Home
» Tiểu thuyết - Truyện dài
» Những mảnh vỡ ký ức – Tiểu thuyết Võ Anh Cương 9 (Thành phố Đà Lạt)
Những mảnh vỡ ký ức – Tiểu thuyết Võ Anh Cương 9 (Thành phố Đà Lạt)
Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016
Đồi
glaieuils là một quả đồi nhỏ nhìn xuống hồ Xuân Hương nằm ở đường Thống Nhất
(nay là đường Yersin). Người Đà Lạt đặt tên cho quả đồi này là đồi glaieuils vì
hàng năm, sau những cơn mưa đầu mùa chừng ba tháng, hoa glaieuil hoang dại nở
hoa kín khắp đồi. Ngang sườn đồi, bác sĩ Sohier người Pháp cất một bệnh viện
tư, người Đà Lạt hay gọi là nhà thương Sohier. Bác sĩ Sohier có tay nghề cao,
đã cứu nhiều người lâm bệnh hiểm nghèo nên dân sở tại rất kính trọng vị bác sĩ
này.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet) Tác giả Võ Anh Cương
Họ tên thật Nguyễn Hữu Cương
Bút danh khác Văn H. Cương
Địa chỉ: Nhà thuốc tây Đa Thành, 33 Nguyễn Siêu Phường 7, thành phố Đà Lạt.
Điện thoại: 0982.582.298
Email: voanhcuongdalat@gmail.com - voanhcuongdalat@yahoo.com
_____
Võ Anh Cương
NHỮNG MẢNH VỠ KÝ ỨC
Tiểu
thuyết Võ Anh Cương
CHƯƠNG IX
Đồi glaieuils là một quả đồi nhỏ nhìn xuống
hồ Xuân Hương nằm ở đường Thống Nhất (nay là đường Yersin). Người Đà Lạt đặt
tên cho quả đồi này là đồi glaieuils vì hàng năm, sau những cơn mưa đầu mùa
chừng ba tháng, hoa glaieuil hoang dại nở hoa kín khắp đồi. Ngang sườn đồi, bác
sĩ Sohier người Pháp cất một bệnh viện tư, người Đà Lạt hay gọi là nhà thương
Sohier. Bác sĩ Sohier có tay nghề cao, đã cứu nhiều người lâm bệnh hiểm nghèo
nên dân sở tại rất kính trọng vị bác sĩ này.
Một
buổi sáng tháng mười năm một ngàn chín trăm năm mươi mốt, Trương Thái chạy marathon ngang qua nhà thương bác sĩ
Sohier. Từ ngày xảy ra cuộc thảm sát 19 người tù chính trị, Trương Thái bỏ hẳn
con đường chạy bộ quen thuộc của mình. Anh thay đổi lộ trình, từ nhà Trương
Thái theo con đường Pierre Pasquier (nay là đường Hồ Tùng Mậu) chạy xuống bờ
hồ, anh chạy một vòng bờ hồ rồi quay về nhà. Ngang qua đồi glaieuils, Trương
Thái bao giờ cũng dừng lại ngắm loài hoa hoang dại này. Trên đồi chẳng biết từ
lúc nào, khoảng giữa tháng năm, những đóa hoa glaieuils đủ màu đua nhau nở rộ.
Hôm đầu tiên chuyển lộ trình chạy bộ, Trương Thái ngạc nhiên đến ngơ ngẩn cả
người khi phát hiện một quả đồi hoa bồ công anh nở vàng, xen kẽ vào đó là những
đóa hoa glaieuil đủ màu đang lung linh trong nắng mai vàng màu mật. Anh xin
phép người gác cổng nhà thương cho mình lên đồi ngắm hoa. Người gác cổng nói:
-
Anh lên đồi glaieuils ngắm hoa à, thôi được anh lên đi, nhanh thôi nhé chứ đừng
để ông đốc tờ trông thấy tôi bị la
bây chừ!
Trương
Thái hỏi:
-
Hoa bồ công anh ở đây trồng hay sao anh?
-
Không có đâu, hoa này mọc tự nhiên hết đợt này đến đợt khác ra hoa, khi hoa tàn
chúng tượng thành những quả cầu bông màu trắng đẹp lắm, hạt giống hoa theo gió
bay đi rơi xuống đất rồi mọc thành cây. Ông bác sĩ dặn cứ để chúng mọc tự nhiên
cho bệnh nhân ra ngắm, đó cũng là một phương thuốc tinh thần giúp bệnh nhân mau
hồi phục?
Trương
Thái hỏi tiếp:
-
Tại sao người ta không gọi quả đồi này là đồi bồ công anh mà gọi là đồi
glaieuils?
Người
gác cổng trả lời:
-
Cái này thì tôi không biết, nhưng hễ mùa mưa chừng độ ba tháng là hoa glaieuil
lại nở, hoa nhiều màu đẹp lắm, nhiều khi chúng phủ kín cả quả đồi này, người ta
cứ tưởng rằng tôi trồng mới lạ!
Trương
Thái hỏi dồn:
-
Hoa hoang dại thực hả anh?
-
Đúng vậy, tôi làm ở đây đã lâu chưa thấy ai trồng loại hoa này bao giờ cả.
Trương
Thái nhớ lại ngày đầu anh chạy bộ ngang đây và cười mỉm một mình. Anh ngừng
chạy và thong thả đi bộ để ngắm đàn chim sáo với hai màu đen trắng đang bay
nhảy trên những tàn thông. Khu rừng thông đẹp quá, những cây thông cao vút mọc thẳng
lên trời đang vi vu trong gió hòa trong tiếng chim hót vang khiến cho khung
cảnh trở nên thơ mộng. Dường như chưa vừa ý với thiên nhiên, ẩn trong màu xanh
của rừng thông dưới nền vàng của hoa bồ công anh, ông bác sĩ người Pháp cho
trồng những khóm hoa trạng nguyên màu đỏ cạnh bậc tam cấp trước cửa nhà thương.
Trong rừng thông ở đồi glaieuils còn có những cây mai anh đào. Mùa này mai anh
đào không có hoa, phải chờ đến mùa đông, trời sắp sang xuân cây mai anh đào mới
nở. Có lẽ trên cả nước không ở đâu có loại cây này. Loài đặc hữu này chỉ mọc
trên cao nguyên Lang Bian với lá của loài mai nhưng khi hoa nở lại giống y như
những chùm hoa anh đào, một loài hoa của đất nước Phù Tang. Vì vậy người ta
ghép hai loại vào làm một và đặt tên cho loại cây này: mai anh đào!
Trương
Thái vừa đi vừa nghĩ lan man như vậy, bất giác anh đã đi qua đồi glaieuils hồi
nào không biết. Một cô gái đạp xe chạy vụt qua Trương Thái, đằng sau baga xe cô gái chở một giỏ rau xà lách
son. Hình ảnh người thiếu nữ với mái tóc dài, gương mặt hơi quen quen khiến anh
chú ý. Anh tiếp tục chạy bộ, dường như Trương Thái muốn chạy theo chiếc xe đạp
đã bỏ anh một đỗi đường? Chạy đến nhà hàng Thủy Tạ, anh bắt gặp chiếc xe đạp
lúc nãy đang dựng bên lề. Cô gái đang đứng nhìn chiếc xe bị xì vỏ. Trương Thái
hỏi:
-
Chào cô, xe cô bị ban (hỏng) à?
Cô
gái trả lời:
-
Chào ông, tôi đi chợ đến đây thì xe cán phải cây đinh, giờ chẳng biết làm sao?
Trương
Thái chỉ tay về hướng đường Pierre Pasquier nói:
-
Để tôi giúp cô mang xe lên đường này, trên đó có một tiệm sửa xe đạp.
-
Tôi làm phiền ông quá, nhưng còn giỏ rau không biết phải làm sao?
Trương
Thái nói:
-
Cô cứ đứng đây chờ, tôi đi chừng năm phút là xong thôi mà!
Thấy
vẻ mắt khó xử của cô gái, Trương Thái tiếp lời:
-
Cô cứ tin tôi đi, tôi là Trương Thái chủ nhà thuốc Nam gia truyền trên đường
Missions, cô có biết tiệm thuốc của tôi không?
Cô
gái cười:
-
Xin ông thứ lỗi, không phải tôi không tin ông là người đàng hoàng, tôi chỉ ngại
là làm phiền ông mà thôi. Thưa ông, không những tôi biết ông mà còn biết ông
từng chỉ cách cho mẹ tôi tiềm bồ câu ra ràng để mẹ tôi bồi bỗ cơ thể cho tôi
sau khi bị bệnh thương hàn!
Trương
Thái ngạc nhiên:
-
Vậy ra cô là con gái của dì Bảy?
Cô gái cười:
-
Tôi nhận ra ông lúc nãy nhưng không tiện nói ra.
Từ sau ngày diệt tên Haaz của đội cảm từ quân
Phan Như Thạch, Trương Thái dò la khắp nơi về mẹ con bà Bảy nhưng không ai biết
tin tức của hai người. Người ta chỉ kể rằng, chiều ngày mười một tháng năm, đội
cảm tử vào nhà tên Haaz ém sẳn lúc bốn giờ chiều. Gặp mẹ con bà Bảy, ông Nguyễn
Văn Lại là đội viên của đội cảm tử đã giải thích, trói tay họ lại và nhốt mẹ
con bà vào nhà vệ sinh. Sau khi diệt tên Haaz, không ai nhắc đến mẹ con bà Bảy
cả. Giờ đây, vô tình anh gặp được con gái bà Bảy, anh mừng lắm. Thiệt ra Trương
Thái quen biết bà Bảy chừng hai năm nay nhưng anh chưa bao giờ gặp con gái bà.
Ngay cả đến tên cô gái Trương Thái cũng không biết. Đời là một chuỗi bất ngờ,
hôm nay tình cờ làm sao Trương Thái gặp được cô con gái bà Bảy Sự. Anh mừng rỡ
hỏi:
- Ồ
hay quá dì Bảy giờ ở đâu, dì có khỏe không cô?
Anh
tiếp luôn:
-
Sau ngày ấy tôi cất công đi tìm dì nhưng không ai biết cả, giờ vô tình gặp cô ở
đây tôi mừng quá. Tôi hỏi khi không phải cô tên gì?
Cô
gái bẽn lẽn trả lời:
-
Thưa ông tôi tên Nhật, Nguyễn Thị Bạch Nhật ạ!
Trương
Thái nói:
-
Vậy cô Nhật cứ chờ ở đây, tôi sẽ đẩy cái xe này lên tiệm sửa xe vá lại cái ruột
xe cho cô?
Cô
Bạch Nhật cười tươi:
-
Thật phiền cho ông quá, tôi xin cảm ơn ông trước!
-
Cô đừng khách sáo chỗ tôi và dì Bảy là người quen cũ mà.
Lát
sau Trương Thái quay lại, anh giúp cô Nhật cột giỏ rau lên baga xe đạp. Trương Thái đề nghị:
-
Cô đưa chỗ rau này ra chợ phải không, để tôi giúp cô vừa đi ta vừa nói chuyện.
Hai
người đi song song bên nhau, Trương Thái dắt ghi đông xe đạp, còn cô Nhật thì đi bên cạnh. Thoạt nhìn người ta
cứ tưởng hai người là một đôi vợ chồng nhưng khi nhìn kỹ thì thấy hai người ăn
vận quần áo khác nhau. Trương Thái đang chạy thể dục nên anh mặc một cái quần sọt màu trắng, chiếc áo thể thao cùng
màu và mang đôi giầu bata cũng màu
trắng. Còn cô Bạch Nhật, như phần đông phụ nữ khác, cô mặc một cái áo dài màu
nâu, quần bà ba bằng lãnh đen bóng, cô khoác một cái áo len màu xanh nước biển.
Đây là đặc điểm của người phụ nữ Đà Lạt khi ra đường dù là thành phần nào trong
xã hội, phụ nữ đều mặc áo dài. Vừa dắt xe Trương Thái vừa nghe Bạch Nhật kể
hoàn cảnh mẹ con cô:
- Sau
khi quan lớn Haaz bị giết mẹ con em sợ quá ngất đi trong nhà vệ sinh…
Cô
Nhật đổi cách xưng hô với Trương Thái một cách tự nhiên, cô tiếp:
-
Bọn mật thám bắt mẹ và em mang về tra khảo ba tháng trời, em và mẹ cứ khai theo
sự thật dù hai mẹ con bị giam giữ hai nơi khác nhau. Sau ba tháng không tìm
được chứng cứ gì chúng thả mẹ con em ra.
Trương
Thái cố nén một tiếng thở dài trong lòng anh nỗi ân hận đang lớn dần. Cô Bạch
Nhật không biết người vẽ sơ đồ để đội cảm tử giết tên mật thám là anh khiến mẹ
con cô bị liên lụy. Trương Thái tự an ủi mình, giữa việc quốc gia đại sự và gia
đình, để dành được độc lập tự do cho đất nước phải hy sinh lợi ích cá nhân là
điều tất yếu! Cô Bạch Nhật kể tiếp:
-
Sau khi ra tù mẹ con em đi tìm việc làm nhưng không tìm ra việc bồi bếp theo
đúng nghề của mình. Các quan tây, các vị công chức người Việt khi biết mẹ con
em từng làm bồi bếp cho quan phó thanh tra Haaz ai cũng từ chối. Bí quá mẹ con
em ra chợ buôn bán rau. Em mua hàng chở ra cho mẹ bán anh à.
Trương Thái hỏi:
-
Giờ mẹ con cô ở đâu?
-
Hai mẹ con em thuê một căn phòng nhỏ ở Suối cát Nam Thiên.
Bà
Bảy Sự vui mừng khi gặp lại Trương Thái, nét hân hoan trên gương mặt bà khiến
Thái cảm động. Bà Bảy trông già hơn những ngày còn làm bếp ở nhà số 17 đường
Hoa Hồng.
Trương
Thái nói:
-
Dì ơi hay là dì về phụ bán phở với chị Tư cháu đi, cháu thấy dì buôn bán như
vầy không bằng làm nghề bếp, dì thấy sao?
Bà
Bảy gật gật đầu, dường như bà đang toan tính chuyện gì đó. Lát sau bà nói:
-
Cám ơn cậu, đúng ra nghề của tôi là làm bếp, nhưng thôi lâu nay tôi chuyển qua
nghề buôn bán rau như thế này cũng thấy ổn. Cậu đã có ý như vậy, hay là cậu nói
giúp tôi để con bé Nhật nhà tôi qua phụ bán phở, tôi thấy con bé đi lại vất vả
quá, tội nghiệp cháu!
Trương
Thái:
-
Cháu tin chắc là chị Tư nhận cô Nhật, cháu biết chị Tư đang cần người phụ bếp,
một tay chị lo không xuể với lượng khách như vậy nhưng nếu cô Nhật về phụ với
tiệm phở của chị Tư thì ai giúp dì lấy rau?
Bà Bảy cười:
-
Cậu đừng lo, tôi dặn bạn hàng mang rau ra cho tôi bán không có trở ngại gì đâu.
-
Vậy thì hay quá dì nói lại với cô Bạch Nhật ngày mai tới chỗ cháu, cháu sẽ dẫn
qua nhà chị Tư giới thiệu.
Mấy
tháng qua Trương Thái áy náy trong lòng khi nghĩ về mẹ con bà Bảy, nay gặp lại
bà Bảy, anh thấy bà Bảy cũng bắt đầu ổn định được cuộc sống Trương Thái an tâm
phần nào. Không ngoài dự kiến của Thái, bà Nhài vui ra mặt khi nghe Thái xin
cho cô Nhật con bà Bảy về phụ bán phở với bà. Bà Nhài từng nghe Trương Thái kể
chuyện của mẹ con bà Bảy. Bà Nhài biết rõ người Pháp rất kỹ tính trong việc ăn
uống nên những người làm nghề bếp cho người Pháp là những người cần mẫn, siêng
năng và kỹ càng trong công việc. Bà Nhài chắc cô Nhật sẽ là một người giúp việc
tốt cho tiệm phở Hoa Hồng của bà. Nhìn nét mặt của Trương Thái, là một người
phụ nữ bà Nhài bắt gặp một sự quan tâm đặc biệt của cậu em. Trong mấy năm qua
vợ chồng bà đã từng nhiều lần đề cập đến chuyện hôn nhân với Trương Thái nhưng
lần nào Trương Thái cũng gạt phắt chuyện này. Thậm chí có lần bà Nhài còn giới
thiệu con của một người bạn của bà cho Thái, bà mời mẹ con bà Chín Hiền đến
tiệm phở mình ăn sáng và sang nhà kêu Trương Thái qua tiệm phở giúp bà một tay
như mọi khi. Nhưng khi bà Hiền về, bà Nhài hỏi Trương Thái rằng cô con gái của
bà Hiền có được không, Trương Thái đã thẳng thừng từ chối và yêu cầu bà đừng
làm chuyện như vậy nữa! Bà Nhài biết chuyện hôn nhân là duyên số, nhưng bà quan tâm đến chuyện riêng của người em
nuôi vì sợ rằng khi Trương Thái về già không có con cái thì buồn lắm. Lần này
thấy Trương Thái tỏ ra quan tâm đến cô Bạch Nhật, bà Nhài rắp tâm phải tác
duyên cho hai người nên chuyện vợ chồng. Tối đó bà Nhài về bàn với ông Tư Bổn:
-
Anh ạ cô Nhật em thấy cũng được người, không biết tính nết thì sao chứ em thấy
cậu Thái nhà mình ra vẻ quan tâm đến cô Nhật lắm!
Ông
Tư Bổn mừng rỡ:
-
Vậy sao cái cậu này thiệt là khó tính, chuyện lập gia đình mình nói đã mấy lần
mà cậu đều từ chối. Nay biết đâu ơn Trời cho cậu gặp ý trung nhân thì mình mới
làm hết trách nhiệm của bậc làm anh chị, mình thấy có đúng không?
Bà
Nhài cười:
-
Đúng quá chứ lỵ em linh cảm lần này cậu Thái nhà ta thế nào cũng đồng ý cho
xem. Nhưng không biết cô Nhật thì sao, còn chuyện tuổi tác nữa, em cũng lo lo?
-
Em lo chuyện chi?
Bà
Nhài nói nhỏ:
-
Là chuyện cậu Thái so với cô Nhài lớn chắc gần mười lăm, mười sáu tuổi, không
biết cô ấy có chịu chuyện mình tác hợp với cậu Thái không?
- Ừ
mình nói cũng đúng nhưng lâu nay con gái phải nghe lời cha mẹ, để hôm nào anh
ra chợ dọ ý bà Bảy Sự xem sao?
Bà
Nhài vui vẻ nói:
-
Đúng đấy mình ạ mình đi ngay đi chứ em không thể để chuyện này thành chuyện lỡ
dỡ đâu?
Ông
Tư Bổn cười đáp:
-
Đi ngay đâu được hở mình, mình biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Đã tám giờ
tối rồi mình lo ngủ đi để sáng mai còn đi chợ sớm!
-
Là em nói mình đừng chần chừ chứ em có bảo mình đi ngay đâu?
Hai
vợ chồng ông Tư Bổn cười rúc rích, cái đèn hoa kỳ bằng sắt tây ngọn lửa được
vặn nhỏ bằng hạt đậu tắt phụt, một vài tiếng động vang lên trong đêm vắng.
Ngoài hiên tiếng côn trùng đang rả rích như phụ họa với tiếng động trong phòng!
Tiếng
côn trùng rả rích cũng khiến Trương Thái không ngủ được. Bên trong Nhà thuốc Nam
gia truyền im phăng phắt. ông Ba Phong nằm ở phòng trong ngủ đã lâu. Người già
thường ngủ sớm và thức dậy sớm, còn Trương Thái thường gần mười một giờ đêm mới
ngủ sau khi đi một bài quyền Ngọc Trản và ngồi bán già tập khí công. Đêm nay
cũng vậy, Trương Thái tắt đèn lên giường nhưng không tài nào ngủ được. Hình
bóng Bạch Nhật choáng hết tâm trí Thái. Lần đầu tiên Trương Thái mới bị một
tình huống như vậy. Những ngày qua, Trương Thái tiếp xúc với rất nhiều người,
trong đó có các cô con gái, là những người mua hàng, những người đến Nhà thuốc
thăm mạch bốc thuốc nhưng Trương Thái chưa bao giờ có những suy nghĩ vẩn vơ về
các cô gái này. Lần này thì khác, buổi sáng hôm qua tình cờ Trương Thái gặp
được Bạch Nhật ở gần nhà hàng Thủy tạ, cùng với Bạch Nhật dắt xe ra chợ, Trương
Thái dường như thấy đời mình có một niềm vui mới. Bạch Nhật với mái tóc dài vừa
phải, làn da trắng trẻo, nhất là nụ cười có một lúm đồng tiền ở bên má phải
bỗng đâu thâm nhập tâm hồn Trương Thái. Trương Thái rất vui khi sáng nay Bạch
Nhật đến Nhà thuốc Nam gia truyền đúng như lời dặn của anh. Khi Trương Thái dẫn
Bạch Nhật qua tiệm phở, bà Nhài niềm nở dắt tay Bạch Nhật đến ngồi vào một cái
bàn gỗ, bà nói:
-
Em ạ, chị đã nghe cậu Thái nói về em từ ngày hôm qua, chị chờ em mãi. Này nhé
tiệm phở này tất tần tật chỉ một tay chị lo thôi, lâu nay cậu Thái có qua giúp
những lúc rảnh rỗi nhưng cậu ấy còn có tiệm bên cạnh, giờ có em giúp chị, chị
mừng lắm!
Cô
Bạch Nhật lúng túng:
-
Cô ạ, cháu chưa bán phở bao giờ. Hồi nào tới giờ cháu chỉ biết làm bồi bếp ở
các nhà quan Tây thôi cô ạ!
Bà
Nhài cười:
-
Sao em lại gọi thế? Chết, chị chỉ hơn em ít tuổi, em gọi bằng chị cho thân mật.
Vả, nhà chị và cậu Thái là chỗ anh em với nhau mà. Chuyện em nói chưa biết bán
phở, cái ấy dễ thôi, từ từ chị bày là em biết ngay thôi mà. Cái chính là em
phải chịu khó một chút, chú ý một chút, em ạ?
Bạch
Nhật cười:
-
Điều đó cô…à chị khỏi lo, hàng ngày em thức dậy từ bốn giờ sáng lo công việc
nhà cũng đã quen rồi.
Bà
Nhài vui vẻ:
-
Thế là nhất rồi, bao giờ em đến làm cho chị được?
Bạch
Nhật nói:
-
Hôm nay được không chị?
-
Thế thì hay quá, nào cậu Thái, mời cậu về coi tiệm thuốc, bây giờ tôi có cô em
gái của tôi rồi, mọi chuyện ở đây có chị em chúng tôi lo.
Đáng
lẽ Trương Thái còn ở bên nhà bà Nhài một lúc nữa, nhưng nghe bà nói vậy không
lẽ lại ở thêm? Trương Thái tiếc rẽ ra về, anh mang theo nụ cười của Bạch Nhật
qua tiệm chạp phô kiêm nhà thuốc Nam gia truyền. Một người mua hàng đang chờ,
thấy Trương Thái bà Xíu nói:
-
Chào thầy, tôi qua tiệm mua chục trứng, chỉ thấy ông cụ ngồi ở bộ phản, không
thấy thầy đâu cả, thầy lấy cho tôi chục trứng gà.
Trương
Thái nói:
-
Thím chờ cháu một chút, hồi nãy cháu qua nhà chị Tư .
Anh
vô nhà tới cái thùng đựng trứng, anh lấy một cái rổ tre nhỏ lựa chục trứng tươi
cho bà Xíu. Bà Xíu nhận cái rổ trứng kêu lên:
- Ơ
hay sao thầy lại lấy hột vịt cho tôi?
Trương
Thái nhìn vào cái rổ, đúng là anh lấy lộn trứng vịt, Thái cười bẽn lẽn:
- Xin lỗi thím cháu lấy lộn trứng vịt, để cháu
vô đổi lại.
Người
đàn bà cười:
-
Sao hôm nay tôi thấy thầy là lạ, đi ra đi vào cứ như ra ngẩn vào ngơ vậy? Thầy
à, tôi thấy thầy xem cô nào đường được lấy quách về nhà mà lo cơm nước, hai ông
con ở với nhau như vầy tôi thấy ái ngại cho thầy và cụ Ba quá!
Ông
Ba Phong nãy giờ nghe hai người nói chuyện, nghe bà hàng xóm nói như vậy, ông
nói:
-
Bà Xíu à, tôi nói chuyện này với Thái nhiều lần rồi, nhưng Thái cứ từ chối mãi,
tôi cũng sốt ruột lắm. Cảm ơn bà quan tâm tới chuyện này!
Quay
qua Trương Thái ông Ba Phong nói:
-
Con thấy chưa, ai cũng nói như vậy cả. Thái à, điều ao ước cuối đời của ba là
thấy được mặt cháu nội, có vậy ba có chết cũng vui lòng!
Trương
Thái cảm động, mặt anh hơi đỏ, anh nói:
-
Cám ơn thím và ba, lần này con sẽ cố!
Ông
Ba và bà Xíu đưa mắt nhìn nhau, cả hai cùng một ý nghĩ: “a cái cậu Thái này,
lần này cậu nói sẽ cố chứ những lần trước thì dảy nảy như đỉa phải vôi”. Ông Ba
nghe Trương Thái hứa, ông vui quá, ông cầm cái tách uống trà lên nhấp một hớp,
ông tưởng tượng như mình nhấp một hớp rượu cưới của đứa con nuôi.
Giờ
đây nằm nhớ lại những chuyện hai ngày hôm nay, Trương Thái cảm thấy như là mình
đang qua một thời kỳ mới. Trương Thái bỗng nhớ lại Trương Đại Quá, lúc đó anh
nhỏ quá, nghe Trương Đại Quá nói với Trương Thái lý do Trương Đại Quá lên vùng
cao này: “chuyện này ta kể với em cũng được, nhưng ta chỉ ngại em còn nhỏ tuổi,
không hiểu hết tâm sự của mối tình trai gái?”. Lúc đó quả Trương Thái không thể
hiểu tâm sự của người anh, nay mùi vị của “mối tình trai gái” dường như cũng
vận vào mình? Trương Thái giật mình khi nghĩ đến điều đó. Hay là mình đã “yêu”.
Yêu? Tình yêu là gì? Hồi giờ Trương Thái chưa bao giờ thắc mắc về chuyện này,
nhưng nay bỗng nhiên gặp Bạch Nhật, Trương Thái có những suy nghĩ lạ. Hình bóng
của Bạch Nhật dường như lúc nào cũng luẩn quẩn trong óc Trương Thái. Khi ăn,
khi ngủ cũng vậy. Quái, mình với cô ấy chỉ gặp nhau mới có hai ngày mà hình như
Thái thấy quen Bạch Nhật từ rất lâu rồi. Ngay cả dáng đi, cách nói chuyện, cái
vuốt tóc của Bạch Nhật Trương Thái cũng thấy vô cùng quen thuộc. Cứ nhắm mắt
lại là Trương Thái thấy bóng hình của Bạch Nhật, anh mong trời mau sáng để qua
tiệm phở Hoa Hồng, mới xa nhau có mấy tiếng đồng hồ mà sao Trương Thái thấy dài
đằng đẵng?
Trương
Thái ngủ thiếp, trong giấc ngủ muộn Trương Thái mơ thấy mình cầm tay một người
con gái đi dưới một rừng thông. Trên bầu trời trong xanh, một bầy chim đang bay
theo hình chữ V, dưới đồi thông chỉ anh và người con gái đó. Trương Thái thấy
mình nắm tay nàng và dìu nàng đến bên một bãi cỏ xanh, cả hai im lặng ngắm
cảnh. Trong thinh lặng bỗng đâu vang lên tiếng chim hoàng anh hót líu lo,
Trương Thái mỉm cười quay qua cô gái, cô gái cũng cười nhìn Thái, cặp mắt cô
long lanh, long lanh. Thái buột miệng nói:
-
Nhật, je t’aime!(Nhật, anh yêu em).
Câu
tỏ tình trong giấc mơ của Trương Thái với Bạch Nhật trong thực tế không phải
như vậy. Đó là mùa Noel năm một ngàn chín trăm năm mươi mốt. Trong ngày này tất
cả các công sở, trường học đều được nghỉ. Tiệm phở Hoa Hồng cũng nghỉ ngày này,
bà Nhài nói với Bạch Nhật:
-
Em ạ, hôm nay là ngày lễ trọng của người Công giáo, nhà có đạo đều chuẩn bị cho
tiệc rê vây dông tối 24 tháng 12. Chị
định hôm nay tiệm ta cũng nghỉ một ngày, em có định làm gì không?
Bạch
Nhật có vẻ vui mừng khi được nghỉ ngày 24, cô nói:
-
Ôi chị, các năm trước trong ngày lễ Noel em và mẹ cực lắm, em và mẹ phải chuẩn
bị cho các quan lễ Noel nhiều thứ lắm. Nhiều năm mãi đến gần sáng ngày 25 em
mới dọn dẹp xong nhà cửa sau buổi tiệc đêm. Năm nay được nghỉ, em ước gì được
đi lễ nhà thờ thử một lần cho biết nhưng đi một mình ngại lắm. Thôi vậy, em ở
nhà thôi!
Bà
Nhài cười:
-
Tưởng cô ao ước chuyện gì khó khăn kia chứ chuyện này thì có khó gì. Để tôi qua
bảo cậu Thái đưa cô đi chơi Noel nhé?
Bạch
Nhật lấy tay xua xua:
-
Thôi chị, em chỉ nói chơi thôi, đừng nói với anh Thái, anh ấy cười em chết?
Trương
Thái nãy giờ qua nhà bà Nhài đã nghe câu chuyện của hai chị em, anh vui vẻ bước
vào bếp nói:
-
Tôi không có cười cô đâu, tối nay tôi sẽ đưa cô đi nhà thờ dự thánh lễ
Noel, tôi cũng háo hức lắm chưa biết đi
nhà thờ ra làm sao?
Đêm
ấy trong cái lạnh của mùa đông, trong sương mù lãng đãng của núi rừng, Trương
Thái và Bạch Nhật cùng nhau đi chơi Noel với người dân Đà Lạt. Dường như tất cả
người dân các khu phố trung tâm đều ra đường, bất kể có đạo hay không có đạo,
bất kể tây hay ta đều vui vẻ hướng về nhà thờ chánh tòa, nơi ấy sẽ tổ chức
thánh lễ vào lúc mười một giờ đêm. Hòa trong dòng người, Trương Thái và Bạch
Nhật sánh bước bên nhau. Nhưng đến cửa giáo đường, thấy đám đông im lặng tản
vào các băng ghế, Trương Thái kéo Bạch Nhật ra một góc sân, anh nói:
-
Bây giờ tôi và cô mà vào nhà thờ, mình không biết cách xin lễ, không thuộc kinh
tất sẽ bị mọi người nhòm ngó, chi bằng tôi và cô đi chỗ khác chơi, cô tính có
được không?
Bạch
Nhật đồng ý với Trương Thái, cô hỏi:
-
Giờ mình đi đâu anh?
-
Thì mình đi dạo mấy con đường quanh phố?
Hai
người đi ngược hướng đám đông kéo về nhà thờ chánh tòa, Trương Thái và Bạch
Nhật cùng nhau bước song song ở bờ hồ. Những cơn gió lạnh thổi qua khiến hai
người cảm thấy rét run, nhưng dường như cả hai không mấy chú ý đến điều đó. Trương
Thái im lặng đi bên Bạch Nhật, anh cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Ngược lại vẻ im
lặng của Trương Thái, Bạch Nhật vui vẻ kể cho Trương Thái những kỷ niệm trong
đời của mình, những chuyện vui buồn của hai mẹ con cô.
Thấy
Trương Thái cứ im lặng mãi, Bạch Nhật có vẻ dỗi:
-
Anh có nghe em nói không?
Trương Thái ngừng chân, anh nói:
-
Có, tôi rất thích nghe cô kể chuyện.
Bạch
Nhật vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của Trương Thái, cô nói:
-
Nhưng em muốn nghe anh kể chuyện của anh, có vậy mới công bằng?
Trương
Thái hơi bất ngờ trước đề nghị của Bạch Nhật, anh trả lời:
-
Chuyện của tôi có gì hay đâu?
-
Sao lại không hay, chớ bộ anh không có một chuyện vui gì kể cho em nghe à?
Trương
Thái nói:
- Chuyện
của tôi không có gì hay hết, tôi biết kể cho cô nghe chuyện gì bây giờ?
-
Thì anh kể chuyện đời anh đi, vì sao anh lên Đà Lạt ở lại làm nghề thuốc?
Trương
Thái cười:
-
Chuyện này thì tôi kể được!
Đúng
là Trương Thái không có khiếu kể chuyện, anh bắt đầu từ hồi còn nhỏ sống ở
thung lũng Hoa Vàng, đi tìm cây thuốc dưới chân núi Lang Bian rồi gặp Quá đại
ca, anh về sống với ông Ba Phong, làm bếp ở hôtel Palace… anh kể gọn lỏn trong
khoảng đường từ nhà Thủy tạ đến chân đồi glaieuil. Bạch Nhật không ngắt lời
anh, cô im lặng đi bên anh, nghe chuyện kể của anh, bỗng dưng cô muốn dựa vào
bờ vai của anh ghê gớm. Lúc cả hai đi đến chân đồi glaieuils, Trương Thái ngừng
bước nói:
-
Nhưng đến khi gặp cô, tôi thấy đời tôi có ý nghĩa hơn nhiều!
Bạch
Nhật hồi hộp:
-
Là sao anh, anh nói gì mà em không hiểu?
Trương
Thái nắm hai cánh tay của Bạch Nhật quay cô hướng về phía anh, Trương Thái mím
môi nói:
-
Em về làm vợ anh nhé, Bạch Nhật?
Lần
đầu tiên Trương Thái gọi Bạch Nhật bằng em, Bạch Nhật nghe một làn hơi nóng bốc
ra từ trái tim mình, cô tựa đầu vào lồng ngực khôi vĩ của Trương Thái, cô ôm
anh thay cho câu trả lời. Trương Thái vẫn lặp đi lặp lại câu hỏi:
-
Em trả lời anh đi chứ?
Cô
ngước lên nhìn anh, đôi mắt cô sáng lóng lánh, cô khẽ gật đầu chờ đợi. Trương
Thái thả tay cô ra, anh vòng ra lưng cô, anh ôm cô vào đôi tay mạnh mẽ của
mình. Anh cúi xuống, môi anh và môi cô tìm nhau.
Lúc
đó tiếng chuông nhà thờ vang lên đánh dấu thời khắc nửa đêm, đó là thời điểm
Chúa Hài Đồng sinh ra một ngàn chín trăm năm mươi mốt năm về trước!
Đám
cưới cô Trương Thái và Bạch Nhật tổ chức vào ngày hai mươi bốn tháng chạp ta.
Đó là một hôn lễ gọn gàng nhưng ấm cúng. Hai họ cùng tổ chức một ngày, bốn bàn
tiệc mời bốn mươi người là đều là bà con hàng xóm và những khách hàng thân
thiết của hai họ đến chung vui bởi bà con của họ đàng trai và đàng gái đều
không có nhiều trong cái thành phố đẹp và lặng lẽ này.
Ông
Ba Phong và bà Bảy Sự là hai người vui nhất ngoài cô dâu và chú rể. Sau khi
tiệc cưới vừa xong, quan viên hai họ về hết ông gọi hai vợ chồng Trương Thái
vào phòng khách, ông nói:
-
Ba rất vui vì hôm nay là ngày cưới của hai con. Cuộc đời ba không thực hiện
được lời hứa với bà nội con về việc cưới vợ, nay ba rất mãn nguyện khi con làm
được điều đó thay ba. Ba chỉ muốn các con hứa với ba rằng sang năm sẽ cho ba
đứa cháu nội để ba còn được ẵm bồng cháu, các con hứa với ba nghe?
Bạch
Nhật e lệ cúi mặt xuống đất, cô mắc cỡ. Trương Thái cũng không hơn gì, nhưng là
đàn ông Trương Thái làm ra vẻ mạnh dạn hứa với ông Ba Phong:
-
Dạ, tụi con xin hứa!
Nhà
thương Sohier tháng mười năm một ngàn chín trăm năm mươi hai, Trương Thái cứ đi
ra đi vô ở phòng chờ. Bà Nhài đã vào trong phòng sinh hơn một tiếng đồng hồ vẫn
chưa ra. Trương Thái cứ nhìn cây kim trên chiếc đồng hồ Odo treo trên vách mà
lòng thì sốt ruột vô cùng. Không biết cô ấy có đau lắm không? Lúc đưa vợ vào
nhà thương, Trương Thái thấy Bạch Nhật mặt xám ngoét, mồ hôi vã ra trên gương
mặt vợ khiến Trương Thái thấy thương quá.
Cuối
cùng bà Nhài cũng đi ra, thấy Trương Thái đang đi qua đi lại, bà nói:
-
Chúc mừng cậu đã có một quý tử, cô ấy sinh rồi, mẹ tròn con vuông!
Trương
Thái mừng quá, anh như vừa trút được gánh nặng trong lòng:
-
Vậy hả chị, vợ em có làm sao không?
-
Cái cậu này, tôi đã bảo mẹ tròn con vuông rồi mà lại, mà này cậu định đặt tên
cho thằng bé là gì thế, thằng bé mới chào đời đã thấy giống cậu như tạc?
Trương
Thái cười:
-
Em đã bàn với vợ em rồi, vợ em cứ nói là tùy em. Em định lấy một tên trong 64
quẻ Kinh Dịch ra đặt tên cho thằng bé. Em chọn quẻ Cách, tên thằng nhỏ là
Trương Cách có được không chị? Còn vợ em thì cứ nói cứ lấy tên con giáp làm tên
thằng bé gọi ở nhà, năm nay là năm Nhâm Thìn em sẽ đặt tên ở nhà cho thằng nhỏ
là Thìn, chị thấy sao?
Bà
Nhài cười:
-
Tôi thì sao cũng được, miễn là từ nay tôi sẽ có cháu gọi bằng bác là hài lòng
rồi.
Ngày
thằng cu Thìn đầy tháng, bà Nhài qua nhà Trương Thái cúng đầy tháng giúp vợ
chồng Trương Thái. Sau khi cúng bà mụ xong, bà lôi Trương Thái vào bếp, bà thì
thào nói:
-
Cậu ạ, hôm qua tôi nghe lén câu chuyện của hai thằng mật thám. Hai thằng này
vào tiệm ăn phở, sẳn có tô xí quách tôi mời chúng uống rượu. Hai thằng ấy uống
hết một chai rượu, chúng kể với nhau chuyện tối qua đi bắt hai công nhân ở Sở
Địa Dư, tra khảo họ để bắt họ khai trao bản đồ cho ai để cung cấp cho Việt
Minh. Chúng kháo với nhau rằng hai ông ý chưa khai, nhưng chúng nhất định tra
tấn các ông ý phải khai ra đồng phạm, chúng nghi là Việt Minh có tay trong ở Đà
Lạt, chúng sẽ giăng bẫy bắt trọn!
Nghe
bà Nhài kể đến đây, Trương Thái gạt phắt:
-
Kệ bọn chúng chị ạ, mình là dân làm ăn chân chính lo lắng làm gì?
Đêm
ấy Trương Thái suy nghĩ rất lung. Cậu Nghiêm Phong đang ở chiến khu Lê Hồng
Phong, Trương Thái không thể liên lạc được. Hai người công nhân làm ở Sở Địa Dư
là cơ sở của Trương Thái, chính họ cung cấp cho anh các bản in thử bản đồ địa
hình khu vực Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Trương Thái không sợ hy sinh nhưng nhất
thiết anh không thể để sa vào tay địch. Phải xa chạy cao bay trước khi bọn
chúng lần ra dấu vết. Nhưng đi đâu? Trương Thái nhớ lại khoảng đời ở trong
rừng, anh rất tự do không bị ai câu thúc. Nhưng bây giờ không thể quay về nơi
hoang dã được, anh đã là một con người ở thế giới hiện đại, có nhiều mối quan
hệ xã hội, có cha, anh chị, vợ con, anh phải chứng tỏ mình là một người có
trách nhiệm với gia đình. Nhưng đi đâu, câu hỏi này cứ hiện lên trong đầu
Trương Thái.
Đêm
về sáng, trước khi chợp mắt, một địa danh lóe lên trong đầu Trương Thái: Sài
Gòn!
(Hết chương 9)
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Lạt ngày 04/12/2015
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét