Hoa mướp cuối mùa – Truyện ngắn thiếu nhi của Dương Hiền Nga (Hà Nội)
Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014
Ngày
30/12/2013
Khi
những cơn gió mùa đông bắc lạnh lẽo tràn về, ngọn mướp chùn lại, những quả mướp
ra sau có vẻ còi cọc, không được phông phao như trước. Những chiếc lá già ngả
vàng rồi héo dần. Nhìn dây mướp đang tàn, chị Choẹt bảo với các em: - Hôm nào
ăn xôi gấc chị em mình nhớ cất hạt đi để gieo nhé. Chúng mình sẽ có gấc đỏ cho
mẹ thổi xôi. Cả bốn em đều vỗ tay tán thưởng. Hai em Cua và Ghẹ chẳng hiểu gì
cũng vỗ tay rồi nhoẻn miệng cười thật dễ thương.
Thông tin: (VanDanViet)
Tác giả Dương Hiền Nga
Họ tên thật Dương Hiền Nga
F.201, B4/ 189 Thanh Nhàn,
P. Quỳnh Lôi, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Mobile: 0917 331 221
Email: hiennga.yenbai@gmail.com
_____
HOA MƯỚP CUỐI MÙA
-
Chị Choẹt ơi, ra sân chơi đi!
Nghe
tiếng gọi, Choẹt thò đầu ra cửa sổ tầng ba nói vọng xuống:
-
Ừ, gọi em Nhím nữa nhé!
Thoắt
cái, ba chị em đã gặp nhau ở cầu thang tầng một, mỗi bạn dắt một chiếc xe đạp
mi ni. Ở tầng một, em Tôm và em Bi cũng ôm bóng chạy ra. Thấy các anh chị ríu
rít, hai em sinh đôi Cua và Ghẹ mới hơn ba tuổi cũng đòi bà ngoại cho ra sân
chơi. Khi đi qua cửa nhà bà cụ Lan, Nhím dừng lại nhìn kỹ xuống chân và bảo:
-
Chị Choẹt ơi, trứng con gì đẻ ra này.
Cả
năm chị em dừng lại xem xét những vẫn không biết là trứng con gì. Bà cụ Lan từ
trong nhà đi ra bảo:
-
Đấy là hạt mướp, không phải trứng con gì đâu, bà vừa cắt quả mướp già mang ở
quê lên để lấy xơ rửa bát các cháu ạ.
-
Thế ạ, vậy mà cháu cứ tưởng…
Nhím
nhặt lên được tám hạt mướp mầu nâu đen rất mẩy và nhẵn, hạt hình bầu
dục hơi dẹp hai đầu. Chị Choẹt lớn nhất đã học lớp năm nên bảo các em:
-
Mình thử đem gieo những hạt này vào ô đất của nhà Tôm xem có nẩy mầm không. Cô
giáo chị bảo tưới nước đều hạt sẽ nẩy mầm đấy.
Mấy
em đều hưởng ứng:
-
Thế hả chị, nếu nẩy mầm chúng mình sẽ chăm sóc thì mướp có ra quả không nhỉ .
Cả
năm chị em quay lại nhà Tôm. Bố Tôm xây một ô vuông to bằng mặt bàn học, đổ đất
vào trồng cây lựu nhưng cây lựu bị chết thành ra ô đất vẫn bỏ trống, hàng ngày
mẹ Tôm vãn đổ bã chè vào đó nên đất vẫn ẩm ướt. Choẹt xới đất cho tơi lên, vùi
hạt xuống rồi tưới đều ít nước. Xong xuôi, cả năm chị em chạy ra sân nô đùa,
đạp xe và đá bóng. Hai em Cua và Ghẹ đã ở ngoài sân cũng lũn cũn chạy theo các
chị cười hớn hở, váy hoa xanh, dép xanh và nơ buộc tóc cũng xanh giống hệt
nhau, trông như hai con búp bê xinh xắn. Tối về Bống khoe với mẹ việc trồng
mướp, mẹ mỉm cười bảo:
-
Mướp phải gieo sau tết mới đúng vụ con ạ, ăn quả vào mùa hè, bây giờ là cuối
tháng chín, sắp sang mùa rét rồi.
Gần
một tuần, bọn trẻ chăm chỉ tưới nước mà vẫn không thấy gì, Bống bảo:
-
Chắc không nẩy mầm được đâu chị Choẹt ạ, mẹ em bảo hết mùa trồng mướp rồi.
Thế
mà chiều hôm sau đi học về, Tôm phát hiện mướp nẩy mầm liền chạy đi thông báo.
Cả năm đứa trẻ chạy ùa đến. Chúng reo lên khi thấy năm cái mầm màu xanh nhạt
nẩy lên khá mập mạp. Mỗi cây xòe ra hai chiếc lá mầm trắng nõn. Mỗi đứa liến
nhận cho mình một cây mướp con. Ngày nào mấy chị em cũng tưới nước
và rắc thêm bã chè, chăm sóc mướp xong mới gọi Cua, Ghẹ ra sân chơi. Bọn trẻ
vui và hào hứng lắm vì sinh ra ở thành phố, từ bé chưa ai được tự tay
trồng và chăm sóc một cây gì. Mấy hôm sau, những chiếc lá xinh xinh
mềm mại đã xòe ra như những bàn tay nhỏ, ngọn mướp vươn dài rất nhanh. Không
hiểu sao dây mướp của chị Choẹt lại mập nhất và vươn cao hơn bốn dây kia, đúng
là cây của chị cả có khác. Còn dây của em Nhím, đêm qua con gì cắn gẫy ngang
thân, ngọn mướp rủ xuống héo lả đi. Nhím tiếc qua súyt khóc nhè. Chị Choẹt bảo:
-
Đừng khóc, chị cho em chung cây của chị đấy, năm người bốn cây cũng không sao.
Cả năm chị em cùng học ở ngôi trường tiểu học
bên kia đường. Buổi sáng chị Choẹt gọi các em đi học, dắt díu nhau sang đường
an toàn, chiều về bốn em lại bám theo chị. Chị Choẹt học lớp năm, Nhím và Bống
học lớp ba, còn Tôm và Bi mới học lớp một nhưng mấy chị em chơi với nhau từ bé,
đến trường gọi nhau bằng tên khai sinh rất đẹp, chị cả Bảo Anh, hai em gái Hải
Yến và Ngọc Mai hai em trai Quí Lộc, Lâm Bách. Hễ về nhà
là ríu rit rất vui vẻ bằng những tên riêng thật là ngộ nghĩnh.
Mùa
thu ở thành phố mát dịu, bờ tường xi măng không nóng bỏng như mùa hè nên bốn
dây mướp bám vào bức tường nhà Tôm vươn lên. Những cái tay mướp đầu tiên vươn
dài như múa trong gió rồi xoăn lại bám chặt vào những vết ghồ ghề trên tường.
Những chiếc lá mọc ra sau lại to và xanh dày hơn những chiếc mọc trước. Sau hơn
một tuần, bốn ngọn mướp đã cao vượt bức tường hơn một mét, chạm ngọn vào tấm
lưới B40 bố Tôm chắn bên trên, những cái tay mướp xoắn chặt vào mắt lưới, mấy
ngày sau đã bò lan lên mái bếp nhà em Nhím. Chiều nào bọn trẻ cũng tưới nước
rồi lên cửa sổ nhà em Bống ở tầng hai để ngắm. Dây mướp của em Nhím và chị
Choẹt vẫn dài nhất, bò đến cột ăng ten và bắt đầu leo lên. Từ nách lá, quả mướp
đầu tiên nẩy ra cong cong như ngón tay út của hai em Cua và Ghẹ. Năm chị em vui
mừng hồi hộp theo dõi quả mướp, nó lớn trông thấy từng ngày. Bọn trẻ đồng
thanh: “Mướp ơi, cố lên!”. Và dường như hiểu được sự cổ vũ của bọn trẻ,
mấy hôm sau mỗi nách lá lần lượt nẩy ra một quả mướp con, bọn trẻ vui hơn cả
khi mẹ đi siêu thị về mua cho gói bim bim. Mấy bông hoa mướp vàng tươi xòe cánh
mỏng như lụa nổi bật trên những lá xanh. Từ những ô cửa sổ nhà chị Choẹt, nhà
em Bi, em Bống nhìn ra giàn mướp thật xanh tươi, vui mắt. Quả mướp đầu tiên đã
to bằng cái bút xóa buông thõng xuống ô cửa sổ nhà em Bi, vỏ căng mọng, nổi
những vệt gân mờ. Mấy ngày sau quả mướp đã bằng bắp tay em Bống khiến dây mướp
hơi võng xuống vì nặng. Lá và dây mướp đã phủ kín mái bếp, không thể đếm được
chính xác có bao nhiêu quả, từng đàn kiến đen bò lên bò xuống trên những dây
mướp xanh biếc. Thỉnh thoảng mấy chú ong mật vo vo bên những bông hoa vàng, đậu
vào rồi bay vụt lên, có cả mấy con bọ xít nâu ở đâu bay về, bám vào quả nào thì
quả ấy bị cong vẹo đi. Bống còn phát hiện mấy chú chim sâu chân bé tẹo như que
tăm ngày nào cũng lích tích trong đám lá mướp, có chú lôi ra một con sâu và
nuốt một cách ngon lành. Bống gọi mấy chú chim là “bác sĩ nhỏ”.
Đã
sang đầu tháng mười một mà sao mướp vẫn tốt kỳ lạ, chót vót trên ngọn cây ăn
ten, dây mướp khoe hoa vàng tươi và bốn năm quả đung đưa trong gió. Đến ngày
thu hoạch mướp thật là vui. Bố Tôm bắc thang trèo lên mái bếp nhà em Nhím, hái
mướp rồi cho vào túi vải thả xuống, năm chị em đứng dưới đợi chờ, ánh mắt đầy
háo hức, tất cả có mười một quả tươi ngon, vỏ xanh mát, bọn trẻ thi nhau đưa
lên mũi hít hà từng quả:
-
Mướp thơm như mùi cơm nếp ấy.
Mẹ
Tôm bảo:
-
Đúng là mướp hương rồi.
Chị
Choẹt chọn hai quả dài nhất đưa cho bà Lan:
-
Chúng cháu cho bà hai quả mướp ạ.
Bố
Tôm từ trên thang xuống bảo:
-
Các cháu phải nói là chúng cháu biếu bà chứ.
Được
bọn trẻ biếu quả mướp hương, bà cụ Lan cười móm mém khen:
-
Các cháu ngoan quá, bà không ngờ các cháu lại mang mấy hạt ấy đi gieo, quả sạch
này ngon lắm đấy, bà cảm ơn!
Chiều
hôm sau chạy ra sân chơi, chị Choẹt bảo:
-
Chưa bao giờ chị ăn mướp lại ngon như bữa mướp xào hôm qua.
Cả
Tôm, Nhím, Bống và em Bi cũng khoe là bố mẹ khen ngon.
Khi
những cơn gió mùa đông bắc lạnh lẽo tràn về, ngọn mướp chùn lại, những quả mướp
ra sau có vẻ còi cọc, không được phông phao như trước. Những chiếc lá già ngả
vàng rồi héo dần. Nhìn dây mướp đang tàn, chị Choẹt bảo với các em:
-
Hôm nào ăn xôi gấc chị em mình nhớ cất hạt đi để gieo nhé. Chúng mình sẽ có gấc
đỏ cho mẹ thổi xôi. Cả bốn em đều vỗ tay tán thưởng. Hai em Cua và Ghẹ chẳng
hiểu gì cũng vỗ tay rồi nhoẻn miệng cười thật dễ thương.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại- ngày 31/12/2014
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 30/12/2013
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Truyện ngắn đầu tay – Truyện ngắn Dương Hiền Nga (Hà
Nội)
Ngày 31/12/2013
Thấm
thoắt đã hơn ba năm kể từ ngày truyện ngắn đầu tay ấy, Yến đã là cô nữ sinh lớp
12 sôi nổi và giỏi giang. Yến đã được tham dự kỳ thi học sinh quốc gia môn văn
và đạt giải cùng với những truyện ngắn cho thiếu nhi Yến viết trong những năm
qua và những bài báo viết về trường lớp, thầy cô, bạn bè và quê hương được đăng
tải trên trang văn nghệ của báo, Yến đã chọn thi vào ngành báo chí. Cả gia đình
và thầy cô đều vui mừng khi biết cánh cổng trường đại học Báo chí đang rộng mở
chờ đón Bảo Yến được tuyển thẳng vào.
Thông tin: (VanDanViet)
Tác giả Dương Hiền Nga
Họ tên thật Dương Hiền Nga
F.201, B4/ 189 Thanh Nhàn,
P. Quỳnh Lôi, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Mobile: 0917 331 221
Email: hiennga.yenbai@gmail.com
_____
Cái tin Bảo Yến có truyện đăng trên tờ báo
lớn của tỉnh nhanh chóng lan khắp trường. Lớp 9B của Yến đang “nóng” lên
vì các bạn tranh nhau đọc.
Các
ban gái thì tấm tắc:
-
Yến ơi, viết lúc nào mà không cho chúng tớ biết?
Mấy cậu nghịch nhất lớp cũng giành lấy tờ báo chạy ra gốc phượng chụm
đầu đọc và phục Yến ra mặt… Cô giáo dạy môn ngữ văn bước vào mà lớp chưa hết
xôn xao, cô đến bên Bảo Yên nhỏ nhẹ:
- Em
cho cô mượn tờ báo.
Cô
giở trang văn nghệ và thấy truyện của Bảo Yến, lớp 9B trường Nguyễn Du… Cô đặt
tờ báo ngay ngắn trên bàn giáo viên và vui vẻ nói:
- Chúng
ta chúc mừng bạn Yến lần đầu có truyện đăng báo.
Cả
lớp vỗ tay ròn rã. Cô bắt đầu tiết dạy, trong mắt cô lấp lánh ánh cười.
Ba,
mẹ là người biết sau cùng, trong lúc mẹ đang nấu cơm trưa thì ba chăm chú đọc
rồi trêu Yến:
-
Ba hơi bất ngờ đấy, con gái mà đa cảm thế này rồi khổ…
Mẹ
bê đĩa thức ăn đặt vào mâm lườm ba:
-
Vậy các nhà văn, nhà báo khổ hết à?
Nghề
y của mẹ mới khổ, ca trực chật vật suốt cả đêm qua vẫn không cứu được một cháu
bé bị lồng ruột, gia đình đưa đến muộn quá. Ba Yến là kỹ sư xây dựng của quân
đội, lúc nào cũng bận rộn với những công trình cầu, hầm, sân bay… và thường
xuyên đi công tác xa nhà. Mẹ là bác sĩ khoa nhi cũng khá bận, chăm sóc và kèm
cặp hai chị em Bảo Yến và Bảo Anh là ông ngoại đã nghỉ hưu, ông trước làm ở
ngành văn hóa và là nhạc sĩ. Ông treo giải, nếu năm nay Bảo Yến đạt danh hiệu
học sinh giỏi nữa là 9 năm liên tiếp, ông sẽ mua tặng cây đàn piano và dạy cháu
đàn.
Hình
ảnh người thiếu nữ ngồi bên đàn piano, đôi tay thanh tú lướt trên phím đàn đã
khiến Bảo Yến rất mê. Yến thích mình có một cây đàn như thế và mơ ước tạo
ra được những dòng suối âm thanh trong trẻo, làm rung động trái tim bao người,
nên Yến càng cố gắng học, chứ viết truyện đăng báo thì Yến chưa bao giờ nghĩ
tới.
Câu
chuyện bắt đầu từ một buổi chiều, em trai Yến chạy về nhà, mồ hôi nhễ nhại, hai
bàn tay khum khum, bên trong là một chú chim non còn đỏ hỏn, run lẩy bẩy, miệng
há ngoác đòi ăn. Thì ra thắng Lâm “toác” trèo cây bắt được tổ chim,
có mấy con non, nó chia cho mỗi đứa một con bảo đem về nhà nuôi. Không kịp nghĩ
gì, Yến vội lấy cái hộp giấy, lót vào đó một miếng vải mềm rồi đặt chú chim non
vào. Cũng không biết là chim gì nhưng chú chim háu ăn kỳ lạ, hễ đói là kêu, ăn no
lại ngả đầu ra ngủ lăn lóc. Hai chị em đặt tên nó là “Chíp”, hàng ngày bón
cơm rấp nước cho Chíp ăn, có hôm Bảo Anh uống sữa, bón cho nó một thìa, Chíp
sặc phì cả sữa ra hai lỗ mũi. Một tuần sau, hai cái chân bé xíu như que tăm đã
cứng hơn. Chíp xiêu vẹo đi từ góc hộp này sang góc hộp kia trông rất ngộ
nghĩnh. Tối nào hai chị em cũng lấy rổ úp lên hộp rồi chẹn thớt. Con chim của
Lâm không đậy đã bị mèo vồ mất rồi.
Khi
lớp lông vũ mọc kín mình thì đã rõ là một chú chim sâu, mình chỉ to bằng cái
hạt mít. Chú bắt đầu tập bay, chú chuyền từ hộp lên thành giường rồi xập xè bay
ra tay ghế, nhẩy cả lên mặt bàn uống nước trong chén rồi bay vù ra chậu trúc
Nhật xanh tươi ông ngoại để ở góc nhà. Tối đó Chíp ngủ trên cây trúc cảnh và từ
giã luôn cái “nôi giấy”. Chíp cũng không ăn cơm dấp nước nữa mà biết
tự ăn gạo tẻ. Thành viên thứ sáu này được cả gia đình Yến thương yêu, chăm bẵm,
vì nó phải xa cha mẹ khi còn quá trứng nước. Chíp cũng dạn người và thân thiết
với cả gia đình, ai xòe tay Chíp cũng bay tới đậu lên rồi nằm lim dim đôi mắt.
Có hôm nó không cho ông ngủ trưa, hết rỉa tóc, lại ngó nghiêng, rồi còn nhẩy
lên ngực ông gại mỏ vào cúc áo… Từ khi hai chị em chăm sóc cái sinh linh bé
bỏng này, hai đứa cũng bớt hẳn chành chọe nhau, mẹ đỡ phải làm “quan tòa” mỗi
khi đi trực về mệt nhoài. Em Bảo Anh cũng quên hẳn trò giấu cắp tóc để trêu
chị. Khi Chíp đủ lông cánh, mỗi sáng mẹ mở cửa là chú bay vù ra cây ổi ngoài
sân và sục xạo trong tán lá không biết mệt. Biết bắt sâu bọ rồi chú ăn ít gạo
hơn, thỉnh thoảng xà xuống hè nhà nhỏ nhẹ ăn vài hạt. Có tối chú ngủ luôn ngoài
tán lá. Hai chị em lo lắng nhưng ông ngoại bảo:
-
Chíp lớn rồi, nó phải có bè bạn . Cây cối mới là nhà của chim chóc các cháu ạ.
Một
buổi chiều, Yến giật mình khi nhìn thấy Chíp lò cò trên cảnh ổi, một cái chân
đã bị gãy chưa lìa hẳn vẫn lủng lẳng, các móng chân co quắp đen lại, đứng một
chân không vững, Chíp phải xòe cả hai cánh ra liên tục để thăng bằng. Yến chạy
ra sân và gọi “chíp, chíp…!”. Chú không xuống mà hốt hoảng bay sang giò
phong lan treo lơ lửng trên cành ổi. Bảo Yến sực nhớ bọn trẻ trong xóm đang có
phong trào bắn súng cao su bẳng sỏi. Chúng bắn rụng cả mận non, cả xoài non,
buổi trưa rủ nhau rình bắn chim. Chắc là bọn ấy đã bắn trúng Chíp, viên sỏi
không những làm gẫy chân mà có lẽ còn làm Chíp đau đớn trong người nữa.
Sáng
hôm sau, hai chị em trèo lên thành bể nước ngó vào giò phong lan xem Chíp thế
nào thì thấy chú đã chết. Chíp nằm bất động trong đám xơ dừa lồng phòng, hai
mắt nhắm nghiền.
Cả
hai chị em òa khóa vì thương chú chim nhỏ tội nghiệp đã gắn bó với gia đình Yến
Suốt hơn một năm qua. Thành viên thứ sáu thật đáng yêu quá đỗi và cũng thân
thiết quá đỗi. Cả ngày hôm đó, cứ nghĩ tới Chíp là sống mũi Yến cay sè, nước
mắt cứ tự nhiên trào ra, cảm giác tiếc thương trũy nặng trong lòng. Mẹ biết hai
đứa buồn nên vỗ về “Nhà mình đã yêu thương nuôi dưỡng nó thành con chim
sâu có ích, chả may bị thế đành vậy…mà lũ trẻ cũng tệ, bạ cái gì cũng bắn, bóng
đèn cũng không tha, mai họp tổ dân phố mẹ phải có ý kiến mới được”. Nghe mẹ nói
thế lòng Yến cũng dịu đi một chút…
Đã
hai lần trôi qua mà Yến vẫn không nguôi quên hình ảnh chú chim nhỏ đáng yêu,
cái chết thương tâm khiến cô bé nhận ra mình đã quá yêu chú chim sâu này và đã
dành cho chú bao nhiêu sự dịu dàng trìu mến, lần đầu tiên Yến cảm nhận được sự
mất mát là thế nào. Đầu óc Yến thường vơ vẩn nghĩ: “Giá có phép mầu để hồi
sinh được Chíp…!”
Tối
nay ít bài, mưa rả tích Yến càng thấy buồn. Trong lòng trào dâng một cảm giác
thiếu vắng hao hụt khô khát một cái gì rất khó tả. Yến bỗng nghĩ có
lẽ mình phải viết ra những gì về Chíp trong hơn một năm qua, thành viên thứ 6
mà cả gia đình đều yêu thương chăm chút. Yến lấy sổ viết một mạch gần bốn trang
giấy, bao nhiêu kỷ niệm buồn vui với Chíp tuôn trào trên trang giấy.
Đặt
bút xuống nhìn đồng hồ đã 12h10, mắt díp lại Yến lên giường nằm, thấy lòng nhẹ
nhõm hơn và giấc ngủ đến rất nhanh.
Ông
ngoại thấy cháu thức khuya liền trở dậy sang phòng cháu, trên bàn học là cuốn
sổ chi chít chữ, chiếc bút chưa kịp đóng nắp vẫn để nguyên trên trang giấy. Ông
định đóng nắp bút và gấp sổ lại thì bỗng thấy dòng chữ rất to giữa trang giấy: “Chíp
ơi, chị thương nhớ em!”. Nghe tiếng thở đều đặn ông biết cháu đã ngủ, ông nhẹ
nhàng cầm cuốn sổ về phòng mình, lấy kính đọc một mạch.
Ông
ngoại sững sờ trước những gì Yến viết về Chíp đã thực sự là một truyện ngắn
hoàn chỉnh, kết cấu đầy đủ các phần, thắt nút mở nút rất rõ ràng. Văn phong lưu
loát mượt mà, hơn một năm Chíp sống trong gia đình được tái hiện rất sinh động.
Đặc biệt là những đoạn miêu tả cảnh thiên nhiên có Chíp hiện hữu đều tươi tắn
đầy cảm xúc và khá tinh tế… Ông ngồi bần thần trong đêm nửa mừng nửa thương Cô
cháu gái bé bỏng thông minh ngoan hiền. Là một người từng hoạt động ở ngành văn
hóa lại là một nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc về quê hương, đất nước được
nhiều người biết đến, ông ngoại hiểu những trang viết này là một sự kiện đặc
biệt trong cuộc đời còn non nớt của cô cháu gái “rượu” cũng là một sự
trưởng thành hơn khi cháu vượt qua nỗi éo le này. Những cảm nhận về cuộc sống
của cháu còn non tơ trong trẻo và đầy tính bản thiện cần được nuôi dưỡng. Ông
lẳng lặng đặt cuốn sổ về chỗ cũ và nhớ lại những lần xem sổ liên lạc của cháu.
Các môn tự nhiên chỉ đạt khá nhưng các môn xã hội rất nổi trội, môn ngữ văn
thường xuyên đạt điểm giỏi, đã có những bài văn 9 điểm được cô đọc cho cả lớp
tham khảo. Vậy mà con rể ông lúc nào cũng bảo: “Yến phải thi đại học khối
A để vào các ngành thời thượng” mà không biết khối A có phụ hợp với năng
lực sở trường của trẻ hay không?
Trong
bữa cơm trưa hôm sau, Ông ngoại gợi ý xa gần:
-
Đêm qua cháu thức khuya thế?
Bảo
Yến nhìn ông tin cậy:
-
Cháu viết mấy trang về Chíp và thấy lòng nhẹ nhõm hẳn ông ạ.
Gắp
thêm cho cháu miếng cá rán vàng rộm, ông bảo:
-
Tốt lắm! Cháu nên gửi báo, nếu được đăng thì bọn bắn súng cao su sẽ phải giật
mình đấy!
Mắt
cô cháu gái sáng lên:
-
Ô, vậy mà cháu không nghĩ ra…nhưng chắc gì họ cần bài viết nhỏ bé của cháu.
Cháu chỉ viết cho đỡ buồn thôi.
Ông
nhìn cháu trìu mến:
-
Cứ mạnh dạn gửi báo cháu ạ.
Thấm
thoắt đã hơn ba năm kể từ ngày truyện ngắn đầu tay ấy, Yến đã là cô nữ sinh lớp
12 sôi nổi và giỏi giang. Yến đã được tham dự kỳ thi học sinh quốc gia môn văn
và đạt giải cùng với những truyện ngắn cho thiếu nhi Yến viết trong những năm
qua và những bài báo viết về trường lớp, thầy cô, bạn bè và quê hương được đăng
tải trên trang văn nghệ của báo, Yến đã chọn thi vào ngành báo chí. Cả gia đình
và thầy cô đều vui mừng khi biết cánh cổng trường đại học Báo chí đang rộng mở
chờ đón Bảo Yến được tuyển thẳng vào.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại- ngày 31/12/2014
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 31/12/2013
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét