Home
» Tiểu thuyết - Truyện dài
» Xứ hoa hồng (Buổi ra mắt đầu tiên/ Học nghề/ Bối bối) – Truyện dài của Võ Anh Cương
Xứ hoa hồng (Buổi ra mắt đầu tiên/ Học nghề/ Bối bối) – Truyện dài của Võ Anh Cương
Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014
Thầy trò nhà mèo ta bị người đàn ông kỳ dị mang lên con
thuyền. Ông ta ra vẻ thích thú với món quà trời cho này. Miệng ông ta tủm tỉm
cười nhe một bộ răng vàng khè, có lẽ cả đời ông ta không biết đánh răng là gì
chăng? Nếu Tí Hon thấy cảnh tượng này, cậu sẽ chẳng ngần ngại lên lớp cho học
trò của mình một bài học về vệ sinh thân thể. Phải biết rằng họ nhà mèo rất sơ
sài trong việc rửa mặt. Buổi sáng Minu chỉ dùng chân trước bôi một chút nước
miếng và xoa qua khuôn mặt. Vậy là xong! Minu đã từng bị thấy Miêu mắng: - Mi
đánh răng rửa mặt thế à? ...
Thông tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Võ Anh Cương
Bút danh khác Văn H. Cương
Sống và làm việc tại Đà Lạt.
Địa chỉ Nguyễn Hữu Cương 01 Yersin Đà Lạt
ĐT: 0982.582.298 - 0633.830660
_____
XỨ HOA HỒNG
BUỔI RA MẮT ĐẦU TIÊN
Thầy trò nhà mèo ta bị người đàn ông kỳ
dị mang lên con thuyền. Ông ta ra vẻ thích thú với món quà trời cho này. Miệng
ông ta tủm tỉm cười nhe một bộ răng vàng khè, có lẽ cả đời ông ta không biết
đánh răng là gì chăng? Nếu Tí Hon thấy cảnh tượng này, cậu sẽ chẳng ngần ngại
lên lớp cho học trò của mình một bài học về vệ sinh thân thể. Phải biết rằng họ
nhà mèo rất sơ sài trong việc rửa mặt. Buổi sáng Minu chỉ dùng chân trước bôi
một chút nước miếng và xoa qua khuôn mặt. Vậy là xong! Minu đã từng bị thấy Miêu
mắng:
- Mi đánh răng rửa mặt thế à? Hèn chi cái
mồm mi thối quá chừng chừng!
Minu nghe câu mắng của thầy Miêu bằng một
thái độ bình thản, nó chẳng lấy câu mắng đó làm điều. Dù sao mèo cũng chỉ là
mèo, đầu óc chúng nhỏ xíu làm sao có thể tiếp thu được những điều đại loại như
vệ sinh thân thể chứ?
…Bây giờ hai thầy trò đang nằm trong bị,
hồi hộp không biết số phận của mình sẽ ra sao? Người đàn ông kỳ dị gọi to:
- Bé một đâu, bé hai đâu mau ra đây xem
ta mang về cái gì nào?
Chỉ nghe hai tiếng reo của hai cô con
gái, áng chừng mười một mười hai tuổi. Chúng tranh nhau nói:
- Bố mang gì về cho chúng con thế, ăn
được không hở bố?
- Đã bảo bố đừng gọi bé một bé hai mà bố
cứ gọi vậy hoài. Bố quên mất tên chúng con là Bối Bối và Bội Bội rồi à?
Cô gái thứ hai nói bằng một giọng cằn
nhằn. Chính điều này giúp cho Tí Hon đoán ra tuổi tác của chị em cô gái. Chúng
bắt đầu lớn không muốn mọi người gọi tên thân mật như hồi còn nhỏ. Ông bố dịu
giọng:
- Ô, bố quên mất, bố xin lỗi các con!
Ông bố này tội nghiệp thật, Tí Hon đã bớt
ác cảm với người bắt cóc mình. Cậu biết rằng với người làm cha làm mẹ, con cái
họ bao giờ cũng còn nhỏ lắm, cần phải bảo bọc, che chở. Huống chi đây chỉ là
hai cô con gái mới nứt mắt đòi làm người lớn!
Người đàn ông mở chiếc bị, hai cô con gái
tò mò chúi đầu vào chiếc bị để xem. Bên trong bị, Tí Hon và Minu dương bốn con
mắt nhìn lên. Cô chị reo lên:
- Ôi con mèo, con mèo xinh quá!
Cô em thì nói:
- Con búp bê, con búp bê nhỏ xíu, bố ơi
nó ở đâu ra vậy hở bố!
Tấn công trước thôi, Tí Hon nhủ thầm, cậu
sợ người đàn ông cột bị lại thì chán chết! Tí Hon nói:
- Ta là thằng người, còn vì sao ta nhỏ
xíu cô mang ta ra ta sẽ kể cho cô nghe?
Cô em ngạc nhiên quá, cô cười tít mắt:
- Nó còn biết nói nữa, bố ơi cho con nhé?
Ông bố quát:
- Không được, chúng bận kiếm tiền cho nhà
ta!
Cô em tiu nghỉu:
- Bố! cho con đi bố?
- Ta đã nói rồi, không được là không
được!
- Bố cho con chơi một chút thôi, nhé bố?
Ông bố ngần ngừ:
- Chắc chúng không chạy đi đâu được,
chúng đang ở trên thuyền mà. Thôi cho các con chơi đó, nhưng một chút thôi
nghe?
Mừng quýnh, Bội Bội thò tay vào cái bị
bồng ngay Tí Hon ra. Lúc ấy lưng Tí Hon quay về phía Bội Bội, mặt cậu nhìn thấy
người đàn ông. Tí Hon cười ngặt nghẽo, ôi gương mặt ông ta trông buồn cười quá!
Người đàn ông quát:
- Mi cười cái gì chứ? Bộ mi chưa bao giờ
thấy một “thằng hề” à?
Ông ta làm mặt xấu nhìn Tí Hon, cậu càng
cười dữ, nước mắt nước mũi chảy tèm lem. Minu thì bình thường, với mèo, người
chỉ đơn giản là người mà thôi, chả đẹp chút nào. Nó “meo” lên một tiếng, điều
ấy có nghĩa là:
- Thầy Miêu ơi, thầy cười gì vậy, trông
“dô diên” quá!
Nghe câu bình luận của học trò, Tí Hon
ngừng ngay trận cười, cậu mắng:
- Đúng là đồ mèo, ta cười mà vô duyên à,
ta mới nghe lần đầu đó!
(Còn tiếp)
HỌC NGHỀ
Một cuộc sống mới bắt đầu. Buổi sáng thầy
trò nhà mèo thức dậy lúc mặt trời vừa mọc, lúc ấy con thuyền đang nằm tại một
bến sông nào đó. Đây là đâu, Tí Hon không biết và cũng không có ai trả lời câu
hỏi này của cậu. Bối Bối và Bội Bội còn nhỏ quá, chúng chỉ biết đây là một con
thuyền, thế thôi. Còn những người lớn không ai buồn trả lời câu hỏi của một
thằng người nhỏ xíu. Họ là người trong một đoàn hát rong, họ đến một bến sông
dừng lại vài bữa để biểu diễn những trò ảo thuật, những bài hát dân ca, những
trò chơi lạ mắt và những gì có thể kiếm ra tiền. Người dân sống chung quanh bến
sông quanh năm làm lụng vất vả, họ rất mong những người trong đoàn hát rong này
đến diễn trò cho họ xem và sẳn sàng trả một món tiền nhỏ để mua những trận cười
hay trố mắt ngạc nhiên bởi những trò ảo thuật. Nếu không có tiền, thì nông sản
họ làm ra là thứ họ trả công cho đoàn hát. Vì vậy, người chủ đoàn hát, chính là
“thằng hề” cha của Bội Bội và Bối Bối, rất quan tâm đến những tiết mục lạ.
Sau hai hôm ở trên thuyền, buổi sáng thứ
ba, thầy trò nhà mèo bị ông chủ đưa đến một khoang thuyền rộng. Ông nghiêm mặt
hỏi:
- Thằng nhỏ, hai hôm nay mi biết một ít
chuyện rồi, vậy mi có biết rằng thức ăn hàng ngày mà mi ăn ở đâu ra không hả?
Tí Hon chau mày, chuyện ăn uống hàng ngày
lâu nay cậu không để ý, vả chăng cậu ăn có nhiều nhặn gì, chỉ một thẻo cơm là
đã no bụng. Cậu nói:
- Thức ăn hàng ngày là do người trên
thuyền dọn cho thầy trò ta, nhưng ông có ý gì chứ?
Ông chủ đoàn hát trả lời:
- Tất cả chúng ta phải vất vả mới tìm ra
cái ăn cái uống hàng ngày, vì vậy mọi người đều phải làm việc, mi cũng không là
ngoại lệ!
Tí Hon phản đối:
- Nhưng ta có muốn sống ở đây đâu, chính
ông bắt chúng tôi lên con thuyền này, thì ông phải có trách nhiệm cho chúng tôi
ăn chứ?
Ông chủ đỏ mặt:
- Đúng là ta bắt mi và con mèo lên thuyền
này, nhưng đã ở đây rồi, ai cũng phải làm việc cả, mi nhớ lấy!
Tí Hon hỏi lại:
- Nhưng chúng tôi phải làm việc gì chứ?
- Đơn giản thôi, những gì ta dạy là những
trò chơi làm cho người ta vui, rất dễ thực hiện nếu các người chú ý.
Nghe nói đến trò chơi, Tí Hon thấy tò mò,
cậu nói liền:
- Ông thử bày đi, nếu được ta làm ngay
thôi?
Chỉ chờ có vậy, “thằng hề” cười lớn:
- Dễ ợt, các người đâu, đem đồ nghề ra
đây!
Bắt đầu từ hôm ấy, Tí Hon và Minu học
nghề làm cho thiên hạ vui. Quả là những trò chơi này quá dễ với hai thầy trò.
Đầu tiên là trò phóng qua vòng, cái vòng được treo trên cao, nhiệm vụ của Minu
là cõng thầy Miêu phóng qua đó. Nó làm ngọt sớt khiến ông chủ hài lòng, ông
nói:
- Con mèo này làm tốt lắm, tẩm dầu vào
vòng mau để cho con mèo phóng qua vòng lửa!
Vòng lửa khiến hai thầy trò càng thêm
hứng khởi, Minu phóng qua phóng lại mà lửa không đốt được cọng lông nào của nó,
Minu luôn miệng “meo” “meo” liên tục. Ông chủ cũng vui không kém, ông vỗ tay
đôm đốp cổ vũ cho thầy trò nhà Tí Hon.
Trò tiếp theo là trò đu dây, hai thầy trò
Tí Hon cũng biểu diễn thành thạo sau lần hướng dẫn đầu tiên của ông chủ. Ông
chủ vui lắm, ông tuyên bố:
- Tối nay đi làm bữa đầu tiên, người đâu
thưởng cho con mèo một con cá nướng, còn chủ nó thì…ăn chung với nó!
Ông chủ cười ha hả, khuôn mặt hề của ông
ta khi cười hay khi khóc đều khiến người ta cười đến chảy nước mắt. Tí Hon cười
đau cả bụng khi nhìn thấy ông chủ vui vẻ vì sự tiến bộ đáng ngạc nhiên của thầy
trò cậu.
Minu thản nhiên nhìn ông thầy, nó nói:
Minu thản nhiên nhìn ông thầy, nó nói:
- Thầy Miêu nghe rồi đó nhé, thầy ăn
chung cá nướng với em, em sẽ chia cho thầy một cái vây nhé?
Tí Hon thôi cười, cậu trợn mắt nhìn học
trò, con mèo tỉnh queo cười mỉm chi, mắt nó long lanh như hai hòn bi ve xanh
thẳm. Tí Hon la:
- Cái thằng mèo này!
Tí Hon và Minu đã cò một nghề để kiếm
sống như vậy đó!
(Còn tiếp)
BỐI BỐI
Bối Bối rất yêu con mèo, nhưng cô chưa
làm quen được với Minu. Minu vẫn lãnh đạm với cô dù cả hai đã ở chung thuyền
đến mười ngày. Ngày đầu tiên Minu và thầy nó đi làm là cả một sự kiện trọng đại
ở bến sông. Người ta kháo nhau về một thằng người tí hon có tài cưỡi hổ làm trò
cho thiên hạ xem. Cả bến sông và vùng phụ cận người ta tấp nập đến xem đoàn hát
rong biểu diễn. Tí Hon rất hồi hộp với lần “đi làm” này. Từ trước đến nay, cậu
chưa bao giờ phải đi làm để kiếm sống, cho dù phải lưu lãng giang hồ nhưng đi
đến đâu cậu cũng không phải lo đến cái ăn hàng ngày. Còn mặc thì cậu lại càng
không để ý đến. Bộ đồ vàng óng cậu mặc trên người là một bộ áo quần kỳ dị và lý
thú. Nó tự sạch cho dù cậu có lăn vào bùn đất. Lạ hơn nữa, mùa đông nó cực kỳ
ấm áp, còn mùa hạ lại mát mẻ vô cùng. Vì vậy, cậu không bao giờ thấy khó chịu
trong người bất kể thời tiết thế nào. Đặc biệt hơn nữa, bộ áo quần kỳ lạ đó lại
thoang thoảng hương thơm, một mùi hương nhẹ nhàng nhưng có sức quyến rũ đối với
các cô con gái.
Bây giờ cậu phải đi kiếm sống theo ý muốn
của ông chủ đoàn hát rong – “thằng hề” trên sân khấu bến sông. Nhưng Tí Hon lại
không cảm thấy bực bội chút nào vì phải đi làm việc. Cậu được tiếp xúc với
nhiều người là một niềm vui không gì so sánh được.
Ông chủ trong bộ quần áo hề bước ra sân
khấu, ông tuyên bố:
- Thưa bà con, đã rất lâu đoàn hát rong
chúng tôi mới trở lại bến sông này, hôm nay nhân lần ghé lại vùng đất của quý
bà con, chúng tôi có một trò vui mới cống hiến cho bà con đêm nay. Đó là một
nhân vật đặc biệt: người tí hon cưỡi hổ con. Nào xin mời bà con hướng mắt về
sân khấu!
Khán giả chưa xem diễn trò, nhưng khi
thấy mặt ông chủ đoàn hát rong đã cười ồ vui vẻ, cho dù ông chủ cố gắng phát
biểu bằng một giọng điệu nghiêm trang!
Trong tiếng nhạc vui nhộn, Tí Hon oai vệ
cưỡi lên lưng Minu đi ra sân khấu. Minu theo lệnh của cậu, nó đi một vòng quanh
sân khấu tròn, miệng gào lên tiếng hổ giả. “Mao…ao” “mao…ao”, Minu cố gào cho
giống tiếng hổ, đó là nó tưởng tượng như vậy chứ Minu đã bao giờ gặp hổ đâu mà
biết tiếng hổ thế nào? Mọi người nghe tiếng gào của nó lại thấy giống tiếng
…linh miêu! Nhưng ai cũng vỗ tay ủng hộ thầy trò con mèo, họ cười nghiêng ngả
vì cảnh tượng ngộ nghĩnh này. Chưa bao giờ người bến sông này thấy một thằng
người nhỏ đến vậy, thằng người ấy lại còn cưỡi hổ nữa chứ! Quá hứng khởi vì
tiếng vỗ tay của người xem, Minu tiếp tục gào, còn Tí Hon lại hát một bài hành
khúc: “đời ta là một khúc quân hành, đời ta là một khoảng trời xanh, ta ra đi
vì non sông đất nước…”. Tiếng cậu nghe nhỏ xíu nhưng không sao, có cả một đội
đồng ca của đoàn hát lập lại từng lời ca của cậu. Mọi người vui vẻ vỗ tay theo
nhịp của bài hát. Vui vẻ quá! Hùng tráng quá!
Một chi tiết thú vị là Minu được hoá
trang cực giống…hổ con. Cũng vằn vằn vện vện, Minu thích lắm bộ cánh mới này.
Trước khi ra diễn, nó cứ hỏi đi hỏi lại:
- Em có đẹp không thầy?
Và nó ỏng a ỏng ẹo đi qua đi lại trước
mặt Tí Hon đến nỗi Tí Hon ngứa mắt quát lên:
- Mi có thôi trò làm dáng đi không, ta đã
bảo rồi, mi giống hổ con, nhưng còn lâu mới bằng một sợi lông của hổ con!
…Bây giờ Minu đang cõng thầy Miêu dạo
quanh sân khấu. Sau mấy vòng, dưới sự điều khiển của Tí Hon, cả hai tiến vào
giữa sân khấu. Minu cúi chào khán giả ba lần, người xem thích quá vỗ tay rần
rần. Lửa được đốt lên, chiếc vòng lửa làm sân khấu sáng rực. Và “hấp”, Minu
cõng thầy Miêu phóng qua vòng bằng một động tác đẹp mắt. Người xem càng vỗ tay
tợn. Sau mấy lần phóng qua vòng lửa như vậy, thấy người xem vỗ tay không ngừng,
hứng chí Minu đi bên dưới vòng lửa, người xem ngạc nhiên không biết con mèo
định làm gì? Khi vừa đi qua chiếc vòng, bất ngờ nó phóng ngược qua vòng lửa,
bụng hướng lên trời, lưng hướng xuống đất. Trên lưng Minu, Tí Hon vẫn ngồi vững
vàng, dường như giữa cậu và Minu là một vậy. Minu dẽo quá, nó rơi nhẹ nhàng
xuống mặt đất bằng bốn chân. Mèo là vậy đó, cho dù ta có bồng nó lên và ném nó
xuống đất bằng lưng, mèo chỉ một cái oằn mình mèo sẽ nhẹ nhàng rơi xuống đất
trên bốn chân không khó khăn gì cả. Khán giả vỗ tay và huýt sáo vang trời. Ông chủ
vui lắm, ông không dạy con mèo làm động tác này, nhưng mèo ta quá thông minh,
biết biến hoá khi diễn, điều này không có trong kịch bản nhưng nhờ đó buổi diễn
thêm sinh động, ông chủ hài lòng lắm lắm.
Đến tiết mục đu dây, Minu lại làm khán
giả vui mắt với những động tác mềm mại uyển chuyển của mình. Minu và Tí Hon
diễn ăn ý vô cùng. Sau tiết mục này, ông chủ đi một vòng sân khấu, tay cầm
chiếc mũ, ông nhận được từ người xem một mũ tiền xu và hàng trăm bao gạo và bắp
to nhỏ đủ cỡ, lại có cả một con gà mái nữa. Buổi diễn của hai thầy trò thắng
lợi lớn ngoài dự kiến!
Khi vào đến hậu đài, Bối Bối vui vẻ đến
gần Minu và choàng vào cổ nó một vòng hoa. Mèo ta thích lắm, nhưng khi cô đưa
bàn tay nhỏ xinh định vuốt ve Minu, mèo ta trừng mắt lảng ra. Bối Bối buồn lắm,
cô lại gần Tí Hon:
- Sao con mèo lạnh nhạt với tôi thế, anh
khuyên tôi phải làm sao chứ?
Tí Hon tội nghiệp cô bé, cậu thì thầm vào
tai Bối Bối. Mắt cô bé sáng lên cô cảm ơn Tí Hon rối rít. Không hiểu Tí hon bày
điều gì cho cô, nhưng cô không thực hiện được, đơn giản vì bố cô lúc này coi Tí
Hon và Minu như hai cục vàng của ông, ông không rời xa họ nửa bước.
Bối Bối tìm cách tiếp cận hai người,
nhưng bố cô không cho cô vào phòng ông, Bối Bối tức lắm. Tí Hon cũng thấy tù
túng khi suốt ngày phải đối mặt với một khuôn mặt hề, bây giờ cậu không còn
cười được nữa. Một hôm cậu nói thẳng với ông chủ gánh hát rong:
- Ông cho chúng tôi tự do đi lại trên
thuyền, chúng tôi hứa không bỏ trốn đâu, công việc làm ở đây học trò tôi và tôi
đều thích!
Nhưng phải đến bến sông thứ ba, “thằng
hề” mới cho cậu và Minu tự do đi lại trong thuyền. Lúc này Bối Bối mới có dịp
làm thân với Minu, hàng ngày cô đều mang cho nó một bát cơm trộn sẳn cá tràu
kho. Chỉ cần hai lần như vậy là Minu cho Bối Bối vuốt ve cổ nó. Và đến lần thứ
năm, nó phóng lên đùi Bối Bối lim dim ngủ, Minu đã coi Bối Bối là một cô chủ
nhỏ. Bối Bối sung sướng quá, cô cám ơn Tí Hon hoài.
Mèo đôi khi cũng có giá chứ sao?
(Còn tiếp)
Nguyễn Hữu Cương
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Đà Lạt ngày 11.5.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
___________________________________________________
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Đà Lạt ngày 11.5.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
___________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét