Home
» Thư viện văn xuôi
» Truyện ngắn Thái Bá Tân (Hải Phòng): Số phận một thiên tài/ Bông hồng chưa tặng
Truyện ngắn Thái Bá Tân (Hải Phòng): Số phận một thiên tài/ Bông hồng chưa tặng
Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014
Số phận
một thiên tài – Truyện ngắn Thái Bá Tân (Hải
Phòng)
Ngày
26/07/2011
Suy cho
cùng, tự hắn làm hỏng cuộc đời hắn. Được trời phú cho bộ óc thông minh, tỉnh
táo như người ta, hắn đã có thể là người thành đạt mọi mặt. Giữa lúc chiến
tranh ác liệt nhất, bao người cùng tuổi phải ra trận thì hắn được gửi đi Liên
Xô, học ngay tại trường Đại học Lômônôxôp danh tiếng, đúng cái ngành thời ấy
chưa phổ biến nhưng đầy triển vọng là tin học.
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Thái Bá Tân
Bút danh Thái Bá Tân
Hội
viên Hội nhà văn TP.Hải Phòng
Địa
chỉ: TP. Hải Phòng
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
SỐ PHẬN MỘT THIÊN
TÀI
Suy
cho cùng, tự hắn làm hỏng cuộc đời hắn. Được trời phú cho bộ óc thông minh,
tỉnh táo như người ta, hắn đã có thể là người thành đạt mọi mặt. Giữa lúc chiến
tranh ác liệt nhất, bao người cùng tuổi phải ra trận thì hắn được gửi đi Liên
Xô, học ngay tại trường Đại học Lômônôxôp danh tiếng, đúng cái ngành thời ấy
chưa phổ biến nhưng đầy triển vọng là tin học. Hắn học giỏi, của đáng tội. Còn
là sinh viên năm thứ ba, hắn đã có một loạt bài in trên tạp chí chuyên ngành
của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, dấu hiệu chắc chắn của sự xuất chúng, nếu
không thành thiên tài thì bét ra cũng là một nhân vật tầm cỡ trong giới mình,
nếu biết phát triển đúng hướng tài năng của hắn. Tiếc thay, hắn đã chọn sai
hướng nên rốt cục mới đến nông nỗi này.
Số
là vào những năm cuối đại học, không hiểu ai xui hay do nguyên cớ gì mà bỗng
dưng hắn đâm ra rất mê thơ. Nếu biết dừng ở đấy thì chẳng sao. Yêu thơ là điều
vô hại và có thể còn làm cuộc sống thêm phần mơ mộng. Đằng này, thay cho việc
tập trung nghiên cứu khoa học, hắn dành toàn bộ thời gian nghiền ngẫm, nhấm
nháp hàng đống thơ, cả thơ ta lẫn thơ tây. Xong phần đọc, hắn chuyển sang viết.
Viết ngày, viết đêm. Về số lượng có thể gọi vô địch. Vô địch cả về tốc độ lẫn
sự kiên nhẫn.
Trong
khoa học mọi thứ rạch ròi và dễ đánh giá, nhưng văn thơ lại là chuyện khác.
Không quan tâm người đời đánh giá thế nào, không mảy may nghi ngờ sự thành công
sau này, hắn cắm cúi viết. Lúc ấy hắn còn trẻ, chỉ thấy tương lai toàn màu hồng
mà không muốn nghĩ tới những tai ương có thể đến, nhất là khi quyết tâm dấn
thân vào "sự nghiệp thơ văn vĩ đại".
Tổn
thất đầu tiên của cái "sự nghiệp" ấy là do bỏ bễ học hành, hắn không
được ở lại học tiếp để lấy bằng tiến sĩ, điều trước đó ai cũng coi như chuyện
đương nhiên. Hắn chỉ tốt nghiệp loại bình thường, rồi lên đường về nước như
người khác, nhưng không vì thế mà hắn buồn. Hắn được phân làm việc tại một Viện
nghiên cứu đúng ngành học. Cả lần này, đáng lẽ tập trung nghiên cứu chuyên môn,
hắn lại dành hết thời gian cho thơ, không ngó ngàng gì đến công việc được giao,
thành ra chẳng bao lâu đã bị đuổi việc. May còn giữ được một chỗ nằm trong khu
tập thể Viện.
Hắn
dồn dập gửi đến tất cả các báo, các tạp chí cả ở trung ương lẫn địa phương từng
tập dày thơ hắn viết, nhiều đến mức người ta nghĩ hắn là anh tâm thần, và do đó
ngại nhận thơ hắn, chưa nói đến đọc. Không loại trừ khả năng trong đấy có những
bài hay, nhưng có ai đọc đâu mà biết. Họa hoằn lắm, chắc do thương tình, người
ta mới đăng một vài bài, làm hắn sướng rơn, càng quyết tâm hơn trong việc đeo
đuổi sự nghiệp. Cuộc đời các thiên tài, nhất là trong lĩnh vực thơ ca, bao giờ
chẳng gặp trắc trở. Sau này mọi người sẽ hiểu, sẽ đánh giá đúng chân giá trị
của ta. Hắn tin chắc như vậy và lại cắm cúi viết, viết liên tục không ngừng
nghỉ.
Có
một nàng sinh viên khoa văn Tổng hợp, cũng lãng mạn và viển vông không kém,
dường như hiểu hắn. Nàng say sưa đọc hết những gì hắn viết và tuyên bố rằng hắn
là "một thiên tài vượt tầm thời đại nên chưa được thừa nhận". Nàng
tin vào sự nghiệp của hắn, tin đến mức xin được làm vợ rồi đưa hắn về ở chung
nhà với bố mẹ, lấy tiền bố mẹ nuôi hắn tiếp tục làm thơ. Họ có với nhau một đứa
con. Bao lo toan cuộc sống tất nhiên đổ lên đầu nàng, lúc ấy đang làm nghề đánh
máy thuê. Đánh máy cho người thì ít, cho chồng thì nhiều.
Phải
công nhận vợ hắn là người phụ nữ lý tưởng, một tấm gương sáng chói trong việc
phụng sự chồng đeo đuổi sự nghiệp. Nhưng ở đời mọi cái đều có giới hạn. Dần
dần, cả người vợ "lý tưởng" ấy cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và
thoáng chút nghi ngờ về tương lai thiên tài của chồng. Quan trọng hơn cả là
nàng ấm ức tiếc những bao tải thơ hắn chất trong nhà (vì không đủ giá sách)
không phải những bao gạo có thể nuôi sống gia đình, rằng giá chồng bớt làm thơ
chút ít để giúp nàng kiếm sống thì sẽ tốt hơn. Nàng lựa lời nói với hắn điều
ấy, tất nhiên hắn không chịu, thậm chí còn chê nàng dung tục. Cuộc sống văn
xuôi hàng ngày cứ thế gậm nhấm dần chất thơ lãng mạn một thời rất bay bổng
trong tâm hồn nàng, kèm theo cả sự hoài nghi về tương lai của người chồng vĩ
đại. Rồi một sáng đẹp trời, khi giọt kiên nhẫn cuối cùng biến mất sau một trận
cãi nhau, nàng tuyên bố ly dị và lịch sự mời hắn ra khỏi nhà cùng những bao tải
thơ của hắn.
Với
sự dũng cảm của một thiên tài bị hắt hủi, hắn lẳng lặng ra đi không một lời oán
trách, không tiền, không nghề nghiệp và cũng không chỗ đặt lưng ban đêm.
Từ
đấy hắn thành thằng vô gia cư, ngủ vật vạ nay đây mai đó, lúc gầm cầu, lúc xó
chợ. Vì là nhà thơ, lại nhà thơ thiên tài, hắn rất sĩ. Không bao giờ hắn ngửa
tay xin ai cái gì. Không bao giờ hắn nhờ bạn bè hoặc vợ con giúp đỡ. Hắn nhận
làm những việc lặt vặt để khỏi chết đói, nếu có việc và người ta chịu thuê hắn.
Cái nhu cầu ăn của hắn ít lắm, vì hắn sống bằng những áng thơ luôn đầy ắp trong
đầu. Mọi người tỏ vẻ ái ngại, còn hắn thì thầm cười giễu chất thực dụng ngu dốt
của họ.
Một
hôm, nhặt được tờ báo cũ ai vứt bên đường, hắn ngồi xuống lơ đãng đọc, chủ yếu
để quên đi cái bụng đói đang giày vò. Tờ báo có một bài dài nói về tập đoàn
phần mềm Microsoft và người sáng lập nó, Bill Gates, cũng là người giàu nhất
hành tinh hiện nay, có kèm theo cả địa chỉ e-mail của ông ta.
Hắn
tư lự hồi lâu, nhớ lại cái chuyên môn xa xưa của hắn, rồi bất chợt nảy ra một ý
tưởng rất độc đáo. Hắn chạy vội đến nhà một người quen có máy vi tính và đánh
đi một bức thư điện tử như sau:
"Thưa ông Bill Gates,
Tôi viết thư này cho ông với tư cách người
nghèo nhất thế giới gửi người giàu nhất thế giới. Ấy là nói về vật chất chứ về
tinh thần chưa hẳn ông đã giàu hơn tôi. Tôi không có ý đinh xin tiền hay nhờ ông
giúp đỡ, đừng ngại. Đơn giản tôi nghĩ trong hơn sáu tỉ người đang sống trên
trái đất, tôi và ông là hai người đặc biệt ở hai cực của thước đo vật chất. Ông
không nghĩ chỉ riêng điều ấy cũng đáng cho ta có đôi lời trao đổi hay sao? Tôi
tò mò muốn biết ông có thực sự hạnh phúc hay không với khoản gia tài gần trăm
tỉ đô-la của ông, cũng như ông có muốn biết tôi thực sự cảm thấy bất hạnh hay
không khi đã nhiều ngày nay tôi chẳng có đồng xu nào trong túi và hiện đang rất
đói. Là nhà kinh doanh, ông đã đạt đến tột đỉnh của sự giàu có. Là nhà thơ, tôi
đang phấn đấu vươn tới đỉnh vinh quang của mình. Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông
chia sẻ phần nào bí quyết thành công của ông với tôi, một người đang gặp khó
khăn trên con đường đã chọn.
Kính
thư,
N.G.V
người nghèo nhất thế giới"
Xong, hắn ôm bụng đói lê bước về ngủ dưới
chân cầu Long Biên.
***
Ngay
chiều hôm ấy, một người Âu đứng tuổi ăn mặc lịch sự đến tìm hắn khi hắn đang
nằm còng queo dưới chân cầu, suýt ngất xỉu vì đói. Người đàn ông cúi đầu thật
thấp, cung kính nói với hắn:
-
Thưa ông, tôi là trợ lí thứ nhất, đồng thời là đại diện được ủy quyền của ông
Bill Gates, người vừa hân hạnh nhận được thư ông cách đây đúng ba giờ...
-
Thư nào? Thư tôi gửi cho ông Bill Gates?
-
Vâng, đúng thế, thưa ông. Thư của người nghèo nhất thế giới gửi người giàu nhất
thế giới.
-
À, tôi nhớ ra rồi, - hắn dụi mắt. - Tôi vừa gửi xong, sao ông có thể từ Mỹ đến
đây nhanh thế, mà rồi bằng cách nào ông tìm được tôi ở đây? Hay ông là ma quỷ
có phép lạ?
-
Không, chúng tôi cũng người trần như ông thôi, nhưng chúng tôi có cái này còn
hơn cả các phép lạ ngày xưa trong chuyện cổ tích, - ông kia mỉm cười, móc từ
túi áo ra chiếc máy vi tính nhỏ chỉ bằng lòng bàn tay. - Là người đứng đầu tập
đoàn phần mềm hùng mạnh nhất thế giới, ông Bill Gates tự cho phép mình được sử
dụng một loại computer đặc biệt với những chương trình phần mềm đặc biệt, siêu
mạnh, siêu chức năng mà ông sẽ không bao giờ cho sản xuất hàng loạt, và chỉ
dùng trong những trường hợp hết sức cần thiết như lần này, khi quyết định cử
tôi đến đây gặp ông. Đích thân ông Bill Gates lập trình rồi bấm vào cái nút
này, - ông ta chỉ một chấm đỏ trên chiếc máy. - Thế là tôi được gửi đến đây
bằng người thật, như ông gửi thư và ảnh khắp thế giới qua loại computer bình
thường bày bán ở cửa hàng. Còn bằng cách nào tìm được ông thì là công việc bình
thường của những chiếc máy đời thấp. Tôi nghĩ ông đang đói. Trước khi chúng ta
bắt đầu nói chuyện, ông nên ăn chút ít và chấn chỉnh lại vẻ ngoài của mình. Ông
cho phép tôi được giúp đỡ?
Hắn gật đầu. Ông kia bấm bấm gì đấy lên bàn
phím chiếc máy tí hon. Mấy phút sau, một chiếc Cadilac dài thuỗn màu đen bóng
lộn chở đến chiếc bàn con phủ khăn trắng muốt cùng những món ăn cần thiết, hai
chiếc ghế bọc da thật, một bộ com-lê mới toanh kèm theo sơ mi, cà vạt, đồ lót
và một thùng nước nóng để tắm rửa. Tất cả đều mang nhãn hiệu Khách sạn Hilton.
Hai nhân viên phục vụ đi theo ô tô, một tây một ta, đều đeo phù hiệu Hilton
trên ngực và cổ thắt nơ màu đỏ.
-
Ông chủ tôi rất cảm kích trước bức thư của ông, - ông trợ lí cao cấp của Bill
Gates nói khi hắn tắm rửa, thay quần áo xong và hai người cùng ngồi ăn ngay
trên chỗ hắn vừa nằm sau khi được các nhân viên khách sạn Hilton dọn dẹp và
trải thảm. - Ông ấy thích làm bạn và giúp đỡ những người nghèo nhất thế giới,
mỗi năm một người, thường thì do hệ thống vi tính toàn cầu của chúng tôi phát
hiện. Năm ngoái là một phụ nữ Xu-đăng. Ông Bill Gates tặng bà ấy tiền, khá
nhiều, tiếc rằng số tiền đó chẳng làm bà ta giàu hơn hay hạnh phúc hơn. Còn ông
là trường hợp đặc biệt, do vậy đích thân tôi đến gặp chứ không phải đại diện
Microsoft ở nước sở tại như thường lệ. Tôi biết ông là nhà thơ, có thể là nhà
thơ xuất chúng, để tôi cho máy tính kiểm tra lại. Hơn nữa, công bằng mà nói,
chính ông đã góp phần không nhỏ giúp ông chủ tôi trở thành người như ngày
nay...
Hắn
ngừng ăn, nhìn khách vẻ không hiểu.
Ông
kia nói tiếp:
-
Với sự đồng ý của ông Bill Gates, tôi xin được phép tiết lộ điều này. Những ý
tưởng thiên tài của ông trong một bài báo đăng trên tờ tạp chí chuyên ngành
Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô khi ông mới là sinh viên năm thứ ba ở Matxcơva đã
được ông Bill Gates và bạn ông, lúc ấy cũng sinh viên như ông ở Đại học Havard,
phát triển làm cơ sở phát triển chương trình MS-DOS nổi tiếng, tiền thân của
các chương trình Windows sau này.
-
Nghĩa là ông ấy đã ăn cắp bản quyền của tôi?
-
Trên phương diện pháp lý thì không, nhưng về tình cảm, quả ông Bill Gates luôn
có cảm giác mắc nợ ông, và đây là cơ hội lý tưởng để ông ấy trả món nợ đó. Tôi
được trao toàn quyền thay mặt ông chủ tôi đáp ứng mọi yêu cầu giúp đỡ của ông,
nếu có.
Hắn
ngồi im hồi lâu không đáp.
-
Cho phép tôi được tò mò. Tôi muốn biết vì sao ông quyết định từ bỏ con đường
khoa học mà ông đã khởi đầu hết sức tốt đẹp?
-
Tôi có một sự nghiệp khác còn tốt đẹp hơn để đeo đuổi, đó là thơ.
-
Tôi tôn trọng sự lựa chọn của ông mà tôi cho là đúng đắn, vì ông là một người
thông minh. À mà nhân tiện, ông có thể vui lòng cho tôi đo chỉ số thông minh IQ
của ông được không? Ông Bill Gates nhờ tôi làm việc này, nếu ông không phản
đối, tất nhiên. Cảm ơn ông. Xin ông đặt ngón tay trỏ vào nút này. Thế, thế.
Trời ơi - 250! Như ông biết, 120 đã được coi là thông minh, thế mà IQ của ông
những 250, trong khi của ông Bill Gates là180, tổng thống Bill Clinton - 163 và
thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ là gần 200. Xin ông chờ cho một phút để tôi
báo tin này với ông chủ. Xong rồi, cảm ơn.
Vậy
thưa ông, xin vui lòng cho biết tôi có thể làm gì để giúp ông?
Thấy
hắn vẫn ngồi im không đáp, ông đại diện Microsoft nói:
-
Có lẽ ông cần nghỉ ngơi chút ít chăng? - Rồi ông ta lại bấm vào một nút nào đấy
trên chiếc máy vi tính. Năm phút sau một chiếc Cadilac khác xuất hiện. Nó có
màu trắng như thuyết, cũng sáu cửa và mới cứng. Trong xe có giường, bồn vệ
sinh, bàn làm việc và chiếc bồn tắm mini.
-
Tôi đã đặt chỗ vô thời hạn cho ông ở khách sạn Hilton, - ông ta nói khi hai
người ngồi trên xe. - Nghe nói đó là khách sạn tốt nhất ở Hà Nội, không hiểu
đúng không? Tôi còn mua bao tất cả các chương trình hòa nhạc ở Nhà Hát Lớn cạnh
đấy để lúc rỗi ông đến nghe giải trí. Mọi chi phí sinh hoạt ở khách sạn này và
ở Việt Nam nói chung, ông chỉ việc kí vào hóa đơn thanh toán. Phần còn lại sẽ
có người lo. Còn đây là số tài khoản hãng chúng tôi, trường hợp ông cần tiền
chi tiêu ở những nơi, những việc không có hóa đơn thanh toán.
Khi
xe đỗ trước cửa khách sạn và một cô nhân viên mặc áo dài màu hồng đẹp như tiên
đang định đưa hắn lên phòng nghỉ thì ông kia nói thêm, với vẻ nhún nhường và
cung kính cố ý, khiến ngay lập tức hắn trở thành một VIP trong con mắt tất cả
mọi người:
-
Thưa ông, tôi có mang từ Mỹ sang một chiếc vi tính chuyên dụng hiện để trên
phòng ông. Đây là password để ông nói chuyện với tôi qua màn hình. Còn đây là một
password khác mà tôi hy vọng chỉ những lúc thật cần thiết ông mới sử dụng, vì
nó sẽ bắt tôi ngay lập tức phải xuất hiện trước mặt ông bằng xương bằng thịt,
cho dù lúc ấy tôi đang ở đâu và làm gì. Thú thật với ông, tôi chẳng mấy thú vị
khi bị gọi theo cách này, hơn nữa nó không phải không gây đôi chút đau đớn.
Chúc ông nghỉ ngơi thoải mái và suy nghĩ kỹ về điều tôi hỏi ông lúc nãy. Còn
bây giờ, với sự cho phép của ông, tôi xin được đi dạo một chốc quanh phố phường
Hà Nội để biết thêm về thủ đô xinh đẹp của nước ông, nhân tiện tìm hiểu xem
tình hình vi phạm bản quyền phần mềm Microsoft ở đây như thế nào. Xin hẹn ông
tối nay gặp lại.
***
Tám
giờ tối, cô áo hồng xinh đẹp bấm chuông, bảo nếu hắn đã sẵn sàng thì xin mời
xuống phòng ăn khách sạn để dùng bữa, có người đang đợi. Cô ta cố mỉm cười thật
duyên để gây cảm tình với ông khách giàu có, nhưng hắn chẳng thèm chú ý. Bây
giờ trông hắn thật ấn tượng. Chừng ấy năm sống ở nước ngoài giúp hắn có được
phong thái vừa trang trọng vừa tế nhị. Bộ quần áo đặt mua qua máy vi tính vừa
vặn một cách đáng kinh ngạc. Mấy tiếng nghỉ ngơi và bữa ăn đủ chất buổi trưa
làm hắn tươi tỉnh trở lại. Hắn nhìn vào gương lần nữa trước khi rời phòng với
vẻ hài lòng. Mái tóc chải mượt, râu ria nhẵn nhụi, làn da trơn mịn, phải chú ý
lắm mới nhận thấy dấu vết những đợt đói kéo dài trước đó.
Ông
trợ lý của Bill Gates vội nhỏm dậy khi thấy hắn ở chân cầu thang, và tiến lên
mấy bước để đón hắn. Chính ông ta cũng tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự thay đổi bề
ngoài của hắn. Ông ta nói:
-
Xin hân hạnh được báo ông biết rằng ông chủ tôi rất hài lòng về cuộc gặp của
chúng ta hôm nay, cũng như về những thông tin mới ông ấy có được liên quan đến
ông. Ông ấy hy vọng sẽ hân hạnh trực tiếp gặp và nói chuyện với ông vào thời
điểm thích hợp. Thế nào, ông nghỉ ngơi thoải mái chứ? Ông có gì phàn nàn về
tiện nghi và phục vụ ở khách sạn này không?
-
Không, cảm ơn, mọi thứ đều tốt. Tôi cũng nhờ ông chuyển lời cảm ơn của tôi tới
ông Bill Gates. Tôi sẽ rất vinh dự được gặp ông ấy khi điều kiện cho phép, -
hắn lịch sự đáp.
Người
phục vụ mang các món ăn và rượu đến. Hai người vừa ăn vừa thong thả nói chuyện.
-
Tôi có thêm một tin vui nữa để thông báo cho ông. Các máy vi tính siêu thông
minh của chúng tôi đã thẩm định tất cả những bài thơ ông sáng tác từ trước đến
nay, ngoại trừ những bài ông chưa kịp viết lên giấy. Xin ông đừng hỏi chúng tôi
làm việc này bằng cách nào. Đấy là công việc của các chuyên gia bình thường,
ông khỏi bận tâm. Kết quả thật đáng ấn tượng. Trong lĩnh vực thơ, thành tựu ông
đạt được là không thể phủ nhận, cả vế số lượng lẫn chất lượng. Chúng tôi đã so
sánh tác phẩm của ông với tác phẩm các nhà thơ được giải Noben, và nhất trí đi
đến kết luận rằng, xét về mọi phương diện - tư tưởng, hình thức, thi pháp, -
ông không hề thua kém chút nào, nếu không muốn nói còn vượt trội...
-
Cảm ơn ông, - hắn đáp một cách khiêm tốn.
-
Xin được hỏi ông một câu, có thể không thật tế nhị lắm. Ông đã cho đăng bao
nhiêu bài trong số hơn mười nghìn bài ông sáng tác?
-
Tôi mới chỉ được in không quá mười bài.
-
Chỉ mười bài trong số mười nghìn bài trong mười năm? Xin lỗi, thế mỗi bài ông
nhận được bao nhiêu tiền nhuận bút?
-
Quy ra tiền Mỹ khoảng hai đô-la. Ấy là bây giờ, trước kia còn ít hơn.
Ông
kia ngồi im một lúc rồi thở dài:
-
Bây giờ thì tôi hiểu vì sao một thiên tài như ông lại trở thành người nghèo
nhất thế giới. Ở nước chúng tôi cũng chẳng nhiều người sống được nhờ sáng tác
thơ, nhưng hai mươi đô-la trong mười năm, lại với một người như ông thì quả
ngoài sức tôi tưởng tượng. Sao ông không cho đăng nhiều hơn?
-
Thì tôi vừa nói chỉ được in... - hắn cười ngượng ngập.
-
Lúc nãy vào hiệu sách, tôi thấy có rất nhiều thơ bày bán. Không lẽ ở Việt Nam
còn nhiều nhà thơ khác giỏi hơn ông?
- Cái ấy tôi không biết. Nhưng người ta in
được vì họ có tiền. Ở đây ai có tiền cũng in được thơ, in bao nhiêu tùy thích
và nghiễm nhiên thành nhà thơ. Còn tôi thì...
-
Vâng, vâng, tôi hiểu, - ông kia vội cắt ngang. - Bây giờ ông có tiền, ông sẽ in
các tác phẩm thiên tài của ông, đúng thế chứ?
-
Vâng, nếu được các ông cho phép.
-
Và ông sẽ trở nên nổi tiếng và giàu có?
-
Nổi tiếng thì chưa biết, nhưng chắc chắn tôi sẽ lại nghèo đói. - Thấy ông kia
có vẻ không hiểu, hắn nói thêm: - Vì ở đây không ai mua thơ. Người ta bỏ tiền
in chỉ để chứng tỏ mình là nhà thơ. Tuy nhiên tôi không thuộc loại này.
Họ
im lặng, không nói gì thêm về thơ. Hình như cả hai đều muốn chuyển sang đề tài
khác.
-
Vậy xin cho biết, chúng tôi có thể làm được gì để giúp ông? - ông kia lên tiếng
trước. - Để ông tham khảo, tôi mạn phép gợi ý hai điều sau. Xin ông cân nhắc và
cho biết ý kiến. Ông Bill Gates có nhã ý muốn mời ông sang Mỹ làm cố vấn kỹ
thuật hoặc phụ trách bộ phận nghiên cứu và chế tạo của hãng Microsoft, với chức
vụ và lương tương đương phó tổng giám đốc. Còn nếu ông vì lý do nào đấy muốn ở
lại Việt Nam, hãng chúng tôi sẽ giúp đỡ cả thiết bị, kỹ thuật lẫn tài chính để
biến ông thành "vua phần mềm" ở Việt Nam, cũng có nghĩa là người giàu
nhất ở nước ông. Xin ông hãy coi đây như tiền trả món nợ do ông Bill Gates sử
dụng ý tưởng của ông ngày nào.
Hắn
ngồi im hồi lâu không nói gì. Ông kia kiên nhẫn chờ. Cuối cùng hắn đáp một cách
uể oải:
-
Cảm ơn các ông. Mặc dù cả hai đề nghị của các ông đều rất cám dỗ, nhưng đó
không phải những gì tôi mong muốn đạt được. Nếu không, tôi đã chẳng từ bỏ khoa
học.
-
Phải thừa nhận ông nói đúng. Vậy lần nữa xin được hỏi: Ông muốn gì?
-
Tôi muốn có những sáng tác thơ hay hơn và được mọi người hiểu đúng giá trị của
chúng. Tôi muốn một, hai trăm năm nữa người ta vẫn đọc thơ tôi như chúng tôi
đang đọc thơ của thi hào Nguyễn Du chẳng hạn.
Đến
lượt ông kia ngồi im.
-
Điều thứ nhất, chúng tôi có thể giúp ông được, - ông kia lên tiếng khi thấy
tiếp tục giữ im lặng là bất tiện. - Với tài năng sẵn có của ông, cộng công nghệ
siêu việt của chúng tôi, ông sẽ sáng tác được những bài thơ bất hủ đáng lưu
danh muôn đời. Ngay chốc nữa, tôi sẽ yêu cầu các chuyên gia của chúng tôi giải
mã thi pháp nhà thơ Nguyễn Du ông vừa nói, rồi lập riêng một chương trình phần
mềm đặc biệt để ông sử dụng khi sáng tác. Tôi xin cam đoan trước rằng thơ ông
sẽ không thua kém thơ Nguyễn Du. Còn điều thứ hai, tức là việc giúp ông trở
thành nổi tiếng và có thơ được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học hàng
trăm năm sau thì thú thật, với trình độ tin học hiện nay, rất tiếc chúng tôi
chưa làm nổi, vì đây là vấn đề xã hội phức tạp với các đặc trưng truyền thống,
chính trị, tâm lí cũng phức tạp không kém. Chúng tôi quả chưa hiểu mấy về văn
hóa, tập quán và cách nghĩ của người Việt Nam, nên khó có thể lập được một
chương trình phù hợp với ông trong vấn đề này. Nếu ông là người Mỹ, sống ở Mỹ,
mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều.
Ông
kia ngừng lời, rót sâm banh và họ lại chạm cốc.
-
Vậy coi như chúng ta đã thỏa thuận, - ông ta nói. - Ông sẽ ở khách sạn Hilton
này hoặc bất kì khách sạn nào khác ông muốn, bao lâu tùy thích. Đừng ngần ngại
chi tiền cho việc in thơ và những khoản chi tiêu khác. Ngay tuần tới ông sẽ có
chương trình phần mềm sáng tác thơ đạt chất lượng hay bằng hoặc hơn Nguyễn Du.
Tôi tin ông sẽ thành công trong sự nghiệp này của mình, mặc dù trong thâm tâm,
tôi lấy làm tiếc ông đã không chấp nhận một trong hai đề nghị thiết thực và rất
khả thi trên của chúng tôi. Tôi đã thu xếp mọi chuyện với khách sạn, chỉ phiền
ông mỗi tháng một lần kí vào các biên lai thanh toán. Tiền mặt ông sẽ rút ở chi
nhánh ngân hàng Citibank phố bên. Tôi đã dặn họ không được hạn chế số tiền ông
rút mỗi lần, đặc biệt không bao giờ được hỏi rút nhằm mục đích gì. Bất kỳ lúc
nào ông cũng có thể gặp tôi bằng cách sử dụng password đầu, tức là qua màn hình
vi tính. Chỉ lưu ý ông trường hợp tối cần thiết mới sử dụng password thứ hai.
Ông biết đấy, tôi chẳng còn trẻ, và nếu có bị xé nhỏ thành hàng tỉ phân tử để
trong nháy mắt vượt hàng vạn cây số đến với ông, thì đương nhiên phải là vì
những lý do xác đáng. Đấy, đấy, xin lỗi ông, ông Bill Gates biết chúng ta xong
việc, đang gọi tôi về gấp để dự một cuộc họp quan trọng. Chào ông. Chúc ông
thành công!...
"Chúc
ông thành công. Hẹn... gặp... lại..." - tiếng nói của ông đại diện
Microsoft nhỏ dần, nhỏ dần. Bản thân ông ta cũng đang teo lại, trở nên trong
suốt và từ từ biến mất như làn khói mỏng ngay trước mặt hắn.
-
Tội nghiệp ông già, - hắn lẩm bẩm, ngồi thêm chốc nữa để uống nốt cốc sâm-banh
rồi bỏ lên phòng, không quên để lại tờ giấy bạc một trăm đô-la tiền
"boa" cho nhân viên phục vụ.
***
Suốt
cả năm sau đó hắn sống một cuộc sống đế vương thực sự. Cuối mỗi tháng người ta
đưa hắn ký các hóa đơn thanh toán, gồm mười bốn nghìn đô tiền phòng (hắn ở
phòng kiểu căn hộ ba buồng - buồng ngủ, buồng khách và buồng làm việc), năm
nghìn đô tiền ăn và khoảng ngần ấy tiền thuê ô tô, giặt là, báo chí, điện thoại
và Internet. Cũng mỗi tháng một lần hắn đến Citibank rút mười lăm, hai mươi
nghìn đô để in thơ và tiêu vặt. Lúc đầu hắn cũng ngại tiêu quá nhiều tiền của
người khác, nhưng khốn nỗi, ông đại diện kia cứ thỉnh thoảng bật máy nói chuyện
với hắn, hỏi thăm cái này cái nọ và lần nào cũng phàn nàn hắn chi tiền quá
khiêm tốn. Có hôm rỗi rãi, ông còn tán chuyện hồi lâu với hắn. Ông cho biết
Bill Gates, người giàu nhất hành tinh mà chẳng cảm thấy hạnh phúc hơn những
người nghèo; tháng trước vợ chồng ông ta cãi nhau to suýt đâm đơn li dị chỉ vì
một con chó nhỏ nào đấy, vân vân... "Ông biết không, - ông ta nói, - ông
chủ tôi đã viết di chúc cho đăng trên báo, rằng sau khi chết ông sẽ hiến 95%
tổng số tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện. Thành ra ông đừng quá bận
tâm về các khoản tiền ông chi. Cứ coi như ứng trước số tiền 95% kia, vì thực sự
công việc ông đang làm cũng đầy tính nhân văn cao cả".
Phải
nói rằng hắn không hề có ý khoe khoang sự giàu có của mình. Hắn ít ra ngoài, mà
có đi đâu, bao giờ cũng bắt lái xe kéo hết rèm che cửa. Cần mua bán hay giao
dịch việc gì, hắn đều nhờ nhân viên khách sạn, những người luôn hăm hở giúp hắn
vì lần nào cũng được "boa" một vài chục đô. Trong khách sạn, hắn trở
thành nhân vật nổi tiếng và bí ẩn. Thấy hắn từ xa, ít nhất luôn có ba nam nhân
viên chạy đến tranh nhau mở cửa hoặc kéo ghế mời ngồi, mười cô xinh đẹp cùng
một lúc mỉm cười thật duyên và cúi chào thật thấp. Còn ông chủ khách sạn thì cứ
sau mỗi câu nói với hắn lại thêm chữ "thưa ngài" rất cung kính. Nhưng
nhiệt tình nhất và cũng có lẽ xấn xổ nhất vẫn là cô gái mặc áo dài màu hồng đẹp
như tiên hắn gặp hôm mới tới khách sạn. Rõ ràng nàng luôn tìm cách "tấn
công" hắn, đôi khi hơi lộ liễu. Nhiều hôm nàng tự nhiên gõ cửa phòng hắn,
giả vờ hỏi có cần gì không rồi nấn ná ở lại rất lâu, khéo léo phô bày những bộ
phận khêu gợi nhất của cơ thể mình. Nhưng hắn không màng tới nàng hay bất kỳ
một người đàn bà nào khác, chỉ suốt ngày hí húi làm thơ. Thấy để khách ngồi mãi
không được tiếp cũng bất tiện, hắn đứng dậy khỏi bàn làm việc, khen nàng xinh
và như thể vô tình, nhét vào túi nàng tờ mười đô-la. Nàng chào hắn rồi đi ngay.
Từ đấy thành lệ, mỗi ngày nàng đến chào hắn ba lần, và để tống nàng đi, lần nào
hắn cũng chi mười đô. "Đồ xin đểu" - hắn lẩm bẩm khi chỉ còn lại một
mình. "Xin đểu" là từ hắn học được ở chợ Đồng Xuân thuở hàn vi.
Trong
vòng một năm ấy, hắn in tổng cộng đúng năm mươi tập thơ, mỗi tập không dưới năm
trăm trang. Toàn loại giấy tốt, bìa đẹp. Hắn luôn chi gấp đôi số tiền nhà xuất
bản yêu cầu nên chẳng hề gặp khó khăn trong việc biên tập và xin giấy phép.
Không ai thêm bớt của hắn một chữ. Cũng chẳng nhà xuất bản nào tìm hiểu hắn là
ai, chỉ đơn giản "làm việc" với đại diện của hắn.
Lúc
in những tập đầu, hắn hồi hộp lắm. Hồi hộp chờ đợi các báo đăng bài giới thiệu
thơ hắn, có thể ca ngợi hắn như một "hiện tượng". Nhưng hắn chờ mãi,
chờ mãi mà chẳng thấy động tĩnh gì. Hắn loáng thoáng biết rằng bây giờ muốn
được người khác viết bài về mình thì hoặc phải nhờ thân quen, hoặc chi tiền
thuê viết, phần lớn dưới dạng quà cáp, ăn nhậu. Chi tiền thì hắn không ngại,
nhưng là người tự trọng, hắn không cho phép mình làm việc này. Hắn vẫn tin thơ
hắn hay. Thông minh, lại chịu khó đọc thơ người khác, nên khi so sánh, hắn dễ
dàng nhận ra điều đó. Vả lại, công bằng mà nói, thơ hắn không dở, hay nữa là
khác, dù có thể chưa đến mức thiên tài như hắn tưởng. Ấy là nói "có
thể" chứ biết đâu hắn thực sự đã là thiên tài hoặc sau này sẽ thành thiên
tài. Chưa ai dám chắc điều đó. Vậy vì sao người ta im lặng, cứ như không hề có
việc hắn đã in năm mươi tập thơ dày bày bán khắp nơi. Hắn gửi e-mail nhờ ông
bạn ở Microsoft giải thích. Hai ngày sau hắn nhận được thư trả lời.
"Thưa ông,
Các cộng sự của tôi đã tiến hành điều tra
vấn đề ông yêu cầu. Xin được trung thực báo ông biết những ý kiến sơ bộ của
chúng tôi như sau:
Như đã hân hạnh có dịp bày tỏ ý kiến của
mình về ông, tôi xin khẳng định lần nữa rằng thơ ông đã đạt đến trình độ siêu
việt, nghĩa là ông hoàn toàn không có lỗi trong việc người ta không đọc hoặc
nói về chúng. Lý do nằm ở những khía cạnh hoàn toàn khác, không liên quan đến
văn học. Theo chỗ chúng tôi biết, thị trường thơ nước ông hiện nay rất không
bình thường. Một trong những lý do dẫn tới hiện tượng này chính là điều ông đã
nói, rằng bây giờ hễ ai có tiền đều có thể in thơ và mặc nhiên trở thành nhà
thơ. Sự buông lỏng giám sát chất lượng ấy đã làm người đọc mất phương hướng,
cuối cùng thờ ơ với thơ, ý tôi muốn nói thơ dở, tất nhiên. Và nạn nhân của cả
núi thơ hổ lốn, nhảm nhí ấy là những người như ông với những tác phẩm có giá
trị thực sự. Xin ông đừng trách người đọc nếu họ không chịu bỏ ra mấy ngày bới
lục cả đống thơ đang bày bán để tìm mua một tập thơ đích thực như thơ ông. Họ
đã bị lừa nhiều lần, nên phản ứng tẩy chay của họ hiện nay đối với thơ là dễ
hiểu. Từng làm công tác tiếp thị mấy chục năm, tôi biết rõ tâm lý người tiêu
dùng.
Theo thống kê ban đầu (có thể chưa đầy đủ)
của chúng tôi, tổng cộng đến nay, mặc dù đã xuất bản hơn mười tháng, trong số
43.000 bản của 43 tập thơ ông viết, ngoài hơn chục cuốn bị hư hỏng khi vận
chuyển, mới chỉ bán được 21 bản, mặc dù giá thơ ông chỉ bằng 50% thơ người
khác. Riêng ngày hôm qua cụ thể bán được hai cuốn. Một cuốn do cô thủ thư mua
cho thư viện huyện, sau đó yêu cầu người bán hàng chữa giá thành gấp đôi. Số
tiền thừa, cô ta đem mua năm quyển vở cho con. Cuốn khác được một cô sinh viên
khoa văn mua, phần vì giá rẻ, sách đẹp, phần vì cô còn giữ được tâm hồn mơ mộng
đáng quý như phu nhân trước đây của ông. Cũng hôm qua, tại một cửa hàng sách
bên bờ hồ Hoàn Kiếm, các nhân viên của tôi đã tận mắt nhìn thấy một vị quan
chức đáng kính thuộc ngành văn hóa sau khi cầm mấy tập thơ của ông lên tay, ngó
nghiêng một chốc rồi khinh khỉnh ném xuống, buông một câu không văn hóa chút
nào: "Một thằng ngu lắm tiền rửng mỡ!". Riêng các nhà phê bình và các
nhà thơ (cả thật lẫn rổm), tôi xin khẳng định chắc chắn chưa một người nào đọc
thơ ông, thậm chí cả khi được tặng không chứ chưa nói đến việc bỏ tiền mua. Vậy
rốt cục, người đã đọc thơ ông chỉ có ông, các nhân viên của tôi, vợ cũ của ông
và một số rất ít các biên tập viên có lương tâm ở những nhà xuất bản ông in
sách.
Sự thật thường phũ phàng, nhưng đó là những
điều bổn phận bắt tôi phải thông báo ông biết. Còn quyết định tiếp theo thế nào
hoàn toàn tùy ông.
Chúc
ông thành công.
Kính thư.
J.F.C."
Bức
thư làm hắn buồn. Đó là sự thật cay đắng mà muốn hay không, hắn vẫn phải thừa nhận.
Tuy nhiên, với nghị lực và sự bướng bỉnh đặc trưng của các thiên tài, hắn không
hề nản chí. Số phận bảy tập còn lại đang in không còn làm hắn quan tâm. Hắn
quyết định sẽ tiếp tục viết, viết thật hay, hay đến mức người ta không thể
không chú ý. Hắn tự an ủi mình rằng sau này, năm mươi năm hay một trăm năm nữa,
hắn sẽ được "phát hiện" và nổi tiếng hệt như trường hợp nhạc sĩ thiên
tài Đức Sêbastian Bach và nữ thi sĩ người Mỹ Emily Dickinson.
Thế
là, với chương trình phần mềm sáng tác thơ đặc biệt được Microsoft lập riêng
cho hắn, hắn lại ngày đêm cắm cúi bên chiếc máy vi tính và viết ra những vần
thơ lai láng.
Chương
trình này quả là điều kỳ diệu của ngành tin học, đến mức chính hắn cũng phải
ngạc nhiên thán phục. Nó giúp hắn dễ dàng tìm vần, tìm ý, bố cục, kích thích
cảm hứng, chữa lỗi chính tả và nhắc hắn lúc nào nên nghỉ ngơi chút ít để lấy
lại sự tỉnh táo cho trí óc.
Trong
vòng chưa đầy một tuần, hắn viết xong bản trường ca dài 600 trang, về cuộc đời
chìm nổi của một phụ nữ xinh đẹp, có tài có đức nhưng bị cuộc đời vùi dập. Nàng
ngoan cường cưỡng lại số phận và cuối cùng đã giành được hạnh phúc cho mình.
Một trường ca có hậu, trong đó cái ác thắng cái thiện, có giá trị tố cáo và
phản ánh hiện thực của cả thời đại. Một tác phẩm hoàn hảo về mặt nghệ thuật,
độc đáo về bút pháp, sâu lắng về nội dung. Hắn rất hài lòng, đến mức tối hôm ấy
hắn cho phép mình chuyện gẫu mấy câu với cô gái áo hồng trước khi tống nàng đi
bằng cách cho tiền, không phải mười mà một trăm đô-la.
Tuy
nhiên, sáng hôm sau đọc lại, hắn thấy hình như có điều gì không ổn. Đọc lại lần
nữa, hắn đã hiểu. Cái tác phẩm tuyệt vời này của hắn chẳng qua chỉ là sự mô
phỏng Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Nó là kết quả của chương trình sáng
tác thơ mà hãng Microsoft cam đoan sẽ giúp hắn đạt ngang tầm cụ Nguyễn.
"Không, không thể tiếp tục thế này được! - hắn nghĩ. - Đây là một dạng đạo
văn không hơn không kém. Một thiên tài không thể ăn cắp thơ của một thiên tài
khác. Không, không đời nào!" Hắn bấm nút xóa sạch không thương tiếc cả 600
trang bản trường ca mới viết. Rồi buồn bã tắt máy tính, hắn nằm vật xuống
đi-văng.
***
Suốt
mấy ngày liền hắn không viết câu nào. Một hiện tượng lạ trong đời hắn. Nhưng
rồi ý chí vươn lên mạnh mẽ cũng thắng. Hắn bắt đầu viết trở lại, tất nhiên
không còn dùng cái chương trình mà hắn gọi là "khốn nạn" kia nữa.
Thậm chí hắn tránh xa cả chiếc máy vi tính. Hắn bò lổm ngổm trên sàn nhà với
tập giấy trắng và cây bút chì. Hắn muốn được viết trong trạng thái thật tự
nhiên, "như cụ Nguyễn Du ngày xưa từng viết", mặc dù cụ thể ngày ấy
cụ viết thế nào, hắn không biết. Hắn chỉ biết lúc này hắn viết rất khổ sở.
Lần
đầu tiên hắn vắt óc nghĩ suốt nửa ngày mà chẳng lóe ra được ý thơ nào. Hắn cảm
thấy bị gò bó, mặc dù hoàn toàn được tự do, không thiếu thốn cái gì, không bị
ai quấy rầy. Vô cớ, hắn cảm thấy khó chịu với căn hộ khách sạn sang trọng hắn
đang ở, với bộ com-lê hắn đang mặc, thậm chí với cả tập đô-la dày cộp trong
túi. Hắn nằm ngửa, mắt trân trân nhìn lên trần nhà và nhớ lại những ngày lang
thang trên phố, bụng rỗng nhưng đầu luôn đầy ắp những ý thơ tuyệt diệu.
"Sao dạo ấy mình vô tư, thanh thản và làm thơ dễ thế, nhanh thế!" -
hắn chép miệng. Còn bây giờ...
Đúng
lúc ấy, cô áo hồng xinh đẹp mà hắn gọi là "đồ xin đểu" xuất hiện với
nụ cười thường trực như mọi ngày.
-
Ồ, anh không làm việc sao mà nằm thế, lại nằm trên sàn nhà, - nàng dịu dàng nói
với vẻ trách móc âu yếm.
-
Anh, anh cái con c... Cút đi! Đồ xin đểu! - hắn giận dữ quát to, thầm ngạc
nhiên sao mình có thể thô lỗ đến thế. Còn nàng kia thì trợn tròn mắt, lấy tay
che miệng và vội vã chạy ra khỏi phòng.
Sự
xuất hiện không đúng lúc của cô gái càng làm hắn thêm khó chịu, và từ khó chịu,
hắn chuyển sang tức giận thực sự, dù chẳng rõ nguyên cớ gì.
Bỗng
hắn đứng bật dậy, mở máy vi tính và gõ mạnh lên bàn phím password thứ hai mà vị
đại diện cao cấp của tỉ phú Bill Gates dặn chỉ sử dụng trong những trường hợp
tối cần thiết. "Cho lão chết!" - hắn lẩm bẩm.
Một
phút sau, ông già tội nghiệp kia xuất hiện, mặt bơ phờ, hoảng sợ. Ông ta ngồi
phịch xuống ghế, vừa lau mồ hôi trán vừa hổn hển thở.
-
Ông có nghĩ rằng ông thật sự cần thiết phải gọi tôi theo cách này không, thưa
ông? - ông ta hỏi, vẫn với vẻ lịch sự nghề nghiệp cố hữu.
-
Có, - hắn đáp cộc lốc.
-
Vậy tôi có thể làm được gì cho ông, thưa ông?
-
Tôi không cần ông làm gì cả. Hôm nay vừa tròn một năm kể từ ngày tôi gặp ông
lần trước. Tôi cảm ơn ông và ông Bill Gates đã giúp đỡ tôi suốt thời gian ấy.
Ông nói ông chủ ông mỗi năm giúp một người nghèo nhất thế giới, vậy bây giờ tôi
xin nhường cho người khác...
-
Nhưng thưa ông, - ông kia vội ngắt lời hắn, - ông là trường hợp ngoại lệ. Ông
Bill Gates nợ ông...
-
Hãy nói với ông ấy rằng nếu quả có nợ tôi thì coi như đã trả xong sòng phẳng.
Đây, xin giao lại ông chìa khóa phòng khách sạn, máy vi tính cùng cái chương
trình chết tiệt kia của ông, cả đồ đạc, cả tiền đây nữa. Tất cả. Tôi không giữ
lại bất kì cái gì.
-
Xin ông hãy bình tĩnh. Nếu chúng tôi không thể giúp ông đạt được điều mong muốn
trong lĩnh vực văn thơ, thì tôi tin chắc chúng ta sẽ thành công nếu ông chấp
nhận một trong hai đề nghị đầu tiên của tôi. Điều này có lợi cho ông và cho cả
hãng chúng tôi. Xin ông cân nhắc thật cẩn thận.
-
Không. Cảm ơn. Tôi muốn được trở lại là người như tôi vốn có trước khi gặp ông,
- hắn nói một cách dứt khoát, rồi làm một động tác ra hiệu đến đây câu chuyện
chấm dứt.
-
Nếu thế thì thực tình chúng tôi rất lấy làm tiếc. Dẫu sao...
-
Ông có thể giúp tôi một việc nhỏ được không? - hắn cắt ngang.
-
Xin sẵn sàng, - ông kia vội đáp.
-
Vậy thì nhờ ông, bằng cái máy vạn năng kia của ông, hãy kiếm lại cho tôi bộ
quần áo cũ trước đây tôi vẫn mặc.
Ông
kia thở dài, miễn cưỡng bấm bấm vào chiếc computer bé xíu. Còn hắn thì lặng lẽ
đứng nhìn, nét mặt thản nhiên pha chút đắc thắng.
Một
chốc sau, hắn bước ra khỏi khách sạn Hilton sang trọng trong bộ quần áo rách
sờn của một tay bụi đời chính hiệu. Cả khách sạn trố mắt ngạc nhiên nhìn theo,
nhưng hắn không thèm để ý.
***
Từ
đấy hắn lại tiếp tục sống cuộc đời vô gia cư lang thang nay chỗ này mai chỗ nọ,
ngủ vật vạ lúc bến xe, lúc bãi chợ. Tuy nhiên nơi người ta hay nhìn thấy hắn
nhất vẫn là chân cầu Long Biên. Những lúc không phải lo kiếm cái ăn, hắn thường
ngồi hàng giờ hí hoáy dùng bút chì viết gì đấy trên những tờ giấy người ta bỏ
đi còn trắng một mặt mà hắn nhặt được.
Cũng
chính ở đây, một buổi chiều nọ, tỉnh dậy sau giấc ngủ dài bên chân đê, hắn chợt
nhớ lại những ngày đế vương ở khách sạn Hilton với những bữa ăn thừa mứa, những
tập đô-la dày, những chiếc ô tô bóng loáng, và tất nhiên cả cô áo hồng mà hắn
đã đối xử có phần không lịch sự lắm. Ngẫm cảnh lúc này, khi hắn chưa có gì cho
vào bụng suốt từ sáng đến giờ, hắn bỗng thấy tiêng tiếc. "Sao lúc ấy mình
không mang theo mấy nghìn đô-la nhỉ? - hắn nghĩ. - Ừ, sao lại thế nhỉ? Mình đâu
có phải thằng ngốc. Hay tất cả rốt cục chỉ là một giấc mơ? Không, không thể mơ
được. Mình còn nhớ rõ ràng mọi chuyện. Nhớ lão đại diện Microsoft, cô ả
"xin đểu”, năm mươi tập thơ dày giấy tốt và cả những tờ đô-la mình
"boa" cho mọi người. Không, không thể mơ được. - Hắn lẩm bẩm thành
tiếng. - Nhưng nếu không phải mơ thì những tập thơ kia bây giờ ở đâu? Ở hiệu
sách chứ còn đâu nữa! Cả cô nàng kia cũng đang ở khách sạn. Không tin, cứ tới
những nơi đó mà kiểm tra."
Thế
là, bán tín bán nghi, hắn lững thững đi về phía khách sạn Hilton. Ở đấy, từ
ngoài nhìn vào, hắn thấy một cô gái mặc áo dài màu hồng đứng bên quầy lễ tân.
Hắn "Ê” một tiếng và khẽ hất đầu. Cô kia nhìn ra, thấy hắn nhưng không tỏ
dấu hiệu đã từng quen biết. "Đồ đĩ! (hắn mới học thêm cái từ tục tĩu này ở
bọn du côn bãi Phúc Xá). Bây giờ biết người ta không tiền thì lờ đi hả?"
Rồi hắn bỏ đi ra cửa hàng sách Tràng Tiền. Hắn nói tên mấy tập thơ hắn đã in
nhưng cô bán hàng bảo không biết, không thấy.
-
Có thể trước đây có nhưng bây giờ bán hết rồi.
-
Những năm mươi tập cơ mà? - hắn nói.
-
Năm mươi tập cũng bán hết chứ sao? Anh là tác giả à?
-
Vâng.
-
Thế thì chắc chắn bán hết rồi. Thơ của anh hay lắm. Người ta tranh nhau mua hết
veo cả năm mươi tập ngay sau khi bày lên giá sách, - cô bán hàng cố lấy vẻ
nghiêm túc, nhưng cuối cùng vẫn phải phì cười.
"Đồ
lợn cái vú xệ!" - hắn thầm rủa. Không hiểu câu chửi đầy màu sắc này hắn
nghe được đâu đó hay chính hắn do giận quá mà nghĩ ra.
Sau
khi đưa mắt rà khắp lượt các quầy không thấy gì, hắn bỏ đi, không cần biết đi
đâu. Tới chỗ bà bán nước, hắn thấy một tờ giấy in thơ được xé ra để gói bánh
rán ai đấy ăn xong vứt xuống đường. Hắn nhặt lên xem. Tờ giấy loại tốt, in đẹp,
nhưng hắn đọc hồi lâu mà không nhớ nổi có phải thơ mình không. Thế là rốt cuộc,
hắn chẳng biết chính xác cái quãng thời gian đế vương kia là chuyện có thật hay
chỉ một giấc mơ đẹp.
***
Bẵng đi một thời gian, không ai thấy bóng hắn
đâu cả. Có người nói hắn được đưa vào nhà thương điên Châu Quỳ. Có người nói
hắn đã chết. Cũng có người cam đoan vừa thấy hắn hôm kia ở ga Giáp Bát, lưng
đeo một bì vải nhựa rất to nhưng có vẻ không nặng lắm,.
Bản
thân tôi, người kể câu chuyện này, cũng từng viết và in ngót nghìn trang thơ
nhưng không ai thèm đọc. Một hôm tình cờ gặp hắn, cám cảnh, tôi định đến bắt
chuyện rồi mời hắn một bữa cơm bụi, nhưng không hiểu sao, thấy có người lại
gần, hắn liền bỏ chạy như ma đuổi.
Có
nhiều khả năng hắn, con người thông minh nhường ấy, thậm chí có thể một thiên
tài, đã chết thật, và cả bao tải thơ thiên tài ấy cùng chết theo hắn. Ít hi
vọng năm mươi năm hoặc một trăm năm sau có bà đồng nát nào đó khi bới tìm trong
các đống giấy lộn bỗng phát hiện thấy di cảo của hắn và trả lại cho hắn cái
danh tiếng hắn xứng đáng được hưởng.
Hà Nội, 12.1.2001
Ngọc Châu gửi đăng.
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập
nhật lại- ngày 26/07/2014
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 26/07/2011
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Ma hiền – Truyện ngắn Thái Bá Tân (Hải Phòng)
Bông hồng chưa tặng – Truyện ngắn Thái Bá Tân (Hải Phòng)
Ma hiền – Truyện ngắn Thái Bá Tân (Hải Phòng)
Ngày 10/07/2011
Đêm cuối tháng, trời không trăng nhưng chi chít những chấm sao mờ. Sau mấy ngày nắng nóng, nhờ cơn giông buổi chiều lúc này không khí thật mát mẻ dễ chịu. Xung quanh vắng vẻ, yên tĩnh, khác hẳn với cái World Cup hừng hực ồn ào ở thành phố, nơi người ta đang chăm chú dán mắt vào màn hình vô tuyến, hăng hái bình luận, hăng hái tranh cãi hoặc cá cược nhau.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Thái Bá Tân
Bút danh Thái Bá Tân
Hội viên Hội nhà văn TP.Hải Phòng
Địa chỉ: TP. Hải Phòng
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
MA HIỀN
Đêm cuối tháng, trời không trăng nhưng chi chít những chấm sao mờ. Sau mấy ngày nắng nóng, nhờ cơn giông buổi chiều lúc này không khí thật mát mẻ dễ chịu. Xung quanh vắng vẻ, yên tĩnh, khác hẳn với cái World Cup hừng hực ồn ào ở thành phố, nơi người ta đang chăm chú dán mắt vào màn hình vô tuyến, hăng hái bình luận, hăng hái tranh cãi hoặc cá cược nhau.
Nếu không vì miếng cơm manh áo thì nhân vật chính câu chuyện của chúng ta chắc chắn cũng đang say mê cái niềm vui bốn năm mới có một lần ấy của cả thế giới. Tiếc rằng anh nghèo, phải kiếm sống bằng nghề xe ôm bất kể giờ giấc. Hơn thế, như nhiều người nghèo khác, anh ôm mộng bỗng chốc thành giàu bằng chơi lô đề và cá cược đủ loại. Rất có thể dịp bóng đá này sẽ giúp anh thực hiện ước mơ đó. Bây giờ thì phải có tiền đã, như muốn câu cá lớn trước hết phải có cá con làm mồi.
Vậy là lúc ấy nhân vật của chúng ta đang đi làm. Ta hãy gọi anh bằng tên cho tiện. Vâng, anh tên là Sáu Râu, mặc dù mặt mũi nhẵn nhụi và không hề có sợi râu nào. Có thể trước có nhưng nay thì không hoặc đã bị cạo nhẵn. Mà thôi, chi tiết này không quan trọng.
Hơn chín giờ tối, Sáu Râu được một cô gái nhờ chở từ Hà Đông về Văn Điển. Cô mảnh dẻ, hình như xinh vì trời tối không nhìn rõ, giọng nói cũng nhỏ nhẹ và có cái gì đấy thật mủi lòng. Vì thế Sáu Râu mới nhận đi, chứ nếu là thanh niên thì chắc chẳng dám. Quãng đường này vắng và thường nguy hiểm. Dọc đường mấy lần anh định bắt chuyện nhưng thấy khách không mặn mà nên thôi. Sắp tới nghĩa trang, anh cười hỏi:
- Cô có sợ ma không?
- Trước có, nhưng bây giờ thì không.
- Lạ nhỉ. - Sáu Râu tò mò. - Vì sao?
- Vì bây giờ em đã là ma. Em chết Tết vừa rồi, chôn ở đây. Hay anh vào chơi chỗ em một chốc? - Thấy người lái xe im lặng, cô gái nói tiếp: - Anh không tin à? Vậy quay lại mà xem.
Sau Râu ngoái lại, chẳng thấy cô gái ngồi sau lưng nữa. Lớp da nửa chiếc yên trống bàng bạc dưới ánh sao. Anh sững sốt đến mức phanh két xe lại, đang định bước xuống thì vướng chân vào người cô gái, vẫn đang ngồi trên nửa chiếc yên trống lúc nãy.
- Sao anh không đi tiếp? - Cô kia hỏi, hình như cố nín cười.
- Cô làm cái trò gì thế? - Sáu Râu cố tình nói vẻ gắt gỏng để che dấu nỗi sợ của mình. Quả thật anh đang rất sợ, sợ đến muốn khuỵu xuống đất. - Ma mà được như cô thì tôi cũng muốn làm ma...
- Anh vẫn chưa tin à? - cô gái nói, và lần nữa biến mất để rồi lại xuất hiện ngay sau đó.
Sáu Râu không nói gì thêm. Anh muốn bỏ chạy, muốn kêu to nhưng không hiểu sao vẫn đứng bất động.
- Ta đi tiếp đi anh, - cô gái nói. - Vậy là anh đồng ý vào chơi chỗ em rồi nhé.
Tự nhiên chiếc xe nổ máy. Sáu Râu lại thấy mình đang cầm lái nhưng người thực sự điều khiển xe là cô gái ngồi phía sau. Giờ thì không nghi ngờ gì nữa, anh thầm lo sợ nghĩ, mình đã gặp ma lại còn bị bắt cóc đưa xuống âm phủ.
Đến cổng nghĩa trang, xe rẽ phải rồi cứ thế lao thẳng vào chiếc cổng sắt đang đóng chặt với cuộn dây xích buộc mấy vòng qua hai cánh. Sáu Râu hoảng hốt lo tai nạn, nhưng lạ thay, nó vẫn phóng vào như không có gì ngăn cản. Anh không tin nổi mắt mình. Chiếc cổng nặng nề không hề mở mà xe anh chẳng va phải gì. Một điều lạ nữa là lúc ấy đang có hai nhân viên bảo vệ ngồi uống nước bên cạnh, thế mà họ không nhìn thấy gì, nghe gì.
Chiếc xe đi tiếp. Sau khi nhẹ nhàng xuyên qua một ngôi nhà nhỏ, một bức tường và mấy ghế đá, nó bắt đầu đi xuống theo con đường nhờ nhờ tối và mỗi lúc một sâu thêm. Sáu Râu từng nhiều lần đến nghĩa trang Văn Điển, biết chắc ở đây không có con đường nào thế này. Không thấy mặt đường nhưng anh nghĩ chắc nó được trải nhựa vì xe đi êm và rất nhanh. Bên tai có tiếng vun vút như gió thổi ngược.
Cuối cùng chiếc xe đi vào một thành phố, hình như cũng bình thường như nhiều thành phố khác. Có điều ở đây mọi cái nhỏ hơn, mờ ảo hơn, đặc biệt rất vắng vẻ và yên tĩnh. Không hề có tiếng động nào. Không hiểu lúc ấy là đêm hay ngày, chỉ thấy âm u không tối cũng không sáng. Hai bên phố nhà xếp thành hàng rất đều, chỉ một tầng màu đỏ hoặc vàng, tất cả đều có mái bốn góc uốn cong. Trước nhà nào cũng có một phiến đá lớn dựng thẳng đứng, có lẽ vừa làm cổng vừa làm nơi ghi tên chủ nhà. Trên phố lác đác người qua lại, toàn mặc quần áo màu vàng, mỗi lần gió thổi nhẹ lại bay lên trông như được làm bằng giấy. Có cả xe máy và ô tô, cũng màu vàng và cũng có vẻ nhẹ tênh như giấy. Tất cả không phải chuyển động mà cứ như lướt nhẹ trên mặt đường.
Sáu Râu ngồi đơ người trên xe, muốn hỏi cô gái đây là đâu mà không nói được. Cảm giác sợ hãi ban đầu dần dần nhường chỗ cho sự tò mò kinh ngạc. Hóa ra âm phủ là thế này đây. Có vẻ chẳng đáng sợ như miêu tả trong truyện cổ tích. Anh cấu mạnh vào má, thấy tê tê, chứng tỏ không phải đang mơ, rồi cố tình chạm vào người ngồi phía sau. Dẫu không có cảm giác người thật nhưng vẫn là cái gì đó hữu hình chứ chẳng phải không khí. Cô gái này đúng là ma, hẳn thế, nhưng chắc không phải ma ác. Chưa thấy có dấu hiệu nó sẽ hại anh. Cuối cùng chiếc xe tự động dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ, có vẻ mới xây và sơ sài.
- Nhà em đây, - cô gái nói khi hai người xuống xe đi vào và bật đèn. Ánh đèn không trắng vàng mà xanh nhờ nhờ như ở những nhà khác họ vừa đi ngang. - Em mới xuống đây nên mọi thứ còn bừa bộn.
Sáu Râu đưa mắt nhìn quanh. Căn phòng nhỏ chỉ dành cho một người. Trên tường treo vòng hoa toàn màu trắng, chứng tỏ cô này chết chưa chồng. Chiếc bàn thờ kê ở tường đối diện, cùng lư hương đang nghi ngút khói và bức ảnh người chết trăng trắng.
Sáu Râu đưa mắt nhìn quanh. Căn phòng nhỏ chỉ dành cho một người. Trên tường treo vòng hoa toàn màu trắng, chứng tỏ cô này chết chưa chồng. Chiếc bàn thờ kê ở tường đối diện, cùng lư hương đang nghi ngút khói và bức ảnh người chết trăng trắng.
- Ra đây là âm phủ? - Sáu Râu nói, ít nhiều binhf tĩnh trở lại, khi hai người ngồi xuống chiếc bàn trà bằng gỗ tạp cũ kỹ, tự lấy làm lạ nghe tiếng mình xa xăm rất khác. - Không đến nỗi nào.- Anh cố lấy giọng vui vẻ rồi đưa mắt nhìn kỹ người khách kỳ lạ. Đó là một cô gái xinh đẹp còn trẻ, chắc chưa quá hai mươi lăm, tóc lượn sóng phủ chấm vai, nước da trắng bệch, đôi mắt đen tròn và sâu.
- Vâng, đây là thế giới bình thường của người đã chết, nói chung chẳng khác mấy so với trên ấy...
- Còn địa ngục? Người ta nói kẻ ác chết phải xuống địa ngục để chịu bao điều kinh khủng...
- Địa ngục ở tầng dưới cùng, đây chỉ mới tầng trên nhất, cho những con ma lương thiện. Ở đây ma cũng phải vất vất kiếm sống như người, bằng đủ các nghề và mánh khóe, có khi còn gian xảo hơn. Thế giới của ma với nhau mà.
Sáu Râu trố mắt ngồi nghe.
- Thế cô làm nghề gì?
- Em vốn là kế toán một công ty lớn nhưng nay sẽ xin làm cô giáo cấp một. Dưới này cũng có trường học, có ma con nít làm học trò, nhưng em mới xuống, chưa xin được. Vả lại thế giới âm phủ cũng quan liêu, phức tạp lắm. Người ta bảo làm cô giáo thì lý lịch phải trong sạch, mà em lại có vấn đề. Số là khi còn sống, do em biết rõ các hành vi tham ô của ban giám đốc, người ta đã xô em xuống sông Hồng rồi bảo em tự tử vì bị thụt két nhà nước. Hôm nay em đến Hà Đông để kêu oan với ông chánh án, nhưng ông ta không tin...
- Đã là ma, sao cô không báo oán những kẻ vu oan cô? Bắt chúng chết chẳng hạn. Cô thiếu gì phép lạ.
- Em không làm được điều ấy vì em không phải ma ác. Em là ma hiền. Mà rồi có muốn cũng không làm được. Thực ra nói chung ma chẳng làm được gì để hại người, ngoài việc báo mộng khiến họ ăn năn hối lỗi. Em thậm chí không mở được két cơ quan để lấy các chứng từ gian lận đưa cho ông chánh án làm bằng chứng. Cũng có thể ông ấy không cần đến chúng. Ma không hối lộ được người vì chỉ có tiền âm phủ.
- Xưa nay tôi cứ nghĩ chết là hết, là thoát cái nợ đời và rằng chẳng có ma quỉ gì cả.
- Trước em cũng nghĩ vậy và rất mong được như vậy. Đằng này làm ma khổ lắm, nhất là ma hiền như em.
- Ít ra ở đây yên tĩnh hơn.
- Tại anh không nghe thấy đó thôi. Dưới này cũng đinh tai nhức óc không kém. Suốt ngày hết lũ ma điên kêu thét, bây giờ lại đến cái trò bóng đá World Cup này nữa. Đấy, người ta đang reo hò ầm lên đấy. Chắc bóng lại vào lưới. - Cô gái nói, nhăn mặt như khó chịu vì tiếng ồn.
- Sao, dưới âm phủ cũng có ti-vi và ma cũng xem bóng đá? - Sáu Râu vội hỏi.
- Có chứ. Thì đã bảo tất cả y hệt như trên ấy mà. Anh có thích xem không để em bật máy?
Cô gái nói rồi giơ tay về phía trước, khẽ bấm ngón trỏ. Ngay lập tức trên tường xuất hiện chiếc màn hình vô tuyến loại nhỏ.
- Các chương trình trên ấy dưới này chỉ bắt được đen trắng, lại hơi nhiễu. Của bọn em làm mới có màu.
Ti-ti đang phát trực tiếp một trận bóng đá từ Seoul. Quả có hơi bị nhiễu nhưng nhìn khá rõ. Trận đấu diễn ra sôi nổi và đang vào hồi kết thúc. Cả biển người reo hò ầm ĩ (nhìn cử chỉ thì biết chứ không có tiếng, hoặc có nhưng không nghe được), tay giơ cao những lá cờ chính giữa có hình tròn màu trắng. Họ là cổ động viên của đội có cầu thủ nhỏ con hơn. Mấy phút sau trên màn hình xuất hiện kết quả trận đấu: 2-1!
- Ủa, ra đây là trận Ba Lan gặp Hàn Quốc? - Sáu Râu ngạc nhiên kêu lên. - Theo lịch, trận này ngày mai, mồng bốn tháng Sáu, mới đấu cơ mà?
- Dưới này nhanh hơn trên ấy 24 giờ. Đúng một ngày đêm. - Cô gái giải thích. - Anh cũng mê bóng đá à?
- Vâng.
- Cả cá độ nữa?
Sáu Râu ngập ngừng một chốc:
- Đúng thế, nhưng chỉ cho vui thôi.
- Dưới này người ta cũng máu mê cái trò ấy lắm. Khối anh tan cửa nát nhà hoặc thậm chí bị đày xuống các tầng sâu hơn vì nó...
- Cô nói ở đây nhanh hơn một ngày đêm? Nghĩa là hiện giờ trên ấy mới mồng ba tháng Sáu và ngày mai trận Ba Lan - Hàn Quốc mới diễn ra? - Sáu Râu ngắt lời, hỏi.
- Vâng, anh định cá cược trận này à?
- Sao lại không? Tôi biết trước kết quả. Tôi sẽ thắng, sẽ thu lại những khoản tiền xưa nay đã thua. Sẽ trở thành giàu có.
- Tùy anh thôi, nhưng theo em thì không nên dính vào các trò may rủi. Chúng chẳng bao giờ mang lại điều gì hay ho đâu.
Một chốc sau, Sáu Râu tỏ ý muốn về. Anh có vẻ bồn chồn, ra chiều đang suy nghĩ điều gì lung lắm.
- Phải có em cùng đi anh mới ra khỏi đây được. - Cô gái nói rồi hai người đứng dậy.
Chiếc xe lại lặng lẽ lăn bánh ngược chiều lúc nãy. Khi ngang qua hai bóng người co ro đứng dưới cột đèn, cô kia chỉ tay nói:
- Các cô gái làm tiền ở gần cầu Chương Dương đấy. Bị chết vì ma túy, xuống đây còn phải làm cái nghề nhục nhã này. Tội nghiệp.
Nhưng lúc ấy Sáu Râu chẳng còn nghe cô nói. Đầu óc anh đang bận nghĩ những chuyện khác quan trọng hơn...
***
Hôm nay là mồng sáu tháng Sáu, hai ngày sau chiến thắng vang dội 2-1 của đội Hàn Quốc trước đội Ba Lan châu Âu giàu truyền thống bóng đá. Nhiều người còn hân hoan, phần nào hơi ngỡ ngàng với kết quả bất ngờ ấy. Nhưng cũng hôm nay, khi tôi viết những dòng này, bỗng có người đến báo tin Sáu Râu vừa mới bị một bọn đâm thuê chém mướn xông vào nhà chém chết và lấy đi tất cả số tiền anh thắng cược. Nhiều lắm, nghe nói hàng trăm triệu.
Chẳng giấu gì các bạn, Sáu Râu (không phải tên thật) là một người bên ngoại nhà tôi. Cách đây ba hôm, tức vào tối mồng ba, anh đến hỏi tôi vay tiền, "càng nhiều càng tốt”, hẹn "đúng mồng năm hoặc cùng lắm mồng sáu sẽ trả. "Để làm gì?” tôi hỏi nhưng anh không chịu nói. Chỉ khi tôi tuyên bố dứt khoát sẽ không cho vay nếu không biết số tiền đó dùng làm gì, anh mới kể những điều tôi viết ở phần trên, tất nhiên có thêm bớt đôi chút cho văn vẻ vì ngôn ngữ của anh thì không thể bê nguyên xi lên giấy được. Vả lại, lúc đầu tôi định dựa vào đấy để viết một truyện ngắn với phần kết khác hẳn. Bây giờ thì các bạn biết đấy, tôi không thể viết gì khác ngoài cái kết cục bất ngờ và đau buồn, là anh đã bị giết chết. Ai giết thì cả tôi và các bạn có thể đoán biết: Chính kẻ thua tiền cá cược với anh trận Hàn Quốc thắng Ba Lan.
Ngay tối hôm ấy và cả bây giờ, tôi hoài nghi tính xác thực câu chuyện của anh ở nghĩa trang Văn Điển. Đơn giản tôi nghĩ anh mê cá cược quá thành hoang tưởng, hoặc có thể anh ngẫu nhiên đoán đúng kết quả trận đấu. Cuối cùng nể anh, tôi cũng cho vay. Chỉ mấy triệu. Chắc anh phải vất vả lắm mới kiếm đủ tiền để cá cược một cú lớn như vậy. Có lẽ một ăn năm, ăn bảy gì đấy, vì đội Hàn Quốc vẫn bị coi là đội yếu hơn nhiều và do vậy, khả năng thắng, lại thắng đậm, là rất ít. Không hiểu Sáu Râu có kể cho những người khác anh hỏi vay tiền nghe câu chuyện kỳ lạ kia của anh không. Nếu có, những người ấy bây giờ đang nghĩ gì? Phần tôi, quả thực tôi đang bối rối. Tôi băn khoăn không biết nên nói gì với người thân của anh và cả với nhà chức trách, nếu được hỏi.
Tuy nhiên, ngay bây giờ có một điều tôi có thể nói chắc với mọi người, kể cả các bạn, rằng tôi hoàn toàn đồng ý với con "ma hiền”, cô gái kế toán bị giết oan kia, nếu quả thật có một cô gái như vậy, là "đừng bao giờ dính vào những trò may rủi”, vì "chúng sẽ không bao giờ mang lại điều gì hay ho cả”.
Hà Nội, 06/06/2002
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại- ngày 26/07/2014
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 10/07/2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bông hồng chưa tặng – Truyện ngắn Thái Bá Tân (Hải Phòng)
Ngày
10/03/2011
Một lần
tôi còn chuẩn bị sẵn một bông hồng giấu trong cặp định tặng nàng, nhưng khi gặp
lại không đủ can đảm trao nàng bông hồng ấy. Sau đó, một thời gian rất lâu tôi
không thấy nàng xuất hiện, cả trên sàn diễn lẫn trước cửa Nhà Hát Lớn. Linh
tính báo có chuyện khác thường.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Thái Bá Tân
Bút danh Thái Bá Tân
Hội viên Hội nhà văn TP.Hải Phòng
Địa chỉ: TP. Hải Phòng
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
BÔNG HỒNG CHƯA
TẶNG
Tám giờ kém mười. Lần nữa chuông rung dài
phía trong Nhà Hát Lớn.
Mấy
người đến muộn đang vội vã leo lên các bậc đá lát để đi qua chiếc cửa sắt nhỏ
có bà soát vé to béo đứng cạnh, vừa xé vé vừa giục họ nhanh lên vì buổi diễn
sắp bắt đầu. Đúng tám giờ, chiếc cửa sắt bị khóa. Bà kia lui sang bên, lơ đãng
nhìn ra ngoài.
Cuối
cùng, trước nhà hát chẳng còn ai ngoài mấy người bán hàng rong, một thanh niên
mặc quần áo bộ đội vẫn ngồi trên yên xe đạp, chân chống xuống đất, một cô gái
trẻ mặc áo khoác màu sáng luôn nhìn đồng hồ, đi lại vẻ sốt ruột, và tôi.
Tôi
không đi lại, không sốt ruột vì chẳng chờ ai, chỉ buồn do không mua được vé vào
nghe buổi hòa nhạc của một nghệ sĩ pianô nổi tiếng người Nga mà tôi hâm mộ.
Đang
cuối tháng Hai, mới Tết xong và trời còn khá lạnh. Lại thêm chút mưa phùn lất
phất, nhỏ thôi, và chỉ nhận thấy qua ánh sáng vàng nhạt của mấy cột đèn gần đó.
Anh
thanh niên đã đạp xe đi. Cô gái vẫn nấn ná chờ người nhỡ hẹn. Tôi thì đứng ngay
dưới cánh cửa sắt vì còn hy vọng biết đâu ai đấy vào phút chót có thể thừa vé
nhượng lại.
Cô
gái không đội mũ. Mái tóc phi-dê cắt ngắn xới phồng với những giọt nước li ti
bám phía trên. Tôi ngạc nhiên thấy chúng có màu khác nhau. Tế nhị không nhìn
lâu, nhưng khi cô đi ngang tôi cũng kịp nhận thấy một khuôn mặt rất xinh, hơi
gầy và thanh thoát, có lẽ nhờ chiếc mũi thẳng và đôi mắt sâu. Một vẻ đẹp cổ
điển, sang trọng của người có văn hóa. Mấy lần tôi định nhưng không dám hỏi mua
lại một trong hai chiếc vé mà tôi tin chắc nàng đang giữ trong chiếc ví đầm đeo
bên hông.
Bất
chợt nàng đi lại gần tôi và nói, rất thản nhiên, giản dị:
“Anh
có muốn đi dạo với em một chốc không?”
Lúc
ấy tôi mới hai mươi tám tuổi, đã tập tãnh nghề văn và đang yêu. Tôi yêu một ca
sĩ, nghiệp dư thôi nhưng đang nổi, ít ra mấy lần đoạt giải các cuộc thi văn
nghệ phong trào. Nàng cũng xinh và chúng tôi yêu nhau thực sự. Có điều khác hẳn
tôi, nàng không thích nhạc cổ điển nên chẳng bao giờ chúng tôi cùng vào Nhà Hát
Lớn, mặc dù chiều nàng, tôi luôn có mặt ở những đêm ca nhạc tôi chẳng mấy thích
thú.
Cô
gái hơi lúng túng khi tôi, vì bối rối chưa biết trả lời thế nào. Tuy nhiên chi
mấy phút sau chúng tôi đã sóng đôi đi dọc theo phố Tràng Tiền rồi vòng quanh bờ
hồ Hoàn Kiếm.
Thành
phố ban đêm thật đẹp và yên tĩnh. Ánh điện hắt lên mặt hồ thành từng vùng tròn
như những chiếc trứng tráng trong chảo. Phía nhà Thủy Tạ có mấy ngọn đèn xanh
in ngược xuống nước thành hình những chiếc cọc, tất nhiên cũng màu xanh và run
rẩy như muốn gãy khuỵu dưới sức nặng của chiếc quán hai tầng trên đó. Có tiếng
kèn xắc-xô-phôn buồn buồn vọng lại, xuyên qua lớp sương mù màu trắng ẩm ướt.
Chúng
tôi lặng lẽ đi một đoạn dài không ai nói gì. Cuối cùng tôi lên tiếng:
“Chị
vừa chờ ai nhưng người ấy không tới?”
“Em
chờ chồng em”, nàng đáp, cũng rất tự nhiên. “Nhưng không sao, em quen với
cảnh này rồi”.
“Và
để trả thù chồng, chị mời tôi, một người lạ đi dạo thế này?”
Nàng
không đáp. Tôi cũng im, lấy làm tiếc đã hỏi điều đáng lẽ không nên hỏi. Tôi
thấy lạ trước cách cư xử của nàng. Cứ như ở một nước phương Tây nào đó. Rõ ràng
nàng không thuộc loại phụ nữ dễ dãi, chưa hẳn đã thích phiêu lưu, vì ở nàng tôi
thấy có cái gì đó sạch sẽ và nghiêm túc. Thế thì sao nàng, một người có chồng
như đã nói, lại chủ động mời tôi đi dạo? Có ẩn ý gì chăng? Nàng là ai và cần gì
ở tôi?
Vì
lúc ấy còn trẻ và đang bị trí tò mò kích thích, tôi chẳng băn khoăn nhiều với
những câu hỏi như thế, chỉ thấy sung sướng được đi dạo cùng người đẹp trong một
đêm Hà Nội mơ mộng.
Chúng
tôi vào Thủy Tạ ăn kem, những hai suất. Nàng để tôi trả tiền không chút kiểu
cách. Rồi chúng tôi thong thả đi thêm một vòng quanh hồ, sau khi quành sang phố
Nhà Thờ, phố Hàng Trống và một đoạn phố Hàng Gai. Khi trở lại Nhà Hát Lớn thì
vừa đúng mười giờ rưỡi, cũng là lúc buổi diễn kết thúc và lác đác đã có vài
người đi ra. Tôi đề nghị được đưa nàng về nhà nhưng nàng lắc đầu.
Nàng
chìa bàn tay nhỏ bé của mình cho tôi. Bàn tay mềm và ấm, lần đầu tôi được chạm
vào nó.
“Anh
dễ thương thật đấy. Suốt mấy tiếng đồng hồ không hỏi một câu ngốc nghếch nào.
Em thích những người như vậy. Em cũng thích anh. Nếu anh hay đến nhà hát này
thì chắc ta còn nhiều dịp gặp nhau. Tam biệt và cảm ơn!”
Rồi
nàng bỏ đi, đến đứng chếch phía bên phải nhà hát. Lát sau có chiếc ô tô màu đen
đi tới đưa nàng đi. Một cô gái kỳ lạ mà lúc ấy tôi chưa biết tên và cô cũng
chưa biết tên tôi.
Không
phải tôi không hỏi câu nào. Theo yêu cầu của tôi, nàng nói chồng nàng là một
quan chức quan trọng, hơn nàng những hai mươi lăm tuổi. Và rằng nàng đồng ý lấy
ông vì bố mẹ bắt thế chứ chẳng vì tình yêu. Tuy nhiên đó không phải lý do để
nàng không quí trọng ông hoặc cảm thấy bất hạnh. Đơn giản nàng nghĩ một khi đã
là vợ chồng thì phải cư xử theo đúng đạo vợ chồng. Xuất thân từ gia đình gia
giáo, nàng nghĩ cần phải thế. Chỉ tiếc ông không hiểu và không coi trọng nghề
nàng. Tôi hỏi nghề gì, nàng chỉ im lặng mỉm cười. Phần tôi, tôi nói đang yêu và
cũng được yêu lại. Một cách xã giao và hơi kỳ cục, chúng tôi chúc nhau hạnh phúc.
Ngoài ra không hỏi gì hơn về đời tư mỗi người.
Nửa
tháng sau tôi lại vào Nhà Hát Lớn để xem vở ba-lê Giselle do một đạo diễn người
Pháp giúp Việt Nam dàn dựng. Và lại gặp nàng. Không phải trước nhà hát mà trên
sàn diễn. Hơn thế, trong vai chính, tức là nàng Giselle xinh đẹp phải chịu
nhiều đau khổ trước khi tìm được hạnh phúc của mình như ở phần kết hầu hết các
vở ba-lê khác.
Xem
tờ rơi giới thiệu nội dung, tôi biết tên nàng là Lệ Trinh, một diễn viên trẻ
đầy triển vọng của Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Trung ương, mới tốt nghiệp trường
ba-lê danh tiếng nhất Liên Xô, ở chính thành phố tôi từng học trước đó mấy năm.
Với cảm giác ngạc nhiên và hơi chút ít lâng lâng, suốt buổi diễn tôi chỉ ngắm
nhìn một mình nàng trong bộ đồ ba-lê trắng mỏng tinh khiết. Cả người nàng cũng
trắng mỏng tinh khiết. Nàng thoăn thoắt bước đi trên hai đầu ngón chân bé nhỏ,
xen những cú nhảy nhẹ tưởng như không trọng lượng. Nàng đẹp một cách lộng lẫy.
Cái đẹp hoàn thiện, thoát tục, đến mức trong tôi chỉ còn lại cảm giác ngưỡng mộ
như khi người ta ngưỡng mộ một nữ thần. Thật khó tin mới chỉ mấy ngày trước đó
tôi được nữ thần ấy mời đi dạo, thậm chí được chạm tay nàng.
Sau
buổi diễn, đứng khuất phía xa trước nhà hát, tôi nhìn thấy nàng, vẫn
chiếc áo khoác hôm nọ, đang cùng một người đàn ông cao to mặc com-lê đen âu yếm
dẫn nàng đến chiếc ô tô màu đen đợi sẵn. Chiếc ô tô chở nàng lần trước. Trong
vở diễn nàng được chàng hoàng tử nâng trên đôi tay khỏe mạnh của mình, còn
ngoài đời, nâng đỡ nàng là chiếc ô tô của chồng, chức vụ và có lẽ cả đôi tay
cũng rất khỏe của ông ta. Tôi thở dài, thầm mỉm cười với sự so sánh ngồ ngộ ấy.
Tôi
thờ thẩn bước đi giữa phố, đúng lộ trình tôi và nàng đã đi lần trước. Lần này
trời quang đãng và đầy sao. Những ngôi sao khá lớn chen chúc trên mặt nước hồ
Hoàn Kiếm. Tôi đứng hồi lâu trên cầu Thê Húc, tay vịn vào thành cầu đẫm hơi
sương nhưng không hiểu sao lám nhám những hạt cát nhỏ. Tôi lờ mờ thấy mình đang
yêu. Đúng, yêu nàng, nhưng là thứ tình yêu khác hẳn với tình yêu đối với cô ca
sĩ nghiệp dư đang nổi. Một tình yêu trừu tượng, vô vọng và pha chút mặc cảm tội
lỗi vì nàng đã có chồng.
Xưa
nay ngoài sách, nhạc cổ điển là đam mê lớn nhất của tôi, nên hầu như tôi không
bỏ sót buổi hòa nhạc nào loại này ở Hà Nội. Thậm chí thời sinh viên tôi từng mơ
ước trở thành nhạc sĩ hoặc chỉ huy dàn nhạc giao hưởng.
Mấy
hôm sau tôi lại có mặt ở Nhà Hát Lớn để nghe một chương trình nhạc Beethoven,
gồm các bản giao hưởng số Một, số Sáu và khúc dạo đầu (ouverture) Coriolant.
Lần này may tôi mua được vé, tất nhiên chỉ đi một mình.
Nàng
xuất hiện đúng lúc tôi sắp bước vào nhà hát, mặc quần jeans, đi giày da và
khoác trên người chiếc áo len rộng màu xanh nhạt. Tôi có cảm giác mặt nàng đỏ
ửng, hơi thở gấp, có lẽ do trước đó phải chạy một quãng.
“Chào
Lệ Trinh,” tôi lên tiếng trước, cố giấu vẻ hồi hộp. “Hôm nay chồng chị lại nhỡ
hẹn nữa à?”
Nàng
không ngạc nhiên khi tôi gọi đúng tên.
“Không.
Em đi một mình. Em đến đây vì anh,” nàng đáp, cũng tự nhiên và giản dị như lần
trước. “Anh có sẵn sàng bỏ buổi hòa nhạc để đi dạo với em không?”
Chúng
tôi lại đi theo các phố cũ, có ghé vào Thủy Tạ nhưng không ăn kem mà uống cà
phê, vừa uống vừa ngắm mặt hồ ban đêm và ôn chuyện Liên Xô. Dường như đề tài
này làm hai người tự nhiên, thân mật hơn. Tịnh không một lời về đời riêng của
nhau. Sau đó như lần trước, tôi đưa nàng trở lại nhà hát chỉ mấy phút trước khi
ông chồng đánh ô tô đến đón nàng về.
Những
tháng tiếp theo tôi còn mấy lần được nàng rủ đi chơi như thế. Mấy lần thấy ông
chồng cùng nàng vào nhà hát. Tuy nhiên nàng chẳng tỏ ra thân mật hơn trước,
ngoài việc tôi có thể giữ tay nàng lâu hơn, thậm chí một lần còn nâng lên hôn
mà không bị rút lại. Thỉnh thoảng như vô tình, nàng hỏi chuyện tình yêu của tôi
với cô kia, và tôi nói mọi chuyện vẫn bình thường.
“Phải
chăng nàng cũng yêu tôi, hay chẳng qua đó chỉ là trò đùa của những người xinh
đẹp, giàu có và rất hiểu rõ địa vị mình?” Câu hỏi ấy cứ làm tôi băn khoăn mãi.
Vốn hay mặc cảm và không muốn rơi vào thế lố bịch, dẫu rất yêu, tôi vẫn luôn tỏ
ra kiềm chế, vì dẫu sao nàng cũng đã có chồng.
Một
lần tôi còn chuẩn bị sẵn một bông hồng giấu trong cặp định tặng nàng, nhưng khi
gặp lại không đủ can đảm trao nàng bông hồng ấy.
Sau
đó, một thời gian rất lâu tôi không thấy nàng xuất hiện, cả trên sàn diễn lẫn
trước cửa Nhà Hát Lớn. Linh tính báo có chuyện khác thường. Tôi nhờ người dò
hỏi và được biết chồng nàng bị bắt cách đấy không lâu (vì lý do gì không rõ),
đang bị giam đâu đó tận Tây Nguyên, và nàng đã bỏ hẳn vào đấy để chăm sóc ông.
***
Từ
đó tôi chẳng biết gì thêm về Lệ Trinh. Rồi mọi cái cũng qua đi, kể cả tình yêu
của tôi với nàng, còn lại trong tôi chỉ là sự luyến tiếc mơ hồ như luyến tiếc
một kỷ niệm đẹp. Tôi lấy vợ, có con, không phải lấy cô ca sĩ xinh đẹp không yêu
nhạc cổ điển, cũng không phải vài người nữa tôi yêu sau đó. Cuộc đời dần dần đi
vào nếp ổn định. Tôi lấy thế làm hài lòng và chẳng có gì phải than phiền. Tôi
vẫn đều đặn vào Nhà Hát Lớn nghe hòa nhạc hoặc xem ba-lê. Chỉ những lúc ấy tôi
mới nhớ đến Lệ Trinh, đặc biệt hôm đầu tiên thấy nàng trên sàn diễn trong vai
cô gái Giselle xinh đẹp, tinh khiết và dường như không trọng lượng. Tôi cũng
nhớ cả những đêm được đi dạo bên nàng hoặc phải lang thang một mình giữa các
phố Hà Nội cho đến tận sáng như mọi chàng trai si tình khác. Rồi tôi thương cho
nàng đáng lẽ được ông chồng to khỏe, đạo mạo, đầy chức quyền kia nâng trên tay
đi hết cuộc đời, thì lại phải vào tận chốn rừng núi hoang vu miền Nam để nuôi
ông, nâng cái cơ thể to khỏe kia của ông bằng chính đôi tay bé nhỏ của nàng,
trên đôi chân đi những bước nhỏ bằng ngón kiểu ba-lê của nàng. Bây giờ nàng thế
nào và đang ở đâu?
***
Một
hôm, bất ngờ tôi nhận được bức thư từ Mỹ. Thư của Lệ Trinh.
“Chắc anh không còn nhớ em và đang ngạc
nhiên? Em là Lệ Trinh, người cùng anh mấy lần đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm cách
đây đã nhiều năm.”
Nàng
viết, vẫn bằng giọng tự nhiên, chân thành như xưa.
“Bây
giờ, ở khoảng cách an toàn, rất xa cả về địa lý lẫn thời gian, em mới dám nói
với anh điều này. Em yêu anh! Em đã rất yêu anh những ngày được gặp và không
được gặp anh thời ấy. Anh không biết, hay đúng hơn, em không cho anh biết điều
đó, vì em đã có chồng, còn anh thì đang yêu người khác. Dẫu mãnh liệt, tình cảm
của em đối với anh đã không thắng được ý thức đạo nghĩa vợ chồng trong em. Vả
lại em cũng không thể cho phép mình cướp đi hạnh phúc của cô gái anh yêu và yêu
anh. Đối với em đó là những ngày hạnh phúc nhất, đáng sống nhất. Còn sau đó chỉ
là một sự tồn tại, thuần túy một sự tồn tại theo các khuôn phép đạo đức do xã
hội qui định.
Dù không yêu, em đã hết lòng tận tụy với
chồng cho đến khi ông ấy chết bệnh trong tù. Sau đó em theo mấy người bạn vượt
biên và hiện đang sống ở Mỹ. Em đã có chồng, có con, dường như có tất cả, chỉ
trừ tình yêu. Anh là tình yêu duy nhất của em. Lẽ ra em đã có thể đến với anh
nếu em đủ dũng cảm thoát khỏi những ràng buộc của qui ước xã hội.
Viết thư này, em không có mong muốn nào
khác ngoài được bộc lộ với anh những suy nghĩ thầm kín của mình. Em những muốn,
và đã cố, không bao giờ nói ra, nhưng không được.
Hãy tha thứ cho em.
Lệ Trinh.
PS. Xin
anh đừng viết thư cho em. Điều ấy không cần thiết. Hơn thế, nó chỉ làm em thêm
đau khổ.”
Bức
thư đề ngày... tháng... năm 1989. Mười lăm năm kể từ đêm tôi nhìn thấy nàng lần
cuối.
***
Tháng
Năm năm 2000, trong lần đi du lịch một tháng với vợ ở Mỹ, tôi tìm đến nhà nàng
theo địa chỉ ghi trên bì thư. Tất nhiên một mình. Tôi không có ý định gặp hay
trò chuyện với nàng vì nàng không muốn điều ấy. Đơn giản chỉ muốn được nhìn qua
ngôi nhà nàng đang sống. Đứng từ xa mà nhìn. Đó là một ngôi nhà nhỏ, bình
thường như bao ngôi nhà khác xung quanh ở ngoại ô thành phố Raleigh, tiểu bang
North Carolina. Nhà đóng cửa, chỉ hai ô cửa sổ là không, nhưng được che bằng
những chiếc mành trắng mỏng. Tôi thong thả đi hai lần qua ngôi nhà ấy, ngồi
xuống cạnh gốc cây đối diện, hút hết một điếu thuốc rồi trở về khách sạn.
Tháng
trước, tôi lại nhận được một bức thư nữa từ Mỹ. Bức thư chỉ mấy dòng, được viết
bằng nét chữ đàn ông rắn rỏi, gần như tô từng nét.
“Theo
yêu cầu của người đã khuất, tôi xin báo ông biết rằng vợ tôi, bà Lệ Trinh, đã
từ trần ngày...vì nhồi máu cơ tim. Vợ tôi cũng nhờ nói lại rằng bà ấy đã nhìn
thấy ông ngồi hút thuốc trước nhà chúng tôi cách đây hơn hai năm. John Nguyen
Van Bach.”
***
Đó
là toàn bộ câu chuyện về Lệ Trinh mà chắc tôi sẽ không bao giờ viết ra nếu
không nhận được bức thư ngắn này của chồng nàng. Tôi chẳng còn gì để nói thêm,
ngoài việc nếu có dịp tới Mỹ lần nữa, nhất định tôi sẽ tìm đến mộ nàng để đặt
lên đó bông hồng năm nào tôi định tặng.
Hà Nội, 2004
Ngọc Châu gửi đăng.
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại- ngày 26/07/2014
Cập nhật lại- ngày 26/07/2014
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 10/03/2011
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
________________________________________________
Ma quỉ trong lòng ta – Truyện ngắn Thái Bá Tân (Hải Phòng)
Ngày
25/09/2012
Tháng
trước ở phường B. thị trấn Ðức Giang, huyện Gia Lâm, nơi tôi về nghỉ hưu mấy
năm nay, đã xẩy ra một vụ trọng án có nhiều tình tiết rất kỳ lạ, có thể nói bí
ẩn không sao giải thích nổi, đến mức cuối cùng người ta quay sang cho rằng nhất
định phải có yếu tố thần linh ma quỷ trong vụ này. Thần linh, ma quỷ là gì thì
chẳng ai biết, chẳng ai nhìn thấy bao giờ, khoa học chính thống có thái độ gần
như phủ nhận, thế mà ai cũng thích nói, thích nghe, nhiều khi tranh cãi nẩy lửa
về đề tài này. Ðề tài muôn thuở của những người rỗi rãi và thường yếu bóng vía.
Vụ án ở Ðức Giang là cái cớ tốt để người ta quay lại với nó.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Thái Bá Tân
Bút danh Thái Bá Tân
Hội viên Hội nhà văn TP.Hải Phòng
Địa chỉ: TP. Hải Phòng
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
MA QUỈ TRONG LÒNG TA
Tháng trước ở phường B. thị trấn Ðức Giang,
huyện Gia Lâm, nơi tôi về nghỉ hưu mấy năm nay, đã xẩy ra một vụ trọng án có
nhiều tình tiết rất kỳ lạ, có thể nói bí ẩn không sao giải thích nổi, đến mức
cuối cùng người ta quay sang cho rằng nhất định phải có yếu tố thần linh ma quỷ
trong vụ này. Thần linh, ma quỷ là gì thì chẳng ai biết, chẳng ai nhìn thấy bao
giờ, khoa học chính thống có thái độ gần như phủ nhận, thế mà ai cũng thích nói,
thích nghe, nhiều khi tranh cãi nẩy lửa về đề tài này. Ðề tài muôn thuở của
những người rỗi rãi và thường yếu bóng vía. Vụ án ở Ðức Giang là cái cớ tốt để
người ta quay lại với nó.
-
Ai bảo không có ma? Có quá đi chứ. Nhiều nữa là khác, - một trong mấy người
đang ngồi uống bia ở quán Hải Xồm, hùng hổ nói, bàn tay múp míp vuốt vuốt cái
đầu hói đến tận gáy. - Chỉ những người học vấn ít mới không tin chuyện ma. Ma
là cả một thế giới có thật tồn tại ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Chừng nào
khoa học hình sự chưa tiếp cận được cái thế giới ma ấy thì vụ Ðức Giang vừa rồi
còn lâu mới sáng tỏ.
-
Ma với quỷ quái gì! - một người khác bác lại không kém phần hăng hái. - Hiện
trường giả đấy. Thế mới cao tay.
Vài
người nữa chen vào, thế là cả nhóm tự lúc nào không biết chuyển sang nói chuyện
ma, người bảo có, người không rất sôi nổi như phần lớn các cuộc tán gẫu vô bổ
khác bên cốc bia. Ðể minh họa, người ta đem ra kể đủ chuyện, của mình và của
người khác, ai cũng cam đoan là có thật nhưng ai cũng biết là bịa. Có thể câu
chuyện dưới đây cũng vậy, tuy nó được kể trong một trường hợp khác, cụ thể là
trong một lần chúng tôi, mấy ông già về hưu kinh tế khá giả, tới khu vui chơi
Cầu Ðôi ở Ðông Anh câu cá thể thao, tức là ăn uống nhiều, tán gẫu nhiều, câu
ít, mà có câu được con nào lại thả ngay xuống nước con ấy. Một trò giải trí mà
theo cách nhìn nhận thẳng thắn của nhiều người là ngớ ngẩn và mang tính trưởng
giả.
Theo
yêu cầu của người kể, tôi sẽ không nói tên ông ra đây, vả lại điều ấy không
quan trọng với người đọc. Chỉ cần biết đó là một người đã đứng tuổi, một cựu
quan chức cao cấp đáng kính về nhiều phương diện.
***
Lúc
ấy là những năm đầu Mỹ mở rộng chiến tranh ra Miền Bắc. Cách Phủ Lý độ mấy cây
số về phía Nam có một ngôi chùa nhỏ bình thường, cả cái tên cũng bình thường,
chùa Dền. Trong chùa chỉ có một ông sư già trụ trì và một ni-cô trẻ do thất
tình hay vì lý do nào đấy vừa mới xuống tóc đi tu. Cầu Phủ Lý bị máy bay đánh
phá nhiều lần nên chùa Dền cũng chịu vạ lây, may chưa lần nào bom rơi trúng
chùa, và người dân các làng lân cận vẫn tới hương khói đều đặn. Ông sư đã già
nhưng còn khỏe, ngoài giờ chay tịnh, ông giúp ni-cô trồng trọt trên mảnh đất
hai sào sau chùa. Hai người sống nhờ vào nó, chứ đồ tế lễ của người cúng viếng
chẳng là bao vì bản thân họ còn chưa kiếm đủ ăn.
Một
đêm nọ, lúc ấy đã khuya, nhà sư đang ngồi lần tràng hạt như thường lệ trong
phòng riêng của mình thì chợt thấy có ai đi ngang qua cửa sổ. Trời mưa phùn dai
dẳng đã mấy ngày liền. Chắc mình nhầm, - ông nghĩ. - Ai có thể tới đây
vào giờ này, mà vào thế nào được khi cổng chùa đã đóng? Ni-cô thì càng không vì
cô ấy luôn đi ngủ sớm. Ông quay lại với công việc buồn tẻ của mình, định chốc
nữa cũng sẽ lên giường. Tuy nhiên, chỉ mấy phút sau cái bóng ấy lại xuất hiện,
lần này bước chậm hơn như cố ý để ông nhìn thấy, và ông đã kịp nhận ra đó là
một người phụ nữ. Lạ thật, - ông bỏ chuỗi tràng hạt xuống chiếu,
lòng chưa hết ngờ vực. Khi người ấy đi ngang lần nữa thì ông đứng dậy, mở
cửa bước ra ngoài.
Mưa
đang nặng hạt. Gió từ cánh đồng vắng bên cạnh thổi mạnh, làm những giọt nước
lớn rơi xuống mặt và cổ nhà sư. Tiếng côn trùng râm ran khắp nơi. Trời tối nên
ông không nhìn thấy gì.
- A
di đà Phật. Ai đấy?- Ông hỏi. Không có tiếng đáp. Khi ông định quay vào thì
chợt thấy có cái gì trăng trắng bên gốc nhãn già đối diện. Ðúng là cái bóng lúc
nãy. - Ai đấy? - ông tiến thêm mấy bước nữa, hỏi to.
Vẫn
không trả lời, cái bóng màu trắng lặng lẽ bước đi. Vị sư già đi theo, khi ông
bất ngờ đứng lại, nó cũng đứng lại. Hình như nó muốn dẫn ông đi đâu đấy. Lúc
này, do đã quen với bóng tối và nhìn kỹ hơn, ông biết đó là một phụ nữ mặc đồ
trắng suốt từ chân đến đầu. Là người tu hành lâu năm, lại già, nên ông không
sợ, chỉ thấy tò mò, nghĩ bụng một khi có người đến gọi ông thế này thì chắc
phải việc hệ trọng. Thế là ông cũng lặng lẽ đi theo. Người đàn bà bước ra ngoài
qua chiếc cổng con để mở sau chùa mà ông nhớ rất rõ đã được cài then cẩn thận
từ lúc trời chưa tối.
Một
chốc sau họ tới đồng Vạc. Cánh đồng lúc này vừa thu hoạch khoai lang xong, lổn
nhổn đất bị xới tung, gặp mưa lâu ngày dính bết dưới chân. Người đàn bà áo
trắng rõ ràng đang muốn dẫn vị sư già đi theo mình. Ði đâu ông không biết, vì
họ không đi đường chính mà men theo các bờ ruộng nhỏ. Gặp chỗ trơn khó đi,
người kia cố ý dừng lại chờ.
Cuối
cùng, nơi họ tới hóa ra là nghĩa địa làng Hưng Dũng, cách chùa Dền gần một cây
số. Ðến đây chợt nhà sư không thấy người đàn bà kia nữa. Ðang ngơ ngác không
hiểu vì sao thì bỗng có tia chớp khan lóe lên. Ông nhìn thấy nghĩa địa có mấy
ngôi mộ mới, nhiều que hương cháy chưa hết, chắc vì mưa. Trên một trong những
ngôi mộ đó ông thấy có cái bọc trắng. Mấy giây sau ông nghe có tiếng trẻ mới
sinh đang khóc ở đấy.
- A
di đà Phật!- Vị sư già chắp hai tay trước ngực. Ông đưa mắt nhìn quanh khi có
tia chớp khác. Vẫn không thấy người đàn bà áo trắng bí ẩn kia đâu. Thế là ông
rõ: Người ấy dẫn ông đến đây vì đứa bé này. Nhưng sao bà ta không tự bế nó vào
chùa? Xưa nay không ít trường hợp người ta làm thế lúc cùng quẫn. Mà sao đứa bé
lại nằm đây, giữa đêm hôm mưa gió thế này? Nó là con nhà ai?...
Nhà
sư đứng hồi lâu dưới trời mưa với những câu hỏi như thế trong đầu. Ðạo của kẻ
tu hành là cứu nhân độ thế, cho dù hoàn cảnh thế nào. Thế là ông cúi xuống bế
đứa bé lên tay rồi quay về chùa. Ông chạm vào người nó thấy lạnh buốt. Nó thôi
không khóc nữa, nhưng hơi thở rất yếu. Ông đoán nó mới sinh được vài ngày, có
thể vài giờ. Ôm chặt đứa bé vào lòng, ông cố đi thật nhanh, chỉ sợ nó chết khi
chưa kịp về đến chùa. Lúc này ông lại nhìn thấy người đàn bà áo trắng lặng lẽ
đi phía trước, rõ ràng để dẫn đường. Mấy lần ông cố ý rảo bước để hỏi mà không
lần nào đuổi kịp, cho đến khi tới gần chùa thì cái bóng trắng ấy biến mất hẳn.
Vị
sư già gọi ni-cô dậy pha sữa cho đứa bé rồi làm những gì họ có thể làm để cứu
nó. Sáng hôm sau ông cho cô vào làng Hưng Dũng hỏi xem hư thực thế nào, thì
được người ta cho biết tuần trước có chiếc xe đâu từ Thanh Hóa ra Hà Nội, lúc
qua đây không may trúng tên lửa máy bay Mỹ. Cả năm người trên xe đều chết và
được chôn ở nghĩa địa làng, trong đấy có một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi đang
bụng to vượt mặt, chắc sắp đến ngày sinh. Ni-cô được sư cụ dặn trước không nói
gì về việc ông nhặt đứa trẻ ngoài nghĩa địa nên không người nào biết nó là ai,
càng không thể nghĩ nó là con của người đàn bà đã bị chôn xuống đất những mấy
ngày trước đó.
Nó
là một đứa bé gái, được nuôi lớn bằng tình yêu của hai nhà tu hành và bằng sữa
của một bà nông dân mới sinh con trong làng mà ni-cô một ngày hai lần bế tới
xin bú nhờ. Năm tháng trôi qua, nó lớn lên chẳng khác mấy những đứa trẻ bình
thường, hơn thế lại xinh, cái xinh đẹp của cô bé có dáng người gầy gò thanh tú,
nước da rất trắng với đôi mắt to đượm buồn. Vẻ buồn ấy càng tăng thêm khi suốt
ngày im lặng, vì nó bị câm, câm từ lúc mới lọt lòng.
Cô
bé cứ thế lớn lên trong cảnh chùa u tịch cùng vị sư già. Người con gái thất
tình kia hoàn tục từ lâu và nghe nói đã tìm thấy lại hạnh phúc. Vì câm nên cô
bé chẳng bao giờ hỏi bố mẹ mình là ai, cũng chẳng ai có thể cho cô biết điều
ấy. Thời gian lặng lẽ trôi qua, cũng lặng lẽ như thế cô bé lớn lên thành cô gái
xinh đẹp có thể nói nhất nhì cả vùng Phủ Lý. Nhưng cô và vị sư già của cô chẳng
quan tâm đến vẻ đẹp trần tục ấy, vì mọi cái đã được quyết định - cô sẽ suốt đời
là người của Phật để một ngày không xa thay sư cụ trông coi ngôi chùa này...
Thế
mà một việc tầy đình đã xẩy ra, làm đảo lộn tất cả. Số là năm cô mười bảy tuổi,
một thằng khốn nạn nào đó cưỡng hiếp cô, và cô đã treo cổ tự tử ngay sau đó. Vị
sư già thấy thế ngất đi, chứng đau tim vốn có lâu nay cũng làm ông chết theo.
Do vậy người ta không bao giờ biết được tên khốn nạn nỡ làm hại cuộc đời cô bé
khốn khổ kia là ai...
***
Tôi
chính là tên khốn nạn đó! - Người kể im lặng một lúc rồi khẽ nói thêm,
không quay sang nhìn mọi người đang chăm chú lắng nghe, phần nào hơi sững sờ
trước câu tự thú chân thành ấy. Ông cũng không tỏ ra xúc động và hình như từ
lâu đã chuẩn bị cho cuộc nói chuyện này.
Chúng
tôi im lặng chờ nghe tiếp vì biết một khi ai đó đã bắt đầu câu chuyện xám hối
của mình thì chắc chắn không bao giờ dừng lại giữa chừng.
-
Lúc ấy tôi đã là một người đàn ông trưởng thành, gần bốn mươi tuổi, một cán bộ
có cỡ ở Phủ Lý. Thế mà tôi nỡ làm cái điều tội lỗi ấy. Vì sao thì có lẽ chẳng
cần nói ra đây, vì tự thân việc đó sẽ mang tính nguỵ biện. Tất nhiên có yếu tố
hoàn cảnh, có rượu, có giây phút mềm yếu dẫn đến sa ngã như người ta thường
nói, nhưng tôi đủ tỉnh táo để tự biết tôi là thằng khốn nạn. Tiếc rằng tôi chưa
bao giờ đủ dũng cảm để tự nộp mình đền tội...
-
Sao bây giờ bỗng dưng ông đem ra kể?- Ai đó lên tiếng hỏi. - Ông giữ kín nó
hàng chục năm nay và tất nhiên có thể làm vậy với những năm còn lại.
-
Thì một phần cũng vì cái vụ Ðức Giang này và những chuyện ma quỷ của các vị.
Tuy nhiên, lý do chính là tôi không thể tiếp tục im lặng được nữa. Tôi không
thể mang nó xuống mồ cùng cái chết. Mà tôi sắp chết rồi. Bác sĩ bảo giỏi lắm
chỉ kéo dài thêm dăm tháng. Tôi bị ung thư cuống họng. Vợ con chưa biết đâu
nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ biết. Việc này thì được, còn cái việc kia thì tôi
muốn giấu họ. Vì họ thôi chứ chẳng phải vì tôi. Ðiều ấy dễ hiểu. Kể ra được thế
này, tôi nhẹ hẳn người, dù có thể bây giờ các vị đang khinh bỉ tôi. Chẳng sao.
Tôi đáng bị khinh bỉ và trừng phạt. Các vị thấy đấy, hóa ra tôi, một con người
thậm chí còn được coi là người tốt, mà lại xấu hơn cả ma. Ma, nếu có thể gọi
người đàn bà đáng thương kia là ma, còn cố gắng đẻ con cả sau khi chết và đưa
nó ra khỏi mồ nhờ người đời nuôi hộ. Vậy mà tôi đang tâm giết nó...
-
Ông có tin vào ma quỷ không? Vào cái người ta hay gọi là ân oán chẳng
hạn? - một người nữa hỏi.
-
Không! - ông kia đáp vẻ dứt khoát. - Lúc đầu quả tôi có tin và rất sợ. Tôi sợ
hồn ma mẹ con cô câm và vị sư già sẽ bắt tội tôi. Tôi thấp thỏm chờ đợi những
tai họa ghê gớm. Cuối cùng chẳng có chuyện gì xẩy ra, và như các vị biết, tôi
được thăng quan tiến chức, vợ con, kinh tế bình thường như mọi người. Nghĩa là
chẳng có ân oán hay ma quỉ nào cả. Nếu có chỉ có ma quỉ trong lòng ta. Chính ma
quỉ đã xúi tôi gây tội ác và rồi ma quỉ đã bắt tôi trả giá âm thầm suốt bao năm
nay. Không nói các vị cũng biết tôi đã ân hận, đau khổ nhường nào, nhất là khi
luôn phải lo che giấu điều ấy. Năm nào rằm tháng Giêng tôi cũng lén về Phủ Lý
thắp hương cho mẹ con cô ấy và vị sư già. Vâng, tôi nghĩ thế đấy. Không có ma
quỉ nào ở đời này cả. Chỉ có ma quỉ trong lòng mỗi chúng ta mà thôi. Trong các
vị cũng có, nhưng may các vị thắng được chúng, còn tôi thì không.
Hà Nội, 08/05/2002
Ngọc Châu gửi đăng.
ngocchaunvhp@gmail.com
© Tác giả giữ bản quyền.
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập
nhật lại- ngày 06/01/2016
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 25/09/2012
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
________________________________________________
________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét