Home
» Tiểu thuyết - Truyện dài
» Những mảnh vỡ ký ức – Tiểu thuyết Võ Anh Cương 8 (Thành phố Đà Lạt)
Những mảnh vỡ ký ức – Tiểu thuyết Võ Anh Cương 8 (Thành phố Đà Lạt)
Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016
Bà Nhài vợ ông Tư Bổn tên đầy đủ là Nguyễn Thị Nhài. Năm một ngàn chín trăm ba mươi tám cô Nhài theo người chú làm thầy ký của Nhà dây thép (bưu điện) lên Đà Lạt ở. Cô vốn người Hà Nội, lại ở ngay phố Hàng Đào nên cô thừa hưởng được tất cả nét thanh lịch của người Hà Nội. Vào Đà Lạt cô Nhài gặp ông Tư Bổn và hai người nên duyên vợ chồng. Ông chú cô Nhài giúp cho vợ chồng cháu mua một miếng đất ở Saint Jean cất nhà và hai đứa con cô ra đời ...
Thông tin liên hệ: (VanDanViet) Tác giả Võ Anh Cương
Họ tên thật Nguyễn Hữu Cương
Bút danh khác Văn H. Cương
Địa chỉ: Nhà thuốc tây Đa Thành, 33 Nguyễn Siêu Phường 7, thành phố Đà Lạt.
Điện thoại: 0982.582.298
Email: voanhcuongdalat@gmail.com - voanhcuongdalat@yahoo.com
_____
Võ Anh Cương
NHỮNG MẢNH VỠ KÝ ỨC
Tiểu thuyết Võ Anh Cương
CHƯƠNG
VIII
Bà
Nhài vợ ông Tư Bổn tên đầy đủ là Nguyễn Thị Nhài. Năm một ngàn chín trăm ba
mươi tám cô Nhài theo người chú làm thầy ký của Nhà dây thép (bưu điện) lên Đà
Lạt ở. Cô vốn người Hà Nội, lại ở ngay phố Hàng Đào nên cô thừa hưởng được tất
cả nét thanh lịch của người Hà Nội. Vào Đà Lạt cô Nhài gặp ông Tư Bổn và hai
người nên duyên vợ chồng. Ông chú cô Nhài giúp cho vợ chồng cháu mua một miếng
đất ở Saint Jean cất nhà và hai đứa con cô ra đời trong căn nhà ván thông mái
lợp tôn. Bà ở nhà chăm sóc gia đình, ông Tư Bổn hàng ngày đi làm bếp ở khách sạn Palace nuôi vợ con. Nói
chung cuộc sống của gia đình bà khá ổn, tuy không dư dã gì cho lắm nhưng với
đồng lương của ông Tư mang về và với tài khéo léo trong tề gia nội trợ của bà
Nhài, vợ chồng bà là những thị dân có cuộc sống mà nhiều người mơ ước. Khi
Trương Thái về Saint Jean ở, một tay bà Nhài sắp xếp mọi chuyện. Trương Thái
sang lại miếng đất cạnh nhà vợ chồng bà, bà gợi ý Thái cất một cái nhà bằng gỗ
để có chỗ “chui ra chui vô” với người ta. Mấy năm trước bà Nhài có mua được một
cái nhà cũ của một người quen ở ấp Hà Đông, bà kêu thợ mộc giở ra chở về cất ở
sau nhà. Bà dự tính sau này hai đứa con bà lớn hơn một chút, bà sẽ nới rộng nhà
ra cho hai đứa nhỏ có được căn phòng làm nơi học hành. Nay thấy Trương Thái
chưa có nhà ở, Thái lại là ân nhân của chồng bà, ông Tư Bổn lại nhận Thái làm
em nên bà Nhài đề nghị với Thái cứ lấy cái xác nhà cũ ấy ra mà dựng lại để ở,
thấy Thái hơi ngần ngừ bà nói:
-
Chị có cho không cậu đâu, từ từ rồi cậu trả lại tiền cho chị cũng được mà!
Mấy
ngày sau, ngôi nhà ván nhỏ được dựng lên. Bà Nhài qua nhà giúp Thái sắp xếp vật
dụng trong nhà, xong xuôi bà Nhài nói:
-
Hay là hàng ngày cậu qua nhà vợ chồng chị cùng ăn với anh chị và các cháu, một
mình cậu mà nấu nướng làm gì cho thêm cách rách?
Thái
cười:
-
Em muốn lắm nhưng ngại chị vất vả thôi!
Từ
đó Thái qua nhà bà Nhài ăn uống hàng ngày. Vì là bếp phụ, nên Thái đi làm cùng bếp
chính là ông Tư Bổn nên tiện vô cùng. Cuộc sống của họ trôi qua lặng lẽ trong
một khách sạn sang trọng với vẻ trầm tư của một cung điện soi bóng dưới hồ. Hôm
đó khi Trương Thái quay về nhà, anh qua ngay nhà anh chị Tư. Gặp Thái ông Tư
nói liền:
-
Cậu đi đâu từ sáng tới giờ mới về, anh muốn gặp cậu để bàn công chuyện chứ anh
thấy tình hình này là không ổn?
Thái
hỏi:
-
Anh thấy sao, không ổn chỗ nào hả anh?
-
Bây giờ đàng mình đã cướp được chính quyền rồi, nhưng lực lượng đàng mình còn
non trẻ, anh chắc thế nào tụi Pháp cũng dựa vào tụi Nhật sẽ quay lại đòi cai
trị nước mình như ngày trước. Nhưng thôi, anh tin ủy ban sẽ có cách, cái anh
muốn bàn với cậu là công việc làm ăn kìa. Tình hình này chắc là ở khách sạn
Palace cũng bị ảnh hưởng, khách không tới ở nữa thì anh em mình sẽ không có
việc làm, cái anh lo là chỗ đó!
Trương
Thái nói:
-
Em cũng có mối lo như anh vậy, phần em, em cũng bàn với ba em rồi, hai cha con
sẽ kiếm một chỗ, em hành nghề thuốc Nam, bán chạp phô nếu tiện nấu vài món ăn
bình dân bán cho người mình chắc cũng sống được?
Ông
Tư Bổn ngạc nhiên:
-
Cậu nói bàn với ba, hồi giờ anh không nghe cậu nói về ba của cậu là sao?
Trương
Thái cười tươi, anh kể lại câu chuyện sáng nay cho ông Tư Bổn rõ, ông Tư Bổn
mừng lắm:
-
Chúc mừng cậu đã có cha, chuyện này đáng ra cậu phải làm từ lâu rồi mới phải
chớ?
Trương
Thái trả lời:
-
Thì lâu nay trong lòng em cũng coi bác Ba như người cha của mình, tuy không nói
ra nhưng em biết bác Ba cũng coi em như con trai mà. Nay chuyện cha con mới trở
thành chính thức, bây giờ em là người hạnh phúc, em đã có một gia đình, có anh
chị, có cháu, lại có cha nữa, anh thấy đúng vậy không?
Nãy
giờ bà Nhài nghe hai anh em bàn tán, bà
lắng tai nghe. Khi nghe Thái dự tính mở một cửa tiệm chạp phô kiêm nhà thuốc
Nam và nếu được bán luôn cả mấy món ăn bình dân để làm kế sinh nhai, bà Nhài
nhớ đến món phở ngoài Hà Nội mà có một thời bà đã làm người giúp việc. Sau hai
năm bán phở, bà Nhài đã nắm rõ bí quyết nấu nước dùng, cách chế biến các món
phở tái, tái nạm, gầu gân… Bà Nhài nghe Thái nói vậy, bà góp lời:
-
Hai anh em bàn công chuyện làm ăn có cho tôi góp một lời được không?
Ông
Tư Bổn hỏi:
-
Mình muốn góp ý à?
-
Đúng vậy, em thấy cậu Thái nói cũng phải. Bác Ba giờ lớn tuổi không làm vườn
được thì nghỉ ngơi là vừa. Người ta nói trẻ cậy cha, già cậy con thì cậu Thái
săn sóc bác Ba là phải đạo rồi. Chị thấy cậu tính cũng phải, giờ cậu ra mở tiệm
bán chạp phô kiêm luôn bốc thuốc Nam chữa bệnh cho dân chúng thì cũng hợp.
Nhưng chị nghe cậu tính kiêm luôn chuyện nấu mấy món bình dân bày ra bán là
không được ổn. Cậu coi, ba cái nghề trong con người cậu, giả sử cùng một lúc có
ba người khách vô tiệm của cậu với ba yêu cầu khác nhau thì cậu xử lý ra sao?
Nghe
chị Nhài phân tích, Trương Thái ngớ người ra. Ừ, tính sao nếu có tới ba người
như vậy? Rồi nếu sáu người vào quán với giả sử năm yêu cầu thì không biết mình
phải xoay sở ra sao? Thấy Trương Thái im lặng, bà Nhài hỏi dồn:
-
Sao, cậu tính sao?
Thái
cười trừ:
-
Em cũng chẳng biết tính sao nữa, hay là thôi không bán hàng ăn nữa, em tiếc cái
nghề theo anh Tư mấy năm nay quá!
Bà
Nhài cười:
-
Nếu cậu tiếc tay nghề của mình thì nên ra nhà hàng Chic Shanggai ở Khu Marché
(Khu Hòa Bình) mà xin việc. Với tay nghề nấu ăn của cậu, chị chắc thầy quản lý restaurant sẽ nhận cậu tắp lự khi biết
cậu đã từng là bếp Âu ở hôtel Palace!
Trương
Thái nói:
-
Vậy thì thôi chớ còn đổi đời gì hả chị?
Bà
Nhài nghiêm nét mặt:
-
Là chị nói đùa cậu thôi chứ chị ủng hộ suy nghĩ của cậu mà. Cậu cứ tìm địa điểm
đi, phải nơi nào thuận lợi, hơi rộng một tí để có thể mở được hai cái tiệm. Một
cái cậu bán chạp phô kiêm Nhà thuốc Nam gia truyền, nếu cậu bận chữa bệnh, bác
Ba Phong có thể giúp cậu bán hàng được mà, cho bác Ba nhúc nhắc tay chân để ông
cụ khỏi buồn cũng là điều hay đó cậu ạ. Còn cái tiệm bên cạnh, cậu cứ giao cho
chị, chị sẽ mở một tiệm phở, có gì chị sẽ nhờ tay nghề của anh em cậu chỉ giáo
có được không?
Quay
qua ông Tư Bổn, bà Nhài nói:
-
Mình à, khi nghe cậu Thái nói dự định mở tiệm ăn, em sực nhớ đến thời gian em
phụ việc cho bà cô ở quán phở Thìn ngoài Hà Nội, những hai năm cơ đấy. Em đã
nắm chắc bí quyết của từng công việc, nay hai con mình cũng đã lớn, mình cho em
phụ một tay cùng mình kiếm tiền nuôi nấng hai con chứ?
Ông
Tư Bổn la lên:
-
Cái này mới đây, cái này mới đây, lâu nay ở với nhau đã hai mặt con, anh mới
biết mình có tay nghề nấu phở. Vậy mà lâu nay nấu phở cho cả nhà ăn anh đã múa
rìu qua mất thợ mất rồi!
Bà
Nhài nhìn chồng cười âu yếm:
-
Em nói khi không phải, anh nấu phở ngon lắm nhưng hương vị không giống phở Bắc,
em biết mình nấu ăn theo cách miền Trung hơi ngả về Nam bộ, mình dùng đường có
hơi nhiều có phải không mình? Còn người Bắc chúng em thì cũng dùng đường nhưng
liều lượng không nhiều như trong Nam, vị món ăn miền Bắc vì vậy có phong cách
riêng khác hẳn hương vị món ăn trong này!
Trương
Thái không ngờ suy tính của mình được anh chị Tư ủng hộ. Bây giờ nếu có cả chị
Tư bán phở cạnh tiệm chạp phô anh sẽ mở thì thuận lợi vô cùng. Anh nghĩ thầm
trong đầu “đầu xuôi thì đuôi lọt”, với ý nghĩ đó, Trương Thái thuận tay bấm một
quẻ Mai Hoa, anh mỉm cười nét mặt anh tươi vô cùng, chắc là một quẻ tốt?
Đà
Lạt năm một ngàn chín trăm năm mươi mốt.
Đà
Lạt sau ngày toàn quốc kháng chiến trở nên hoang vắng, dân cư nghe theo lời
hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh một số trở về quê quán làm ăn, một số xuống
Cầu Đất, Dran làm nông. Một số bà con xuống Phan Rang hay ra Phan Thiết sinh
sống. Đà Lạt trở nên vắng vẻ, người dân ở lại bám trụ còn khoảng năm, sáu ngàn
người. Dân số thị xã bị tụt giảm một cách bất ngờ, tuy có buồn nhưng không vì
thế mà Đà Lạt mất đi sinh khí. Khi quân Pháp tái chiếm lại Đà Lạt, thực hiện
chủ trương của Mặt trận Việt Minh, dân chúng đã hồi cư về lại Đà Lạt làm ăn và
làm chỗ dựa cho công cuộc kháng chiến chống Pháp: lấy hậu phương của địch làm
tiền phương của ta. Mới đó mà đã mấy năm rồi, Trương Thái vừa chạy bộ vừa nghĩ
như vậy. Sáng sáng Trương Thái có thói quen chạy bộ từ đường Missions (từ năm
1953 đổi thành đường Nhà Chung) bên cạnh nhà thờ lớn ra đường Yersin (từ năm
1975 đổi thành đường Trần Phú) rẽ lên đường Champoudry (sau này đổi thành đường
Lê Hồng Phong) rồi qua đường Roses (Hoa Hồng – nay là đường Huỳnh Thúc Kháng)
rồi vòng ngược lại ra về. Cái cách chạy bộ thực ra không bằng đi một bài quyền
Ngọc Trản thần công mà Trương Thái học được từ người anh Trương Đại Quá, nhưng
anh muốn mọi người nhìn mình bằng một cặp mắt khác ngày trước. Một số người
Pháp cũng thích môn chạy bộ, Trương Thái cũng chạy bộ như vậy để mọi người đánh
giá rằng ông chủ Nhà thuốc Nam gia truyền là một người thức thời. Căn nhà Trương
Thái tìm thuê năm 1946 ở đường Missions sau chừng mấy tháng anh đã mua đứt từ
người chủ cũ. Sau ngày nổ ra toàn quốc kháng chiến, ông chủ nhà muốn dọn xuống
Dran làm nông để sinh sống nên bán lại cho Trương Thái. Trương Thái dùng số
tiền mà ông Ba Phong sang lại miếng vườn ở ấp Cao Bá Quát để mua cái nhà này và
còn dư được một ít. Những ngày đầu bán hàng chạp phô kiêm luôn xem mạch bốc
thuốc của Nhà thuốc Nam gia truyền, Thái gặp không ít khó khăn. Đà Lạt những
ngày đó vắng người quá, thỉnh thoảng mới có người ghé vào tiệm chạp phô của cha
con Trương Thái hỏi mua vài thứ lặt vặt như vài hộp diêm sinh, lít dầu tây hay
vài con cá nục khô. Cạnh Nhà thuốc Nam gia truyền của Thái, bà Nhài cũng mở một
quán phở bán trong nhà nhưng cũng cùng chung số phận. Thỉnh thoảng mới có người
vào gọi một tô phở, có ngày chỉ lác đác vài người vào ăn, đa phần là khách
quen. Không vì thế mà quán phở trong nhà của bà Nhài kém chất lượng, bà Nhài có
bí quyết nhà nghề nên hương vị phở của bà vẫn hấp dẫn thực khách. Bà Nhài tự tay
tráng bánh phở, thái phở và nấu phở lấy theo cách thức y như tiệm phở Thìn ở
ngoài Hà Nội. Bà Nhài sáng sớm đi mua xương bò ở Abatoir (lò sát sinh) về ninh nhừ cả mười tiếng đồng hồ để làm nước
dùng cho ngày hôm sau, vì thế chất ngọt từ xương bò ứa ra hòa quyện với vị
gừng, hành, hoa hồi nướng chín và các loại gia vị khác thành một thứ nước dùng
ngon ngọt, mùi hương phở ngay từ đầu đường Missions đã nghe thấy.
Dần
dần người tụ hội về Đà Lạt tăng lên, công cuộc làm ăn sinh sống của chị em
Trương Thái cũng phát triển theo đà tăng dân số.
Ông
Tư Bổn vẫn đi làm bếp ở khách sạn Palace. Trái với dự đoán của hai anh em, khách sạn Palace vẫn có khách, vì vậy ông Tư
Bổn không phải thất nghiệp ngày nào. Ông Tư với tay nghề cao, có kinh nghiệm
nên một số quan Tây, các thầy thông, thầy ký, các vị công chức trong hội đồng
thị xã biết tiếng. Mỗi khi vào ăn ở khách sạn Palace những người này thường yêu
cầu được chính tay ông Tư nấu. Giờ thì ông Tư Bổn không còn phải làm theo ca,
ông đã trở thành chef, coi sóc cả một
gian bếp rộng rãi với cả chục người làm việc. Khi nghe ông Tư giới thiệu bà
Nhài có một tiệm phở bán trong nhà ở đường Missions, các thực khách sang trọng
muốn tới thưởng thức thứ phở nguyên gốc Hà Nội, theo lời giới thiệu của bếp Tư Bổn., nhưng đa số đều ngại vì đến
quán ăn ở nhà bà Nhài sẽ phải chung đụng với đám bình dân, như thế thì mất đi
cái thể diện của họ biết bao!
Biết
ý những người này, ông Tư Bổn về bàn với Trương Thái:
-
Anh định nhờ cậu làm một phòng riêng, décorer
(trang hoàng) cho thiệt đẹp để chị cậu bán phở cho đám quan lại, công chức, các
thầy thông, thầy ký cậu coi có được không?
Mắt
Trương Thái sáng lên khi nghe ông Tư Bổn bàn với anh như vậy. Anh gật đầu nói:
-
Chuyện đó anh để em lo, em có quen với một anh bạn làm nghề thợ mộc, ngay ngày
mai em sẽ mời anh ấy đến nhà để sửa căn phòng bên hông nhà theo ý anh.
Ông
Tư Bổn cười:
-
Như vậy là anh yên lòng rồi, cậu tính coi tuần sau có xong không để anh còn
biết đường mời các vị ấy tới nhà mình thưởng thức món phở Hà Nội chị cậu nấu?
-
Em thấy được anh ạ, anh cứ mời đi, ngày chúa nhật thì thật là tuyệt.
Căn
phòng bên hông nhà nơi bà Nhài làm tiệm phở rộng cỡ hai mươi mấy mét vuông,
Trương Thái và anh bạn thợ mộc mất ba ngày thì căn phòng hoàn tất. Khi trang
trí căn phòng, Trương Thái về nhà ông Tư Bổn cắt một chục hoa hồng, thuần một
màu vàng, anh đem về quán phở cắm vào một bình gốm đặt nơi góc phòng, căn phòng
trở nên sang trọng. Ông Tư Bổn ưng ý lắm, ông gật gù:
-
Được, được, cậu décorer khéo lắm, chà
cậu cũng có hoa tay dữ nghen!
Trương
Thái xoa tay chỉ cười không trả lời, ông Tư Bổn nói tiếp:
-
Đây là căn phòng phục vụ khách VIP, để anh mời ông Phó police (cảnh sát) trưởng Đà Lạt đến ăn mở hàng cho chị cậu ở phòng
này.
Ông
Tư Bổn không bắt gặp một nét cười nơi đuôi mắt Trương Thái, ông xuống dặn vợ
chuẩn bị thật kỹ cho buổi khai trương chúa nhật tới làm sao cho thật hoàn hảo.
Trương Thái về lại quán chạp phô, ông Ba Phong thấy Thái hỏi:
-
Nãy giờ con đi đâu, có người tìm con mua thuốc, ba hẹn khoảng ba giờ mời họ
quay lại.
Trương
Thái hỏi:
-
Họ có hỏi mua thuốc gì không hả ba?
-
Dường như là thuốc Dưỡng Thần đan, chà cái thứ thuốc này ba chưa nghe nói bao
giờ?
Trương
Thái nói qua chuyện khác:
-
Ba à, con nhớ hồi trước con nghe ba nói ba biết nấu rượu, bây giờ con nhờ ba
chỉ cho con cách nấu rượu thiệt ngon được không ba?
-
Rượu ta à, mà con không uống rượu thì nấu làm gì?
Trương
Thái kể cho ông Ba Phong nghe chuyện bên nhà anh chị Tư Bổn làm thêm phòng để
phục vụ các quan lại, thầy thông, thầy ký đến ăn phở, anh nói tiếp:
-
Món phở là món quốc hồn quốc túy của người Việt ta, con tính giúp cho chị Tư
bán thêm rượu để các quan ăn phở có cái nhâm nhi. Phở là món ăn của người mình
nên con tính cho uống rượu ta mới hợp, chứ dùng rượu Tàu hay rượu Tây thì giống
như ăn thịt cầy mà uống bière vậy!
Ông
Ba cười sảng khoái:
-
Con nói đúng đó, ăn phở nhắm thêm ly rượu thì đúng là âm dương hòa hợp càng làm
tăng lên sự bổ béo của phở nữa đó con à. Còn cái chuyện nấu rượu, ba sẽ trực
tiếp chỉ cho con nhưng trước hết là phải làm men, men của ba làm theo cách thức
riêng được truyền từ đời ông cố con lận đó. Còn nguồn nước, nước là một thứ
quan trọng, con phải vào sâu trong rừng múc cho được thứ nước thật trong thì
rượu mới trong và sủi tăm!
Trương
Thái mừng lắm, những toan tính của anh đến nay dường như đều thuận lợi, tiệm
chạp phô bán hàng ngày càng đắt, còn Nhà thuốc Nam gia truyền được dân quanh
vùng tìm đến thăm mạch bốc thuốc mỗi khi có bệnh. Có tiếng gõ cửa, Trương Thái
bước ra hỏi:
-
Chào cậu, cậu mua gì ạ?
-
Chào thầy, tôi không mua hàng tạp hóa, tôi muốn mua thuốc!
Trương
Thái nhìn kỹ, đó là một người thanh niên chừng hăm lăm hăm sáu tuổi, dáng gầy
gò, tóc húi cua, gương mặt hơi xanh nhưng đôi mắt rất sáng. Anh nói:
-
Cậu mua thuốc gì?
Người
thanh niên trả lời:
- “Thầy ơi bán cho tôi thuốc Dưỡng Thần đan”?
Trương
Thái đáp:
- “Hai mươi lăm đồng một thang”, cậu mua
mấy thang?
- “Tôi chỉ có hai mươi ba đồng thôi”, thầy
có bán không?
Trương
Thái hạ giọng:
-
Mời cậu đi theo tôi vào trong.
Anh
gọi to:
-
Ba ơi ba coi tiệm cho con, con có khách thăm mạch bốc thuốc.
Ông
Ba Phong lọ mọ từ trong nhà đi ra, chợt thấy người thanh niên ông hỏi:
-
À, đúng là người hỏi mua thuốc hồi sáng, chà tôi dặn cậu ba giờ đến, sao tới
giờ này cậu mới đến hả?
Người
thanh niên trả lời:
-
Chào bác, cháu có việc ở Cité Decoux (nay là Khu C) nên đến trễ một chút!
Trương
Thái kéo tay người thanh niên dẫn thẳng vào bên trong phòng thuốc, với tay khép
cánh cửa phòng thuốc lại, anh hỏi:
-
Cậu truyền đạt mệnh lệnh đi?
Người
thanh niên nói:
-
Có hai việc: anh cung cấp sơ đồ đường Roses càng chi tiết càng tốt, chú ý đến
nhà số 17, càng biết nhiều chuyện về những người ở nhà này càng tốt. Tuần sau
tôi quay lại lấy sơ đồ.
Trương
Thái trả lời:
-
Chuyện này tôi sẽ cố, cũng may sáng sáng tôi đều chạy bộ thể dục ngang qua
đường này nên địa hình tôi đều nắm được, còn chuyện thứ hai là gì?
-
Anh ráng tìm cho chúng tôi một bản đồ địa hình vùng Đà Lạt, nếu được cả tỉnh
Lâm Viên thì càng tốt.
Trương
Thái mở hộc tủ thuốc, anh gói một gói táo tầu đưa cho người thanh niên:
-
Anh mang thang thuốc này về sắc uống, nhớ nước thứ nhất nấu ba chén nước sắc
còn một chén, nước thứ hai nấu hai chén nước còn lại tám phân, hòa chung lại
chia ra uống làm hai lần sau khi ăn cơm, nghe chưa?
Rue de Roses, đường Hoa Hồng là tên gọi
một con đường chạy ngang qua triền một quả đồi. Hai bên con đường những biệt
thự của người Pháp nằm lặng lẽ trong từng khu vườn riêng biệt. Người Pháp thích
ở trên đồi cao nên từ khi lập nên thành phố người Pháp đã xây dựng được hàng
ngàn ngôi biệt thự để phục vụ cho giới công chức thuộc địa nghỉ dưỡng. Những
ngôi biệt thự mang một phong cách của nhiều vùng miền bên đất Pháp, điều đặc
biệt là không có sự lập lại trong kiến trúc xây dựng ở những tòa biệt thự này,
nên Đà Lạt được đám quan lại Pháp Việt gọi là “tiểu Paris”. Các biệt thự Pháp ở
Đà Lạt dường như là một phần hồn của một thành phố trẻ, lẫn trong sương sớm hay
ráng chiều, những ngôi biệt thự hòa nhập vào không gian thơ mộng của miền cao
nguyên xứ lạnh.
Trương
Thái chạy marathon ngang qua đường
Roses, vừa chạy anh vừa nghĩ đến những chuyện trong mấy năm qua. Nhà số 17 là
một biệt thự nằm bên trái, phía trên talus
dương của con đường. Đó là một ngôi biệt thự khá rộng, có gara xe, có nhà dưới
dành cho bồi bếp và nhà trên dành cho
chủ nhà. Tên Haaz Victor là Phó Thanh tra các cơ quan an ninh đang ở nhà này.
Mẹ con bà Bảy Sự làm bồi bếp cho tên Haaz được mấy năm. Năm ngoái Trương Thái
tình cờ quen bà Bảy khi bà Bảy ra tiệm chạp phô của anh mua một ít thuốc bắc về
tiềm bồ câu cho cô con gái của bà tẩm bổ, cô vừa qua một trận thương hàn, dù đã
chữa khỏi ở nhà thương thí nhưng cô ốm lắm. Bà Bảy than với Trương Thái:
-
Cháu nó ốm như một con mèo ướt, trông đến tội nghiệp, tôi mua mấy con bồ câu ra
ràng về tiềm thuốc bắc cho cháu ăn, thầy bán cho tôi ít thuốc!
Thái
hỏi:
-
Cháu hỏi khi không phải, dì ở đâu?
-
Tôi làm bếp, còn con gái tôi làm bồi cho quan lớn thanh tra Haaz, tôi ở
nhà 17 rue de Roses gần đây cậu ạ!
Thỉnh
thoảng Trương Thái gặp bà Bảy đi chợ ở khu Marché,
bà Bảy thấy Thái đều chào niềm nở. Hôm ấy Trương Thái đang đạp xe qua gần nhà
hàng Chic Shanggai, bà Bảy gọi to:
-
Cậu Thái, cậu Thái!
Thái
ngừng xe, anh chào bà Bảy:
-
Chào dì, dì đi đâu vậy?
-
Chào cậu, tôi đi mua ít đồ cho ông chủ, gặp cậu tôi mừng quá, tôi định tới tiệm
chạp phô tìm cậu để nói lời cám ơn nhưng bận rộn công việc chưa đi được. Nhân
tiện gặp cậu đây tôi cám ơn cậu rất nhiều!
Trương
Thái ngạc nhiên hỏi:
-
Cháu có làm gì đâu mà dì cám ơn?
Bà
Bảy trả lời:
-
Tôi cám ơn cậu vì hai lẽ: trước hết là thuốc cậu bán cho tôi tốt lắm, cậu lại
chỉ cách tiềm bồ câu của cậu nên con bé nhà tôi giờ đã thắm da đỏ thịt. Thứ hai
là cậu nhắc tôi giữ kín chuyện thịt bồ câu với ông chủ, tôi đâu biết là người
Âu không ăn thịt bồ câu, cậu ơi?
Trương
Thái sực nhớ đến bữa nói chuyện với bà Bảy, chuyện chim bồ câu tiềm với thuốc
bắc là một món nhanh lại sức cho những người bệnh nặng Trương Thái biết từ lâu.
Những năm làm bếp với ông Tư Bổn, anh được người anh nuôi bày cho nhiều chuyện.
Câu chuyện người Âu không bao giờ ăn thịt bồ câu, bởi bồ câu tượng trưng cho
hòa bình anh Tư cũng dạy cho Thái và dặn Thái rằng đừng bao giờ đụng tới thứ
chim này cho dù người Pháp ở Đà Lạt nuôi rất nhiều. Trương Thái nghe bà Bảy dự
định tiềm bồ câu với thuốc bắc cho cô con gái ăn mau lại sức, anh mới nhắc nhở
bà nên làm kin kín một chút, đừng để cho ông chủ biết thì sẽ rắc rối to. Trương
Thái hỏi:
-
Ông quan lớn Haaz có biết chuyện dì tiềm bồ câu cho cô nhà ăn không?
- Chắc
là ông ấy không biết, nhưng khi thấy một ít lông bồ câu tôi chưa kịp dọn, ông
ấy có hỏi tôi, tôi nói trớ qua là chắc con mèo bắt bồ câu. Quan lớn chửi mẹc xà lù một hồi rồi nói bọn Annammit chúng mày hay ăn vụng bồ câu, tao
mà bắt được thì rờ hồn! May quá cậu nhắc tôi chớ không thì….
Chạy
bộ gần tới nhà số 17, Trương Thái thấy một chiếc xe hơi Peuguot 203 từ trong nhà chạy ra, trong xe là một tên Pháp mặc đồ
dân sự cầm lái, chắc đây là Phó thanh tra Haaz. Trương Thái cố ghi nhớ kỹ khuôn
mặt âm trầm cau cáu của tên mật thám. Hắn cũng liếc qua Trương Thái một cái rồi
lái xe chạy thẳng. Thấy chiếc Pờ rô đơ
xăng troa chạy khuất sau một đường cua, Trương Thái quay lại nhà số 17, anh
gọi to:
-
Dì Bảy ơi, mở cửa cho cháu với!
Bà
Bảy Sự nghe gọi từ trong nhà đi ra:
-
Ai gọi đấy!
-
Cháu là Thái đây.
-
Chào cậu, cậu chạy thể dục à?
Trương
Thái cười:
-
Sáng nào cháu cũng chạy ngang đây, sáng nay trước khi chạy cháu quên uống nước,
khát quá, cháu sực nhớ tới dì, dì cho cháu xin ly nước!
Bà
Bảy Sự vui vẻ:
-
Ối tưởng gì, cậu vào đây tôi lấy nước cho cậu uống.
Trương
Thái theo bà Bảy vào nhà, anh cố ghi nhớ từng chi tiết của căn nhà tên mật thám
Haaz. Anh nói:
-
Cháu ít khi được vào nhà của các quan Tây, dì cho cháu xem qua chút được không?
Bà
Bảy nhiệt tình:
-
Tưởng gì, để tôi giới thiệu cho cậu từng phòng của cái biệt thự này, người ta
thường nói “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ
Nhật” cậu nghe bao giờ chưa?
Vừa
đi theo bà Bảy, Trương Thái vừa hỏi:
-
Nghĩa là sao hả dì?
-
Thì ăn cơm Tàu nhiều món ngon, nhà Tây thì rộng rãi, phòng nào ra phòng nấy,
lại sang trọng nữa, còn lấy vợ Nhật, phụ nữ Nhật rất chiều chồng và nghe lời
chồng trong tất cả các công chuyện!
Trương
Thái ra bộ vui vẻ:
-
Vậy ư, chắc là cháu phải kiếm một cô vợ người Nhật mới được.
Không
để bà Bảy trả lời, làm ra vẻ vô tình Trương Thái hỏi:
-
Ông chủ đi làm rồi hả dì?
Bà
Bảy nói:
-
Sáng ông ấy tự lái xe đi, chiều tầm 5 giờ ông ấy lái về, chuyện làm việc của
các quan Tây tôi không rành lắm, nhưng thỉnh thoảng ông ấy dẫn khách về, bảo
tôi làm bíp tếch, nấu ragu bò… cho ông chủ đãi khách.
Bà
Bảy còn nói nhiều chuyện nữa, dường như bà lấy công việc của bà làm quà cho
Trương Thái, Trương Thái đắc ý cười mỉm một mình.
Chào
bà Bảy Sự ra về, Trương Thái cố ghi nhớ các chi tiết, vừa chạy Trương Thái vừa
huýt sáo một điệu nhạc Tây đang thịnh hành, không ngờ anh hoàn thành nhiệm vụ
một cách nhanh chóng như vậy.
Về
đến nhà, bà Nhài qua tiệm chạp phô gọi Thái:
-
Cậu Thái có rảnh qua giúp chị một tay.
Tiệm
phở trong nhà bà Nhài đang đông khách, một mình bà Nhài trở tay không kịp. Cũng
may hai tiệm nằm cạnh nhau, Thái có thể chạy qua chạy lại giúp đỡ bà Nhài những
lúc như thế này. Vừa hết khách, Trương Thái kêu bà Nhài lại và nói:
-
Chị ngồi xuống đây, em có ý này muốn trình bày với chị?
Bà
Nhài ngạc nhiên:
-
Chuyện gì hả cậu?
Thái
cười nói:
-
Cũng không có gì quan trọng đâu chị. Lâu nay nhìn cách chị nấu phở, em thấy
ngon lắm nhưng nghĩ kỹ thấy còn thiếu thiếu.
Bà
Nhài lo lắng:
-
Chị nấu thiếu cái gì hả cậu, chị nhớ làm đúng cách tiệm phở Thìn của bà cô chị
mà?
Trương
Thái nghiêm giọng:
-
Phải, chị nấu đúng cách của món phở Hà Nội. Phở Hà Nội lấy cái vị ngọt của
xương bò làm chủ, gia giảm thêm các hương vị khác để làm nước dùng. Nước dùng
phải thật trong mới đạt yêu cầu. Còn phở tái, tái chín, chín nạm…là tùy thuộc
vào người ăn. Chị chỉ nêm một ít hành hoa lên trên tô phở, thực khách vắt một
lát chanh, vài lát ớt, chút tương ớt bắc là ăn ngay. Đúng phở Hà Nội gốc là như
vậy, chị không nấu sai đâu, chị đừng lo!
Bà
Nhà hỏi dồn:
-
Vậy cậu bảo chị phải thêm thắt thứ gì hả cậu?
Trương
Thái nói:
-
Em có ý nghĩ như vầy, em muốn bàn với chị thêm thắt một ít đặc thù của Đà Lạt
vào trong tô phở chị nấu!
Bà
Nhài ngạc nhiên hết sức:
-
Là sao, cậu nói rõ tí nữa được không?
-
Em hỏi chị, người Đà Lạt trồng gì?
Cô
Nhài chưa hết thắc mắc:
-
Trồng lê ghum (rau), cái đó ai mà
không biết hở cậu?
-
Chị nói đúng, người Đà Lạt trồng lê ghum
từ nhiều năm trước, em còn nhớ năm 1942 ở trường tiểu học Pháp – Việt (nay là
trường tiểu học Đoàn Thị Điểm) có tổ chức một cuộc triển lãm rau hoa, ngay cả
người Pháp cũng trầm trồ những thứ rau hoa trồng ở Đà Lạt còn tốt hơn bên Pháp,
dù giống rau hoa từ bên ấy mang qua. Trong các thứ rau xà lách em thấy xà lách corol có màu trắng rất đẹp, ăn lại giòn
và ngọt, hay là chị dọn thứ rau xà lách ấy mời thực khách ăn kèm với phở để hỏi
ý kiến họ xem, em tính nếu được lấy cái đó làm cái hương vị riêng của món phở
nhà này. Chị thấy có được không?
Mắt
bà Nhài sáng lên, bà “a” lên một tiếng:
- Ý
em hay lắm, để từ ngày mai chị thử xem khách ăn phở có ý kiến thế nào, cảm ơn
cậu nhiều lắm.
Trương
Thái nói tiếp:
-
Chưa hết đâu chị ạ, em còn một chuyện
nữa nhân tiện bàn thêm với chị?
Chưa
hết phấn khích, bà Nhài nói:
-
Cậu nói đi, còn gì nữa hả cậu?
-
Em đang học với ba em cách nấu rượu, chị thấy Đà Lạt mình buổi sáng thì lạnh
lắm, ăn tô phở mà có thêm ly rượu thì còn gì bằng, ai có nhu cầu chị cứ bán để
có thêm đồng ra đồng vô chị à!
Bà
Nhài cười tươi khen:
-
Sao hôm nay cậu lại chỉ cho chị hai ý kiến hay thế không biết, cám ơn cậu, chị
cám ơn cậu nhiều lắm!
Hôm
ông phó cảnh sát trưởng Đà Lạt Jumeau
vào ăn phở, đó là một ngày chúa nhật. Buổi sáng mặt trời lên tới ngọn thông là
lúc tan lễ sớm. Trước cổng Nhà thờ lớn, còn gọi là nhà thờ Chánh tòa, các con
chiên ngoan đạo túa ra sau khi lễ xong. Đàn ông đi lễ nhà thờ ngày chúa nhật
mặc complet thắt cravate đàng hoàng, còn phụ nữ, các bà các cô mặc áo dài, tay cầm
dù, trên cổ các bà các cô có tấm khăn foulard
phất phới trong gió sớm. Phó cảnh sát trưởng Đà Lạt là một người Pháp thực dân
chính gốc, ông Jumeau ăn được cả mắm tôm và nói tiếng Việt rất sỏi. Hôm trước
ông Tư Bổn gặp ông Jumeau ở hôtel
Palace, ông Tư mời Jumeau tới nhà mình ăn phở, món phở gia truyền nguyên gốc Hà
Nội do chính tay vợ ông, một người Hà Nội gốc tự tay nấu. Viên phó cảnh sát
trưởng thích thú lắm, ông luôn miệng “très
bien” (rất tốt) và hứa với ông Tư chúa nhật tuần này sẽ ghé nhà ông Tư ăn
phở.
Tan
lễ, ông Jumeau đi bộ đến đường Missions, vừa đi Jumeau vừa quan sát hai bên đường.
Đó là thói quen của những viên cảnh sát, nhất là trong giai đoạn này, giữa
những người bản xứ đang làm ăn buôn bán không biết ai là Việt Minh? Người bản
xứ thường tỏ ra khúm núm trước mặt ông, nhưng Jumeau không biết bên trong họ
nghĩ gì? Ông Tư Bổn đón Jumeau ở cửa tiệm, ông Tư cười thật tươi:
- Bonjour monsieur!
Jumeau chào lại:
-
Chào buổi sáng ông Tư, hôm nay tôi ghé tiệm phở nhà ông để thưởng thức món phở
Hà Nội gốc như lời ông giới thiệu.
Ông
Tư Bổn đáp:
-
Chúng tôi rất vinh dự đón ngài đến ăn phở nhà tôi, xin mời ngài vào.
Vừa
vào trong căn phòng VIP, viên cảnh sát nói:
- Oh la la! Thật tuyệt vời, những đóa hoa
hồng này mới đáng yêu làm sao, très bien,
très bien.
Đó
là bình hoa hồng màu vàng mà Trương Thái tự tay vào nhà ông Tư Bổn ở Saint Jean
cắt và cắm vào một cái lộc bình và đặt ở một góc phòng, có lọ hoa hồng căn
phòng phảng phất một nét Tây khiến viên cảnh sát trầm trồ. Ông Tư Bổn nghĩ thầm
hóa ra trong con người của tên thực dân này cũng còn chút thiện lương, người mà
yêu hoa tất nhiên đối xử với người có tấm lòng nhân ái. Có phải như vậy không,
câu trả lời đến với ông Tư Bổn một thời gian ngắn sau đó.
Nhìn
cách ăn phở của ông Jumeau, ai cũng nghĩ rằng ông ta là người Việt. Những người
Pháp khi ăn thường dùng muỗng nỉa, khi buộc phải dùng tới đũa của người Việt,
họ lóng ngóng vô cùng. Còn Jumeau thì không như vậy, ông ta ăn cứ y như dân bản
xứ. Món phở là món ăn Việt ông Jumeau thích nhất. Bà Tư Bổn mang lên một đĩa
rau xà lách corol, bà nói:
-
Xin mời ngài!
Ông
Jumeau ngạc nhiên nhìn đĩa rau:
-
Cám ơn bà, món salad này để làm gì
vậy?
Bà
Nhài nhìn chồng cầu cứu, lâu nay bà ít tiếp xúc với người Pháp nên e ngại,
không biết trả lời ra sao, dù ông người Pháp này cũng nói tiếng Việt một cách
rành rẽ không kém người Việt là mấy. Ngược lại với vợ, ông Tư Bổn hàng ngày
thường xuyên tiếp xúc với người Âu, nên ông quen với cách nói chuyện, tính tình
của họ. Thấy vợ lúng túng, ông Tư Bổn đỡ lời:
-
Thưa ngài phó cảnh sát trưởng, đây là sáng kiến của nhà tôi. Phở nguyên gốc Hà
Nội khi ăn không kèm với bất cứ thứ rau nào, nhà tôi trộm nghĩ người Pháp mang
các giống rau xứ ôn đới qua trồng tại Đà Lạt, ngờ đâu rau phát triển rất tốt,
lại trồng được quanh năm nên nhà tôi mới thử dùng thứ xà lách cô rôn là một thứ
rau cao cấp từ Pháp mang qua xứ này trồng để ăn kèm với phở Hà Nội nấu tại Đà
Lạt, gọi là mang một chút hương vị của vùng đất Đà Lạt vào món ăn ngon nhất của
người Việt. Mời ngài dùng thử và cho ý kiến?
Chỉ
tay vào đĩa rau quế ông Tư Bổn tiếp:
-
Còn đây là rau quế, loại rau này thuần túy của xứ chúng tôi, mùi vị nó rất
thơm, tôi nghĩ nó sẽ làm cho tô phở thêm hương vị, đây là sáng kiến của tôi,
mời ngài dùng thử?
Viên
quan cảnh sát trố mắt nghe ông Tư Bổn nói. Nhìn tô phở tái nạm đang bốc khói
trước mặt, Jumeau ngửi mùi thơm bốc ra từ món ăn đặc sắc này, ông ta nuốt nước
bọt. Lâu nay ăn phở của người bản xứ, Jumeau chưa bao giờ ăn kèm với rau, nay
nghe bếp Tư Bổn trình bày ý tưởng,
Jumeau khá ngạc nhiên. Ông cảnh sát gắp một cọng rau quế đưa lên mũi ngửi và
cho vào tô cùng với một lá xà lách cô rôn. Ông ăn hai thứ rau với đũa phở kèm
theo một lát thịt bò tái. Sau khi nuốt xong, Jumeau múc một muỗng nước dùng,
viên cảnh sát húp thứ nước soup với
sự khoái trá không giấu diếm. Jumeau luôn miệng khen “ngon, ngon quá!”, lần này
ông ta nói bằng tiếng Việt, dường như ông tán thưởng cho tài nấu phở và sáng
kiến của bà chủ tiệm.
Jumeau
không tiếc lời khen món phở do bà Nhài nấu, khi trả tiền viên cảnh sát pourboire (tiền boa) một cách hậu hĩ
khiến bà Nhàn ngạc nhiên. Lâu nay bán phở cho người mình, bà Nhàn lấy bao nhiêu
người ta trả bấy nhiêu. Nay ông quan Tây này khen thì chớ, lại cám ơn và con
cho thêm tiền bà nữa! Trước khi ra về, Jumeau nói:
-
Chào ông bà, hôm nay tôi được thưởng thức một bữa le petit dejeuner (ăn sáng)
trên cả tuyệt vời. Tôi xin mạn phép ông bà cho tôi đặt tên cho tiệm phở của nhà
ta, đó là tiệm phở Hoa Hồng, ông bà đồng ý chứ?
Ngày
mười một tháng năm năm một ngàn chín trăm năm mươi mốt, lúc năm giờ chiều, tên
Phó thanh tra các cơ quan an ninh Haaz Victor của nhà cầm quyền Đà Lạt bị đội
cảm từ quân Phan Như Thạch bắn chết tại nhà. Đội cảm từ đã dùng xe của tên này
chạy ra chiến khu, đến con dốc khi vừa qua thác Cam Ly, chiếc xe chết máy. Lúc
đó có hai xe nhà binh của lính Pháp đi tuần phát hiện, một cuộc tao ngộ chiến
xảy ra, quân du kích đã thoát thân chạy vào chiến khu an toàn. Để trả thù, ngay
trong đêm đó, thực dân Pháp đã mang hai mươi tù nhân chính trị ra xử bắn ở Cam
Ly, trong đó có một người thoát chết một cách thần kỳ, đó là bà Nguyễn Thị Lan.
Trương
Thái nghe tin đội cảm tử quân Phan Như Thạch ngay tối ngày mươi một tháng năm.
Còn 19 chiến sĩ bị địch bắn một cách man rợ anh nghe tin vào sáng hôm sau. Đây
chính là một quả bom nổ trong lòng thị xã Đà Lạt. Ngay ngày mười hai hàng ngàn
người Đà Lạt xuống đường biểu tình phản đối. Các báo nước ngoài cũng nhận được
điện tín và giật những cái tít khiến dư luận thế giới bất bình. Quốc hội nước
Cộng Hòa Pháp họp và lên án gay gắt cuộc thảm sát này.
Ngày
mười ba tháng năm, bác sĩ Đặng Đình Quế, thị trưởng thị xã Đà Lạt và viên Phó
cảnh sát trưởng Đà Lạt Jumueau bị cách chức.
(Hết chương 8)
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Lạt ngày 18/02/2016
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét