Lửa vẫn cháy trên tầng cây xăng lẻ - Bài viết Nguyễn Anh Tuấn
Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015
Thứ
sáu - 09/08/2013 22:21
...
được điều gì đó mới mẻ bừng nở tâm can trước những vẻ đẹp của thiên nhiên, của
tình người và những giá trị sống có khả năng an ủi, nâng đỡ con người qua nhiều
năm tháng. Và tôi cũng tin, nếu CLV rất tự hào với những tấm hình chụp cùng vợ
đẹp con tài bên Tòa Bạch Ốc Mỹ, hay bên núi Phú Sĩ Nhật Bản... thì anh cũng
đồng thời là người biết phẫn nộ xót đau tận cùng trước những kẻ/ những điều gì
chà đạp, phản bội cái lý do thiêng liêng khiến anh cùng đồng đội ngày ấy phải
có mặt bên những tầng cây xăng lẻ gãy gục sạm khói lửa... Tph. Hồ Chí Minh- Hà
Nội, tháng 7-2013 Đạo diễn-nhà văn Nguyễn Anh Tuấn
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả: Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Bút danh khác Nguyễn Yên Thế
Địa chỉ: Phố Thái Hà, Hà Nội
ĐT: 0912174947
Email: anhtuan.daodien4@gmail.com
_____
LỬA VẪN CHÁY TRÊN TẦNG CÂY XĂNG LẺ
LỬA VẪN CHÁY TRÊN TẦNG CÂY XĂNG LẺ
(Ấn
tượng Châu La Việt)
Lâu lắm tôi mới được gặp lại Châu La Việt…
Tôi gặp anh lần đầu tại ngôi nhà nhìn sang Văn Miếu-Quốc Tử Giám của Lưu Trọng
Văn, khi Văn mới đi du học Nga về. Lúc đó mới biết CLV và tôi là bạn đồng môn
khoa văn ĐHSP Hà NộiI! Nhà văn Lưu Trọng Lư, người ân cần độ lượng với lũ trẻ
mê thơ ca kịch cọt, đã không bao giờ tỏ ra mệt mỏi hay bực bội trước sự quấy
rầy của chúng tôi… Dạo ấy, CLV còn đang tại ngũ và lúc nào cũng kè kè bên mình
tập bản thảo dày mà anh bảo là các kịch bản sân khấu có khả năng dậy sóng các
sàn diễn! Nhưng tôi kính nể anh chủ yếu bởi anh là con của nhạc sĩ Hoàng Thi
Thơ và ca sĩ Tân Nhân nổi tiếng mà tiếng hát "Xa khơi" của bà đã hút
hồn tôi từ thuở hoa niên đến tận giờ… Lần trò chuyện cuối cùng là tại nhà tôi;
tôi tặng anh lính sinh viên mê viết kịch CLV cuốn sách quý nhất trong giá sách
mà tôi mang theo và cõng về từ Tây Bắc- tuyển tập kịch Sêchxpia ngót nghìn
trang…Thế rồi, sau đó mỗi kẻ một phương trong lốc xoáy mưu sinh và lập nghiệp,
và phải đến gần bốn chục năm sau, tình cờ trong ngày Thơ Văn Miếu 2013, chúng
tôi mới gặp lại nhau… Anh đi cùng một người lớn tuổi mà anh gọi bằng “thầy”, và
giới thiệu: nhà thơ Phạm Văn Thanh, nguyên cán bộ Tổ chức khoa văn ĐHSP HNI
(vào thời mà CLV trở lại khoa văn học tiếp sau khi giải ngũ). CLV đã phát
tướng, dáng vẻ không còn sự nhanh nhẹn sắc sảo như xưa, nhưng còn nguyên vẹn nụ
cười khinh bạc như không coi ai ra gì và chẳng có chuyện gì là đáng quan trọng
hết... Anh bảo: anh rất xúc động khi gặp lại tôi, và anh rất quý tôi từ ngày
gặp tại nhà Lưu Trọng Văn. Tôi cũng xao động với bao kỷ niệm khó quên của một
thời trai trẻ, song nghĩ rằng những lời nói đó phần nào mang tính chất lịch sự
xã giao của một cựu sinh viên văn khoa đã “thành tinh” trong nghề làm báo…
Mấy tháng sau, khi biết tôi vào Sài Gòn làm phim tài liệu, anh đã tìm cách liên
lạc với tôi... Tôi không thể nhớ nổi hết, và cũng chẳng cần nhớ làm gì những
mối quan hệ xã hội rộng rãi mà anh khoe – với các vị lãnh đạo chính trị, kinh
tế, văn nghệ từ Trung ương tới các địa phương khắp ba miền trong đời làm báo
(gia đình anh thông gia với nhà thơ Tố Hữu). Nhưng cái ấn tượng sâu sắc nhất
anh để lại trong tôi chính là những việc anh đã và đang làm, bộc lộ sự chí tình
chí nghĩa của anh mà chẳng lời lẽ hay ho hùng biện nào có thể thay thế nổi!
Biết thầy Phạm Văn Thanh từ khi về hưu tại một vùng quê Thái Bình, chật vật
sống và âm thầm mê mải làm thơ, CLV đã cùng vài người bạn đồng môn thu thập bản
thảo, biên tập rồi đưa xuất bản một tập thơ cho thầy, một sự tri âm và tri ân
đáng trọng mang cái tên đẹp giàu ý nghĩa: “Biển có về theo giấc ngủ con
không?”. Nhà văn Xuân Thiều từng trân trọng góp ý sửa chữa từng chữ từng câu
trong những trang viết đầu đời của anh lính trẻ CLV, đối với anh đấy là một cái
nghĩa lớn cần trả; thế là anh đã đứng ra sưu tầm, tổ chức bản thảo để in một
cuốn sách trang trọng: “Xuân Thiều- Cuộc đời & Sự nghiệp” (Nxb lao động,
2012). Bản thân người viết những dòng này cũng phải tri ân nhà văn Xuân Thiều:
truyện ngắn đầu tiên của tôi được xuất hiện trên báo chí Trung ương là do ông
biên tập kỹ lưỡng (Chiếc gà-mèn trong ngục Sơn La- TC Văn nghệ quân đội,
5-1980). Một cô học trò quý của tôi ở trường Sư phạm Thuận Châu Tây Bắc
cùng quê Đức Thọ- Hà Tĩnh với nhà văn Xuân Thiều, lại học cùng với con gái ông,
nên sau đó, một lần bám theo học trò, tôi đã được diện kiến ông tại nhà riêng
phố Nhà Binh Lý Nam Đế và kịp in sâu trong tâm khảm một nhà văn tên tuổi
nhân hậu, giản dị, cởi mở, quý trọng người viết trẻ thực lòng…
Đêm nay, ngồi đọc cuốn sách khổ lớn “Xuân Thiều- Cuộc đời & Sự
nghiệp” do CLV tặng, tôi xúc động nhớ về nhà văn-ông đồ xứ Nghệ đáng kính ấy và
càng thấm thía về nghĩa cử của CLV. Đọc lại truyện ngắn “Truyền thuyết về Quán
Tiên” trong số 5 truyện ngắn chọn lọc được đưa vào tập- một trong những truyện
hay nhất của ông viết về chiến tranh từng bị bóc khỏi tạp chí khi đã in
ra, tôi chợt vỡ lẽ: thì ra, CLV ngoài ân nghĩa riêng, đã bị văn tài của cụ
Xuân Thiều chinh phục tự bao giờ! Lúc ngồi bên hai cốc bia mà chúng tôi chạm cả
chục lần mới hết, CLV như quên hẳn mưa nắng Sài gòn thất thường lẫn nhịp sống
sôi động xung quanh, say sưa với câu chuyện về một một con khỉ dộc chuyên rình
"bà chủ" quán Tiên phục vụ lính lái xe đường Trường Sơn- một nữ thanh
niên xung phong đã có chồng mỗi khi chị tắm suối... CLV và tôi đều lặng người
trước nỗi ân hận dày vò chị TNXP sau khi lừa con dộc để một anh lính hạ thủ nó,
mong thoát khỏi sự rình mò tinh quái và đáng yêu của nó... Ánh mắt long lanh
rớm ướt, CLV thốt lên: "Viết về chiến tranh mà đến thế quả là tuyệt bút,
và hiếm thấy trong văn học ta! Ông cứ làm phim đâu đâu ấy, phải làm phim về câu
chuyện này đi! Sẽ rất lạ, và rất nhân văn đấy..."
Với vốn sống dày dặn của một người lính rồi bước vào "trận báo" phía
Nam cùng sự thụ cảm văn chương tinh tế như vậy, dễ hiểu những sáng tác thơ,
truyện, bút ký của CLV tuy không nhiều và khá nặng tính thông tin của báo chí
song cũng có khả năng lưu lại trong lòng người đọc bao ấn tượng khó phai nhạt
về những năm tháng đã qua... Cũng dễ hiểu, vốn là "con nhà nòi" mang
ở đáy sâu tiềm thức những thanh âm giai điệu ảnh hưởng từ cha mẹ, thơ văn CLV
thường nói về âm nhạc, về tiếng đàn, tiếng hát - nhất là khi, ở giữa nơi tưởng
chỉ có bom đạn, chết chóc lại có "Tiếng vĩ cầm xao động ngôi sao
chiều" (Sức còn lại để hát). Có thể nói những trang văn có sức lay động
nhất của CLV là viết về nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công thời "lửa cháy"
(Chiếc khăn màu lửa, Hoàng hôn cháy, Nhạc sĩ và chiến sĩ...). Bút ký
"Chiếc khăn màu lửa" kể chuyện ca sĩ Lê Dung thời chị là một ca sĩ
trẻ của đoàn nghệ thuật Quân khu tả ngạn sông Hồng, người trong suốt nhiều năm
tháng nâng niu gìn giữ một chiếc khăn choàng đỏ và lá thư 11 chữ ký của những
chiến sĩ ở gửi ra từ chiến trường. Tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị
mới có điều kiện đi tìm những người lính ấy, và chiếc khăn choàng đỏ đã phải
ướt đẫm nước mắt người ca sĩ: tất cả 11 người đã hy sinh dọc đôi bờ Vàm Cỏ
Đông... Còn truyện ngắn "Hoàng hôn cháy" kể về một nhạc sĩ tóc đã
điểm bạc đi thực tế sáng tác ở mặt trận Trường Sơn. Tại một trạm giao liên, có
cô gái đề nghị ông làm một bài hát về nghề nuôi quân. Nhạc sĩ hứa sẽ viết bài
hát đó, trước hết là để tặng riêng cô gái. Khi trở về hậu phương, ông đã thực
hiện lời hứa canh cánh trong lòng, và định gửi cho cô gái thì mới sực nhớ ra là
đã không xin địa chỉ hòm thư... Đến ngày trở lại Trường Sơn, nhạc sĩ tìm đến
trạm giao liên như chiếc tổ chim treo lưng chừng núi, thì được biết cô gái ấy
đã hy sinh... Bên nấm mộ cô gái trên đỉnh núi, nhạc sĩ đã thầm hát bài hát ông
viết về cô, dành riêng cho cô, rồi tới lúc chia tay, ông chôn tờ giấy chép bài
hát cạnh nấm mồ... "Hoàng hôn cháy","Chiếc khăn màu
lửa" là những câu chuyện rất giản dị song trữ lượng cảm xúc - suy
tưởng khá lớn, và nhiều người có thể tìm thấy mình trong đó vào cái thời tâm
hồn và lòng tốt của con người chưa / hoặc không có nguy cơ bị "hóa
thạch" như bây giờ...
Đặc biệt, trong đoản văn "Chuyện kể thứ 5: Cha và con, và..." kể lại
cuộc trở về nước của một nhạc sĩ lưu vong, chúng ta bắt gặp CLV trong tâm sự
thầm kín hiếm hoi "Tôi yêu cuộc đời bằng tình yêu của đứa trẻ mồ côi"
(Tự thú một tình yêu). Và điều đáng quý nhất là từ tâm sự riêng ấy, anh đã vô
tình chạm tới đáy một vấn đề thời sự khá gay gắt: đó là sự Hóa giải cần thiết
giữa biết bao con người từng nằm ở hai chiến tuyến đối lập... Trong lúc đón
người cha ở sân bay sau 40 năm xa cách, "40 năm khổ đau và chờ đợi",
nước mắt nhạt nhòa nóng hổi, tác giả thầm thì với người cha sắp gặp mặt:
"40 năm ba ơi. Đây là lần đầu tiên trong đời có một người đàn ông để con
gục mặt vào ngực. Đây là lúc dòng sông Hiền Lương không còn chảy qua giấc ngủ
mồ côi của con nữa. Đây cũng là lúc không còn một chiến tuyến bên này hay chiến
tuyến bên kia của một thời dĩ vãng. Cũng không còn quốc tịch này hay quốc tịch
khác, mà chỉ còn là người Việt, chỉ còn là cha con mình..." Sau khi tạo ra
được một "trường đồng cảm" mà chắc không ai có thể cầm được nước mắt
cùng người viết, CLV đã buộc người đọc phải tin rằng: để trả lời câu hỏi của
người cha là anh mong muốn nhất điều gì để cha có thể bù đắp cho 40 năm cách
biệt, CLV đã không có cách trả lời nào khác chân thực hơn và rung động hơn. Anh
nói: "Ba ạ, dù trước đây hay bây giờ, chính kiến ba ra sao, hoàn cảnh ba
thế nào, thì con cũng chỉ mong ba một điều: Hãy luôn đứng về phía Nhân
Dân." Rồi, sau khi cha anh khẳng định: "ngay trước đây và cả bây giờ,
những nhạc phẩm sáng tác của ba đều chỉ nhằm ca ngợi quê hương đất nước, ca
ngợi nhân dân", anh mới kể lại với cha: để có cuộc gặp gỡ này giữa hai cha
con, ít nhất cũng đã có hai người bạn lính đã giành phiên trực chiến ác liệt
rồi chết thay cho anh, để anh có thể gặp lại người cha mà anh chưa hề biết
mặt... Thiên đoản văn có dung lượng của một pho tiểu thuyết chứa đựng thân phận
của hai thế hệ "Cha và Con"(Turgenev) ở hai "chiến tuyến" trong
những cơn biến động lịch sử xuyên thế kỷ chan hòa máu và nước mắt của bao lớp
người Việt... Câu chuyện này khiến tôi hiểu CLV hơn, thêm yêu quý và trân trọng
anh bội phần.
Sáng tác văn xuôi của CLV gom lại suốt mấy chục năm chỉ vỏn vẹn trong vài tập
sách mỏng (tập dày nhất chưa tới 200 trang) mà chúng được coi như "một
kỷ vật để trước hết tặng những đồng đội đã cùng tôi chiến đấu
ở mặt trận"; nhưng tôi tin chúng sẽ có sức trụ lại lâu dài với thời
gian- không phải vì "tem dán kiểm định" của một bậc trưởng thượng
trong văn đàn và một vị quan chức cấp cao Hội nhà văn (nhà văn Đỗ Chu và nhà
thơ Hữu Thỉnh viết lời giới thiệu). Những trang truyện & ký của CLV viết về
những con người tuổi đôi mươi đi "vào mặt trận giữa mùa ve đang kêu"
(Hoàng Nhuận Cầm) có vẻ đẹp trong vắt tựa hạt sương trên cành cây cụt ngọn đang
âm ỉ lửa khói, như tiếng chim lảnh lót sau trận bom dữ dội. Với tâm thế ấy,
cùng nhiệt huyết của một đứa con trở về quê mẹ, anh miêu tả về Đất và Người Tây
Nguyên trong những dòng văn đầy mộng mị, huyền thoại mà không mất đi mùi khói
súng... Các nhân vật của CLV đều ở trong hành trình gian khổ đi tìm một cái gì
đó, tìm một ai đó; cuối cùng, dù có thất vọng, phải lau giọt lệ xót đắng bởi
không tìm được người & thứ cần tìm, thì bù lại phần nào, họ bất chợt nhận
ra được điều gì đó mới mẻ bừng nở tâm can trước những vẻ đẹp của thiên nhiên,
của tình người và những giá trị sống có khả năng an ủi, nâng đỡ con người qua
nhiều năm tháng. Và tôi cũng tin, nếu CLV rất tự hào với những tấm hình chụp cùng
vợ đẹp con tài bên Tòa Bạch Ốc Mỹ, hay bên núi Phú Sĩ Nhật Bản... thì anh cũng
đồng thời là người biết phẫn nộ xót đau tận cùng trước những kẻ/ những điều gì
chà đạp, phản bội cái lý do thiêng liêng khiến anh cùng đồng đội ngày ấy phải
có mặt bên những tầng cây xăng lẻ gãy gục sạm khói lửa...
Tph. Hồ
Chí Minh- Hà Nội, tháng 7-2013
Đạo
diễn-nhà văn Nguyễn Anh Tuấn
(Đã in
Văn nghệ Tp HCM)
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại ngày 09/08/2015
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 09/08/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng
Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét