Home
» Biên khảo - Tư liệu
» Đầu năm Ất Mùi đọc lại thi phẩm nguyên tiêu – Bài viết Bùi Ngọc Minh (Ninh Bình)
Đầu năm Ất Mùi đọc lại thi phẩm nguyên tiêu – Bài viết Bùi Ngọc Minh (Ninh Bình)
Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015
1.Nguyên tiêu (Đêm rằm tháng giêng) được Hồ Chí Minh sáng tác vào đúng tết Thượng Nguyên năm Mậu Tí (1948) tại chiến khu Việt Bắc. Nguyên tác như sau:
Thông
tin cá nhân: (VanDanVietNet)
Tác
giả Bùi
Ngọc Minh
Họ
tên thật: Bùi Ngọc Minh
Địa
chỉ liên lạc: số nhà 49, đường 1, phố 3 (Phạm Hồng Thái)
phường
Vân Giang TP.Ninh Bình.
ĐT:
0914928390
Email: buingocminhnb@gmail.com
_____
1.Nguyên tiêu (Đêm rằm tháng giêng) được Hồ
Chí Minh sáng tác vào đúng tết Thượng Nguyên năm Mậu Tí (1948) tại chiến khu
Việt Bắc. Nguyên tác như sau:
元 宵
Phiên
âm Hán - Việt: Nguyên tiêu
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Dịch nghĩa
Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn,
Sông xuân, nước xuân tiếp liền với bầu trời
xuân.
Sâu trong nơi khói sóng, bàn bạc việc quân,
Nửa đêm trở về, thuyền đầy ánh trăng.
(Chúng
tôi có sửa lại bản dịch nghĩa)
Tháng 2 năm 1948.
Rằm
xuân lồng lộng trăng soi,
Sông
xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa
dòng bàn bạc việc quân,
Khuya
về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Bản dịch thơ của Xuân
Thuỷ
2.Theo
thống kê chưa thật đầy đủ của chúng tôi, hiện bài thơ có đến 12 bản dịch thơ
của các tác giả: Xuân Thuỷ, Phạm Minh Giắng, Phạm Văn Dương, Phạm Đình Nhân,
Phạm Minh Liêm, Phạm Thị Thuý Lan, Phạm Đạo, Phạm Thanh Cải, Phạm Huy Phương,
Thiềng Đức, Hoàng Tâm. Điều này chứng tỏ bài thơ được sự tiếp nhận nồng nhiệt
của công chúng yêu thơ. Nó thực sự sống trong tâm hồn của người đọc. Nhân đây
tôi có một đề xuất, một kiến nghị với những người có trách nhiệm tổ chức Ngày
thơ Việt Nam từ trung ương tới tất cả
các địa phương: khi tiến hành mĩ tục mới
này đừng thả thơ lên trời nữa mà hãy tặng những câu thơ hay, bài thơ hay được
tinh tuyển cho độc giả yêu thơ. Thơ chỉ thực sự là thơ khi nó sống trong/cùng
cõi người mà thôi. Thơ không thể sống ở cõi không người, thơ không nên trở
thành rác giữa trời xanh.
3.Nguyên
tiêu vốn là một phong tục có từ rất lâu đời ở Trung Quốc. Nghĩa gốc của chữ
nguyên có đến 08 nghĩa, (âm nguyên trong Hán ngữ có đến 09 chữ khác nhau về
nghĩa).元
Nguyên 1: mới, đầu năm vua mới lên ngôi gọi là nguyên niên 元 年
-năm đầu (thứ nhất). Nửa chừng muốn đổi tên hiệu khác, cũng gọi là cải nguyên 改 元.
Lịch Tây lấy năm Chúa Gia Tô giáng sinh, để ghi số năm, nên gọi năm ấy là kỷ
nguyên 紀 元 -nghĩa là số một bắt
đầu từ đấy. Phàm đầu số gì cũng gọi là nguyên. Như tháng Giêng gọi là nguyên
nguyệt 元 月. Ngày mồng một gọi là nguyên nhật 元 日.
2: to lớn, như: nguyên lão 元 老 -già cả. Nước lập
hiến có nguyên lão viện 元老 院 để các bực già cả tôn kính dự vào bàn việc
nước. 3: cái đầu, như: dũng sĩ bất vong táng kì nguyên 勇 士 不 忘 喪 其 元 - kẻ sĩ mạnh thường
nghĩ chết mất đầu cũng không sợ. Vì thế nên người đại biểu cho cả một nước gọi
là nguyên thủ 元 首. Phàm người thứ nhất đều gọi là nguyên. Như:
trạng nguyên 狀 元 -kẻ thi đỗ đầu khoa thi đình. 4: nguyên
nguyên 元 元 -trăm họ, dân đen gọi là lê nguyên 黎 元.
Nhà tu đạo cho trời, đất, nước là tam nguyên 三 元 -tức là ba cái ấy có
trước nhất vậy. Phép lịch cũ định ngày rằm tháng Giêng là thượng nguyên 上 元,
rằm tháng Bảy là trung nguyên 中 元, rằm tháng Mười là
hạ nguyên 下 元 - gọi là ba ngày nguyên. Nhà thuật số định
60 năm là một nguyên. Như: thượng nguyên giáp tý 上 元 甲 子 ,hạ nguyên giáp tý 下 元 甲 子 v.v..6: nhà Nguyên,
vốn ở Mông Cổ vào lấy nước Tàu, nối đời làm vua vào hồi năm 1257. 7: đồng, tục
thường dùng như chữ viên 圓
-để gọi tên tiền, như: ngân nguyên 銀 元 -đồng bạc. 8: tên
húy vua nhà Thanh là huyền 玄 -nên sách vở in đời ấy đều lấy chữ nguyên thay chữ
huyền. 宵 Tiêu 1: đêm, như: trung tiêu 中 宵
-nửa đêm. 2: nhỏ bé, kẻ tiểu nhân gọi là tiêu nhân 宵 人.
(Âm tiêu trong Hán ngữ có đến 44 chữ khác nhau). Như vậy Nguyên Tiêu là đêm rằm đầu tiên của năm mới, đêm trăng tròn
đầu tiên của một năm. Căn cứ vào văn tự, tình cảnh ý của thi phẩm có lẽ Nguyên
tiêu cần thiết phải dịch là Đêm rằm tháng giêng.
Nguồn
gốc của lễ hội này có nhiều cách giải thích. (Xin xem XuânThắng VTC
Baodautu.vn). Nguyên tiêu còn được gọi là tết Hoa đăng, lễ hội Đèn hoa, tết
Thượng nguyên. Lễ tết này gắn liền với văn hoá tâm linh theo mô thức tam giáo
(Nho Phật Lão hoà đồng cùng tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên của người Việt
cổ) truyền thừa tương tục đến ngày nay. Trong cuộc tiếp biến văn hoá do hoàn
cảnh đặc biệt của lịch sử dân tộc, Nguyên tiêu được ông cha ta đón nhận trên
tinh thần khoan dung, hoà nhập phù hợp với tâm thức, tâm linh Việt (Giỗ tết cả
năm không bằng ngày rằm tháng Giêng, Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng
Giêng). Hiện ở ta Nguyên Tiêu thường cúng Phật, thần linh, gia tiên có nhà còn
cúng dâng sao giải hạn.
4.
Nguyên tiêu là nguồn thi hứng của thi nhân từ xưa ở cả Việt Nam và Trung Quốc.
Có thể kể tên một số bài: Vĩnh ngộ lạc – Nguyên tiêu (Lí Thanh Chiếu thời Nam
Tống, Quỳnh Hải nguyên tiêu, Nguyễn Du, Nguyên tiêu Canh Dần liên dạ cảm tác
(Làm trong nguyên tiêu Canh Dần (1890) qua một đêm cảm xúc, Nguyễn Ngọc Tương)…
Nhìn chung thơ về nguyên tiêu của người xưa thường mang tâm sự về thân thế,
nhân thế và thời thế. Chủ thể trữ tình thường hiện lên với tư cách là hiền sĩ
ẩn dật, tao nhân mặc khách đối diện đàm tâm trước vũ trụ đất trời. Nguyên tiêu
của Hồ Chí Minh lại có nét độc đáo riêng cổ điển mà hiện đại, thi sĩ mà chiến
sĩ, đắm mình trong thiên nhiên diễm lệ nhưng không quên cuộc sống thực tại...
Mùa xuân với cổ nhân là nơi kẻ du tử đêm hoa trăng trên sông xuân (Xuân giang
hoa nguyệt dạ - Trương Cửu Linh) tiêu dao nhớ về khuê phụ; hay nghe tiếng chim
kêu trong đêm xuân thanh tĩnh mà phảng phất nỗi buồn hoa rụng (Điểu minh giản,
Khe chim kêu – Vương Duy), với Đỗ Phủ là nỗi sầu Quốc phá sơn hà tại (Xuân
vọng)… với Hồ Chí Minh, Nguyên tiêu vẫn
là thời khắc lo cho dân cho nước (Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng). Bởi ở
Hồ Chí Minh đạo đức, đạo lí lớn nhất, cao nhất là yêu nước thương dân. Nó tạo nên một không gian, thời gian sinh
thái nhân văn đặc biệt, có thể gọi là sinh quyển nhân văn Hồ Chí Minh…Nếu nói
là cổ điển thì đó chính là truyền thống
hoà nhập với thiên nhiên của những bậc hiền triết, cao nhân, ẩn sĩ thời xưa
(Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén – Ngày vắng xem hoa bợ cây (Nguyễn Trãi),
Thu ăn măng trúc đông ăn giá – Xuân tắm hồ xem hạ tắm ao (Nguyễn Bỉnh Khiêm…).
Đó cũng là yêu cầu khẩn thiết bảo vệ môi trường sinh thái, khi nhân loại thời
nay đang phải gánh chịu mặt trái tai hại, thảm hoạ khôn lường của sự phát triển
quá nhanh, quá nóng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên phạm vi toàn
cầu.
5.
Kết cấu của thi phẩm vẫn theo lối khai thừa chuyển hợp. Nhà thi pháp học đời
Tống là Dương Tải cho ràng: Khởi như khai môn kiến sơn, đột ngột tranh vanh,
hoặc như nhàn vân xuất hác khinh vật tự tại (Câu mở như mở cửa thấy núi, đột
ngột chênh vênh, hoặc như mây nhàn từ hang hốc bay ra nhẹ nhàng lơ lửng).Thì
đây: Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên (Đêm nay, rằm tháng giêng trăng vừa
tròn). Câu thơ mở ra một khung cảnh đêm trăng rằm đầu tiên của một năm mới đẹp
đến mê hồn. Thanh tĩnh, thanh vắng, thanh cao. Rất tiếc các bản dịch thơ tuy đã
có rất nhiều cố gắng nhưng không thể lột tả hết thần thái của nguyên tác về cả
âm điệu, giọng điệu và thi từ. Có nhiều nguyên nhân, mà sâu xa nhất có lẽ do sự
dịch chuyển hệ hình văn hoá. Nguyên tác thuộc hệ hình văn hoá nghe đọc nhìn,
các bản dịch thơ thuộc hệ hình văn hoá nghe đọc
Giọng điệu nguyên tác trang trọng cổ kính, thi từ đã thấp thoáng hiện
lên sức xuân trong hai chữ nguyên tiêu và nguyệt chính viên. Nó ứng chiếu làm
rõ nhan đề của thi phẩm. Câu thơ nghiêng về gợi tả chứ không tả chân. Bản dịch
của Xuân Thuỷ thêm hai chữ lồng lộng và chữ xuân khiến ý thơ lộ. Câu thừa đề
(Thừa xứ như thảo xà trắc tuyến bất tức bất li. Thử liên tiếp phá đề yếu như li
long chi châu bão nhi bất thoát (Câu thừa phải như con rắn cỏ bò ra, không
ngừng không nghỉ. Câu thừa phải tiếp theo câu phá như rồng đen ngậm ngọc, ngậm
chặt không rời, Dương Tải): Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên. Cả không gian
đất trời thấm đẫm sức xuân. Đó cũng là sự cộng hưởng, giao hoà giữa hồn người
và hồn tạo vật; thiên nhân tương cảm. Người đọc hay chữ dễ nhớ đến những câu
Phương thảo liên thiên bích hay Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc của người
xưa. Bản dịch của Xuân Thuỷ bỏ mất một chữ xuân. Thật đáng tiếc. Câu chuyển Yên
ba thâm sứ đàm quân sự. Dương Tải cho rằng: Chuyển xứ như hồng ba vạn khoảnh,
tất hữu cao nguyên. Thử liên dữ tiền liên chi ý, tương lai yếu biến hóa, như
tật lôi phá sơn quan giả kinh ngạc (Câu chuyển như sóng lớn muôn trùng, tất có
chốn cao đổ xuống. Phải khác với ý câu thừa, phải biến hóa như tiếng sét phá
núi, làm cho người xem phải kinh ngạc). Thơ xưa là nơi thi sĩ bộc lộ sự hay
chữ, biết nhiều nhớ lắm, uyên bác, uyên thâm. Mỗi câu mỗi chữ đều khiến người
đọc liên tưởng đến những thi liệu, văn liệu cổ. Mấy chữ Yên ba thâm xứ khiến ta
nhớ tới câu thơ Thôi Hiệu Yên ba giang thượng sử nhân sầu trong Hoàng Hạc lâu,
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu (Thú nhàn của Cao Bá Quát)…; cũng
như ở câu khai đề, người đọc tinh tế ắt phải nhớ tới câu thơ Thanh thảo hồ
trung nguyệt chính viên, (Hồ trong cỏ mượt bóng trăng đầy, Ngư ca tử kỳ 5,
Trương Chí Hòa)… Câu thừa đề khiến nhớ tới Nguyên dạ không đình nguyệt mãn
thiên (Đêm rằm tháng giêng, sân vắng, trăng sáng đầy trời, Quỳnh hải nguyên
tiêu, Nguyễn Du), Nguyệt quang như thủy thủy như thiên (Sông lồng trăng sáng
nước như trời, Nguyệt quang thư hoài, Triệu Hỗ), ở Trương Kế là Nguyệt lạc ô đề
sương mãn thiên (Phong Kiều dạ bạc)… Người xưa không có khái niệm đạo văn như
thời hiện đại. Ở những bậc đại bút. Một chữ một câu của họ thường khiến người
đọc liên tưởng tới nhiều thi văn liệu cổ. Đó là một khoái thú thưởng thơ của cổ nhân. Nguyên tiêu được viết
bằng bút pháp trung đại, không nắm vững thi pháp trung đại dễ dẫn đến tình
trạng thực bất tri kì vị. Điều đáng nói là sâu trong nơi khói sóng là nơi thi
nhân xưa nhớ nhà nhớ người thân…những tình cảm nhân bản đời thường rất đáng
trân trọng, thì lại là nơi Hồ Chí Minh bàn việc quân, một hành sử văn hoá dường
như rất hiếm trong cổ thi. Ba chữ đàm quân sự mang đến một quan niệm cách mạng
của thời đại mới về sứ mệnh của thi ca và người thi sĩ chiến sĩ. Đây có thể coi
là nhãn tự của thi phẩm, nhưng vẫn trên tinh thần tố thi tác từ của Khổng Tử.
Cũng theo Dương Tải câu hợp của một bài tứ tuyệt phải Hợp xứ như phong hồi khí
tụ, huyên vịnh hàm súc (Câu hợp như gió lồng khí tụ, ngậm chứa sâu thẳm). Câu
cuối bài thơ thẫm đẫm không khí, phong cốt cổ thi. Người đọc có nghề chợt nhớ
tới câu thơ Trương Kế trong Phong Kiều dạ bạc (Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều):
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. Có điều tiếng chuông ở chùa Hàn Sơn ngoài
thành Cô Tô, khiến khách giật mình tỉnh mộng, đưa người ta thoát khỏi trạng
thái vô minh để ngộ đạo, trở về với cõi Phật, còn cảnh Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền trong thi phẩm của Hồ Chí Minh làm
hiện hình một khung cảnh thực mà mộng, tĩnh mà động, truyền thống mà hiện đại.
Khung cảnh đêm trăng rằm tháng giêng trên sông xuân thơ mộng là nơi Hồ Chí Minh
bàn việc quân việc nước … Câu thơ mở đầu tuyệt tác của Trương Kế kết thúc bằng
hình ảnh sương mãn thiên, câu kết của
Nguyên tiêu lại kết thúc bằng hình ảnh nguyệt
mãn thuyền. Không gian, điểm nhìn nghệ thuật có sự vận động, câu đầu là
hình ảnh nguyệt chính viên ở trên
cao; câu hai không gian được mô tả tử thấp lên cao từ dòng sông xuân nước xuân
ở tầng thấp hoà quyện với bầu trời xuân cao rộng vô cùng; chữ tiếp tạo ra một sinh quyển đầy sức xuân.
Sức xuân của vạn vật tương cảm. Hồ Chí Minh luôn nhìn tạo vật cuộc sống, thiên
nhiên và con người trong tình bầu bạn giao hoà thân thiết. Một bức tranh toàn
cảnh về xuân thì, xuân sắc. Câu ba, câu bốn là cái nhìn cận cảnh đặc tả yên ba thâm sứ, nguyệt mãn thuyền. Thời
gian cũng được mô tả và biểu hiện tinh tế trong sự vận động từ kim dạ ở câu một đến dạ bán ở câu cuối. Không gian cũng có sự
vận đông tinh tế. Vầng trăng tròn trên trời cao ở câu đầu, đến câu cuối tràn
đầy con thuyền. Nó khiến thi phẩm tĩnh lặng mà không chết lặng. Tĩnh mà động.
Tất cả đậm phong vị Đường thi, Tống thi nhưng vẫn không phải cổ thi. Ba chữ đàm quân sự ở câu chuyển mang lại cho
bài thơ phong cốt hiện đại. Nguyên tác chữ Hán, ở câu đầu có chữ viên (圓),
câu kết xuất hiện chữ mãn (滿),
tạo cho thi phẩm tràn trề sức xuân của tạo vật và lòng người. Con thuyền sâu
trong khói sóng, chở đầy trăng, con thuyền thơ cũng là con thuyền chở thi nhân
chiến sĩ, con thuyền cách mạng trở về thực tại. Một thực tại đẹp như mộng Có
người gọi Bác là ông Tiên, theo tôi chính xác nhất: Bác Hồ đẹp nhất bởi Người
là người trần thế nhất trong những người trần thế, tất cả những gì thuộc về con
người đều không xa lạ với Bác. Đó chính là nét độc đáo của Nguyên tiêu. Đến với bài thơ ta được hạnh ngộ với bậc thi nhân có
tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết đắm say, nhưng trên hết là một tấm lòng yêu
nước thương dân đến quên mình.
Vân Giang, mồng tám tết Ất Mùi
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Bình ngày 07.3.2015
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi
Trích Đăng Lại.
_________________________________________________ Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét