất hiện trong lòng Trương Thái, anh mơ hồ cảm nhận rằng
đây không chỉ là thời cơ của đất nước, của người Đà Lạt, mà còn cả của bản thân
anh. Nhưng anh cũng cảm nhận rằng, sự đổi mới, sự canh cải còn phải trải qua
nhiều gian lao vất vả, cái cũ không dễ chịu thua ngay, nhưng cái mới qua bao
truân chuyên tất phải thắng. Đó là nghĩa của quẻ Cách, vì vậy trong đời của mỗi
người không bao giờ khỏi cải cách cả.
Sáng
nay anh theo dòng người đi cướp chính quyền, niềm tin vào quẻ Cách còn hằn
trong trái tim Trương Thái. Đúng lúc Trương Thái hít một hơi thanh khí cũng
chính là lúc ông Tỉnh trưởng hoàng thân Ưng An dâng ấn tín và sổ sách cho Ủy
ban khởi nghĩa. Điều này ngay lúc ấy Trương Thái không biết, anh chỉ hỏi giờ
một người trong đoàn cướp chính quyền như thể ghi nhớ thời khắc thiêng liêng
đó, phải nhiều năm sau anh mới biết rằng mình đã cảm nhận được vận mệnh của
toàn dân tộc trong giờ phút mở ra một kỹ nguyên mới cho những người con nước
Việt. Lúc ấy là chín giờ kém năm phút ngày hai mươi ba tháng tám năm một ngàn
chín trăm bốn mươi lăm.
Một
giờ khắc lịch sử trong một ngày lịch sử!
Không
chỉ với con dân Đà Lạt, giờ khắc ấy cũng vận vào Trương Thái.
Đang
say sưa với không khí hừng hực của đoàn người chiến thắng, Trương Thái giật mình
khi ai đập vai anh. Anh quay lại, đó là một người thanh niên ra dáng thư sinh
với chiếc quần sọt và cái áo sơ mi túi có nắp màu ghi nhạt. Anh thanh niên cười
thật tươi và nói:
-
Chào thầy Trương, thầy nhớ tôi không?
Nhìn
dáng vẻ của người thanh niên, Trương Thái biết anh ta thuộc lực lượng tự vệ
trong buổi cướp chính quyền này. Trương Thái nói:
-
Cậu có chuyện chi, tôi thấy cậu quen quen, nhưng không nhớ gặp ở đâu?
Người
thanh niên kéo tay Trương Thái ra khỏi dòng người, vừa đi anh ta vừa nói:
-
Thầy đã một lần cứu mạng tôi, chuyện dài lắm, hôm nay ta đã cướp được chính
quyền ai cũng mừng vui hết. Tôi là một đội viên tự vệ tôi muốn gặp riêng thầy
có chút chuyện, thầy theo tôi.
Hai
người len lỏi qua ra khỏi đám đông đi về phía chợ ở Khu Marché (Khu Hòa Bình ngày nay), họ đi xuống một con dốc và vô
một căn nhà nhỏ ở đường Cầu Quẹo (nay là đướng Phan Đình Phùng). Khi cánh cửa
đã được đóng lại, người thanh niên mời Trương Thái ngồi xuống một bộ phản màu
đen bóng đặt sát góc nhà. Anh thanh niên nói:
-
Tôi xin giới thiệu với thầy, tôi là Nghiêm Phong, tôi đã chịu ơn thầy cứu một
lần cách đây mấy năm, thầy nhớ chứ?
Trương
Thái nhìn Nghiêm Phong. Anh vụt nhớ lại một buổi tối, anh sắp đi ngủ thì có
tiếng gõ cửa. Trương Thái mở cửa, ông Tư Bổn là người anh kết nghĩa và cũng là
đồng nghiệp của Trương Thái dẫn một người lạ bước vào. Không chịu ngồi xuống
phản, ông Tư Bổn nói:
-
Đây là ông Hai, ông Hai có một người cháu bị thương nặng, anh nhờ cậu giúp cứu
người ta được không?
Trương
Thái sửng sốt:
-
Bị thương, sao không đem vô nhà thương?
-
Bây giờ cậu trả lời anh, cậu có giúp không thôi, ngoài ra cậu không nên hỏi
nhiều làm gì? Cậu Thái, anh biết cậu có nghề y, có bí phương gia truyền, cậu
không mở phòng mạch nhưng anh biết cậu thấy người bị nạn thế nào cũng cứu, đúng
không?
-
Anh Tư, anh chờ em một chút, em chuẩn bị mấy thứ dược liệu, anh nói đúng đó,
thầy cũng dạy em như anh nói vậy.
Trương
Thái đi theo người đàn ông, ông ta đèo Thái bằng một chiếc xe đạp cũ hiệu Pờ rô
và chạy về phía Xuân An. Người bị thương là một người thanh niên mặt tái mét
với chân phải đang loang máu, tuy đã được ai đó băng bó tạm bằng một mảnh vải
xé ra từ chiếc áo. Trương Thái xem vết thương, anh biết vết thương này do một
vật nhọn, dường như là bị đạn bắn, máu ra nhiều không cầm máu kịp thời sẽ nguy
đến tính mạng. Anh lau rửa vết thương bằng thuốc sát trùng, một loại alcol của tây y và lấy thuốc cầm máu rịt
vào. Đây là bí phương mà thầy anh truyền lại, quả nhiên chỉ cần một ít thứ
thuốc bột màu nâu, máu không ra nữa…
Nhớ
lại buổi tối đó, Trương Thái hỏi:
-
Hoá ra người bị thương hôm đó là anh?
-
Nếu không có thầy cứu mạng đêm hôm đó, chắc tôi đã chết rồi, tôi chịu ơn thầy
nhiều lắm. Nhưng hôm nay tôi gặp thầy không phải để tìm cách trả ơn cứu mạng
đâu, chuyện đó tôi ghi khắc trong lòng mình và nhớ ơn thầy mãi mãi. Còn chuyện
ngày hôm nay lại khác, đó là chuyện vận mệnh của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Thầy thấy đó, thầy tham gia cướp chính quyền do mặt trận Việt Minh kêu gọi,
nhưng thế và lực của cách mệnh còn đang non trẻ. Địch nhất định không chịu thúc
thủ, nhất là thực dân Pháp không dễ dàng từ bỏ một đất nước mà chúng đô hộ hàng
trăm năm. Vì vậy tôi thay mặt tổ chức kêu gọi thầy tham gia hoạt động, giúp đỡ
cho cách mệnh…
Trương
Thái hỏi:
-
Tôi phải làm gì, tôi sẳn sàng làm tất cả những gì có lợi cho dân cho nước, anh
cứ giao việc đi!
Nghiêm
Phong nghiêm nghị nó:
-
Công việc của ta thì rất nhiều, trước mắt thầy vẫn tiếp tục làm công việc cũ,
khi nào cần sẽ có người tới truyền đạt cho thầy công việc phải làm. Thầy nhớ
cho, khi nào có người hỏi: “Thầy ơi, bán cho tôi thuốc Dưỡng Thần đan”, thầy
trả lời: “25 đồng một thang”, người đó sẽ nói: “tôi chỉ có 23 đồng thôi”, đó là
người của tổ chức giao việc cho thầy, thầy theo đó mà hành động. Vì vậy, ngoài
giờ làm bếp ở khách sạn Palace, thầy phải mở một tiệm thuốc ngoài giờ để làm
điểm liên lạc, tiệm thuốc ghi tên bảng hiệu là Nhà thuốc Nam gia truyền. Đấy,
thầy giúp đỡ chúng tôi những việc trong tầm tay của thầy, thấy thấy sao?
Trương
Thái giơ tay lên:
-
Tôi sẽ ráng hết sức mình!
Khi
đi về nhà, Trương Thái còn lâng lâng trong cảm xúc sáng nay. Quả thật đời anh
đang đi vào một ngã rẽ, anh biết rằng giờ đây cuộc đời của anh sẽ không còn
bình lặng như trước nữa. Không riêng gì Trương Thái, toàn thể dân tộc Việt Nam
đã đổi đời.
Sáng
hôm sau Trương Thái định đi làm như thường lệ. Mới ra khỏi nhà anh gặp ông Tư
Bổn. Gặp anh ông Tư Bổn hỏi liền:
-
Cậu định đi làm à, cậu biết tin gì chưa?
Trương
Thái hỏi:
-
Tin gì vậy anh Tư?
Ông
Tư thấp giọng:
-
Bọn Nhật lùn đòi gặp đại diện của uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời, bên ta cử
ông Trương Văn Hoàn, uỷ viên ngoại giao dẫn đầu đi gặp bọn Nhật, sao tôi thấy
nóng lòng quá cậu?
Trương
Thái ngạc nhiên hỏi lại:
-
Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời là gì hả anh?
-
Đó là chính quyền lâm thời của ta gồm bảy người do ông Phan Đức Huy làm chủ
tịch, các uỷ viên còn lại là ông Đinh Quế, Phạm Khắc Quán, Trương Văn Hoàn,
Nghiêm Nghị, Ngô Huy Diễn và ông Tou Tian Đôn.
Nhật
đã bắt đầu hành động, Trương Thái nhủ thầm như vậy. Anh lo lắng hỏi:
-
Họ đi lúc nào vậy anh?
-
Lúc nãy, gần tám giờ sáng.
Trương
Thái giơ tay bấm quẻ, mặt anh cau lại. Một lúc sau anh nói:
-
Không sao đâu anh, các ông ấy sẽ không gặp nguy hiểm đâu, chắc bọn lùn sẽ giữ
các ông ấy mấy ngày, hôm nay anh có đi làm không?
-
Thời thế như vầy chắc để coi sao đã cậu.
Thái
nói:
-
Em cũng tính vậy, không biết rồi ra sao nữa?
Thái
chào ông Tư, anh leo lên chiếc xe đạp chạy về số Sáu. Nhà ông Ba Phong ở ấp Cao
Bá Quát. Gặp Thái ông Ba mừng lắm:
-
Hôm qua cháu có đi cướp chính quyền không?
Thái
cười:
-
Sao lại không bác, con tham gia vô dòng ngưởi kéo lên dinh tỉnh trưởng. Từ nay
mình có chính quyền trong tay rồi con vui quá, bác!
Thái
kể cho ông Ba nghe chuyện Nghiêm Phong giao nhiệm vụ giúp đỡ cách mệnh cho anh.
Anh nói:
-
Bây giờ mình làm cho cách mệnh, con nghĩ phải ráng hết sức để làm miễn sao đem
lại lợi ích cho đàng mình là được.
-
Cháu nói phải lắm, bác sống tới chừng này tuổi mới thấy người mình làm chủ đất
này. Trước đây thời Tây nó coi mình như thằng cu ly, khinh khi nhục lắm. Qua thời Nhật, tuy thời gian ngắn nhưng
tụi này quân phiệt lắm, cái bản chất của chúng cũng không khác gì thằng Tây đâu
cháu ạ! Nhưng mà này, cháu kể với bác chuyện làm công tác cho cách mệnh thì
được chứ đừng có nói rộng ra đến tai bọn Việt gian thì không hay đâu?
Thái cười:
-
Con chỉ nói với bác thôi, bác như cha chú trong nhà có chuyện gì thì con phải
thưa chớ!
Ông
Ba Phong ra vẻ hài lòng:
-
Bay biết như vậy là tốt, nhân đây bác muốn bàn với cháu chuyện này?
-
Chuyện gì hả bác?
Ông
Ba Phong trầm ngâm, ông pha thêm một tuần trà nữa, uống xong hớp nước ông mới
bắt đầu câu chuyện:
-
Lâu nay bác thấy mệt mỏi nhiều, nhiều khi buổi sáng không muốn ra khỏi giường
vì cái chân nó nhức quá. Bác biết bác đã lớn tuổi, không còn khỏe như xưa, con
cái thì không có…
Thái
ngồi im nghe ông Ba Phong nói. Anh ân hận vì trong thời gian qua mình ít quan
tâm đến sức khỏe của ông già. Hàng tháng Thái tự tay ra tiệm thuốc bắc hiệu Con
Cua bổ cho ông Ba mấy thang thuốc, rồi anh còn ngâm cho ông già thứ rượu Minh
Mạng thang để ông già tẩm bổ. Thứ thang Minh Mạng này rất hợp với người thận
yếu như ông Ba, trong bữa ăn uống một chén nhỏ là rất tốt cho sức khỏe. Nghĩ
vậy Thái nói:
-
Lâu nay bác có sắc thuốc uống đều chớ, còn hủ rượu con thấy cũng mới lưng có
một ít, bác có nhớ uống một chén nhỏ trong bữa ăn không?
Ông
Ba cảm động:
-
Cám ơn cháu, bác vẫn uống đều, nhưng cháu ơi, tuổi già nó đến thì cơ thể con
người sinh ra bệnh, cái đó bác chịu được. Vả lại cháu đã xem mạch bốc thuốc cho
bác, nhưng cái chính là hàng ngày đi ra đi vô lủi thủi có một mình bác buồn
lắm!
Tiếng
ông Ba nói như than khiến Thái chột dạ. Từ ngày theo ông Ba về sống với cộng
đồng Thái mới võ lẽ ra rằng con người ta cần có xã hội mới phát triển được. Ông
Ba đã dạy cho Thái từng chút một, vậy mà phải mất cả năm trời Thái mới hòa nhập
được với đời sống. Làm vườn với ông Ba được chừng hai năm, Thái quen với ông Tư
Bổn một cách tình cờ. Hôm đó Thái đi chơi ở thác Cam Ly, mải mê với cảnh đẹp
Thái đi dần xuống hạ lưu. Ở dưới nhìn lên dòng thác hùng vĩ chảy qua từng gộp
đá, tung nước trắng xóa và phát ra những âm thanh rộn rã. Đúng lúc anh sắp bước
qua chiếc cầu để qua bên kia suối, anh thấy một người đàn ông đang nằm dưới
đất, ông ấy cất tiếng rên khe khẽ khi nhướng mắt thấy anh. Ngạc nhiên Thái vội
đi đến người đàn ông hỏi:
-
Chú ơi, chú bị làm sao vậy?
Người
lạ mặt không trả lời. Là một người hiểu y lý, Thái vội bắt mạch cho ông ta. Thì
ra ông này bị trúng phong, phải cấp cứu gấp không thì nguy. Thái móc từ trong
túi ra một cái ống tre nhỏ đựng mười mũi kim bằng bạc, “đồ nghề” của Thái. Thái
chọn một mũi châm và bắt đầu chích lể cho người đàn ông. Đây là cách thông kinh
mạch cực kỳ hiệu quả đối với bệnh trúng phong, với những huyệt được châm, áp
lực trong từng kinh lạc được giảm nhanh chóng. Thái không nặn máu ra chỗ châm
như những ông lang vườn, anh cẩn thận chọn đúng huyệt và châm sâu độ chừng một
phần mười lóng tay, sau đó anh dùng loại cao cất trong túi ra thoa vào những
chỗ vừa châm, thứ dầu cao này lúc nào anh cũng mang trong mình phòng khi hữu
sự. Một lúc sau người đàn ông mở mắt, ông ta thều thào:
-
Cám ơn cậu đã cứu tôi!
Thái
nói:
-
Không có gì đâu chú, chú bị trúng gió để cháu đưa chú về nhà, nấu một tô cháo
hành tiêu ăn vào sẽ vã mồ hôi ra và hết bệnh ngay.
Trương
Thái dìu người đàn ông ra xe đạp và chở ông ta về nhà. Nhà người đàn ông ở khu
Saint Jean không xa mấy, chỉ chừng mười phút sau là đến nhà. Vợ ông Tư Bổn –
tên người đàn ông từ trong nhà chạy ra khi thấy Thái, bà hớt hải:
-
Ông bị làm sao thế?
Thái
trả lới:
-
Cô đừng lo, chú bị trúng gió may mà gặp cháu, cháu đã chích lể cho chú rồi, bây
giờ cô đưa chú vào nhà nấu cho chú một bát cháo hành tiêu cho chú ăn là hết
bệnh thôi mà!
Người
đàn bà vừa dìu ông Tư Bổn vào nhà vừa trả lời Thái:
-
Cám ơn cậu, phước đức ông nhà tôi lớn nên mới gặp cậu, mời cậu vào nhà.
Đó
là một ngôi nhà ván thông mái lợp tôn như bao nhiêu nhà chung quanh. Ngôi nhà
tọa lạc trong một khu vườn cũng không rộng lắm. Sân trước chủ nhà trồng hoa.
Những bụi hoa hồng đang ra hoa, bông hoa hàm tiếu với màu hồng, màu vàng, màu
trắng đang khoe sắc trong nắng vàng màu mật. Ngoài hàng rào chủ nhà trồng hoa
giấy, có lẽ loại hoa này trồng cũng khá lâu nên bụi hoa mọc kín cả hàng rào.
Bên hông nhà là những luống rau, nào là cải, xà lách, rau mùi…toàn những thứ
rau dùng ăn hàng ngày. Bà vợ ông Tư mang lên nhà một ấm chè xanh còn đang bốc
khói. Bà rót ra một chén nước mời Thái:
-
Mời cậu uống nước, rõ khổ ông nhà tôi mà không gặp cậu thì không biết sẽ ra
sao?
-
Cháu chỉ tình cờ gặp chú thôi, âu cũng là cái duyên cô ạ!
Từ
đó Trương Thái hay xuống nhà ông Tư Bổn chơi mỗi khi có dịp. Ông Tư Bổn người
Quảng Ngãi vô Đà Lạt cũng khá lâu, ông gặp cô Nhài người Hà Nội theo ông chú
làm “nhà dây thép”vào Đà Lạt ở, hai người tổ chức đám cưới được mấy năm, đã có
hai mặt con. Khi đã thân nhau, biết hoàn cảnh của Trương Thái ông Tư Bổn nói:
-
Cậu Thái à, tính ra tôi hơn cậu chừng mươi tuổi, nếu là bà con của nhau có thể
tôi làm chú của cậu cũng được. Nhưng nay biết cậu vô thân vô thích, tôi muốn
coi cậu như một người em, vậy ý cậu ra sao?
Trương
Thái cảm động với sự đề nghị của ông Tư Bổn, kể từ hôm đó, Thái xem nhà ông Tư
như là nhà người anh hai của mình. Hôm ấy, ông Tư nhắn Thái chủ nhật xuống nhà
ông gặp có chuyện. Vừa thấy Thái, ông Tư nói ngay:
-
Chỗ anh làm đang thiếu một chân phụ bếp, cậu có chịu vô làm không để anh giới
thiệu với me xừ maitre d’hôtel?
Ông
Tư nói tiếp:
-
Nói thiệt với cậu, làm vườn trồng lê ghim
(rau, phiên âm tiếng Pháp) cũng sống được nhưng cực quá, phải mất cả ba bốn
tháng trời mới có thu hoạch. Còn làm bếp
như anh, tháng nào cũng có lương, tuy không nhiều nhưng cũng đủ sống. Anh thấy
cậu cũng có khiếu nấu ăn, để anh xin cho cậu vào làm, thế nào me xừ maitre d’ hôtel cũng đồng ý thôi.
Lâu
nay Thái làm vườn với ông Ba, tuy danh nghĩa không có nhưng ông Ba vẫn xem Thái
như là con, tuy ông không nói ra ngoài miệng. Làm vườn sáng sáng Thái xuống
vườn tưới rau, anh gánh nước từ dòng suối bằng đôi thùng có cái xoa và tưới
những đám rau cải tùy theo thời vụ. Trước đây khi còn lang thang trong rừng
Thái không ở yên một chỗ. Nay làm vườn với ông Ba công việc ổn định nhưng trong
thẳm sâu lòng Thái vẫn thích một cuộc sống tự do tự tại như trước. Bây giờ nghe
ông Tư nói vậy, Trương Thái muốn thử một cuộc sống khác nhưng anh lại sợ mình
đi làm chân phụ bếp sẽ khiến ông Ba buồn. Thái nói:
-
Cám ơn anh Tư, em thì muốn đi làm với anh lắm nhưng nghiệt nỗi bác Ba lại chỉ
có một mình, để em về thưa chuyện với bác Ba xem sao?
-
Cậu phải trả lời nhanh không thôi anh sợ chef
maitre d’ hôtel kiếm ra người khác thì mất cơ hội, Thái à anh biết cậu có
khiếu nấu ăn, theo anh chừng vài năm không chừng cậu học hết nghề của anh còn
vượt qua anh nữa?
Khi
Trương Thái thưa chuyện với ông Ba, anh cũng rào trước đón sau một hồi rồi mới
vào chính đề, không ngờ ông Ba đồng ý cái rụp! Ông Ba Phong cười ha hả nói:
-
Thái à, bác biết cháu là một người ưa tự do, nay làm vườn với bác chắc là cháu
không thích lắm. Thôi nghề nào cũng quý cả, cháu cứ coi đây là một cơ hội học
nghề, nếu hợp với nghề nấu ăn, cuộc sống của cháu sẽ ổn định không phải dang
nắng cả ngày như nghề làm vườn của bác. Cháu phải cố gắng học cho tốt bởi “nhất
nghệ tinh, nhất thân vinh” mà!
Câu
chuyện không dừng lại ở đó, ông Tư Bổn còn giúp Thái sang lại miếng đất cạnh
nhà ông và còn làm cho Thái một cái nhà nhỏ bằng chính số cây ván ông trữ sẵn
từ lâu. Trương Thái rất cảm động với nghĩa cử của ông Tư, từ đây đời anh bước
qua một trang mới với nhiều điều mới lạ đang chờ đón anh.
Hôm
nay nghe ông Ba Phong than, Thái biết rằng ông Ba đang rất cô đơn. Lủi thủi
trong nhà một mình, sáng trưa chiều tối gắn với vườn tược cũng chỉ một mình làm
sao một người già như ông chịu được? Cuộc sống của Trương Thái giờ đây đã là
cuộc sống của một thị dân, anh làm theo ca, mỗi ca kéo dài mươi hai tiếng tiếng
đồng hồ. Thái là bếp Âu, nhiều khi làm ca tối, chuyện phải nấu ăn cho khách lúc
nửa đêm về sáng là chuyện thường. Trương Thái còn học thêm nhiều món ăn châu Á,
nhất là những món Việt. Còn ông Ba Phong có cuộc sống của một nông dân nên khác
hẳn cuộc sống của anh. Sau một hồi suy nghĩ, Trương Thái nói:
-
Bác ơi hay là ta làm một cuộc đổi đời đi bác?
-
Cháu nói sao, đổi đời à?
Trương
Thái gật đầu:
-
Đúng vậy đó bác. Kể từ hôm qua, người mình đã làm chủ được đất nước mình, người
Việt Nam chúng ta bây giờ đã là công dân của một đất nước độc lập tự do. Cháu
tính như vầy. Lâu nay cháu làm nghề bếp
phục vụ các “quan” tây, cháu thấy bọn tây mũi lõ rất coi thường người Việt, “bồi”, “bếp” như công việc của cháu làm
trong khách sạn Palace cũng vậy không hơn gì. Hay là cháu sẽ xin nghỉ việc ra
ngoài tìm một công chuyện gì đó để làm ăn. Thời thế bây giờ khó có khách đến khách
sạn ở như ngày trước, thôi thì mình tìm đường đi trước. Còn bác cũng đã già,
chuyện làm vườn chắc là bác không còn sức nữa, hay là bác bán hoặc cho thuê
miếng vườn này về ở với cháu. Bác cháu ta tìm một địa điểm mở cái tiệm chạp
phô, buôn bán phục vụ người mình. Cháu cũng đã có nghề nấu ăn, tiệm của mình
kiêm luôn mấy món ăn bình dân phục vụ bà con. Cháu cũng biết tí chút nghề
thuốc, ai đau ốm cũng có thể chữa bệnh được. Vả lại có cái nhà thuốc cháu dễ
dàng hoạt động như cậu Nghiêm Phong dặn. Bác thấy được không?
Ông
Ba Phong lặng yên nghe Trương Thái nói một lèo, ông không ngắt lời chàng thanh
niên mà trong thâm tâm ông vẫn hằng coi là một người con của mình. Nghe Trương
Thái nói, ông Ba nhận thấy bây giờ Thái đã trưởng thành, có suy nghĩ chín chắc,
biết phân tích thời cuộc. Bỗng dưng ông Ba thấy tin tưởng rất nhiều vào Thái.
Ông thầm cảm ơn trời đã cho ông gặp Thái ngày ấy, nhờ vậy trong những ngày
tháng tuổi già ông có nơi nương tựa. Ông Ba nói:
-
Cháu đã suy nghĩ thật kỹ chưa, còn bác, bác cũng tính chuyện nghỉ làm vườn từ
lâu rồi. Cái nghề làm vườn cần sức khỏe mà bác thì ngày càng lớn tuổi chắc là
không làm vườn được bao lâu nữa. Bác đã nói chuyện này với ông Thìn, ông ấy sẳn
sàng sang lại miếng vườn nhà bác cho thằng con trai trưởng muốn ra riêng. Bây
giờ nghe cháu tính như vậy bác mừng quá. Bác đồng ý với cháu, cháu cứ tính đi,
cháu đi đâu bác theo đó, tao giao cái thân già này cho bay, con ạ!
Trương
Thái cảm động nhìn ông Ba Phong, anh muốn gọi một tiếng “ba” khi nghe ông Ba
dùng chữ “con”để gọi anh. Trương Thái không biết cha mẹ, nguồn gốc của mình,
giờ đây có một người cha như vậy cũng an ủi anh nhiều lắm. Thái nói:
-
Bác đã đồng ý như vậy thì con sẽ xúc tiến chuyện tìm địa điểm mở tiệm bán chạp
phô kiêm luôn tiệm ăn và nhà thuốc Nam ngay từ bây giờ, thôi chào bác con về,
bác cố giữ gìn sức khỏe!
Ông
Ba cười:
-
Bác chưa nói hết chuyện với con, còn một chuyện nữa cũng quan trọng lắm!
Trương
Thái ngạc nhiên:
-
Còn chuyện chi hả bác?
-
Là các chuyện hôn nhân của con, năm nay con cũng đã ba mươi hai tuổi rồi, con
phải lập gia đình chớ ở hoài như vầy không được đâu. Con thấy tấm gương của bác
rồi đó, hồi thanh niên không lo chuyện vợ con đến khi già rồi mới thấy là mình
chưa tròn trách nhiệm với đời. May mà bác gặp con chớ không thì không biết ngày
sau sẽ ra sao!
Trương
Thái nhìn ông Ba Phong, nghe ông Ba nói bằng cả tấm lòng khiến anh rất cảm
động. Thái nói:
-
Bác à, lâu nay con coi bác như cha, đời con trôi nổi lưu lạc trong rừng nếu
không gặp bác thì làm sao có ngày nay? Công ơn của bác đối với con như trời
biển. Bác đừng suy nghĩ nhiều hao tổn sức khỏe, con xin hứa với bác là con sẽ
phụng dưỡng bác cho đến hết đời. Con cũng xin với bác một điều, không biết bác
có đồng ý không?
Ông
Ba ngạc nhiên:
-
Điều chi con cứ nói?
Trương
Thái nói nhỏ:
-
Con xin bác cho con gọi bác là ba?
Ông
Ba ôm lấy Trương Thái:
-
Ôi, con…con của ba!
Trương
Thái cũng nghẹn ngào:
-
Ba!
(Hết chương 7)
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Lạt ngày 20/01/2016
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét